Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3398-V8/3

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 1966

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH THÔNG TƯ SỐ 07-NV NGÀY 22/4/1964 VỀ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ VÀ ĐỒNG BÀO MIỀN NAM CHẾT Ở MIỀN BẮC

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Kính gửi

Các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan trực thuộc hội đồng chính phủ,
ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thông tư số 07-NV ngày 22/2/1964 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành các chế độ đối với cán bộ, đồng bào miền Nam chết ở miền Bắc đã được cơ quan Trung ương và Ủy ban hành chính địa phương thi hành tốt.

Để việc thi hành các chế độ đó được tốt, phù hợp với tình hình hiện nay, Bộ Nội vụ hướng dẫn thêm một số điểm sau đây:

1. Về chôn cất

Việc chôn cất người miền Nam chết thuộc trách nhiệm của cơ quan (nếu là cán bộ) và của Ủy ban hành chính địa phương (nếu là đồng bào). Trường hợp người miền Nam chất ở bệnh viện, hoặc trường hợp người chết có thân nhân và có người đồng hương thì cơ quan và Ủy ban hành chính địa phương yêu cầu bệnh viện hoặc thân nhân và người đồng hương cùng phối hợp lo liệu việc chôn vất, không giao hẳn cho bệnh viện hay cho những người nói trên.

Đối với những người thuộc gia đình có công với cách mạng hoặc là cán bộ hoạt động lâu năm trong Đảng, cán bộ trung cao cấp (kể cả người đã về hưu), nếu chết ở Hà Nội thì báo cho Bộ Nội vụ biết để đi báo cho ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố biết đến thăm viếng.

2. Về việc bảo quản mồ mả.

Việc xây mộ, dựng bia trong hoàn cảnh chiến tranh gặp một số khó khăn nhất định, nhưng vấn đề bảo quản mồ mả có ảnh hưởng đến tình cảm của cán bộ và đồng bào miền Nam và có ý nghĩa chính trị quan trọng, nên cần khắc phục khó khăn để thực hiện cho được việc dựng bia, xây mộ đã quy định tại Thông tư số 07-NV. Trường hợp có khó khăn về vật liệu không thể xây mộ được thì cũng phải có bia đá chôn sâu, chặt, đặt đá xung quanh và trồng cây, đánh dấu, vẽ sơ đồ tỉ mỉ.

Sau khi chôn cất, cơ quan cần bàn giao mộ cho Ủy ban hành chính xã sở tại trông nom, tu sửa. Khi bàn giao phải kèm theo một bản sao sơ yếu lý lịch người chết, bản vẽ sơ đồ mộ, để địa phương có tài liệu quản lý, chỉ dẫn thân nhân thăm viếng.

Đối với cán bộ, công nhân, viên chức, nếu số tiền trợ cấp chôn cất là 150đ quy định ở điều 55 điều lệ bảo hiểm xã hội không đủ để xây mộ thì cơ quan có người chết xin Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố nơi để mộ trích qũy miền Nam cấp thêm.

3. Về vật lưu niệm.

Những ảnh lưu niệm gửi về Bộ Nội vụ chủ yếu là những ảnh chụp khi còn sống, còn ảnh chụp lúc chết và lúc mai táng thì có thể giảm bớt nếu không có điều kiện.

Vàng, bạc thật của người chết không gửi về Bộ Nội vụ nữa mà phải đem bán cho ngân hàng Nhà nước, được bán ra ngoài. Số tiền thu được sẽ gửi về Bộ Nội vụ.

4. Về việc giải quyết di sản.

Việc giải quyết và bảo quản di sản quy định thêm như sau:

Các cơ quan ở địa phương (kể cả các cơ quan; công trường, nông trường, lâm trường, trường học, xí nghiệp thuộc Trung ương đã được phân cấp cho Ủy ban hành chính địa phương quản lý) không chuyển thẳng tiền bán di sản và những vật lưu niệm cho Bộ Nội vụ mà chuyển cho Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố. Các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành ở trung ương thì chuyển cho Bộ, ngành chủ quản. Sau khi kiểm tra việc thi hành chính sách về mai táng và di sản và bổ khuyết những thiếu sót, Ủy ban hành chính địa phương và Bộ, ngành chủ quản sẽ chuyển giao di sản cùng với tiền tuất, vật lưu niệm và hồ sơ tử vong về Bộ Nội vụ. Nếu vì lý do gì mà chưa thể chuyển ngay tiền bán di sản về Bộ Nội vụ được thì phải gửi qũy tiết kiệm, không được mượn dùng vào việc khác.

Quy định về việc giải quyết di sản thi hành từ ngày 01/02/1967.

5. Về hồ sơ tử vong, sổ sách theo dõi.

Cán bộ, đồng bào miền Nam chết ở miền Bắc, dù có thân nhân hoặc không có thân nhân ở miền Bắc, đều phải lập hồ sơ tử vong gửi Bộ Nội vụ quản lý.

Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố lập hồ sơ tử vong cho cán bộ, đồng bào miền Nam chết thuộc địa phương mình quản lý. Các Bộ, ngành của Trung ương lập hồ sơ tử vong của cán bộ miền Nam thuộc ngành mình quản lý.

Các cơ quan Trung ương, các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố cần mở những sổ sách sau đây:

1. Sổ sách danh sách cán bộ, đồng bào miền nam chết (theo mẫu đính kèm )([1]).

2. Sổ tạm giữ tiền di sản;

3. Sổ lưu các sơ đồ mồ mả của cán bộ, đồng bào miền Nam chết.

Việc thực hiện các chế độ đối với người miền Nam chết trong hoàn cảnh có chiến tranh gặp khó khăn trở ngại, nhưng đây chẳng là vấn đề tình cảm mà còn là vấn đề có ý nghĩa chính trị lâu dài, Bộ Nội vụ đề nghị các cơ quan Trung ương và các Ủy ban hành chính địa phương thi hành tốt những điều đã quy định trong Thông tư số 07-NV ngày 22/2/1964 và trong văn bản này.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Lê Tất Đắc

[1] Mẫu số danh sách không đăng công báo

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 3398-V8/3-1966 hướng dẫn thi hành Thông tư 07-NV 1964 về chế độ đối với cán bộ và đồng bào miền Nam chết ở miền Bắc do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 3398-V8/3
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/12/1966
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Lê Tất Đắc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: 04/01/1967
  • Ngày hết hiệu lực: 20/01/1974
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản