Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
-----------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 29/2007/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2007

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG, BẢO ĐẢM ĐO LƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH XĂNG ĐỘNG CƠ, DẦU ĐIÊZEN THEO QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 55/2007/NĐ-CP NGÀY 06/4/2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KINH DOANH XĂNG DẦU

Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 06/4/2007 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn điều kiện bảo đảm chất lượng, bảo đảm đo lường đối với hoạt động kinh doanh xăng động cơ và dầu điêzen như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn điều kiện bảo đảm chất lượng, bảo đảm đo lường đối với hoạt động kinh doanh xăng động cơ, dầu điêzen (dưới đây viết tắt là xăng dầu).

2. Đối tượng áp dụng

a) Thông tư này áp dụng đối với doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, chế biến, phân phối, bán lẻ xăng dầu tại thị trường trong nước.

b) Thông tư này không áp dụng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, chế biến xăng dầu chuyên dùng cho nhu cầu riêng của mình, không lưu thông trên thị trường và các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, pha chế xăng, dầu dùng cho máy bay.

3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) Kinh doanh xăng dầu là các hoạt động nhập khẩu, sản xuất, chế biến, phân phối, bán lẻ xăng dầu tại thị trường trong nước.

b) Sản xuất, chế biến xăng dầu là quá trình lọc dầu, chuyển hoá dầu thô và các nguyên liệu khác thành sản phẩm xăng dầu.

c) Cơ sở kinh doanh xăng dầu là nơi thực hiện việc nhập khẩu, sản xuất, chế biến, phân phối, giao nhận, bán lẻ xăng dầu, bao gồm nhà nhập khẩu, nhà sản xuất, chế biến xăng dầu, nhà phân phối (tổng đại lý, đại lý), nhà bán lẻ (cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu) gọi chung là doanh nghiệp.

II. ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG, BẢO ĐẢM ĐO LƯỜNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHẬP KHẨU XĂNG DẦU

1. Điều kiện bảo đảm chất lượng

a) Doanh nghiệp phải bảo đảm xăng dầu nhập khẩu có chất lượng phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng và nhiên liệu điêzen QCVN1:2007/BKHCN (sau đây viết tắt là QCVN 1:2007/BKHCN) .

Quy chuẩn này được soát xét, bổ sung sửa đổi định kỳ theo yêu cầu quản lý nhà nước.

b) Xăng dầu nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng trước khi làm thủ tục thông quan. Nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng xăng dầu nhập khẩu được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Khoa học và Công nghệ.

c) Xăng dầu nhập khẩu đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định tại điểm a khoản 1 Mục này mới được phép đưa vào lưu thông trên thị trường.

d) Xăng dầu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định được xử lý theo một trong hai hình thức tái chế hoặc tái xuất.

Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm yêu cầu quản lý chất lượng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc tái chế hoặc tái xuất đối với xăng dầu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận chất lượng xăng dầu sau khi được tái chế đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Mục này của cơ quan kiểm tra theo quy định của pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ra thông báo xác nhận chất lượng cho lô hàng.

đ) Doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu không đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định bị xử phạt theo Điều 21 Nghị định 126/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2005 của Chính phủ được sửa đổi bổ sung tại Điều 1 Nghị định số 95/2007/NĐ-CP ngày 04/6/2007 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

e) Doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu phải công bố tiêu chuẩn áp dụng theo TCVN 6776: 2005 đối với xăng và TCVN 5689: 2005 đối với nhiên liệu điêzen và cung cấp tiêu chuẩn công bố áp dụng cho nhà phân phối, bán lẻ.

2. Điều kiện bảo đảm đo lường

Các phương tiện đo sử dụng trong giao nhận xăng dầu phải được kiểm định theo quy định hiện hành và đang còn trong thời hạn hiệu lực kiểm định.

III. ĐIỀU KIỆN VÀ TRÁCH NHIỆM BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG, BẢO ĐẢM ĐO LƯỜNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN XĂNG DẦU

1. Doanh nghiệp sản xuất, chế biến xăng dầu phải có phòng thử nghiệm và đo lường đáp ứng những điều kiện sau:

a) Về năng lực thử nghiệm:

- Giai đoạn từ nay đến ngày 31/12/2010: có đủ trang thiết bị cần thiết và phù hợp để kiểm tra, thử nghiệm, đánh giá các chỉ tiêu chất lượng của xăng dầu thành phẩm quy định tại điểm a khoản 1 Mục II của Thông tư này và theo các phương pháp thử tương ứng quy định tại QCVN 1:2007/BKHCN.

Trong trường hợp chưa đủ trang thiết bị cần thiết để thử nghiệm hết các chỉ tiêu chất lượng, được phép sử dụng phòng thử nghiệm bên ngoài để thử các chỉ tiêu còn lại và phải được thể hiện bằng hợp đồng cung cấp dịch vụ thử nghiệm. ưu tiên sử dụng các phòng thử nghiệm được công nhận.

- Giai đoạn sau năm 2010: có đủ các trang thiết bị thử nghiệm để kiểm tra tất cả các chỉ tiêu chất lượng của xăng dầu thành phẩm quy định tại điểm a khoản 1 Mục II của Thông tư này và theo các phương pháp thử tương ứng quy định tại QCVN 1:2007/BKHCN.

b) Các thiết bị thử nghiệm, đo lường phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo yêu cầu của quy trình công nghệ trong sản xuất, chế biến.

c) Có đủ các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế và các tài liệu kỹ thuật, quy trình kiểm tra, quy trình thử nghiệm tương ứng với từng loại xăng dầu sản xuất, chế biến.

d) Có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân vận hành quy trình sản xuất, chế biến xăng, dầu đã được đào tạo chuyên môn phù hợp với từng vị trí công tác.

Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng phòng thử nghiệm xăng dầu theo chuẩn mực quốc tế và được công nhận theo tiêu chuẩn TCVN ISO 17025:2005.

2. Trách nhiệm của doanh nghiệp

a) Doanh nghiệp sản xuất, chế biến xăng dầu phải xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2000 hoặc hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành dầu khí ISO /TS 29001:2003 - Công nghiệp dầu mỏ, hoá dầu và khí thiên nhiên - Hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành - Các yêu cầu đối với tổ chức cung cấp sản phẩm và dịch vụ.

b) Doanh nghiệp sản xuất, chế biến xăng dầu phải thực hiện chứng nhận sản phẩm phù hợp với quy định tại Mục 2 QCVN 1:2007/BKHCN; công bố tiêu chuẩn áp dụng theo TCVN 6776: 2005 đối với xăng và TCVN 5689: 2005 đối với nhiên liệu điêzen và cung cấp tiêu chuẩn công bố áp dụng cho nhà phân phối, bán lẻ.

c) Doanh nghiệp phải thực hiện kiểm tra chất lượng đối với từng lô xăng dầu thành phẩm và chỉ đưa ra lưu thông các lô xăng, dầu đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định tại điểm a khoản 1 Mục II của Thông tư này. Kết quả kiểm tra thử nghiệm của từng lô hàng phải được cấp cho nhà phân phối, bán lẻ và lưu trữ, xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

d) Các chất phụ gia nhập khẩu để sản xuất, chế biến xăng dầu phải bảo đảm các quy định về an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người, môi trường và quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

3. Đối với doanh nghiệp mới bắt đầu đi vào sản xuất, chế biến, trước khi đưa ra lưu thông lần đầu, xăng dầu thành phẩm phải được kiểm tra và cấp xác nhận đạt chất lượng. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện việc kiểm tra.

Nội dung kiểm tra bao gồmN:

a) Kiểm tra chất lượng xăng dầu thành phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường theo quy định tại điểm a khoản 1 Mục II của Thông tư này;

b) Kiểm tra việc thực hiện các quy định của Pháp lệnh Đo lường đối với các phương tiện đo dùng trong giao nhận;

c) Kiểm tra năng lực phòng thử nghiệm;

d) Kiểm tra việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng.

IV. ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG, BẢO ĐẢM ĐO LƯỜNG ĐỐI VỚI NHÀ PHÂN PHỐI (TỔNG ĐẠI LÝ, ĐẠI LÝ) XĂNG DẦU

1. Điều kiện về cán bộ nhân viên và trang thiết bị.

a) Có đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành quy trình, tiếp nhận, bảo quản xăng, dầu đã được đào tạo chuyên môn phù hợp với từng vị trí công tác.

b) Cán bộ nhân viên phải được đào tạo và được cấp giấy chứng nhận về nghiệp vụ bảo quản thiết bị đo lường, chất lượng xăng dầu do Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức.

Đối với cán bộ nhân viên đã được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận về nghiệp vụ bảo quản thiết bị đo lường, chất lượng xăng dầu trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành không cần phải đào tạo lại.

c) Các phương tiện đo sử dụng trong giao nhận xăng dầu phải được kiểm định theo quy định hiện hành và đang còn trong thời hạn hiệu lực kiểm định.

d) Có đủ bồn chứa, bể chứa cho từng chủng loại xăng, dầu.

2. Trách nhiệm:

a) Yêu cầu nhà nhập khẩu, sản xuất cung cấp tên, chủng loại xăng dầu và tiêu chuẩn công bố áp dụng cho từng lô hàng. Hồ sơ hàng hoá phải được lưu trữ, sao chụp để chuyển giao cho các nhà bán lẻ (cửa hàng, trạm phân phối xăng dầu).

b) Không được làm thay đổi chất lượng xăng dầu, không được cung cấp xăng dầu không đúng về chủng loại, chất lượng và số lượng trong quá trình kinh doanh.

c) Chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu trong quá trình tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển theo hợp đồng.

V. ĐIỀU KIỆN VÀ TRÁCH NHIỆM BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG, BẢO ĐẢM ĐO LƯỜNG ĐỐI VỚI NHÀ BÁN LẺ (CỬA HÀNG, TRẠM BÁN LẺ XĂNG DẦU)

1. Điều kiện về thiết kế xây dựng, trang thiết bị.

a) Được xây dựng theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Được thiết kế, xây dựng theo quy định tại TCVN 4530:1998.

c) Có đủ phương tiện đo trong giao nhận, bán lẻ, các phương tiện đo được kiểm định theo quy định và đang còn trong thời hạn hiệu lực; thực hiện quy định về đo lường đối với các phép đo trong thương mại bán lẻ theo quy định hiện hành.

d) Hệ thống công nghệ sử dụng phương tiện đo trong bán lẻ xăng dầu phải được đánh giá đạt yêu cầu về kỹ thuật đo lường.

đ) Có đủ bồn chứa, bể chứa cho từng chủng loại xăng, dầu.

e) Có đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy.

2. Điều kiện về cán bộ nhân viên

a) Có đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân đã được đào tạo chuyên môn phù hợp với từng vị trí công tác.

b) Phải được đào tạo và được cấp giấy chứng nhận về nghiệp vụ bảo quản thiết bị đo lường, chất lượng xăng dầu do Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức.

Đối với cán bộ nhân viên đã được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận về nghiệp vụ bảo quản thiết bị đo lường, chất lượng xăng dầu trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành không cần phải đào tạo lại.

c) Phải được đào tạo về phòng cháy, chữa cháy.

3. Trách nhiệm

a) Cung cấp cho người tiêu dùng xăng, dầu đúng định lượng, số lượng, chủng loại với chất lượng được cung cấp từ nhà phân phối.

b) Thông báo công khai ở vị trí dễ nhận biết cho người tiêu dùng các thông tin về: tên, chủng loại xăng dầu; đối với dầu điêzen cần nêu thêm mục đích sử dụng cho từng loại dầu.

c) Yêu cầu nhà phân phối cung cấp tên, chủng loại xăng dầu và tiêu chuẩn áp dụng tương ứng đối với từng loại xăng dầu.

d) Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp và tính đúng đắn của các phương tiện đo được trang bị. Các thiết bị đo lường phải được kiểm định định kỳ, bảo quản, sử dụng theo quy định và phải bảo đảm tính nguyên vẹn của niêm phong sau khi kiểm định. Chỉ những thiết bị đo bảo đảm yêu cầu kiểm định mới được đưa vào sử dụng.

VI. THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM VỀ CHẤT LƯỢNG VÀ ĐO LƯỜNG TRONG KINH DOANH XĂNG DẦU

1. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm chất lượng, bảo đảm đo lường tại các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối, sản xuất, chế biến xăng dầu theo quy định tại Thông tư này.

2. Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về chất lượng và điều kiện bảo đảm chất lượng, bảo đảm đo lường tại các cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Thông tư này.

3. Doanh nghiệp, cán bộ nhân viên kinh doanh xăng dầu vi phạm các quy định tại Thông tư này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Cán bộ công chức trong khi thi hành công vụ vi phạm các quy định tại Thông tư này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý chất lượng, quản lý đo lường đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn thực hiện Thông tư này;

b) Định kỳ báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ tình hình quản lý chất lượng, quản lý đo lường đối với xăng dầu nhập khẩu, sản xuất trong nước và lưu thông trên thị trường.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét, quyết định. /.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng CP (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP (để phối hợp);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để phối hợp);
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Lưu VT, PC, TĐC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Thắng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 29/2007/TT-BKHCN hướng dẫn điều kiện bảo đảm chất lượng, bảo đảm đo lường đối với hoạt động kinh doanh xăng động cơ, dầu điêzen theo Nghị định 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 29/2007/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/12/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Người ký: Trần Quốc Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 9 đến số 10
  • Ngày hiệu lực: 21/01/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 13/09/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản