Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI THƯƠNG-BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 30-TC/LB

Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 1959

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC BÀN GIAO NGÀNH RƯỢU Ở BỘ TÀI CHÍNH SANG BỘ NỘI THƯƠNG

Kính gửi: Ủy ban hành chính các tỉnh và thành phố

Căn cứ vào Quyết định số 261-TTg ngày 06-7-1959 của Thủ tướng Chính phủ, Liên bộ Tài chính - Nội thương quy định dưới đây chi tiết việc bàn giao:

1. Công tác thống nhất quản lý kinh doanh rượu trước đây do các cơ quan rượu thuộc ngành tài chính ở địa phương phụ trách sang cho các cơ quan rượu thuộc ngành nội thương ở địa phương phụ trách.

2. Công tác thu thuế rượu trước đây, do các cơ quan rượu thuộc ngành tài chính ở địa phương phụ trách sang cho cơ quan thuế vụ thuộc ngành tài chính ở địa phương phụ trách.

I. NGUYÊN TẮC BÀN GIAO

1. Ủy ban hành chính thành phố và tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì việc bàn giao.

2. Việc bàn giao sẽ tiến hành trên cơ sở:

a) Nhiệm vụ thu thuế hàng hóa đánh vào rượu do tư nhân tự sản tự tiêu thuộc cơ quan thuế vụ, nhiệm vụ khấu trừ thuế hàng hóa đánh vào rượu của tư nhân hoặc các tập đoàn sản xuất mà Nhà nước thu mua thuộc cơ quan rượu, nhiệm vụ thực hiện chính sách thống nhất quản lý kinh doanh rượu, và tổ chức kinh doanh rượu thuộc cơ quan rượu.

b) Trừ phòng thuế rượu huyện sẽ sát nhập vào phòng tài chính huyện, cơ quan rượu vẫn theo hệ thống tổ chức cũ từ Sở rượu Trung ương thuộc Bộ Nội thương đến Phân, Chi sở rượu thành phố, tỉnh và Cửa hàng ở thành phố, thị xã, thị trấn.

3. Sau khi bàn giao các Phân, Chi sở rượu, Cửa hàng rượu sẽ tiếp tục hoạt động với những nhiệm vụ chức trách cũ (trừ phần thu thuế vào rượu của tư nhân tự sản tự tiêu đã chuyển sang thuế vụ) cho đến khi có quyết định của Bộ Nội thương.

II. NỘI DUNG BÀN GIAO CỤ THỂ

1. Đối với những địa phương vừa có kinh doanh của Nhà nước vừa có thuế thu vào rượu của tư nhân:

a) Chi sở rượu sẽ bàn giao phần thuế sang Ty Tài chính hoặc Chi sở Thuế vụ (nếu Chi sở Thuế vụ nằm ngoài Ty Tài chính). Nội dung bàn giao gồm:

- Nhiệm vụ thu thuế bao gồm việc cho phép sản xuất, quản lý thu thuế vào những nhà sản xuất, chống lậu thuế, xử lý các vụ phạm pháp về thuế rượu, kế toán số thuế đã thu được, thống kê nguồn thuế. Vấn đề định giá tính thuế trước thuộc thẩm quyền Sở rượu Trung ương nay chuyển sang Sở Thuế trung ương.

- Phạm vi thu thuế gồm những khu vực tự sản tự tiêu: tên xã số hộ sản xuất, số lượng sản xuất giá tính thuế.

- Tình hình thu thuế 6 tháng đầu năm và kế hoạch thu thuế 6 tháng cuối năm.

- Tình hình cơ sở sản xuất, tình hình lậu liễm và xử lý các vụ phạm pháp.

- Tất cả những hồ sơ tài liệu sổ sách kế toán liên quan đến phần thuế.

- Về tổ chức thì sát nhập phòng thuế rượu huyện vào phòng tài chính. Cán bộ rượu sẽ tiếp tục công tác thu thuế rượu, ở những huyện vừa có kinh doanh rượu Nhà nước vừa thu thuế vào rượu tư nhân thì chuyển một cán bộ về Cửa hàng rượu để làm nhiệm vụ chống lậu và quản lý thị trường.

Chú ý:

- Không bàn giao cán bộ quản lý ở Chi sở rượu sang Ty Tài chính hoặc Chi sở thuế vụ. Nếu cần thì bổ sung cho bộ phận kinh doanh, bộ phận kế toán hay cửa hàng, nếu thừa thì Bộ Nội thương sẽ quyết định sau.

- Không bàn giao tài sản gồm đồ đạc bàn ghế, máy chữ, xe đạp, v.v… quỹ tiền thưởng. Trụ sở phòng thuế rượu huyện sau khi giải tán, ở nơi có kinh doanh rượu Nhà nước thì giao cho cơ quan rượu quản lý.

- Sau khi bàn giao cơ quan thuế vụ và cơ quan rượu cần phối hợp chặt chẽ trên nguyên tắc thuế phục vụ độc quyền trong những công tác sau đây:

Định khu vực rượu quốc doanh, định khu vực thống nhất thu mua, chuyển nghề cho những nhà sản xuất, làm kế hoạch thu thuế và kế hoạch kinh doanh, chống rượu bất hợp pháp, xử lý các vụ phạm phạm.

b) Về nhiệm vụ thống nhất quản lý kinh doanh, Chi sở lập một báo cáo kiểm điểm toàn bộ công tác gồm:

- Nhiệm vụ chức trách (trừ phần thu thuế vào rượu tự sản tự tiêu đã chuyển sang thuế vụ).Chú ý cơ quan rưọu tiếp tục làm nhiệm vụ quản lý chống lậu ở thị trường quốc doanh (khu vực rượu quốc doanh và khu vực thống nhất thu mua).

- Tổ chức cán bộ của Chi sở và Cửa hàng.

- Vốn và tài sản các loại ở Chi sở và Cửa hàng.

- Tài liệu hồ sơ, sổ sách kế toán có liên quan đến kinh doanh (chú ý khóa sổ kế toán ngày 31-7).

- Các vấn đề tồn tại cần tiếp tục giải quyết để Ủy ban hành chính tỉnh hay thành phố dùng làm căn cứ nhận định tình hình có chủ trương giải quyết các vấn đề tồn tại và giao nhiệm vụ cho tổ chức mới.

2. Đối với những địa phương đã thống nhất kinh doanh toàn bộ như Hà nội, Hải phòng, Phú thọ, Kiến an, Hà nam thì giữ nguyên nhiệm vụ và tổ chức cũ mà kiểm điểm theo như phần b trên đây.

III. THỦ TỤC VÀ THỜI GIAN BÀN GIAO

Việc bàn giao sẽ tiến hành dưới sự chỉ đạo của Ủy ban hành chính tỉnh. Biên bản bàn giao sẽ làm thành 7 bản có chữ ký của Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh, Phân, Chi sở rượu, Ty Tài chính hoặc Chi sở thuế vụ.

1 bản lưu tại Ủy ban hành chính

1 bản lưu tại Chi sở Rượu

1 bản lưu tại Ty Tài chính hoặc Chi sở thuế vụ

1 bản gửi về Bộ Tài chính (Văn phòng)

1 bản lưu tại Bộ Nội thương (Sở Rượu Trung ương )

1 bản lưu tại Chi nhánh Ngân hàng Quốc gia.

Thời gian bàn giao: đến ngày 31-7-1959 sẽ hoàn thành để sang ngày 01-8 thì cơ quan rượu sẽ hoạt động với danh nghĩa là thuộc ngành nội thương và kể từ ngày 01-8 lương của cán bộ không phân biệt cán bộ hành chính và cán bộ kinh doanh đều do quỹ kinh doanh đài thọ.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG
THỨ TRƯỞNG





Hoàng Quốc Thịnh

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Trịnh Văn Bính

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 30-TC/LB năm 1959 về việc bàn giao ngành rượu ở Bộ Tài chính sang Bộ Nội thương do Bộ Tài Chính- Bộ Nội Thương ban hành.

  • Số hiệu: 30-TC/LB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 23/07/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Nội thương, Bộ Tài chính
  • Người ký: Trịnh Văn Bính, Hoàng Quốc Thịnh
  • Ngày công báo: 12/08/1959
  • Số công báo: Số 30
  • Ngày hiệu lực: 07/08/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản