Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG QUỐC GIA
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 271-TD/CTN

Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 1959

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC CHO VAY TRONG ĐỊNH MỨC VỐN LƯU ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG

Quyết định số 054 TTg ngày 19-02-1959 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định các nguyên tắc cấp vốn lưu động đối với các xí nghiệp quốc doanh công nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và bưu điện, và việc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tham gia cho vay trong định mức vốn lưu động.

Để thực hiện tiết kiệm đối với tất cả các ngành kinh tế trung ương cũng như địa phương có thể tiết kiệm được và tập trung các nguồn vốn ấy về Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để cho Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tiến hành cho vay trong định mức vốn lưu động đối với các xí nghiệp địa phương theo Quyết định số 054-TTg nói trên. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, việc cho vay trong định mức vốn lưu động không thể áp dụng cho tất cả các xí nghiệp địa phương mà chỉ có thể thi hành với một số xí nghiệp nhất định với sự đồng ý của Ủy ban Hành chính địa phương.

I. ĐIỀU KIỆN CHO VAY

Đối với các xí nghiệp địa phương hoạt động có tính chất sản xuất công nghiệp đã kiểm kê tài sản và xét định vốn, tình hình quản lý tài vụ đã đi vào nền nếp, Chi nhánh Ngân hàng hay Chi điếm Ngân hàng có thể trực tiếp cho vay, sau khi được Ủy ban hành chính tỉnh, thị xã đồng ý.

Muốn được vay tiền của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam trong định mức vốn lưu động, xí nghiệp phải có những điều kiện sau đây:

1. Có tư cách pháp nhân, có đăng ký và được Ủy ban hay Sở Tài chính địa phương cấp vốn luân chuyển riêng gọi là mức tiêu chuẩn vốn lưu động tự có của xí nghiệp.

2. Được Ủy ban hành chính thành, tỉnh hay thị xã cho quyền trực tiếp vay Ngân hàng.

Trong quá trình vay vốn các xí nghiệp đó cần dần dần thực hiện các điểm sau đây:

1. Có kế hoạch sản xuất, kỹ thuật, tài vụ

2. Có quyền ký kết hợp đồng

3. Có tài khoản thanh toán ở Ngân hàng

4. Có bảng cân đối tài sản riêng.

II. BIỆN PHÁP CHO VAY

Cũng như đối với các xí nghiệp quốc doanh do các Bộ ở Trung ương quản lý, khi cho các xí nghiệp địa phương vay trong định mức vốn lưu động, các Chi nhánh Ngân hàng địa phương sẽ áp dụng biện pháp tạm thời về loại cho vay này, ban hành ngày 26-2-1959.

Sau khi xét duyệt vốn xong, Sở Tài Chính sẽ cấp cho xí nghiệp tối đa 70% mức vốn lưu động. Số vốn lưu động còn lại sẽ do Ngân hàng Quốc gia cho vay theo nhu cầu cần thiết của xí nghiệp trong phạm vi tỷ lệ tham gia cho vay của Ngân hàng.

Cách cho vay thu hồi nợ, lợi suất và thủ tục giấy tờ đều thi hành như đối với các xí nghiệp quốc doanh.

III. CÁCH HÀNH TƯ KẾ TOÁN ĐỐI VỚI MỘT SỐ VỐN CHUYỂN SANG NGÂN HÀNG

Phần vốn giao cho Ngân hàng để cho vay trong định mức tiêu chuẩn vốn lưu động (do Sở, Ty Tài chính địa phương chuyển, hoặc do xí nghiệp hoàn trả cho ngân sách địa phương để chuyển qua Ngân hàng Quốc gia) sẽ chuyển hoặc nộp tại Ngân hàng địa phương cũng như đối với các xí nghiệp quốc doanh do Trung ương quản lý. Khi nhận được số tiền ấy rồi, chi nhánh Ngân hàng địa phương sẽ chuyển về Ngân hàng trung ương (Vụ Kế toán) ghi vào tài khoản 1-06 “Vốn được cấp để cho vay trong định mức vốn lưu động”.

Nhưng để phân biệt giữa số vốn của các xí nghiệp quốc doanh với số vốn của các xí nghiệp địa phương, cũng như để theo dõi phần vốn các xí nghiệp địa phương có thể tiết kiệm được trong quá trình vay mượn, kế toán sẽ mở một tiểu khoản riêng để ghi số vốn của các xí nghiệp địa phương. Đó là cách chuyển và ghi chép ở Trung ương đối với số vốn cho vay của Ngân hàng Quốc gia trong định mức vốn lưu động của xí nghiệp địa phương.

Nhưng ở Chi nhánh phải lập sổ sách ghi riêng số vốn này, để cuối năm có thể tổng kết số vốn của các xí nghiệp địa phương chuyển sang Ngân hàng được bao nhiêu (so sánh số đó với số cho vay trong định mức của địa phương) (tiểu khoản trong tài khoản cho vay) cũng đối chiếu với số dư cuối năm để biết số vốn có thể tiết kiệm được với phương pháp cấp vốn mới của Chính phủ.

IV - VẤN ĐỀ NGUỒN VỐN VÀ CHUYỂN CHỈ TIÊU

Nguồn vốn để cho vay trong định mức vốn lưu động các xí nghiệp địa phương, dĩ nhiên là do Sở hoặc Ty Tài chính chuyển sang Ngân hàng, sau khi ấn định tỷ lệ tham gia của Ngân hàng trên số vốn lưu động được duyệt của xí nghiệp. Nhưng đối với những xí nghiệp đang hoạt động, số vốn tự có của xí nghiệp nhiều hơn số vốn được cấp, phần tham gia cho vay của Ngân hàng sẽ rút ở xí nghiệp. Việc rút và chuyển vốn sẽ tiến hành cũng như đối với các xí nghiệp quốc doanh. Khi chuyển số vốn đó về Trung ương rồi, Chi nhánh báo cáo về Trung ương (Cục tín dụng Công thương nghiệp) biết, đồng thời xin chỉ tiêu luôn. Khi nhận được số vốn đó rồi Trung ương sẽ chuyển chỉ tiêu về cho Chi nhánh để tiến hành cho vay. Trường hợp xí nghiệp vay để chuyển vốn cho Ngân hàng, vì số vốn đó nằm trong vật tư dự trữ thì xí nghiệp có thể vay và nộp cùng một lúc, như đã nói trong Thông tư Liên bộ Tài chính – Công nghiệp – Ngân hàng Quốc gia số 100-LB ngày 26-3-1959.

Về thống kê báo cáo, Chi nhánh nên dành một phần riêng để báo cáo về Trung ương kết quả chuyển vốn cho vay, thu nợ đối với các xí nghiệp địa phương đã áp dụng loại cho vay trong định mức vốn lưu động.

Việc cho vay trong định mức vốn lưu động đối với các xí nghiệp là một công tác mới mẻ, Ngân hàng chưa có được nhiều kinh nghiệm trong việc theo dõi cho vay và thu nợ cho nên các Chi nhánh chỉ nên thi hành Quyết định số 054-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với một số xí nghiệp tương đối lớn, có đủ điều kiện như đã nói ở trên và được sự đồng ý của Ủy ban hành chính địa phương.

Trong khi thi hành, cán bộ tín dụng Ngân hàng cần đi sát từng đơn vị xí nghiệp để phát hiện những khó khăn, trở ngại, hướng dẫn cụ thể, và giúp đỡ xí nghiệp vay vốn quản lý và sử dụng vốn cho tốt, tiến lên củng cố từng bước chế độ hạch toán kinh tế, làm cho các ngành kinh tế địa phương ngày càng phát triển có lợi cho quốc kế dân sinh.

TỔNG GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM




Lê Viết Lượng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 271-TD/CTN năm 1959 về việc cho vay trong định mức vốn lưu động đối với các xí nghiệp địa phương do Ngân Hàng Quốc Gia ban hành.

  • Số hiệu: 271-TD/CTN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/07/1959
  • Nơi ban hành: Ngân hàng quốc gia
  • Người ký: Lê Viết Lượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 28
  • Ngày hiệu lực: 26/07/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản