Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2017/TT-BCA

Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 2017

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH DANH MỤC ĐỒ VẬT CẤM ĐƯA VÀO BUỒNG TẠM GIỮ, BUỒNG TẠM GIAM VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 21 tháng 11 năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017);

Căn cứ Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam và xử lý vi phạm.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ buồng tạm giam và xử lý vi phạm.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ (sau đây gọi chung là cơ sở giam giữ) trong Công an nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

Buồng tạm giữ là nơi tạm giữ người đang trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, được xây dựng theo mẫu thiết kế của Bộ Công an, treo biển “Buồng tạm giữ” theo quy định.

2. Buồng tạm giam là nơi tạm giam người đang trong thời hạn tạm giam gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, được xây dựng theo mẫu thiết kế của Bộ Công an, treo biển “Buồng tạm giam”, “Buồng giam người chờ chấp hành án phạt tù”, “Buồng giam người bị kết án tử hình, “Buồng kỷ luật” theo đối tượng quản lý giam giữ.

3. Đồ vật cấm là những đồ vật được quy định tại Điều 4 của Thông tư này, khi đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam người bị tạm giữ, người bị tạm giam có khả năng dùng để tự sát, trốn khỏi nơi giam giữ, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe, tính mạng của bản thân hoặc người khác, gây cản trở cho công tác thi hành tạm giữ, tạm giam, các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam

1. Các loại vũ khí, vật liệu nổ, chất nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Chất gây mê, chất độc, khí độc, chất phóng xạ, hóa chất độc hại, nguy hiểm.

3. Các chất ma túy, tiền chất ma túy, các chất gây nghiện, các chất hướng thần.

4. Các chất cháy, chất gây cháy (xăng, dầu, cồn, bật lửa, các loại diêm...).

5. Điện thoại di động và các thiết bị thông tin liên lạc.

6. Thiết bị lưu trữ dữ liệu, máy ghi âm, máy ghi hình, máy nghe ca nhạc, radio; những thiết bị, đồ dùng có tính năng tương tự và các thiết bị kỹ thuật, điện tử khác.

7. Các đồ dùng bằng kim loại, sành, sứ, đá, thủy tinh, các đồ vật cung, sắc nhọn khác và các loại dây có khả năng dùng để tự sát, phá buồng giam, trốn khỏi nơi giam giữ, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe, tính mạng của người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc người khác.

8. Các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, băng đĩa có nội dung phản động, truyền đạo trái phép, đồi trụy, mê tín dị đoan; các phương tiện, công cụ dùng để đánh bạc dưới mọi hình thức.

9. Các loại giấy, bút, mực (trừ trường hợp được sự đồng ý của cơ sở giam giữ).

10. Rượu, bia, đồ uống có cồn, thuốc lá, thuốc lào; các loại thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh chưa được sự đồng ý của y tế cơ sở giam giữ.

11. Tiền Việt Nam đồng, ngoại tệ, giấy tờ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý khác.

Điều 5. Việc phát hiện, thu giữ đồ vật thuộc danh mục cấm

1. Khi phát hiện việc đưa đồ vật cấm vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam, cán bộ có trách nhiệm tiến hành lập biên bản thu giữ, ghi lời khai người vi phạm và người làm chứng (nếu có). Trong biên bản phải xác định rõ số lượng, trọng lượng, chủng loại, hình dạng, kích thước, màu sắc, tình trạng và các đặc điểm khác của đồ vật cấm bị thu giữ. Những đồ vật cấm nghi là vàng, bạc, đá quý, kim loại quý khác, ma túy phải niêm phong, có chữ ký của người vi phạm, người làm chứng hoặc người chứng kiến.

2. Trường hợp không xác định được đối tượng đưa đồ vật cấm vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam thì khi thu giữ phải có ít nhất 02 người bị tạm giữ, người bị tạm giam chứng kiến ký biên bản, niêm phong (nếu có) và tổ chức xác minh làm rõ để xử lý.

3. Cán bộ sau khi lập biên bản thu giữ đồ vật cấm phải báo cáo thủ trưởng cơ sở giam giữ để xử lý và tổ chức quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn.

4. Việc thu giữ, giao nhận đồ vật cấm phải lập biên bản và vào sổ theo dõi.

Điều 6. Xử lý vi phạm

1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có hành vi đưa vào, tàng trữ, sử dụng đồ vật cấm trong buồng tạm giữ, buồng tạm giam thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam tự giác giao nộp đồ vật cấm sẽ được xem xét giảm nhẹ hình thức xử lý.

2. Những người khác có hành vi giúp sức, bao che hoặc đưa đồ vật cấm vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam thì phải lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

3. Đối với hành vi đưa vào, tàng trữ, sử dụng đồ vật cấm trong buồng tạm giữ, buồng tạm giam có dấu hiệu tội phạm thì thủ trưởng cơ sở giam giữ có văn bản đề nghị và chuyển ngay hồ sơ vi phạm cho cơ quan điều tra có thẩm quyền tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Xử lý đồ vật cấm

1. Đồ vật cấm quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 4 của Thông tư này thì lập biên bản chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Đồ vật cấm quy định tại các khoản 4, 5, 6 Điều 4 của Thông tư này sau khi thu giữ phải tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ, lập hồ sơ trước khi tổ chức tiêu hủy; trường hợp các đồ vật cấm có các nội dung, dữ liệu liên quan đến vụ án thì chuyển giao cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Đồ vật cấm quy định tại các khoản 7, 8, 9, 10 Điều 4 của Thông tư này thì thủ trưởng cơ sở giam giữ ra quyết định và tổ chức tiêu hủy.

4. Việc tiêu hủy đồ vật cấm phải thành lập Hội đồng, đối với trại tạm giam do Giám thị làm Chủ tịch, 01 đồng chí Phó Giám thị làm Phó Chủ tịch, Đội trưởng các đội nghiệp vụ và Bệnh xá trưởng làm Ủy viên; đối với nhà tạm giữ thì do Phó Trưởng Công an cấp huyện phụ trách nhà tạm giữ làm Chủ tịch, Trưởng hoặc Phó Trưởng nhà tạm giữ làm Phó Chủ tịch, cán bộ quản giáo, bảo vệ, y tế làm ủy viên.

5. Đồ vật cấm quy định tại khoản 11 Điều 4 của Thông tư này sau khi thu giữ thì thủ trưởng cơ sở giam giữ có trách nhiệm gửi vào kho bạc Nhà nước nơi đơn vị đóng quân và đề nghị người có thẩm quyền ra quyết định xử lý theo quy định của pháp luật; trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam tự giác giao nộp thì được gửi lưu ký hoặc giao cho thân nhân theo nguyện vọng của người giao nộp.

Điều 8. Hồ sơ thu giữ, xử lý đồ vật cấm và xử lý vi phạm

1. Hồ sơ thu giữ, xử lý đồ vật cấm và xử lý vi phạm bao gồm:

- Biên bản vi phạm và thu giữ đồ vật cấm (niêm phong nếu có);

- Biên bản ghi lời khai của người vi phạm và người làm chứng (nếu có);

- Bản tường trình của người vi phạm;

- Báo cáo của cán bộ thu giữ đồ vật cấm và đề nghị hình thức xử lý;

- Báo cáo của thủ trưởng cơ sở giam giữ về việc thu giữ và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý đồ vật cấm quy định tại khoản 11, Điều 4 của Thông tư này;

- Quyết định thu giữ đồ vật cấm;

- Quyết định xử lý đồ vật cấm;

- Quyết định xử lý vi phạm;

- Biên bản xử lý đồ vật cấm (biên bản bàn giao, tiêu hủy đồ vật cấm);

- Biên bản bàn giao hồ sơ, tài liệu có liên quan (nếu chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định);

- Tài liệu khác có liên quan.

2. Hồ sơ thu giữ, xử lý đồ vật cấm và xử lý vi phạm phải được quản lý, lưu giữ theo quy định.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, bãi bỏ các quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này.

Điều 10. Trách nhiệm thi hành

1. Các đồng chí Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ trưởng; Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng cơ sở giam giữ trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) để có hướng dẫn kịp thời./.


Nơi nhận:
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Bộ Tài chính;
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Các Tổng cục, đơn vị thuộc Bộ;
- Công an, Cảnh sát PCCC các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Công an;
- Lưu: VT, V19, C81 (C84).

BỘ TRƯỞNG




Thượng tướng Tô Lâm

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 32/2017/TT-BCA về quy định danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, tạm giam và xử lý vi phạm do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 32/2017/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/09/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Công An
  • Người ký: Tô Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản