BỘ GIÁO DỤC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 38-TT-MN | Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 1964 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
Kính gửi: | - Ủy ban hành chính các khu, thành |
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thông tư 14-TTg ngày 10-2-1964 và công văn bổ sung số 463-TN ngày 28-02-1964 quy định chế độ học bổng cho học sinh, sinh viên miền Nam. Sau khi thống nhất ý kiến giữa Bộ Tài chính, Nội vụ, Lao động, Y tế và Ủy ban Thống nhất, Bộ Giáo dục hướng dẫn một số điểm sau đây để các địa phương, các trường thực hiện.
Các tiêu chuẩn để xét cấp học bổng cho từng loại đã được quy định trong thông tư số 14-TTg của Thủ tướng Chính phủ nay giải thích thêm:
a) Loại 1. - Đối tượng này gồm có:
- Con liệt sĩ: trong khi vận dụng thế nào là con liệt sĩ, cần nghiên cứu bản định nghĩa đã quy định ở nghị định số 980-TTg ngày 27-5-1956 của Thủ tướng Chính phủ (Công báo số 29 năm 1956).
- Con tử sĩ: là con quân nhân từ trần hay mất tích trong khi tại ngũ, con công nhân, cán bộ bị tai nạn, từ trần trong khi làm nhiệm vụ đã quy định ở thông tư số 38-TT-LB ngày 01-8-1962 của liên Bộ Nội vụ - Tài chính (Công báo số 3 năm 1962).
- Thương binh tàn phế: là thương binh hoàn toàn mất sức lao động, tỷ lệ thương tật được xếp loại đặc biệt, loại 1 và loại 2, và đang hưởng chế độ an dưỡng, không hưởng lương như cán bộ trong biên chế Nhà nước.
- Cán bộ do Trung ương quản lý: học sinh, sinh viên con gia đình cán bộ do Trung ương quản lý được Ủy ban thống nhất hoặc Cục cán bộ Tổng cục Chính trị xác nhận chính thức.
Ngoài bốn đối tượng nói trên, học sinh, sinh viên sau đây cũng được xếp loại 1: học sinh, sinh viên nguyên là nhân viên đã tham gia kháng chiến, tập kết theo tiêu chuẩn bản thân chưa được hưởng lương trong biên chế Nhà nước, nhưng phải được xácnhận rõ ràng.
b) Loại 2. - Học sinh mồ côi và không có cha mẹ ở miền Bắc:
- Học sinh mồ côi là học sinh không còn bố mẹ được tập kết ra Bắc, hoặc có cha mẹ tập kết ra Bắc nhưng nay đã chết cả, không có nơi nương tựa.
- Học sinh, sinh viên không có cha mẹ ở miền Bắc: là học sinh, sinh viên con cán bộ, bộ đội tập kết theo tiêu chuẩn gia đình, nhưng chưa được Ủy ban Thống nhất xác nhận là học sinh, sinh viên do Trung ương quản lý, hoặc con của nhân dân, nhưng vì lý do nào đó được tập kết hay vượt tuyến raBắc trong thời gian chuyển quân tập kết mà cha mẹ đều ở lại miền Nam và cũng đã được trợ cấp theo thông tư 20-TTg và thông tư 27-TTg của Phủ Thủ tướng.
Học sinh, sinh viên mồ côi hoặc không có cha mẹ ở miền Bắc, phải được hội đồng hương tỉnh xác nhận.
c) Loại 3. – Bao gồm những học sinh, sinh viên con cán bộ, bộ đội có mức bình quân nhân khẩu hàng tháng trong gia đình dưới 15đ ở nông thôn và dưới 20đ ở thành thị.
d) Loại 4. – Bao gồm những học sinh, sinh viên con cán bộ, bộ đội có mức thu nhập bình quân nhân khẩu hàng tháng trong gia đình từ 15đ đến 20đ ở nông thôn và từ 20đ đến 25đ ở thành thị.
Cách tính tiêu chuẩn bình quân ở thành thị và nông thôn
- Học sinh, sinh viên có gia đình công tác ở thành phố Hà-nội, Hải-phòng, và những vùng có phụ cấp khu vực từ 10% trở lên, thì được tính tiêu chuẩn thành thị. Còn các vùng khác thì tính theotiêu chuẩn nông thôn.
- Học sinh, sinh viên có cha ở thành phố, mẹ ở nông thôn và ngược lại, thi khi vận dụng tiêu chuẩn để xét học bổng nên căn cứ vào nơi sinh hoạt của gia đình. Trường hợp gia đình ở hai nơi, thì lấy nơi công tác của cán bộ (chủ gia đình) làm căn cứ để xét.
- Đối với học sinh, sinh viên các trường trung học chuyên nghiệp, đại học có vợ hay có chồng, nếu vợ hay chồng công tác sản xuất, thì thu nhập bình quân tính theo nơi người đang công tác hay sản xuất. Trường hợp vợ chồng đều là sinh viên, học sinh không có cha mẹ ở miền bắc, nếu thuộc tiêu chuẩn nào thì cấp theo tiêu chuẩn đó; nếu có cha mẹ thì tính theo tiêu chuẩn loại có cha mẹ ở miền Bắc.
Những học sinh, sinh viên đã được xét cấp học bổng theo thông tư 020-TTg ngày 17-01-1961 và thông tư 27-TTg ngày 03-3-1962 của Phủ Thủ tướng, đều là đối tượng để được xét cấp học bổng theo thông tư 14-TTg ngày 10-02-1964 của Phủ Thủ tướng.
Ngoài bốn loại học bổng đã được quy định tại thông tư 14-TTg ngày 10-02-1964, số học sinh, sinh viên sau đây sẽ được xétcấp:
1. Học sinh miền Nam học ở các trường sơ cấp, nghiệp vụ sẽ được cấp bằng mức học bổng cấp III phổ thông, cụ thể hàng tháng:
- Loại 1: 28đ50 - Loại 3: 15đ00
- Loại 2: 26đ50 - Loại 4: 10đ00
2. Học sinh, sinh viên có cha mẹ ở miền Bắc, nhưng cha mẹ đều đi an dưỡng dài hạn theo chế độ an dưỡng của đồng bào miền Nam, hoặc hưu trí, mất sức lao động và hàng tháng được hưởng mức trợ cấp tối thiểu từ 25đ trở xuống. Để chiếu cố đến loại học sinh, sinh viên này, xem như gia đình không có thu nhập, nên được xét cấp học bổng hàng tháng như sau:
Hệ phổ thông:
Phụ cấp bằng loại 2 của học sinh miền Nam học phổ thông.
- Cấp I: 23đ50
- Cấp II: 25,00
- Cấp III: 26,50
Đại học vàchuyên nghiệp:
Bằng học bổng đặc biệt của sinh viên, học sinh miền Bắc:
- Sơ cấp, nghiệp vụ 24đ00
- Trung học chuyên nghiệp 26đ
- Đại học 28đ
3. Học sinh, sinh viên học trường phổ thông, trường trung học chuyên nghiệp, đại học, giỏi toàn diện, có tư cách đạo đức tốt, được Hồ Chủ Tịch hoặc cấp Bộ khen thì cần chú ý khuyến khích khi xét cấp học bổng.
III. NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐƯỢC TRỢ CẤP
1. Những học sinh, sinh viên miền Nam có cha mẹ ở miền Bắc, thu nhập bình quân nhân khẩu hàng tháng trong gia đình từ 20đ10 trở lên ở nông thôn và từ 25đ10 trở lên ở thành thị thì không được xét cấp học bổng.
2. Học sinh, sinh viên miền Nam ra Bắc không bằng đường tập kết có cha mẹ ở miền Bắc thì nay không được xét cấp học bổng theo chế độ học sinh miền Nam tập kết. Đối với học sinh, sinh viên vượt tuyến ra Bắc sau ngày hòa bình lập lại, có cha mẹ ở miền Bắc nếu trước đây chưa được cấp học bổng theo thông tư 020-TTg và thông tư 27-TTg thì nay không được xét cấp học bổng.
Đối với học sinh, sinh viên tuy vượt tuyến ra Bắc sau ngày hòa bình lập lại (có cha mẹ hoặc không có cha mẹ) nếu trước đây đã được cấp học bổng theo thông tư 020-TTg hoặc thông tư 27-TTg thì nay được xét chuyển sang chế độ học bổng mới.
3. Học sinh, sinh viên miền Nam bị bệnh kinh niên, có tật, đã điều trị, điều dưỡng, nhưng không có điều kiện để tiếp tục học được nữa, nếu có cha mẹ thì trả về cho cha mẹ nuôi dưỡng. Trường hợp cha mẹ gặp khó khăn không thể nuôi con, thì cha mẹ trực tiếp đề nghị với Bộ Nội vụ xét cho tạm gửi vào trại an dưỡng miền Nam và hàng tháng phải nộp đủ tiền ăn cho trại. Nếu học sinh, sinh viên không có cha mẹ thì Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh (đối với học sinh ngoại trú) hay Bộ Giáo dục (đối với học sinh, sinh viên nội trú) đề nghị với Bộ Nội vụ xét thu nhận vào các trại an dưỡng và cho hưởng chế độ chung của trại.
4. Đối với học sinh, sinh viên vì lý do nào đó như: quá tuổi học, học lại lớp, hoặc tư cách đạo đức quá kém, vi phạm tổ chức nội quy của nhà trường không chịu sự giáo dục của nhà trường, nếu có cha mẹ thì cho thôi học và trả về cho cha mẹ quản lý; gia đình gặp khó khăn thì tùy hoàn cảnh cụ thể mà xét cấp từ một đến ba tháng sinh hoạt phí tối đa mỗi tháng 20đ theo tinh thần thông tư 042-TTg ngày 12-02-1959 của Phủ Thủ tướng. Nếu không có cha mẹ, mà học sinh, sinh viên trên17 tuổi, thì cũng cho thôi học và cơ quan trực tiếp quản lý học sinh, sinh viên đó, liên hệ với nhà máy, xí nghiệp, nông trường, đưa các em đi học nghề hoặc tham giao lao động sản xuất, và được cấp tiền ăn và tiêu vặt trong sáu tháng mỗi tháng 22đ theo thông tư số 042-TTg ngày 12-02-1959 nếu đơn vị sản xuất ấy chưa có khả năng đài thọ. Tiền cấp ra sản xuất cho học sinh, sinh viên do đơn vị tiếp nhận học sinh, sinh viên quản lý. Đối với học sinh dưới 17 tuổi, thì tùy hoàn cảnh cụ thể của mỗi em, cơ quan quản lý những học sinh đó bàn bạc với cơ sở sản xuất để giải quyết cho thích hợp, tránh tình trạng ảnh hưởng không tốt đến sinh hoạt của các em.
Đối với học sinh, sinh viên không có cha mẹ ở miền Bắc nói ở điểm 3 và 4 trên đâytrong lúc chờ đợi giải quyết đi an dưỡng hoặc đi sản xuất (học sinh, sinh viên tốt) thì cho tạm hưởng 22đ một tháng theo tinh thần thông tư số 042-TTg ngày 12-02-1959 và thời gian chờ đợi giải quyết không quá sáu tháng. Riêng đối với học sinh, sinh viên bị kỷ luật, chỉ được cấp 20đ, trong thời gian chờ đợi giải quyết (không quá sáu tháng).
1. Sách giáo khoa và giáo trình cho học sinh, sinh viên chuyên nghiệp và đại học: theo chế độ chung đã quy định của Bộ Giáo dục cho học sinh, sinh viên học ở các trường đại học và trung học chuyên nghiệp.
2. Sách giáo khoa cho học sinh phổ thông:
Học sinh miền Nam loại 1 và 2 ở nội trú được mượn sách giáo khoa để học, sau mỗi năm học phải trả lại cho nhà trường để dùng cho năm sau. Học sinh được mượn sách để học phải giữ gìn, nếu bị rách phải đóng lai, nếu làm mất phải đền. Học sinh loại 3 và 4, sách giáo khoa do gia đình đài thọ.
3. Chế độ khám và chữa bệnh:
- Học sinh, sinh viên miền Nam được cấp học bổng loại 1, 2 ở nội ngoại trú, nếu ốm đau đều được khám bệnh và điều trị ở các bệnh viện nhân dân địa phương. Tiền bồi dưỡng thuốc men do nhà trường thanh toán.
- Học sinh, sinh viên được cấp học bổng loại 3, 4 và loại không được cấp học bổng, lúc ốm đau cũng được khám bệnh và điều trị ở các bệnh viện nhân dân địa phương. Tiền bồi dưỡng thuốc men được hưởng theo chế độ như con cán bộ, công nhân viên miền Bắc.
4. Chế độ tập thể phí
Học sinh miền Nam học ở trường nội trú miền Nam hàng tháng được cấp 0đ50 để dùng vào tập thể phí, vui khỏe, sách báo v.v…số tiền này do nhà trường quản lý mua sắm trang bị cho tập thể.
Học sinh, sinh viên miền Nam ở các trường đại học, chuyên nghiệp được hưởng theo chế độ chung.
5. Vệ sinh phí cho nữ sinh:
Đối với nữ sinh đã lớn tuổi, đến thời kinh nguyệt học ở nội hay ngoại trú, được cấp học bổng loại 1, 2 hàng tháng được cấp thêm 0đ50 để dùng vào vệ sinh phí.
6. Chế độ đóng học phí:
Học sinh được cấp học bổng loại 1, 2, 3, 4 học ngoại trú (phổ thông) đều được miễn đóng học phí. Học sinh không được cấp học bổng, thì áp dụng theo chế độ chung như học sinh miền Bắc.
V. CÁCH TÍNH THU NHẬP, NHÂN KHẨU VÀ CHIA BÌNH QUÂN.
1. Cách tính nhân khẩu:
Nhân khẩu trong gia đình được tính gồm những người mà gia đình trực tiếp phải nuôi như: con đẻ, bố mẹ già mất sức lao động không có thu nhập phải sống nhờ con. Nếu là con nuôi phải có giấy tờ hợp pháp thừa nhận.
Những người gia đình thuê mượn để giúp việc, những người con đã ra công tác, ra sản xuất, đi học nước ngoài không phải nhờ vào gia đình nữa, thì không tính vào nhân khẩu của gia đình.
Ví dụ: gia đình ông X ở Hà-nội có hai vợ chồng, một người con họcđại học trước được cấp 26đ80, ba người con phải nuôi. Gia đình ông X có sáu người được tính nhân khẩu.
2. Cách tính thu nhập:
Tiền thu nhập trong gia đình gồm tiền lương của vợ, chồng và các khoản thu nhập thường xuyên khácnhư: phụ cấp thâm niên, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ, tiền hoa màu sản xuất chính, tiền trợ cấp đông con.
Ví dụ 1: Thu nhập của gia đình ông X ở thành thị:
- Lương chính của ông X | : | 75đ00 |
- Phụ cấp khu vực 12% | : | 9,00 |
- Lương chính của bà X | : | 50,00 |
- Phụ cấp khu vực 12% | : | 6,00 |
- Tiền trợ cấp đông con | : | 5,00 |
Thu nhập hàng tháng của gia đình ông X là | : | 145đ00 |
Ví dụ 2: Thu nhập gia đình của ông A ở nông thôn, gia đình ông A có sáu nhân khẩu: hai vợ chồng, bốn người con, trong đó có một người con trước được cấp học bổng loại 1 ở ngoại trú.
- Lương chính của ông A (không có phụ cấp khu vực) | = | 50đ00 |
- Bà A làm ruộng, trung bình mỗi năm thu hoạch được 3 tạ thóc, tính ra tiền: 300kg X 0,27 : 12 tháng (không kể thu nhập về kinh tế phụ ) | = | 6đ75 |
- Tiền trợ cấp đông con | = | 5đ |
Tổng số thu nhập hàng tháng của gia đình ông A là | : | 61đ75 |
3. Cách tính bình quân:
Bình quân nhân khẩu trong gia đình được tính như sau: đối với cán bộ, công nhân viên trong biên chế Nhà nước, được giữ lại 40% lương và phụ cấp khu vực. Số tiền còn lại và phụ cấp con (nếu có) công với thu nhập khác của gia đình, để chia bình quân nhân khẩu cho số người còn lại.
Đối với những người lương ít nếu tính 40% lương chưa đến 25đ thì cũng được giữ lại 25đ cho bản thân người có lương, để đảm bảo sinh hoạt tối thiểu cho cán bộ, nhân viên đó.
Lấy gia đình ông X nói trên làm ví dụ:
Ông bà X đều là cán bộ trong biên chế Nhà nước, mỗi người được giữ lại 40% lương.
- Ông X : 84đ00 x 40 : 100 = 33đ,60
- Bà X : 56,00 x 40 : 100 = 22đ,40
Bà X trừ 40% lương chưa đủ 25đ nay được tính 25đ. Số tiền lương còn lại của ông bà X cộng 5đ tiền trợ cấp đông con, để chia cho bốn người con: (84đ-33đ60) + (56đ00-25đ00)+5đ00 = 86đ40
Bình quân nhân khẩu của gia đình ông X là:
86đ40 : 4 = 21đ60
Như vậy con ông X học ở đại học, trước đây được trợ cấp loại 3 = 26đ80, nay chuyển sang học bổng loại 4 = 11đ
4. Những trường hợp cần chú ý:
a) Khi tính bình quân nhân khẩu không tính nhân khẩu của người cán bộ đã được trừ 40% lương.
b) Bản thân học sinh, sinh viên được tính nhân khẩu trong gia đình, nhưng tiền học bổng được cấp trước đây không tính vào thu nhập của gia đình
c) Những gia đình trước đây có nhiều con đi học đều được cấp học bổng, thì nay không xét cấp đồng loạt như trước đây, mà chỉ xét dần cho từng học sinh. Nếu người con thứ nhất đã được cấp học bổng mà bình quân nhân khẩu còn thấp thì tiếp tục cấp cho người con thứ hai. Nếu người con thứ hai được cấp học bổng mà bình quân nhân khẩu bằng mức bình quân của những gia đình không được cấp học bổng (từ 20đ và 25đ trở lên ở nông thôn và thành thị) thì không xét cấp học bổng cho người con thứ ba nữa.
Cách vận dụng trong khi xét: trường hợp một gia đình có nhiều con học ở nhiều trường, người con nào học cấp cao nhất, thì do trường có học sinh, sinh viên học đó xét trước. Nếu cần xin trợ cấp cho người con thứ hai, gia đình phải xin giấy chứng nhận (mức học bổng) của trường nơi người con thứ nhất đã cấp, để xin cấp học bổng cho người con thứ hai.
1. Phổ biến chủ trương
Để thi hành tốt chính sách cấp học bổng cho học sinh, sinh viên miền Nam, Bộ Giáo dục đề nghị các Bộ, các ngành, các Ủy ban hành chính địa phương phổ biến và giải thích chu đáo tinh thần thông tư số 14-TTg ngày 10-2-1964 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư giải thích của Bộ Giáo dục trong cán bộ miền Nam và có kế hoạch chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện.
2. Kế hoạch thực hiện
a) Phần học sinh, sinh viên:
Đối với học sinh, sinh viên có cha mẹ ở miền Bắc phải có bản kê khai thu nhập của gia đình (có xác nhận của cơ quan) nộp cho trường (nếu là học sinh, sinh viên học nội trú) nộp cho Sở, Ty Giáo dục (nếu là học sinh học ngoại trú) theo quy định:
- Đối với học sinh, sinh viên là con liệt sĩ, tử sĩ, mồ côi cha mẹ hoặc không có cha mẹ ở miền Bắc, học sinh, sinh viên con gia đình cán bộ do Trung ương quản lý, học sinh, sinh viên tập kết theo tiêu chuẩn bản thân, phải có xác nhận rõ ràng của cơ quan có trách nhiệm.
- Riêng đối với học sinh, sinh viên thuộc diện con gia đình do Trung ương quản lý, đã được Ủy ban Thống nhất hoặc Cục cán bộ Tổng cục Chính trị xác nhận là học sinh, sinh viên do Trung ương quản lý thì không phải kê khai thu nhập.
- Các bản kê khai thu nhập của học sinh, sinh viên có cha hoặc mẹ là quân nhân tại ngũ, cũng phải được thủ trưởng cơ quan đơn vị (nơi cấp lương) xác nhận chính thức số nhân khẩu và mức bình quân thu nhập của gia đình.
- Những học sinh, sinh viên có cha mẹ ở miền Bắc, nhưng không nộp bản kê khai thu nhập gia đình thì tạm đình chỉ cấp phát học bổng từ đầu năm học 1964-1965 cho đến khi nào có bản kê khai thu nhập mới được xét duyệt.
- Đối với những trường hợp man khai, nếu phát hiện, thì phải truy hoàn số tiền chênh lệch lại cho công quỹ và tùy lỗi nặng nhẹ mà định cấp hoặc không cấp học bổng nữa.
b) Phần Sở, Ty Giáo dục và các trường:
1. Các Sở, Ty Giáo dục, các trường căn cứ vào bản kê khai thu nhập, nghiên cứu xét sắp xếp phân loại học bổng, lập danh sách báo cáo về Bộ chủ quản hoặc Ủy ban hành chính địa phương để xin xét duyệt.
Học bổng của học sinh các trường học sinh miền Nam nội trú thì do trường và Sở, Ty Giáo dục xét duyệt, và Bộ Giáo dục quyết định.
2. Việc xét cấp học bổng cho học sinh, sinh viên miền Nam theo chế độ mới phải hoàn thành trước cuối tháng 8-1964.
3. Sau khi hoàn thành việc xét cấp học bổng, các Sở, Ty Giáo dục, các trường trực thuộc Bộ Giáo dục phải lập bản danh sách theo từng loại (mẫu kèm theo)(1) và báo cáo về Bộ. Các trường thuộc các Bộ, các ngành khác phải gửi bản sao, danh sách học sinh, sinh viên được cấp học bổng về Bộ Giáo dục để tiện việc theo dõi.
4. Trước khi bắt đầu mỗi năm học, gia đình học sinh, sinh viên nói chung phải kê khai lại số thu nhập, số nhân khẩu trong gia đình để xét lại học bổng cho học sinh, sinh viên.
Riêng đối với học sinh, sinh viên thuộc loại 1, loại 2, các trường căn cứ vào xác nhận chính thức của cơ quan có trách nhiệm để cấp phát học bổng cho các em.
Học sinh, sinh viên miền Nam mới được Ủy ban Thống nhất hoặc Cục cán bộ Tổng cục Chính trị xác nhận là con gia đình cán bộ do Trung ương quản lý, hoặc trường hợp cha mẹ mới chết, bản thân học sinh, sinh viên không có người nuôi dưỡng hoặc bình quân thu nhập của gia đình có thay đổi, nếu được cơ quan có trách nhiệm xác nhận cần giải quyết ngay sau khi có giấy tờ hợp lệ.
1. Chế độ học bổng mới được thi hành kể từ ngày 01-9-1964 cho học sinh, sinh viên miền Nam đại học, trung học chuyên nghiệp và phổ thông nội ngoại trú loại 1, 2, 3, 4. Riêng đối với học sinh miền Nam học trường phổ thông ngoại trú được cấp loại 1, loại 2 thì thi hành từ ngày 01-3-1964.
2. Học sinh, sinh viên miền Nam học ở các trường đại học, trung học chuyên nghiệp do các bộ, ngành có trường xét duyệt và cấp phát học bổng.
3. Kinh phí cấp phát học bổng cho học sinh miền Nam học trường phổ thông ngoại trú do ngân sách địa phương đài thọ.
4. Những điều quy định trước đây trái với tinh thần thông tư này đều bãi bỏ.
Trên đây là một số điểm cụ thể hướng dẫn việc xétcấp học bổng cho học sinh, sinh viên miền Nam, Bộ Giáo dục đề nghị các Bộ, các ngành, các cấp, các Ủy ban hành chính địa phương, các Sở, Ty Giáo dục, các trường nghiên cứu và chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện chính sách đối với học sinh, sinh viên miền Nam.
Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn gì, các ngành, các địa phương, các Sở, Ty Giáo dục các trường báo cáo kịp thời về Bộ Giáo dục biết để có biện pháp giải quyết.
(1)Mẫu không đang công báo | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC |
Thông tư 38-TT-MN-1964 hướng dẫn thi hành Thông tư 14-TTg-1964 về chế độ học bổng của học sinh, sinh viên miền Nam do Bộ Thương binh và xã hội ban hành
- Số hiệu: 38-TT-MN
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 01/08/1964
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
- Người ký: Nguyễn Khánh Toàn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 29
- Ngày hiệu lực: 01/09/1964
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định