Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 39/2010/TT-BCT

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2010

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 06 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về kinh phí thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại biên giới năm 2010,
Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quy định việc thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại biên giới như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định việc xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại biên giới (sau đây gọi tắt là Chương trình).

2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị chủ trì thực hiện các đề án của Chương trình (sau đây gọi tắt là đơn vị chủ trì), cơ quan quản lý và các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình.

Điều 2. Nguồn kinh phí và thời gian thực hiện Chương trình

1. Kinh phí thực hiện Chương trình theo Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 06 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về kinh phí thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại biên giới năm 2010.

2. Thời gian thực hiện Chương trình kể từ khi Thông tư này có hiệu lực đến hết Quý II năm 2011.

Điều 3. Đơn vị chủ trì và đơn vị tham gia thực hiện Chương trình

1. Đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình phải hội đủ điều kiện sau:

a) Là các tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Có đề án được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.

2. Đơn vị tham gia thực hiện Chương trình là các tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, thương nhân Việt Nam và hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chương II

NỘI DUNG, NGUYÊN TẮC VÀ MỨC HỖ TRỢ

Điều 4. Nâng cao năng lực cho thương nhân tham gia xuất khẩu qua biên giới

1. Phát hành 3 cuốn sổ tay (một cuốn bằng song ngữ Việt-Trung, một cuốn bằng song ngữ Việt-Lào và một cuốn bằng song ngữ Việt-Khmer) cung cấp thông tin đối với mỗi tuyến biên giới về cửa khẩu xuất khẩu hàng hoá, thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh người và phương tiện liên quan đến xuất khẩu hàng hoá, phương thức thanh toán, chính sách thuế và lệ phí, quy định về mẫu mã hàng hoá, kiểm dịch y tế, động vật, thực vật, thuỷ sản, kiểm tra chất lượng hàng hoá… và những điều cần chú ý khi kinh doanh xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới. Hỗ trợ 100% các chi phí sau:

a) Chi phí điều tra, khảo sát, thu thập tư liệu;

b) Chi phí xuất bản;

c) Chi phí phát hành đến các tổ chức, cá nhân có liên quan của Việt Nam và các nước có chung biên giới theo chỉ định của Bộ Công Thương.

2. Phát hành 3 cuốn cẩm nang “hàng hoá và doanh nghiệp Việt Nam” (một cuốn bằng song ngữ Việt-Trung, một cuốn bằng song ngữ Việt-Lào và một cuốn bằng song ngữ Việt-Khmer) cung cấp thông tin về hàng hóa, mạng lưới phân phối và doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại Trung Quốc, Lào và Campuchia. Hỗ trợ 100% các chi phí sau:

a) Chi phí điều tra, khảo sát, thu thập tư liệu;

b) Chi phí xuất bản;

c) Chi phí phát hành đến các tổ chức, cá nhân có liên quan của Việt Nam và các nước có chung biên giới theo chỉ định của Bộ Công Thương.

3. Phát hành chuyên đề giới thiệu chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ liên quan đến thương mại biên giới, miền núi và hải đảo; các bài viết phân tích, phản ánh chủ đề phát triển thương mại biên giới, miền núi và hải đảo; cung cấp thông tin, kinh nghiệm, mô hình của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tình hình thị trường và sản xuất hàng hoá của các vùng biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo. Hỗ trợ 100% các chi phí sau:

a) Chi phí điều tra, khảo sát, thu thập tư liệu;

b) Chi phí xuất bản;

c) Chi phí phát hành đến các tổ chức, cá nhân có liên quan theo chỉ định của Bộ Công Thương.

4. Điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình tiêu thụ hàng Việt Nam qua hệ thống chợ biên giới, qua các Khu kinh tế cửa khẩu và các cửa khẩu. Hỗ trợ 100% các chi phí sau:

a) Chi phí điều tra, khảo sát, thu thập tư liệu (xây dựng phương án, xây dựng đề cương, lập phiếu điều tra, in ấn tài liệu, phiếu điều tra, biểu mẫu, tập huấn nghiệp vụ điều tra, xử lý kết quả điều tra...)

b) Chi phí tổng hợp, đánh giá kết quả điều tra, báo cáo kết quả điều tra, công bố kết quả điều tra theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.

5. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, các chủ nhiệm hợp tác xã và thương nhân vùng biên giới, miền núi và hải đảo về công tác quản lý chợ, khu kinh tế cửa khẩu, tổ chức mua bán, tiêu thụ sản phẩm ở vùng biên giới, miền núi và hải đảo và tổ chức thực hiện các chính sách của Chính phủ. Hỗ trợ 100% các chi phí sau:

a) Chi phí thuê giảng viên;

b) Chi phí biên soạn tài liệu giảng bài, tài liệu cung cấp cho học viên;

c) Chi phí thuê thiết bị giảng dạy.

Điều 5. Tổ chức phân phối hàng Việt đến khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa

Tổ chức các phiên bán hàng Việt từ 2-3 ngày theo quy mô vừa và nhỏ (khoảng 30 doanh nghiệp) tại các huyện biên giới, miền núi vùng sâu, vùng xa. Hỗ trợ các chi phí:

a) Chi phí tổ chức (bao gồm các chi phí thuê địa điểm, tuyên truyền, quảng cáo, khánh tiết, điện nước, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an ninh, trật tự, công tác quản lý, nhân công phục vụ,…) với mức khoán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

b) Chi phí gian hàng, vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp với mức khoán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 6. Xã hội hoá, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới

Hỗ trợ các chi phí phát sinh trong năm 2010 (có hợp đồng và hóa đơn chứng từ hợp pháp) của các doanh nghiệp có các đề án, dự án đầu tư bến bãi vận tải, giao nhận, hệ thống kho tập kết hàng hoá, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ xuất khẩu tại các cửa khẩu khu vực biên giới đã được phê duyệt. Hỗ trợ 100% các chi phí sau:

a) Chi phí thu thập số liệu, tài liệu, khảo sát địa hình, địa chất phục vụ lập dự án đầu tư xây dựng;

b) Chi phí lập dự án đầu tư xây dựng;

c) Chi phí cho các thủ tục hành chính, thẩm tra, phê duyệt…;

d) Chi phí khảo sát, thiết kế.

Điều 7. Phát triển hệ thống phân phối hàng Việt sang các nước có chung biên giới

1. Tổ chức bán hàng Việt từ 3-5 ngày theo quy mô vừa và nhỏ (khoảng 30 doanh nghiệp) tại các trung tâm đông dân cư tại các tỉnh biên giới với Việt Nam của các nước có chung biên giới. Hỗ trợ 100% các chi phí như sau:

a) Chi phí xin giấy phép chính quyền sở tại;

b) Chi phí tổ chức (bao gồm chi phí thuê mặt bằng, điện nước, an ninh, phục vụ…) với mức khoán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

c) Chi phí tuyên truyền quảng cáo.

2. Hỗ trợ các doanh nghiệp thiết lập và mở rộng phân phối hàng Việt tại các tỉnh, thành phố có chung biên giới. Hỗ trợ 100% các chi phí như sau:

a) Chi phí hành chính mở văn phòng đại diện tại các tỉnh thuộc nước ngoài có biên giới chung với Việt Nam.

b) Chi phí thực hiện quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa bàn có biên giới chung.

3. Hỗ trợ chi phí tổ chức các đoàn doanh nghiệp sang giao thương, khảo sát thị trường tại các tỉnh của các nước có chung biên giới do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện. Hỗ trợ 100% các chi phí sau:

a) Chi phí tổ chức: giao dịch, in ấn tài liệu, phiên dịch, tổ chức giao thương;

b) Chi phí đi lại, ăn ở.

Điều 8. Các hoạt động truyền thông

Hỗ trợ 100% chi phí bài viết và phát hành về thương mại biên giới trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam và các tỉnh biên giới (của Việt Nam và nước có chung biên giới với Việt Nam).

Chương III

QUY TRÌNH, THỦ TỤC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

Điều 9. Hội đồng thẩm định Chương trình

1. Hội đồng thẩm định Chương trình được thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

2. Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định.

Điều 10. Quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ

1. Đơn vị chủ trì lập và gửi đề án theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này đến Vụ Thương mại miền núi – Bộ Công Thương, số 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội – Điện thoại: 04.22205447 – Fax: 04.22205521 – Email: VTMMN@moit.gov.vn trước ngày 31 tháng 12 năm 2010.

2. Vụ Thương mại miền núi - Bộ Công Thương căn cứ vào tiêu chí lựa chọn đề án xúc tiến thương mại biên giới, đánh giá nội dung các đề án và tổng hợp gửi Hội đồng thẩm định.

Điều 11. Tiêu chí lựa chọn đề án

1. Phù hợp với nhu cầu thực tế của các tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, thương nhân Việt Nam và hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Phù hợp với định hướng thiết lập và phát triển hệ thống kênh phân phối hàng Việt Nam từ vùng sản xuất đến khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang khu vực biên giới và thị trường của các nước láng giềng.

3. Phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển các vùng kinh tế, ngành, địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Phù hợp với nội dung Chương trình quy định tại Thông tư này.

5. Đảm bảo tính khả thi về: phương thức triển khai; thời gian, tiến độ triển khai; nguồn nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật.

Chương IV

PHÊ DUYỆT, KIỂM TRA, GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ

Điều 12. Phê duyệt các đề án

1. Trên cơ sở đánh giá của Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định phê duyệt và giao cho các đơn vị chủ trì thực hiện đề án.

2. Trong trường hợp có nhiều đơn vị đăng ký tổ chức cùng một hoạt động, Bộ Công Thương xem xét lựa chọn đơn vị chủ trì thực hiện phù hợp.

Điều 13. Kiểm tra, giám sát

1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan giám sát, kiểm tra việc thực hiện các đề án, bảo đảm Chương trình được thực hiện đúng yêu cầu, mục tiêu, nội dung, tiến độ, hiệu quả và theo đúng quy định của pháp luật.

2. Đơn vị chủ trì có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin liên quan đến tình hình thực hiện đề án và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát theo quy định.

Điều 14. Đánh giá kết quả thực hiện đề án

1. Đơn vị chủ trì lập báo cáo kết quả thực hiện đề án gửi về Bộ Công Thương chậm nhất 15 ngày sau khi kết thúc đề án.

2. Trong phạm vi 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo kết quả thực hiện đề án của đơn vị chủ trì, Bộ Công Thương lập Biên bản đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề án.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Công Thương (Vụ Thương mại miền núi) chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, phê duyệt, kiểm tra, giám sát và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chương trình.

2. Đơn vị chủ trì có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện đề án được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ, dự toán và báo cáo kết quả về Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo quy định.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, phản ánh về Bộ Công Thương để kịp thời xử lý./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia;
- Website Chính phủ, Website Bộ Công Thương;
- Công báo;
Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
Lưu: VT các Bộ, Ban CĐ TMBG.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Cẩm Tú

Mẫu số 01: Hồ sơ đơn vị chủ trì

(Ban hành kèm theo Thông tư số 39/2010/TT-BCT ngày 09 tháng 12 năm 2010 của Bộ Công Thương)

HỒ SƠ ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ

XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI

TÊN ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ

Tên đơn vị:

Năm thành lập:

Địa chỉ:

Điện thoại:

Email:

Fax:

Website:

Lãnh đạo đơn vị

Ông/Bà

Chức vụ

Tel:

Lãnh đạo phụ trách

Ông/Bà

Chức vụ

Tel:

Người điều phối

Ông/Bà

Chức vụ

Tel:

Tổng số cán bộ công nhân viên:

Điều kiện cơ sở vật chất:

Kinh nghiệm về hoạt động xúc tiến thương mại:

Các nguồn lực khác:

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

(Ký tên và đóng dấu)

Họ và tên

Mẫu số 02: Đề án xúc tiến thương mại biên giới

(Ban hành kèm theo Thông tư số 39/2010/TT-BCT ngày 09 tháng 12 năm 2010 của Bộ Công Thương)

ĐỀ ÁN

XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI

TÊN ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ

(Tỉnh/Thành phố), ngày…….tháng 12 năm 2010

Tên đề án: ………………………………………

1. Sự cần thiết:

2. Mục tiêu:

3. Yêu cầu:

- Thời gian:

- Địa điểm:

- Đối tượng tham gia:

- Mặt hàng:

- Quy mô:

4. Nội dung hoạt động chính:

5. Phương thức triển khai:

6. Kế hoạch triển khai:

7. Dự toán kinh phí:

8. Dự báo rủi ro và các biện pháp khắc phục:

9. Hiệu quả dự kiến:

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

(Ký tên và đóng dấu)

Họ và tên

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 39/2010/TT-BCT quy định việc thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại biên giới do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 39/2010/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/12/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Nguyễn Cẩm Tú
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 729 đến số 730
  • Ngày hiệu lực: 09/12/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản