Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/2012/TT-BGDĐT | Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2012 |
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông,
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17 tháng 12 năm 2012.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
THI KHOA HỌC, KỸ THUẬT CẤP QUỐC GIA HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ VÀ TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT, ngày 02 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định về Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia (sau đây gọi tắt là Cuộc thi) bao gồm: những vấn đề chung; công tác chuẩn bị cho cuộc thi; chấm thi; xử lý kết quả thi; thanh tra, kiểm tra, giám sát, khen thưởng và xử lý vi phạm của Cuộc thi.
2. Quy chế này áp dụng cho các cơ sở giáo dục có học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông (sau đây gọi tắt là học sinh trung học) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
1. Mục đích:
a) Khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống;
b) Góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực học sinh; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học;
c) Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học;
d) Tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.
2. Yêu cầu: tổ chức Cuộc thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, chính xác, khoa học, khách quan, công bằng.
Điều 3. Nội dung và hình thức thi
Nội dung thi là kết quả nghiên cứu của các dự án, đề tài, công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật (sau đây gọi chung là dự án) thuộc các lĩnh vực của Cuộc thi (phụ lục I); dự án có thể của 01 học sinh (gọi là dự án cá nhân) hoặc của nhóm không quá 3 học sinh (gọi là dự án tập thể).
2. Hình thức thi:
Dự án dự thi được trưng bày tại khu vực trưng bày của Cuộc thi, tác giả hoặc nhóm tác giả trình bày dự án và trả lời phỏng vấn của ban giám khảo.
Điều 4. Yêu cầu đối với dự án dự thi
1. Đảm bảo tính trung thực trong nghiên cứu khoa học; không gian lận, sao chép trái phép, giả mạo; không sử dụng hay trình bày nội dung, kết quả nghiên cứu của người khác như là của mình.
2. Nếu dự án dự thi là một phần của một dự án lớn hơn thì học sinh có dự án dự thi (sau đây gọi tắt là thí sinh) phải là tác giả của toàn bộ dự án dự thi.
3. Thời gian nghiên cứu của dự án dự thi không quá 12 tháng liên tục và trong khoảng từ tháng 01 năm liền kề trước năm tổ chức Cuộc thi đến trước ngày khai mạc Cuộc thi 30 ngày.
4. Nếu dự án dự thi được nghiên cứu trong thời gian nhiều hơn 12 tháng thì chỉ đánh giá những phần việc được nghiên cứu trong thời gian quy định tại khoản 3 của điều này.
5. Các dự án tập thể không được phép đổi các thành viên khi đã bắt đầu thực hiện dự án.
6. Những dự án nghiên cứu có liên quan đến các mầm bệnh, hóa chất độc hại hoặc các chất ảnh hưởng đến môi trường không được tham gia Cuộc thi.
7. Những dự án dựa trên những nghiên cứu trước đây ở cùng lĩnh vực nghiên cứu có thể được tiếp tục dự thi; những dự án này phải chứng tỏ được những nghiên cứu tiếp theo là mới và khác với dự án trước.
8. Dự án phải đảm bảo yêu cầu về trưng bày theo quy định của ban chỉ đạo Cuộc thi. Không trưng bày những vật không được phép trưng bày tại Cuộc thi (Phụ lục II).
Điều 5. Đơn vị dự thi, thí sinh và người hướng dẫn nghiên cứu
1. Đơn vị dự thi:
a) Mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo, trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; mỗi đại học, trường đại học có trường (hoặc khối) trung học phổ thông chuyên (hoặc năng khiếu) có dự án dự thi là một đơn vị dự thi.
b) Mỗi đơn vị dự thi có thể đăng ký một hoặc nhiều dự án dự thi. Số lượng dự án dự thi tối đa cho một đơn vị dự thi được thông báo tại văn bản hướng dẫn tổ chức Cuộc thi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Thí sinh và người hướng dẫn nghiên cứu
a) Thí sinh là học sinh lớp 9, 10, 11, 12
b) Thí sinh phải có đủ các điều kiện sau:
- Có kết quả xếp loại hạnh kiểm, học lực học kỳ I (nếu Cuộc thi được tổ chức trong học kỳ II) hoặc năm học liền kề trước năm học tổ chức Cuộc thi (nếu Cuộc thi được tổ chức trong học kì I) từ khá trở lên;
- Tự nguyện tham gia và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi.
- Mỗi thí sinh chỉ được tham gia vào 01 dự án dự thi;
c) Mỗi dự án dự thi có tối thiểu 01 người hướng dẫn nghiên cứu. Một người hướng dẫn được hướng dẫn tối đa hai dự án nghiên cứu khoa học của học sinh trong cùng thời gian.
Điều 6. Thời gian, địa điểm tổ chức Cuộc thi
1. Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức một lần Cuộc thi.
2. Thời gian, địa điểm tổ chức Cuộc thi được thông báo tại văn bản hướng dẫn tổ chức Cuộc thi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 7. Công tác chỉ đạo và tổ chức Cuộc thi
1. Ban chỉ đạo Cuộc thi:
a) Hằng năm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập ban chỉ đạo Cuộc thi.
b) Thành phần ban chỉ đạo Cuộc thi:
- Trưởng ban: Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Các Phó trưởng ban: Lãnh đạo Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật ở Trung ương; Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Giáo dục Đại học, Vụ Giáo dục trung học, Vụ Công tác học sinh sinh viên, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo nơi đăng cai tổ chức Cuộc thi.
- Ủy viên: Chuyên viên các vụ, cục, văn phòng các bộ và cơ quan liên quan, chuyên gia khoa học trong các lĩnh vực của Cuộc thi, lãnh đạo hoặc chuyên viên các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc các sở giáo dục và đào tạo đăng cai tổ chức Cuộc thi.
- Vụ Giáo dục trung học là thường trực ban chỉ đạo Cuộc thi.
c) Nhiệm vụ của ban chỉ đạo Cuộc thi:
Giúp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, tổ chức Cuộc thi.
2. Trách nhiệm của thường trực ban chỉ đạo Cuộc thi:
Hằng năm, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các công việc sau:
a) Xây dựng kế hoạch chỉ đạo, tổ chức Cuộc thi trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt;
b) Hướng dẫn tổ chức Cuộc thi;
c) Trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập ban giám khảo của Cuộc thi;
d) Tổ chức chấm thi, xét kết quả thi trình trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi quyết định;
đ) Xử lí khiếu nại trong Cuộc thi;
e) Cấp giấy chứng nhận cho học sinh đoạt giải Cuộc thi.
1. Thành viên của ban chỉ đạo, hội đồng thẩm định hồ sơ dự thi, ban giám khảo (gọi chung là những người tham gia tổ chức Cuộc thi) phải có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao và không trong thời gian bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 của điều này, thành viên hội đồng thẩm định hồ sơ dự thi, ban giám khảo còn phải là những người có năng lực chuyên môn tốt, có kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của hội đồng thẩm định hồ sơ dự thi, ban giám khảo.
3. Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 và 2 của điều này, thành viên ban giám khảo phải có thêm các điều kiện sau:
a) Không có vợ, chồng, con hoặc anh, chị, em, cháu ruột hoặc anh, chị, em, cháu ruột vợ (hoặc chồng), người được giám hộ hoặc được đỡ đầu tham dự Cuộc thi;
b) Không phải là người hướng dẫn thí sinh hay giáo viên đang dạy chính khoá thí sinh.
Điều 9. Trách nhiệm của đơn vị dự thi
1. Căn cứ quy chế này và các văn bản hướng dẫn tổ chức Cuộc thi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đơn vị dự thi chỉ đạo, tổ chức Cuộc thi khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học ở địa phương, đơn vị phù hợp với điều kiện thực tế và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Lập hồ sơ dự thi và đăng ký dự thi đúng quy định.
3. Đảm bảo các điều kiện cần thiết cho thí sinh trong thời gian tham gia Cuộc thi.
4. Chuẩn bị hồ sơ dự thi và đăng kí dự thi theo quy định của các cuộc thi khoa học, kỹ thuật khu vực và quốc tế (sau đây gọi tắt là Cuộc thi quốc tế), trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt nếu dự án và học sinh thuộc đơn vị mình đủ điều kiện tham dự từng Cuộc thi quốc tế.
Điều 10. Trách nhiệm của thí sinh
1. Chịu trách nhiệm về dự án dự thi của mình theo quy định tại Quy chế này và các văn bản hướng dẫn tổ chức Cuộc thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Đăng kí dự thi theo đơn vị dự thi.
3. Tham gia Cuộc thi theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và ban chỉ đạo Cuộc thi.
Điều 11. Trách nhiệm, quyền lợi của người hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học
1. Giáo viên, giảng viên, cán bộ nghiên cứu, nhà khoa học tham gia hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học chịu trách nhiệm về nội dung của dự án mình hướng dẫn.
2. Người hướng dẫn được tính giờ nghiên cứu khoa học, giờ dạy và các quyền lợi khác theo các quy định hiện hành có liên quan sau khi hoàn thành việc hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học.
CÔNG TÁC CHUẨN BỊ CHO CUỘC THI
Điều 12. Lựa chọn các dự án dự thi
Các đơn vị dự thi tổ chức việc chấm, xét duyệt các dự án của đơn vị mình được cử tham dự Cuộc thi, đảm bảo các yêu cầu quy định tại điều 5 của quy chế này và các văn bản hướng dẫn tổ chức Cuộc thi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hồ sơ dự thi bao gồm:
1. Quyết định của thủ trưởng đơn vị dự thi cử các dự án tham dự Cuộc thi.
2. Bản đăng kí số lượng dự án, số lượng thí sinh dự thi.
3. Phiếu báo xếp loại hạnh kiểm và học lực của thí sinh có xác nhận của hiệu trưởng nhà trường.
4. Hồ sơ dự án đăng ký dự thi theo quy định tại các văn bản hướng dẫn tổ chức Cuộc thi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 14. Đăng ký tham dự Cuộc thi
Hồ sơ dự thi kèm theo danh sách dự án, danh sách thí sinh được gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục trung học) trước ngày khai mạc Cuộc thi ít nhất 30 ngày, riêng bản đăng ký số lượng dự án dự thi, loại dự án và số lượng thí sinh được gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục trung học) trước ngày khai mạc Cuộc thi ít nhất 45 ngày; sau thời hạn này, không điều chỉnh danh sách dự án, thí sinh đăng kí dự thi.
Điều 15. Thẩm định hồ sơ dự thi
1. Thành lập hội đồng thẩm định hồ sơ dự thi:
a) Hội đồng thẩm định hồ sơ dự thi do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập;
b) Cơ cấu và thành phần hội đồng thẩm định hồ sơ dự thi:
- Chủ tịch: Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Phó chủ tịch: Lãnh đạo vụ Giáo dục trung học;
- Thư ký: Chuyên viên vụ Giáo dục trung học;
- Tiểu ban thẩm định về khả năng rủi ro về thân thể, tâm lý gồm trưởng tiểu ban và các uỷ viên;
- Các tiểu ban thẩm định khoa học: Mỗi lĩnh vực dự thi có một tiểu ban thẩm định khoa học; mỗi tiểu ban thẩm định khoa học có Trưởng tiểu ban và các ủy viên là các chuyên gia khoa học, nghiên cứu viên, chuyên viên, giảng viên đại học, giáo viên trung học.
2. Hội đồng thẩm định hồ sơ dự thi có nhiệm vụ thẩm định hồ sơ dự thi theo quy định tại điều 4, 5, 13 quy chế này và các văn bản hướng dẫn tổ chức Cuộc thi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Căn cứ kết quả thẩm định hồ sơ dự thi của hội đồng thẩm định hồ sơ dự thi, trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi lập danh sách hồ sơ đủ điều kiện dự thi trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
4. Chỉ những hồ sơ được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đủ điều kiện dự thi mới được tham dự Cuộc thi.
1. Ban giám khảo Cuộc thi do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập.
2. Cơ cấu và thành phần ban giám khảo:
a) Trưởng ban giám khảo: Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo;
b) Phó trưởng ban giám khảo: Lãnh đạo Vụ Giáo dục trung học (làm phó trưởng ban thường trực) và lãnh đạo vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường;
c) Thư ký: Chuyên viên của Vụ Giáo dục trung học, cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường.
d) Giám khảo: Mỗi lĩnh vực dự thi có một tổ giám khảo do tổ trưởng phụ trách trực tiếp. Các giám khảo là các chuyên gia khoa học, nghiên cứu viên, chuyên viên, giảng viên đại học, giáo viên trung học.
3. Nhiệm vụ của ban giám khảo:
a) Kiểm tra và tiếp nhận địa điểm, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của ban giám khảo;
b) Nhận bàn giao toàn bộ hồ sơ dự thi và chịu trách nhiệm bảo quản trong thời gian chấm thi;
c) Tổ chức thảo luận để xây dựng bản hướng dẫn chấm thi gồm: quy trình, cách thức tiến hành chấm thi, tiêu chí đánh giá và biểu điểm; trình trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi phê duyệt hướng dẫn chấm thi;
d) Chấm dự án dự thi theo hướng dẫn chấm thi đã được trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi phê duyệt;
đ) Đề xuất phương án xử lý kết quả thi và đề xuất danh sách dự án được cử đi tham dự cuộc thi về khoa học, kĩ thuật quốc tế và khu vực (sau đây gọi tắt là Cuộc thi quốc tế).
e) Giữ bí mật các thông tin của Cuộc thi theo yêu cầu của trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi.
g) Chịu trách nhiệm về tính chính xác, công bằng của việc chấm điểm các dự án dự thi.
h) Đề xuất phương án xử lý đối với các khiếu nại trong phạm vi của Cuộc thi để trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi quyết định.
4. Quyền hạn của ban giám khảo:
a) Lập biên bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xử lý, hủy kết quả của những dự án vi phạm quy chế Cuộc thi;
b) Đề nghị hình thức kỷ luật đối với các trường hợp vi phạm Quy chế Cuộc thi vượt quá quyền hạn xử lý của trưởng ban giám khảo.
a) Từng giám khảo xem xét các dự án dự thi tại khu vực trưng bày, phỏng vấn các thí sinh có dự án dự thi thuộc lĩnh vực được phân công và cho điểm theo hướng dẫn chấm thi đã được phê duyệt; thí sinh trình bày, trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt.
b) Tổ giám khảo cho điểm các dự án dự thi theo từng lĩnh vực thi. Điểm của dự án dự thi là trung bình cộng các điểm của các thành viên tổ giám khảo theo lĩnh vực thi; không làm tròn điểm của từng giám khảo và điểm của dự án dự thi theo lĩnh vực thi.
c) Lập biên bản chấm thi theo lĩnh vực thi; mỗi lĩnh vực lập 1 biên bản; trong biên bản các dự án được xếp thứ tự theo điểm từ cao xuống thấp kèm theo dự kiến kết quả xếp giải; biên bản có chữ ký của tất cả thành viên tổ giám khảo.
a) Sau khi đã hoàn thành việc chấm thi theo từng lĩnh vực thi, ban giám khảo chọn một hoặc một số dự án có điểm thi cao nhất của từng lĩnh vực được tham gia thi chọn giải toàn Cuộc thi.
b) Thí sinh trình bày, trả lời câu hỏi phỏng vấn trước ban giám khảo bằng tiếng Anh. Từng thành viên ban giám khảo cho điểm các dự án; điểm số không làm tròn.
c) Điểm của dự án là trung bình cộng các điểm của các thành viên ban giám khảo; không làm tròn điểm của dự án.
d) Lập biên bản chấm thi chọn giải toàn Cuộc thi, trình trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi quyết định; trong biên bản các dự án được xếp thứ tự theo điểm từ cao xuống thấp kèm theo dự kiến kết quả xếp giải; biên bản có chữ ký của tất cả thành viên ban giám khảo.
3. Xử lý hiện tượng bất thường khi chấm thi:
a) Nếu giám khảo phát hiện có hiện tượng bất thường về dự án dự thi hoặc về việc chấm thi thì phải báo cáo ngay với trưởng ban giám khảo;
b) Trưởng Ban giám khảo tổ chức họp với các thành viên tổ chấm thi hoặc toàn thể ban giám khảo để xem xét, xác nhận, đề xuất phương án xử lý và lập biên bản báo cáo trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi quyết định.
Điều 18. Thang điểm, tiêu chí đánh giá
1. Dự án dự thi được chấm theo thang điểm 100, là số nguyên.
a) Khả năng sáng tạo: 30 điểm;
b) Ý tưởng khoa học: 30 điểm;
c) Tính thấu đáo: 15 điểm;
d) Kỹ năng: 15 điểm;
đ) Sự rõ ràng, minh bạch: 10 điểm
Tiêu chí đánh giá dự án dự thi được mô tả chi tiết ở phụ lục III.
a) Giải lĩnh vực gồm có: giải nhất, giải nhì, giải ba và giải khuyến khích;
b) Giải toàn Cuộc thi gồm có: giải nhất, giải nhì, giải ba và giải khuyến khích; có thể lựa chọn trong số các dự án đoạt giải nhất toàn Cuộc thi để trao 01 giải xuất sắc;
c) Ngoài các giải quy định tại các điểm a, b của khoản này, các đơn vị, tổ chức có thể tiến hành lựa chọn và trao các giải khác cho thí sinh theo tiêu chí đánh giá riêng của mình sau khi được sự đồng ý của ban chỉ đạo Cuộc thi.
Giải nhất từ 90 điểm đến 100 điểm; giải nhì từ 80 điểm đến dưới 90 điểm; giải ba từ 70 điểm đến dưới 80 điểm; giải khuyến khích từ 50 điểm đến dưới 70 điểm.
3. Xếp giải lĩnh vực:
Xếp giải lĩnh vực được tiến hành theo từng lĩnh vực dự thi trên cơ sở kết quả chấm dự án dự thi, không phân biệt dự án cá nhân hay dự án tập thể; được thực hiện theo nguyên tắc từ cao xuống thấp theo điểm của dự án dự thi ở từng lĩnh vực.
4. Xếp giải toàn Cuộc thi:
Xếp giải toàn Cuộc thi được tiến hành trên cơ sở kết quả chấm dự án dự thi chọn giải toàn Cuộc thi, không phân biệt dự án cá nhân hay dự án tập thể; được thực hiện theo nguyên tắc từ cao xuống thấp theo điểm của dự án dự thi chọn giải toàn Cuộc thi.
Điều 20. Chọn dự án, học sinh tham dự các Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế
1. Ban giám khảo lựa chọn trong số các dự án đoạt giải cao nhất toàn Cuộc thi và đề xuất danh sách dự án được cử tham dự các cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế theo nguyên tắc tuyển chọn từ cao xuống thấp theo điểm thi và đảm bảo yêu cầu về điều kiện tham gia của từng Cuộc thi quốc tế.
2. Trên cơ sở phương án chọn của ban giám khảo, thường trực ban chỉ đạo Cuộc thi lập danh sách dự án đủ điều kiện tham dự từng Cuộc thi quốc tế, trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Điều 21. Giấy chứng nhận học sinh đoạt giải Cuộc thi
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp giấy chứng nhận học sinh đoạt giải của Cuộc thi (sau đây gọi tắt là giấy chứng nhận). Giấy chứng nhận chỉ được cấp một lần. Đối với các trường hợp học sinh để thất lạc giấy chứng nhận, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận kết quả thi theo đơn đề nghị của học sinh.
2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyền thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận đã cấp nếu phát hiện người được cấp Giấy chứng nhận vi phạm quy chế Cuộc thi hoặc việc xếp giải và cấp giấy chứng nhận được thực hiện không đúng quy định.
Điều 22. Quyền lợi của học sinh
1. Mỗi học sinh đoạt giải (tập thể hoặc cá nhân) trong Cuộc thi đều được cấp Giấy chứng nhận và được khen thưởng.
2. Học sinh đoạt giải trong Cuộc thi được hưởng các quyền lợi trong học tập và các quyền lợi khác theo các quy định hiện hành.
Điều 23. Lưu trữ hồ sơ Cuộc thi
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm lưu trữ theo quy định đối với:
a) Danh sách dự án, thí sinh dự thi có ghi kết quả xếp giải của Cuộc thi cấp quốc gia;
b) Danh sách dự án, học sinh được cử đi tham dự các Cuộc thi quốc tế và khu vực;
c) Sổ cấp giấy chứng nhận học sinh đoạt giải;
d) Biên bản xử lý các hiện tượng bất thường của Cuộc thi.
2. Đơn vị dự thi có trách nhiệm lưu trữ theo quy định đối với hồ sơ dự thi và danh sách dự án, thí sinh tham dự Cuộc thi có ghi kết quả xếp giải.
THANH TRA, KIỂM TRA, GIÁM SÁT, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 24. Thanh tra, kiểm tra, giám sát
Các khâu trong quá trình tổ chức Cuộc thi đều chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan hữu quan khác.
Những người tham gia tổ chức Cuộc thi và thí sinh có nhiều đóng góp tích cực, có thành tích trong Cuộc thi được khen thưởng theo quy định hiện hành.
1. Đối với những người tham gia tổ chức Cuộc thi:
a) Công chức, viên chức tham gia tổ chức Cuộc thi có hành vi vi phạm quy chế Cuộc thi, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị cơ quan quản lý áp dụng quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức để xử lý kỷ luật theo một trong các hình thức sau đây:
- Khiển trách đối với người phạm lỗi nhẹ trong khi thi hành nhiệm vụ;
- Đình chỉ công tác thi ngay sau khi bị phát hiện; đồng thời xử lý cảnh cáo đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau đây:
+ Thiếu trách nhiệm trong việc chuẩn bị cho Cuộc thi, làm ảnh hưởng tới kết quả Cuộc thi;
+ Chấm dự án dự thi không đúng hướng dẫn chấm thi hoặc cộng điểm có nhiều sai sót.
- Đình chỉ công tác thi ngay sau khi bị phát hiện; đồng thời tùy theo mức độ vi phạm có thể hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau đây:
+ Gian lận, làm sai lệch sự thật về hồ sơ dự thi;
+ Làm sai lệch điểm của dự án dự thi.
- Đình chỉ công tác thi ngay sau khi bị phát hiện, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi gian lận thi có tổ chức.
b) Những người không phải là công chức, viên chức tham gia tổ chức Cuộc thi có hành vi vi phạm quy chế Cuộc thi tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật lao động, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và quy định của pháp luật có liên quan.
c) Trong quá trình tổ chức Cuộc thi, khi phát hiện sai phạm, Bộ có quyền đình chỉ công tác thi đối với những người tham gia tổ chức Cuộc thi.
d) Các hình thức xử lý vi phạm quy định tại điểm a, b khoản 1 của điều này do thủ trưởng cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức ra quyết định theo các quy định về xử lý kỷ luật hiện hành.
2. Đối với học sinh:
a) Học sinh có hành động gian lận thi có tổ chức trong quá trình tham gia Cuộc thi tùy mức độ vi phạm sẽ bị cảnh cáo trước toàn Cuộc thi, đình chỉ thi và huỷ kết quả thi.
b) Huỷ kết quả thi và cấm tham dự Cuộc thi từ 1 đến 2 năm, nếu vi phạm một trong các khuyết điểm sau:
- Hành hung những người tổ chức và tham gia Cuộc thi;
- Gây rối làm mất trật tự an ninh ở khu vực Cuộc thi, gây hậu quả nghiêm trọng cho Cuộc thi;
- Khai man hồ sơ dự thi.
c) Sau Cuộc thi, nếu phát hiện những hành vi vi phạm, thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét, trình người có thẩm quyền quyết định xử lý vi phạm theo quy định;
d) Các hình thức xử lý kỷ luật đối với thí sinh phải được công bố trước ban giám khảo, nhà trường nơi thí sinh theo học, thông báo đến gia đình và địa phương nơi cư trú của thí sinh./.
CÁC LĨNH VỰC CỦA CUỘC THI
(Kèm theo Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
TT | Nhóm lĩnh vực | Các lĩnh vực cụ thể |
1 | Khoa học động vật | Phát triển; Sinh thái; Di truyền; Chăn nuôi; Bệnh lý học; Sinh lý học; Phân loại học; Lĩnh vực khác |
2 | Khoa học xã hội và hành vi | Tâm lý học Phát triển và lâm sàng; Tâm lý học nhận thức; Tâm lý học; Xã hội học; lĩnh vực khác |
3 | Hoá sinh | Hoá sinh tổng hợp; Trao đổi chất; Hoá sinh cấu trúc; Lĩnh vực khác |
4 | Sinh học tế bào và Phân tử | Sinh học tế bào; Di truyền tế bào và phân tử; Hệ miễn dịch; Sinh học phân tử; Lĩnh vực khác |
5 | Hoá học | Hoá học phân tích; Hoá học vô cơ; Hoá học hữu cơ; Hoá học vật chất; Hoá học tổng hợp; Lĩnh vực khác |
6 | Khoa học máy tính | Thuật toán, Cơ sở dữ liệu; Trí tuệ nhân tạo; Hệ thống thông tin; Khoa học điện toán, Đồ hoạ máy tính; Lập trình phần mềm, Ngôn ngữ lập trình; Hệ thống máy tính, Hệ điều hành; Lĩnh vực khác |
7 | Khoa học Trái đất và hành tinh | Khí tượng học, Thời tiết; Địa hoá học, Khoáng vật học; Cổ sinh vật học; Địa vật lý; Khoa học hành tinh; Kiến tạo địa chất; Lĩnh vực khác |
8 | Kỹ thuật: Vật liệu và công nghệ sinh học | Công nghệ sinh học; Dự án xây dựng; Cơ khí hoá chất; Cơ khí công nghiệp, chế xuất;Cơ khí vật liệu;Lĩnh vực khác |
9 | Kỹ thuật: Kỹ thuật điện và cơ khí | Kỹ thuật điện, Kỹ thuật máy tính, Kiểm soát; Cơ khí; Nhiệt động lực học, Năng lượng mặt trời; Rô-bốt; Lĩnh vực khác |
Năng lượng và vận tải | Hàng không và kỹ thuật hàng không, Khí động lực học; Năng lượng thay thế; Năng lượng hoá thạch; Phát triển phương tiện; Năng lượng tái sinh; Lĩnh vực khác | |
Khoa học môi trường | Ô nhiễm không khí và chất lượng không khí; Ô nhiễm đất và chất lượng đất; Ô nhiễm nguồn nước và chất lượng nước; Lĩnh vực khác | |
Quản lý môi trường | Khôi phục sinh thái; quản lý hệ sinh thái; Kỹ thuật môi trường; Quản lý nguồn tài nguyên đất, Lâm nghiệp; Tái chế, Quản lý chất thải; Lĩnh vực khác | |
Toán học | Đại số học; Phân tích; Toán học ứng dụng; Hình học; Xác suất và Thống kê; Lĩnh vực khác | |
Y khoa và khoa học sức khoẻ | Chẩn đoán bệnh và chữa bệnh; Dịch tễ học; Di truyền học; Sinh học Phân tử; Sinh lý học và Bệnh lý học; Lĩnh vực khác | |
Vi trùng học | Kháng sinh, Thuốc chống vi trùng; Nghiên cứu vi khuẩn; Di truyền vi khuẩn; Siêu vi khuẩn học; Lĩnh vực khác | |
Vật lý và thiên văn học | Thiên văn học; Nguyên tử, Phân từ, Chất rắn; Vật lý sinh học; Thiết bị đo đạc và điện tử; Từ học và điện từ học; Vật lý hạt nhân và Phần tử; Quang học, Laze, Maze; Vật lý lý thuyết, Thiên văn học lý thuyết hoặc Điện toán; Lĩnh vực khác | |
Khoa học thực vật | Nông nghiệp và nông học; Phát triển; Sinh thái; Di truyền; Quang hợp; Sinh lý học thực vật (Phân tử, Tế bào, Sinh vật); Phân loại thực vật, Tiến hoá; Lĩnh vực khác |
NHỮNG VẬT KHÔNG ĐƯỢC PHÉP TRƯNG BÀY TẠI CUỘC THI
(Kèm theo Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
1. Sinh vật còn sống (bao gồm cả động vật và thực vật).
2. Mẫu đất, cát, đá, chất thải.
3. Xác động vật hoặc một bộ phận xác động vật được nhồi bông.
4. Động vật có xương sống và không có xương sống được bảo vệ.
5. Thức ăn cho người và động vật.
6. Các bộ phận của người, động vật hay chất lỏng của cơ thể người, động vật (ví dụ: máu, nước tiểu).
7. Nguyên liệu thực vật (còn sống, đã chết hay được bảo vệ) trong trạng thái sống, chưa chế biến (Ngoại trừ vật liệu xây dựng sử dụng trong thiết kế dự án và trưng bày).
8. Tất cả các hóa chất kể cả nước (Các dự án không sử dụng nước dưới mọi hình thức để chứng minh).
9. Tất cả các chất độc hại và thiết bị nguy hiểm (ví dụ: chất độc, ma túy, súng, vũ khí, đạn dược, thiết bị laze).
10. Nước đá hoặc chất rắn thăng hoa khác.
11. Đồ dùng sắc nhọn (ví dụ: xylanh, kim, ống nghiệm, dao).
12. Chất gây cháy hay các vật liệu dễ cháy.
13. Pin hở đầu.
14. Kính hay vật thể bằng kính trừ trường hợp hội đồng thẩm định hồ sơ dự thi coi là một cấu phần cần thiết của dự án (ví dụ, kính như một phần cấu thành của một sản phẩm thương mại như màn hình máy tính).
15. Ảnh hay các bài trình diễn trực quan mô tả động vật có xương sống lúc bị mổ xẻ hay đang được xử lý trong phòng thí nghiệm.
16. Phần thưởng, huy chương, danh thiếp, cờ, lô gô, bằng khen và hay bằng ghi nhận (đồ họa hay bằng văn bản), trừ những thứ thuộc dự án.
17. Địa chỉbưu chính, website vàđịachỉe-mail, điện thoại, số faxcủathí sinh.
18. Tài liệu hay bản mô tả công trình của những năm trước đó. Ngoại lệ, tiêu đề của công trình được trưng bày trong gian có thể đề cập năm của công trình đó (ví dụ: “Năm thứ hai của nghiên cứu tiếp diễn”).
19. Bất cứ dụng cụ nào bị hội đồng thẩm định hồ sơ dự thi coi là không an toàn (ví dụ: thiết bị tạo tia nguy hiểm, bình nén khí,…).
TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN DỰ THI
(Kèm theo Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
1. Khả năng sáng tạo (30 điểm)
a) Dự án cho thấy khả năng sáng tạo và độc đáo qua:
- Những câu hỏi, vấn đề nghiên cứu được đưa ra;
- Phương pháp tiếp cận để giải quyết vấn đề đặt ra;
- Phân tích các dữ liệu;
- Giải thích của dữ liệu;
- Xây dựng hoặc thiết kế thiết bị mới.
b) Sáng tạo trong điều tra nghiên cứu giúp trả lời câu hỏi đặt ra một cách độc đáo.
c) Sáng tạo trong việc phát triển phương pháp nghiên cứu hiệu quả, tin cậy để giải quyết vấn đề. Khi đánh giá dự án, cần phân biệt rõ giữa sự yêu thích công nghệ đơn thuần và sự khéo léo, sáng tạo.
2. Ý tưởng khoa học (30 điểm)
a) Đối với dự án khoa học
- Vấn đề nghiên cứu được nêu rõ, không gây hiểu nhầm.
- Vấn đề nghiên cứu được giới hạn để phù hợp cho phương pháp nghiên cứu.
- Có chuẩn bị kế hoạch theo từng bước để đạt đến giải pháp không ?
- Các tham biến có được nhận ra và xác định rõ không ?
- Nếu các kiểm soát là cần thiết, thí sinh/nhóm thí sinh có nhận ra sự cần thiết của sự kiểm soát và việc kiểm soát đã được thực hiện một cách chính xác không ?
- Có dữ liệu phù hợp để hỗ trợ kết luận không ?
- Thí sinh/nhóm thí sinh có nhận ra hạn chế của dữ liệu không ?
- Thí sinh/nhóm thí sinh có hiểu mối quan hệ giữa dự án với các nghiên cứu có liên quan không ?
- Thí sinh/nhóm thí sinh có ý tưởng cho việc tiếp tục nghiên cứu trong tương lai không ?
- Thí sinh/nhóm trích dẫn tài liệu khoa học, hay chỉ trích dẫn những tài liệu phổ biến (ví dụ, báo, tạp chí địa phương).
b) Đối với dự án kĩ thuật
- Mục tiêu của dự án có được xác định rõ ràng không ?
- Mục tiêu có liên quan đến nhu cầu sử dụng của con người không ?
- Giải pháp đưa ra có khả thi không ? Chấp nhận được đối với người sử dụng không ? Có lợi ích về mặt kinh tế không ?
- Giải pháp đưa ra có thể được sử dụng để thiết kế hay xây dựng sản phẩm cuối cùng không ?
- Giải pháp đưa ra có sự cải tiến đáng kể so với các lựa chọn hoặc các ứng dụng trước đây không ?
- Giải pháp đã được thử nghiệm sử dụng trong điều kiện thực tế hay chưa ?
3. Tính thấu đáo (15 điểm)
- Mục tiêu đạt được nằm trong phạm vi của ý định ban đầu hay không ?
- Làm thế nào giải quyết hoàn toàn vấn đề đặt ra trong năm nghiên cứu ?
- Kết luận đưa ra dựa trên một hay nhiều thử nghiệm ?
- Việc ghi chép được thực hiện đầy đủ như thế nào ?
- Thí sinh/nhóm thí sinh có biết những phương pháp tiếp cận khác hay lí thuyết khác không ?
- Thí sinh/nhóm thí sinh đã dành bao nhiêu thời gian cho dự án ?
- Thí sinh/nhóm thí sinh có tìm hiểu những kết quả nghiên cứu khoa học của lĩnh vực nghiên cứu không ?
4. Kỹ năng (15 điểm)
- Dự án nghiên cứu có yêu cầu kỹ năng thí nghiệm, tính toán, quan sát, thiết kế để có được dữ liệu không ?
- Dự án được thực hiện ở đâu? (ví dụ ở nhà, phòng thí nghiệm của trường trung học, phòng thí nghiệm của trường đại học). Thí sinh/nhóm thí sinh có nhận được sự trợ giúp từ cha mẹ, giáo viên, nhà khoa học hay kỹ sư không?
- Dự án được hoàn thành dưới sự giám sát của người lớn hay thí sinh/nhóm thí sinh tự thực hiện ?
- Thiết bị được lấy từ đâu? Thiết bị do thí sinh/nhóm thí sinh tự thiết kế riêng hay đi mượn từ người khác hay thiết bị của phòng thí nghiệm của nhà trường ?
5. Tính rõ ràng, minh bạch (10 điểm)
- Thí sinh/nhóm thí sinh có trình bày, giải thích rõ ràng mục đích, quy trình và kết luận của dự án không ?
- Báo cáo viết có phải ánh thí sinh/nhóm thí sinh hiểu rõ công trình nghiên cứu không ?
- Những giai đoạn quan trọng của dự án có được trình bày mạch lạc không ?
- Số liệu có được trình bày rõ ràng không ?
- Kết quả có được trình bày rõ ràng không ?
- Bài trình bày có được rõ ràng, mạch lạc không ?
- Thí sinh/nhóm thí sinh thực hiện tất cả các công việc của dự án hay có sự giúp đỡ của người khác?
- 1Thông tư 32/2017/TT-BGDĐT về sửa đổi Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông kèm theo Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT về Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 1Luật Giáo dục 2005
- 2Nghị định 75/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Giáo dục
- 3Nghị định 81/2002/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Khoa học và công nghệ
- 4Nghị định 32/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- 5Luật giáo dục sửa đổi năm 2009
- 6Nghị định 31/2011/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 75/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục
- 7Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức
- 8Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức
- 9Nghị định 36/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ
- 10Thông tư 02/2015/TT-BGDĐT về Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT về Quy chế thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- Số hiệu: 38/2012/TT-BGDĐT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 02/11/2012
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Người ký: Nguyễn Vinh Hiển
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 657 đến số 658
- Ngày hiệu lực: 17/12/2012
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra