Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 35-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 2 năm 1981

THÔNG TƯ

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 35-TTg NGÀY 11 THÁNG 2 NĂM 1981 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 40-CP CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ QUYỀN HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU CỦA CÁC TỈNH VÀ THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Bản quy định của Hội đồng Chính phủ về quyền xuất nhập khẩu của các tỉnh, thành phố ban hành kèm theo nghị định số 40-CP ngày 7-2-1980 đã nêu rõ:

"Đối với những địa phương có điều kiện địa lý thuận lợi để kinh doanh xuất khẩu (các thành phố, cảng quốc tế) và có cán bộ biết kinh doanh xuất khẩu thì Bộ Ngoại thương thừa nhận cho trực tiếp giao dịch và ký hợp đồng với các công ty nước ngoài trên những thị trường được Bộ Ngoại thương cho phép và phải chịu sự quản lý, chỉ đạo về chính sách và nghiệp vụ của Bộ Ngoại thương".

Để các địa phương thực hiện đúng đắn quyền hoạt động xuất nhập khẩu,Thủ tướng Chính phủ giải thích và hướng dẫn một số điểm cụ thể sau đây:

1.Về hàng xuất khẩu của địa phương. Căn cứ vào bản quy định nói trên, hàng xuất khẩu được phân ra ba loại sâu đây:

a. Hàng xuất khẩu đặc biệt,

b. Hàng xuất khẩu do Nhà nước giao chỉ tiêu,

c. Hàng xuất khẩu của địa phương.

- Hàng xuất khẩu đặc biệt chỉ được phép xuất khẩu trong trường hợp có quyết định của Chính phủ và thông qua các tổ chức do Chính phủ chỉ định.

- Hàng xuất khẩu do Nhà nước giao chỉ tiêu là các mặt hàng hàng năm Chính phủ giao chỉ tiêu cho từng địa phương phải giao nộp cho trung ương để xuất khẩu.

- Hàng xuất khẩu của địa phương gồm tất cả các loại hàng mà Nhà nước không giao chỉ tiêu, do địa phương tận dụng tiềm năng kinh tế của địa phương để tăng nguồn hàng xuất khẩu.

Cũng được coi là hàng xuất khẩu của địa phương số hàng sản xuất vượt mức chỉ tiêu kế hoạch hàng xuất khẩu Nhà nước giao cho địa phương và số hàng xuất khẩu do Nhà nước giao chỉ tiêu nhưng không bảo đảm vật tư, nguyên liệu để sản xuất và địa phương đã sản xuất ra bằng vật tư, nguyên liệu do địa phương tự lo liệu.

Để bảo đảm việc quản lý hành chính của Nhà nước, hàng năm Uỷ ban nhân dân địa phương phải đăng ký danh mục hàng xuất khẩu của địa phương với Bộ Ngoại thương và để khỏi trở ngại cho hoạt động xuất khẩu của địa phương, có thể đăng ký bổ sung từng quý và từng chuyến trong trường hợp đột xuất.

2. Để khuyến khích các địa phương đẩy mạnh sản xuất mặt hàng xuất khẩu do Nhà nước giao chỉ tiêu và kịp thời sử dụng phần sản xuất vượt mức chỉ tiêu kế hoạch, căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch hàng năm Chính phủ giao cho tỉnh và thành phố, Bộ Ngoại thương có thể chia các chỉ tiêu cả năm ra từng quý, đối với những mặt hàng sản xuất rải đều trong năm như sản phẩm công nghiệp và thủ công nghiệp hoặc từng vụ đối với những mặt hàng thời vụ như nông, lâm sản.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ giao nộp từng phần theo quý, hoặc theo vụ, Uỷ ban nhân dân địa phương được sử dụng số sản phẩm sản xuất vượt kế hoạch quý hoặc vụ để xuất khâủ theo chế độ hàng xuất khẩu của địa phương, nhưng đến cuối năm vẫn phải thực hiện đầy đủ chỉ tiêu kế hoạch hàng xuất khẩu Nhà nước giao cho.

3. Đối với hàng xuất khẩu của địa phương, địa phương có thể chọn một trong ba phương thức đã quy định là:

a. Trực tiếp xuất khẩu, nếu có các điều kiện quy định trong Điều 43 của bản quy định (có điều kiện địa lý thuận lợi, có cán bộ biết kinh doanh xuất khẩu).

b. Gửi các công ty chuyên doanh xuất khẩu của Bộ Ngoại thương (hoặc các công ty xuất nhập khẩu thuộc các địa phương khác được phép trực tiếp xuất khẩu) bán hộ (uỷ thác xuất khẩu).

c. Bán cho các công ty chuyên doanh xuất nhập khẩu của Bộ Ngoại thương (hoặc các công ty xuất nhập khẩu của các địa phương khác được phép trực tiếp xuất khẩu).

Trong trường hợp uỷ thác xuất khẩu cho các công ty chuyên doanh xuất nhập khẩu thuộc Bộ Ngoại thương, các công ty này phải đảm nhiệm việc giúp các địa phương như đối với các mặt hàng xuất khẩu Nhà nước giao chỉ tiêu, không được từ chối. Chế độ uỷ thác xuất khẩu.

4. Đối với hai phương thức đầu trực tiếp xuất khẩu và uỷ thác xuất khẩu, Uỷ ban nhân dân địa phương được sử dụng 70% ngoại tệ thực thu để nhập khẩu vật tư phục vụ cho việc phát triển kinh tế địa phương, đồng thời có trách nhiệm giải quyết các nguyên liệu, vật liệu cần thiết để sản xuất hàng xuất khẩu và trợ cấp xuất khẩu trong trường hợp hàng xuất khẩu bị lỗ.

Trong trường hợp mua đứt bán đoạn cho các công ty chuyên doanh xuất nhập khẩu thuộc Bộ Ngoại thương để xuất khẩu thì các công ty chuyên doanh có trách nhiệm lo liệu các vật tư nhập khẩu cần thiết cho sản xuất các mặt hàng đó.

5. Các địa phương chỉ được trực tiếp xuất nhập khẩu ở thị trường các nước không phải xã hội chủ nghĩa. Đối với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, việc trao đổi hàng hoá phải thông qua việc ký kết hiệp định thương mại và nghị định thư trao đổi hàng hoá giữa Chính phủ hai nước và thông qua các công ty chuyên doanh ngoại thương hai nước để ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu.

Để bảo đảm việc quản lý hành chính của Nhà nước trong lĩnh vực buôn bán với các công ty tư bản, hàng năm, Uỷ ban nhân dân địa phương phải đăng ký với Bộ Ngoại thương những thị trường và công ty nước ngoài mà địa phương dự kiến giao dịch mua bán, cũng như danh mục hàng hoá mà địa phương dự kiến xuất nhập khẩu. Sau khi đã đăng ký, địa phương vẫn có thể bổ sung thêm danh mục hàng hoá và thị trường xuất nhập khẩu.

6. Các công ty xuất nhập khẩu các địa phương chịu sự quản lý chỉ đạo về chính sách và nghiệp vụ của Bộ Ngoại thương. Bộ Ngoại thương có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra và giám sát các hoạt động xuất nhập khẩu của các công ty này.

Việc quản lý của Bộ Ngoại thương phải tiến hành trên cơ sở và trong khuôn khổ luật pháp của Nhà nước, các điều ước Nhà nước ta ký với nước ngoài, theo luật lệ và tập quán quốc tế, chủ yếu bằng giấy phép xuất nhập khẩu.

Để khỏi trở ngại đến hoạt động xuất nhập khẩu của địa phương, Bộ Ngoại thương cần có những hình thức linh hoạt và cách tổ chức cấp giấy phép xuất nhập khẩu hàng hoá cho kịp thời, nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc về quản lý ngoại thương của Nhà nước.

Các đồng chí Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trên đây.

Tố Hữu

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 35-TTg-1981 hướng dẫn Nghị định 40-CP năm 1980 về quyền hoạt động xuất nhập khẩu của các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 35-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/02/1981
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 26/02/1981
  • Ngày hết hiệu lực: 04/07/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản