Hệ thống pháp luật

BỘ THUỶ LỢI
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26-TL-TT

Hà Nội, ngày 25 tháng 09 năm 1964

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TẠM THỜI MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG MÁY BƠM NHỎ TƯỚI RUỘNG

BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ LỢI

Kính gửi:
Đồng kính gửi: :

- Ủy ban hành chính các tỉnh, thành,
- Các Ty thuỷ lợi.

Mấy năm gần đây, đi đôi với việc đẩy mạnh cải tiến công cụ tưới tát, việc sử dụng máy bơm nhỏ tưới ruộng cũng được phát triển khá nhanh; đã góp phần tích cực vào việc chống hạn; chống úng, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng. Nhìn chung việc quản lý sử dụng máy bơm có tiến bộ, nhưng còn nhiều thiếu sót và tồn tại chưa được giải quyết như: phân phối và bố trí địa bàn hoạt động máy bơm chưa hợp lý, bảo quản máy còn kém, sử dụng máy chưa hết công sức; việc xây dựng các trạm bơm điện nhỏ nhiều nơi làm quy mô quá lớn và không bảo đảm chất lượng và kỹ thuật; việc hạch toán kinh tế làm chưa tốt, do đó giá thành tưới nước còn cao, thu không bù chi, thường bị lỗ vốn; tổ chức đội máy bơm còn những mắc mứu chưa được giải quyết, việc bán máy bơm cho hợp tác xã chưa quy định rõ ràng v.v… Những thiếu sót đó hạn chế nhiều việc phát huy tác dụng của máy bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Để khắc phục những thiếu sót trên, sau khi xét nghị quyết của hội nghị máy bơm nhỏ toàn miền Bắc vào cuối 1963 và căn cứ chỉ thị của Ban Bí thư về cải tiến công cụ và cơ giới hoá nông nghiệp, Bộ quy định một số điểm sau đây nhằm tăng cường công tác quản lý sử dụng máy bơm nhỏ tưới ruộng.

I. PHƯƠNG HƯỚNG SỬ DỤNG MÁY BƠM NHỎ

Máy bơm nhỏ bao gồm bơm dầu, bơm điện nhỏ, bơm than v.v… Trong điều kiện hiện tại, việc phát triển máy bơm nhỏ còn bị hạn chế cho nên công cụ lấy nước cải tiến vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong một thời gian tương đối dài trong khâu tưới tát. Xuất phát từ thực tế đó, Bộ quy định phương hướng sử dụng máy bơm nhỏ như sau:

- Máy bơm nhỏ ưu tiên dùng tưới, tiêu cho vùng trọng điểm sản xuất lương thực, vùng cây công nghiệp tập trung, vùng cày bừa bằng máy kéo.

- Giữa vùng trong nông giang và ngoài nông giang, ưu tiên bố trí máy bơm dầu tưới suốt vụ cho vùng ngoài nông giang chưa có công trình thuỷ lợi bảo đảm, nhưng cũng cần chú ý thích đáng cho vùng trong nông giang, không tưới tự chảy được, phải tát quá cao.

- Máy bơm nhỏ ngoài việc sử dụng tưới cho các loại cây trồng, cần được sử dụng vào việc chống úng, nhưng phải khoanh vùng bố trí máy bơm kết hợp guồng gầu cải tiến thì việc dùng máy bơm nhỏ chống úng mới kết quả tốt. Trong việc dùng máy bơm nhỏ chống úng, nếu là bơm dầu kết hợp với guồng, gầu thì guồng gầu cải tiến đóng vai trò quyết định, nếu là bơm điện nhỏ kết hợp với guồng gầu thì bơm điện nhỏ vẫn là hỗ trợ, nhưng có tính chất quyết định,

- Mỗi máy bơm phải bảo đảm tưới, tiêu cho một số diện tích nhất định và phải thực hiện tưới tiêu chủ động theo khoa học, góp phần tăng năng suất cây trồng. Trong thời vụ cần tưới tiêu cho cây trồng, không được dùng máy bơm kinh doanh việc khác, ngoài thời vụ có thể dùng động cơ của máy bơm vào việc xay xát, chế biến v.v… nhưng không được làm trở ngại cho việc tưới ruộng, chống úng.

- Những nơi cần máy bơm tưới suốt vụ (tưới ải và tưới dưỡng hoặc tưới dưỡng suốt vụ) cần bố trí thành những trạm bơm nhỏ cố định. Những nơi chỉ cần tưới định kỳ, tưới bổ sung, chống hạn, có thể dùng bơm lưu động. Nhưng mỗi máy bơm lưu động phải phụ trách tưới cho một phạm vi diện tích nhất định để tận dụng công suất máy. Những nơi tiện đường sông nên bố trí bơm thuyền, bơm phà tưới lưu động.

- Những nơi tiện đường dây cao thế hoặc có thể kéo đường dây điện nông nghiệp, nên phát triển bơm điện nhỏ tưới, tiêu, dành máy bơm dầu cho những nơi chưa có điện.

Việc xây dựng những trạm bơm điện nhỏ, cũng như những trạm bơm dầu cố định, về quy mô theo hướng sau đây: Mỗi trạm bơm điện nhỏ chỉ tưới cho 200 – 300 éc-ta, nhiều nhất 500 éc-ta, nếu trạm bơm điện nhỏ tưới kết hợp tiêu thì mỗi trạm phụ trách tiêu cho một vùng bao nhiêu éc-ta ruộng, là tuỳ thuộc lưu lượng máy bơm bố trí tưới của mỗi trạm và hệ số tiêu của mỗi vùng. Trường hợp xây dựng trạm bơm điện nhỏ chỉ làm nhiệm vụ chống úng, thì mỗi trạm chống úng cho 300 ec-ta là tối đa. Quy mô mỗi trạm bơm dầu càng cần nhỏ hơn, nghĩa là tưới cho 100 – 150 éc-ta cá biệt mới tưới 200 éc-ta. Nếu địa phương nào thấy xét cần xây dựng những trạm bơm điện tưới tiêu cho diện tích lớn hơn quy định trên, thì ghi vào công trình dưới hạn ngạch và phải theo đúng trình tự kiến thiết cơ bản.

- Những nơi được sử dụng máy bơm nhỏ tưới ruộng phải có đủ những điều kiện dưới đây:

a) Mỗi máy bơm dầu phải bố trí bảo đảm tưới ít nhất đạt 90% tiêu chuẩn diện tích, quy định cho từng vùng sẽ nói ở phần sau. Máy bơm điện nhỏ phải được bố trí đúng hệ số tưới tiêu do Bộ quy định.

b) Phải có đủ nguồn nước (kể cả lúc nước kiệt) để bảo đảm máy bơm hoạt động liên tục và có vị trí đặt máy bơm thuận tiện.

c) Độ cao đưa nước từ 1 mét trở lên, trừ các trường hơp phục vụ vùng cày bừa bằng máy kéo, vùng cây công nghiệp tập trung, vùng bình quân ruộng đất tính theo đầu người cao và thiếu nhân lực, vùng hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh nhiều ngành nhiều nghề, vùng cần nhiều nước thau chua rửa mặn. Những vùng ruộng đất có độ cao đưa nước từ một mét trở xuống bố trí guồng gầu tưới tát.

- Việc dùng máy bơm dầu chống úng và bố trí bơm điện nhỏ tưới tiêu không theo điều kiện độ cao đưa nước nói trên. Nhưng các trạm bơm điện nhỏ cần kết hợp tưới, tiêu để tận dụng công suất máy.

(Về phương hướng phát triển và quản lý bơm điện nhỏ sẽ có quy định cụ thể riêng).

II. NỘI DUNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ MÁY BƠM NHỎ

Công tác quản lý máy bơm nhỏ bao gồm quản lý máy móc, kỹ thuật, quản lý tưới, quản lý kinh doanh.

1. Quản lý máy móc, kỹ thuật.

Phải có quy hoạch máy bơm nhỏ. Mỗi tỉnh cần căn cứ vào quy hoạch tỉnh, vùng, quy hoạch xã và hợp tác xã, căn cứ vào phương hướng sử dụng máy bơm nói trên, mà xây dựng quy hoạch máy bơm nhỏ (vùng nào bố trí máy bơm dầu, vùng nào xây dựng bơm điện nhỏ, vùng nào guồng cải tiến, vùng nào bơm guồng kết hợp v.v…). Dựa vào quy hoạch đó mà bố trí máy cho từng vùng phù hợp với đặc tính của mỗi loại máy. Đối với máy bơm dầu đã phân phối, bố trí từ trước chưa thích hợp cần tiến hành điều chỉnh giữa vùng này sang vùng khác, giữa tỉnh này sang tỉnh khác cho hợp lý.

Quy hoạch máy bơm của tỉnh trong năm 1964 phải xây dựng xong và gửi về Bộ tham gia ý kiến. Từ đấy trở đihàng năm dựa vào quy hoạch máy bơm mà xây dựng kế hoạch phát triển máy bơm nhỏ trình Bộ xét duyệt.

Bộ sẽ ban hành những quy định kỹ thuật về đặt máy, bảo quản sử dụng, sửachữa máy và sẽ quy định chế độ tiểu tu, trung tu, đại tu máy. Nhưng trong lúc chờ đợi, mỗi tỉnh tuỳ tình hình cụ thể địa phương mà tạm thời đặt những quy định kỹ thuật, chế độ theo những hướng dẫn trước đây để cơ quan trực tiếp quản lý thi hành. Ngoài ra phải có chế độ kiểm tra thực hiện.

Máy bơm đặt phân tán hay đặt thành trạm đều phải có nhà che máy và có kế hoạch bảo vệ, bảo quản máy. Mỗi máy phải có một lý lịch để tiện việc theo dõi, sửa chữa…

2. Quản lý tưới.

- Những nơi đặt máy bơm phải có hệ thống mương máng bảo đảm sử dụng hết công suất máy. Mương máng do nhân dân tự làm. Riêng miền núi sẽ nghiên cứu giải quyết cụ thể sau.

- Trước mỗi vụ sản xuất, xây dựng kế hoạch tưới, kế hoạch chống hạn úng và kế hoạch dùng nước (hay lịch tưới) khớp với yêu cầu sinh trưởng của từng loại cây trồng và phổ biến tận xã viên, quần chúng thực hiện. Tuy nhiên phải có người chuyên trách phân phối nước để việc sử dụng nước được hợp lý.

- Máy bơm nhỏ dù đặt phân tán hay từng trạm tập trung đều phải tưới tiêu theo phương pháp khoa học.

Phải bảo đảm kênh mương nhỏ cho hợp lý để tưới và tiêu được kịp thời.

- Ty Thuỷ lợi xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch tưới và công thức tưới đề ra. Đội máy bơm tham gia ý kiến khi xây dựng kế hoạch và phải nghiêm chỉnh thực hiện kế hoạch.

3. Quản lý kinh doanh.

Cơ quan quản lý máy bơm của tỉnh có trách nhiệm xây dựng các định mức kinh tế và kỹ thuật, chỉ tiêu hạ giá thành tưới,v.v… để đội máy bơm phấn đấu thực hiện.

Các đội máy bơm kể từ năm 1964 phải thực hiện hạch toán kinh tế theo nguyên tắc không lãi nhưng bảo đảm không lỗ nhằm phục vụ hợp tác xã nông nghiệp phát triển sản xuất. Điều đó không có nghĩa là bất cứ hợp tác xã nông nghiệp nào trongtỉnh thuê máy bơm tưới ruộng, chống úng cũng tính giá cả như nhau, trái lại phải căn cứ tình hình cụ thể của hợp tác xã ở từng nơi mà ấn định giá cả cho phù hợp với khả năng đóng góp của xã viên, do đó có thể có hợp tác xã được trả tiền bơm thuê dưới giá thành (đội lỗ một ít) có hợp tác xã phải trả tiền bơm thuê trên giá thành (đội có lãi) còn đối với việc sử dụng máy bơm kinh doanh việc khác tất nhiên phải lấy lãi. Cách kinh doanh như thế sẽ lấy lãi bù lỗ và bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc không lãi nhưng không lỗ đã nói trên.

Những trạm bơm điện, trạm bơm dầu do Ty Thuỷ lợi quản lý toàn bộ (kể cả công nhân chạy máy) để phục vụ tưới tiêu cho hợp tác xã, sản xuất nông nghiệp, thì tính thu tiền bơm thuê theo giờ chạy máy hoặc 1m3 nước, có thể hợp tác xã mới quản lý tốt việc sử dụng nước và tiết kiệm nước. Trường hợp cho hợp tác xã thuê máy song do công nhân hợp tác xã chạy máy thì chỉ tính tiền khấu hao cơ bản và sửa chữa máy móc. Nhưng hợp tác xã phải bảo quản, bảo vệ máy móc, không được làm hư hỏng, nếu hư hỏng phải bồi thường.

Hợp đồng ký kết giữa đội máy bơm và hợp tác xã nông nghiệp về tưới tiêu hoặc thuê máy phải được chính quyền địa phương (Uỷ ban hành chính xã, huyện) công nhận và đôn đốc thực hiện. Uỷ ban hành chính xã, huyện có trách nhiệm đôn đốc, bảo đảm hợp tác xã trả tiền bơm thuê cho đội đúng hợp đồng ký kết.

Kinh doanh của đội máy bơm phải bảo đảm thu hồi vốn khấu hao cơ bản nộp cho Nhà nước đúng thể lệ hiện hành và thăng bằng thu chi các khoản khác, nhất thiết không được lấy tiền khấu hao cơ bản, khấu hao cơ bản chi vào việc sửa chữa quản lý máy bơm v.v… Tiền khấu hao cơ bản nộp cho Ty Tài chính để nộp vào ngân sách trung ương.

Để xã viên hợp tác xã nông nghiệp có thể trả tiền thuê máy bơm song phẳng, kể từ vụ đông xuân 1964 – 1965, việc thu tiền bơm thuê theo mức sau đây: những nơi máy bơm đầu tưới suốt vụ, nói chung không được thu quá 10% sản lượng thu hoạch trên diện tích được tưới ở trung du và đồng bằng và không quá 8% đối với miền núi. Cụ thể là không được thu quá 0,01đ/m3 nước đối với trung du và đồng bằng và không thu quá 0,008đ/m3 nước đối với miền núi. Như vậy, các đội máy bơm miền núi có thể lỗ chút ít, sẽ nghiên cứu chính sách bù lỗ riêng.

Mức ấn định trên đây là mức tối đa, các đội cần phấn đấu hạ giá thành để việc thu tiền bơm thuêcó thể dần dần được giảm nhẹ hơn. Muốn phấn đấu hạ giá thành điều quan trọng là phải cải tiến việc quản lý sử dụng máy bơm, nhất là tăng cường công tác quản lý kỹ thuật. Cụ thể là máy bơm phải đặt ở vị trí đủ các điều kiện: diện tích tưới và công suất máy ăn khớp, có đủ nguồn nước cho máy hoạt động liên tục, có hệ thống mương máng v.v… Khi đặt máy phải bảo đảm đúng kỹ thuật, phải bảo quản tốt, chạy máy liên tục theo thiết kế cho phép. Ngoài ra phải tăng cường giáo dục công nhân, nâng cao ý thức trách nhiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công nhân chạy máy. Cố nhiên việc đề nghị Nhà nước giảm bớt một phần nào giá bán máy, bán dầu cũng góp phần vào việc hạ giá thành, nhưng chủ yếu là tăng cường giáo dục bồi dưỡng công nhân, tăng cường quản lý kỹ thuật, bảo quản máy móc là những khâu mấu chốt trong việc phấn đấu hạ giá thành tưới, tiêu.

4. Chỉ tiêu tưới của một máy tiêu chuẩn (máy bơm dầu).

Việc quy định máy tiêu chuẩn lấy lưu lượng của máy bơm làm chính. Bộ quy định lấy máy 270m3/giờ làm máy tiêu chuẩn, mỗi máy tiêu phải bảo đảm tưới suốt vụ (tưới ải và tưới dưỡng lúa suốt vụ) cho một số diện tích từng vùng như sau:

a) Vùng đồng bằng Bắc bộ và tỉnh Thanh-hoá: 50 éc-ta.

b) Vùng trung du và khu 4 cũ: 40 ec-ta (trừ Thanh-hóa).

c) Miền núi: từ 20 đến 25 éc-ta.

Nếu chỉ tưới dưỡng lúa, hoặc tưới cho hoa màu, cây công nghiệp, hay chống úng cần quy ra thành tưới suốt vụ đại thể như sau để tiện việc kiểm tra thực hiện:

- Tưới dưỡng lúa 2 éc-ta (ít nhất hai đợt tưới) = 1 éc-ta suốt vụ.

- Tưới cho hoa màu 3 éc-ta = 1 éc-ta suốt vụ.

- Cây công nghiệp tưới 2 éc-ta = 1 éc-ta suốt vụ.

- Chống úng 2 éc-ta = 1 éc-ta suốt vụ.

Các tỉnh căn cứ chỉ tiêu tưới của một máy tiêu chuẩn nói trên mà quy định chỉ tiêu của từng loại máy thực tế cho sát, nhằm tận dụng công suất máy. Trường hợp có hợp tác xã không đủ diện tích cho máy bơm thực tế hoạt động ít nhất đạt 90% chỉ tiêu tưới đã quy định, nếu xét cần cũng có thể bố trí một máy để tưới nhưng cố gắng tận dụng công suất này bằng cách dùng máy nổ của máy bơm xay xát, chế biến… và nên coi là trường hợp thật cần thiết, không nên áp dụng phổ biến.

III. CHẤN CHỈNH TỔ CHỨC QUẢN LÝ MÁY BƠM

Uỷ ban hành chính tỉnh có trách nhiệm dựa vào những quy định của Hội đồng Chính phủ và của Bộ, chỉ đạo công tác quản lý sử dụng máy bơm nhỏ tưới ruộng, nhưng giao cho Trưởng ty Thuỷ lợi trực tiếp lãnh đạo đội máy bơm.

Đội máy bơm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trưởng ty Thuỷ lợi có nhiệm vụ:

- Xây dựng quy hoạch và kế hoạch phân phối; sử dụng điều chỉnh máy bơm và thực hiện toàn bộ công tác quản lý và kinh doanh máy bơm nhỏ tưới ruộng trong tỉnh;

- Thực hiện kế hoạch dùng nước và kế hoạch tưới tiêu theo phương pháp khoa học;

- Điều kiện hoạt động của các trạm bơm dầu và số máy bơm lưu động, chỉ đạo thực hiện kỹ thuật và nghiệp vụ quản lý sử dụng, sửa chữa và kinh doanh máy bơm, đào tạo và bồi dưỡng công nhân sửa chữa và công nhân chạy máy cho đội và cho hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh;

- Nghiên cứu đề nghị việc bán máy bơm cho hợp tác xã nông nghiệp và trực tiếp chỉ đạo việc quản lý, sử dụng, và nhận sửa chữa máy bơm của hợp tác xã.

Việc xây dựng các trạm bơm dầu, các hệ thống mương máng, kế hoạch dùng nước hay lịch tưới, kế hoạch tưới, tiêu khoa học do các bộ phận khảo sát thiết kế, thi công, thuỷ nông thuộc Ty Thuỷ lợi chịu trách nhiệm, nhưng đội máy bơm có nhiệm vụ tham gia ý kiến.

Việc quản lý các trạm bơm điện nhỏ do tổ chức bơm điện nhỏ trực thuộc Ty Thuỷ lợi phụ trách. Đội máy bơm chỉ quản lý máy bơm dầu.

Biên chế đội máy bơm và công nhân chạy máy:

Đội máy bơm gồm có một đội trưởng và hai đội phó đối với nhũng đội có từ 150 máy trở lên, một đội trưởng và một đội phó đối với những đội có từ 150 máy trở xuống. Đội trưởng phải là cán bộ chính trị có trình độ khá, có khả năng và đạo đức tốt.

Giúp việc đội trưởng có các bộ môn: tổ quản lý sử dụng máy, đào tạo bồi dưỡng công nhân, tổ sửa chữa máy, tổ kế hoạch thống kê tài vụ kế toán, tổ theo dõi máy bơm hợp tác xã.

Đội máy bơm cần tổ chức mấy tổ, số lượng cán bộ, công nhân của từng tổ do Uỷ banhành chính tỉnh căn cứ nhiệm vụ và khối lượng công tác của đội máy bơm mà quy định theo nguyên tắc tinh giản biên chế nhưng có hiệu lực cao để giảm bớt sự đóng góp của xã viên hợp tác xã. Những đội số lượng máy bơm ít, khối lượng công tác không nhiều có thể không tổ chức thành từng tổ mà chỉ cần có cán bộ, công nhân giúp việc, do đội trưởng và đội phó trực tiếp từng người.

Về số lượng công nhân phụ trách chạy máy bơm, tùy số lượng máy bơm bố trí ở mỗi trạm mà quy định theo hướng sau đây: Những trạm có từ một đến ba máy, mỗi máy có hai công nhân phụ trách để đủ công nhân bố trí ca kíp chạy máy và theo dõi kiểm tra ghi chép. Những trạm có từ bốn máy trở lên, mỗi máy có một công nhân phụ trách chạy máy (mỗi công nhân phụ trách hai đến ba máy) và cứ hai máy có một kỹ thuật sơ cấp hoặc công nhân khá phụ trách kiểm tra, ghi chép trình hình khi máy đang hoạt động. Những trạm bơm điện nhỏ cần bố trí đủ công nhân cơ khí, công nhân điện, công nhân máy bơm.

Tổ chức quản lý các trạm bơm:

Mỗi trạm bơm (kể cả những máy đặt cố định lẻ) đều tổ chức thành tổ quản lý trạm bơm gồm các thành phần sau đây:

-Trạm bơm tưới cho nhiều xã thì mỗi xã một ủy viên Ủy ban hành chính xã, một đại biểu của Ban quản trị hợp tác xã được tưới và tổ trưởng tổ công nhân chạy máy.

- Trạm bơm tưới cho nhiều hợp tác xã trong một xã gồm có một uỷ viênỦy ban hành chính xã, mỗi hợp tác xã một đại biểu Ban quản trị và tổ trưởng công nhân chạy máy.

- Trạm bơm tưới cho một hợp tác xã gồm có một uỷ viên Ban quản trị hợp tác xã, mỗi đội sản xuất một đại biểu và một công nhân chạy máy bơm.

Tổ quản lý trạm bơm có nhiệm vụ lãnh đạo thực hiện và thực hiện làm nhà che máy, bệ đặt máy, xây dựng hệ thống mương máng, xây dựng và thực hiện kế hoạch dùng nước (hay lịch tưới) kế hoạch tưới tiêu khoa học trong phạm vi diện tích trạm bơm phụ trách, chấp hành đúng chế độ nội quy chạy máy và bảo vệ máy bơm, thực hiện đúng quy định kỹ thuật, theo dõi kết quả tưới, phấn đấu hạ giá thành tưới tiêu, điều hoà giải quyết quyền lợi, mâu thuẫn về tưới tiêu giữa xã này với xã khác, hợp tác xã này với hợp tác xã khác, đôn đốc bảo đảm hợp tác xã trả tiền thuê tưới, tiêu bằng máy bơm đúng hợp đồng đã ký kết v.v…Tổ quản lý trạm bơm sinh hoạt theo định kỳ do Ty Thuỷ lợi quy định.

IV. ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, ĐÃI NGỘ CÔNG NHÂN

Hàng năm tỉnh căn cứ số lượng máy bơm được tăng thêm và căn cứ tình hình công nhân máy bơm trong tỉnh mà đặt kế hoạch đào tạo công nhân chạy máy và công nhân sửa chữa cho đội và cho hợp tác xã.

Thời gian đào tạo công nhân chạy máy ít nhất sáu tháng, công nhân sửa chữa từ tám đến mười tháng, khi mãn khoá tổ chức sát hạch và cấp bằng tốt nghiệp.

Tỉnh nào xét thấy không đủ khả năng đào tạo thì báo cáo về Bộ (Cục thủy nông) để có biện pháp giúp đỡ.

Đối với công nhân chạy máy do tỉnh đào tạo trước đây (kể cả công nhân của hợp tác xã) vì thời gian đào tạo quá ngắn (1 – 2 tháng, thậm chí 15 ngày) cho nên kể từ sau vụ mùa năm 1964 cần tập trung bổ túc thêm về nghiệp vụ độ 3 – 4 tháng và sát hạch lại, nếu thi đỗ thì cấp bằng tốt nghiệp, nếu thi không đỗ thì cho học thêm hoặc cá biệt có công nhân quá kém nên cho làm việc khác. Thêm nữa hằng năm cần mở lớp ngắn ngày hoặc tổ chức hội nghị học tập v.v… cho công nhân chạy máy, nhằm không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm và khả năng chuyên môn của công nhân.

Về đãi ngộ, đối với công nhân trong biên chế Nhà nước hưởng lương bổng theo chế độ hiện hành và thực hiện đúng chế độ thù lao làm việc ngoài giờ do Nhà nước quy định. Đối với công nhân thời vụ do đội thuê mướn, đội trả lương theo thời gian chạy máy, khi hết thời vụ chạy máy, hợp tác xã bố trí công ăn việc làm cho anh em và giải quyết thoả đáng vấn đề lương thực cho họ. Đối với công nhân của hợp tác xã cần có chính sách công điểm thích đáng và thống nhất trong toàn tỉnh, công điểm nên trả bằng công cao nhất của hợp tác xã và quán triệt nguyên tắc phân phối theo lao động công điểmban đêm phải cao hơn công điểm làm ban ngày v.v…

V. BÁN MÁY BƠM CHO HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP

Xuất phát từ yêu cầu dung máy bơm tưới ruộng của hợp tác xã và căn cứ trình độ quản lý, khả năng công nhân máy bơm Bộ chủ trương kể từ nay những máy bơm dầu đặt cố định phân tán lẻ thuộc đội quản lý, cần bán cho hợp tác xã nông nghiệp tự quản lý sử dụng.

Để máy bơm bán cho hợp tác xã được tận dụng công suất Bộ quy định những hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có đủ những điều kiện sau đây được mua máy bơm dầu:

- Mua máy bơm dùng vào việc tưới, tiêu phục vụ cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp của hợp tác xã.

- Hợp tác xã mua máy bơm phải có đủ những điều kiện đã nói ở các điểm a, b, c ở mục I (phương hướng sử dụng máy bơm).Trường hợp có những hợp tác xã có ít diện tích gieo trồng, không sử dụng hết công suất máy, tỉnh xét thấy cần cũng có thể bán máy bơm cho hợp tác xã đó, nhưng nên vận động tưới thuê cho hợp tác xã bạn bên cạnh và sử dụng vào việc chế biến, xay sát v.v… để tận dụng công suất máy.

- Máy của hợp tác xã thuộc quyền sở hữu tập thể của hợp tác xã, nhưng phải thi hành đúng chế độ quản lý kỹ thuật, máy móc, quản lý tưới, tiêu, chế độ tiểu tu, trung tu, đại tu do Ty Thuỷ lợi quy định và mỗi máy bơm phải có hai công nhân sử dụng.

- Nếu máy của hợp tác xã trong thời vụ chưa sử dụng tưới, tiêu, mà trong tỉnh có nơi hạn, úng nghiêm trọng,Ủy ban hành chính tỉnh xét cần có thể điều động đi chống hạn, úng trong một thời gian, khi hợp tác xã cần tưới, tiêu trả lại ngay và trả tiền thuê máy cho hợp tác xã, nếu hư hỏng phải sửa chữa mới trả.

- Hợp tác xã mua máy bơm trả ngay tiền cho tài chính bằng phần vốn tự có của hợp tác xã, nếu thiếu vay Ngân hàng trả cho đủ một lần. Nếu hợp tác xã nghèo, không có quỹ tích luỹ bao nhiêu, không bắt buộc trả phần vốn tự có, mà được vay Ngân hang để trả tiền mua máy.

Tiền bán máy cho hợp tác xã, Ty Tài chính thu và nộp vào ngân sách trung ương.

Việc bán máy bơm cho hợp tác xã do Ty Thuỷ lợi xét và đề nghị,Ủy ban hành chính tỉnh chuẩn y. Cần lập hội đồng định giá gồm đạidiện các cơ quan: Ty Thuỷ lợi, Ty Tài chính, Ban Nông thôn (bộ phận hợp tác hoá), Ty Nông nghiệp, Chi nhánh Ngân hàng, để định giá cả phải chăng, trìnhỦy ban hành chính duyệt mới được thi hành.

Máy của hợp tác xã cũng phải trích khấu hao cơ bản để dần dần hồi vốn lại cho hợp tác xã và sửa chữa máy. Tiền khấu hao cơ bản tính vào chi phí sản xuất.

Đối với máy bơm của hợp tác xã, Ty Thuỷ lợi (đội máy bơm) có trách nhiệm theo dõi hoạt động của máy, chỉ đạo hướng dẫn kỹ thuật; sửa chữa máy hư hỏng, đào tạo bồi dưỡng công nhân chạy máy v.v... Phí tổn về sửa chữa máy và bồi dưõng công nhân do hợp tác xã đài thọ.

Những quy định về bán máy bơm dầu cho hợp tác xã có tính chất hướng dẫn, Uỷ ban hành chính tỉnh căn cứ tình hình cụ thể của địa phương mà quy định việc bán máy bơm cho hợp tác xã cho sát theo nguyên tắc tận dụng hết công suất máy và quản lý sử dụng tốt.

Những quy định trên đây nhằm giúp địa phương giải quyết một số tồn tại, mắc mứu trong việc quản lý sử dụng máy bơm cho tưới ruộng nhưng chưa phải giải quyết triệt để vì có nhiều vấn đề liên quan đến nhiều ngành. Đề nghịỦy ban hành chính các tỉnh, sau khi nhận được thông tư này, cần nghiên cứu và căn cứ tình hình cụ thể mỗi địa phương đặt kế hoạch thi hành và trong quá trình thực hiện có điều gì chưa rõ hoặc còn vướng mắc, báo cáo lên Bộ để nghiên cứu giải quyết và bổ sung.

BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ LỢI




Hà Kế Tấn

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 26-TL-TT-1964 quy định tạm thời về quản lý, sử dụng máy bơm nhỏ tưới ruộng do Bộ Thủy lợi ban hành

  • Số hiệu: 26-TL-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/09/1964
  • Nơi ban hành: Bộ Thuỷ lợi
  • Người ký: Hà Kế Tấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 35
  • Ngày hiệu lực: 10/10/1964
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản