Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 284-LĐ/BH

Hà Nội, ngày 13 tháng 09 năm 1967

THÔNG TƯ

VỀ KỸ THUẬT AN TOÀN VÀ BẢO HỘ LAO ĐỘNG Ở CÁC XÍ NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

-Các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố;
-Các Sở, Ty, Phòng Lao động;
-Các Bộ, Tổng cục quản lý sản xuất.

Thực hiện chủ trương chuyển hướng phát triển kinh tế trong thời chiến, công nghiệp địa phương hiện đang phát triển mạnh. Ngoài các xí nghiệp cũ được mở rộng, các xí nghiệp mới kỹ thuật sản xuất phức tạp được xây dựng ngày một nhiều. Nhưng nhược điểm của công nghiệp địa phương là trình độ quản lý xí nghiệp, trình độ am hiểu về kỹ thuật sản xuất và kỹ thuật an toàn của cán bộ, công nhân còn thấp, khả năng về vật tư thiết bị và tiền vốn có hạn. Mặt khác, địch đang tăng cường chiến tranh phá hoại, các cơ sở sản xuất phải sơ tán, phân tán, điều kiện làm việc và ăn ở của công nhân có nhiều khó khăn. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ, bồi dưỡng sức khỏe cho công nhân, cán bộ ở các xí nghiệp địa phương, nhằm tạo điều kiện tái sản xuất sức lao động, nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy sản xuất phát triển trong lúc này có ý nghĩa rất quan trọng.

Để đẩy mạnh công tác bảo hộ lao động trong công nhiệp địa phương lên một bước mới, tiếp theo chỉ thị số 87-LĐ/CT ngày 02-11-1966 về công tác lao động tiền lương và bảo hộ lao động trong công nghiệp địa phương và căn cứ vào tình hình thực tế qua kiểm tra một số xí nghiệp, Bộ Lao động hướng dẫn dưới đây phương hướng giải quyết về các mặt kỹ thuật an toàn và chăm lo, bồi dưỡng sức khỏe cho công nhân, cán bộtrong công nghiệp địa phương.

I. CÔNG TÁC AN TOÀN LAO ĐỘNG

1. Khi xây dựng mới hay di chuyển, sơ tán các xí nghiệp, phải có thiết kế đảm bảo các điều kiện sản xuất và sinh hoạt của công nhân được an toàn và vệ sinh.

Muốn vậy phải chú ý ngay từ khi chọn địa điểm, bố trí mặt bằng xí nghiệp đến việc lắp đặt máy:

- Về chọn địa điểm, bố trí mặt bằng xí nghiệp phải đảm bảo các điều kiện an toàn phòng không và thực hiện tốt nhất các tiêu chuẩn về kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp. Phải tùy theo tính chất quan trọng và điều kiện từng nơi mà lựa chọn địa điểm, bố trí mặt bằng xí nghiệp. Xí nghiệp xây dựng ở đồng bằng phải bố trí phân tán các bộ phận sản xuất thành nhiều nhóm nhỏ, tránh tập trung. Xí nghiệp bố trí trong núi phải chọn những nơi có cấu trúc đã ổn định, vững chắc, thuận lợi cho việc cải tạo và tổ chức thông gió. Diện tích địa điểm phải đủ để bố trí các bộ phận sản xuất, máy móc thiết bị, tránh tình trạng quá chật chội, công nhân đi lại thao tác gò bó. Phải bố trí một cách hợp lý các bộ phận sản xuất, tránh tiện đâu đặt đó. Những bộ phận sản xuất dễ cháy, nổ hoặc trong quá trình sản xuất phát sinh nhiều bụi, khí độc cần bố trí ở cuối hướng gió, xa các phân xưởng khác. Những bộ phận đông người bố trí ở địa điểm có nhiều điều kiện thuận lợi về phòng không;

- Về xây dựng nhà xưởng, nơi có điều kiện thì xây bằng gạch, nếu không thì làm bằng tre, nứa nhưng phảiđảm bảo chắc chắn, đủ sức chịu đựng khi máy làm việc hoặc khi có mưa bão. Những bộ phận dễ cháy thì mái nhà cần lợp bằng ngói hoặc tôn. Phải chú ý lợi dụng ánh sáng, thông gió tự nhiên. Khi xây dựng nền móng phải làm ngay các công trình tiếp đất cho các máy móc thiết bị, bố trí các đường dây dẫn điện vào các máy, đường ống dẫn nước, dẫn hơi… hợp lý để đảm bảo sau này công nhân làm việc được thuận tiện và an toàn. Những xí nghiệp dựa vào nhà cũ để đặt máy, phải kiểm tra cẩn thận nền móng, tránh đặt máy ở những nền móng không bảo đảm tiêu chuẩn làm máy bị rung động mạnh không làm việc được, hoặc có thể gây ra đổ máy, đổ nhà.

2. Phải chú ý đảm bảo an toàn cho công nhân khi sử dụng máy

Những máy tự trang tự chế phải được kiểm tra, nghiệm thu bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật an toàn mới được đưa vào sản xuất. Phải bao che các bộ phận truyền động của máy; nếu không có sắt thép thì có thể làm bằng gỗ, tre, cốt sao chắc chắn, ngăn người không thể tiếp xúc với các bộ phận máy bên trong khi máy đang làm việc; những chỗ cần mở ra điều chỉnh luôn thì làm bản lề để đóng mở được dễ dàng thuận tiện cho việc sử dụng và để tránh khi mở ra rồi không lắp lại để thất lạc.

Phải làm đủ thiết bị an toàn ở những máy hay xảy ra tai nạn lao động như máy cưa đĩa, đột dập, đá mài, thiết bị chịu áp lực, v.v…Việc làm thiết bị an toàn ở các máy, tùy theo khả năng và điều kiện sản xuất của từng nơi mà làm cho thích hợp, như ở máy đột dập đối với các cơ sở có cán bộ kỹ thuật có khả năng nghiên cứu, chế tạo thì có thể làm thiết bị tự động đưa phôi vào máy vừa đảm bảo an toàn vừa nâng cao năng suất lao động, nếu không thì có thể dùng cặp phôi đưa vào máy tránh tay công nhân trực tiếp đưa vào vùng nguy hiểm. Việc làm thiết bị an toàn này, chủ yếu do các xí nghiệp làm là chính vì có nhiều trường hợp phải căn cứ vào điều kiện sản xuất cụ thể để làm mới phù hợp; nhưng hiện nay nhiều xí nghiệp địa phương thiếu cán bộ kỹ thuật, khả năng tự chế tạo gặp nhiều khó khăn nên các ngành có liên quan ở địa phương cần có biện pháp hướng dẫn, giúp đỡ thiết thực bằng cách giao cho bộ phận kỹ thuật của các cơ quan quản lý sản xuất hoặc các xí nghiệp có khả năng nghiên cứu các kiểu mẫu thiết bị an toàn chế tạo dùng thử, rồi tổ chức phổ biến, hướng dẫn cho các xí nghiệp khác áp dụng; đối với những thiết bị an toàn tương đốitốt, nhiều xí nghiệp dùng được nên giao cho một nơi sản suất chung.

3. Thực hiện phương châm chuyển hướng kinh tế của Đảng và Chính phủ cho phù hợp với hoàn cảnh thời chiến, đồng thời tăng cường thành phần kinh tế địa phương, một số xí nghiệp của trung ương đã và sẽ giao về cho các địa phương quản lý. Để giúp các địa phương quản lý tốt các cơ sở này, đảm bảo điều kiện làm việc của công nhân được bình thường không bị xáo trộn, đề nghị các ngành quản lý sản xuất ở trung ương, khi chuyển giao máy móc thiết bị sản xuất cho địa phương phải đồng thời giao đầy đủ các thiết bị an toàn, thiết bị vệ sinh đã có, tránh tình trạng có xí nghiệp của trung ương khi bàn giao đã không giao đủ các thiết bị nói trên, giữ lại cất trong kho, trong khi đó cơ sở sản xuất mới không có mà dùng, gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe cho công nhân. Mặc khác, các ngành quản lý sản xuất ở địa phương khi nhận máy móc thiết bị của các xí nghiệp trung ương chuyển giao phải xem xét kỹ, nếu thấy không đủ các thiết bị an toàn kèm theo cần yêu cầu giao cho đủ, và hướng dẫn đôn đốc các xí nghiệp sử dụng bảo quản tốt các thiết bị đó, tránh tình trạng có thiết bị an toàn nhưng không sử dụng hoặc chỉ biết sử dụng không chú ý thường xuyên xem xét tu sửa để mau hỏng và để tránh khi tháo máy ra sửa chữa hoặc đưa đi phân tán, sơ tán không chú ý giữ gìn để mất mát.

4. Các xí nghiệp cơ khí địa phương đã và đang được giao sản xuất nhiều loại máy để trang bị cho các cơ sở sản xuất của các ngành ở địa phương và phục vụ cho nông nghiệp. Để nghiêm chỉnh thực hiện đúng theo quy định trong điều 7 của điều lệ bảo hộ lao động do Hội đồng Chính phủ ban hành kèm theo nghị định số 181-CP ngày 18-12-1964 “Khi thiết kế chế tạo máy móc, cơ quan thiết kế hay nhà máy chế tạo phải đồng thời nghiên cứu thiết kế chế tạo các thiết bị cần thiết về an toàn lao động”, các ngành trực tiếp quản lý các xí nghiệp sản xuất máy phải có chế độ xét duyệt thiết kế chặt chẽ, đôn đốc các xí nghiệp chế tạo đầy đủ các thiết bị an toàn, đảm bảo máy có đủ thiết bị an toàn mới giao cho các cơ sở sản xuất sử dụng.

5. Công nghiệp địa phương phát triển mạnh, công nhân mới ngày càng tăng, đi đôi với việc đào tạo, nâng cao trình độ nghề nghiệp của công nhân phải chú trọng tổ chức huấn luyện về kỹ thuật an toàn mới có thể đảm bảo cho công nhân sử dụng máy móc được tốt, an toàn và có năng suất cao. Chương trình giảng dạy của các trường lớp đào tạo công nhân của các ngành và các xí nghiệp phải có phần dành cho việc giảng dạy kỹ về các quy phạm, quy trình kỹ thuật an toàn có liên quan. Ngoài việc huấn luyện về lý thuyết phải tổ chức hướng dẫn kèm cặp trong thực tế sản xuất, chú trọng cả tư thế đứng hoặc ngồi làm việc được an toàn, và sau khi công nhân học xong phải có kiểm tra, sát hạch nếu đạt yêu cầu mới bố trí làm việc.

6. Cần quản lý chặt chẽ các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành có liên quan đến an toàn lao động, nhất là đối với lực lượng lao động làm khoán ở địa phương, tránh tình trạng sửa đổi tùy tiện như trong việc sử dụng thuốc nổ, kíp và dây mìn để khai thác đá, Nhà nước quy định cho 100m3 đá là 10kg thuốc, 50m dây, 50 kíp nhưng có nơi lại ấn định là 5kg thuốc, 30m dây, 12 kíp; như vậy là bắt buộc công nhân phải sử dụng ít kíp, cắt ngắn dây để nổ mìn, rất nguy hiểm. Để bảo đảm an toàn lao động những trường hợp địa phương hoặc cơ sở sản xuất có sáng kiến mới cần thay đổi tiêu chuẩn phải báo cáo lên ngành chủ quản và có sự thỏa thuận của tổ chức thanh tra kỹ thuật an toàn ở địa phương mới được thi hành.

II. VIỆC BẢO VỆ, BỒI DƯỠNG SỨC KHỎE, CHĂM LO ĐỜI SỐNG CHO CÔNG NHÂN, CÁN BỘ

Các ngành quản lý sản xuất và các xí nghiệp địa phương phải tích cực khắc phục khó khăn, tìm mọi biện pháp thi hành nghiêm chỉnh các chế độ, thể lệ bảo hộ lao động hiện hành, chăm lo bảo vệ, bồi dưỡng sức khỏe cho công nhân, cán bộ:

1. Phải tránh huy động công nhân làm thêm giờ trong những trường hợp không cần thiết, nhất là đối với những bộ phận sản xuất có điều kiện làm việc khó khăn, nguy hiểm như làm trong hang hầm, làm ở những nơi có bụi, hơi độc hoặc trực tiếp với máy móc đòi hỏi người công nhân phải thường xuyên tập trung tư tưởng.

Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất, biện pháp chủ yếu là phải cải tiến tổ chức lao động, cải tiến máy móc thiết bị, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề nghiệp cho công nhân, giáo dục, động viên quần chúng sử dụng 8 giờ làm việc có hiệu suất cao.

Khi giao kế hoạch sản xuất, các ngành quản lý sản xuất phải căn cứ vào khả năng thực tế của cơ sở để giao cho sát, đồng thời chỉ cho xí nghiệp biết những mặt còn yếu cần cải tiến, cách khắc phục khó khăn để đảm bảo thực hiện được kế hoạch không phải sử dụng công nhân làm thêm giờ quá nhiều. Cần sắp xếp thì giờ làm việc, làm bù, làm thêm sao cho hợp lý, chăm lo hơn nữa việc ăn, ở, ngủ, nghỉ của công nhân để bớt ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của công nhân và không làm cho công nhân sớm mất sức lao động.

Trường hợp cần thiết phải huy động làm thêm giờ, các ngành quản lý sản xuất cần hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện đúng chế độ như đã nêu trong chỉ thị số 75-TTg/CN ngày 30-6-1965 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư số 08-LĐ/TT ngày 23-7-1965 của Bộ Lao động: nếu có làm ca đêm thì phải tổ chức cho công nhân ăn đêm như đã quy định.

2. Phải tổ chức mua sắm, cấp phát trang bị phòng hộ cần thiết cho công nhân trong khi làm việc theo đúng chế độ. Tăng cường giáo dục công nhân sử dụng, bảo quản tốt trang bị phòng hộ, tận dụng sửa chữa lại quần áo, trang bị cũ để dùng. Tích cực nghiên cứu thay thế những loại khan hiếm như dùng áo ni-lông thay áo mưa vải bạt, mũ nan cứng thay mũ nhựa… nhưng phải đảm bảo an toàn lao động. Khi xét cấp phát trang bị phòng hộ phải tập trung có trọng điểm, những bộ phận sản xuất nếu không có trang bị sẽxảy ra tai nạn lao động phải cấp phát đủ.

3. Đối với một số công nhân làm những nghề có độc, hại đến sức khỏe được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật theo thông tư số 02-TTg ngày 09-01-1963 của Thủ tướng Chính phủ, xí nghiệp phải tổ chức cho công nhân ăn bồi dưỡng bằng hiện vật, nghiên cứu tổ chức cách ăn cho thích hợp, chống tư tưởng ngại tổ chức phiền phức mà trả bằng tiền. Trong hoàn cảnh khả năng cung cấp thực phẩm có khó khăn, biện pháp quan trọng và cơ bản nhất là phải đẩy mạnh phong trào tăng gia chăn nuôi để có thêm thực phẩm tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật và cải thiện ăn uống cho công nhân được tốt.

4. Phải tổ chức ăn, ở và vệ sinh phòng bệnh cho công nhân cho tốt; ngay từ khi xây dựng xí nghiệp đã phải chú ý bố trí chỗ ăn, ở cho công nhân làm sao đảm bảo được an toàn trong phòng không đồng thời thuận tiện cho công nhân khi đi làm, tránh phải đi quá xa, vất vả. Phải làm đủ hố xí, nhà tắm cho công nhân nhất là nhà vệ sinh cho phụ nữ và đảm bảo có đủ nước hợp vệ sinh cho công nhân ăn, uống, tắm rửa. Nhà tắm, nhà vệ sinh nếu không có điều kiện xây gạch, lợp ngói thì làm bằng tre, lợp lá hoặc che phên cót, nhưng bảo đảm sạch sẽ, kín đáo và cómột số dụng cụ cần thiết. Trường hợp công nhân ở chung với nhà dân, không nên bố trí ở quá chật và cũng phải đảm bảo đủ các phương tiện trên vì đây là những việc quan trọng trong đời sống hàng ngày của quần chúng.

III. VIỆC ĐẢM BẢO AN TOÀN VÀ BẢO VỆ SỨC KHỎE CHO XÃ VIÊN CÁC HỢP TÁC XÃ TIỂU CÔNG NGHIỆP, THỦ CÔNG NGHIỆP

Yêu cầu về đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe cho xã viên các hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp cũng giống như cho công nhân các xí nghiệp quốc doanh nhưng cần hướng dẫn biện pháp cho sát hợpvới tính chất quản lý tập thể, cơ sở vật chất kỹ thuật thấp, tiền vốn ít để vừa đảm bảo được an toàn và vệ sinh, vừa đỡ tốn kém.

Để đề phòng tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho xã viên, trước hết cần đôn đốc thực hiện việc che chắn các bộ phận truyền động của máy để hở (nếu không có sắt thép có thể làm bằng gỗ, tre), đôn đốc cải thiện điều kiện làm việc ở những bộ phận nóng bụi nhiều, độc hại sức khỏe (tốt nhất là thúc đẩy cơ khí hóa dần quá trình sản xuất để công nhân bớt phải trực tiếp với nóng, bụi và độc hại, bố trí chỗ làm việc hợp lý tránh ảnh hưởng đến công nhân ở các bộ phận xung quanh, mở thêm cửa sổ để tận dụng thông gió tự nhiên, che kín nguồn phát sinh bụi, v.v… Ban quản trị hợp tác xã cần quan tâm tổ chức việc tuyên truyền giáo dục và huấn luyện về kỹ thuật an toàn để nâng cao ý thức bảo hộ lao động và phương pháp làm việc an toàn cho xã viên.

Đối với các máy móc thiết bị Nhà nước đã có quy định, phải có đủ thiết bị an toàn mới được sử dụng (như nồi hơi, bình chịu áp lực, bánh răng khía, các bộ phận truyền động, v.v…).

Các chế độ bảo hộ lao độngphải giải quyết có trọng điểm,về trang bị phòng hộ cần chú trọng trước tiên những công việc nếu không có trang bị phòng hộ dễ xảy ra tai nạn hoặc bệnh tật cho người sản xuất như mũ bao tóc cho nữ xã viên đứng máy, mặt nạ cho thợ hàn, găng tay cao su cho công nhân trộn bột hóa chất độc, v.v… các thứ khác giải quyết dần từng bước tuỳ theo khả năng của cơ sở.

Để tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật cho một số nghề độc, hại sức khỏe, bồi dưỡng ca đêm và cải thiện ăn uống, các cơ sở phải đẩy mạnh tăng gia tự túc là chủ yếu. Nhưng đề nghị Ủy ban hành chính các địa phương cần phân loại để xét cấp thêm một sốthực phẩm thiết yếu không thể giải quyết tăng gia tự túc được (như đường, sữa, v.v…) cho một số nghề đặc biệt độc, hại để giúp cơ sở tổ chức bồi dưỡng được tốt hơn.

IV. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

Đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe và chăm lo săn sóc đời sống hàng ngày cho công nhân, cán bộ hiện nay là vấn đề mà Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm; do đó các Ủy ban hành chính cần chú ý tăng cường lãnh đạo việcthực hiện tốt công tác này trong công nghiệp địa phương.

Trước hết Ủy ban hành chính địa phương cần làm cho cán bộ quản lý sản xuất của các ngành và cơ sở sản xuất nhận thức rõ việc bảo đảm an toàn và bảo vệ, bồi dưỡng sức khỏe cho người lao động là một mặt quan trọng trong công tác quản lý sản xuất, làm tốt công tác này sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển đảm bảo thực hiệnđượctốt kế hoạch; đồng thời nó cũng là trách nhiệm của cán bộ quản lý sản xuất phải chỉ đạo về an toàn lao động đi đôi với việc chỉ đạo sản xuất, thực hiện kế hoạch.

Cán bộ quản lý sản xuất các xí nghiệp địa phương cần chống tư tưởng cho là ít vốn, khả năng có hạn, để không tích cực tìm cách khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo chấp hành đúng đắn các quy định của Nhà nước. Cụ thể để làm tốt công tác bảo hộ lao động ở các xí nghiệp địa phương cần thực hiện các biện pháp chỉ đạo sau đây:

1. Phải kiện toàn bộ máy chuyên trách công tác bảo hộ lao động ở các ngành quản lý và các cơ sở sản xuất. Các ngành chủ quản ở địa phương có cử cán bộ chuyên trách thì mới nghiên cứu hướng dẫn được các cơ sở thực hiện các chế độ, thể lệ bảo hộ lao động, các quy phạm, quy trình về kỹ thuật an toàn, mới theo dõi, nắm được tình hình để kịp thời uốn nắn những thiếu sót lệch lạc.

Ở cơ sở, khi bố trí cán bộ làm công tác bảo hộ lao động thì dựa vào nguyên tắc quy định trong thông tư số 04-LĐ/TT ngày 9-5-1966 của Bộ Lao động, đồng thời căn cứ vào đặc điểm, điều kiện sản xuất cụ thể của từng nơi mà vận dụng cho sát hợp, không nên chỉ căn cứ đơn thuần vào số lượng công nhân. Xí nghiệp có điều kiện sản xuất phức tạp dễ xảy ra tai nạn lao động hoặc phải phân tán thành nhiều cơ sở thì tuy số lượng công nhân ít hơn tiêu chuẩn quy định trung bình cũng cần bố trí một cán bộ chuyên trách công tác bảo hộ lao động.

2. Trong tình hình công nghiệp địa phương phát triển mạnh, cán bộ quản lý sản xuất và cán bộ bảo hộ lao động của các ngành và cơ sở phần nhiều mới, việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ bảo hộ lao động rất cần thiết. Bộ Lao động đề nghị Ủy ban hành chính các địa phương đôn đốc và giúp đỡ cơ quan lao động và các ngành quản lý trong tỉnh mở những lớp huấn luyện ngắn ngày, nhằm trước tiên phổ biến, hướng dẫn cách tiến hành thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động đã có như biện pháp đề phòng tai nạn cho công nhân khi địch ném bom, bắn phá, chế độ trách nhiệm của cán bộ quản lý và nội dung công tác của cán bộ chuyên trách bảo hộ lao động trong một xí nghiệp, cách lập và thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động, tổ chức điều tra thống kê và báo cáo tai nạn lao động… sau dần dần đi vào các mặt kỹ thuật an toàn.

3. Phải chú ý xây dựng cho được quy trình kỹ thuật an toàn cụ thể cho các ngành, nghề trong xí nghiệp, tổ chức cho công nhân học tập và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.

4. Phải đẩy mạnh việc tự kiểm tra của cơ sở về kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động làm cho công tác bảo hộ lao động trở thành một công tác của cơsở, của quần chúng rộng rãi, thúc đẩy họ chủ động làm công tác đó.

Bộ Lao động đề nghị Ủy ban hành chính các địa phương nghiên cứu và chỉ thị cho các cơ quan, xí nghiệp trực thuộc thực hiện những vấn đề nêu trên đây nhằm đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn và bảo vệ, bồi dưỡng sức khỏe cho công nhân, cán bộ ở các xí nghiệp địa phương; đề nghị các Bộ, các Tổng cục quản lý sản xuất giao trách nhiệm cho các bộ môn: thiết kế, kỹ thuật, giáo dục, bảo hộ lao động khi đào tạo cán bộ, công nhân cũng như khi giúp đỡ về mặt kỹ thuật cho các xí nghiệp thuộc địa phương quản lý, cần chú ý tới công tác đảm bảo an toàn và vệ sinh lao động, làm cho cán bộ quản lý, các bộ kỹ thuật và công nhân quan tâm tới công tác này, một công tác không thể thiếu được trong quản lý xí nghiệp xã hội chủ nghĩa.

Các cơ quan lao động địa phương có trách nhiệm giúp Ủy ban hành chính trong việc chỉ đạo thực hiện văn bản này; trong quá trình thực hành văn bản này, nếu gặp khó khăn, vướng mắc thuộc vấn đề nào, hoặc có vấn đề gì mới cần bổ sung, đề nghị các ngành, các cấp phản ánh về Bộ Lao động, Bộ Lao động sẽ hướng dẫn thêm.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Quỳ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 284-LĐ/BH-1967 về kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động ở các xí nghiệp địa phương do Bộ Lao động ban hành

  • Số hiệu: 284-LĐ/BH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 13/09/1967
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Bùi Quỳ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản