Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 34-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1958

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VIỆC THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 104-LĐ/NĐ VỀ CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG TIỀN CÔNG CÁC ĐỊA PHƯƠNG

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Các ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu tự trị, Khu Hồng quảng, các thành phố và các tỉnh.
- Các ông Giám đốc Khu, Sở, và Trưởng ty Lao động
- Thủ tướng phủ
- Các Bộ
- Tổng liên đoàn

Công nhân, viên chức trong biên chế Nhà nước thuộc khu vực hành chính và khu vực sản xuất đã có quy định chế độ tiền lương cấp bậc và các chế độ lao động và xã hội. Những công nhân, viên chức ngoài biên chế làm việc thường xuyên hoặc tạm thời, theo thời vụ, ở các xí nghiệp Bộ Lao động đã có một số văn bản hướng dẫn như Thông tư 21-TT-LĐ ngày 16-7-1958 và ở các công trường đã quy định trong Thông tư số 12 ngày 12-5-1958. Tại các địa phương có thành lập Hội đồng tiền công để đề nghị mức tiền công cho công nhân, lao động của địa phương làm việc ở công trường Bộ Thương nghiệp, Bộ Nông lâm cũng có Thông tư hướng dẫn cho cơ sở về các mức lương cho công nhân làm việc tạm thời thuộc ngành đó.

Nhưng hiện nay nhìn chung quan hệ tiền lương giữa các loại công nhân viên thuê mướn tạm thời, theo thời vụ, công nhân bốc vác và vận chuyển tự do, công nhân viên làm việc trong các xí nghiệp tư nhân trong mỗi địa phương, có bộ phận thu nhập quá cao so với tiền lương của công nhân viên trong biên chế Nhà nước và tình hình sinh hoạt của nhân dân địa phương hoặc ngược lại cũng có bộ phận thu nhập còn thấp. Tình hình trên đây đã gây nhiều khó khăn cho việc quản lý tiền công thuê mướn ở các địa phương và việc điều phối nhân lực cho công cuộc kiến thiết.

Nay công cuộc kiến thiết ngày càng một mở rộng, việc thuê mướn nhân công ngày càng nhiều; cần tránh tình trạng các cơ sở sản xuất tự nâng lên hoặc kéo tụt giá nhân công thuê mướn không căn cứ; Bộ Lao động quy định việc phân cấp quản lý và giao nhiệm vụ cho các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh được quy định và lãnh đạo các mức tiền công áp dụng cho việc thuê mướn các loại công nhân viên làm việc tạm thời hoặc theo thời vụ, công nhân bốc vác và vận chuyển tự do, công nhân viên làm việc tại các xí nghiệp tư nhân trong địa phương để điều hòa giá công thuê mướn giữa các vùng cho hợp lý đồng thời để có quan hệ tốt về thu nhập đối với công nhân viên chức trong các xí nghiệp Nhà nước và tình hình sinh hoạt của nhân dân địa phương.

Để thực hiện nhiệm vụ nói trên, bước đầu Bộ Lao động lưu ý các Ủy ban:

1. Công nhân và lao động làm việc tạm thời nói ở điều 1 Nghị định số 104-LĐ/NĐ ngày 31 tháng 12 năm 1958 là những người được thuê mượn làm việc có tính chất tạm thời ít ngày, có việc thì làm, không có việc thì nghỉ, hoặc làm việc có tính chất tạm thời vụ. Còn những công nhân và lao động tuy chưa có quyết định chính thức trong biên chế Nhà nước, nhưng đã làm việc thường xuyên và còn tiếp tục làm việc lâu dài thì Ủy ban hành chính địa phương dựa vào điểm “a” điều 2 của Mục II trong Thông tư 21-LĐ-TT ngày 16-7-1958 của Bộ Lao động mà hướng dẫn các đơn vị thi hành.

2. Khi tính mức tiền công thuê mướn công nhân, lao động làm việc tạm thời cần chú trọng bảo đảm quan hệ tốt với thu nhập của công nhân viên chức trong biên chế Nhà nước cùng loại nghề và năng lực tương đương đồng thời bảo đảm quan hệ tốt về sinh hoạt của nhân dân trong địa phương. Việc quy định mức tiền công cho các loại công nhân, lao động làm việc tạm thời được đúng có tác dụng ổn định tình hình giá cả, sinh hoạt, nhân lực, phục vụ tốt cho sản xuất và quản lý thị trường.

3. Việc phân cấp quản lý chế độ tiền lương của công nhân, lao động thuê mướn tạm thời tại các đơn vị xí nghiệp Nhà nước, công nhân bốc vác, vận chuyển tự do và công nhân, viên chức làm việc cho các cơ sở tư doanh, làm cho Ủy ban hành chính thực sự lãnh đạo chế độ đãi ngộ ở các đơn vị trong địa phương mình. Các đơn vị hoạt động trong mỗi địa phương muốn lấy nhân công, muốn trả tiền công cao hay thấp để làm một công tác tạm thời hay đột xuất trước hết phải thỉnh thị ý kiến của Ủy ban hành chính ở đó giải quyết; chỉ khi nào có những vấn đề mà Ủy ban hành chính thấy không thể giải quyết được thì do Ủy ban hành chính báo cáo xin ý kiến cấp trên.

4. Để tiến hành công tác được thuận lợi cần có tổ chức giữa Ủy ban lãnh đạo được sát và cụ thể, do đó cần có một Hội đồng tiền công. Hội đồng tiền công nghiên cứu, chuẩn bị đề án, Ủy ban hành chính thông qua và quyết định mới thi hành.

Thành phần của Hội đồng tiền công đã quy định ở điều 3 Nghị định số 104-LĐ-NĐ, ngoài ra tuỳ sự cần thiết từng địa phương do Ủy ban hành chính nghiên cứu, chỉ định thêm một số trong các ông Thủ trưởng cơ quan các ngành và mời đại biểu tổ chức công đoàn cấp tương đương tham hia.

Ví dụ: Các ông Giám đốc Sở hoặc Trưởng ty Thương nghiệp, Công nghiệp, Tài chính, Chi nhánh trưởng Ngân hàng Kiến thiết, Giám đốc Sở hoặc Trưởng Ty Giao thông và một ủy viên chấp hành Liên Hiệp Công đoàn, v.v… để làm Ủy viên.

Ủy ban hành chính nghiên cứu, dự kiến về tổ chức, thành phần Hội đồng, nội dung công tác cần làm và dự kiến nhân công, phân nhiệm cho từng Ủy viên rồi triệu tập cuộc họp đầu tiên, sau đó định kỳ sinh hoạt của Hội đồng. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm bổ sung thêm cho tổ chức, cho nhiệm vụ và phản ảnh lên Bộ Lao động để theo dõi và nghiên cứu phổ biến kinh nghiệm chung.

Trong khi nghiên cứu cũng như khi Ủy ban hành chính đã quyết định giá công cho địa phương mình, ngoài việc gửi lên Thủ tướng phủ và Bộ Lao động để báo cáo; cần gửi cho các tỉnh bạn giáp giới mình để tra đổi công tác và giữ quan hệ tốt tránh được sự chênh lệch quá đáng và có tài liệu để giải thích cho quần chúng khi có sự so sánh bên địa phương bạn.

5. Hiện nay trong mỗi địa phương có một số xí nghiệp tư nhân và có bộ phận công nhân bốc vác, vận chuyển tự do, v.v… So với quan hệ chung có bộ phận thu nhập cao hoặc ngược lại có bộ phận còn thấp cần có kế hoạch điều chỉnh dần dần từng bước, thận trọng. Trong lúc tiến hành cần nghiên cứu quan hệ thu nhập một cách toàn diện: chú ý chiếu cố đặc điểm tình hình giá tiền công thuê mướn cũ theo tập quán của từng loại công nhân trong xí nghiệp; căn bản là xem thu nhập bình thường cả năm của người làm công, không thể nhìn qua thu nhập đột biến của thời gian ngắn. Riêng đối với công nhân bốc vác thì thông qua việc điều chỉnh giá cước để khoán việc cho anh em theo chủ trương của Thủ tướng phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giao thông Bưu điện và Lao động. Cần kiểm tra lại các bảng giá cước đang thi hành để có kế hoạch điều chỉnh dần từng bước bảo đảm quan hệ tiền công thuê mướn ở địa phương đồng thời nâng cao năng suất lao động, bảo đảm thu nhập của công nhân viên ngày được nâng cao.

Trong thời gian cải tiến tiền lương năm 1958, các Hội đồng tiền công các địa phương đã nghiên cứu mức tiền công trả cho công nhân, lao động tuyển dụng ngay tại dịa phương làm việc ở các công trường cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm. Các tỉnh miền đồng bằng, đã định giá tiền công thấp hơn mức lương chung của Nhà nước từ 3% đến 10%. Còn các tỉnh miền ngược như Hoà bình, Lào cai, Yên bái v.v… thường phải định cao mức lương của công nhân, viên chức Nhà nước từ 5% đến 10%. Lúc đầu có một số loại thợ muốn nâng tiền công cao, muốn bỏ chỗ này đi làm chỗ khác, nhưng vì các địa phương, các Ủy ban hành chính đã thực hiện giá nhân công được thống nhất, mức tiền công của địa phương này với địa phương khác có quan hệ tương đối tốt, cho nên số nhân công đó đã dần dần ổn định. Những khi cần quy định thấp hơn 10% hoặc cao hơn 10% so với công nhân trong biên chế Nhà nước thì Ủy ban cần nêu rõ lý do về tình hình nhân công, giá cả và sinh hoạt của cán bộ, công nhân và của nhân dân địa phương báo cáo và thỉnh thị Bộ Lao động và Thủ tướng phủ nghiên cứu góp ý kiến rồi mới thi hành. Vì nếu quy định thấp quá sẽ ảnh hưởng đến quan hệ sinh hoạt giữa các loại công nhân, viên chức, nếu cao quá lại ảnh hưởng đến quỹ lương, phải giải quyết điều chỉnh kế hoạch tiền lương.

Khi Ủy ban Hành chính quyết định giá tiền công cho địa phương cần nói rõ ngoài tiền công ra, công nhân, lao động còn được hưởng những chế độ lao động và xã hội khoản nào, còn khoản nào đã tính gộp vào mức tiền công hàng ngày rồi để giúp cho việc thi hành của cơ sở được dễ dàng và thống nhất và cấp trên theo dõi, nghiên cứu cùng góp ý kiến được sát.

Nhận được quyết định về thành lập Hội đồng tiền công và Thông tư này, các Ủy ban Hành chính các địa phương triệu tập Hội đồng tiền công (Hội đồng đã thành lập theo tinh thần Thông tư số 12-LĐ-TT ngày 12-5-1958 và số ủy viên định bổ sung) họp lại nhận định tình hình nhân công, kiểm điểm công tác đã làm thời gian qua, thực hiện phân công, phân nhiệm rõ ràng. Biên bản cuộc họp này gửi về Bộ Lao động vào đầu năm 1959.

Mong các Ủy ban chú ý thi hành chủ trương trên được đầy đủ.

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG




Nguyễn Văn Tạo

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 34-LĐ/TT năm 1958 giải thích Nghị định 104-LĐ/NĐ về công tác của Hội đồng tiền công các địa phương do Bộ Lao Động ban hành

  • Số hiệu: 34-LĐ/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/12/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Nguyễn Văn Tạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: 15/01/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản