BỘ TÀI CHÍNH-BỘ TƯ PHÁP | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 27-TTLB | Hà Nội, ngày 11 tháng 06 năm 1958 |
THÔNG TƯ
VỀ VIỆC THU TIỀN, CẤP PHÁT GIẤY TỜ Ở CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN
LIÊN BỘ TƯ PHÁP TÀI CHÍNH
Kính gửi: | - Các Ủy ban Hành chính khu, thành phố và tỉnh |
Sắc lệnh số 113-SL ngày 28-6-1946 về việc thu lệ phí tư pháp ở các tòa án có quy định ở điều 3 như sau: “Tư nhân nào muốn xin cấp phát bản toàn sao hay trích lục án hình hoặc bộ hay tư pháp lý lịch thì phải nộp 2đ một tờ giấy viết hai mặt”. Nhưng trong kháng chiến sắc lệnh này chỉ thi hành trong một thời gian ngắn rồi tạm đình. Hòa bình lập lại, ở các tòa án nhân dân thành phố Hà nội và Hải phòng có thu 300đ một tờ, còn ở các tòa án nhân dân khác đều không thu.
Việc thu tiền cấp giấy tờ các loại như là bản toàn sao hay trích lục án hình hoặc bộ, biên bản hòa giải, tư pháp lý lịch, cần được thi hành thống nhất ở các tòa án nhân dân, nên nay Liên Bộ quy định số tiền thu là 300đ một khổ giấy đánh máy cho tất cả các tòa án nhân dân từ cấp thị xã, huyện, châu trở lên.
Việc thu tiền cấp giấy tờ ở các tòa án nhân dân bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 năm 1958.
Mỗi khi cấp giấy tờ, cán bộ phụ trách sẽ thu tiền và ghi vào văn bản đem cấp như sau:
Bản cấp cho ông hay bà………………………….
Lệ phí thu là……………………………………...
Vào sổ …ngày…tháng…năm 195…số…
Tên ký và dấu của tòa án
Vì ghi chú vào văn bản như trên nên không phải cấp biên lai nhận tiền; nhưng mỗi lần có khoản thu phải ghi vào một quyển sổ thu tiền cấp giấy tờ (mẫu kèm)
Hàng tháng các tòa án nhân dân huyện nộp số tiền đã thu được trong tháng trước về cho tòa án nhân dân tỉnh hay thành phố để tòa án này nộp tổng số tiền thu được ở các tòa án của địa phương vào kho bạc của tỉnh. Khi nộp tiền tòa án huyện sẽ phải báo cáo tổng số thu được và phân tích số thu cho từng loại giấy tờ (việc hình, việc hộ).
Số tiền thu ở các tòa án trong tỉnh sẽ nộp vào khoản “Thu lệ phí” của tổng dự toán địa phương còn số tiền thu ở các tòa án Phúc thẩm khu sẽ nộp vào khoản “Các khoản thu khác” của tổng dự toán trung ương.
Các tòa án khu và tỉnh, thành phố báo cáo tổng số tiền thu được với Bộ Tư pháp trong báo cáo 3 tháng, 6 tháng và toàn năm.
Các Sở, Khu và Ty Tài chính sẽ giúp đỡ cho các bộ phận kế toán của các tòa án nhân dân theo đúng chế độ dự toán, kế toán hiện hành trong công tác thu nộp lệ phí này.
Hàng ngày, có số thu sẽ nộp vào quỹ cơ quan (ghi tài khoản tạm giữ). Cuối tháng sẽ điều chỉnh tạm giữ sang “Thu cho tổng dự toán” và xuất quy nộp kho bạc.
Các tòa án nhân dân các thành phố Hà nội và Hải phòng lâu nay ngoài việc thu tiền cấp giấy tờ, có thu lệ phí án, thì đối với lệ phí án có thể vẫn giữ lề lối thu tiền, nộp tiền vào kho bạc và ghi chép giữ gìn sổ sách như cũ, còn đối với lệ phí cấp giấy tờ thì áp dụng thể lệ quy định trong thông tư này.
Liên bộ gửi kèm theo đây mẫu sổ thu tiền cấp giấy tờ, để các tòa án làm cho được thống nhất. Vì lẽ, sổ đơn giản và việc thu không nhiều, mỗi tòa án tự đóng lấy sổ, không phải in cho tốn kém.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH | BỘ TRƯỞNG |
MẪU SỔ THU TIẾN CẤP PHÁT GIẤY TỜ
Số thứ tự | Ngày | Tên họ người nộp | Về khoản | Số tiền | Bị chú |
1 | 1-6-1958 | Nguyễn Văn X… | Trích lục án hình số 25 ngày 20-4-1958 | |
|
Nộp Tòa án nhân dân tỉnh ngày …195…
biên nhận số…ngày…
Tổng số thu tháng 6-1958: 4.500đ
Khóa sổ với tổng số thu trong tháng 6-1958 là bốn nghìn năm trăng đồng (4.500đ) gồm có 3.000đ về hộ 1.500đ về hình.
Huyện…ngày…195….
Thẩm phán
Thông tư 27-TTLB năm 1958 về việc thu tiền, cấp phát giấy tờ ở các tòa án nhân dân do Bộ Tư Pháp- Bộ Tài Chính ban hành
- Số hiệu: 27-TTLB
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 11/06/1958
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp
- Người ký: Trịnh Văn Bính, Vũ Đình Hoè
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 25
- Ngày hiệu lực: 26/06/1958
- Ngày hết hiệu lực: 01/10/1976
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực