Hệ thống pháp luật

BỘ THỦY LỢI
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 37-TL-TT

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 1964

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC HUẤN LUYỆN ĐỘI TRƯỞNG, ĐỘI PHÓ VÀ ĐỘI VIÊN ĐỘI THỦY LỢI TRONG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP

Từ cuối năm 1963 đến nay, chấp hành nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, các tỉnh đã tổ chức được hơn 16 ngàn đội thủy lợi gồm trên 33 vạn đội viên trong hợp tác xã nông nghiệp. Nhờ có đội thủy lợi làm nồng cốt, trong vụ đông xuân 1963-1964, tốc độ xây dựng các công trình thủy lợi đã tăng nhanh rõ rệt, năng suất lao động của ngành thủy lợi đã tăng bình quân 70% so với các năm trước. Nhiều công trình thủy lợi đã hoàn thành trước thời hạn, giá thành hạ, phục vụ tốt cho sản xuất. Tuy vậy, trong việc tổ chức và củng cố đội thủy lợi còn tồn tại những vấn đề như tổ chức và quản lý còn lỏng lẻo, chất lượng đội còn yếu, trình độ cán bộ chỉ huy còn thấp, trong khi đó thì yêu cầu của công tác thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, trước mắt là vụ sản xuất đông xuân, còn rất nặng nề. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc củng cố đội thủy lợi thì mới có khả năng hoàn thành thắng lợi kế hoạch của Nhà nước giao cho.

Muốn củng cố đội thủy lợi được tốt, trước hết phải coi trọng công tác huấn luyện cán bộ và đội viên đội thủy lợi. Đối với cán bộ chỉ huy đội, nếu được huấn luyện trở thành những người có trình độ tư tưởng, nghiệp vụ và kỹ thuật khá thì sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng, củng cố vững mạnh, phát huy được tính nhiệt tình lao động của đội viên, động viên được toàn đội khắc phục khó khăn, cải tiến công cụ, hợp lý hóa sản xuất để không ngừng tăng năng suất lao động.

Vì vậy, Bộ chủ quản trong khoảng thời gian ba năm, kể từ nay trở đi, sẽ từng bước mở lớp huấn luyện để đào tạo các đội trưởng, đội phó thủy lợi thành những cán bộ chỉ huy có trình độ toàn diện: về chính trị, có trình độ cán bộ sơ cấp; về nghiệp vụ, có trình độ quản lý giỏi các mặt sản xuất, lao động, tài chính v.v… của một đội sản xuất, về kỹ thuật, có trình độ sơ cấp khá về kỹ thuật thủy lợi tổng hợp. Trước hết, trong vụ đông xuân 1964-1965 này, các tỉnh, thành cần phải mở lớp huấn luyện đợt đầu cho đại bộ phận đội trưởng, đội phó, đồng thời tổ chức cho các đội viên đội thủy lợi học tập nhằm nâng cao lên một bước trình độ tư tưởng, tổ chức, nghiệp vụ và kỹ thuật của toàn đội để đáp ứng kịp thời yêu cầu phục vụ kế hoạch thủy lợi của địa phương.

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU HUẤN LUYỆN

Căn cứ vào mục đích và yêu cầu chung trên đây, trong vụ đông xuân 1964-1965, việc huấn luyện đội trưởng, đội phó phải đạt những yêu cầu cụ thể sau đây:

1. Về chính trị:

- Làm cho học viên nhận thức sâu sắc về vai trò của nông nghiệp là cơ sở để phát triển công nghiệp; thủy lợi là biện pháp hàng đầu, là khâu then chốt để phát triển nông nghiệp toàn diện mạnh mẽ và vững chắc; công tác thủy lợi là một cuộc vận động cách mạng to lớn đem lại nhiều biến đổi sâu sắc đối với sản xuất nông nghiệp, đối với thiên nhiên, đối với con người, đối với đời sống xã hội;

- Trên cơ sở đó, giáo dục học viên nhận thức đúng đắn về vai trò và tác dụng của đội thủy lợi trong sản xuất nông nghiệp, về nhiệm vụ vẻ vang của mình đối với hợp tác xã và Nhà nước.

2. Về nghiệp vụ:

- Làm cho học viên quán triệt được nhiệm vụ cụ thể của người đội trưởng, đội phó đội thủy lợi, hiểu được những điểm cần thiết về công tác quản lý một đội sản xuất về các mặt tổ chức, tư tưởng, sản xuất, tài chính và các hoạt động khác;

- Bồi dưỡng một số kinh nghiệm thực tế về tổ chức lao động ở công trường, về kinh nghiệm cải tiến, sử dụng và bảo quản công cụ làm thủy lợi.

3. Về kỹ thuật:

Huấn luyện một số kiến thức về kỹ thuật đào đắp các kênh, mương, hố móng và xây dựng một số công trình tiểu thủy nông như cống nhỏ, đắp đập nhỏ, mương, máng v.v… theo chương trình sơ cấp kỹ thuật thủy lợi.

Trên đây là những yêu cầu đối với các đội trưởng, đội phó. Còn đối với đội viên đội thủy lợi thì các tỉnh sẽ căn cứ vào trình độ chung của các đội thủy lợi mà đề ra yêu cầu nội dung riêng để tiến hành tổ chức học tập.

II. CHƯƠNG TRÌNH, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP HUẤN LUYỆN

1. Chương trình huấn luyện đội trưởng, đội phó quy định chung là 10 ngày. Những tài liệu sử dụng trong các lớp huấn luyện đợt này gồm có:

a) Về chính trị.

Tài liệu để giảng bài:

- Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về phong trào hai năm làm thủy lợi 1964-1965.

- Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Thủy lợi tại Đại hội liên hoan các đội thủy lợi tiên tiến toàn miền Bắc (Phần II).

Tài liệu để phổ biến:

- Trích những đoạn cần thiết trong “Sửa đổi điều lệ tạm thời về huy động và sử dụng dân công trong thời bình” (chương 1 và 3) ban hành theo nghị định số 81-CP ngày 16-07-1962 của Hội đồng Chính phủ;

- Thông tư số 93-TTG ngày 16-09-1963 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức và sử dụng đội thủy lợi trong hợp tác xã nông nghiệp” (Phần 1 và 2);

- Chỉ thị số 32-TL ngày 04-11-1964 của Bộ “về việc củng cố và phát triển đội thủy lợi trong vụ đông xuân 1964-1965”.

b) Về nghiệp vụ.

Tài liệu để giảng bài:

- Nhiệm vụ của người đội trưởng đội thủy lợi (tài liệu của Bộ, sẽ gửi sau);

- Công tác quản lý đội thủy lợi (tài liệu của Bộ, sẽ gửi sau).

Báo cáo thực tế:

Kinh nghiệm tổ chức lao động, kinh nghiệm cải tiến, sử dụng và bảo quản công cụ lao động (do tỉnh xây dựng một số đội điển hình để báo cáo).

c) Về kỹ thuật.

Những kiến thức cơ bản về đào đắp kênh mương, hố móng và xây dựng công trình loại nhỏ v.v… (tài liệu do tỉnh soạn dựa theo đề cương của Bộ).

2. Trong ba phần trên có thể phân phối thời gian như sau:

Phần giáo dục chính trị 3 ngày

Phần giáo dục nghiệp vụ 2 ngày

Phần giáo dục kỹ thuật 4 ngày

Tổng kết, thu hoạch 1 ngày

Những tài liệu và thời gian quy định trên đây là dựa theo yêu cầu nội dung đã đề ra, các địa phương có thể tùy theo hoàn cảnh và trình độ của học viên nơi mình mà bố trí cụ thể cho thích hợp.

3. Đối với việc học tập của đội viên đội thủy lợi: Sau khi được huấn luyện, các cán bộ chỉ huy có nhiệm vụ tổ chức học tập cho các đội viên theo chương trình và kế hoạch của tỉnh. Việc học tập của đội viên nên tiến hành tổ chức ngoài giờ lao động ở công trường hoặc ở hợp tác xã.

4. Công tác giảng dạy và học tập: Tùy theo nội dung chương trình mà cử những cán bộ có liên quan để giảng dạy. Đối với tài liệu quan trọng như nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, báo cáo của Bộ Thuỷ lợi, các thông tư, chỉ thị v.v… do những đồng chí trong ban chỉ huy công trường, ủy viên phụ trách thủy lợi của Ủy ban hành chính huyện, trưởng Phó Ty Thủy lợi v.v… chịu trách nhiệm báo cáo.

- Công tác giảng dạy phải có chuẩn bị, có tài liệu cho học viên, cần kết hợp lý luận với thực tế, có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.

- Việc học tập của học viên cũng cần phải lãnh đạo chặt chẽ, phải có trọng tâm và hướng vào mục đích yêu cầu cụ thể. Việc học tập có thể có mấy bước sau đây: cá nhân nghiên cứu bằng hình thức đọc tài liệu tập thể, nghe giảng ở hội trường, thảo luận tổ. Trong ba hình thức trên thì hình thức nghe giảng là chủ yếu. Sau khi học tập có thu hoạch và khen thưởng.

5. Sau các đợt học tập huấn luyện, tỉnh cần tổ chức sơ kết, tổng kết về các mặt nội dung; yêu cầu, tổ chức, lãnh đạo, đánh giá ưu, khuyết điểm, kết qủa học tập, tổ chức khen thưởng để động viên.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Việc mở lớp huấn luyện đội trưởng, đội phó nên tổ chức tại công trường bằng hình thức vừa học, vừa làm (nửa ngày học, nửa ngày lao động) và do Ty Thủy lợi phối hợp với Ban chỉ huy công trường tổ chức. Nơi nào chưa có công trường thì tổ chức theo đơn vị huyện hoặc liên huyện do Ty Thủy lợi phối hợp với Ủy ban hành chính huyện tổ chức.

2. Để việc huấn luyện có kết quả, các tỉnh; thành cần chú ý làm tốt công tác chuẩn bị như: tuyên truyền động viên các đội tham gia thành lập ban chỉ đạo học tập; dự trù kinh phí, soạn và in tài liệu, lựa chọn giảng viên, tổ chức lớp v.v…

3. Đối với quyền lợi của học viên, nếu mở lớp tập trung tại công trường thì việc tính thù lao, công điểm v.v… cho học viên do đội thủy lộ thanh toán, coi như những đội viên khác. Nếu mở lớp tập trung tại các huyện thì vận động học viên tự túc là chính; trong trường hợp học viên gặp khó khăn thì vận động hợp tác xã và đội thủy lợi trích quỹ trợ cấp để đài thọ.

Việc tổ chức huấn luyện và học tập cho các đội trưởng, đội phó và đội viên đội thủy lợi là một công tác mới mẻ, chưa có kinh nghiệm, Bộ yêu cầu các Ủy ban hành chính tỉnh, thành; các Ty Thủy lợi căn cứ thông tư này, kết hợp tình hình địa phương mình, đề ra kế hoạch cụ thể lồng vào trong công tác đông xuân 1964-1965, chỉ đạo các huyện, các công trường và hợp tác xã tổ chức việc huấn luyện đội trưởng, đội phó và học tập để phục vụ cho phong trào hai năm làm thủy lợi, trước mắt là phục vụ vụ đông xuân thắng lợi.

BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY LỢI




Hà Kế Tấn

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 37-TL-TT-1964 về việc tổ chức huấn luyện đội trưởng, đội phó và đội viên đội thủy lợi trong hợp tác xã nông nghiệp do Bộ Thủy lợi ban hành

  • Số hiệu: 37-TL-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/12/1964
  • Nơi ban hành: Bộ Thuỷ lợi
  • Người ký: Hà Kế Tấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 43
  • Ngày hiệu lực: 16/12/1964
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản