Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI THƯƠNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3216-BNT/HQ

Hà Nội, ngày 19 tháng 08 năm 1961

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH NHIỆM VỤ CỦA HẢI QUAN PHÁT HIỆN VÀ NGĂN NGỪA CÁC THIẾU SÓT TRONG VIỆC BỐC DỠ, CHUYỂN VẬN,SẮP XẾP, BẢO QUẢN HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU

Điều lệ hải quan quy định trong điều 2 nhiệm vụ thứ tư của cơ quan Hải quan là phát hiện và ngăn ngừa các thiếu sót trong việc bốc dỡ, chuyển vận, sắp xếp, bảo quản hàng hóa xuất nhập khẩu. Thông tư số 051-TTg ngày 27/2/1960 của Thủ tướng Chính phủ có giải thích là: “Nhà nước giao thêm cho cơ quan Hải quan nhiệm vụ phát hiện với các cơ quan sở quan (tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu, Đường sắt, Cảng, Hàng không…) và đề nghị biện pháp ngăn ngừa các thiếu sót trong việc bốc dỡ, chuyển vận, sắp xếp, bảo quản hàng hóa. Đó là vì cơ quan Hải quan có nhiều điều kiện để làm việc này được tốt”.

Nhiệm vụ này nói rõ chức năng hải quan của một nước xã hội chủ nghĩa.

Hàng hóa xuất nhập khẩu là tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Cho nên ngoài nhiệm vụ giám quản và chống lậu nhằm bảo vệ nền kinh tế quốc dân, Hải quan được giao thêm nhiệm vụ phát hiện và ngăn ngừa các thiếu sót làm hư hại hàng hóa xuất nhập khẩu, tức là góp sức vào việc bảo vệ tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

I. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

Như đã quy định trong điều lệ, nhiệm vụ của cơ quan Hải quan là phát hiện và ngăn ngừa các thiếu sót trong việc bốc dỡ, chuyển vận, sắp xếp, bảo quản hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cụ thể cơ quan Hải quan có nhiệm vụ phát hiện để ngăn chặn những hiện tượng như:

- Hàng thuốc loại kỵ mưa nắng (tân dược, hóa chất, muối…) xếp ở ngoài trời không che đậy hoặc che đậy không chu đáo để bị mưa nắng;

- Hàng nguy hiểm, dễ cháy, dễ nổ, xếp lẫn lộn với các hàng khác, hoặc bốc xếp trong những điều kiện không đảm bảo an toàn;

- Trường hợp bao bì đã hỏng, hoặc sắp hỏng, làm cho hàng có thể mất phẩm chất, đổ vỡ, mất mát, cần phải kịp thời sửa chữa bao bì;

- Hàng đọng lâu ngày trong kho;

- Xếp hàng không cẩn thận hoặc bốc vác không chu đáo có thể rơi vỡ, đổ tháo hoặc làm hư hỏng các hàng khác;

- Xếp hàng trong những kho hầm bẩn thỉu, thiếu tiêu chuẩn hoặc thiếu chèn lót, để ảnh hưởng đến phẩm chất hàng;

- Và những thiếu sót khác có thể gây thiệt hại đến hàng hóa xuất nhập khẩu hoặc gây ảnh hưởng không tốt đến ngoại thương của ta.

II. PHẠM VI TRÁCH NHIỆM CỦA HẢI QUAN

Trách nhiệm bảo quản hàng hóa là nhiệm vụ của các cơ quan kinh doanh xuất nhập khẩu, các cơ quan vận tải và các kho hàng, Hải quan chỉ có nhiệm vụ phát hiện những thiếu sót để nhằm mục đích ngăn ngừa những thiệt hại có thể xảy ra hoặc hạn chế những thiệt hại đã xảy ra, và chỉ phát hiện trong phạm vi giám quản của Hải quan ở cửa khẩu, cụ thể là phát hiện những thiếu sót trong việc bốc dỡ chuyển vận, sắp xếp, bảo quản hàng hóa xuất nhập khẩu xảy ra trong phạm vi bến tàu (Cảng), nhà ga, sân bay (kể cả trong các kho hàng và ở sân lộ thiên ở các nơi đó, khi có bốc dỡ, sắp xếp hàng hóa xuất nhập khẩu, hoặc trên các công cụ vận tải).

Cơ quan Hải quan làm nhiệm vụ này không phân biệt là đối với hàng xuất nhập khẩu đã làm thủ tục rồi hay chưa làm thủ tục.

III. CÁCH GIẢI QUYẾT

Điều lệ hải quan quy định trong điều 18: “Cơ quan Hải quan có nhiệm vụ báo cho cơ quan sở quan biết những thiếu sót về bốc dỡ, chuyển vận, sắp xếp, bảo quản hàng hóa xuất nhập khẩu để cơ quan sở quan kịp thời có biện pháp ngăn ngừa thiệt hại có thể xảy ra.

Cơ quan sở quan phải coi trọng ý kiến của cơ quan Hải quan.

Nếu xét cần thiết, cơ quan Hải quan có thể báo cáo với Ủy ban hành chính cùng cấp hoặc với cơ quan Hải quan và cơ quan sở quan cấp trên để giải quyết”.

Tùy theo những thiếu sót phát hiện có thể gây ra thiệt hại nhiều hay ít, nhân viên Hải quan cần thi hành những biện pháp sau đây:

- Ngay sau khi phát hiện, nhân viên hải quan phải liên hệ với cán bộ các cơ quan sở quan trực tiếp phụ trách và báo cáo thẳng bằng lời nói, những hiện tượng và những ý kiến nhận xét đề nghị. Trường hợp có thể bổ khuyết ngay (thí dụ bốc vác không cẩn thận, bảo quản không chu đáo, kho, khoang tàu bẩn v.v…) thì nhân viên hải quan phải góp ý kiến với cơ quan sở quan để có biện pháp sửa chữa ngay.

Trường hợp không thể sửa chữa ngay được, thì ngoài việc báo cáo bằng lời nói, nhân viên hải quan có thể lập biên bản, bản sao biên bản sẽ gửi cho các cơ quan sở quan (Công ty vận tải ngoại thương, các Tổng công ty xuất nhập khẩu, các cơ quan Cảng hay cơ quan khác) và báo cáo về đơn vị Hải quan để kịp thời có kế hoạch sửa chữa, tránh thiệt hại kéo dài. Nếu các thiếu sót phát hiện có thể gây nhiều thiệt hại về kinh tế đồng thời có thể ảnh hưởng không tốt về chính trị, thì bản sao biên bản phải gửi cả cho các cơ quan chính quyền địa phương, các cơ quan Hải quan và cơ quan sở quan cấp trên.

- Nếu gặp trường hợp thiếu sót có thể bổ khuyết được ngay, nhưng mặc dầu Hải quan đã nhiều lần đề đạt ý kiến trực tiếp, nhân viên các cơ quan sở quan không có biện pháp sửa chữa ngay, thì nhân viên hải quan lập biên bản và gửi bản sao biên bản cho các cơ quan chính quyền địa phương và cơ quan Hải quan và cơ quan cấp trên để can thiệp kịp thời.

Nhân viên Hải quan cần đề cao trách nhiệm để phát hiện kịp thời và có biện pháp ngăn ngừa các thiếu sót có thể gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước, nhằm giúp đỡ, nhắc nhở các cơ quan sở quan tự cải tiến công tác bảo quản hàng hóa. Trên tinh thần làm chủ và tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa, nhân viên hải quan phải giải thích và bàn bạc với các cơ quan sở quan để sửa chữa những thiếu sót tránh thái độ chỉ trích một chiều.

Nhiệm vụ phát hiện ngăn ngừa các thiếu sót trong việc bốc dỡ, chuyển vận, sắp xếp, bảo quản hàng hóa xuất nhập khẩu là một nhiệm vụ khó khăn, biểu hiện chức năng tích cực của Hải quan xã hội chủ nghĩa. Sở Hải quan trung ương phải có kế hoạch cụ thể để thực hiện tốt nhiệm vụ này.

BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI THƯƠNG




Phan Anh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 3216-BNT/HQ năm 1961 giải thích nhiệm vụ của Hải quan phát hiện và ngăn ngừa các thiếu sót trong việc bốc dỡ, chuyển vận, sắp xếp, bảo quản hàng hóa xuất nhập khẩu do Bộ Ngoại thương ban hành

  • Số hiệu: 3216-BNT/HQ
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/08/1961
  • Nơi ban hành: Bộ Ngoại thương
  • Người ký: Phan Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 37
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản