Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/2016/TT-BXD | Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2016 |
HƯỚNG DẪN HỢP ĐỒNG THIẾT KẾ - CUNG CẤP THIẾT BỊ CÔNG NGHỆ VÀ THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014;
Căn cứ Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25/7/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng,
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC).
1. Thông tư này hướng dẫn về hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình thuộc các dự án đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng (sau đây viết tắt là Nghị định số 37/2015/NĐ-CP), bao gồm: nguyên tắc áp dụng hợp đồng EPC; công tác chuẩn bị và ký kết hợp đồng EPC; quản lý thực hiện hợp đồng EPC; quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng EPC; tổng thầu EPC; hướng dẫn áp dụng mẫu hợp đồng EPC.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với các quy định tại Thông tư này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
1. Các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xác lập và quản lý thực hiện hợp đồng EPC thuộc phạm vi điều chỉnh theo quy định tại
2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xác lập và quản lý thực hiện hợp đồng EPC không thuộc phạm vi điều chỉnh theo quy định tại Điều 1 Thông tư áp dụng quy định tại Thông tư này.
Điều 3. Nguyên tắc áp dụng hợp đồng EPC
1. Căn cứ vào đặc điểm, tính chất và quy mô của từng dự án, gói thầu EPC và các quy định của pháp luật Người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức hợp đồng EPC cho các dự án, gói thầu xây dựng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng.
2. Hợp đồng EPC chỉ áp dụng đối với những dự án, gói thầu xây dựng cần rút ngắn thời gian thực hiện; những dự án, gói thầu xây dựng có yêu cầu cao về kỹ thuật, công nghệ và phải đảm bảo tính đồng bộ từ khâu thiết kế, cung cấp thiết bị, thi công xây dựng công trình đến khâu đào tạo vận hành, chuyển giao công trình.
3. Bên nhận thầu thực hiện hợp đồng EPC phải có đủ điều kiện về kinh nghiệm, năng lực tài chính, năng lực hành nghề và năng lực hoạt động đối với toàn bộ phạm vi công việc cần thực hiện của hợp đồng EPC gồm năng lực về: thiết kế, cung cấp thiết bị, cung cấp dịch vụ đào tạo, vận hành, chuyển giao công nghệ, thi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và các yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Bên nhận thầu EPC không được giao thầu phụ quá 60% khối lượng công việc thuộc phạm vi hợp đồng EPC.
4. Việc quản lý chi phí hợp đồng EPC không được vượt giá hợp đồng EPC đã ký kết theo đúng các thỏa thuận trong hợp đồng EPC.
5. Hồ sơ thiết kế của các dự án, gói thầu áp dụng hợp đồng EPC phải đáp ứng yêu cầu tại khoản 1 Điều 54 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.
6. Việc ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng EPC phải phù hợp với các quy định của pháp luật về hợp đồng xây dựng.
Điều 4. Công tác chuẩn bị và ký kết hợp đồng EPC
1. Trong quá trình chuẩn bị, ký kết và thực hiện hợp đồng, khuyến khích bên nhận thầu đề xuất các sáng kiến, biện pháp hoặc vận dụng kinh nghiệm của mình để hoàn thành các công việc theo hợp đồng EPC, bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ, mục tiêu, yêu cầu và nâng cao hiệu quả của dự án, gói thầu.
2. Trước khi ký kết hợp đồng EPC các bên phải thỏa thuận cụ thể những nội dung chủ yếu sau:
a) Phạm vi công việc dự kiến thực hiện theo hợp đồng EPC;
b) Vị trí xây dựng, hướng tuyến công trình, loại, cấp công trình; quy mô, công suất và phương án sản phẩm được lựa chọn, năng lực khai thác sử dụng;
c) Các thông tin về các tài liệu, số liệu về điều kiện tự nhiên, địa chất công trình, địa chất thủy văn, thủy văn của khu vực nơi xây dựng công trình;
d) Các yêu cầu về thiết kế xây dựng và một số thông số thiết kế ban đầu;
đ) Các phương án công nghệ, kỹ thuật, thiết bị và thương mại; xuất xứ thiết bị, sản phẩm;
e) Phương án kết nối hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài phạm vi công trình; giải pháp phòng, chống cháy, nổ thuộc phạm vi của gói thầu EPC;
g) Giải pháp về xây dựng, vật liệu chủ yếu được sử dụng;
h) Các yêu cầu về quản lý chất lượng công trình xây dựng, thử nghiệm, vận hành chạy thử, bảo hành và bảo trì công trình;
i) Giải pháp về kiến trúc, mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng công trình, các kích thước, kết cấu chính của công trình xây dựng thuộc phạm vi của gói thầu EPC;
k) Danh mục và mức độ áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được sử dụng trong thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng công trình;
l) Các chỉ dẫn kỹ thuật đối với vật tư, thiết bị, dịch vụ kỹ thuật;
m) Yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm của bên nhận thầu đối với gói thầu, gồm: năng lực về thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình;
n) Yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ và những vấn đề khác.
o) Các yêu cầu liên quan đến các thủ tục phê duyệt; số lượng các loại hồ sơ, tài liệu và mốc thời gian phải nộp cho bên giao thầu;
p) Kế hoạch tiến độ thực hiện và các mốc hoàn thành những công việc, hạng mục công trình chủ yếu và toàn bộ công trình để đưa vào khai thác, sử dụng;
q) Phân định trách nhiệm giữa bên giao thầu và bên nhận thầu về cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc, đường giao thông nội bộ và các dịch vụ khác có sẵn trên công trường và việc xử lý giao diện giữa các gói thầu trong cùng một dự án xây dựng;
3. Chuẩn bị hợp đồng EPC
Các điều khoản, điều kiện chung và điều kiện cụ thể của hợp đồng EPC được chuẩn bị phải phù hợp với các nội dung được hướng dẫn tại
4. Ký kết hợp đồng EPC
a) Hợp đồng EPC chỉ được ký kết khi đáp ứng được các nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng quy định tại Điều 4 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.
b) Yêu cầu đối với bên nhận thầu EPC
Bên nhận thầu thực hiện hợp đồng EPC phải có đủ năng lực hoạt động, năng lực hành nghề theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, cụ thể:
- Có đăng ký kinh doanh phù hợp với nội dung công việc gói thầu. Trường hợp bên nhận thầu liên danh thì phải có thỏa thuận liên danh, trong đó phải có một nhà thầu đại diện liên danh, đóng vai trò là nhà thầu đứng đầu liên danh, chịu trách nhiệm chung và phải có cam kết thực hiện công việc theo phân giao trách nhiệm giữa các nhà thầu, từng nhà thầu trong liên danh phải có đăng ký kinh doanh phù hợp với công việc được phân giao;
- Có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm để thực hiện công việc theo hợp đồng EPC như: có kinh nghiệm về thiết kế; có khả năng, kinh nghiệm làm nhà thầu xây dựng các dự án, gói thầu với yêu cầu kỹ thuật và quy mô tương đương; trong cơ cấu tổ chức của bên nhận thầu có các đơn vị đầu mối về tư vấn thiết kế, gia công chế tạo, cung ứng vật tư, thiết bị và thi công xây dựng;
- Có khả năng đáp ứng được các yêu cầu tài chính của dự án, gói thầu và chứng minh được khả năng huy động để thực hiện hợp đồng EPC.
c) Việc thương thảo và ký kết hợp đồng EPC được căn cứ vào các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu được duyệt hoặc văn bản chỉ định thầu của cấp có thẩm quyền;
d) Thời gian tiến hành thương thảo và ký kết hợp đồng phải phù hợp với tiến độ chung và bảo đảm hiệu quả thực hiện dự án.
Điều 5. Quản lý thực hiện hợp đồng EPC
Việc quản lý thực hiện hợp đồng EPC thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP và các quy định sau:
1. Quản lý phạm vi thực hiện các công việc theo mục tiêu của gói thầu và theo danh mục công việc trong hợp đồng đã ký kết; kiểm tra tính chính xác, sự đầy đủ và phù hợp của các tài liệu khảo sát, thiết kế, tài liệu kỹ thuật được áp dụng cho các công việc của hợp đồng EPC.
2. Quản lý tiến độ thực hiện các công việc phù hợp với tiến độ chung của dự án và hợp đồng EPC đã ký kết.
3. Kiểm tra, quản lý chất lượng, khối lượng các công việc cần thực hiện theo hợp đồng EPC.
4. Quản lý chi phí thực hiện các công việc theo hợp đồng EPC; kiểm soát, thanh toán và điều chỉnh giá hợp đồng EPC.
5. Quản lý an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường;
6. Quản lý điều chỉnh hợp đồng EPC và các nội dung cần thiết khác của hợp đồng EPC.
Điều 6. Quản lý công tác khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng thuộc phạm vi của hợp đồng EPC
1. Công tác khảo sát xây dựng thuộc phạm vi của hợp đồng EPC phải tuân thủ quy định tại Mục 1 Chương IV Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; Chương II Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng (sau đây viết tắt là Nghị định số 46/2015/NĐ-CP); Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; quy định của pháp luật có liên quan.
2. Quản lý công tác thiết kế xây dựng
a) Công việc thiết kế xây dựng thuộc phạm vi của hợp đồng EPC phải tuân thủ các quy định về thiết kế được quy định tại Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; Chương III Nghị định số 46/2015/NĐ-CP; Mục 1 Chương III Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng (sau đây viết tắt là Nghị định số 59/2015/NĐ-CP); Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; quy định của pháp luật có liên quan.
b) Quản lý thẩm định, thẩm tra, phê duyệt và điều chỉnh thiết kế xây dựng:
- Thiết kế do bên nhận thầu lập phải được thẩm định, thẩm tra và phê duyệt theo quy định tại Điều 24, 25 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP và điểm e khoản 2 Điều 32 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.
- Bên nhận thầu có thể lập thiết kế cho từng phần, bộ phận của công trình phù hợp với các giai đoạn kỹ thuật để trình Cơ quan chuyên môn về xây dựng, Người quyết định đầu tư, Chủ đầu tư thẩm định, thẩm tra và phê duyệt theo quy định.
- Nội dung thẩm định thiết kế xây dựng thực hiện theo quy định của Điều 83 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 trừ nội dung quy định tại khoản 7 Điều 83 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung về thẩm định phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình (viết tắt là Thông tư số 18/2016/TT-BXD); quy định của pháp luật có liên quan.
- Việc thẩm định, thẩm tra và phê duyệt thiết kế xây dựng có thể được thực hiện đối với từng phần, bộ phận công trình hoặc toàn bộ công trình, dự án.
Điều 7. Quản lý công tác mua sắm vật tư, thiết bị công nghệ thuộc phạm vi của hợp đồng EPC
1. Trước khi tiến hành mua sắm vật tư, thiết bị công nghệ cho hợp đồng EPC bên nhận thầu phải tiến hành lập các yêu cầu để trình bên giao thầu cho ý kiến chấp thuận trước khi tiến hành mua sắm nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng. Việc chấp thuận của bên giao thầu không làm giảm trách nhiệm của bên nhận thầu đối với việc mua sắm vật tư, thiết bị cho hợp đồng EPC.
2. Bên nhận thầu có thể tiến hành mua sắm trực tiếp hoặc thuê thầu phụ để mua sắm vật tư, thiết bị cho hợp đồng EPC. Trường hợp thuê thầu phụ để mua sắm vật tư, thiết bị, thì nhà thầu phải thỏa thuận và thống nhất với bên giao thầu các yêu cầu đối với nhà thầu phụ cung cấp vật tư, thiết bị trước khi tiến hành lựa chọn nhà thầu phụ nhưng không được làm thay đổi yêu cầu kỹ thuật, xuất xứ, công nghệ trong hợp đồng EPC đã ký.
Điều 8. Quản lý công tác thi công xây dựng công trình thuộc phạm vi của hợp đồng EPC
1. Bên nhận thầu chỉ được tiến hành thi công xây dựng công trình khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP; Nghị định số 59/2015/NĐ-CP; Thông tư số 18/2016/TT-BXD; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; quy định của pháp luật có liên quan, như: phần thiết kế của công trình chuẩn bị thi công đã được thẩm định, thẩm tra và phê duyệt theo đúng quy định; đã có giấy phép xây dựng cho phần công trình chuẩn bị thi công xây dựng, trừ trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật.
2. Việc quản lý công tác thi công xây dựng công trình của hợp đồng phải phù hợp với các quy định tại Chương IV Nghị định số 46/2015/NĐ-CP; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
3. Quản lý công tác lựa chọn nhà thầu phụ: Việc lựa chọn nhà thầu phụ phải đáp ứng yêu cầu tại Điều 47 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.
4. Những nội dung về quản lý công tác thi công xây dựng công trình chưa được quy định trong Thông tư này, các chủ thể căn cứ vào quy định của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP và Thông tư số 09/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình để thực hiện cho phù hợp.
Điều 9. Quản lý tiến độ thực hiện hợp đồng EPC thuộc phạm vi của hợp đồng EPC
Khi ký kết hợp đồng EPC các bên thống nhất tiến độ thực hiện hợp đồng theo đúng quy định tại Điều 14 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, trong đó cần thể hiện các mốc hoàn thành các công việc chính như: mốc hoàn thành các giai đoạn thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, thi công các hạng mục chủ yếu, đảm bảo phù hợp với tiến độ thực hiện trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và tiến độ thực hiện dự án.
Điều 10. Quản lý chất lượng các công việc của hợp đồng thuộc phạm vi của hợp đồng EPC
1. Các công việc, hạng mục, công trình bàn giao phải đảm bảo chất lượng theo quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Điều 13 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP. Bên nhận thầu phải có biện pháp quản lý chất lượng do mình thực hiện và chất lượng công việc do nhà thầu phụ thực hiện.
2. Tất cả các công trình, hạng mục công trình thuộc phạm vi của hợp đồng EPC khi đưa vào sử dụng phải đảm bảo điều kiện theo quy định tại khoản 4 Điều 31 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
Điều 11. Quản lý an toàn, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ thuộc phạm vi của hợp đồng EPC
Khi thực hiện các công việc của hợp đồng EPC, ngoài quy định tại Điều 48 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP các bên còn phải tuân thủ các quy định sau:
1. Bên giao thầu phải kiểm tra giám sát nhà thầu thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động, thực hiện việc bảo vệ môi trường xung quanh, phòng chống cháy nổ theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng EPC đã ký kết và quy định của pháp luật có liên quan.
2. Quản lý an toàn lao động:
a) Tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước về an toàn lao động;
b) Bên nhận thầu phải có trách nhiệm đào tạo, hướng dẫn, phổ biến các quy định về an toàn cho người lao động của mình; Bên nhận thầu có trách nhiệm cấp đầy đủ các trang bị bảo hộ lao động, an toàn cho người lao động và những trang thiết bị cứu hộ cần thiết;
c) Bên nhận thầu phải thường xuyên kiểm tra, có phương pháp kiểm định, thí nghiệm và sửa chữa, kiểm soát các thiết bị bảo vệ, dàn giáo, sàn công tác, kích nâng và thiết bị đi lại, nâng hạ, chiếu sáng và bảo vệ, tiêu chuẩn thay thế các thiết bị này;
d) Đảm bảo có hàng rào, chiếu sáng, bảo vệ và trông nom công trình cho tới khi hoàn thành và bàn giao.
3. Quản lý môi trường:
a) Bên nhận thầu phải thực hiện các biện pháp bảo đảm về môi trường cho người lao động trên công trường và bảo vệ môi trường xung quanh;
b) Các bên có trách nhiệm kiểm tra giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường xây dựng, đồng thời chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Trường hợp bên nhận thầu không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường thì bên giao thầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền tạm ngừng thi công xây dựng và yêu cầu bên nhận thầu thực hiện đúng biện pháp bảo vệ môi trường;
c) Cá nhân, tổ chức để xảy ra các hành vi làm tổn hại đến môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
4. Quản lý phòng chống cháy nổ:
a) Các bên tham gia hợp đồng EPC phải tuân thủ các quy định của nhà nước về phòng chống cháy nổ;
b) Lắp đặt và duy trì hệ thống phòng cháy, chữa cháy để có thể kiểm soát, cảnh báo hoặc dự đoán một cách hợp lý, tránh không để xảy ra các thiệt hại về người và tài sản do cháy;
1. Việc điều chỉnh hợp đồng EPC phải tuân thủ các quy định tại Mục 5 Chương II Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.
2. Ngoài ra, tùy theo đặc điểm, tính chất của từng hợp đồng EPC mà các bên tham gia hợp đồng phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng để quản lý thực hiện hợp đồng EPC cho phù hợp.
Điều 13. Quản lý giá hợp đồng, thanh toán và quyết toán hợp đồng EPC
1. Hình thức giá hợp đồng trọn gói là hình thức cơ bản được áp dụng cho hợp đồng EPC. Trường hợp áp dụng các hình thức giá hợp đồng khác được quy định tại Điều 15 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, Người có thẩm quyền quyết định đầu tư phải căn cứ vào đặc điểm, tính chất và quy mô của từng dự án, gói thầu EPC để lựa chọn hình thức giá hợp đồng cho phù hợp, nhưng phải đáp ứng điều kiện áp dụng các loại giá hợp đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP và chịu trách nhiệm về tính hiệu quả của dự án trước pháp luật.
2. Khi áp dụng hợp đồng trọn gói cần có bảng giá cho các công việc, hạng mục công việc, hạng mục công trình kèm theo hợp đồng EPC để thuận tiện cho việc quản lý điều chỉnh hợp đồng EPC trong quá trình thực hiện.
3. Việc thanh toán hợp đồng EPC phải thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.
4. Việc quyết toán hợp đồng EPC phải thực hiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.
5. Việc điều chỉnh giá hợp đồng EPC phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng.
Điều 14. Quyền và nghĩa vụ của bên giao thầu trong quản lý thực hiện hợp đồng EPC
1. Quyền của bên giao thầu
a) Từ chối nghiệm thu sản phẩm không đạt chất lượng theo hợp đồng; không nghiệm thu những thiết bị công nghệ không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ và các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ;
b) Kiểm tra việc thực hiện các công việc của bên nhận thầu theo nội dung hợp đồng đã ký kết nhưng không được làm cản trở hoạt động bình thường của bên nhận thầu;
c) Tạm dừng việc thực hiện công việc theo hợp đồng và yêu cầu khắc phục hậu quả khi phát hiện bên nhận thầu thực hiện công việc vi phạm các nội dung đã ký kết trong hợp đồng hoặc các quy định của nhà nước;
d) Yêu cầu bên nhận thầu bàn giao các hồ sơ, tài liệu liên quan đến sản phẩm của hợp đồng theo nội dung hợp đồng đã ký kết;
đ) Xem xét, chấp thuận danh sách các nhà thầu phụ đủ điều kiện năng lực chưa có trong hợp đồng EPC theo đề nghị của bên nhận thầu;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ của bên giao thầu
a) Nghiệm thu, thanh toán, quyết toán hợp đồng đúng thời hạn theo quy định;
b) Cử và thông báo bằng văn bản cho bên nhận thầu về nhân lực chính tham gia quản lý và thực hiện hợp đồng;
c) Cung cấp cho bên nhận thầu thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng EPC đã ký;
d) Nghiệm thu, thẩm định, phê duyệt hoặc trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kịp thời thiết kế xây dựng gồm: thuyết minh thiết kế, bản tính, các bản vẽ thiết kế, các tài liệu khảo sát có liên quan, quy trình bảo trì của các công trình, hạng mục công trình theo quy định;
đ) Xin giấy phép xây dựng theo quy định, bàn giao mặt bằng cho bên nhận thầu theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng EPC đã ký;
e) Giám sát việc thực hiện công việc theo nội dung hợp đồng đã ký kết; kiểm tra các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định;
g) Thỏa thuận với bên nhận thầu về hồ sơ mời thầu mua sắm thiết bị công nghệ theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng EPC đã ký;
h) Bảo đảm quyền tác giả đối với các sản phẩm tư vấn theo hợp đồng;
i) Tổ chức đào tạo cán bộ quản lý và công nhân vận hành sử dụng công trình;
k) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thầu trong quản lý thực hiện hợp đồng EPC
1. Quyền của bên nhận thầu
a) Yêu cầu bên giao thầu cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện làm việc liên quan đến công việc theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng EPC đã ký;
b) Được đề xuất với bên giao thầu về những công việc phát sinh ngoài phạm vi hợp đồng; từ chối thực hiện những công việc ngoài phạm vi hợp đồng đã ký kết khi chưa được hai bên thống nhất hoặc những yêu cầu trái pháp luật của bên giao thầu;
c) Tổ chức, quản lý thực hiện các công việc theo nội dung hợp đồng đã ký kết;
d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ của bên nhận thầu
a) Cung cấp đủ nhân lực, vật liệu, máy móc, thiết bị và các phương tiện cần thiết khác để thực hiện các công việc theo hợp đồng;
b) Tiếp nhận, quản lý, bảo quản, bàn giao lại các tài liệu, phương tiện do bên giao thầu cung cấp theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng EPC đã ký;
c) Thông báo cho bên giao thầu về những thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện làm việc không đảm bảo ảnh hưởng đến việc thực hiện công việc theo hợp đồng EPC đã ký;
d) Giữ bí mật các thông tin liên quan đến hợp đồng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật;
đ) Thực hiện công việc theo hợp đồng đảm bảo an toàn, chất lượng, đúng tiến độ và các thỏa thuận khác trong hợp đồng EPC đã ký;
e) Lập thiết kế xây dựng của các hạng mục công trình, công trình chính phù hợp với thiết kế cơ sở hoặc thiết kế FEED được duyệt và trình cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt theo
g) Tổ chức việc mua sắm, chế tạo và cung cấp thiết bị công nghệ đáp ứng yêu cầu và tiến độ thực hiện của hợp đồng; lựa chọn nhà thầu phụ trình bên giao thầu chấp thuận theo đúng hợp đồng EPC đã ký; thỏa thuận và thống nhất với bên giao thầu về nội dung hồ sơ mời thầu mua sắm các thiết bị công nghệ theo đúng hợp đồng EPC đã ký;
h) Tổ chức đào tạo cán bộ quản lý và công nhân vận hành sử dụng công trình, chuyển giao công nghệ và dịch vụ kỹ thuật kèm theo theo đúng hợp đồng EPC đã ký;
i) Thực hiện các công việc thử nghiệm, hiệu chỉnh, vận hành chạy thử đồng bộ công trình và bàn giao công trình hoàn thành cho bên giao thầu theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng và theo quy định của pháp luật hiện hành;
k) Đảm bảo các sản phẩm do mình cung cấp không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật;
l) Bàn giao các hồ sơ, tài liệu liên quan đến sản phẩm của hợp đồng cho bên giao thầu theo nội dung hợp đồng EPC đã ký;
m) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
1. Quyền của tư vấn của bên giao thầu EPC
a) Yêu cầu bên giao thầu cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ tư vấn và phương tiện làm việc theo thỏa thuận trong hợp đồng tư vấn phù hợp với hợp đồng EPC;
b) Được đề xuất thay đổi điều kiện cung cấp dịch vụ tư vấn vì lợi ích của bên giao thầu hoặc khi phát hiện các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm tư vấn;
c) Từ chối thực hiện công việc không hợp lý ngoài phạm vi hợp đồng và những yêu cầu trái pháp luật của bên giao thầu;
d) Được đảm bảo quyền tác giả theo quy định của pháp luật đối với những sản phẩm tư vấn có quyền tác giả;
đ) Trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, được quyền yêu cầu bên nhận thầu thực hiện đúng các nghĩa vụ theo hợp đồng EPC đã ký.
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ của tư vấn của bên giao thầu EPC
a) Hoàn thành công việc đúng tiến độ, chất lượng theo thỏa thuận trong hợp đồng;
b) Bảo quản và giao lại cho bên giao thầu những tài liệu và phương tiện làm việc do bên giao thầu cung cấp theo hợp đồng sau khi hoàn thành công việc theo đúng hợp đồng EPC đã ký;
c) Thông báo ngay bằng văn bản cho bên giao thầu về những thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện làm việc không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc;
d) Giữ bí mật thông tin liên quan đến dịch vụ tư vấn mà hợp đồng hoặc pháp luật có quy định;
đ) Ký xác nhận cho bên nhận thầu các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến công tác quản lý thực hiện hợp đồng EPC thuộc nghĩa vụ của tư vấn theo hợp đồng tư vấn đã ký với bên giao thầu.
e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Quản lý hợp đồng tổng thầu EPC
1. Hợp đồng tổng thầu EPC là hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng.
2. Nội dung quản lý thực hiện hợp đồng tổng thầu EPC như quy định từ Điều 5 đến
3. Quyền và nghĩa vụ của tổng thầu EPC: theo quy định tại
a) Quản lý phạm vi thực hiện các công việc theo mục tiêu của dự án và theo danh mục công việc trong hợp đồng đã ký kết; kiểm tra tính đúng đắn, sự đầy đủ và phù hợp của các tài liệu khảo sát, thiết kế, tài liệu kỹ thuật được áp dụng.
b) Kiểm soát tiến độ thực hiện các công việc phù hợp với tiến độ chung của dự án và hợp đồng tổng thầu EPC đã ký kết.
c) Kiểm soát toàn bộ các phương tiện và biện pháp thi công trong phạm vi công trường của toàn bộ dự án.
d) Bổ sung hoặc thay thế các nhà thầu phụ để đảm bảo chất lượng, giá cả và tiến độ thực hiện các công việc của hợp đồng sau khi được chủ đầu tư chấp thuận;
đ) Quản lý chi phí thực hiện các công việc theo hợp đồng; kiểm soát, thanh toán và điều chỉnh giá hợp đồng theo thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.
e) Tổng thầu EPC có trách nhiệm tổ chức điều hành toàn bộ hoạt động trong phạm vi trong và ngoài công trường nhằm đảm bảo thực hiện hợp đồng tổng thầu EPC một cách an toàn, hiệu quả; Điều phối các nhà thầu phụ về việc sử dụng hợp lý các công trình phụ trợ, các công trình phục vụ thi công để tránh lãng phí; sử dụng, bảo vệ mặt bằng và giữ gìn an ninh trật tự công trường.
g) Chủ động phối hợp với chủ đầu tư trong việc tổ chức đào tạo cán bộ quản lý và công nhân vận hành sử dụng công trình theo hợp đồng đã ký.
4. Chi phí tổng thầu EPC được tính trong giá hợp đồng tổng thầu EPC.
Điều 18. Hướng dẫn áp dụng mẫu hợp đồng EPC công bố kèm theo Thông tư này
1. Mẫu hợp đồng EPC công bố kèm theo Thông tư này bao gồm hai phần:
Phần I. Các căn cứ ký kết hợp đồng
Phần II. Các điều khoản và điều kiện hợp đồng
2. Hướng dẫn áp dụng:
a) Mẫu hợp đồng EPC công bố kèm theo Thông tư này là mẫu hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu; trường hợp bên giao thầu là nhà thầu thì các bên vận dụng mẫu hợp đồng này để thực hiện cho phù hợp.
b) Mẫu hợp đồng EPC công bố kèm theo Thông tư này để các chủ thể tham khảo và vận dụng cho phù hợp vào điều kiện thực tiễn của dự án, công trình và gói thầu EPC. Khi áp dụng mẫu hợp đồng kèm theo Thông tư này, các bên căn cứ quy định của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, hướng dẫn tại Thông tư này và các quy định khác của Nhà nước có liên quan để thỏa thuận trong hợp đồng.
c) Các bên phải thỏa thuận trong hợp đồng các mốc thời gian cụ thể về thời hạn thanh toán, thời gian bảo đảm thực hiện hợp đồng, thời hạn trả lời văn bản, thời gian chấm dứt hợp đồng và các trường hợp tương tự.
d) Nếu phạm vi và yêu cầu công việc của gói thầu cụ thể khác với phạm vi và yêu cầu công việc trong mẫu hợp đồng kèm theo Thông tư này, các bên thỏa thuận điều chỉnh, bổ sung, nhưng phải phù hợp với quy định tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.
đ) Trường hợp các bên thống nhất phạm vi công việc nghiệm thu sản phẩm khác với mẫu hợp đồng kèm theo Thông tư này, thì các bên thỏa thuận điều chỉnh, bổ sung, nhưng phải phù hợp với quy định tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.
e) Trường hợp nhà thầu là nhà thầu liên danh, các bên thỏa thuận trong hợp đồng việc bảo đảm thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tiền tạm ứng theo quy định tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.
g) Các bên thỏa thuận mức tạm ứng phù hợp với yêu cầu của từng loại công việc trong hợp đồng và quy định tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.
h) Các bên thỏa thuận loại đồng tiền và hình thức thanh toán trong hợp đồng nhưng không trái với yêu cầu trong hồ sơ mời thầu và quy định của pháp luật về ngoại hối.
i) Mẫu hợp đồng này áp dụng cho loại hợp đồng trọn gói. Trường hợp áp dụng các loại giá hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá điều chỉnh hoặc kết hợp các loại giá hợp đồng, thì các bên căn cứ vào các quy định của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP và Thông tư này để sửa đổi, bổ sung hợp đồng cho phù hợp.
Điều 19. Xử lý chuyển tiếp và hiệu lực thi hành
1. Xử lý chuyển tiếp
a) Những hợp đồng EPC đã ký trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo các quy định về hợp đồng xây dựng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và các thỏa thuận trong hợp đồng EPC đã ký.
b) Các hợp đồng EPC đang trong quá trình đàm phán, chưa được ký kết nếu có nội dung nào chưa phù hợp với quy định tại Thông tư này thì báo cáo Người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định trên nguyên tắc bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng và không làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
c) Nội dung về hợp đồng EPC trong các hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đã phê duyệt nhưng chưa phát hành nếu có nội dung nào chưa phù hợp với quy định tại Thông tư này thì phải điều chỉnh lại cho phù hợp; trường hợp đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, nếu có thay đổi nội dung liên quan đến hợp đồng cho phù hợp với các quy định của Thông tư này, thì phải thông báo cho tất cả các nhà thầu đã mua hồ sơ dự thầu, hồ sơ yêu cầu biết để điều chỉnh các nội dung của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất cho phù hợp; trường hợp đã đóng thầu thì thực hiện theo quy định tại điểm b khoản này.
2. Những nội dung khác về hợp đồng EPC không hướng dẫn tại Thông tư này, thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, Thông tư số 07/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng, Thông tư số 08/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng tư vấn xây dựng và Thông tư số 09/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng.
3. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2017.
- 1Công văn 188/BXD-KTXD hướng dẫn hợp đồng xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành
- 2Công văn 610/BXD-KTXD về hướng dẫn Hợp đồng thi công xây dựng công trình do Bộ Xây dựng ban hành
- 3Công văn 915a/VPCP-QHQT năm 2016 kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn hợp đồng EPC do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Thông tư 02/2023/TT-BXD hướng dẫn nội dung về hợp đồng xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 5Quyết định 91/QĐ-BXD năm 2024 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng năm 2023
- 6Quyết định 321/QĐ-BXD năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023
- 1Thông tư 02/2023/TT-BXD hướng dẫn nội dung về hợp đồng xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 2Quyết định 91/QĐ-BXD năm 2024 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng năm 2023
- 3Quyết định 321/QĐ-BXD năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023
- 1Công văn 188/BXD-KTXD hướng dẫn hợp đồng xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành
- 2Công văn 610/BXD-KTXD về hướng dẫn Hợp đồng thi công xây dựng công trình do Bộ Xây dựng ban hành
- 3Nghị định 62/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng
- 4Luật Xây dựng 2014
- 5Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng
- 6Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng
- 7Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng
- 8Thông tư 07/2016/TT-BXD hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 9Thông tư 18/2016/TT-BXD hướng dẫn về thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 10Công văn 915a/VPCP-QHQT năm 2016 kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn hợp đồng EPC do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 11Thông tư 08/2016/TT-BXD hướng dẫn về hợp đồng tư vấn xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 12Thông tư 09/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
Thông tư 30/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- Số hiệu: 30/2016/TT-BXD
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 30/12/2016
- Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
- Người ký: Bùi Phạm Khánh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 137 đến số 138
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra