Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26-TC/CĐKT

Hà Nội, ngày 11 tháng 06 năm 1959

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ HẠCH TOÁN KẾ TOÁN PHÍ TỔN TRỰC TIẾP, PHÍ TỔN GIÁN TIẾP VÀ CÔNG TRÌNH TẠM THỜI LOẠI LỚN TRONG CÔNG TRÌNH KIẾN THIẾT CƠ BẢN.

Căn cứ vào Thông tư số 880-UB/CQL ngày 24-4-1959 của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước quy định tạm thời các thành phần phí tổn trực tiếp và gián tiếp trong công trình kiến thiết cơ bản, dưới đây Bộ tôi quy định về mặt hạch toán kế toán để bổ sung một số quy định trong chế độ kế toán kiến thiết cơ bản hiện hành:

I. PHÍ TỔN TRỰC TIẾP KHÁC

Bao gồm thêm các khoản chi dưới đây:

1. Phí tổn về vận chuyển vật liệu trong phạm vi công trường (vận chuyển bằng mọi phương tiện kể cả phương tiện cơ giới).

2. Phí tổn về điện nước, sức gió, hơi nước dùng vào việc hoạt động của thi công như thắp đèn ở công trường để làm đêm v.v…

3. Phí tổn về chuẩn bị công trường, như: dọn dẹp chỗ để thi công, đo đạc nhỏ, đóng cọc tim phụ, cắm ngựa và phí tổn về thu dọn công trường, sau khi toàn thành công trình để bàn giao.

II. PHÍ TỔN GIÁN TIẾP

A. Chi phí về quản lý hành chính.

Bao gồm thêm các khoản chi dưới đây:

1. Chi phí về điện nước dùng vào việc sinh hoạt của công nhân viên, việc hoạt động của bộ máy và việc bảo vệ công trường.

2. Chi về tiền lương và chiêu đãi chuyên gia các nước bạn hướng dẫn kỹ thuật của đơn vị thi công (để thành một mục riêng).

Trường hợp cho thầu công trình xây lắp nếu đơn vị kiến thiết có chi về lương và chiêu đãi chuyên gia thời khoản chi này không hạch toán vào giá thành công trình xây lắp (Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước sẽ có quy định riêng về điểm này).

B. Chi phí gián tiếp khác.

Bao gồm thêm các khoản chi dưới đây:

1. Chi phí để giải quyết các quyền lợi của công nhân do chế độ tiền lương và phụ cấp Nhà nước đã quy định.

2. Chi phí về công tác kiểm kê tài sản hàng năm của đơn vị thi công và trong phạm vi tài sản của đơn vị thi công.

III. CÔNG TRÌNH TẠM THỜI LOẠI LỚN

Bộ tôi đã thảo luận với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước về hướng giải quyết công trình tạm thời loại lớn còn tốt khi công tác kiến thiết cơ bản đã hoàn thành và đã được Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước thỏa thuận giao cho đơn vị sản xuất kinh doanh để tiếp tục sử dụng và tính khấu hao vào giá thành sản phẩm. Sẽ hạch toán như sau:

A. Đối với đơn vị kiến thiết tự làm.

a) Khi xây dựng công trình tạm thời loại lớn thì sẽ hạch toán như sau:

1. Khi chi về việc xây dựng này:

Nợ 041 Chi phí về sản xuất công trình xây dựng.

Có 021 Vật liệu chính

022 vật liệu phụ

040 Lương chính, v.v…

2. Khi xây dựng xong sẽ kết chuyển:

Nợ 202 Mua sắm và công trình kiến thiết cơ bản trong kế hoạch Nhà nước chưa hoàn thành (công trình tạm thời loại lớn).

Có 041 Chi phí về sản xuất công trình xây dựng.

Phải có sổ chi tiết riêng về công trình tạm thời loại lớn để tính già thành công trình này và theo dõi. (Trong quá trình sử dụng công trình tạm thời loại lớn không tính khấu hao và các đối tượng sử dụng).

3. Trong quá trình sử dụng nếu có sửa chữa lớn thì khoản chi phí sửa chữa lớn sẽ tính thêm vào giá trị công trình tạm thời loại lớn:

- Khi chi về sửa chữa lớn:

Nợ 044 Chi phí về sản xuất công trình xây lắp phụ.

Có 021 Vật liệu chính

022 Vật liệu phụ

040 Lương chính v.v…

- Khi sửa chữa lớn xong thì tính thêm khoản chi phí sửa chữa lớn vào giá thành công trình tạm thời loại lớn:

Nợ 202 Mua sắm và công trình kiến thiết cơ bản trong kế hoạch Nhà nước chưa hoàn thành (công trình tạm thời loại lớn).

Có 044 Chi phí về sản xuất công trình xây lắp phụ.

b) Khi toàn bộ công trình xây lắp đã hoàn thành và bàn giao cho đơn vị sản xuất kinh doanh thì sẽ giao cả công trình tạm thời loại lớn này và khi giao thời hạch toán như sau theo giá trị còn lại của nó:

Nợ 201 Mua sắm và công trình kiến thiết cơ bản trong kế hoạch Nhà nước đã hoàn thành (công trình tạm thời loại lớn).

Có 202 Mua sắm và công trình kiến thiết cơ bản trong kế hoạch Nhà nước chưa hoàn thành (công trình tạm thời loại lớn).

Giá trị còn lại của nó sẽ tính theo công thức dưới đây: Nguyên giá + Chi phí sửa chữa lớn – giá trị hao mòn ước tính.

Sẽ phân bổ giá trị hao mòn của công trình tạm thời loại lớn vào giá thành các công trình xây lắp đã hoàn thành và bàn giao và hạch toán như sau:

Nợ 201 Mua sắm và công trình kiến thiết cơ bản trong kế hoạch Nhà nước đã hoàn thành (các công trình xây lắp).

Có 202 Mua sắm và công trình kiến thiết cơ bản trong kế hoạch Nhà nước chưa hoàn thành (công trình tạm thời loại lớn).

c) Trường hợp phải dỡ công trình tạm thời loại lớn sau khi toàn bộ công trình xây lắp đã hoàn thành.

1. Khi chi về việc tháo dỡ này:

Nợ 044 Chi phí về sản xuất công trình xây lắp phụ.

Có 040 Lương chính

021 Vật liệu chính v.v…

2. Khi tháo dỡ xong thì kết chuyển số chi phí về tháo dỡ:

Nợ 202 Mua sắm và công trình kiến thiết cơ bản trong kế hoạch Nhà nước chưa hoàn thành (công trình tạm thời loại lớn).

Có 044 Chi phí về sản xuất công trình xây lắp phụ.

3. Khi có thu nhập về công trình tạm thời loại lớn tháo dỡ:

Nợ 022 Vật liệu phụ (nếu thu vật liệu và nhập kho) hoặc 070 (nếu thu bằng tiền).

- 215 Khoản cấp phát về kiến thiết cơ bản do ngân sách cấp riêng.

Có 202 Mua sắm và công trình kiến thiết cơ bản trong kế hoạch Nhà nước, chưa hoàn thành (công trình tạm thời loại lớn).

Giá trị hao mòn của công trình tạm thời loại lớn tháo dỡ sẽ tính theo công thức dưới đây:

Nguyên giá + chi phí sửa chữa lớn + Chi phí tháo dỡ - Thu nhập về thanh toán.

Sẽ phân bổ giá trị hao mòn nay vào giá thành các công trình xây lắp đã hoàn thành và bàn giao và hạch toán như sau:

Nợ 201 Mua sắm và công trình kiến thiết cơ bản trong kế hoạch Nhà nước đã hoàn thành (các công trình xây lắp).

Có 202 Mua sắm và công trình kiến thiết cơ bản trong kế hoạch Nhà nước chưa hoàn thành (công trình tạm thời loại lớn).

d) Trường hợp bán lại cho người ngoài công trình tạm thời loại lớn sau khi toàn bộ công trình xây lắp đã hoàn thành và bàn giao:

1. Khi nhận số tiền bán:

Nợ 070 Quỹ hoặc 215 Khoản cấp phát về kiến thiết cơ bản do ngân sách cấp.

Có 202 Mua sắm và công trình kiến thiết cơ bản trong kế hoạch Nhà nước chưa hoàn thành (công trình tạm thời loại lớn).

Giá trị hao mòn của công trình tạm thời loại lớn (nguyên giá + Chi phí sửa chữa lớn – Giá bán) sẽ phải phân bổ vào giá thành các công trình xây lắp đã hoàn thành và bàn giao và hạch toán như sau:

Nợ 201 Mua sắm và công trình kiến thiết cơ bản trong kế hoạch Nhà nước đã hoàn thành (các công trình xây lắp).

Có 202 Mua sắm và công trình kiến thiết cơ bản trong kế hoạch Nhà nước chưa hoàn thành (công trình tạm thời loại lớn).

B. Đối với đơn vị kiến thiết cho thầu:

a) Khi xây dựng công trình tạm thời loại lớn thì sẽ hạch toán như sau:

1. Khi thanh toán công trình tạm thời loại lớn đã hoàn thành với người bao thầu (sau khi hai bên đã kiểm nhận đúng quy cách và tiêu chuẩn) đơn vị kiến thiết cho thầu ghi sổ:

Nợ 202 Mua sắm và công trình kiến thiết cơ bản trong kế hoạch Nhà nước chưa hoàn thành (công trình tạm thời loại lớn).

Có 087 Khoản tiền công trình phải trả cho người nhận thầu.

Phải có sổ chi tiết riêng về công trình tạm thời loại lớn để tính giá thành công trình này và theo dõi (Trong quá trình xí nghiệp xây lắp sử dụng công trình tạm thời loại lớn này không thu tiền cho thuê).

2. Trong quá trình sử dụng nếu có sửa chữa lớn thì khoản chi phí sửa chữa lớn này do đơn vị kiến thiết đài thọ và tính thêm vào giá trị công trình tạm thời loại lớn. Sẽ hạch toán như sau:

- Khi thanh toán chi phí sửa chữa lớn công trình tạm thời loại lớn với người bao thầu thì đơn vị kiến thiết cho thầu ghi sổ:

Nợ 202 Mua sắm và công trình kiến thiết cơ bản trong kế hoạch Nhà nước chưa hoàn thành (công trình tạm thời loại lớn).

Có 087 Khoản tiền công trình phải trả cho người nhận thầu:

b) Khi toàn bộ công trình xây lắp đã hoàn thành và giao cho đơn vị sản xuất kinh doanh thì sẽ giao cả công trình tạm thời loại lớn này và khi giao thời hạch toán theo các toán tự ở mục b/ của phần “Đối với đơn vị kiến thiết tự làm”.

c) Trường hợp phải dỡ công trình tạm thời loại lớn ấy thì ghi sổ theo các toán tự ở mục c/ của phần “Đối với đơn vị kiến thiết tự làm”.

d) Trường hợp bán lại cho người ngoài công trình tạm thời loại lớn khi nhận tiền thì ghi sổ theo các toán tự ở mục d/ của phần “Đối với đơn vị kiến thiết tự làm”.

IV. PHỤ CẤP NGOÀI LƯƠNG

Theo quy định về tổng mức tiền lương của Thủ tướng phủ số 167-TTg ngày 27-3-1959, tiền nộp quỹ công đoàn nằm trong mục “Phụ cấp ngoài lương”, do đó trong Thông tư số 880-UB/CQL nói trên của Ủy ban kế hoạch Nhà nước số tiền nộp này phải ở trong mục 3 (mục phụ cấp ngoài lương) chứ không thể để thành một mục riêng (mục 16).

Uỷ ban kế hoạch Nhà nước đã thỏa thuận về điểm này.

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Trịnh Văn Bính

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 26-TC/CĐKT năm 1959 quy định về hạch toán kế toán phí tổn trực tiếp, phí tổn gián tiếp và công trình tạm thời loại lớn trong công trình kiến thiết cơ bản do Bộ Tài Chính ban hành

  • Số hiệu: 26-TC/CĐKT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/06/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trịnh Văn Bính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 26
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản