Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI THƯƠNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 345-NT

Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 1968

THÔNG TƯ

BỔ SUNG CHẾ ĐỘ CUNG CẤP HÀNG HÓA CHO NGƯỜI ĐẺ, SẨY THAI VÀ MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG KHÁC

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG

Trong Thông tư số 655-NT ngày 07-11-1967 về công tác kê khai cấp phát phiếu mua hàng hóa, Bộ có quy định một số chế độ để các địa phương kịp thời cấp phát phiếu trong năm 1968, nay Bộ hướng dẫn và bổ sung một số điểm về chế độ cung cấp cho một số đối tượng trong Thông tư số 655-NT như sau:

1. Chế độ đối với người đẻ và sẩy thai, nạo thai.

Trước đây đã có chế độ cấp thịt, đường, nước mắm cho người đẻ, nay thi hành Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ số 31-CP ngày 08-3-1967 và sau khi nhất trí với Bộ Y tế, chế độ bồi dưỡng đối với người đẻ và sẩy thai, nạo thai quy định như sau:

- Nhân dân nội thành, nội thị, khu công nghiệp, mỗi lần đẻ hoặc sẩy thai từ tháng thứ 5 trở lên được cấp 2 kg thịt, 1 lít nước mắm loại ngon (hoặc nước chấm ngon) và 1 kg đường.

- Nhân dân nội thành, nội thị, khu công nghiệp, mỗi lần nạo thai hoặc sẩy thai từ tháng thứ 4 trở xuống được cấp 0kg500 thịt và 0kg500 đường.

- Nhân dân nông thôn, ngoại thành, ngoại thị mỗi lần đẻ hoặc sẩy thai từ tháng thứ 5 trở lên được cấp 1kg đường, 1 lít nước mắm hoặc nước chấm loại ngon (cố gắng giành ưu tiên nước mắm ngon).

- Nhân dân nông thôn, ngoại thành, ngoại thị mỗi lần nạo thai hoặc sẩy thai từ tháng thứ 4 trở xuống được cấp 0kg500 đường.

- Nữ cán bộ, công nhân, viên chức mỗi lần đẻ hoặc sẩy thai từ tháng thứ 5 trở lên được cấp 4 kg thịt, 2 kg đường và 1 lít nước mắm loại ngon (hoặc nước chấm ngon).

- Nữ cán bộ, công nhân, viên chức mỗi lần nạo thai hoặc sẩy thai từ tháng thứ 4 trở xuống được cấp 0kg500 thịt và 0kg500 đường.

Các sở, ty thương nghiệp căn cứ theo giấy khai sinh (đối với người đẻ), giấy chứng nhận của y, bác sĩ (đối với người nạo thai và sẩy thai) để cấp phát thuận tiện cho người có tiêu chuẩn có thể mua một lần hoặc nhiều lần.

2. Chế độ cung cấp đối vớí trẻ em.

Trẻ em dưới 15 tuổi hoặc trên 15 tuổi còn đang học mà bố mẹ đều là cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế Nhà nước, hoặc bố là bộ đội hay thanh niên xung phong, mẹ là cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế Nhà nước, nếu sống chung với bố hoặc mẹ trong cơ quan, xí nghiệp mà cơ quan xí nghiệp ấy đóng ở nông thôn, thì vẫn được cấp tiêu chuẩn thực phẩm và hàng bách hóa khác như trẻ em ở thành thị; nếu các em ấy sống chung với ông bà, họ hàng ở ngoại thành, ngoại thị thuộc diện phi nông nghiệp thì được cấp tiêu chuẩn thực phẩm như trẻ em ở nội thành nội thị; nếu ở với ông bà, họ hàng ở nông thôn thì theo chế độ như đối với các trẻ em khác ở nông thôn trừ trường hợp các em ấy trước đây ở thành thị được cấp tiêu chuẩn ở thành thị nay sơ tán về nông thôn thì vẫn cấp như cũ.

- Trẻ em từ 1 đến 12 tháng ở nông thôn bị mất sữa mẹ được cấp mỗi tháng 4 hộp sữa đặc (ở thành thị cấp 8 hộp như đã quy định).

- Trẻ em mất mẹ, ở nông thôn hay thành thị, dưới 12 tháng cần nuôi bằng sữa hộp, được cấp mỗi tháng 8 hộp sữa đặc.

- Con của liệt sĩ hiện đang ở nông thôn dưới 18 tuổi hoặc trên 18 tuổi mà còn đi học được cấp đường như trẻ em ở thành thị (không cấp thịt).

3. Chế độ đối với giáo viên mẫu giáo.

Theo thông tư của Phủ Thủ tướng số 182-TTg/VG và số 183-TTg/VG ngày 25-10-1967, chế độ cung cấp hàng hóa đối với giáo viên mẫu giáo quy định như sau:

- Giáo viên mẫu giáo ở cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, được cấp phiếu mua vải, thực phẩm, đường, v.v… như công nhân viên Nhà nước.

- Giáo viên mẫu giáo ở nông thôn được cấp phiếu mua đường hàng tháng 0kg250.

4. Chế độ đối với nhân viên thương nghiệp quốc doanh

Nhân viên thương nghiệp quốc doanh trước đây hưởng tiêu chuẩn đường theo khu vực hành chính sự nghiệp, nay xét tính chất công tác, sau khi đã nhất trí với Bộ Lao động và Tổng công đoàn, nếu là những đối tượng dưới đây thì được hưởng tiêu chuẩn đường như công nhân loại III (0kg350):

- Nhân viên trực tiếp mua và bán hàng ở các đơn vị kinh doanh của thương nghiệp quốc doanh (bao gồm ngoại thương bán hàng mỹ nghệ vàng bạc, các ngành nội thương, lương thực, dược phẩm, sách báo);

- Nhân viên giữ kho (trừ giữ kho có độc hại đã có chế độ riêng) hàng hóa của thương nghiệp và giữ kho vật tư của Nhà nước;

- Nhân viên trực tiếp phục vụ trong các cơ sở quốc doanh ăn uống, cắt tóc, giặt là, quán trọ;

- Nhân viên áp tải, tiếp liệu, chế biến (trừ nhân viên cấp dưỡng đã có quy định riêng), đóng gói làm thường xuyên trong các cơ sở thương nghiệp quốc doanh;

- Nhân viên thủ quỹ thường xuyên trực tiếp đi thu tiền tại các cửa hàng hoặc thủ quỹ thu tiền làm việc thường xuyên ban đêm (thủ quỹ làm việc theo giờ hành chính thì hưởng tiêu chuẩn theo khu vực hành chính).

Ngoài những nhân viên của các ngành thương nghiệp quốc doanh quy định trên đây, đối với nhân viên sau đây cũng được hưởng tiêu chuẩn đường như công nhân loại III:

- Nhân viên khai thác các bưu cục (ngành bưu điện);

- Nhân viên ngân hàng thường xuyên trực tiếp thu, phát tiền với nhân dân, cơ quan.

Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì mắc mưu yêu cầu các sở, ty phản ánh về Bộ nghiên cứu bổ khuyết.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Đông

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 345-NT-1968 bổ sung chế độ cung cấp hàng hóa cho người đẻ, sẩy thai và một số đối tượng khác do Bộ Nội thương ban hành

  • Số hiệu: 345-NT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/05/1968
  • Nơi ban hành: Bộ Nội thương
  • Người ký: Lê Đông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: 09/06/1968
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản