Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 251/2016/TT-BTC

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2016

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ XỬ LÝ VỤ VIỆC CẠNH TRANH

Căn cứ Luật phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật cạnh tranh ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xử lý vụ việc cạnh tranh.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng các loại phí, gồm: phí xử lý vụ việc cạnh tranh; phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

a) Tổ chức, cá nhân khi được cơ quan quản lý cạnh tranh có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh; giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh;

b) Cơ quan quản lý cạnh tranh có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh; giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh;

c) Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp phí xử lý vụ việc cạnh tranh; phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh.

Điều 2. Người nộp phí

1. Người nộp phí xử lý vụ việc cạnh tranh là các bên theo quy định tại Điều 63 Luật cạnh tranh.

2. Người nộp phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại Điều 71 Luật cạnh tranh.

3. Người nộp phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh là bên nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 30 Luật cạnh tranh.

Điều 3. Tổ chức thu phí

Cục Quản lý cạnh tranh (trực thuộc Bộ Công Thương) có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh, giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh là tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư này.

Điều 4. Mức thu phí

1. Mức phí xử lý vụ việc cạnh tranh:

a) Đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh là 10.000.000 đồng/vụ việc;

b) Đối với hành vi hạn chế cạnh tranh là 100.000.000 đồng/vụ việc.

2. Mức phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là 10.000.000 đồng/vụ việc.

3. Mức phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh là 50.000.000 đồng/hồ sơ.

Điều 5. Kê khai, nộp phí

1. Đối với người nộp phí thực hiện như sau:

a) Bên khiếu nại theo quy định tại Điều 58 Luật cạnh tranh phải nộp tạm ứng phí xử lý vụ việc cạnh bằng 50% mức phí quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

- Trường hợp bên khiếu nại không phải chịu phí theo quy định tại Điều 63 Luật cạnh tranh thì tổ chức thu phí trả lại toàn bộ phí tạm ứng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật; bên bị khiếu nại phải nộp 100% mức phí xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

- Trường hợp bên khiếu nại phải chịu phí theo Điều 63 Luật cạnh tranh thì bên khiếu nại phải nộp 50% mức phí còn lại theo mức quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

b) Khi có yêu cầu độc lập tham gia tố tụng cạnh tranh với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người có yêu cầu độc lập phải nộp tạm ứng 100% mức phí theo mức quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này. Người có yêu cầu độc lập phải chịu phí đối với yêu cầu độc lập của họ nếu yêu cầu đó không được cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh chấp nhận. Trường hợp được chấp nhận, người có yêu cầu độc lập được trả lại số tiền phí tạm ứng đã nộp;

c) Khi nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ, người nộp hồ sơ phải nộp 100% mức phí theo mức quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này và không được hoàn trả trong mọi trường hợp.

2. Đối với tổ chức thu phí thực hiện như sau:

a) Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước;

b) Tổ chức thu phí thực hiện kê khai phí theo tháng, quyết toán phí theo năm theo quy định tại khoản 3 Điều 19 và nộp phí theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ.

Điều 6. Quản lý và sử dụng phí

1. Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành. Nguồn chi phí trang trải cho việc xử lý và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, được để lại 90% (chín mươi phần trăm) trong tổng số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc xử lý và thu phí theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí. Số tiền phí còn lại 10% (mười phần trăm) phải nộp vào ngân sách nhà nước theo Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.

2. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí không hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Luật phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

3. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn./.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Vũ Thị Mai

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 251/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xử lý vụ việc cạnh tranh do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 251/2016/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/11/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Vũ Thị Mai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1239 đến số 1240
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản