Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3-LĐTBXH/TT

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 1987

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO D0ỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 3-LĐTBXH/TT NGÀY 15-6-1987 HƯỚNG DẪN VỀ TRỢ CẤP KHÓ KHĂN CHO CÔNG NHÂN,VIÊN CHỨC KHU VỰC HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG THƯƠNG BINH - XÃ HỘI

Thi hành Quyết định số 179-CT, Quyết định số 180-CT ngày 30-5-1987 và Quyết định số 194-CT ngày 12-6-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn cụ thể về trợ cấp khó khăn cho công nhân, viên chức khu vực hành chính sự nghiệp và các đối tượng thương binh - xã hội như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC TRỢ CẤP KHÓ KHĂN

Đối tượng được hưởng trợ cấp khó khăn gồm:

1. Công nhân, viên chức đang làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể, hội quần chúng, các đơn vị sự nghiệp như trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, v.v.. nguồn chi trả lương do ngân sách Trung ương hoặc địa phương cấp phát, bao gồm:

- Công nhân, viên chức thuộc lực lượng thường xuyên bao gồm cả quân nhân chuyển ngành đang được bảo lưu lương hoặc sinh hoạt phí quân đội, học sinh tốt nghiệp ra trường đang hưởng chế độ tập sự.

- Công nhân, viên chức đi công tác, học tập, đi tham quan hoặc đi chữa bệnh ở nước ngoài, mà tiền lương hoặc sinh hoạt phí vẫn do cơ quan chi trả.

- Công nhân, viên chức Nhà nước công tác ở Lào và Cam-pu-chia do các ban lãnh đạo chuyên gia hoặc do cơ quan, đơn vị cũ trả lương.

- Cán bộ, nhân viên đang hưởng lương được biệt phái về làm việc ở xã, phường.

- Lao động hợp đồng hưởng lương theo thang lương, bảng lương của Nhà nước (trừ lao động tạm thời hưởng tiền công theo vụ, theo việc hoặc nhận làm khoán theo khối lượng, khoán công việc theo đơn giá tiền công thoả thuận).

2. Công nhân, viên chức đang đi học và học sinh đang học tại các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, các trường dạy nghề (kể cả chuyên tu và tại chức) không phân biệt nguồn kinh phí chi trả lương hoặc sinh hoạt phí.

3. Cán bộ phường, xã hưởng chế độ phụ cấp theo định suất.

4. Các đối tượng chính sách thương binh - xã hội đang hưởng lương hưu, trợ cấp hoặc sinh hoạt phí hàng tháng, bao gồm:

- Công nhân, viên chức và quân nhân hưởng lương hưu.

- Cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 ở phường, xã không có lương, đang hưởng sinh hoạt phí hàng tháng.

- Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh (bao gồm thương binh đã về gia đình, đang ở các cơ sở an dưỡng, điều dưỡng và đang công tác), thanh niên xung phong bị thương trong khi làm nhiệm vụ, dân quân tự vệ bị thương trong tập luyện quân sự.

- Bệnh binh

- Công nhân, viên chức nghỉ việc vì mất sức lao động (bao gồm cả người về nghỉ do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp).

- Người có công giúp đỡ cách mạng.

- Thân nhân của liệt sĩ, của công nhân viên chức và quân nhân từ trần.

- Công nhân các công trường cao su nghỉ việc vì hết tuổi lao động đang hưởng trợ cấp theo Thông tư số 1-TT/LB ngày 10-1-1987 của Liên Bộ Tài chính - Thương binh và xã hội.

- Người già cô đơn, người tàn tật, người mắc bệnh tâm thần, trẻ mồ côi không có người thân nuôi dưỡng, đang sống ở các nơi tập trung do ngành thương binh xã hội quản lý.

II. MỨC TRỢ CẤP KHÓ KHĂN

1. Đối với các đối tượng ở điểm 1, mục I, mức trợ cấp bằng 100% trên mức lương cấp bậc, chức vụ hoặc phần tiền lương để lại cho gia đình. Đối với đối tượng ở điểm 2, mục I, mức trợ cấp bằng 100% trên mức sinh hoạt phí hoặc học bổng; đối với đối tượng ở điểm 3, mục I, mức trợ cấp bằng 100% trên mức phụ cấp định suất; đối với đối tượng ở điểm 4, mục I, mức trợ cấp bằng 100% trên mức lương hưu, trợ cấp hoặc sinh hoạt phí.

2. Ở một số nơi trọng điểm được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định cho tính thêm phụ cấp chênh lệch giá thì mức trợ cấp trên được cộng thêm phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt theo vùng.

III. TRỢ CẤP CHO MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG THƯƠNG BINH XÃ HỘI ĐỦ MUA MỘT SỐ MẶT HÀNG

Ngoài trợ cấp khó khăn cho các đối tượng như trên, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã quy định đối với những người hưởng trợ cấp thương binh xã hội hàng tháng đang sống ở thành phố, thị xã, ở cơ sở không sản xuất nông nghiệp và những người đang ở các cơ sở nuôi dưỡng do cơ quan Lao động - Thương binh và xã hội quản lý nhưng không được mua lương thực và chất đốt theo định lượng và giá ổn định của Nhà nước, thì được nâng mức trợ cấp bằng tiền đủ mua được 10 kilôgam lương thực với 10 kilôgam chất đốt theo giá kinh doanh thương nghiệp ở địa phương.

Nay hướng dẫn rõ như sau:

1. Đối tượng được trợ cấp thêm gồm:

a) Người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng; thân nhân liệt sĩ và của cán bộ từ trần đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng; thương binh hạng 3, hạng 4 và bệnh binh hạng 3 về gia đình, đang sống ở thành phố, thị xã và cơ sở không sản xuất nông nghiệp (thành phố, thị xã ở đây là địa bàn nội thành, nội thị - nơi không sản xuất nông nghiệp; cơ sở không sản xuất nông nghiệp như chuyên đánh cá, làm muối, làm nghề thủ công, không thuộc sự quản lý và phân phối lương thực của hợp tác xã nông nghiệp).

b) Người có công giúp đỡ cách mạng, cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 ở phường, xã, thân nhân của liệt sĩ và của cán bộ từ trần, đang hưởng sinh hoạt phí nuôi dưỡng hàng tháng và sống ở gia đình, phường, xã hoặc do cơ quan, đơn vị nhận nuôi dưỡng.

c) Những người đang ở các cơ sở nuôi dưỡng tập trung do ngành thương binh xã hội quản lý, gồm người có công giúp đỡ cách mạng; thân nhân của liệt sĩ và của cán bộ từ trần, người già cô đơn, người tàn tật, người mắc bệnh tâm thần và trẻ mồ côi, thương binh hạng 3, hạng 4 và bệnh binh hạng 3 tạm thời ở trạm trại thương binh.

2. Mức trợ cấp và cách giải quyết trợ cấp.

Những đối tượng trên được trợ cấp thêm để cộng với trợ cấp đang hưởng (bao gồm trợ cấp hoặc sinh hoạt phí và các khoản phụ cấp chênh lệch giá, phụ cấp khu vực nếu có, cộng với trợ cấp khó khăn nói ở mục II trên) bảo đảm đủ mua được 10 kilôgam lương thực và 10 kilôgam chất đốt (quy củi hoặc than quả bàng) theo giá kinh doanh thương nghiệp ở địa phương.

ở những địa phương mà những đối tượng nói trên đã được mua lương thực và chất đốt với giá ổn định theo Quyết định số 42a thì không hưởng khoản trợ cấp thêm này nữa.

Riêng đối với người mắc bệnh tâm thần sống ở cơ sở tập trung thì vẫn tiếp tục được bảo đảm 16 kilôgam lương thực theo quy định tại Thông tư số 6-TBXH ngày 17-3-1978 của Bộ Thương binh và xã hội.

Đối với những người thuộc diện cứu tế xã hội thường xuyên do ngân sách địa phương đài thọ, thì Sở Thương binh và xã hội báo cáo với Uỷ ban Nhân dân để xem xét quyết định cụ thể.

IV. MẤY ĐIỂM CẦN CHÚ Ý KHI THỰC HIỆN

Khi thực hiện Quyết định này, các địa phương cần chú ý mấy điểm sau đây:

- Phải làm tốt công tác tư tưởng làm cho mọi người hiểu rõ hơn tình hình khó khăn chung và khả năng rất có hạn của Nhà nước, sự quan tâm, cố gắng của Đảng và Nhà nước đối với đời sống của cán bộ và đối tượng chính sách, từ đó phát huy thêm tinh thần tự lực, góp phần giải quyết khó khăn. Cần làm cho mọi người thấy đây là biện pháp có tính chất cấp bách, tạm thời, chỉ là trợ cấp khó khăn trong khả năng cho phép không phải là sự bổ sung, sửa đổi chính sách. Cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp phải đề cao trách nhiệm, tổ chức thực hiện việc trợ cấp thật khẩn trương, bảo đảm cho các đối tượng được hưởng đúng quyết định một cách nhanh chóng, thuận tiện.

- Nguồn kinh phí trợ cấp khó khăn cho các đối tượng chính sách thương binh xã hội do Sở Tài chính địa phương tính toán cân đối theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

- Cùng với việc thực hiện trợ cấp, phải tiếp tục có những biện pháp thích hợp khác nhằm góp phần giảm bớt khó khăn, dần dần ổn định đời sống cho công nhân viên chức và các đối tượng chính sách như bảo đảm tổ chức cung ứng các mặt hàng theo định lượng, phát lương và trợ cấp đúng kỳ hạn, khuyến khích và giúp đỡ phát triển kinh tế gia đình, ưu tiên những điều kiện thuận lợi hơn trong việc nhận khoán sản phẩm, sắp xếp việc làm, v.v... và đẩy mạnh phong trào nhân dân chăm sóc các đối tượng chính sách, nhất là đối với những người có công, người có nhiều khó khăn một cách thiết thực, v.v..

- Thông tư này có hiệu lực thi hành trong tháng 5 và tháng 6 năm 1987.

- Trong khi thực hiện nếu có khó khăn mắc mứu gì, đề nghị các cấp, các ngành phản ánh để Bộ Lao động - Thương binh và xã hội nghiên cứu giải quyết.

Nguyễn Kỳ Cẩm

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 3-LĐTBXH/TT 1987 hướng dẫn về trợ cấp khó khăn cho công nhân, viên chức khu vực hành chính sự nghiệp và các đối tượng thương binh - xã hội do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 3-LĐTBXH/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/06/1987
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Kỳ Cẩm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 23
  • Ngày hiệu lực: 01/05/1987
  • Ngày hết hiệu lực: 01/05/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản