Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HOÁ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 30-VH/TT

Hà Nội, ngày 17 tháng 03 năm 1971

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 178-CP CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC THƯ VIỆN

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA

Ngày 16-9-1970, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 178-CP về công tác thư viện. Trong thông tư này, Bộ Văn hóa hướng dẫn thi hành bản quyết định nói trên.

I. TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO ĐỐI VỚI CÔNG TÁC THƯ VIỆN

Sách báo là phương tiện chủ yếu để tàng trữ kiến thức của loài người qua nhiều thế hệ. Sách báo là công cụ quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thư viện là một cơ quan văn hóa, giáo dục của Đảng và Nhà nước. Nó là một công cụ trọng yếu ngoài nhà trường để giáo dục tư tưởng, chính trị, nâng cao trình độ kiến thức của nhân dân lao động về mọi mặt, động viên quần chúng thực hiện tốt các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm cho đời sống tinh thần, tình cảm của quần chúng ngày thêm phong phú.

Thư viện là một tổ chức sử dụng sách báo tập thể có tính chất xã hội của nhân dân lao động. Trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo, trình độ văn hóa, kiến thức khoa học của nhân dân ta còn chưa cao thì thư viện là tổ chức bảo đảm việc dùng sách báo hợp lý nhất, tiết kiệm nhất.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3, trong bản báo cáo chính trị cũng đã nhấn mạnh cần phải tăng cường công tác thư viện. Chỉ thị số 8-TW ngày 3-1-1961 của Ban Bí thư trung ương Đảng đã ghi rõ: “Cần có kế hoạch củng cố phát triển mạng lưới thư viện, tủ sách và phong trào đọc sách báo ở các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, bệnh viện, trường học làm cho thư viện, tủ sách ngày càng có đủ sách báo cần thiết cho sản xuất; công tác và đời sóng, làm cho thư viện, tủ sách ngày càng liên hệ mật thiết với cán bộ và nhân dân. Chỉ thị số 244-TTg ngày 13-6-1961 và 45-TTg ngày 9-4-1962 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhắc nhở các cấp các ngành cần làm cho thư viện thực sự trở thành trường học của cán bộ và nhân dân đồng thời là chỗ dựa vững chắc của Đảng để tuyên truyền phổ biến kiến thức sản xuất, giáo dục họ thành những con người mới, xây dựng xã hội mới.

Hiện nay ở miền Bắc chúng ta đang tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật và cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng kỹ thuật là then chốt. Thư viện là một tổ chức phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu khoa học, cho cuộc đấu tranh giữa hai con đường trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trong Nghị quyết số 210-NQ/TW ngày 29-12-1970 về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ đảng viên, Ban Bí thư trung ương cũng đã đề ra một trong những biện pháp quan trọng trong toàn bộ hệ thống giáo dục lý luận và chính trị của Đảng là phải làm cho việc đọc sách báo Đảng thành một thói quan, một nhu cầu hàng ngày trong nếp sống của cán bộ, đảng viên. Các thư viện là cơ quan có điều kiện hướng dẫn và cung cấp sách báo, tư liệu phục vụ cho việc nâng cao trình độ về văn hóa, kinh tế, kỹ thuật, nâng cao chất lượng của cán bộ, đảng viên để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Trong Quyết định số 178-CP, Hội đồng Chính phủ lại nhắc các cấp, các ngành cần tăng cường lãnh đạo đối với ngành thư viện. Cụ thể là thủ trưởng các ngành, Ủy ban hành chính các địa phương cần:

- Lãnh đạo tốt việc phát triển sự nghiệp thư viện, làm cho mạng lưới thư viện, tủ sách ngày càng rộng khắp để phục vụ kịp thời những yêu cầu nghiên cứu khoa học của từng ngành, từng địa phương, đồng thời phục vụ việc đọc sách báo cho đông đảo cán bộ và nhân dân lao động.

Chỉ đạo chặt chẽ về phương hướng, về nội dung hoạt động và kiểm tra công tác của các thư viện đảm bảo cho các hoạt động của nó có tính tư tưởng sâu sắc, có sức giáo dục mạnh mẽ, có tính khoa học cao và tính quần chúng rộng rãi, phục vụ các nhiệm vụ chính trị và sản xuất của địa phương.

- Dựa vào khả năng thực tế của từng ngành, từng địa phương để có kế hoạch củng cố về tổ chức, kiện toàn và biên chế và tăng thêm cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các thư viện hoạt động tốt.

II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP THƯ VIỆN

Sau đây là phương hướng phát triển sự nghiệp thư viện trong mấy năm trước mắt:

- Đối với các thư viện khoa học tổng hợp và chuyên ngành hiện có thì lấy phương châm củng cố là chính.

Cụ thể là tích cực bổ sung nhiều sách, báo, tạp chí khoa học, kỹ thuật, tăng thêm cán bộ có trình độ để làm tốt công tác tư liệu, thư mục, công tác giới thiệu sách báo, phục vụ một cách chủ động và có hiệu quả các chuyên đề nghiên cứu khoa học, đồng thời trang bị cho các phòng đọc của thư viện có đủ tiện nghi, tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc dùng sách báo.

Ở các tỉnh, thành phố hiện nay nói chung, chưa có mạng lưới thư viện khoa học. Trong những năm tới phải có kế hoạch từng bước vững chắc, dựa vào khả năng cụ thể của từng nơi để chuyển dần các thư viện phổ thông lên thành thư viện khoa học có tính chất tổng hợp.

Vấn đề chuyển các thư viện phổ thông thành thư viện khoa học của tỉnh, thành phố sẽ được tiến hành qua ba bước: trước mắt thư viện tỉnh, thành vẫn làm chức năng của thư viện phổ thông kiêm thêm chức năng thư viện khoa học, sau tiến dần lên thư viện khoa học kiêm phổ thông, và cuối cùng sẽ là thư viện khoa học. Như thế, trong thời gian tương đối dài tính chất của thư viện tỉnh, thành là thư viện phổ thông kiêm thư viện khoa học.

Đối với các thư viện phổ thông, ngoài các thư viện hiện có, trong mấy năm tới sẽ phát triển rộng rãi các thư viện huyện, thị xã, khu phố. Cụ thể ở các tỉnh trung du và đồng bằng, đi đôi với việc củng cố các thư viện đã có, cần tiếp tục xây dựng để tất cả các huyện và thị xã trong tỉnh đều có thư viện. Riêng miền núi, sẽ từng bước xây dựng thư viện huyện ở những nơi có đủ điều kiện như bản quy chế tạm thời của thư viện huyện do Bộ Văn hóa ban hành đã chỉ dẫn.

Song song với các thư viện cho người lớn, cần phát triển thư viện thiếu nhi. Những nơi chưa có điều kiện xây dựng thư viện thiếu nhu thì trong thư viện phổ thông phải có phần phục vụ các em.

Các thư viện phổ thông sẽ xây dựng theo quy mô thích hợp với khả năng kinh tế của các địa phương, nhưng trước hết cần đảm bảo 3 yếu tố quan trọng bước đầu là:

- Có trụ sở và các phương tiện tối thiểu để phục vụ bạn đọc.

- Được Ủy ban hành chính địa phương lãnh đạo và cấp kinh phí hoạt động nằm trong kế hoạch.

- Có cán bộ chuyên trách (theo quy chế tạm thời của các thư viện phổ thông của Bộ Văn hóa).

Bên cạnh việc phát triển hệ thống thư viện, cần tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, học thuật, hoàn chỉnh các giáo trình giảng dạy, đẩy mạnh việc nghiên cứu, ban hành các chính sách, tiêu chuẩn, quy chế, quy tắc để thống nhất, chỉ đạo cho toàn ngành thư viện.

Tùy theo khả năng ngân sách, các ngành, các địa phương cần chỉ tiêu cho các thư viện với tỷ lệ thích đáng nhằm tăng thêm cơ sở vật chất, ưu tiên cung cấp sách báo cũng như các phương tiện thiết bị cần thiết khác.

III. HỆ THỐNG TỔ CHỨC CỦA NGÀNH THƯ VIỆN

Các thư viện nước ta sẽ được phân ra thành hai hệ thống thư viện khoa học và hệ thống thư viện phổ thông. Chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ, phương thức hoạt động của các thư viện thuộc hai hệ thống trên đã được quy định cụ thể trong bản phụ lục kèm theo ([1]). Trong thông tư này chỉ nêu lên một số điểm chung.

1. Hệ thống thư viện khoa học

Hệ thống thư viện khoa học bao gồm các thư viện khoa học tổng hợp và các thư viện chuyên ngành.

Ở trung ương, hiện nay có 3 thư viện lớn là: Thư viện quốc gia thuộc Bộ Văn hóa, Thư viện khoa học kỹ thuật thuộc Ủy ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước và Thư viện khoa học xã hội thuộc Ủy ban khoa học xã hội Việt-nam là những thư viện khoa học lớn, có tính chất tổng hợp. Các thư viện này sẽ tập trung phục vụ các chuyên đề nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau ở các viện, các cơ quan nghiên cứu trung ương, phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy ở các trường đại học; đồng thời là những tâm nghiên cứu, thực nghiệm về nghiệp vụ thư viện.

Các thư viện của các ngành như: quân đội, công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, y tế, giáo dục v.v… là những thư viện chuyên ngành. Các thư viện này sẽ tập trung đi sâu phục vụ một ngành, , một bộ môn khoa học hoặc kỹ thuật cụ thể.

Ở xí nghiệp, các cơ quan nghiên cứu chưa có thư viện chuyên ngành thì có thể lập các tủ sách kỹ thuật.

Thư viện ở các trường đại học và chuyên nghiệp cũng là những thư viện chuyên ngành nhằm phục vụ việc nghiên cứu, giảng day và học tập tùy theo yêu cầu nhiệm vụ đào tạo cán bộ cụ thể của từng trường.

Các tỉnh, thành phố hiện nay chưa có thư viện khoa học mà mới chỉ có thư viện phổ thông. Trong những năm tới lực lượng cán bộ nghiên cứu khoa học như kỹ sư, bác sĩ, chuyên viên kỹ thuật, giáo viên trung học và đại học sẽ về cơ sở ngày càng đông, Việc đó đòi hỏi các thư viện tỉnh, thành phải đáp ứng và phục vụ tốt công tác nghiên cứu khoa học và chỉ đạo sản xuất.

Do đó, bên cạnh chức năng của thư viện phổ thông, sẽ từng bước chuyển dần các thư viện này tiến lên đảm nhiệm thêm chức năng của thư viện khoa học tổng hợp. Cụ thể là ngoài những hoạt động của thư viện phổ thông sẽ tăng cường kho sách, báo khoa học kỹ thuật cho các thư viện đó được mua sách và tạp chí nghiên cứu khoa học trong, ngoài nước ở trình độ đại học, những giáo trình của các trường đại học, xây dựng tốt kho sách địa chí, bắt đầu hướng dẫn và biên soạn các thư mục phục vụ từng chuyên đề nghiên cứu khoa học của địa phương, bổ sung các loại sách khoa học kỹ thuật, tổ chức thêm phòng đọc nghiên cứu tại chỗ và các hình thức cho mượn riêng đối với các cán bộ nghiên cứu khoa học.

Về vấn đề này, Bộ Văn hóa sẽ nghiên cứu và có kế hoạch chỉ đạo cụ thể đối với từng địa phương.

Các thư viện khoa học cần đẩy mạnh việc phân công hợp tác chặt chẽ trong công tác biên soạn các thư mục phục vụ nghiên cứu, các mục lục liên hợp, phối hợp nghiên cứu lý luận, tham khảo kinh nghiệm các nước bạn kết hợp đúc kết kinh nghiệm thực tế của ta. Trên cơ sở đó sẽ từng bước hoàn chỉnh việc nghiên cứu khoa học thư viện học và mục lục học Việt-nam, đồng thời đẩy mạnh việc trao đổi sách báo, nhất là các sách báo nước ngoài nhằm sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm chỉ tiêu ngoại lệ.

2. Hệ thống thư viện phổ thông

Bộ Văn hóa chịu trách nhiệm quản lý và chỉ đạo trực tiếp hệ thống thư viện phổ thông từ tỉnh đến xã. Tùy theo quy mô và phạm vi của các thư viện phổ thông mà cần có khối lượng kho sách, biên chế cán bộ và các phương tiện thiết bị khác cho thích hợp. Các thư viện phổ thông ngoài việc tuyên truyền phục vụ bạn đọc tại chỗ, còn có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ cho các thư viện, tủ sách cơ sở thuộc địa phương mình đồng thời chịu trách nhiệm trước Ủy ban hành chính địa phương và Sở, Ty, Phòng văn hóa về việc hướng dẫn phong trào quần chúng và làm theo sách báo.

Các thư viện phổ thông huyện, thị xã, khu phố cần được phân cấp dứt khoát về các huyện, thị xã, khu phố do Ủy ban hành chính các nơi đó trực tiếp lãnh đạo và quản lý về mọi mặt. Chấm dứt tình trạng tổ chức các loại thư viện này dưới hìnhthức chi nhánh của thư viện tỉnh như ở một số địa phương hiện nay.

Việc xây dựng các thư viện phổ thông ở xã sẽ được nghiên cứu kỹ và tổ chức có trọng điểm. Bộ Văn hóa sẽ nghiên cứu cụ thể một số thư viện xã đã hoạt động tốt để có phương hướng và chỉ đạo việc thành lập các thư viện xã ở những nơi có đủ điều kiện.

Bên cạnh các thư viện phổ thông cho người lớn, thư viện thiếu nhi cũng thuộc hệ thống thư viện phổ thông có trách nhiệm trực tiếp xây dựng và hướng dẫn nghiệp vụ. Ở những nơi thư viện phổ thông chưa có đủ điều kiện xây dựng riêng thư viện thiếu nhi thì tại thư viện phổ thông cần tổ chức kho sách và phòng đọc, mượn riêng cho thiếu nhi hoặc dành những giờ nhất định cho các em.

Ngoài ra, các thư viện ở cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường do công đoàn xây dựng cũng thuộc hệ thống thư viện phổ thông nhưng do tổ chức công đoàn quản lý mà ngành văn hóa sẽ chỉ đạp về mặt kỹ thuật, nghiệp vụ.

IV. CÔNG TÁC ĐÀO TẠO CÁN BỘ THỰC HIỆN

Để đáp ứng nhu cầu phát triển sự nghiệp thư viện, trong thời gian tới, chúng ta cần chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ thư viện có trình độ khá cả về 3 mặt: chính trị, văn hóa và nghiệp vụ. Các cán bộ ở các thư viện khoa học và thư viện tỉnh, thành còn cần phải biết ngoại ngữ.

Tùy theo chức năng của từng loại thư viện, Bộ Văn hóa sẽ nghiên cứu định ra những quy chế, tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ và cần xây dựng thang lương nghiệp vụ của ngành thư viện. Những quy chế, tiêu chuẩn đó sẽ là những căn cứ để giúp cho các cơ quan tổ chức cán bộ nghiên cứu, điều động, bổ sung và bồi dưỡng các cán bộ thư viện.

Để đáp ứng được yêu cầu đào tạo cán bộ, các trường đào tạo cán bộ thư viện hiện nay cần được củng cố, nâng cao chất lượng về mọi mặt, hoàn chỉnh các giáo trình giảng dạy. Bộ Văn hóa có trách nhiệm đào tạo cán bộ nghiệp vụ thư viện, cung cấp hệ thống thư viện trong cả nước cán bộ từ trình độ trung học trở lên, còn các lớp sơ học và bổ túc nghiệp vụ thì do các ngành tự tổ chức lấy nhưng có sự giúp đỡ của ngành văn hóa về mặt cung cấp giáo trình.

Song song với các trường đào tạo dài hạn, cần tiếp tục phát triển nhiều lớp đào tạo cán bộ tại chức để bồi dưỡng cho cán bộ không có điều kiện học tập trung. Ngoài ra, tại các thư viện vẫn tăng cường chế độ bồi dưỡng cán bộ bằng cách hướng dẫn trực tiếp hoặc tổ chức trao đổi kinh nghiệm thường xuyên về nghiệp vụ.

Hàng năm, Bộ Văn hóa căn cứ vào yêu cầu đào tạo cán bộ của các ngành để có kế hoạch gửi học sinh đi học tập, thực tập và nghiên cứu nghiệp vụ thư viện ở nước ngoài.

Tùy theo yêu cầu cụ thể, từng thời gian có điều kiện, với sự đồng ý của Chính phủ, Bộ Văn hóa sẽ tổ chức các đoàn đi tìm hiểu kinh nghiệm về công tác thư viện ở các nước anh em.

V. VẤN ĐỀ BỔ SUNG SÁCH BÁO CHO CÁC THƯ VIỆN

Bổ sung các loại sách báo cho các thư viện là một công tác then chốt về mặt chất lương của kho sách thư viện. Việc bổ sung sách báo phải được làm thường xuyên và có kế hoạch. Ủy ban hành chính các cấp, các ngành quản lý các thư viện cần căn cứ vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu của từng loại thư viện để cung cấp kinh phí cho các thư viện có đủ điều kiện làm cho kho sách của mình càng phong phú. Ngoài các loại sách báo mới xuất bản, các thư viện còn có nhiệm vụ tiếp tục bổ sung các loại sách quý cần thiết mà thư viện còn thiếu bằng cách sưu tầm trong nhân dân hoặc trao đổi giữa các thư viện.

Về tất cả các loại sách báo xuất bản trong nước, các thư viện phải được cung cấp theo chế độ ưu tiên. Các cơ quan phát hành sách cần thi hành nghiêm chỉnh Chỉ thị số 52-VH/CT ngày 22-12-1964 và số 61-VH/CT ngày 13-10-1969 của Bộ Văn hóa về việc ưu tiên cung cấp sách cho các thư viện, tủ sách. Các loại sách giáo khoa của các trường học phổ thông, các giáo trình của các trường đại học và trung học chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và các ngành quản lý có hệ thống phát hành riêng cũng sẽ căn cứ vào chỉ thị trên để có kế hoạch ưu tiên phân phối cho các thư viện; các giáo trình của bậc đại học trở lên sẽ ưu tiên cung cấp cho các thư viện khoa học và thư viện tỉnh, thành.

Để thực hiện tốt việc cung cấp sách cho các thư viện theo chế độ ưu tiên, Vụ văn hóa quần chúng và thư viện sẽ phối hợp với Cục xuất bản và Quốc doanh phát hành sách trung ương nghiên cứu để Bộ Văn hóa ban hành một quy chế tạm thời cung cấp sách cho các thư viện cho phù hợp với điều kiện xuất bản hiện thời.

Về việc cung cấp các loại báo chí phát hành trong nước, cơ quan phát hành báo chí sẽ căn cứ vào quy định của thông tư của Bộ Văn hóa và Sở báo chí trung ương số 114-TT/LB ngày 01-07-1970 để cung cấp cho các thư viện.

Đối với các loại sách báo mua ở nước ngoài, các thư viện ở trung ương ở địa phương sẽ dựa vào chỉ tiêu ngoại tệ được cấp hàng nănm cho từng ngành để đặt ở cơ quan xuất nhập khẩu sách báo. Thư viện quốc gia có trách nhiệm hướng dẫn các thư viện địa phương trong việc đặt mua các loại sách báo nước ngoài.

Ngoài nguồn bổ sung bằng nhập khẩu, các thư viện khoa học phát triển quan hệ trao đổi sách báo với thư viện các nước anh em. Sự lên hệ đó phải được thông qua cơ quan liên lạc văn hóa với nước ngoài.

VI. TĂNG CƯỜNG CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ KỸ THUẬT ĐỐI VỚI CÁC THƯ VIỆN.

Hiện nay, việc xây dựng cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật cần thiết của các thư viện đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong những năm qua do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ gây nên.

Để cho các thư viện có đủ những điều kiện và phương tiện cần thiết phục vụ bạn đọc được tốt, tùy theo quy mô và chức năng của từng loại thư viện, các ngành, các cấp, các địa phương cần quan tâm và cố gắng tăng thêm cơ sở vật chất và kỹ thuật cho các thư viện như phân phối hoặc cho phép xây dựng trụ sở thư viện ở những địa điểm trung tâm, có đủ các phòng cũng như các điều kiện cần thiết về chỗ ngồi, ánh sáng để phục vụ bạn đọc, nhà kho sách đủ điều kiện bảo quản, chống ẩm, chống sâu, mọt và phòng cháy. Bộ Văn hóa sẽ phối hợp với Bộ Kiến trúc để có các sơ đồ hướng dẫn thiết kế các nhà thư viện. Các thư viện được chế độ ưu tiên cung cấp các loại gỗ tốt để đóng giá sách, tủ mục lục để có thể dùng được lâu dài.

Những thư viện do hoàn cảnh chiến tranh bị phá hủy hoặc do sơ tán mà sách báo bị hư hại, mất mát, cần được nhanh chóng tu sửa, khôi phục, bổ sung lại vốn sách để sớm trở lại hoạt động bình thường.

Theo phương hướng từng bước tiến dần lên trang bị hiện đại, trước hết các thư viện khoa học ở trung ương có nhiều kho sách quý, hiếm cần được trang bị các loại máy sao chụp, máy đọc phim sách, máy điều hòa nhiệt độ và các phươnhg tiện phục vụ hiện đại khác. Các loại máy trên, các thư viện sẽ lập dự trù thiết bị hàng năm để các Bộ chủ quản ghi vào kế hoạch xin cung cấp thiết bị tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Vật tư.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa sẽ có kế hoạch cung cấp dẫn các trang bị cho các thư viện tỉnh, thành máy in ronéo dùng trong công tác thư mục, xe ô-tô thư viện dùng cho việc luân chuyển sách báo và hoạt động lưu động, máy đọc phim sách để có thể sử dụng được các cuốn phim sách đã được sao chụp ở trung ương. Cần nghiên cứu sản xuất ở trong nước máy đọc phim sách. Bộ Văn hóa sẽ liên hệ với Bộ Cơ khí và luyện kim giải quyết vấn đề này.

VII. TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ VĂN HÓA VÀ CÁN BỘ, CÁC NGÀNH VỀ CÔNG TÁC THƯ VIỆN

Tất cả những viện khoa học tổng hợp và chuyên ngành thuộc ngành nào do ngành đó chịu trách nhiệm quản lý. Hệ thống thư viện phổ thông sẽ do Bộ Văn hóa trực tiếp quản lý. Riêng vấn đề nghiên cứu phát triển sự nghiệm chung của ngành thư viện, điều hòa, phối hợp phân công giữa các thư viện và các vấn đề kỹ thuật nghiệp vụ, cần phải có sự chỉ đạo thống nhất cho toàn ngành thư viện.

Theo Nghị định số 135-CP ngày 29-09-1961 Hội đồng Chính phủ đã giao cho Bộ Văn hóa trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo công tác thư viện, cụ thể là chỉ đạo công tác thư viện, cụ thể là Bộ Văn hóa cần nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành hoặc tự mình ban hành những chính sách, tiêu chuẩn, quy tắc kỹ thuật nghiệp vụ của ngành thư viện, những quy chế về tổ chức cán bộ và cơ sở vật chất của các loại thư viện, đào tạo và bồi dưỡng các loại cán bộ thư viện và kiểm tra việc thực hiện những chính sách, tiêu chuẩn, quy chế, quy tắc nói trên.

Để giúp Bộ Văn hóa trong việc nghiên cứu và chỉ đạo công tác thư viện, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập một Hội đồng thư viện.

Hội đồng thư viện sẽ nghiên cứu các vấn đề về công tác thư viện với chức năng của một tổ chức tư vấn cho Bộ Văn hóa. Căn cứ vào các công trình nghiên cứu đã được Hội đồng thư viện thảo luận và kết luật, Bộ Văn hóa sẽ nghiên cứu, ban hành những chế độ, chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ cần thiết của ngành thư viện.

Về nội dung hoạt động của Hội đồng thư viện sẽ có một đề án riêng, ở đây chỉ nêu những nét chính:

1. Thành phần của Hội đồng gồm có: ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa được Hội đồng Chính phủ ủy nhiệm tổ chức ra Hội đồng thư viện và làm chủ tịch, các ông Giám đốc thư viện ở trung ương, Vụ trưởng Vụ văn hóa quần chúng và thư viện của Bộ Văn hóa làm ủy viên. Ngoài ra sẽ có giám đốc hoặc người phụ trách của một số thư viện ở các Bộ, các ngành, và các chuyên viên được Bộ trưởng Bộ Văn hóa lựa chọn cũng được mời tham gia vào Hội đồng thư viện.

2. Nhiệm vụ của Hội đồng.

a) Nghiên cứu giúp Chính phủ hoặc Bộ Văn hóa đề ra đường lối, phương hướng và kế hoạch phát triển sự nghiệp thư viện.

b) Điều hòa, phối hợp hoạt động giữa các thư viện để cho các hoạt động của thư viện được chặt chẽ, hợp lý, tiết kiệm.

c) Phân công nghiên cứu các vấn đề lý luận, học thuật của ngành thư viện.

d) Nghiên cứu những tiêu chuẩn, quy tắc kỹ thuật, nghiệp vụ cần áp dụng trong các thư viện.

Trên đây là một số điểm hướng dẫn việc thi hành quyết định của Hội đồng Chính phủ về công tác thư viện. Trong quá trình tiến hành, các ngành, các cấp, Ủy ban hành chính các địa phương thấy có những vấn đề gì chưa rõ hoặc có những đặc điểm cần nêu lên, thì sẽ thực tiếp trao đổi với Bộ Văn hóa.



BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA




Hoàng Minh Giám

[1]Không đăng bản phụ lục

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 30-VH/TT-1971 hướng dẫn thi hành Quyết định 178-CP về công tác thư viện do Bộ Văn hóa ban hành

  • Số hiệu: 30-VH/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/03/1971
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá
  • Người ký: Hoàng Minh Giám
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: 01/04/1971
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản