Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/2004/TT-BTC | Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2004 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 33/2004/TT-BTC NGÀY 15 THÁNG 04 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN XỬ LÝ HÀNG HOÁ, HÀNH LÝ, TÀI SẢN TỒN ĐỌNG KHÔNG CÓ NGƯỜI NHẬN TẠI CÁC CẢNG HÀNG KHÔNG VIỆT NAM
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng ngày 26/12/1991; Luật Hàng không dân dụng sửa đổi ngày 20/4/1995;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 5-11-2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1-7-2003 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Để giải quyết hàng hoá, hành lý, tài sản tồn đọng không có người nhận tại các cảng hàng không; Theo đề nghị của các địa phương và các doanh nghiệp vận tải hàng không, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm về xử lý hàng hoá, hành lý, tài sản tồn đọng tại các cảng hàng không Việt Nam như sau:
I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:
Thông tư này hướng dẫn việc xử lý đối với hàng hoá, hành lý, tài sản tồn đọng không có người nhận (sau đây gọi tắt là hàng tồn đọng) tại các cảng hàng không Việt Nam bao gồm:
a. Hàng hoá không người nhận: Là hàng hoá đã nhập khẩu bằng đường hàng không mà hãng vận chuyển không giao được đến người nhận khi đã làm các thủ tục thông báo cho người có quyền nhận hàng được ghi trên vận đơn, bao gồm:
+ Đã thông báo cho chủ hàng nhưng chủ hàng từ chối nhận.
+ Đã thông báo cho chủ hàng nhưng chủ hàng không đến nhận.
+ Đã thông báo cho chủ hàng nhưng không nhận được thông tin phản hồi của chủ hàng.
b. Hành lý không người nhận: Là hành lý không có khách đi máy bay nào nhận tại sân bay đi và đến, bao gồm:
+ Hành lý có gắn thẻ (hành lý gửi lạc tuyến và gửi đúng tuyến).
+ Hành lý không gắn thẻ.
c. Tài sản bỏ quên không người nhận: Là hành lý xách tay, đồ vật do khách đi máy bay để quên tại khu vực nhà ga sân bay, quầy làm thủ tục, phòng chờ ra máy bay hoặc trên máy bay.
Các loại hàng hoá, hành lý, tài sản trên được coi là tồn đọng tại các cảng hàng không sau khi đã được Hãng vận chuyển hàng không thông báo cho chủ hàng (hoặc đã thông báo trên phương tiện thông tin thích hợp, niêm yết tại sân bay đối với trường hợp không xác định được chủ hàng) trong thời hạn 90 ngày hoặc trong thời hạn 3 ngày đối với hàng hoá dễ hư hỏng (hàng tươi sống, động vật sống, hoa quả ) nhưng không có người đến nhận.
II. THỦ TỤC XỬ LÝ HÀNG HOÁ TỒN ĐỌNG TẠI CÁC CẢNG HÀNG KHÔNG:
1. Thành lập Hội đồng xử lý hàng tồn đọng tại các cảng hàng không:
Thành phần Hội đồng xử lý hàng tồn đọng tại các cảng hàng không (sau đây gọi tắt là Hội đồng) bao gồm:
+ Lãnh đạo Sở Tài chính địa phương: Chủ tịch Hội đồng.
+ Lãnh đạo đơn vị phụ trách kho hàng của Hãng vẫn chuyển hàng không tại cảng hàng không.
+ Đại diện Cảng hàng không.
+ Đại diện Cục Hải quan địa phương.
Hội đồng có tổ giúp việc. Thành viên tổ giúp việc là cán bộ của các cơ quan nêu trên và do thành viên thuộc Sở Tài chính địa phương làm tổ trưởng.
Ngoài ra, tuỳ theo tính chất, mức độ quan trọng, tính chất đặc thù của tài sản, Chủ tịch Hội đồng quyết định mời các thành viên liên quan và cơ quan chuyên môn kỹ thuật khác tham gia vào Hội đồng.
Trong quá trình hoạt động, Hội đồng được sử dụng con dấu của Sở Tài chính địa phương để phục vụ công tác và các giao dịch cần thiết.
2. Tổ chức xử lý hàng tồn đọng tại các cảng hàng không:
- Doanh nghiệp vận tải hàng không căn cứ vào số lượng hàng hoá, hành lý, tài sản tồn đọng cần xử lý, định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng một lần có văn bản kê khai từng loại hàng tồn đọng báo cáo Hội đồng xử lý hàng tồn đọng. Căn cứ vào tình hình thực tế phát sinh khối lượng hàng hoá tồn đọng tại cảng hàng không, Hội đồng sẽ quyết định thời gian tổ chức xử lý hàng tồn đọng tại các cảng hàng không.
- Đối với hàng tồn đọng dễ hư hỏng như hàng tươi sống, động vật sống, hoa quả doanh nghiệp vận tải hàng không chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan và chịu trách nhiệm xử lý, tiêu huỷ trong vòng 3 ngày kể từ khi phát sinh hàng hoá tồn đọng.
- Trường hợp hàng tồn động thuộc danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu thì Hội đồng xử lý lập biên bản và làm thủ tục chuyển giao số hàng hoá này cho cơ quan Hải quan để xử lý theo đúng quy định hiện hành.
2.1. Kiểm kê và phân loại xử lý đối với hàng tồn đọng tại các cảng hàng không:
Hội đồng tiến hành thực hiện kiểm đếm số lượng hàng tồn đọng thực tế tại các cảng hàng không, phân loại để xử lý theo các hướng sau:
- Đối với hàng tồn đọng không còn giá trị sử dụng (mục nát, hư hỏng, không bảo đảm chất lượng sử dụng theo kết quả giám định chất lượng) hoặc hết hạn sử dụng ghi trên nhãn mác hoặc hồ sơ kèm theo hàng hoá hoặc hàng hoá thuộc diện cấm sử dụng lưu hành theo quy định của pháp luật Việt Nam, Hội đồng lập biên bản để tổ chức tiêu huỷ.
- Đối với các loại hàng tồn đọng vẫn còn giá trị sử dụng, Hội đồng thực hiện trưng cầu giám định chất lượng hàng hoá (nếu cần), Hội đồng tổ chức bán đấu giá cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu mua theo quy định hiện hành.
2.2. Tổ chức bán đấu giá: Hội đồng tiến hành xác định giá khởi điểm của hàng hoá trên cơ sở chất lượng còn lại theo kết quả giám định (nếu có) hoặc theo đánh giá của Tổ chuyên viên giúp việc cho Hội đồng, giá bán trên thị trường của hàng hoá mới cùng loại tại thời điểm tổ chức bán đấu giá. Trình tự, thủ tục bán đấu giá được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Căn cứ vào kết quả bán đấu giá hàng tồn đọng, Hội đồng xử lý giao cho doanh nghiệp vận tải hàng không thực hiện việc bán và thu tiền đối với hàng tồn động tại cảng hàng không và báo cáo kết quả với Hội đồng.
2.3. Tổ chức tiêu huỷ: Việc tổ chức tiêu huỷ hàng tồn đọng phải được Hội đồng lập biên bản xử lý tiêu huỷ và giao doanh nghiệp vận tải hàng không thực hiện có sự chứng kiến của Hội đồng (trừ trường hợp đối với hàng hoá dễ hư hỏng đã giao cho doanh nghiệp chủ động tiêu huỷ và chịu trách nhiệm). Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng có thể mời cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan chứng kiến việc tiêu huỷ.
Đối với loại hàng hoá mà việc tiêu huỷ làm ảnh hưởng đến môi trường thì phải được sự chấp thuận và hướng dẫn của cơ quan quản lý môi trường sở tại trước khi tổ chức tiêu huỷ.
2.4. Hàng tồn đọng tại các cảng hàng không được đưa ra xử lý không phải làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá, không phải chịu thuế nhập khẩu khi đem bán.
III. QUẢN LÝ THU CHI TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI XỬ LÝ HÀNG TỒN ĐỌNG TẠI CÁC CẢNG HÀNG KHÔNG SÂN BAY:
1. Doanh nghiệp vận tải hàng không sử dụng hoá đơn bán hàng GTGT của Bộ Tài chính để phát hành cho người mua. Giá bán hàng hoá tồn đọng (giá bán chỉ định hoặc giá đấu giá) mà người mua chấp nhận là giá có thuế GTGT. Việc kê khai và nộp thuế GTGT đối với hàng tồn đọng thực hiện theo quy định hiện hành.
Tiền bán hàng tồn đọng được gửi vào tài khoản của doanh nghiệp để bù đắp các chi phí theo quyết định của Hội đồng xử lý.
2. Hội đồng căn cứ vào tính hợp lý, hợp lệ của các khoản chi phí liên quan đến xử lý hàng tồn đọng tại các cảng hàng không để quyết định chi trả theo thứ tự ưu tiên như sau:
a. Nộp thuế GTGT.
b. Chi cho công tác định giá và bán đấu giá hàng tồn đọng tại các cảng hàng không bao gồm: Chi bốc xếp, chi kiểm kê, chi giám định chất lượng, chi phí tổ chức định giá, chi thông tin quảng cáo, chi phí in ấn tài liệu hồ sơ bán đấu giá, chi phí cho tổ chức cuộc bán đấu giá theo đúng chế độ nhà nước quy định.
c. Chi bồi dưỡng cho các thành viên của Hội đồng tại các cuộc họp Hội đồng trong quá trình xử lý hàng tồn đọng tại các cảng hàng không theo mức tối đa không quá 50.000đ/ngày/người.
d. Chi cho việc tiêu huỷ hàng tồn đọng.
e. Thanh toán các khoản cước bốc xếp, lưu kho bãi, giao nhận và bảo quản hàng hoá phát sinh do hàng hoá tồn đọng tại cảng hàng không (mức chi tối đa không quá 50% số tiền còn lại sau khi thanh toán các khoản chi phí nêu tại tiết a, b, c, d - điểm 2 nêu trên).
3. Số tiền thanh lý hàng tồn đọng tại các cảng hàng không sau khi trừ đi các chi phí nêu tại điểm 2 phần III thông tư này nếu còn, được lưu giữ tại tài khoản của doanh nghiệp vận chuyển hàng không để trả lại cho người có quyền nhận. Trong thời hạn 180 ngày, kể từ ngày thanh lý hàng hoá mà không có người yêu cầu nhận số tiền còn lại, thì doanh nghiệp vận chuyển hàng không nộp toàn bộ số tiền này vào Ngân sách địa phương.
Trường hợp tiền thu từ bán hàng tồn đọng tại các cảng hàng không không đủ chi trả các khoản chi phí, thì các hãng vận tải hàng không được hạch toán số thiếu vào chi phí sản xuất trong năm của doanh nghiệp.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
Lê Thị Băng Tâm (Đã ký) |
- 1Thông tư 15/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng trong khu vực giám sát hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 447/QĐ-BTC năm 2015 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính đến hết ngày 31/12/2014
- 1Thông tư 15/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng trong khu vực giám sát hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 447/QĐ-BTC năm 2015 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính đến hết ngày 31/12/2014
Thông tư 33/2004/TT-BTC hướng dẫn xử lý hàng hoá, hành lý, tài sản tồn đọng không có người nhận tại các cảng hàng không Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 33/2004/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 15/04/2004
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Lê Thị Băng Tâm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 21
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra