Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31/1997/TC-HCSN

Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 1997

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 31/1997/TC-HCSN NGÀY 12 THÁNG 6 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN CẤP PHÁT, SỬ DỤNG, QUẢN LÝ VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHOÁ X VÀ BẦU BỔ SUNG ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP

Căn cứ Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội đã được Quốc Hội khoá IX kỳ họp thứ 10 thông qua
Căn cứ vào Quyết định số 05 QĐ/HĐBCTƯ ngày 03/5/1997 của Hội Đồng bầu cử Trung ương
Để bảo đảm chi tiêu cho bầu cử Đại biểu Quốc Hội khoá X đúng mục đích, có hiệu quả, tiết kiệm, Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp phát, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử Đại biểu Quốc Hội khoá X và bầu bổ sung đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp như sau:

I/ NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1/ Kinh phí phục vụ cho bầu cử Đại biểu Quốc Hội khoá X và bầu bổ sung đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan đơn vị trung ương do ngân sách trung ương bảo đảm.

Trên cơ sở quyết định phân bổ kinh phí bầu cử của cơ quan có thẩm quyền, Uỷ ban bầu cử các địa phương lập dự toán chi cho công tác bầu cử trên địa bàn gửi Bộ Tài chính đồng gửi Sở Tài chính Vật giá để làm căn cứ cấp phát kinh phí bầu cử.

2/ Kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử Đại biểu Quốc Hội và bầu bổ sung đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp phải được quản lý chặt chẽ, chi tiêu theo đúng chế độ, đúng mục đích, có hiệu quả; Phải tận dụng các phương tiện phục vụ của các cuộc bầu cử trước đây còn sử dụng được để tiết kiệm chi cho ngân sách Nhà nước.

3/ Kết thúc bầu cử, các tổ bầu cử, Ban bầu cử, Uỷ ban Bầu cử phải quyết toán kinh phí bầu cử đã sử dụng với cơ quan Tài chính cùng cấp và báo cáo với Ban Bầu cử, Uỷ ban Bầu cử và Hội đồng Bầu cử Trung ương.

II/ NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1/ Nội dung chi phục vụ cho công tác bầu cử, gồm:

- Chi cho công tác tuyên truyền.

- Chi cho các hội nghị hiệp thương.

- Chi cho các hội nghị triển khai, hội nghị hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ bầu cử, hội nghị cử tri, hội nghị tổng kết.

- Chi in phiếu bầu cử, thẻ cử tri, các tài liệu, biểu mẫu, ấn chỉ ... có liên quan phục vụ cho công tác bầu cử.

- Chi làm hòm phiếu bổ sung, khắc dấu của tổ chức bầu cử...

- Chi trang trí, loa đài, bảo vệ tại tổ bầu cử

- Chi xăng, xe phục vụ cho việc kiểm tra, chỉ đạo bầu cử

- Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp phục vụ trong đợt bầu cử .

- Chi phí cho thông tin liên lạc phục vụ bầu cử.

Nội dung chi trên đây phải tuân theo các định mức, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành.

2/ Lập dự toán kinh phí:

- Trên cơ sở kinh phí được cơ quan có thẩm quyền phân bổ, căn cứ vào số cử tri hiện có trên địa bàn, đặc điểm của từng vùng... Uỷ ban Bầu cử các tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương tiến hành phân bổ kinh phí cho các Ban Bầu cử và các cơ quan khác có liên quan như Mặt trận Tổ quốc, cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình... Căn cứ vào số kinh phí được Uỷ ban Bầu cử phân bổ, Ban Bầu cử tiến hành phân bổ kinh phí cho các Tổ Bầu cử và các cơ quan khác có liên quan trên địa bàn.

- Căn cứ vào số kinh phí được phân bổ, nội dung chi tiêu quy định ở điểm 1 trên đây, các Tổ Bầu cử, Ban Bầu cử, Uỷ ban Bầu cử và các cơ quan liên quan được phân bổ kinh phí lập dự toán chi tiêu phục vụ cho công tác bầu cử gửi cơ quan Tài chính cùng cấp để làm căn cứ cấp phát kinh phí đồng gửi cho Ban Bầu cử, Uỷ ban Bầu cử để theo dõi.

Trường hợp Ban Bầu cử có phạm vi chỉ đạo bầu cử không trùng hợp với địa giới hành chính của Quận, huyện, thị xã thì trụ sở Ban Bầu cử làm việc thuộc phạm vi quận, huyện, thị xã nào thì Ban Bầu cử gửi dự toán về cơ quan Tài chính quận, huyện, thị xã đó.

3/ Cấp phát kinh phí:

- Trên cơ sở hạn mức kinh phí bầu cử do Bộ Tài chính thông báo, bảng phân bổ kinh phí của Uỷ ban Bầu cử cho các đơn vị sử dụng, dự toán kinh phí chi cho công tác bầu cử của các đơn vị sử dụng; Sở Tài chính Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm thủ tục thông báo hạn mức kinh phí cho các đơn vị sử dụng kinh phí đồng gửi cho kho bạc Nhà nước làm căn cứ cấp phát kinh phí cho đơn vị.

- Trên cơ sở hạn mức kinh phí bầu cử của các đơn vị do cơ quan tài chính thông báo, dự toán chi cho công tác bầu cử do các đơn vị gửi đến, cơ quan kho bạc Nhà nước kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của chứng từ, lệnh chuẩn chi của thủ trưởng đơn vị thực hiện cấp phát kinh phí kịp thời cho đơn vị.

4/ Quyết toán kinh phí:

Sau khi kết thúc cuộc bầu cử 45 ngày, các Tổ bầu cử, Ban Bầu cử, Uỷ ban Bầu cử và các cơ quan có liên quan được phân bổ kinh phí bầu cử phải thực hiện việc quyết toán kinh phí bầu cử đã sử dụng theo đúng mẫu biểu quy định theo Quyết định số 999 TC/QĐ/CĐKT ngày 02/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Hệ thống Chế độ kế toán Hành chính sự nghiệp.

Cơ quan tài chính địa phương có trách nhiệm kiểm tra xét duyệt quyết toán kinh phí của các đơn vị sử dụng, tổng hợp báo cáo quyết toán với Bộ Tài chính, đồng gửi cho Hội đồng Bầu cử Trung ương.

III/ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

Thông tư này áp dụng đối với cuộc bầu cử Đại biểu Quốc Hội khoá X và bầu bổ sung đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 1994-1999.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì khó khăn vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ảnh về Bộ Tài chính để xem xét giải quyết cho phù hợp.

Tào Hữu Phùng

(Đã Ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 31/1997/TC-HCSN hướng dẫn cấp phát, sử dụng, quản lý và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khoá X và bầu bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 31/1997/TC-HCSN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/06/1997
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Tào Hữu Phùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản