Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 247-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 1973

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC XÉT DUYỆT, CÔNG NHẬN VÀ CÔNG BỐ HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1973

Để đánh giá đúng đắn tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1973, thúc đẩy công tác hạch toán kinh tế ở cơ sở ngày càng đi vào nề nếp, việc xét duyệt, công nhận và công bố hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1973 đối với các đơn vị kinh tế cơ sở cần được các ngành, các cấp làm theo tinh thần sau đây.

1. Nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước năm 1973 được đặt ra trong tình hình mới, có nhiều cơ sở kinh tế quan trọng bị địch đánh phá trong chiến tranh phải tập trung phục hồi, hoặc xây dựng lại, nhiều cơ sở kinh tế của trung ương và địa phương phải di chuyển từ nơi sơ tán, phân tán về địa điểm cũ, tổ chức lại sản xuất; còn lại một số đơn vị không bị đánh phá (thường thuộc loại vừa và nhỏ) vẫn tiếp tục sản xuất. Trong tình hình đó, việc xét duyệt và công nhận hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1973 đối với các đơn vị kinh tế cơ sở, một mặt, phải căn cứ vào các chỉ tiêu đã ban hành để đánh giá mức độ hoàn thành kế hoạch được giao, mặt khác, phải kết hợp với nhiệm vụ khôi phục sản xuất (phần tự làm về phục hồi cơ sở sản xuất) của đơn vị kinh tế cơ sở mà Bộ, Tổng cục, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố đã giao (nếu có) để đánh giá đúng đắn những cố gắng của đơn vị để từ đó có căn cứ xét việc khen thưởng thích đáng đối với những đơn vị vừa làm tốt nhiệm vụ sản xuất, vừa làm tốt nhiệm vụ khôi phục cơ sở sớm ổn định sản xuất. Trong ngành xây dựng cơ bản, cần quan tâm đúng mức đối với các đơn vị kinh tế cơ sở làm nhiệm vụ phục hồi các công trình quan trọng.

2. Căn cứ để kiểm tra xét duyệt và công nhận hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1973 đối với các đơn vị kinh tế cơ sở là kế hoạch chính thức năm 1973 mà các Bộ, Tổng cục. Uỷ ban hành chính các tỉnh và thành phố đã giao trong tháng 7 hoặc tháng 8 năm 1973. Những kế hoạch giao vào tháng 9 và trong quý IV năm 1973 không dùng làm căn cứ để xét duyệt và công nhận hoàn thành kế hoạch.

3. Việc xét duyệt hoàn thành kế hoạch Nhà nước phải dựa trên số liệu chính thức năm 1973, tính toán đúng phương pháp đã được Nhà nước quy định. Đơn vị được công nhận hoàn thành kế hoạch Nhà nước là đơn vị đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh (cả về hiện vật và tài chính) được giao và không để hư hỏng, mất mát, lãng phí tài sản của Nhà nước một cách nghiêm trọng. Đối với các đơn vị kinh tế cơ sở công nghiệp, nông trường quốc doanh, lâm trường, vận tải, thương nghiệp cung ứng vật tư kỹ thuật, ngoài việc xét duyệt và công nhận hoàn thành kế hoạch Nhà nước về các chỉ tiêu sản xuất đã được quy định, năm 1973, nếu có nhiệm vụ khôi phục cơ sở bằng lực lượng lao động của mình và được cấp trên giao chỉ tiêu, thì phải xét cả việc hoàn thành các chỉ tiêu đó.

Việc xét duyệt và công nhận hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu các sản phẩm chủ yếu, nếu các sản phẩm ấy đúng quy cách và phẩm chất ghi trong kế hoạch phải làm nghiêm túc. Đối với những sản phẩm sản xuất ra không bảo đảm chất lượng do thiếu trách nhiệm hoặc cố ý sản xuất ra sản phẩm không đúng tiêu chuẩn, quy cách thì dù có tiêu thụ được sản phẩm cũng không được tính vào giá trị tổng sản lượng.

Đối với các đơn vị có sản phẩm chủ yếu sản xuất trong một thời gian dài (trên 1 năm) như sản xuất công nghiệp đóng tầu lớn, trong ngành xây dựng cơ bản thi công các hạng mục công trình lớn, kiên cố, dài hạn thì việc xét duyệt và công nhận hoàn thành kế hoạch Nhà nước hàng năm phải căn cứ vào kế hoạch tiến độ sản xuất, hoặc tiến độ thi công để kiểm tra, xét duyệt và công nhận hoàn thành kế hoạch.

4. Khi xét duyệt và công nhận hoàn thành kế hoạch không đặt vấn đề loại trừ các yếu tố khách quan. Trong trường hợp đơn vị kinh tế cơ sở vì bị thiệt hại nặng nề bão lũ mà không hoàn thành kế hoạch, nhưng có thành tích xuất sắc trong việc phấn đấu thực hiện kế hoạch, đã làm tốt công tác quản lý kinh tế và bảo vệ tài sản của Nhà nước trong bão lũ, nếu được Bộ, Tổng cục, Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố xác nhận thì được khen thưởng thích đáng như những đơn vị hoàn thành kế hoạch, nhưng không được công nhận và công bố là đơn vị hoàn thành kế hoạch Nhà nước.

5. Thủ trưởng các Bộ, Tổng cục, Chủ tịch Uỷ ban hành chính các tỉnh, thành phố có trách nhiệm xét duyệt, công nhận và công bố hoàn thành kế hoạch Nhà nước đối với các đơn vị kinh tế cơ sở thuộc phạm vi mình quản lý. Nhưng trước khi quyết định công nhận và công bố hoàn thành kế hoạch đối với các đơn vị kinh tế cơ sở phải có sự tham gia và nhất trí của cơ quan thống kê Nhà nước và cơ quan tài chính cùng cấp.

Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra tính chất chính xác của công tác hạch toán và của báo cáo thống kê kế toán (về nội dung, phương pháp tính toán các chỉ tiêu, mức độ chính xác của số liệu) và kiểm tra lại việc xét duyệt công nhận hoàn thành kế hoạch của các Bộ, Tổng cục, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố đối với các đơn vị kinh tế cơ sở.

6. Việc khen thưởng đối với các đơn vị kinh tế cơ sở phải căn cứ vào đặc điểm của tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1973. Ban thi đua trung ương, Bộ Tài chính sẽ có thông tư riêng để hướng dẫn các ngành, các cấp thi hành.

Để việc xét duyệt, công nhận và công bố hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1973 được nhanh gọn, chặt chẽ, ngay từ bây giờ các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban hành chính các tỉnh, thành phố cần tiến hành kiểm tra các đơn vị kinh tế cơ sở về tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước và dự kiến việc thực hiện kế hoạch cả năm. Khi đơn vị có báo cáo hoàn thành kế hoạch, cần kiểm tra tiếp và kịp thời quyết định công nhận. Cần khắc phục hiện tượng làm không sâu, không chặt chẽ, cần xử lý những trường hợp đơn vị kinh tế cơ sở báo cáo không trung thực, hoặc không chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo thống kê kế toán đã được Nhà nước quy định.

Các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban hành chính các tỉnh, thành phố cần phổ biến quán triệt thông tư này đến các đơn vị kinh tế cơ sở.

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phó Thủ Tướng




Lê Thanh Nghị

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 247-TTg-1973 về việc xét duyệt, công nhận và công bố hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1973 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 247-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 22/11/1973
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: 30/11/1973
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 07/12/1973
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản