Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 05 năm 1963

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT CHI TIÊU QUỸ TIỀN LƯƠNG THUỘC KHU VỰC KHÔNG SẢN XUẤT.

Để tăng cường thêm một bước công tác quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương, thông tư này quy định chế độ cụ thể quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương thuộc khu vực không sản xuất.

I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA

Quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương thuộc khu vực không sản xuất nhằm mục đích:

1. Bảo đảm sử dụng quỹ tiền lương hợp lý và đúng mục đích, tránh tình trạng vượt chi tiêu quỹ tiền lương đã được Nhà nước ấn định.

2. Bảo đảm thực hiện đúng đắn các chính sách và chế độ tiền lương, các chế độ lao động, theo quy định của Nhà nước.

3. Thông qua việc quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương, mà hiểu rõ thêm tình hình tổ chức và năng lực hoạt động của các ngành, các cấp.

4. Góp phần giữ vững cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng, làm cơ sở cho việc quản lý tiền tệ, củng cố và nâng cao sức mua đồng tiền.

II. NỘI DUNG QUỸ TIỀN LƯƠNG THUỘC KHU VỰC KHÔNG SẢN XUẤT

1. Quỹ tiền lương thuộc khu vực không sản xuất là số tiền hàng năm được dùng để chi vào việc trả lương hay trả công cho cán bộ, công nhân viên chức làm việc ở các ngành thuộc khu vực không sản xuất của cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội được Nhà nước trợ cấp, từ cấp huyện trở lên (kể cả các đơn vị trực thuộc các cấp đó).

2. Quỹ tiền lương thuộc khu vực không sản xuất bao gồm toàn bộ các khoản chi về tiền lương ( bao gồm cả tiền lương cấp bậc và phụ cấp lương) và tiền công trả cho tất cả các loại cán bộ, công nhân, viên chức( kể cả thường xuyên và tạm thời, kể cả trong kế họach và ngoài kế hoạch lao động) thuộc khu vực không sản xuất, không kể tiền lương và tiền công đó thuộc nguồn kinh phí nào( hành chính hay sự nghiệp) đài thọ.

III. NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT CHI TIÊU QUỸ TIỀN LƯƠNG THUỘC KHU VỰC KHÔNG SẢN XUẤT

A. Các ngành các cấp, các đơn vị phải tôn trọng và không được chi vượt quá chi tiêu, hạn mức quỹ tiền lương đã được duyệt.

1. Chỉ được chi tiền lương trong phạm vi chi tiêu, hạn mức quỹ tiền lương đã được duyệt.

2. Không được tự ý điều chỉnh giữa các lọai chi tiêu, hạn mức quỹ tiền lương dã được duyệt với nhau như :

a) Giữa chi tiêu, hạn mức lương cấp bậc với chi tiêu, hạn mức phụ cấp lương trong một ngành ( trong đó kể cả chi tiêu về tổng số tiền lương và chi tiêu về lương bình quân của lương cấp bậc và phụ cấp lương).

b) Giữa hạn mức quỹ tiền lương của ngành này với hạn mức quỹ tiền lương của ngành khác.

c) Giữa chi tiêu, hạn mức quỹ tiền lương của quý trước với chi tiêu, hạn mức quỹ tiền lương của quý sau.

Riêng ngành quản lý Nhà nước, Đảng và Đoàn thể thì không được điều chỉnh giữa hạn mức quỹ tiền lương của tháng trước với hạn mức quỹ tiền lương của tháng sau.

d) Trong từng thời gian: tháng, quý, năm việc thực hiện chi tiêu, hạn mức quỹ tiền lương phải luôn luôn ăn khớp với việc thực hiện chi tiêu lao động.

B. Trong quá trình thực hiện chi tiêu, hạn mức quỹ tiền lương, nếu sau một tháng (đối với ngành quản lý Nhà nước, Đảng và Đoàn thể) hay sau một quý (đối với các các ngành khác : văn hóa, nghệ thuật, giáo dục…) mà bất kỳ vì lý do gì, các ngành, các cấp, các đơn vị không thực hiện hết hạn mức quỹ tiền lương đã được duyệt, thì phần hạn mức còn lại không được chuyển để chi cho tháng sau, quý sau và không được dùng để chi vào các công việc khác.

C. Trong quá trình thực hiện chi tiêu, hạn mức quỹ tiền lương, nếu các ngành, các cấp, các đơn vị muốn chi vượt quá chỉ tiêu đã được duyệt thì phải được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền sau đây:

1. Các cơ quan, đơn vị dự toán cấp dưới muốn chi vượt chi vượt quá hạn mức quỹ tiền lương đã được duyệt, phải được thủ trưởng cơ quan, đơn vị dự toán cấp trên xét duyệt hạn mức lại mới được chi.

2. Các cơ quan, đơn vị dự toán cấp 1 muốn chi vượt quá hạn mức quỹ tiền lương đã được duyệt, phải được cơ quan Tài chính cùng cấp đồng ý mới được chi.

3. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, đoàn thể trung ương, các cơ quan, đơn vị trực thuộc khu, thành phố, tỉnh, muốn xin tăng thêm chi tiêu quỹ tiền lương và chi tiêu lao động mà việc xin tăng thêm đó không vượt quá chi tiêu lao động và chi tiêu quỹ tiền lương đã được Chính phủ xét duyệt cho Bộ, cơ quan ngang Bộ, đoàn thể trung ương và khu, thành phố, tỉnh thì do thủ trưởng Bộ, cơ quan ngang Bộ, đoàn thể trung ương hay do Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh xét và quyết định.

4. Muốn xin tăng thêm cả chi tiêu lao động và chi tiêu quỹ tiền lương đã được Chính phủ xét duyệt cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đoàn thể trung ương, khu, thành phố, tỉnh thì Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đoàn thể trung ương, Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh phải được các cơ quan có thẩm quyền sau đây xét và quyết định:

a) Nếu xin tăng thêm chi tiêu lao động mà không xin tăng thêm chi tiêu quỹ tiền lương, và việc xin tăng thêm đó không vượt qua chi tiêu lao động đã được chính phủ xét duyệt cho toàn bộ khu vực không sản xuất thì do Bộ Nội vụ xét và quyết định.

b) Nếu chỉ xin tăng thêm chi tiêu quỹ tiền lương mà không xin tăng thêm chi tiêu lao động, và việc xin tăng thêm đó không vượt quá chi tiêu quỹ tiền lương đã được Chính phủ duyệt cho toàn bộ khu vực không sản xuất thì do Bộ Tài chính xét và quyết định.

c) Nếu xin tăng thêm cả hai chi tiêu lao động và chi tiêu quỹ tiền lương mà việc xin tăng thêm đó không vượt quá chi tiêu lao động và chi tiêu quỹ tiền lương đã được Chính phủ xét duyệt cho toàn bộ khu vực không sản xuất thì do liên bộ Nội vụ - Tài chính xét và quyết định.

d) Nếu xin tăng thêm chi tiêu lao động hay chi tiêu quỹ tiền lương hoặc cả chi tiêu lao động và chi tiêu quỹ tiền lương mà việc xin đó vượt quá chi tiêu lao động và chi tiêu quỹ tiền lương đã được Chính phủ duyệt cho toàn bộ khu vực không sản xuất thì đều do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

D. Các ngành, các cấp, các đơn vị không được dùng các khoản tiền khác ngòai quỹ tiền lương để trả lương hay trả công cho cán bộ, công nhân , viên chức.

E. Mỗi năm một lần, trong vòng tháng giêng, các đơn vị dự toán đều phải đăng ký tại cơ quan Tài chính cùng cấp về tổng số cán bộ, công nhân, viên chức có mặt làm việc và lĩnh lương tại cơ quan, đơn vị mình, trong đó có phân lọai chức vụ, cấp bậc, mức lương (lương cấp bậc và phụ cấp lương) của từng loại cán bộ, công nhân, viên chức: tổng số lương (lương cấp bậc, phụ cấp lương) và lương bình quân của một người theo từng lọai ngành thuộc khu vực không sản xuất của cơ quan, đơn vị mình( trừ ngành Công an và các đoàn thể sẽ có quy định riêng do Bộ Công an và các đoàn thể cùng với Bộ Tài chính quy định).

Sau đó, hàng tháng, nếu cần phải thay đổi; bổ sung thêm về những điểm đã đăng ký lại ở cơ quan Tài chính về những điểm cần phải thay đổi, bổ sung thêm.

IV. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT CHI TIÊU QUỸ TIỀN LƯƠNG THUỘC KHU VỰC KHÔNG SẢN XUẤT.

A. Việc lập kế hoạch chi quỹ tiền lương cả năm, hàng quý và hàng tháng:

1. Lập và xét duyệt kế hoạch quỹ tiền lương cả năm:

a) Các ngành, các cấp, các đơn vị phải lập kế hoạch chi quỹ tiền lương cả năm. Thủ trưởng ngành, cấp, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo việc lập và ký duyệt kế hoạch chi quỹ tiền lương cả năm gửi cho cơ quan Tài chính cùng cấp, kèm theo một bản giải thích cụ thể.

b) Cơ quan Tài chính có nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch chi đó và tổng hợp trình cấp trên, kèm theo nhận xét của mình (Bộ Tài chính trình Hội đồng Chính Phủ, Sở, Ty tài chính trình Ủy ban hành chính cùng cấp đồng thời báo cáo lên Bộ Tài chính để Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ).

c) Sau khi Hội đồng Chính phủ xét duyệt, Bộ Tài Chính có nhiệm vụ thông báo chi tiêu quỹ tiền lương cụ thể cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đoàn thể trung ương, Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh. Trong phạm vi chi tiêu quỹ tiền lương cả năm đã được duyệt đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đoàn thể trung ương, Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh có nhiệm vụ phân phối cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc thi hành.

2. Lập và xét duyệt quỹ tiền lương hàng quý, hàng tháng.

a) Trên cơ sở chi tiêu quỹ tiền lương cả năm đã được duyệt, các cơ quan, đơn vị phải lập kế họach chi quỹ tiền lương hàng quý (có phân chia từng tháng) gửi cho cơ quan Tài chính cùng cấp, kèm theo một bản giải thích cụ thể.

b) Đối với ngành quản lý Nhà nước, Đảng và đoàn thể, kế họach chi quỹ tiền lương tháng không được vượt quá một phần mười hai(1/12) chi tiêu quỹ tiền lương cả năm đã được duyệt của ngành đó; kế hoạch chi quỹ tiền lương quý không được vượt quá một phần tư (¼) chi tiêu quỹ tiền lương cả năm được duyệt của ngành đó. Nếu có trường hợp vì số lao động có mặt của cuối năm trước nhiều hơn số chi tiêu lao động đã được duyệt của năm kế hoạch và do đó kế hoạch chi quỹ tiền lương tháng phải vượt quá 1/12 hay kế hoạch chi quỹ tiền lương quý phải vượt quá ¼ chi tiêu quỹ tiền lương cả năm đã được duyệt thì phải giải quyết theo quy định tại mục III điểm C.

Đối với các ngành khác ( văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, vv…) kế hoạch chi quỹ tiền lương hàng tháng có thể lên xuống trong phạm vi kế hoạch chi quỹ tiền lương cả quý, kế hoạch chi quỹ tiền lương quý có thể lên xuống trong phạm vi chi tiêu tiền lương cả năm đã được duyệt.

c) Cơ quan Tài chính có nhiệm vụ nghiên cứu và duyệt hạn mức quỹ tiền lương quý ( có chia hạn mức từng tháng) của các cơ quan, đơn vị cùng cấp.

B. Chấp hành chi tiêu quỹ tiền lương cả năm và hạn mức quỹ tiền lương hàng qúy và hàng tháng:

1. Căn cứ vào hạn mức quỹ tiền lương quý (có chia từng tháng) do cơ quan Tài chính duyệt, Ngân hàng Nhà nước cấp dần tiền (hàng tháng theo hạn mức từng tháng) cho cơ quan, đơn vị để đảm bảo yêu cầu trả lương của cơ quan, đơn vị, đồng thời bảo đảm yêu cầu của việc quản lý tiền mặt, theo thủ tục về việc cấp phát kinh phí do Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã quy định.

2. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, phải trực tiếp lãnh đạo việc chấp hành chi tiêu quỹ tiền lương cả năm và hạn mức quỹ tiền lương hàng quý, hàng tháng đã được duyệt; quản lý kết sức chặt chẽ việc chi tiêu quỹ tiền lương; phải tôn trọng kỷ luật tài chính, kỷ luật quản lý tiền mặt và phải chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ tiền lương và chế độ quản lý quỹ tiền lương của Nhà nước.

3. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Ủy ban hành chính các cấp, nếu ra lệnh chi không đúng chỉ tiêu, hạn mức quỹ tiền lương, không đúng chính sách, chế độ tiền lương và chế độ quản lý quỹ tiền lương đã quy định thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm: có thể phải hoàn lại công quỹ số tiền đã ra lệnh chi sai và có thể bị thi hành kỷ luật về mặt hành chính.

4. Bộ phận tài vụ kế toán của cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ phục vụ thủ trưởng cơ quan: đơn vị và Sở, Ty tài chính có nhiệm vụ phục vụ ủy ban hành chính cùng cấp trong việc lập và chấp hành chi tiêu, hạn mức quỹ tiền lương cả năm, hàng quý, hàng tháng, trong việc chấp hành chính sách, chế độ chi tiêu tiền lương và chế độ quản lý quỹ tiền lương.

Trưởng phòng tài vụ kế toán và kế toán viên có nhiệm vụ phát hiện với thủ trưởng cơ quan, đơn vị Sở, Ty tài chính có nhiệm vụ phát hiện với Ủy ban hành chính cùng cấp về những khoản chi không đúng về chính sách, chế độ tiền lương, chế độ quản lý quỹ tiền lương hoặc những khoản chi vượt quá chi tiêu, hạn mức quỹ tiền lương đã được duyệt để Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Ủy ban hành chính xét quyết định lại.

Nếu trưởng phòng tài vụ kế tóan, kế toán viên, Sở, Ty tài chính đã đề đạt ý kiến rồi mà Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Ủy ban hành chính vẫn cứ quyết định chi thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Ủy ban hành chính phải ra lệnh chi viết. Trưởng phòng tài vụ, kế tóan, Sở, Ty tài chính phải chấp hành lệnh chi viết đó và trong trường hợp này, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải báo cáo cho cơ quan Tài chính cùng cấp, Ủy ban hành chính phải báo cáo Bộ Tài chính biết ngay sau khi ra quyết định chi viết.

Trường hợp thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Ủy ban hành chính quyết định chi không đúng mà trưởng phòng tài vụ kế toán, Sở, Ty tài chính cứ xuất chi thì phải chịu trách nhiệm với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Ủy ban hành chính theo như quy định ở điểm 3 trên đây.

5. Sau khi chi quỹ tiền lương, hàng tháng, hàng quý và cuối mỗi năm, các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành phải lập quyết toán và báo cáo về tình hình thực hiện chi tiêu, hạn mức quỹ tiền lương, tình hình chấp hành các khoản chi tiêu thuộc quỹ tiền lương và tình hình chấp hành chế độ quản lý quỹ tiền lương gửi cho cơ quan Tài chính cùng cấp, và cho Bộ Tài chính.

Nếu đến thời hạn quy định, cơ quan Tài chính không nhận được các báo cáo nói trên thì sau khi đã báo cáo cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị, ngành, cấp ít nhất một tuần lễ và trình Thủ tướng Chính phủ( đối với cơ quan, đơn vị ở trung ương) hay Ủy ban hành chính cùng cấp (đối với cơ quan, đơn vị ở địa phương) cơ quan Tài chính có thể tạm hõan cấp một phần kinh phí quỹ tiền lương ( phần chi về phụ cấp lương không thường xuyên như : làm thêm giờ, phụ cấp giảng bài, phụ cấp lưu động…) của hạn mức quỹ tiền lương tháng sau, cho đến khi nhận đựơc đầy đủ các báo cáo nói trên.

V. TRÁCH NHIỆM CHUNG CỦA CÁC NGÀNH CÁC CẤP, CÁC ĐƠN VỊ VÀ CỦA CƠ QUAN TÀI CHÍNH TRONG VIỆC QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT CHI TIÊU QUỸ TIỀN LƯƠNG THUỘC KHU VỰC KHÔNG SẢN XUẤT.

1. Việc quản lý quỹ tiền lương ở mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ, mỗi tổ chức xã hội (được Nhà nước trợ cấp) ở mỗi cấp, khu thành phố, tỉnh hoặc ở mỗi cơ quan, đơn vị chủ yếu là nhiệm vụ của bản thân ngành cấp, đơn vị đó.

2. Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh có nhiệm vụ quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương củ khu, thành phố, tỉnh mình.

3. Các Bộ ,Tổng cục có nhiệm vụ quản lý và kiểm soát, chi tiêu quỹ tiền lương của các đơn vị trực thuộc ( kể cả các đơn vị trực thuộc đóng ở địa phương).

4. Cơ quan Tài chính các cấp có nhiệm vụ :

- Phục vụ sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ trong việc qủan lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương thuộc khu vực không sản xuất ;

- Báo cáo tình hình chấp hành chi tiêu, hạn mức quỹ tiền lương và chế độ quản lý quỹ tiền lương lên cấp trên, xin ý kiến giải quyết về những khoản chi thuộc quỹ tiền lương mà chưa có chính sách, chế độ quy định.

- Nghiên cứu cải tiến chế độ , tiêu chuẩn quản lý quỹ tiền lương nhằm đưa công tác quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương vào nề nếp.

Việc quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương là một công tác quan trọng, tiến hành càng sớm càng tốt , sẽ ảnh hưởng tốt đến công tác quản lý biên chế, quản lý tài chính về tiền tệ. Do đó Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu các Bộ, Tổng cục, Ủy ban hành chính các cấp phải nghiên cứu kỹ thông tư này, tổ chức việc thực hiện chu đáo cho ngành mình và địa phương mình. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết thi hành thông tư này.

Bộ Quốc phòng căn cứ vào thông tư này quy định nguyên tắc và tự đảm nhiệm tổ chức việc quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương của ngành quân đội.

K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Phạm Hùng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 36-TTg năm 1963 quy định chế độ quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương thuộc khu vực không sản xuất do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 36-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/05/1963
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: 29/05/1963
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: 22/05/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản