BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2006/TT-BTC | Hà Nội, ngày 19 tháng 04 năm 2006 |
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 13/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi đối với Thành phố Đà Nẵng;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi đối với Thành phố Đà Nẵng như sau:
1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện các quy định về cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi đối với Thành phố Đà Nẵng, bao gồm: cơ chế về quản lý ngân sách và cơ chế về huy động các nguồn tài chính cho đầu tư phát triển Thành phố Đà Nẵng.
2. Ngoài các cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi quy định tại Quyết định số 13/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này, Thành phố thực hiện các quy định chung về quản lý tài chính ngân sách quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ, Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Bộ Tài chính và các văn bản pháp luật khác về tài chính ngân sách.
1. Về bố trí vốn đầu tư qua các Bộ, cơ quan Trung ương và hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương đối với các dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố:
1.1. Trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010, hàng năm căn cứ khả năng bố trí của ngân sách thành phố, khả năng cân đối của ngân sách trung ương, ngân sách trung ương thực hiện bố trí, hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương để thực hiện các dự án quan trọng có ý nghĩa đối với Thành phố Đà Nẵng và các tỉnh vùng Kinh tế trọng điểm Trung Bộ theo các danh mục công trình đã quy định tại Tiết a, Khoản 1, Điều 1 Quyết định số 13/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.
1.2. Nguyên tắc bố trí và hỗ trợ vốn: Đối với các dự án đầu tư thuộc Thành phố quản lý, ngân sách trung ương hỗ trợ một phần có mục tiêu cho ngân sách thành phố để triển khai thực hiện. Đối với các dự án trên địa bàn Thành phố thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương quản lý, ngân sách trung ương bố trí vốn qua các Bộ, cơ quan Trung ương để thực hiện. Phương thức thực hiện như sau:
1.2.1. Đối với các dự án đầu tư thuộc Thành phố quản lý: Hàng năm, trước ngày 25 tháng 7 năm trước, Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ban ngành liên quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân Thành phố: trên cơ sở tổng mức vốn của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đã phân kỳ thực hiện hàng năm; tiến độ triển khai thực hiện dự án và nhu cầu vốn thực hiện dự án trong năm kế hoạch, trong đó xác định rõ nguồn ngân sách thành phố bố trí, nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ và các nguồn tài chính khác theo chế độ quy định gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định mức bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách thành phố theo từng dự án trong dự toán ngân sách hàng năm.
1.2.2. Đối với các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương quản lý: Hàng năm, trên cơ sở tổng mức vốn của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiến độ thực hiện dự án, các Bộ, cơ quan Trung ương có dự án liên quan lập dự toán nhu cầu vốn đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 25 tháng 7 năm trước để tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Về thưởng và hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn thu vượt dự toán ngân sách trung ương phát sinh trên địa bàn Thành phố:
2.1. Về thưởng thu vượt dự toán ngân sách:
Hàng năm, trong trường hợp có số tăng thu phần ngân sách trung ương được hưởng so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố trên địa bàn Thành phố theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, ngân sách thành phố được thưởng 30% của số tăng thu, nhưng không vượt quá số tăng thu so với mức thực hiện năm trước. Phương thức xác định mức thưởng, nguyên tắc sử dụng tiền thưởng và phương thức hạch toán ngân sách đối với số tiền thưởng thực hiện theo quy định tại Mục 17 Phần IV thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Bộ Tài chính.
2.2. Hàng năm trong trường hợp có số tăng thu ngân sách trung ương được hưởng 100% so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm: thuế giá trị gia tăng hàng hoá nhập khẩu; các khoản thu không giao Thành phố quản lý thu, không phát sinh trên địa bàn Thành phố mà chỉ hạch toán nộp ở Thành phố; các khoản ghi thu, ghi chi theo quy định của pháp luật, các khoản thu được để lại đơn vị chi quản lý qua ngân sách theo quy định của pháp luật), căn cứ khả năng cân đối ngân sách nhà nước và nhu cầu cần hỗ trợ của Thành phố, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, ưu tiên hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách thành phố theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Số thưởng thu vượt dự toán ngân sách và số hỗ trợ có mục tiêu hàng năm quy định nêu trên được sử dụng theo đúng quy định tại Mục c Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 13/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi đối với thành phố Đà Nẵng.
II. VỀ HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN TÀI CHÍNH CHO ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN:
1. Thành phố Đà Nẵng được tổ chức huy động vốn đầu tư trong nước thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính quyền địa phương theo quy định tại Nghị định số 141/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ; trái phiếu công trình đô thị và các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật; ngân sách thành phố có trách nhiệm thanh toán gốc, lãi và các chi phí liên quan theo quy định.
Khi có nhu cầu huy động vốn đầu tư, Ủy ban nhân dân Thành phố lập phương án trình Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định theo quy định tại Điểm 1.3.4 Tiết 1.3 Mục 1 Phần II Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Bộ Tài chính.
2. Thành phố Đà Nẵng được huy động vốn vay ngoài nước để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố theo nguyên tắc: Uỷ ban nhân dân Thành phố xây dựng phương án, tìm nguồn vốn vay lấy ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo cơ chế Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại để thực hiện các dự án, công trình theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân Thành phố. Thành phố có trách nhiệm bố trí từ ngân sách thành phố để hoàn trả gốc, lãi, các loại phí theo đúng các hợp đồng vay đã ký kết theo quy định của pháp luật.
Tổng mức dư nợ huy động theo các hình thức quy định tại Điểm 1, 2 Mục II Phần B của Thông tư này không được vượt quá 30% tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách thành phố theo dự toán Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định hàng năm (không bao gồm nguồn vốn huy động cho đầu tư các dự án theo quy định của pháp luật, nguồn vốn đầu tư các dự án từ nguồn bổ sung có mục tiêu không ổn định từ ngân sách trung ương cho ngân sách thành phố - nếu có).
3. Thành phố Đà Nẵng được thực hiện cơ chế hỗ trợ một phần lãi suất cho các tổ chức khi các tổ chức vay vốn để đầu tư vào các dự án quan trọng có khả năng thu hồi vốn (đầu tư khu công nghiệp, các dịch vụ môi trường, vệ sinh công cộng, thoát nước, ...) theo quy định của pháp luật. Mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ lãi suất cụ thể đối với từng tổ chức đối với từng dự án trong phạm vi và khả năng ngân sách thành phố. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở có liên quan có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng xác định khoản chi ngân sách hỗ trợ này hàng năm để bố trí dự toán ngân sách thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
4. Hàng năm, căn cứ dự toán ngân sách về nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nội dung đã cam kết với các nhà tài trợ, ưu tiên bố trí cho Thành phố Đà Nẵng nguồn vốn ODA cho các dự án không có khả năng thu hồi vốn để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách thành phố; việc bố trí vốn đối ứng trong nước cho các dự án này do ngân sách thành phố đảm bảo. Phương thức quản lý thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
5. Về huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng:
Để sử dụng có hiệu quả quỹ đất do Thành phố quản lý, căn cứ kế hoạch sử dụng quỹ đất của Thành phố theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định, nhiệm vụ huy động vốn và đầu tư hạ tầng đã được Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định, Ủy ban nhân dân Thành phố được ứng ngân sách thành phố và từ nguồn huy động (nguồn trái phiếu Chính quyền địa phương, nguồn huy động khác theo quy định của pháp luật) cho các dự án xây dựng hạ tầng thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách, di chuyển các cơ sở sản xuất kinh doanh trong nội thành ra ngoại thành, ra khu công nghiệp để tạo quỹ đất; trên cơ sở đó đấu giá tiền giao quyền sử dụng đất, tài sản công theo chế độ quy định, tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và hoàn trả vốn ứng trước từ ngân sách thành phố và các nguồn vốn đã huy động. Phương thức thực hiện như sau:
- Căn cứ quy hoạch về sử dụng quỹ đất của Thành phố; dự án thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định ứng ngân sách thành phố và từ nguồn vốn huy động cho dự án. Mức vốn ứng cho các dự án đầu tư căn cứ khối lượng tiến độ thực hiện, tối đa bằng mức dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Việc quản lý, cấp phát thực hiện theo chế độ của Nhà nước về quản lý vốn ngân sách nhà nước.
- Số tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện hoàn trả nguồn đã ứng từ ngân sách thành phố và từ nguồn vốn huy động, phần còn lại nộp 100% vào ngân sách thành phố (thu tiền sử dụng đất) để sử dụng cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách theo quy định.
6. Ủy ban nhân dân Thành phố có nhiệm vụ tổ chức thực hiện hạch toán quyết toán thu, chi ngân sách đối với các nhiệm vụ quy định tại Mục II Thông tư này theo đúng chế độ quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Căn cứ quy định tại Thông tư này, Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện; trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 13/2006/QĐ-TTg về một số cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi đối với thành phố Đà Nẵng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 3Nghị định 60/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước
- 4Nghị định 77/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
- 5Thông tư 59/2003/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 60/2003/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 6Thông tư 03/2004/TT-BTC hướng dẫn kế toán các đơn vị hành chính sự nghiệp thực hiện Luật Ngân sách nhà nước và khoán chi hành chính do Bộ Tài chính ban hành
- 7Nghị định 61/2014/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 124/2004/NĐ-CP về cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh
Thông tư 34/2006/TT-BTC hướng dẫn thi hành Quyết định 13/2006/QĐ-TTg về cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi đối với Thành phố Đà Nẵng do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 34/2006/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 19/04/2006
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Trần Văn Tá
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 36 đến số 37
- Ngày hiệu lực: 15/05/2006
- Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực