- 1Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 2Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
- 3Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014
- 4Nghị định 142/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải
- 5Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020
- 6Luật Công an nhân dân 2018
- 7Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 8Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử
- 9Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính
- 10Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng
- 11Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính
- 12Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa
- 13Luật Công an nhân dân sửa đổi 2023
BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 36/2023/TT-BCA | Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2023 |
QUY ĐỊNH QUY TRÌNH TUẦN TRA, KIỂM SOÁT VÀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH CỦA CẢNH SÁT ĐƯỜNG THỦY
Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân ngày 22 tháng 6 năm 2023;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; Nghị định số 142/2017/NĐ-CP ngày 11/12/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực hàng hải; Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng;
Căn cứ Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy.
Thông tư này quy định về xây dựng, triển khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát; tiến hành tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên đường thủy nội địa, vùng nước ngoài phạm vi luồng, vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải thuộc nội thủy, vùng nước cảng biển và luồng hàng hải nơi phương tiện thủy nội địa được phép hoạt động (sau đây viết gọn là đường thuỷ) và xử lý vụ việc vi phạm hành chính tại trụ sở đơn vị.
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát đường thủy (sau đây viết gọn là cán bộ) thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trên đường thủy.
2. Công an các đơn vị, địa phương.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trên đường thủy.
1. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, hàng hải (sau đây viết gọn là đường thủy); pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công theo quy định của pháp luật, kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và Điều lệnh Công an nhân dân.
3. Có thái độ đúng mực và ứng xử phù hợp khi tiếp xúc với nhân dân, người có hành vi vi phạm pháp luật.
4. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan theo đúng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục.
5. Bảo đảm các yêu cầu, quy định khác của Bộ Công an.
Ban hành kèm theo Thông tư này các biểu mẫu:
1. Phiếu chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ về hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường thủy (Mẫu số 01).
2. Thông báo vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường thủy (Mẫu số 02).
3. Thông báo thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường thủy (Mẫu số 03).
4. Phiếu báo (Mẫu số 04).
5. Sổ tiếp nhận thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường thủy (Mẫu số 05).
Mục 1. XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH TUẦN TRA, KIỂM SOÁT
Điều 5. Kế hoạch tuần tra, kiểm soát
1. Các loại kế hoạch tuần tra, kiểm soát:
a) Kế hoạch tổng kiểm soát và xử lý vi phạm;
b) Kế hoạch cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm;
c) Kế hoạch tuần tra, kiểm soát thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất;
d) Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề;
đ) Kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy, an ninh, trật tự;
e) Kế hoạch công tác tuần; kế hoạch tuần tra, kiểm soát cho Tổ Cảnh sát đường thủy.
2. Nội dung Kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên đường thủy được quản lý theo chế độ tài liệu mật. Căn cứ chương trình công tác, yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội và kết quả công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm tình hình, đặc điểm tuyến, địa bàn đường thủy, kế hoạch tuần tra, kiểm soát bao gồm các nội dung:
a) Căn cứ ban hành kế hoạch;
b) Mục đích, yêu cầu;
c) Tuyến, địa bàn, thời gian tuần tra, kiểm soát;
d) Đối tượng, hành vi vi phạm tập trung kiểm soát, xử lý;
đ) Hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát;
e) Trang phục của cán bộ thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát;
g) Bố trí lực lượng, phân công nhiệm vụ, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, dự kiến tình huống xảy ra trong khi tuần tra, kiểm soát và biện pháp giải quyết; phân công tổ chức thực hiện và chế độ báo cáo tình hình, kết quả tuần tra, kiểm soát.
Điều 6. Thẩm quyền ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát
1. Bộ trưởng Bộ Công an ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường thủy toàn quốc.
2. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông:
a) Tham mưu Bộ trưởng Bộ Công an ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường thủy toàn quốc;
b) Trực tiếp ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường thủy theo tuyến, địa bàn hoặc toàn quốc;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã ban hành.
3. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây biết gọn là Giám đốc Công an cấp tỉnh):
a) Ban hành các kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong phạm vi quản lý;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong phạm vi quản lý;
c) Chỉ đạo, phối hợp với lực lượng tuần tra, kiểm soát của Cục Cảnh sát giao thông khi có yêu cầu.
4. Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát và đấu tranh phòng chống tội phạm trên đường thủy nội địa:
a) Tham mưu Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông ban hành các kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát giao thông;
b) Trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của Bộ Công an và Cục Cảnh sát giao thông.
5. Thủy đoàn trưởng thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (sau đây viết gọn là Trưởng phòng Cảnh sát giao thông); Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Trưởng Công an quận, huyện, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Trưởng Công an cấp huyện):
a) Xây dựng kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất trên tuyến, địa bàn được phân công;
b) Phê duyệt kế hoạch công tác tuần của các Đội, Trạm, Thủy đội trực thuộc.
6. Đội trưởng, Trạm trưởng, Thủy đội trưởng:
a) Tham mưu Thủy đoàn trưởng; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện thực hiện nhiệm vụ quy định tại điểm a khoản 5 Điều này;
b) Lập kế hoạch công tác tuần báo cáo Thủy đoàn trưởng; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện hoặc cấp phó được giao phụ trách phê duyệt;
c) Căn cứ kế hoạch công tác tuần đã được phê duyệt, lập lịch thực hiện kế hoạch công tác tuần cho từng Tổ tuần tra, kiểm soát;
d) Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên của Tổ tuần tra, kiểm soát trong Sổ kế hoạch và nhật ký tuần tra, kiểm soát đường thủy;
đ) Chỉ được lập từng kế hoạch cho một Tổ tuần tra, kiểm soát; khi thực hiện xong kế hoạch mới được lập kế hoạch thực hiện tiếp theo.
7. Trưởng Công an xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Trưởng Công an cấp xã) thông qua kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn để thực hiện công tác bảo đảm trật tự, trật tự an toàn giao thông đối với người, phương tiện ở các bến khách ngang sông và các tuyến đường thủy chưa được công bố thuộc phạm vi địa giới hành chính cấp xã.
Điều 7. Triển khai thực hiện kế hoạch
1. Tổ trưởng:
a) Phổ biến, quán triệt cho các tổ viên về kế hoạch công tác và những nội dung có liên quan trước khi thực hiện nhiệm vụ;
b) Điểm danh quân số, kiểm tra trang phục, số hiệu Công an nhân dân; Điều lệnh nội vụ; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ; giấy tờ lưu hành của phương tiện, giấy tờ của thuyền viên, người điều khiển phương tiện; Giấy chứng minh Công an nhân dân (khi bố trí cán bộ mặc thường phục); các biểu mẫu có liên quan và các điều kiện cần thiết khác phục vụ nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát;
c) Phát lệnh thực hiện tuần tra, kiểm soát khi các điều kiện đã bảo đảm và an toàn.
2. Tổ viên:
a) Nắm vững mục đích, yêu cầu, nội dung kế hoạch, nhiệm vụ, vị trí, quy ước thông tin liên lạc;
b) Chủ động công tác chuẩn bị, thực hiện nhiệm vụ đã được phân công và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Tổ trưởng;
c) Kịp thời báo cáo Tổ trưởng những tình huống đột xuất xảy ra trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát.
Mục 2. TIẾN HÀNH TUẦN TRA, KIỂM SOÁT, XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Điều 8. Dừng phương tiện để kiểm soát
1. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:
a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận các dấu hiệu vi phạm pháp luật;
b) Thực hiện chỉ đạo, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, phương án công tác của Thủy đoàn trưởng; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện phê duyệt;
c) Có văn bản đề nghị dừng phương tiện của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp, cơ quan chức năng liên quan để kiểm soát phục vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
d) Tin báo, tố giác về vi phạm pháp luật liên quan đến người và phương tiện tham gia giao thông.
2. Các yêu cầu khi dừng phương tiện để kiểm soát
a) An toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông. Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật;
b) Lựa chọn vị trí kiểm soát yêu cầu phạm vi luồng sâu, rộng, thoáng, không bị che khuất tầm nhìn; bảo đảm việc dừng phương tiện, kiểm soát công khai, minh bạch;
c) Trường hợp dừng kiểm soát phương tiện vận chuyển chất cháy, chất nổ, chất độc hại hoặc hàng hóa nguy hiểm khác thì ngoài thỏa mãn các yêu cầu tại điểm a, điểm b khoản này cần phải có biện pháp đảm bảo an toàn hướng dẫn phương tiện ra xa khu dân cư hoặc nơi vắng người để dừng, sau đó tiến hành kiểm soát.
3. Hiệu lệnh dừng phương tiện
Khi dừng phương tiện để kiểm soát phải căn cứ vào mật độ phương tiện tham gia giao thông, tình hình, đặc điểm luồng, tuyến giao thông để bảo đảm an toàn và lưu thông bình thường của các phương tiện khác và thực hiện như sau:
a) Ban ngày, hướng cờ hiệu "Cờ chữ K" về phía phương tiện cần kiểm soát, phất ba lần theo chiều thẳng đứng từ trên xuống, đồng thời phát âm hiệu một tiếng dài, một tiếng ngắn, một tiếng dài;
b) Ban đêm, hướng đèn hiệu về phía phương tiện cần kiểm soát, phát một chớp sáng dài, một chớp sáng ngắn, một chớp sáng dài, đồng thời phát âm hiệu một tiếng dài, một tiếng ngắn, một tiếng dài;
c) Ngoài hiệu lệnh nêu trên, có thể kết hợp dùng loa hướng dẫn cho phương tiện dừng hoặc giảm tốc độ để kiểm soát.
1. Kiểm soát phương tiện giao thông:
a) Sau khi phát hiệu lệnh dừng phương tiện, cán bộ thuộc Tổ tuần tra, kiểm soát hướng dẫn cho phương tiện tiếp bờ, cập cầu tàu (nếu kiểm tra tại Trạm) hoặc cặp mạn vào phương tiện tuần tra, kiểm soát. Trường hợp nơi dừng phương tiện bị kiểm tra có mớn nước sâu, địa hình phức tạp, luồng hẹp, khan cạn hoặc việc dừng lại của phương tiện gặp khó khăn thì thông báo cho người điều khiển phương tiện giảm tốc độ và điều khiển phương tiện tuần tra, kiểm soát áp mạn của phương tiện cần kiểm soát;
b) Tổ trưởng và tổ viên được phân công lên phương tiện, gặp chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện, tùy từng trường hợp cụ thể Tổ trưởng hoặc tổ viên được phân công có thể thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân hoặc chào bằng lời nói, giới thiệu cấp bậc, họ tên, chức vụ, đơn vị công tác; thông báo lý do, nội dung kiểm soát và yêu cầu chấp hành việc kiểm soát; tiến hành kiểm soát theo quy định;
c) Nội dung và phương pháp kiểm soát trên phương tiện:
Kiểm soát giấy tờ của phương tiện, thuyền viên, người đi trên phương tiện; kiểm soát hàng hóa chở trên phương tiện, giấy tờ của hàng hóa và các loại giấy tờ khác có liên quan theo quy định (sau đây viết gọn là giấy tờ). Khi kiểm soát giấy tờ phải đối chiếu với thực tế và xác định tính hợp pháp của giấy tờ;
Kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện: Kiểm soát bằng quan sát, đối chiếu thực tế với giấy tờ của phương tiện hoặc bằng thiết bị kỹ thuật theo trình tự từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Khi cần thiết phải kiểm tra trên cơ sở dữ liệu hoặc đề nghị cơ quan chuyên môn giám định;
Kiểm soát an toàn vận tải: Độ chìm của phương tiện so với vạch dấu mớn nước an toàn; chủng loại, khối lượng, số lượng, quy cách, kích thước hàng hóa, đồ vật, số người thực tế so với sức chở của phương tiện và các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động vận tải;
Kiểm soát những nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật;
Khi kiểm soát phải có mặt đại diện chủ phương tiện hoặc thuyền viên, người điều khiển phương tiện. Trường hợp không có mặt của những người trên, việc kiểm soát phải có đại diện chính quyền cơ sở nơi kiểm soát hoặc ít nhất một người chứng kiến.
Sau khi các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng hiệu lực, giá trị sử dụng của các giấy tờ nêu trên (tạm giữ, tước quyền sử dụng, thu hồi, tịch thu, mất) thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ bằng bản giấy.
d) Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông xuất trình các giấy tờ thì kiểm tra, đối chiếu trực tiếp các giấy tờ đó.
Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông cung cấp thông tin của các giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử thì kiểm tra, đối chiều thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử. Quá trình kiểm soát, nếu phát hiện tài khoản định danh điện tử có dấu hiệu làm giả hoặc tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tạm giữ, tước, thu hồi, tịch thu giấy tờ thì yêu cầu tổ chức, cá nhân xuất trình các giấy tờ đó để xử lý theo quy định của pháp luật;
đ) Trường hợp kiểm soát phương tiện vận chuyển chất cháy, chất nổ, chất độc hại hoặc hàng hóa nguy hiểm khác thì phải có biện pháp an toàn đưa phương tiện ra xa khu dân cư hoặc nơi vắng người để tiến hành kiểm soát; trường hợp cần thiết phải đề nghị cơ quan chuyên môn tham gia vào hoạt động kiểm tra.
2. Kiểm soát tiêu chuẩn, điều kiện bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, quá trình kiểm soát nếu phát hiện vi phạm phải được ghi lại bằng hình ảnh:
a) Đối với kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, phải tiến hành kiểm tra hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa, tình hình an toàn của luồng chạy tàu, hành lang bảo vệ luồng, công trình, cảng, bến thủy nội địa và các công trình khác có liên quan để phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật;
b) Khi phát hiện luồng, tuyến, hệ thống báo hiệu có thay đổi so với thiết kế, công bố của cơ quan quản lý đường thủy hoặc biến đổi khác thường, phải ghi nhận và kiến nghị kịp thời với cơ quan, đơn vị quản lý có biện pháp khắc phục hoặc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;
c) Trường hợp phát hiện vật chướng ngại nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn trên luồng, Tổ tuần tra, kiểm soát tổ chức đặt báo hiệu tạm thời, điều tiết giao thông và thông báo ngay cho cơ quan quản lý đường thủy để đặt báo hiệu hướng dẫn giao thông; phối hợp với cơ quan quản lý đường thủy xác định chủ vật chướng ngại, yêu cầu đặt và trông giữ báo hiệu, xác định thời gian, biện pháp trục vớt, giải tỏa để bảo đảm an toàn giao thông, xử lý vi phạm theo quy định.
3. Sau khi kiểm soát, Tổ tuần tra, kiểm soát thông báo cho người liên quan biết về kết quả kiểm soát, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt vi phạm hành chính (nếu có) và tiến hành xử lý vi phạm hoặc báo cáo người có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp không phát hiện vi phạm thì nói lời cảm ơn đã hợp tác. Trường hợp phát hiện công trình, cảng, bến thủy nội địa không bảo đảm an toàn mà người đại diện của công trình, cảng, bến thủy nội địa vắng mặt thì lập biên bản kiểm tra với sự có mặt của đại diện chính quyền cấp xã hoặc ít nhất một người chứng kiến; thông báo cho đơn vị quản lý công trình, cảng, bến thủy nội địa đó biết và hẹn thời gian làm việc theo quy định.
4. Kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
a) Cán bộ vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để phát hiện, thu thập hành vi vi phạm pháp luật trên đường thủy của người và phương tiện, tổ chức kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có trách nhiệm hợp tác theo yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát đường thủy;
b) Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là bản ảnh, hình ảnh, phiếu in, chỉ số đo, dữ liệu lưu trong bộ nhớ của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; được thống kê, lập danh sách, in thành bản ảnh hoặc bản ghi thu về hành vi vi phạm và lưu giữ trong hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an về công tác hồ sơ;
c) Khi kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nếu phát hiện, thu thập được thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm pháp luật của người, phương tiện tham gia giao thông đường thủy, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện như sau:
Tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm đề nghị được xem thông tin, hình ảnh, kết quả thu thập được về hành vi vi phạm thì cho xem nếu đã có thông tin, hình ảnh, kết quả tại đó; nếu chưa có thì hướng dẫn người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm xem thông tin, hình ảnh, kết quả khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị;
Trường hợp không dừng được phương tiện giao thông vi phạm để kiểm soát, xử lý vi phạm thì thực hiện theo quy định tại
Điều 10. Xử lý vi phạm trong khi tuần tra, kiểm soát
1. Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản
Khi phát hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp bị xử phạt theo thủ tục không lập biên bản, người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ; trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm chưa thực hiện ngay quyết định xử phạt thì có quyền tạm giữ giấy tờ có liên quan theo thứ tự quy định tại
2. Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản:
a) Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, cán bộ thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.
Biên bản vi phạm hành chính được lập bằng mẫu in sẵn hoặc lập trên Hệ thống xử lý vi phạm hành chính;
b) Khi lập xong biên bản vi phạm hành chính, cán bộ lập biên bản đọc lại cho những người có tên trong biên bản cùng nghe; hướng dẫn quyền, thời hạn giải trình về vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình theo quy định tại Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Đề nghị người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm cung cấp số điện thoại liên hệ (nếu có) để nhận thông tin xử phạt thông qua Cổng dịch vụ Công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an; ký vào biên bản (trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký được thì điểm chỉ), trừ trường hợp biên bản được lập, gửi bằng phương thức điện tử;
Nếu có người chứng kiến, người phiên dịch, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì những người này cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản vi phạm hành chính gồm nhiều trang, thì phải ký hoặc điểm chỉ vào từng trang biên bản;
c) Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản thì cán bộ lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản. Tổ trưởng Tổ tuần tra, kiểm soát mời đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc ít nhất 01 người chứng kiến ký xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản và phải báo cáo thủ trưởng đơn vị bằng văn bản để làm cơ sở cho người có thẩm quyền quyết định xử phạt hoặc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để ghi hình làm cơ sở xử lý; không tẩy xóa, sửa chữa các nội dung đã ghi trong biên bản vi phạm hành chính;
d) Biên bản vi phạm hành chính phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản, trừ trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính.
Trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính, thì biên bản còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó;
Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi lập biên bản vi phạm hành chính hoặc có mặt nhưng từ chối nhận hoặc có căn cứ cho rằng cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh không nhận biên bản, thì việc giao biên bản vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính về việc gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành. Biên bản vi phạm hành chính có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử đối với trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.
1. Trường hợp cần ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc thi hành quyết định xử phạt hoặc để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt, Tổ trưởng Tổ tuần tra, kiểm soát phải quyết định hoặc báo cáo người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.
2. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề
a) Khi phát hiện hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật phải tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép chứng chỉ hành nghề, Tổ tuần tra, kiểm soát thông báo cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm và những người có liên quan biết; tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính; lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; ra quyết định tạm giữ theo thẩm quyền hoặc báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép chứng chỉ hành nghề theo quy định; trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải niêm phong thì tiến hành niêm phong theo quy định của pháp luật;
b) Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản tạm giữ, người lập biên bản phải báo cáo người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã tạm giữ để xem xét ra quyết định tạm giữ; quyết định tạm giữ phải được giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản.
Trường hợp không ra quyết định tạm giữ thì phải trả lại ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Đối với trường hợp tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng thì người tạm giữ phải báo cáo ngay thủ trưởng trực tiếp để xử lý, nếu để hư hỏng hoặc thất thoát thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;
c) Trường hợp khi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người điều khiển phương tiện không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm hoặc cố tình trốn tránh, gây cản trở, không chấp hành thì thực hiện như sau: Lập biên bản tạm giữ, có chữ ký xác nhận của đại diện chính quyền cấp xã hoặc ít nhất 01 người chứng kiến; sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (thiết bị ghi âm, ghi hình) ghi nhận vụ việc, ghi nhận hình ảnh tang vật, phương tiện; sử dụng các biện pháp đưa tang vật, phương tiện về nơi tạm giữ (trực tiếp thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân thực hiện); xác minh và gửi thông báo đến chủ phương tiện, yêu cầu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm đến giải quyết (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này); cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu chi phí cho việc đưa tang vật, phương tiện đó về nơi tạm giữ theo quy định của pháp luật;
d) Trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, chứng chỉ lái phương tiện, Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện hoặc giấy xác nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực đối với trường hợp phương tiện thế chấp, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng hoặc các giấy tờ khác liên quan đến tang vật, phương tiện theo quy định của pháp luật để bảo đảm việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nếu người vi phạm không có giấy tờ nói trên thì có thể tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
đ) Trường hợp giao phương tiện giao thông bị tạm giữ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt cho cá nhân, tổ chức vi phạm quản lý, bảo quản thì thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
Điều 12. Ghi Sổ kế hoạch và nhật ký tuần tra, kiểm soát đường thủy
1. Khi giải quyết xong từng vụ việc phải ghi ngay vào Sổ kế hoạch và nhật ký tuần tra, kiểm soát đường thủy.
2. Các vụ việc ghi ngắn gọn, rõ ràng và liên tục theo thứ tự thời gian, cụ thể:
a) Trường hợp phương tiện có vi phạm ghi nội dung: Thời gian (giờ, phút, ngày); địa điểm (km, địa danh, tuyến, địa bàn); kiểm tra phương tiện thủy, biển kiểm soát, người điều khiển; hành vi vi phạm; biện pháp xử lý của Cảnh sát: Nhắc nhở, quyết định xử phạt cảnh cáo, phạt tiền (số tiền), biên bản đã lập (số thứ tự), việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khác;
b) Trường hợp phương tiện không vi phạm ghi nội dung: Thời gian (giờ, phút, ngày); địa điểm (km, địa danh, tuyến, địa bàn); kiểm tra phương tiện thủy, biển kiểm soát, người điều khiển phương tiện;
c) Các vụ việc tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, hoạt động tội phạm và các vụ việc khác.
Điều 13. Kết thúc tuần tra, kiểm soát
1. Tổ trưởng Tổ tuần tra, kiểm soát tổ chức họp rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn thiện các tình tiết vụ việc trong ca tuần tra, kiểm soát; ghi chép đầy đủ những nhận xét, đánh giá ưu điểm, tồn tại, đề xuất ý kiến, ký vào Sổ kế hoạch và nhật ký tuần tra, kiểm soát đường thủy.
2. Báo cáo tình hình, kết quả công tác của Tổ tuần tra, kiểm soát.
3. Bàn giao biểu mẫu, hồ sơ các vụ việc vi phạm hành chính, các giấy tờ, tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tiền thu nộp phạt tại chỗ cho cán bộ quản lý của đơn vị (nếu có). Việc bàn giao phải được tiến hành ngay sau khi kết thúc ca tuần tra, kiểm soát. Người giao và người nhận phải ký, ghi rõ họ tên trong Sổ giao nhận biểu mẫu trong hoạt động tuần tra, kiểm soát và Sổ giao nhận hồ sơ và các vụ việc trong tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; nếu để mất, hư hỏng tài liệu, thiết bị, giấy tờ, tang vật, phương tiện, tiền nêu trên, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, bồi thường và trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật. Việc bàn giao vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và các trang bị khác cho Tổ tuần tra, kiểm soát tiếp theo hoặc cán bộ quản lý của đơn vị phải ghi rõ trong Sổ kế hoạch và nhật ký tuần tra, kiểm soát đường thủy và Sổ giao nhận và sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ.
XỬ LÝ VỤ VIỆC VI PHẠM HÀNH CHÍNH TẠI TRỤ SỞ ĐƠN VỊ
Điều 14. Tổ chức thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính
1. Công an các đơn vị, địa phương có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bố trí bộ phận xử lý vi phạm hành chính.
2. Địa điểm giải quyết vụ việc vi phạm hành chính
a) Bố trí ở vị trí thuận lợi, có diện tích phù hợp, có chỗ ngồi cho người đến liên hệ giải quyết vụ việc vi phạm hành chính;
b) Niêm yết sơ đồ chỉ dẫn nơi làm việc, lịch tiếp dân, biển chức danh của cán bộ làm nhiệm vụ xử lý, số điện thoại, nội quy tiếp dân, hòm thư góp ý và nội dung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính.
3. Trách nhiệm cán bộ xử lý vi phạm hành chính
a) Có mặt trước giờ làm việc 15 phút, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, biểu mẫu, thiết bị văn phòng phục vụ cho công tác xử lý vi phạm hành chính; hướng dẫn người đến giải quyết vi phạm hành chính thực hiện theo đúng thứ tự;
b) Lập biên bản vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhưng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý;
c) Tiếp nhận dữ liệu (thông tin, hình ảnh) phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường thủy (sau đây viết gọn là thông tin, hình ảnh) do cá nhân, tổ chức cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội;
d) Tiếp nhận hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính;
đ) Tham mưu, đề xuất việc xử lý vi phạm hành chính.
Điều 15. Trình tự xử lý vi phạm hành chính
1. Tiếp nhận hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính
a) Hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính do Tổ tuần tra, kiểm soát bàn giao, bao gồm: Biên bản vi phạm hành chính hoặc biên bản kiểm tra; biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép chứng chỉ hành nghề; quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ; quyết định tạm giữ và giấy tờ có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện; tang vật, phương tiện, giấy phép chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ và các tài liệu đã thu thập được (nếu có);
b) Hồ sơ vụ việc vi phạm phát hiện thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ có ghi hình nhưng chưa dừng được phương tiện để xử lý;
c) Hồ sơ vụ việc thông tin, hình ảnh do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội;
d) Hồ sơ vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền chuyển đến để xử phạt vi phạm hành chính;
đ) Vào Sổ thống kê kết quả xử lý các vụ việc vi phạm hành chính. Đối với những đơn vị, địa phương đã được trang bị phần mềm hệ thống xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông thực hiện thống kê, theo dõi vụ việc vi phạm trên hệ thống.
2. Phân loại hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính
a) Hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính chờ giải quyết, gồm:
Loại vụ việc đã rõ không cần xác minh;
Loại vụ việc cần xác minh;
Loại vụ việc không thuộc thẩm quyền của thủ trưởng đơn vị;
Loại vụ việc có dấu hiệu tội phạm; vụ việc vi phạm phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhưng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý; vụ việc phản ánh vi phạm hành chính về giao thông đường thủy nội địa do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội;
b) Hồ sơ đã ra quyết định xử phạt nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm chưa đến nhận quyết định; đã nhận quyết định nhưng chưa thi hành hoặc thi hành chưa xong;
c) Hồ sơ đã giải quyết xong, gồm: Những vụ việc vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức vi phạm đã thi hành xong quyết định xử phạt nhưng chưa lưu trữ theo chế độ hồ sơ của Bộ Công an;
d) Hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo.
3. Xem xét vụ việc vi phạm hành chính
a) Nhập dữ liệu vào phần mềm hệ thống quản lý, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, để in quyết định xử phạt vi phạm hành chính thông qua hệ thống theo quy định tại khoản 4 Điều này; xem xét, đối chiếu hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính với quy định của pháp luật và báo cáo, đề xuất xử lý theo quy định; đối với vụ việc cần xác minh, giải trình thì thực hiện theo quy định tại Điều 59, Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020);
b) Đối với vụ việc không thuộc thẩm quyền xử phạt của thủ trưởng đơn vị thì cán bộ báo cáo, đề xuất thủ trưởng đơn vị chuyển hồ sơ đến cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;
c) Đối với vụ việc vi phạm hành chính phát hiện qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhưng chưa dừng ngay được phương tiện vi phạm thì thực hiện theo quy định tại
d) Đối với vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì cán bộ báo cáo, đề xuất thủ trưởng đơn vị chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền xử lý theo quy định tại Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020);
đ) Trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
e) Gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho cơ quan cấp đối với các trường hợp bị tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề và cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt theo quy định. Nhập dữ liệu vào phần mềm hệ thống xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông của Cục Cảnh sát giao thông đối với các trường hợp giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã bị tước quyền sử dụng hoặc giấy tờ phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ quá thời hạn nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm chưa đến chấp hành quyết định xử phạt. Khi cá nhân, tổ chức vi phạm đã chấp hành quyết định xử phạt, nhận lại giấy tờ phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì cán bộ xử lý cập nhật vào phần mềm hệ thống xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, nội dung đã trả giấy tờ phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
g) Khi cá nhân, tổ chức vi phạm đến giải quyết vi phạm thì thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp nộp phạt vi phạm hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích thì thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và Bộ Công an. Trường hợp nộp phạt vi phạm hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an thì thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều này;
h) Trường hợp quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính mà chủ phương tiện, cá nhân, tổ chức vi phạm chưa đến giải quyết, thì thực hiện theo quy định tại
Đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã quá thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển cho cơ quan đã cấp các loại giấy tờ đó để tiến hành việc thu hồi theo quy định của pháp luật và thông báo cho cá nhân, tổ chức vi phạm biết theo quy định tại Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Điều 41 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
4. Đối với Công an các đơn vị, địa phương đã được trang bị phần mềm hệ thống xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, phải nhập dữ liệu, in quyết định xử phạt vi phạm hành chính thông qua phần mềm hệ thống xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà buộc phải sử dụng quyết định xử phạt bằng mẫu in sẵn (Đội, Trạm, Thủy đội phải có báo cáo cụ thể lãnh đạo Thủy đoàn, Phòng Cảnh sát giao thông, lãnh đạo Công an cấp huyện về lý do bất khả kháng và phải lưu vào hồ sơ vụ việc xử lý vi phạm hành chính) hoặc các trường hợp xử phạt theo thủ tục không lập biên bản bằng mẫu in sẵn; sau khi ra quyết định bằng mẫu in sẵn phải nhập dữ liệu vào phần mềm hệ thống xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông để quản lý và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo.
Khi phần mềm đáp ứng điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật, thông tin thì thực hiện lập, in biên bản vi phạm hành chính và các biểu mẫu khác thông qua phần mềm hệ thống xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
5. Trực tiếp làm việc với cá nhân hoặc đại diện tổ chức vi phạm đến giải quyết vi phạm:
a) Tiếp nhận biên bản vi phạm hành chính và đối chiếu với hồ sơ vi phạm; trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm làm mất biên bản vi phạm hành chính phải xuất trình giấy tờ tùy thân; chỉ giải quyết vụ việc vi phạm hành chính trực tiếp với người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm hoặc người được ủy quyền hợp pháp theo quy định của pháp luật;
b) Thông báo hình thức, mức xử phạt, biện pháp ngăn chặn, biện pháp khác, kết quả thu thập được hành vi vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định;
c) Giao 01 bản quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho người bị xử phạt hoặc người đại diện hợp pháp, người được ủy quyền, 01 bản chuyển giao cho Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng nơi thu tiền phạt;
d) Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm đã thực hiện xong việc nộp tiền phạt, cán bộ thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính tại đơn vị thực hiện như sau: Tiếp nhận biên lai thu tiền phạt; kiểm tra, đối chiếu biên lai thu tiền phạt với hồ sơ vi phạm hành chính và lưu hồ sơ; trả lại tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã bị tạm giữ theo thủ tục hành chính (trừ trường hợp chưa thực hiện xong các biện pháp xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả hoặc quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính) theo quy định của pháp luật. Trả lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề đối với các trường hợp đã hết thời hạn tước;
đ) Trường hợp giải quyết vụ việc theo thông báo vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường thủy: Kiểm tra, đối chiếu các thông tin trên giấy thông báo, giấy tờ tùy thân; cho người vi phạm xem kết quả thu thập được hành vi vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; lập biên bản vi phạm hành chính và thực hiện xử lý vi phạm theo quy định.
6. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính qua tài khoản, dịch vụ bưu chính công ích hoặc thuộc các trường hợp: Nộp tiền phạt nhiều lần; miễn, giảm tiền phạt; quá thời hạn nộp phạt hoặc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính thì thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
7. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm yêu cầu thực hiện việc nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công Bộ Công an thì thực hiện như sau:
a) Người có thẩm quyền xử phạt gửi thông tin xử phạt lên Cổng dịch vụ công; Cổng dịch vụ công tự động thông báo cho cá nhân, tổ chức vi phạm tra cứu thông tin Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thông qua số điện thoại đã đăng ký với cơ quan Công an tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính;
b) Cá nhân, tổ chức vi phạm truy cập vào Cổng dịch vụ công thông qua số Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được thông báo hoặc số biên bản vi phạm hành chính để tra cứu thông tin Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính, đăng ký nhận lại giấy tờ bị tạm giữ qua dịch vụ Bưu chính công ích;
c) Người có thẩm quyền xử phạt tra cứu Biên lai điện tử thu tiền xử phạt vi phạm hành chính được Hệ thống Cổng dịch vụ công gửi về để in, lưu hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và làm căn cứ trả lại tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ, tiền đặt bảo lãnh;
d) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trả lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ, hết thời hạn tước cho cá nhân, tổ chức vi phạm qua dịch vụ Bưu chính công ích; trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tiền đặt bảo lãnh (nếu có) theo quy định pháp luật.
8. Theo dõi, thống kê việc xử lý vi phạm hành chính
a) Trong thời hạn không quá 48 giờ, kể từ khi cá nhân, tổ chức vi phạm đã chấp hành xong quyết định xử phạt thì cán bộ thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm phải thực hiện: Nhập dữ liệu vào phần mềm hệ thống xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với các vụ việc vì lý do bất khả kháng (kể cả các trường hợp xử phạt theo thủ tục không lập biên bản) mà phải sử dụng mẫu in sẵn theo quy định tại khoản 4 Điều này;
b) Ghi bổ sung vào Sổ thống kê kết quả xử lý các vụ, việc vi phạm hành chính. Những đơn vị, địa phương đã được trang bị phần mềm hệ thống xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông thực hiện thống kê, theo dõi vụ việc trên phần mềm hệ thống xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông;
c) Sắp xếp hồ sơ đưa vào tập hồ sơ lưu trữ theo đúng chế độ hồ sơ; lưu trữ số liệu vào máy tính.
1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính thực hiện:
a) Xác minh thông tin về phương tiện, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính thông qua cơ quan đăng ký hoặc cơ quan đăng kiểm phương tiện thủy và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
b) Trường hợp chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không cư trú, đóng trụ sở tại địa bàn cấp huyện nơi cơ quan Công an đã phát hiện vi phạm hành chính, nếu xác định vi phạm hành chính đó thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã thì chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến Công an cấp xã nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính cư trú, đóng trụ sở (theo Mẫu số 01) để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm (khi được trang bị hệ thống mạng kết nối gửi bằng phương thức điện tử);
Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã hoặc thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã nhưng Công an cấp xã chưa được trang bị hệ thống mạng kết nối thì chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến Công an cấp huyện nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính cư trú, đóng trụ sở (theo Mẫu số 01) để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm;
c) Gửi thông báo (theo Mẫu số 02) yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính hoặc đến trụ sở Công an cấp xã, Công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính (sau đây viết gọn là Nghị định số 135/2021/NĐ-CP).
2. Khi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến cơ quan Công an để giải quyết vụ việc vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hoặc Trưởng Công an cấp xã, Trưởng Công an cấp huyện tiến hành giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP.
3. Trường hợp vụ việc vi phạm do Công an cấp xã, Công an cấp huyện giải quyết, xử lý thì phải thông báo ngay kết quả giải quyết, xử lý vụ việc cho cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm. Đồng thời, cập nhật trạng thái đã giải quyết, xử lý vụ việc trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông và gửi thông báo về phương tiện vi phạm cho cơ quan đăng kiểm, gỡ bỏ trạng thái cảnh báo đã gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm trên phần mềm hệ thống xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (nếu đã có thông tin cảnh báo từ cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm).
Trường hợp vụ việc vi phạm do cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm giải quyết, xử lý thì phải thông báo ngay kết quả giải quyết vụ việc cho Công an cấp xã hoặc Công an cấp huyện đã nhận kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Đồng thời, cập nhật trạng thái đã giải quyết, xử lý vụ việc trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông và gửi thông báo về phương tiện vi phạm cho cơ quan đăng kiểm, gỡ bỏ trạng thái cảnh báo đã gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm trên phần mềm hệ thống xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với vụ việc quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Quá thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi thông báo vi phạm, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết vụ việc hoặc cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm chưa nhận được thông báo kết quả giải quyết, xử lý vụ việc của Công an cấp xã, Công an cấp huyện đã nhận kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm thực hiện:
a) Cập nhật thông tin của phương tiện vi phạm (loại phương tiện; biển số, màu biển số; thời gian, địa điểm vi phạm, hành vi vi phạm; đơn vị phát hiện vi phạm; đơn vị giải quyết vụ việc, số điện thoại liên hệ) lên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông để chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính biết, liên hệ giải quyết theo quy định;
b) Gửi thông báo về phương tiện vi phạm cho cơ quan đăng kiểm đối với phương tiện thuộc diện đăng kiểm; đồng thời, cập nhật trạng thái cảnh báo đã gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm trên phần mềm hệ thống xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
5. Việc chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thông báo kết quả giải quyết vụ việc vi phạm được thực hiện bằng phương thức điện tử.
Quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu (thông tin, hình ảnh) thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định số 135/2021/NĐ-CP và quy định sau đây:
1. Đơn vị thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu (thông tin, hình ảnh) gồm:
a) Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên đường thủy nội địa, Thủy đoàn thuộc Cục Cảnh sát giao thông;
b) Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh;
c) Đội Cảnh sát đường thủy hoặc Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự hoặc Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động hoặc Đội Cảnh sát quản lý hành chính - giao thông - trật tự - cơ động trực thuộc thuộc Công an cấp huyện.
2. Đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm:
a) Thông báo công khai địa điểm, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để cá nhân, tổ chức biết cung cấp;
b) Tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận, thu thập dữ liệu (thông tin, hình ảnh).
3. Tiếp nhận, thu thập và xử lý dữ liệu (thông tin, hình ảnh)
Việc tiếp nhận, thu thập và xử lý dữ liệu (thông tin, hình ảnh) được thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP. Khi tiếp nhận, thu thập được dữ liệu (thông tin, hình ảnh), cán bộ Cảnh sát giao thông phải xem xét, phân loại, nếu bảo đảm yêu cầu quy định, thì ghi chép vào Sổ tiếp nhận thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường thủy (theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này) và báo cáo thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền thực hiện như sau:
a) Trường hợp dữ liệu (thông tin, hình ảnh) phản ánh hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường thủy đang diễn ra trên tuyến, địa bàn phụ trách thì tổ chức lực lượng dừng phương tiện, kiểm soát, phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định. Trường hợp không dừng được phương tiện để kiểm soát hoặc hành vi vi phạm được phản ánh đã kết thúc thì thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật;
b) Trường hợp không thuộc tuyến, địa bàn phụ trách của đơn vị thì thông báo cho đơn vị Cảnh sát giao thông có thẩm quyền thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Xác minh dữ liệu (thông tin, hình ảnh) và kết luận vụ việc
Căn cứ yêu cầu cụ thể từng vụ việc, người có thẩm quyền thụ lý vụ việc thực hiện:
a) Xác minh thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện thông qua cơ quan đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan, tổ chức khác có liên quan; gửi thông báo đến chủ phương tiện, mời chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện đến trụ sở cơ quan Công an đã ra thông báo vi phạm để làm rõ vụ việc (theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này). Trường hợp quá thời hạn 20 ngày, kể từ ngày gửi thông báo mà chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện không đến trụ sở cơ quan Công an đã ra thông báo để giải quyết vụ việc thì người có thẩm quyền thụ lý vụ việc tiếp tục gửi thông báo đến Công an cấp xã (theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này); Công an cấp xã khi nhận được thông báo có trách nhiệm chuyển đến chủ phương tiện, yêu cầu chủ phương tiện thực hiện theo thông báo và thông báo lại cho cơ quan Công an đã ra thông báo (theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Thực hiện việc xác minh dữ liệu (thông tin, hình ảnh), kết luận vụ việc theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP.
1. Đơn vị Cảnh sát đường thủy được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, theo tuyến, địa bàn phụ trách, có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy để thực hiện:
a) Phối hợp khai thác, sử dụng dữ liệu quản lý, điều hành giao thông của tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và đấu tranh phòng chống tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông theo quy định của pháp luật;
b) Tiếp nhận kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật quy định tại Điều 22 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP để sử dụng làm căn cứ xác định hành vi vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Sau khi tiếp nhận kết quả, thực hiện:
Trường hợp phương tiện vi phạm đang lưu thông trên tuyến, địa bàn phụ trách thì thủ trưởng đơn vị tuần tra, kiểm soát giao thông có thẩm quyền tổ chức lực lượng tiến hành dừng phương tiện vi phạm, kiểm soát và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;
Trường hợp phương tiện vi phạm đã di chuyển sang tuyến, địa bàn khác thì thủ trưởng đơn vị tuần tra, kiểm soát có thẩm quyền thực hiện việc xác minh thông tin về phương tiện vi phạm, chủ phương tiện, gửi thông báo vi phạm và xử lý vi phạm theo quy định tại
2. Khi tiếp nhận kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy cung cấp thì cán bộ tiếp nhận phải ký giấy giao nhận và lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 19. Chế độ thông tin, báo cáo
1. Báo cáo định kỳ:
a) Tuần, tháng, 6 tháng, năm, các Thủy đội, Đội, Trạm, Công an cấp xã báo cáo lãnh đạo Thủy đoàn, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an cấp huyện về tình hình, kết quả công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;
b) Tuần, tháng, 6 tháng, năm, Công an cấp huyện báo cáo về Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát giao thông báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh và Cục trưởng Cục Cảnh giao thông; Thủy đoàn báo cáo Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông về tình hình, kết quả công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.
2. Đối với những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp hoặc có ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phải báo cáo ngay Giám đốc Công an cấp tỉnh và Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông.
3. Trường hợp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn bị tước quyền sử dụng, Thủy đoàn trưởng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt phải thông báo về cơ quan đã cấp giấy tờ đó và Cục Cảnh sát giao thông, đồng thời cập nhật ngay thông tin lên phần mềm hệ thống xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông của Cục Cảnh sát giao thông.
Trường hợp giấy tờ phương tiện, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn bị tạm giữ đã quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt, Thủy đoàn trưởng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt phải thông báo về Cục Cảnh sát giao thông, đồng thời cập nhật ngay thông tin lên phần mềm hệ thống xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông của Cục Cảnh sát giao thông.
4. Trường hợp tạm giữ giấy tờ phương tiện, Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn để bảo đảm việc xử phạt, nếu quá thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà người vi phạm không đến nhận, không có lý do chính đáng thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển cho cơ quan đã cấp các loại giấy tờ đó để tiến hành thu hồi theo quy định của pháp luật, thông báo về Cục Cảnh sát giao thông theo quy định tại khoản 3 Điều này và thông báo cho người vi phạm biết.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 9 năm 2023.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 68/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy.
3. Bãi bỏ Điều 5 và khoản 15 Điều 7 Thông tư số 15/2022/TT-BCA ngày 06/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2017/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trình tự cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và sát hạch, cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ; Thông tư số 45/2017/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trình tự đăng ký mẫu con dấu, thu hồi và hủy con dấu, hủy giá trị sử dụng con dấu, kiểm tra việc quản lý và sử dụng con dấu; Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; Thông tư số 68/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy; Thông tư số 73/2021/TT-BCA ngày 29 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan.
4. Khi văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì thực hiện theo quy định mới đó.
1. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, thực hiện Thông tư này.
2. Thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan Bộ, Giám đốc Công cấp tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát giao thông) để có hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Thông tư 68/2020/TT-BCA quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
- 2Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
- 3Thông tư 79/2022/TT-BQP quy định về ban hành, quản lý và sử dụng biểu mẫu trong xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng
- 4Thông tư 82/2022/TT-BQP hướng dẫn Nghị định 96/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và Nghị định 37/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 5Kế hoạch 131/KH-BCA tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong Công an nhân dân năm 2024 do Bộ Công an ban hành
- 1Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 2Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
- 3Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014
- 4Nghị định 142/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải
- 5Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020
- 6Luật Công an nhân dân 2018
- 7Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 8Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử
- 9Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính
- 10Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng
- 11Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính
- 12Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa
- 13Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
- 14Thông tư 79/2022/TT-BQP quy định về ban hành, quản lý và sử dụng biểu mẫu trong xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng
- 15Thông tư 82/2022/TT-BQP hướng dẫn Nghị định 96/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và Nghị định 37/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 16Luật Công an nhân dân sửa đổi 2023
- 17Kế hoạch 131/KH-BCA tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong Công an nhân dân năm 2024 do Bộ Công an ban hành
Thông tư 36/2023/TT-BCA quy định về Quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
- Số hiệu: 36/2023/TT-BCA
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 02/08/2023
- Nơi ban hành: Bộ Công An
- Người ký: Tô Lâm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/09/2023
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết