Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34-TC/CTN | Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 1989 |
Để việc quản lý thu thuế phù hợp với đặc điểm của những hộ kinh doanh không có địa điểm cố định (kinh doanh lưu động, hàng rong, buôn bán thời vụ...) tạo điều kiện chống thất thu thuế đạt kết quả tốt và căn cứ vào chính sách thuế công thương nghiệp hiện hành; Bộ Tài chính hướng dẫn nghiệp vụ, quản lý thu thuế đối với những hộ kinh doanh không có địa điểm cố định như sau:
Đối với những hộ buôn bán lưu động từng chuyến hàng thì thuế thu trên trị giá từng chuyến hàng, tính theo thời giá tại nơi thu thuế. Đối với những hộ khác, thuế thu từng ngày, tính trên trị giá hàng bán trong ngày. Các hộ kinh doanh không có địa điểm cố định phải nộp thuế môn bài theo biểu thuế đối với hộ tư nhân, cá thể.
Theo quy định tại điều 44 của Điều lệ thuế Công thương nghiệp, những hộ kinh doanh không có giấy phép kinh doanh, không có thẻ môn bài, không khai báo nộp thuế thì ngoài việc phải nộp đủ mức thuế trên đây, còn bị phạt tiền bằng một lần số thuế đã tính.
a) Cán bộ được giao nhiệm vụ thu thuế ở từng địa bàn (phường, xã, chợ, đường phố...) phải thường xuyên nắm đầy đủ số hộ thực tế có kinh doanh. Những hộ có giấy phép kinh doanh, có địa điểm kinh doanh cố định thì nhất thiết phải đưa vào sổ bộ thuế và thu thuế hàng tháng bằng thông báo thuế. Chỉ những hộ kinh doanh nhỏ, bán chạy, không có địa điểm kinh doanh cố định mới áp dụng biện pháp thu thuế theo hướng dẫn tại văn bản này.
Cán bộ thuế nắm tình hình cụ thể những hộ kinh doanh không có địa điểm cố định trên địa bàn mình quản lý, báo cáo phòng thuế và chính quyền phường, xã (hoặc ban quản lý chợ) để chỉ đạo phối hợp các lực lượng công an, quản lý thị trường tổ chức việc thu thuế.
b) Việc thu thuế đối với những hộ này có nhiều khó khăn, phức tạp vì họ kinh doanh không có địa điểm cố định, không khai báo kết quả kinh doanh và lâu nay không chịu nộp thuế. Vì vậy, các phòng thuế cần báo cáo chính quyền địa phương để tổ chức thành các tổ thu thuế gồm có cán bộ thuế, công an, quản lý thị trường, ban quản lý chợ... thực hiện việc kiểm tra thu thuế theo các bước công việc sau:
- Trước khi thu thuế cần phổ biến cho các đối tượng nộp thuế biết về yêu cầu động viên đóng góp công bằng hợp lý thu nhập của mọi người kinh doanh theo đúng chính sách của Nhà nước. Trên cơ sở đó mà tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của những hộ kinh doanh cố định đối với việc thu thuế vào những hộ kinh doanh lưu động.
- Tổ thu thuế căn cứ vào thực tế kinh doanh của từng hộ (ngành hàng, mặt hàng, số lượng hàng, giá cả...) để xác định mức doanh thu tính thuế và áp dụng vào biểu thuế tính ra số thuế của từng hộ phải nộp. Phải công khai số hộ thu thuế, mức doanh thu, mức thuế của từng hộ để các hộ kinh doanh khác cùng biết và kiểm tra lẫn nhau.
- Khi thu tiền thuế, cán bộ thuế phải viết biên lai thuế trước mặt người nộp thuế và có sự chứng kiến của tổ thu thuế. Sau khi thu tiền phải cấp biên lai cho người nộp và lưu giữ đầy đủ các bản lưu ở cuống biên lai. Thu tiền thuế thì cấp biên lai thuế buôn chuyến, thu tiền phạt thì cấp giấy thu tiền (ký hiệu 5-TP).
- Cuối ngày, tổ thu thuế phải lập bản kê kết quả thu thuế trong ngày, thống kê rõ số hộ, số tiền thuế, số tiền phạt đã thu được đưa về chính quyền phường, xã xác nhận và báo cáo trưởng phòng thuế, đồng thời phải nộp ngay số tiền đã thu cho phòng thuế.
c) Cùng với việc thu thuế, phải tuyền truyền giáo dục để những người kinh doanh hiểu về nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước và chủ trương thu như vậy là nhằm đưa dần họ đi vào kinh doanh có trật tự, nề nếp và chấp hành đúng chính sách thuế của Nhà nước. Phải phổ biến cho từng hộ kinh doanh thấy rõ trách nhiệm của họ là:
- Mỗi khi cán bộ thuế yêu cầu thì phải khai báo trung thực kết quả kinh doanh, cung cấp các tình hình liên quan đến việc xác định doanh thu và tính thuế.
- Phải chấp hành việc nộp thuế theo mức thuế của tổ thuế đã tính. Nếu dây dưa trốn thuế có thể bị phạt đến 5 lần số thuế phải nộp, nếu có hành vi chống đối việc thu thuế có thể bị truy tố trước pháp luật.
- Nộp thuế rồi thì phải lưu giữ biên lai thuế. Nếu kiểm tra không có biên lai thuế thì coi như chưa nộp thuế nên phải nộp thuế và nộp phạt.
- Những hộ nào đã kinh doanh tương đối thường xuyên và sắp xếp được địa điểm kinh doanh ổn định thì phải đưa vào sổ bộ thuế và thu thuế hàng tháng bằng thông báo thuế.
Trưởng phòng thuế quận, huyện căn cứ vào bảng kê kết quả số thu từng ngày của tổ thu thuế lập, có xác nhận của chính quyền phường, xã, sau khi kiểm tra, đối chiếu số tiền thực tế thu được với số tiền ghi trên bảng lưu ở cuối biên lai, danh sách số người tham gia thu thuế trong ngày, đề ra quyết định trích thưởng từ số tiền phạt thu được để trả cho người có công chống lậu thuế. Sau khi trích thưởng, số tiền phạt còn lại phải nộp vào Ngân sách Nhà nước (ghi vào khoản thu khác về thuế công thương nghiệp).
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các ngành, các địa phương kịp thời phản ảnh cho Bộ Tài chính biết để nghiên cứu hướng dẫn thêm.
Chu Tam Thức (Đã ký) |
Thông tư 34-TC/CTN-1989 hướng dẫn nghiệp vụ thu thuế đối với những hộ kinh doanh không có địa điểm cố định do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 34-TC/CTN
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 09/09/1989
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Chu Tam Thức
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 23
- Ngày hiệu lực: 24/09/1989
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra