Hệ thống pháp luật

BỘ LÂM NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 32-TCCB

Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 1982

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LÂM NGHIỆP SỐ 32-TCCB NGÀY 9 THÁNG 9 NĂM 1982 HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG VÀ KIỆN TOÀN CÁC LỰC LƯỢNG QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG

Trong những năm qua Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Thi hành các văn bản của Nhà nước, công tác quản lý bảo vệ rừng trong những năm gần đây đã có những chuyển biến, tiến bộ bước đầu. Song nhìn chung, rừng và đất lâm nghiệp vẫn chưa được quản lý, bảo vệ tốt. Nhiều nơi tình trạng phá hại rừng vẫn rất nghiêm trọng. Diện tích rừng đang tiếp tục bị thu hẹp nhanh chóng. Tài nguyên rừng bị giảm sút nhiều. Một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng đó là công tác quản lý bảo vệ rừng chưa thể hiện được phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, lực lượng quần chúng bảo vệ rừng chưa được xây dựng rộng khắp, kiểm lâm nhân dân là lực lượng chuyên trách và nòng cốt trong việc quản lý, bảo vệ rừng, nhưng chưa được củng cố và kiện toàn về mọi mặt. Trong mấy năm gần đây, các cơ sở kinh doanh lâm nghiệp lại không có lực lượng chuyên trách làm công tác quản lý bảo vệ rừng; một số nơi tuy có đưa kiểm lâm nhân dân vào hoạt động tại lâm trường nhưng do tổ chức và lề lối làm việc chưa hợp lý nên hoạt động hiệu quả thấp.

Bộ ra thông tư này hướng dẫn việc kiện toàn các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng nhằm khắc phụ những tồn tại thiếu sót trên, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng có hiệu quả hơn.

I. PHÂN LOẠI ĐỐI TƯỢNG RỪNG VÀ PHÂN ĐỊNH TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG

1. Rừng kinh tế.

a) Rừng kinh tế tập trung: Rừng này đã giao cho các tổ chức quốc doanh lâm nghiệp (như liên hiệp xí nghiệp lâm công nghiệp, lâm trường quốc doanh trực thuộc trung ương hoặc trực thuộc Sở, Ty lâm nghiệp địa phương). Trên cơ sở quy hoạch, thiết kế kinh doanh, Giám đốc các tổ chức quốc doanh lâm nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trong phạm vi ranh giới được giao. Để giúp giám đốc thực hiện việc này, mỗi liên hiệp lâm công nghiệp, lâm trường (kể cả lâm trường trung ương và địa phương ) được thành lập phòng quản lý, bảo vệ rừng ở cơ quan liên hiệp hoặc lâm trường. Trong phạm vi đất đai được giao, liên hiệp lâm trường chia thành các phân trường, tiểu khu rừng để phù hợp với quản lý bảo vệ rừng và kinh doanh rừng. Mỗi phân trường có diện tích khoảng 1000 héc ta, mỗi tiểu khu kinh doanh đặc sản rừng trồng có thể nhỏ hơn.

Biên chế, kinh phí, phương tiện hoạt động của cán bộ quản lý, bảo vệ rừng nằm trong tổng biên chế, kinh phí và trang bị phương tiện của lực lượng kiểm lâm nhân dân do Bộ Lâm nghiệp phân bổ, giám đốc các liên hiệp, lâm trường trung ương thủ trưởng các Sở, Ty lâm nghiệp tổ chức thực hiện.

b) Rừng kinh tế ở các hợp tác xã lâm nông nghiệp là những diện tích rừng và đất rừng đã được Nhà nước giao cho hợp tác xã kinh doanh theo quy hoạch, kế hoạch và luật pháp của Nhà nước. Trên cơ sở rừng được giao, ban quản trị hợp tác xã chịu trách nhiệm bảo vệ rừng và trồng rừng trên đất lâm nghiệp trong phạm vi ranh giới được giao. Để giúp ban quản trị thực hiện việc này, mỗi hợp tác xã cần tổ chức lực lượng quần chúng bảo vệ rừng dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của ban lâm nghiệp xã và hạt kiểm lâm nhân dân cấp huyện sở tại về tổ chức nghiệp vụ.

c) Nhà nước giao rừng cho các nông trường , đơn vị, quân đội, công an nhân dân vũ trang, trường học... để quản lý kinh doanh, các đơn vị này cũng phải cử người ra để bảo vệ rừng Nhà nước giao dưới sự chỉ đạo của hạt kiểm lâm nhân dân sở tại.

2. Rừng cấm.

Tất cả các khu rừng đã được Nhà nước quyết định khoanh cấm, phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Lực lượng kiểm lâm nhân dân các cấp trực tiếp phụ trách việc này.

a) Những khu rừng cấm quan trọng có tính chất quốc gia, Bộ sẽ đề nghị với Hội đồng Bộ trưởng cho thành lập vườn quốc gia hoặc khu rừng cấm quốc gia trực thuộc Bộ, có ban Giám đốc quản lý rừng cấm, có lực lượng kiểm lâm nhân dân chuyên trách quản lý rừng cấm.

b) Những khu rừng cấm đã giao cho cơ quan Nhà nước quản lý như cơ quan văn hoá, du lịch v.v... thì thủ trưởng các cơ quan đó chịu trách nhiệm tổ chức lực lượng quản lý bảo vệ rừng, dưới sự hướng dẫn , giúp đỡ, kiểm tra của hạt kiểm lân nhân dân địa phương.

c) Những khu rừng cấm khác chưa giao cho một cơ quan Nhà nước quản lý, thì rừng thuộc ranh giới địa phương nào do Uỷ ban nhân dân địa phương đó chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ. Các khu rừng cấm thuộc tỉnh hoặc thuộc huyện, tuỳ theo tính chất quan trọng và quy mô mà có thể thành lập ban giám đốc khu rừng cấm hoặc trạm quản lý khu rừng cấm, có lực lượng kiểm lâm nhân dân chuyên trách quản lý. Khu rừng cấm thuộc tỉnh thì các Sở, Ty Lâm nghiệp trực tiếp quản lý. Những khu rừng cấm thuộc huyện thì các ban Lâm nghiệp quản lý, nơi nào chưa có ban lâm nghiệp thì hạt kiểm lâm nhân dân huyện trực tiếp quản lý.

3. Rừng phòng hộ và các loại rừng khác.

Rừng phòng hộ đầu nguồn trong tỉnh, trong huyện và những khu rừng và đất rừng hiện nay chưa giao cho tổ chức nào quản lý kinh doanh, nếu thuộc địa phận của cấp nào thì tổ chức lâm nghiệp cấp ấy chịu trách nhiệm bố trí kiểm lâm nhân dân cấp đó quản lý bảo vệ.

Những khu rừng cấm hoặc rừng phòng hộ nằm trong quy hoạch giao cho liên hiệp lâm công nghiệp hoặc lâm trường quản lý thì do giám đốc liên hiệp lâm trường chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý theo quy chế quản lý khu rừng cấm và rừng phòng hộ.

II. VỀ TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC LỰC LƯỢNG QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG

Hệ thống tổ chức quản lý bảo vệ rừng từ trung ương đến cơ sở như sau:

1. Cục kiểm lâm nhân dân: Ở trung ương có cục kiểm lâm nhân dân trực thuộc Bộ Lâm nghiệp. Nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cục kiểm lâm nhân dân được thực hiện theo Quyết định số 11-TCh ngày 5-1-1982 của Bộ Lâm nghiệp quy định.

2. Chi cục kiểm lâm nhân dân: Ở tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có chi cục kiểm lâm nhân dân trực thuộc Sở, Ty lâm nghiệp. Ở những nơi chưa có Sở, Ty lâm nghiệp thì chi cục kiểm lâm nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.

Chi cục kiểm lâm nhân dân là cơ quan có đủ tư cách pháp nhân, là đơn vị dự toán cấp III, được Sở, Ty lâm nghiệp cấp kinh phí sự nghiệp quản lý, bảo vệ rừng và xây dựng cơ bản theo chỉ tiêu kế hoạch phân bổ của Bộ Lâm nghiệp, được mở tài khoản tại Ngân hàng và được sử dụng con dấu riêng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.

Tổ chức của chi cục phải gọn nhẹ, bảo đảm chất lượng cán bộ, hoạt động có hiệu lực.

Chi cục được thành lập các phòng quản lý bảo vệ rừng; pháp chế kiểm thu; tổ chức hành chính kế toán tổng hợp. Tuỳ theo biên chế chung của lực lượng kiểm lâm nhân dân toàn tỉnh nhiều hay ít mà bố trí số cán bộ, nhân viên ở cơ quan chi cục cho hợp lý, tỉ lệ không quá 6% tổng số biên chế được duyệt.

Trong những trường hợp đặc biệt, tỉ lệ trên không bảo đảm công tác, thì Sở, Ty phải trình Bộ xét duyệt.

Là cơ quan chuyên trách quản lý , bảo vệ rừng của tỉnh, chi cục phải làm tham mưu cho Sở, Ty lâm nghiệp và tổ chức thực hiện mọi kế hoạch về công tác quản lý, bảo vệ rừng trong tỉnh theo đúng chủ trương của Bộ Lâm nghiệp và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố. Chi cục có trách nhiệm giúp đỡ và có quyền kiểm tra, kiến nghị việc thi hành các chế độ, thể lệ về quản lý, bảo vệ rừng ở các tổ chức kinh doanh lâm nghiệp và các mặt hoạt động có liên quan đến rừng trong tỉnh theo chức năng, quyền hạn của chi cục kiểm lâm nhân dân. Để làm được việc này, chi cục phải nắm vững luật lệ quản lý bảo vệ rừng, tăng cường hoạt động nghiệp vụ kỹ thuật và đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia quản lý, bảo vệ rừng.

3. Hạt kiểm lâm nhân dân. Ở các huyện và thị xã nơi có rừng có hạt kiểm lâm nhân dân trực thuộc ban lâm nghiệp huyện. Nơi chưa có ban lâm nghiệp huyện thì hạt kiểm lâm nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban nhân dân huyện về mặt tổ chức chỉ đạo và Sở, Ty lâm nghiệp (chi cục kiểm lâm nhân dân) về chuyên môn nghiệp vụ.

Hạt kiểm lâm nhân dân cấp huyện là đơn vị sự nghiệp cấp cơ sở của Chi cục kiểm lâm nhân dân, đơn vị hạch toán báo sổ, được cấp kinh phí sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng và các kinh phí khác, được sử dụng con dấu riêng làm nhiệm vụ.

Tổ chức ở cơ quan hạt kiểm lâm nhân dân cấp huyện phải gọn nhẹ, bảo đảm chất lượng cán bộ, hoạt động có hiệu lực. Cơ quan hạt được bố trí nhiều nhất không quá 8 người kể cả lãnh đạo hạt. Nhiệm vụ cơ bản của hạt là bố trí cán bộ, nhân viên kiểm lâm nhân dân thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng đến tận tiểu khu rừng. Hạt có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý bảo vệ rừng, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc quản lý, bảo vệ rừng toàn huyện về các mặt tuyên truyền vận động quần chúng thi hành luật pháp, hoạt động nghiệp vụ kỹ thuật quản lý, bảo vệ rừng, thu nộp tiền nuôi rừng...

Là đơn vị chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng của huyện, hạt kiểm lâm nhân dân cấp huyện phải làm tham mưu cho Ban lâm nghiệp huyện và tổ chức thực hiện mọi kế hoạch về công tác quản lý, bảo vệ rừng theo đúng nội dung chỉ đạo của chi cục kiểm lâm nhân và theo đúng chủ trương của chính quyền địa phương. Hạt kiểm lâm nhân dân cấp huyện có trách nhiệm giúp đỡ và có quyền kiểm tra việc thi hành các chế độ, thể lệ về quản lý, bảo vệ rừng ở các tổ chức kinh doanh lâm nghiệp và các mặt hoạt động có liên quan đến rừng trong huyện.

4. Hạt kiểm soát lâm sản được thành lập để làm nhiệm vụ kiểm soát lâm sản ở những đầu mối giao thông quan trọng (đường thuỷ, đường sắt, đường bộ). Hạt phải bố trí các trạm kiểm soát lâm sản, hoạt động có hiệu lực, tập trung vào các vùng trọng điểm có tệ mua bán, vận chuyển, tàng chữ trái phép lâm sản. Hạt kiểm soát lâm sản là đơn vị sự nghiệp cấp cơ sở của chi cục kiểm lâm nhân dân, đơn vị kế toán báo sổ, được chi cục cấp kinh phí sự nghiệp quản lý, bảo vệ rừng và các kinh phí khác, được sử dụng con dấu riêng để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Trạm kiểm soát lâm sản của hạt do chi cục bố trí, Sở, Ty lâm nghiệp phê duyệt; việc bố trí này có kết hợp với các trạm kiểm soát khác ở các tỉnh và vùng lân cận để bảo đảm việc kiểm soát, tránh trùng, sót, tràn lan.

Biên chế của cơ quan hạt kiểm soát lâm sản không quá 6 người kể cả lãnh đạo hạt, để đưa phần lớn cán bộ , nhân viên của hạt đến các trạm làm việc trực tiếp tại hiện trường.

5. Phòng quản lý, bảo vệ rừng trong liên hiệp, lâm trường, có nhiệm vụ giúp giám đốc tổ chức thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trong phạm vi đất đai mà liên hiệp, lâm trường đã được Nhà nước giao cho để tổ chức quản lý, kinh doanh. Lực lượng quản lý bảo vệ rừng trong liên hiệp, lâm trường phải được bố trí xuống các tiểu khu rừng. Phòng quản lý, bảo vệ rừng có các nhiệm vụ cụ thể như sau:

- Nắm vững tình hình rừng và đất lâm nghiệp.

- Đưa công tác quản lý, bảo vệ rừng vào việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, thiết kế kinh doanh rừng.

- Kiểm tra việc thực hiện đúng thiết kế khai thác, tu bổ, trồng rừng... trong sản xuất kinh doanh.

- Tổ chức thực hiện việc phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu hại rừng, phát hiện và ngăn ngừa việc phá rừng trái phép, lấn chiếm đất rừng, săn bắt chim thú rừng trái phép.

- Trong khi thi hành nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra việc thi hành các chế độ, thể lệ về quản lý bảo vệ rừng, nếu phát hiện có các vụ vi phạm thì lập biên bản, tạm giữ tang vật phạm pháp để đề nghị giám đốc giải quyết.

Những trường hợp không thuộc quyền giám đốc giải quyết thì phòng lập hồ sơ chuyển sang hạt kiểm lâm nhân dân, chi cục kiểm lâm nhân dân giải quyết.

- Phòng quản lý bảo vệ rừng phải quan hệ chặt chẽ với tổ chức hạt kiểm lâm nhân dân, với các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã, trường học, bệnh viện, cửa hàng... gần nơi liên hiệp, lâm trường đóng và hoạt động, để cùng phối hợp làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng.

- Quyền hạn: Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng trong liên hiệp, lâm trường, có quyền kiểm tra, ngăn chặn và lập biên bản bắt giữ tang vật xử phạt kinh tế những người vi phạm luật lệ bảo vệ rừng thuộc liên hiệp, lâm trường quản lý. Việc xử phạt hành chính phải thông qua hạt, Chi cục kiểm lâm nhân dân sở tại.

- Chế độ: lực lượng quản lý bảo vệ rừng của liên hiệp, lâm trường được trang bị đồng phục, trang bị chuyên dùng và hưởng các chế độ chính sách đã quy định cho lực lượng kiểm lâm nhân dân.

6. Lực lượng quần chúng bảo vệ rừng, là lực lượng nhân dân, cán bộ, công nhân viên, được tổ chức thành đội, tổ quần chúng bảo vệ rừng:

- Mỗi hợp tác xã nơi có rừng, mỗi thị trấn hoặc địa phương thuộc thành phố, thị xã nơi có rừng thành lập một tổ hoặc đội quần chúng bảo vệ rừng.

- Mỗi nông trường, công trường, xí nghiệp, cơ quan đóng ở trong rừng, hoặc ven rừng thành lập một tổ hoặc đội quần chúng bảo vệ rừng.

- Các đơn vị quân đội nhân dân, công an nhân dân vũ trang, cảnh sát nhân dân ở những nơi có rừng, có nhiệm vụ bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ bảo vệ rừng trong đơn vị mình và tham gia công tác bảo vệ rừng ở địa phương.

Các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng do thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện. Các hạt và trạm kiểm lâm có trách nhiệm hướng dẫn việc triển khai tổ chức và hoạt động. Các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng có nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ rừng, bảo đảm thực hiện quy ước bảo vệ rừng ở địa phương và đơn vị mình thực hiện việc phòng cháy, chữa cháy rừng và ngăn ngừa việc chặt phá rừng trái với luật lệ của Nhà nước.

III. CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Bộ chịu trách nhiệm chỉ đạo thống nhất công tác quản lý bảo vệ rừng trong cả nước, quản lý thống nhất kinh phí, trang bị kỹ thuật, phân bổ biên chế; quy định việc bổ nhiệm và điều động cục trưởng theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Các Sở, Ty lâm nghiệp căn cứ các văn bản của Nhà nước và Thông tư hướng dẫn này rà soát lại hệ thống tổ chức và biên chế hiện có. Tổ chức bộ máy của hệ thống kiểm lâm cần gọn nhẹ, đưa đại bộ phận cán bộ, nhân viên kiểm lâm vào phụ trách các tiểu khu rừng dựa trên nguyên tắc chung, bình quân cứ 1000 héc ta rừng có một người quản lý. Những khu rừng xung yếu, giá trị kinh tế cao được bố trí tăng cường hơn; ngược lại vùng ít xung yếu, có thể bố trí ít người hơn.

Trong điều kiện tổng số kinh phí và biên chế hạn chế, ngoài cán bộ quản lý bảo vệ rừng chuyên trách, có thể sử dụng cán bộ xã, hợp tác xã (kể cả cán bộ đã nghỉ hưu) ký hợp đồng một năm hoặc nhiều năm để quản lý bảo vệ tốt những khu rừng.

Những cán bộ nhân viên không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, sức khoẻ để làm nhiệm vụ thì bố trí sang công tác khác hoặc cho nghỉ hưu, mất sức, thôi việc theo Nghị quyết số 16-HĐBT ngày 8-2-1982 của Hội đồng Bộ trưởng.

Bổ sung các cán bộ trung học và đại học lâm nghiệp vào lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Đẩy mạnh việc bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật cho cán bộ đương chức tại cơ sở hoặc gửi đi bồi dưỡng tại các trường kỹ thuật và quản lý của ngành. Hướng phấn đấu trong vài năm tới tất cả cán bộ làm công tác quản lý bảo vệ rừng từng tiểu khu rừng đều phải có trình độ trung học kỹ thuật lâm nghiệp và được bồi dưỡng thêm về chuyên môn nghiệp vụ.

Đi đôi với biện pháp tổ chức phải làm tốt công tác chính trị tư tưởng, đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động quần chúng tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng.

Căn cứ vào những điều quy định và hướng dẫn trong Thông tư này, Cục kiểm lâm nhân dân Sở, Ty lâm nghiệp, các chi cục, hạt kiểm lâm nhân dân, giám đốc các liên hiệp lâm công nghiệp, lâm trường, các vụ chức năng có trách nhiệm triển khai thực hiện.

Những văn bản hướng dẫn của Bộ đã ban hành trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Phan Xuân Đợt

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 32-TCCB-1982 về việc xây dựng và kiện toàn các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng do Bộ Lâm nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 32-TCCB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/09/1982
  • Nơi ban hành: Bộ Lâm nghiệp
  • Người ký: Phan Xuân Đợt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản