Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33-BYT/TT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 1959

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH VIỆC BÁN THUỐC TÂY Ở CÁC CỬA HÀNG CÔNG TƯ VÀ HỢP TÁC XÃ.

Kính gửi:

- Ủy ban hành chính các cấp
- Các ông Giám đốc Sở Y tế,
- Các ông Trưởng ty Y tế

Hiện nay việc kinh doanh dược phẩm của Nhà nước cũng như hợp tác xã mua bán ngày càng phát triển.

Để cho công tác này ngày càng tiến triển được tốt, dựa vào các nguyên tắc:

1. Bảo vệ sức khỏe của người bệnh, hướng việc phân phối thuốc đi đúng yêu cầu phòng bệnh và chữa bệnh của ngành Y tế.

2. Làm cho việc phân phối thuốc được rộng rãi sát nhu cầu nhân dân và sử dụng các thuốc men được hợp lý, tránh lãng phí.

Bộ quy định một số vấn đề sau đây để phù hợp với tình hình kinh doanh dược phẩm hiện tại.

I. QUY ĐỊNH CÁC LOẠI THUỐC ĐƯỢC BÁN Ở CÁC CỬA HÀNG.

1. Các cửa hiệu, cửa hàng của Nhà nước có dược sĩ phụ trách:

Được bán đủ tất cả các dược liệu, hóa chất dùng trong ngành thuốc, các thuốc độc kể cả các loại thuốc độc A, B, C không được miễn độc, các loại thuốc thường dưới các dạng thành phẩm: viên, tiêm bột, dầu, mỡ, nước, y dược cụ, đồ băng bó v.v… nhưng cần theo đúng quy chế về thuốc độc đã được ấn định.

Công ty dược phẩm hay hiệu thuốc tây của tỉnh có dược sĩ được bào chế thuốc theo đơn và tuỳ theo nhu cầu được bào chế một số thuốc thông thường khác mà xí nghiệp dược phẩm (Bộ Y tế) không sản xuất và đã được quy định như các lọ thuốc đỏ, đau mắt, dầu tẩy giun, dung dịch Luy-gôn, thuốc mỡ, thuốc tím v.v… để bán tại chỗ hay bán lại cho các cơ sở có bán thuốc tây trong địa phương mình hoặc khu vực lân cận.

2. Các cửa hàng bán lẻ ở tỉnh hay huyện của Công ty dược phẩm, hiệu thuốc tây, cửa hàng bách hóa hay hợp tác xã mua bán huyện có bán thuốc tây:

a) Có dược tá chuyên trách được bán:

- Các thành phẩm dưới các dạng viên, tiêm, bột, dầu, mỡ, nước, bông, băng, và y dược cụ thông thường.

- Các thành phẩm miễn độc A, B, C (thông tư số 16 ngày 17 tháng 4 năm 1957 và thông tư số 15 ngày 18-6-1959 của Bộ Y tế).

- Các loại nội tiết tố nhưng phải có đơn của y bác sĩ.

Ngoài ra, tùy theo sự cần thiết như huyện ở xa thị xã có bệnh viện, bệnh xá, công trường, xí nghiệp lớn v.v… Ủy ban hành chính và Khu, Sở hoặc Ty Y tế có thể xét cho phép một số cửa hàng thuốc tây, bách hóa hoặc hợp tác xã mua bán có thuốc tây, có dược tá khá về trình độ chuyên môn và đạo đức tốt được bán thêm theo đơn y, bác sĩ các thuốc thành phẩm có thuốc độc A, B, C không được miễn độc (trừ dược liệu nguyên chất).

b) Nếu các cửa hàng này không có dược tá chuyên trách và chỉ có mậu dịch viên bán thuốc tây thì được bán các loại thuốc như đã quy định cho các cửa hàng hợp tác xã mua bán liên xã và xã dưới đây.

3. Các cửa hàng hợp tác xã mua bán liên xã, xã có mậu dịch viên bán thuốc tây đã qua một lớp huấn luyện chuyên môn:

Đối tượng cung cấp của các cửa hàng này là túi thuốc xã, xóm, hợp tác nông nghiệp, cán bộ y tế xã, xóm và nhân dân ở nông thôn nên thuốc men cần thích hợp với trình độ chuyên môn của mậu dịch viên bán thuốc tây hiện nay và hợp với yêu cầu thực tế ở nông thôn.

Do đó cửa hàng này được bán:

- Các thuốc thành phẩm dưới các dạng viên, tiêm, bột, dầu mỡ, nước, bông, băng, y cụ thông thường.

- Các thành phẩm có thuốc độc A, B, C được miễn độc.

Không được bán các thuốc nội tiết tố và thuốc độc không ghi trong bản thuốc miễn độc A, B, C nói ở thông tư số 16 ngày 17 tháng 4 năm 1957 của Bộ Y tế.

4. Các cửa hàng của dược sĩ tư và các kinh tiêu thuốc tây:

Được bào chế hoặc bán các thuốc thành phẩm như đã quy định ở quy chế tạm thời hành nghề Y, Dược của Bộ (kèm theo công văn số 8209-BYT/TH ngày 10-12-1959).

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁC CẦN ĐƯỢC THỰC HIỆN

1. Các dự trù thuốc thường kỳ của các Công ty dược phẩm, hiệu thuốc tây, các cửa hàng thuốc tây hoặc cửa hàng bách hoá, hợp tác xã mua bán có thuốc tây trước khi gửi lên cấp trên để mua thuốc cần được cơ quan lãnh đạo y tế cấp tương đương tham gia ý kiến, nhưng các cơ quan Thương nghiệp hoặc các cửa hàng nói trên vẫn chịu trách nhiệm về mặt số lượng của từng thứ thuốc.

2. Đối với các thuốc A, B nguyên chất hay thành phẩm không được miễn độc, các cơ quan, công trường, xí nghiệp v.v… muốn mua thì cần làm thành dự trù riêng (1 bản cho cơ quan y tế, 1 bản cho cửa hàng bán thuốc) và dự trù đó phải được cơ quan lãnh đạo y tế cấp tương đương duyệt y. Sau đấy các cửa hàng mới được phép bán theo các dự trù đó.

3. Việc bán thuốc và bào chế thuốc còn phải thi hành các điều quy định về chuyên môn đã ghi ở bản quy chế tạm thời hành nghề Y, Dược của Bộ (đính theo công văn số 8209/BYT/TH ngày 10 tháng 12 năm 1959).

4. Đối với các loại thuốc thành phẩm miễn độc (thông tư số 16 ngày 17-4-1957 và thông tư số 15 ngày 18-6-1959 của Bộ) lúc bán cho từng cá nhân cũng không được bán quá nhiều để tránh các lạm dụng có hại cho bệnh nhân. Ví dụ 1 người mua một lần 30 ống Stric-nin 0,001 thì không được bán.

5. Mỗi một cửa hàng phải có một quyển sách hướng dẫn sử dụng các loại thuốc có bán ở cửa hàng để cho nhân viên bán thuốc căn cứ vào đấy làm tài liệu hướng dẫn cho người mua thuốc.

6. Tùy theo từng loại cửa hàng cần có đủ dược sĩ dược tá hay mậu dịch viên bán thuốc tây đã được huấn luyện về chuyên môn; trường hợp đã có cán bộ nhưng chất lượng còn kém, nhất là đối với mậu dịch viên bán thuốc tây hiện nay dù đã qua hay chưa qua lớp huấn luyện chuyên môn các địa phương cần có kế hoạch bổ túc thêm chuyên môn cho họ.

Trường hợp một ít cửa hàng của Nhà nước hay hợp tác xã chưa có loại cán bộ này mà trước đến nay vẫn có kinh doanh thuốc tây thì nay vẫn được tiếp tục kinh doanh nhưng cần chỉnh đốn lại cho đúng theo như nội dung đã quy định ở trên và tối đa là đến hết quý 2 năm 1960 các địa phương đã đào tạo đủ các mậu dịch viên bán thuốc tây cho các cửa hàng.

Kể từ ngày ra thông tư này, nơi nào chưa có cán bộ chuyên môn thì chưa được mở thêm việc kinh doanh thuốc tây ở các cửa hàng khác; trường hợp có mậu dịch viên tuy chưa qua lớp huấn luyện chuyên môn nhưng đã quen việc bán thuốc tây thì có thể điều chỉnh số nhân viên đó để mở thêm các cửa hàng mới khác.

7. Tuỳ theo các thứ thuốc được bán đã quy định ở trên, các cơ quan Thương nghiệp và các cửa hàng bán thuốc tây của ngành Thương nghiệp cần phối hợp với cơ quan y tế cùng cấp để có kế hoạch dự trù đủ các thứ thuốc, kể cả thuốc độc A, B, C nguyên chất và thành phẩm, tuy không hạn chế về số lượng nhưng cần bảo đảm có đủ số thuốc bán cho nhu cầu nhân dân một mặt cần tránh ứ động lãng phí.

Qua sự kiểm tra của Bộ và của các địa phương thì nhận thấy hiện nay việc bán thuốc tây so với các năm trước đã mở rộng hơn nhiều nhưng chưa được củng cố đúng mức nên còn tồn tại một số khuyết điểm về mặt chuyên môn và có khi đã ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe hay tính mệnh của người bệnh. Vì vậy sau khi nhận được thông tư này, Bộ đề nghị các Ủy ban và Sở, Ty sẽ đặt kế hoạch đến hết quý I năm 1960 chấn chỉnh xong việc bán thuốc tây cho thấu suốt đến các cửa hàng huyện, xã, nhất là các cửa hàng hợp tác xã mua bán có bán thuốc và sau đó cần tiếp tục kiểm tra giúp đỡ các cửa hàng làm tốt công tác phân phối thuốc.

Trong lúc thi hành thông tư này, nếu thấy có chỗ nào chưa đầy đủ hay gặp khó khăn gì. Bộ đề nghị các Ủy ban Khu, Sở, Ty báo cáo cho Bộ biết để nghiên cứu bổ sung hoặc góp thêm ý kiến.

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Phạm Ngọc Thạch

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 33-BYT/TT năm 1959 quy định việc bán thuốc tây ở các cửa hàng công tư và hợp tác xã do Bộ Y Tế ban hành

  • Số hiệu: 33-BYT/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/12/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Phạm Ngọc Thạch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 51
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản