Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2021/TT-BTTTT

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC, QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ VÀ TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ TRONG ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC LĨNH VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông (sau đây gọi tắt là Hội đồng quản lý), mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan quản lý cấp trên; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông được cấp có thẩm quyền thành lập theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập và hoạt động của Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

3. Thông tư này không áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

4. Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội căn cứ quy định của Thông tư này và các quy định của Đảng và của pháp luật có liên quan để áp dụng cho phù hợp.

Điều 3. Nguyên tắc, điều kiện và thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập

Nguyên tắc, điều kiện và thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2 và 7 Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây viết tắt là Nghị định số 120/2020/NĐ-CP).

Điều 4. Thủ tục thành lập Hội đồng quản lý

1. Thủ tục thành lập Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

2. Đề án thành lập Hội đồng quản lý gồm các nội dung chính như sau:

a) Sự cần thiết và cơ sở pháp lý;

b) Vị trí, chức năng;

c) Nhiệm vụ và quyền hạn;

d) Cơ cấu tổ chức;

đ) Dự kiến phương án nhân sự của Hội đồng quản lý;

e) Kiến nghị của cơ quan, đơn vị xây dựng đề án thành lập Hội đồng quản lý (nếu có).

Chương II

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC, QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ VÀ TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ

Điều 5. Vị trí và chức năng

1. Hội đồng quản lý là đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Hội đồng quản lý quyết định các vấn đề quan trọng của đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm: phương hướng, chiến lược, kế hoạch hoạt động, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính; kiểm tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Quyết định mục tiêu, phương hướng hoạt động, chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và hàng năm của đơn vị sự nghiệp công lập.

Hội đồng quản lý không can thiệp vào hoạt động sản xuất nội dung thông tin báo chí, xuất bản của người đứng đầu cơ quan báo chí, xuất bản theo quy định của Luật Báo chí, Luật Xuất bản.

2. Thông qua quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Quyết định chủ trương đầu tư mở rộng hoạt động, thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Thông qua đề án vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, kế hoạch số lượng người làm việc hàng năm.

5. Quyết định chủ trương về tổ chức bộ máy, công tác nhân sự lãnh đạo quản lý các đơn vị trực thuộc.

6. Phê duyệt phương án vay vốn, huy động vốn để đầu tư mở rộng, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất hiện có, mua bổ sung trang thiết bị để nâng cao chất lượng, tăng quy mô hoạt động sự nghiệp, tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và hoàn trả vốn theo quy định.

7. Thông qua đề án liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

8. Thông qua báo cáo quyết toán tài chính hàng năm của đơn vị sự nghiệp công lập.

9. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản lý, chiến lược, kế hoạch hoạt động, việc thực hiện quy chế dân chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định.

10. Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo cơ quan quản lý cấp trên về các hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; kiến nghị với quản lý cấp trên những vấn đề liên quan đến hoạt động của đơn vị vượt quá thẩm quyền của Hội đồng quản lý.

11. Định kỳ hoặc đột xuất yêu cầu người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập báo cáo về các hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

12. Quyết định các vấn đề quan trọng khác của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật và quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 7. Cơ cấu tổ chức và số lượng thành viên Hội đồng quản lý

1. Hội đồng quản lý có tổng số thành viên là số lẻ, từ 05 đến 11 thành viên, gồm Chủ tịch và các thành viên khác.

Chế độ làm việc của Chủ tịch Hội đồng quản lý do cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý quyết định căn cứ vào yêu cầu thực tế và quy định của pháp luật, các thành viên khác của Hội đồng quản lý làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

2. Thành phần Hội đồng quản lý gồm có:

a) Đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập trong Hội đồng quản lý gồm đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có);

b) Bí thư cấp ủy, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, đại diện tổ chức chính trị - xã hội thuộc đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Số lượng, cơ cấu, thành phần cụ thể của thành viên Hội đồng quản lý do cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng quản lý phê duyệt.

Điều 8. Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng quản lý

1. Là công chức, viên chức thuộc quản lý của cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý.

2. Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín, có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ.

3. Có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên với chuyên ngành phù hợp với nhiệm vụ được giao.

4. Có kinh nghiệm trong công tác chuyên môn hoặc quản lý.

5. Không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang thi hành quyết định kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử; không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.

6. Không phải là vợ hoặc chồng; cha, mẹ, anh, chị, em ruột (hoặc nuôi); con đẻ hoặc con nuôi của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, kế toán trưởng của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc bên vợ (hoặc chồng) của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, kế toán trưởng của đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 9. Tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng quản lý

1. Đáp ứng các tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng quản lý.

2. Có năng lực quản lý và đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn như người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định pháp luật và quy định của cấp có thẩm quyền.

Điều 10. Bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý

1. Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm, miễn nhiệm. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý không quá 05 năm.

2. Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản lý được miễn nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Chuyển công tác khác;

b) Tự nguyện xin thôi giữ chức vụ bằng văn bản và được cấp có thẩm quyền chấp thuận;

c) Do không đủ sức khỏe, hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao;

d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản lý (nếu có).

Điều 11. Quy chế hoạt động

Hội đồng quản lý hoạt động theo quy chế hoạt động được cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý phê duyệt. Quy chế hoạt động gồm các nội dung chủ yếu như sau:

1. Các quy định chung.

2. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý.

3. Số lượng, cơ cấu tổ chức của Hội đồng quản lý, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý.

4. Cơ chế hoạt động của Hội đồng quản lý.

5. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của thành viên Hội đồng quản lý.

6. Mối quan hệ công tác giữa Hội đồng quản lý với cơ quan cấp trên và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

7. Điều kiện làm việc và kinh phí hoạt động của Hội đồng quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Cơ chế hoạt động

1. Hội đồng quản lý làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.

Hội đồng quản lý họp định kỳ ít nhất 03 tháng một lần và họp đột xuất khi cần thiết theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng quản lý hoặc cấp có thẩm quyền thành lập hoặc yêu cầu của ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng quản lý.

Các cuộc họp của Hội đồng quản lý được coi là hợp lệ khi có trên 2/3 số thành viên tham dự. Nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản lý được thông qua khi có ít nhất 50% số thành viên Hội đồng quản lý nhất trí.

2. Hội đồng quản lý được sử dụng bộ máy giúp việc và con dấu của đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện các nhiệm vụ của mình.

3. Chủ tịch Hội đồng quản lý có trách nhiệm và quyền hạn chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý; phân công nhiệm vụ cho thành viên Hội đồng quản lý; chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của Hội đồng quản lý; chỉ đạo tổ chức và chủ trì các cuộc họp của Hội đồng quản lý; ký các văn bản của Hội đồng quản lý.

4. Thành viên Hội đồng quản lý thực hiện và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ của Hội đồng quản lý do Chủ tịch Hội đồng quản lý phân công và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật; tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng quản lý.

5. Cơ chế hoạt động của Hội đồng quản lý được quy định cụ thể trong quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý.

Điều 13. Mối quan hệ công tác

1. Mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với cơ quan quản lý cấp trên

a) Hội đồng quản lý chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

b) Hội đồng quản lý có trách nhiệm báo cáo các hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đối với cơ quan quản lý cấp trên;

c) Cơ quan quản lý cấp trên thông qua hoặc có ý kiến đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền theo đề nghị của Hội đồng quản lý.

2. Mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập

a) Hội đồng quản lý quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền theo đề nghị của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý điều hành hoạt động của đơn vị thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản lý và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nghị quyết trước Hội đồng quản lý;

c) Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm định kỳ hoặc đột xuất báo cáo các hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu của Hội đồng quản lý;

d) Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chịu sự kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản lý.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2022.

Điều 15. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu cơ quan do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh bằng văn bản về Bộ Thông tin và Truyền thông để được hướng dẫn xử lý hoặc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 26/2021/TT-BTTTT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 26/2021/TT-BTTTT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/12/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản