Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31-BYT/TT

Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 1977

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC KHÁM BỆNH VÀ CHỮA BỆNH TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT – XÔ.

Để phù hợp với tình hình hiện nay và khả năng tiếp nhận của bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, sau khi đã thống nhất ý kiến với Ban tổ chức trung ương, Bộ Y tế quy định dưới đây đối tượng và thể thức tiếp nhận cán bộ vào khám bệnh, chữa bệnh, quản lý sức khỏe tại bệnh viện Hữu nghị Việt Xô.

I. ĐỐI TƯỢNG KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) là tuyến cuối cùng khám bệnh, chữa bệnh cho cán bộ cao cấp và một phần cán bộ trung cấp công tác ở trung ương và các tỉnh từ Phú Khánh, Đắc Lắc trở ra (cán bộ ở các tỉnh từ Thuận Hải, Lâm Đồng trở vào, khám bệnh và chữa bệnh tại bệnh viện cán bộ cao trung cấp tại th Hồ Chí Minh). Cụ thể, gồm các đối tượng sau đây:

1. Ủy viên trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng, các chức vụ tương đương trở lên, bí thư, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

2. Đại biểu Quốc hội và ủy viên Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đương nhiệm.

3. Anh hùng lao động, anh hùng lực lượng công an nhân dân;

4. Cục, vụ, viện phó, chuyên viên bậc II trở lên và các chức vụ tương đương, các cán bộ quản lý kinh tế, chuyên môn nghiệp vụ, khoa học, kỹ thuật và văn học, nghệ thuật ở trung ương và các địa phương có bậc lương chính từ 115 đồng trở lên.

5. Cán bộ dân tộc ít người, cán bộ công tác ở miền núi, hải đảo, và cán bộ nữ có bậc lương chính từ 105 đồng (chuyên viên I) trở lên.

6. Cán bộ hoạt động cách mạng từ trước tháng 8 năm 1945 (theo thông tư số 32-TT/TC ngày 16-10-1960 của Ban chấp hành trung ương) có giấy xác nhận của trưởng ban tổ chức các cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hoặc của Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ các Bộ và cơ quan ngang Bộ, có bậc lương chính năm từ 90 đồng, nữ từ 80 đồng trở lên. Riêng các đồng chí hoạt động từ năm 1935 trở về trước liên tục đến nay thì không phân biệt bậc lương.

7. Đối với khách quốc tế, Bộ Y tế có văn bản quy định riêng.

8. Các trường hợp đặc biệt khác sẽ do Ban tổ chức trung ương và Bộ Y tế giải quyết cụ thể với bệnh viện.

9. Theo quy định chung cho các bệnh viện, đối với người bệnh cấp cứu được đưa đến bệnh viện mà không thuộc diện trên, bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cũng phải thu nhận ngay để xử lý kịp thời. Hết thời kỳ cấp cứu, mới được chuyển đến bệnh viện theo tuyến điều trị đã quy định.

II. THỂ THỨC TIẾP NHẬN BỆNH NHÂN VÀ QUẢN LÝ SỨC KHỎE CÁN BỘ

Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô nhận khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh nhân mà bệnh tình vượt quá khả năng chữa bệnh của các cơ sởy tế tuyến trước. Do đó việc gửi bệnh nhân đến bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô được quy định như sau:

1. Bệnh nhân thuộc diện nói trên ở các cơ quan trung ương đóng ở Hà Nội, khi ốm đau thì y tế các cơ quan, các ngành, các xí nghiệp, có trách nhiệm theo dõi, chăm sóc sức khỏe và chữa những bệnh thông thường ngay ở trạm y tế hay ở bệnh viện của ngành (trong trường hợp chưa bàn giao sang ngành y tế theo quyết định số 91-TTg ngày 25-4-1974 của Thủ tướng Chính phủ) khi bệnh tình vượt quá khả năng của mình, các tổ chức y tế nói trên mới gửi đến bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô.

Bệnh nhân mỗi lần đến bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô khám bệnh cần mang theo thẻ khám bệnh, giấy giới thiệu của y tế cơ sở, ghi rõ bệnh tình, thuốc men đã dùng và quá trình chăm sóc theo dõi vào sổ y bạ của bệnh nhân, để giúp bệnh viện tiếp tục theo dõi và điều trị.

2. Bệnh nhân thuộc diện trên ở các địa phương kể cả cán bộ các cơ quan trung ương đi công tác và đóng ở địa phương và cán bộ hưu trí về nghỉ ở địa phương (từ Phú Khánh, Đắc Lắc trở ra), khi ốm đau thì được khám bệnh chữa bệnh ngay ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc diện bảo vệ sức khỏe cán bộ của các tỉnh, thành phố.

Trường hợp quá khả năng chữa bệnh của bệnh viện tỉnh, thành phố thì gửi bệnh nhân về bệnh viện Hữu nghị Việt Xô.

Riêng đối với các tỉnh thuộc khu 5 (cũ), nếu quá khả năng của bệnh viện thì tỉnh gửi đến bệnh viện C Đà Nẵng. Một số trường hợp đặc biệt xét cần phải tranh thủ gấp thời gian để chẩn đoán hoặc điều trị thì có thể gửi thẳng ra bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cho kịp thời.

Khi cần gửi bệnh nhân về chữa bệnh ở bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, các bệnh viện tỉnh, thành và bệnh viện C Đà Nẵng gửi hồ sơ bệnh án về liên hệ trước. Khi được bệnh viện Hữu nghị Việt Xô đồng ý, mới đưa bệnh nhân về, để tránh cho bệnh nhân khỏi phải chờ đợi đi lại vất vả. Trường hợp bệnh cần gửi gấp nếu có điều kiện thì điện báo trước để bệnh viện Hữu nghị Việt Xô chuẩn bị đón tiếp bệnh nhân được tốt.

Các cơ quan y tế cần nắm vững những quy định ở trên về đối tượng bệnh nhân cũng như về những thủ tục cần phải làm khi gửi bệnh nhân về bệnh viện Hữu nghị Việt Xô để tạo điều kiện cho bệnh viện tiếp nhận và chăm sóc bệnh nhân được thuận lợi.

3. Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô có nhiệm vụ phối hợp với các cơ sở y tế của các cơ quan trung ương, tổ chức hướng dẫn việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và quản lý bệnh tật cho cán bộ thuộc diện trên.

Sau khi kiểm tra sức khỏe định kỳ cho cán bộ, bệnh viện cần bàn giao tình hình sức khỏe và bệnh tật cho đồng chí phụ trách y tế cơ quan, để cùng với các đồng chí phụ trách y tế cơ quan đó, tiếp tục theo dõi và quản lý bệnh tật và bàn biện pháp phòng bệnh, chữa bệnh cho cán bộ.

4. Bộ Y tế đề nghị các đồng chí thủ trưởng các cơ quan, các ngành, các địa phương cần giao nhiệm vụ cho các đồng chí bảo vệ sức khỏe và y tế của cơ quan, xí nghiệp, trường học và bệnh viện tổ chức tốt việc khám bệnh, chữa bệnh và đặt quan hệ chặt chẽ với bệnh viện Hữu nghị Việt Xô để tổ chức việc quản lý sức khỏe và bệnh tật cho cán bộ được chu đáo.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành và thay cho thông tư số 40-BYT/TT ngày 22-10-1970.

Đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương phổ biến cho cán bộ biết để thực hiện những điều quy định trên.

(Đối với công nhân, viên chức mới được giải phóng sẽ có văn bản quy định riêng).

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
BÁC SĨ




Vũ Văn Cẩn

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 31-BYT/TT-1977 quy định việc khám bệnh và chữa bệnh tại bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô do Bộ Văn hóa thông tin ban hành

  • Số hiệu: 31-BYT/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/09/1977
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Vũ Văn Cẩn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 24/09/1977
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản