Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 279-TC/VTQD

Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 1962

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THU THUẾ VÀO HỢP TÁC XÃ VẬN TẢI THUYỀN

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Kính gửi:

- Các ông Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, Hải Phòng, khu tự trị Việt Bắc
- Các ông trưởng Ty tài chính các tỉnh

Để việc thu thuế vào các hợp tác xã vận tải thuyền được đúng chính sách và thống nhất giữa các địa phương, Bộ hướng dẫn sau đây cách thu thuế vào một số hoạt động kinh doanh của các hợp tác xã vận tải thuyền, đề nghị các địa phương nghiên cứu áp dụng nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh và góp phần củng cố hợp tác xã vận tải thuyền.

1. Về thuế doanh nghiệp:

a) Đối với công bốc vác: Việc bốc dỡ hàng hóa, nguyên vật liệu nói chung đều do các tổ chức bốc vác ở các bến thuyền đảm nhiệm. Nhưng cũng có những trường hợp vì yêu cầu phải bốc dỡ ngay hoặc ở các bến thuyền không có tổ chức bốc dỡ, do đó các cơ quan có hàng phải thuê xã viên hợp tác xã vận tải thuyền bốc dỡ. Trong các trường hợp đó, thu nhập về công bốc dỡ này của hợp tác xã được miễn thuế doanh nghiệp và thuế lợi tức.

Trường hợp trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa, cơ quan có hàng có tính cả phần tiền công bốc vác và có hạch toán thuế doanh nghiệp trên toàn bộ doanh số vận chuyển hàng và công bốc vác, thì cần thu thuế doanh nghiệp và tổng doanh số vận chuyển hàng và công bốc vác đó, còn thuế lợi tức thì thu vào phần thu nhập về vận chuyển hàng và miễn thu vào phần công bốc vác.

b) Đối với việc khai thác cát, sỏi, đá:

Đối với các hợp tác xã vận tải thuyền hay thuyền cá thể, bất thường có làm thêm một vài chuyến khai thác đất, cát, đá, sỏi v .v… thu nhập ít thì chưa nên thu thuế doanh nghiệp và lợi tức doanh nghiệp. Trường hợp hợp tác xã hay cá nhân kinh doanh thường xuyên (hay thời vụ vài ba tháng) thu nhập ổn định, có thể thu thuế doanh nghiệp 2% trên doanh số bán đất, cát, sỏi, đá đã khai thác được. Cần tách riêng phần doanh số này để thu theo thuế suất khai thác nguồn lợi thiên nhiên (2%) mà không gộp chung vào doanh số vận chuyển hàng hóa và không thu theo thuế suất vận chuyển hàng hóa (3%).

2. Về thuế lợi tức doanh nghiệp.

Trong việc kinh doanh vận tải thuyền, có nhiều loại phí tổn cần được tính trừ đúng chính sách.

a) Về phí tổn khấu hao:

Về kinh phí tổng khấu hao cơ bản và khấu hao sửa chữa lớn, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu quy định trích một tỷ lệ nhất định trên thu nhập, do đó khi tính thuế lợi tức doanh nghiệp, cần kiểm tra xem hợp tác xã đã trích quỹ khấu hai đúng thể lệ chưa và khi tính số lợi tức chịu thuế cần trừ phần khấu hao đã trích theo thể lệ quy định.

b)Về phí tổn sinh sống:

Các hợp tác xã vận tải thuyền không hoạt động kinh doanh cố định ở một nơi, phần lớn hoạt động vận chuyển theo kế hoạch cho các thành phố và các khu công nghiệp tập trung. Mặt khác cũng nên có sự chiếu cố phần nào đến tính chất của hoạt động vận tải thuyền. Vì vậy phí tổn sinh sống quy định lại là 24đ một tháng theo đầu người xã viên nói chung cho các hợp tác xã vận tải thuyền dù đăng ký ở các tỉnh hay thành phố. Quy định này thi hành bắt đầu từ 01-5-1962.

c) Miễn giảm thuế:

Đối với những trường hợp kinh doanh gặp khó khăn thu nhập thấp, cần đi sâu giúp hợp tác xã giải quyết khó khăn (ví dụ: giúp mọi điều kiện để vận chuyển hai chiều). Tùy trường hợp, nếu hợp tác xã gặp nhiều khó khăn thì có thể đề nghị giảm cho hợp tác xã một phần thuế lợi tức trong một thời gian, như nghị định Thủ tướng Chính phủ quy định.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Văn Bính

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 279-TC/VTQD năm 1962 về việc thu thuế vào hợp tác xã vận tải thuyền do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 279-TC/VTQD
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 05/05/1962
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trịnh Văn Bính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 01/05/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản