Hệ thống pháp luật

ỦY BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC

*******

Số : 2431-UB/TC

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 06 tháng 09 năm 1961

THÔNG TƯ

BAN HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ TẠM THỜI, VỀ VIỆC LẬP KẾ HOẠCH HẠCH TOÁN VÀ THỐNG KÊ GIÁ THÀNH XÂY LẮP

Kính gửi:

Các Bộ, các Tổng cục
Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh
Các Ủy ban kế hoạch khu, thành, tỉnh.

Thi hành nghị định số 43/CP của Hội đồng Chính phủ ra ngày 16-9-1960 về việc ban hành bản điều lệ tạm thời về việc lập kế hoạch hạch toán, thống kê giá thành và phí lưu thông…

Căn cứ tinh thần điều 4 của nghị định số 43/CP đã quy định “Ủy ban kế hoạch Nhà nước chịu trách nhiệm giải thích bản điều lệ tạm thời này và ban hành những điều lệ cụ thể cho từng ngành”.

Để tăng cường công tác quản lý kinh tế tài chính trên các công trường xây dựng cơ bản Ủy ban kế hoạch Nhà nước gửi đến các Bộ, các Tổng cục, các Ủy ban hành chính và Ủy ban kế hoạch khu, thành, tỉnh:

- Điều lệ cụ thể tạm thời về việc lập kế hoạch hạch toán và thống kê giá thành xây lắp;

- Thông tư giải thích bảng điều lệ cụ thể tạm thời trên;

- Bản giải thích các biểu mẫu và nguyên tắc lập kế hoạch hạch toán và thống kê giá thành xây lắp.

Trong các văn bản này Ủy ban kế hoạch Nhà nước không thể giải thích thật cụ thể, chi tiết cho giá thành xây lắp từng loại công trình xây lắp, do đó, đề nghị:

Các Bộ, các ngành căn cứ những nguyên tắc chính đã quy định trong bản điều lệ này và căn cứ đặc điểm xây lắp của các công trường, nông trường, lâm trường mà nghiên cứu và ban hành những thông tư, quy định cụ thể hơn nữa cho ngành mình (như giá thành xây lắp các công trường thủy lợi, giao thông, bưu điện, nông trường, lâm trường) để hướng dẫn các đơn vị xây lắp thi hành cho thích hợp với đặc điểm của từng loại giá thành.

Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê ban hành các biểu báo thống kê, sổ sách kế toán, và phương pháp tính toán, ghi chép cho ăn khớp với các điều quy định trong các văn bản trên đây.

Bản điều lệ tạm thời này được xây dựng trong điều kiện chưa có nhiều kinh nghiệm, cho nên trong quá trình thực hiện, nếu có những điểm quy định trong các văn bản này chưa thật thích hợp với hoàn cảnh thực tế, đề nghị các Bộ, các ngành các địa phương, các công trường, nông trường, lâm trường gửi cho Ủy ban kế hoạch Nhà nước nghiên cứu và bổ sung để các văn bản trên đây dần dần được hoàn thiện.

K.T. CHỦ NHIỆM
ỦY BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
PHÓ CHỦ NHIỆM




Lê Văn Hiến

ĐIỀU LỆ

CỤ THỂ TẠM THỜI VỀ VIỆC LẬP KẾ HOẠCH HẠCH TOÁN VÀ THỐNG KÊ GIÁ THÀNH XÂY LẮP

Chương 1:

NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. – Giá thành xây dựng và lắp đặt (gọi tắt là giá thành xây lắp) là một bộ phận của kế hoạch giá thành trong kế hoạch kinh tế quốc dân. Ngành xây lắp là một trong người những ngành sản xuất vật chất của nền kinh tế quốc dân. Chức năng của ngành này là bỏ thêm sức lao động vào vật liệu, thiết bị và của cải thiên nhiên khác để xây dựng thành những tài sản cố định cho nền kinh tế quốc dân.

Sản phẩm ngành xây lắp bao gồm:

- Các công việc xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc và công tác lắp đặt thiết bị máy móc trong ngành kiến trúc (còn gọi là công nghiệp kiến trúc).

- Các công tác khai hoang, trồng cỏ, trồng cây lâu năm, xây dựng đê điều, bể chứa nước, v.v… trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy lợi.

- Các công việc xây dựng đường sắt, đường bộ cầu cống, bến tàu, cảng, sân bay, đường dây điện thoại, hệ thống điện tín, v.v… trong ngành giao thông vận tải và bưu điện.

Điều 2. – Trong kế hoạch hàng năm và dài hạn, Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ hạ giá thành xây lắp. Các Bộ căn cứ nhiệm vụ định trong kế hoạch Nhà nước mà giao nhiệm vụ cụ thể cho các công ty xây lắp, hoặc các công trường, nông trường và lâm trường.

Các Bộ và các đơn vị xây lắp có trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ hạ giá thành.

Điều 3. - Để có cơ sở tốt cho việc lập kế hoạch hạch toán và thống kê giá thành xây lắp, các Bộ và các cơ quan phụ trách xây lắp cần lập đầy đủ các biểu mẫu theo chế độ đã quy định. Về mức vốn đầu tư cơ bản, các Bộ, các ngành có đối tượng công trình xây dựng cơ bản (bên A) cần lập các biểu mẫu từ khi công trình mới xây dựng đến khi công trình được hoàn thành như sau:

- Biểu khái toán chung;

- Biểu dự toán thiết kế toàn bộ;

- Biểu quyết toán thiết kế toàn bộ;

- Biểu giá trị công trình;

Giá trị khối lượng công tác xây dựng và lắp đặt là một bộ phận của vốn đầu tư cơ bản và cũng là đối tượng để đấu tranh không ngừng hạ giá thành sản phẩm xây lắp. Do đó, cần thiết phải có các biểu mẫu sau đây:

- Biểu dự toán thiết kế xây lắp (do bên A lập, cụ thể là do cơ quan thiết kế lập).

- Biểu giá thành kế hoạch (còn gọi là biểu giá thành thi công, do đơn vị thi công lập);

- Biểu báo cáo giá thành gồm 2 biểu:

Biểu báo cáo giá thành hàng quý;

Biểu báo cáo giá thành sau khi công trình hoàn thành.

Điều 4. - Để hoàn thành tốt nhiệm vụ hạ giá thành, cần bảo đảm những biện pháp chính sau đây:

- Chấp hành triệt để các thông tư, chỉ thị của Nhà nước về trình tự lập kế hoạch và thiết kế công trình xây dựng cơ bản.

- Hết sức nâng cao chất lượng thiết kế và tận dụng các bản thiết kế tiêu chuẩn.

- Tìm mọi cách cải tiến công cụ thi công, kết hợp thi công thủ công và cơ giới tiến lên cơ giới hóa và công nghiệp hóa thi công. Sử dụng và phân phối hợp lý các máy móc thi công sẵn có.

- Không ngừng nâng cao công tác quản lý thi công, nhằm mục đích hết sức tiết kiệm vật liệu, tăng năng suất lao động.

- Triệt để bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật xây lắp và chất lượng công trình.

- Rút ngắn thời gian thi công, đẩy nhanh thời kỳ hoàn thành để phát huy hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Điều 5. – Vì đặc điểm của các sản phẩm xây lắp, nên khi lập bảng giá dự toán thiết kế xây lắp, người ta dùng giá đơn vị công tác xây lắp của từng khu vực (gọi tắt là biểu đơn giá).

Các biểu đơn giá này được quy định thống nhất trong từng vùng và áp dụng trong thời gian tương đối dài, mà tất cả các công trình xây lắp trong vùng đó phải tuân theo.

Điều 6. – Vì biểu đơn giá chỉ bao gồm các chi phí về vật liệu và nhân công, nên muốn lập giá dự toán thiết kế xây lắp, cần tính thêm các khoản phí tổn trực tiếp khác, như phí tổn sử dụng máy thi công và trực tiếp khác, các phí tổn gián tiếp như phí tổn về quản lý hành chính, phí tổn gián tiếp khác và tỷ lệ tích lũy kế hoạch.

Chú ý : Phí tổn công tác lắp thiết bị không bao gồm giá trị của thiết bị.

Điều 7. – Trong kế hoạch dài hạn và hàng năm, Nhà nước quy định nhiệm vụ hạ giá thành xây lắp dựa vào mấy căn cứ chính sau đây:

- Nhiệm vụ xây và lắp của các Bộ, các ngành trong kỳ kế hoạch;

- Kế hoạch công nghiệp hóa, cơ giới hóa các công tác xây và lắp;

- Các chỉ tiêu kế hoạch khác như kế hoạch lao động, tiền lương, năng suất lao động, kế hoạch sử dụng vật tư;

- Xác định tỷ lệ hạ giá thành các năm trước so với giá dự toán và giá thành của một đồng giá dự toán ước thực hiện năm trước.

- Ước thực hiện giá thành năm nay so với giá thành dự toán và giá thành kế hoạch năm nay.

Điều 8. – Việc hạch toán và thống kê giá thành xây lắp cần bảo đảm mấy nhiệm vụ chính sau đây:

a) Kiểm tra tình hình chấp hành quy phạm kỹ thuật thi công, tình hình sử dụng vật liệu, thiết bị điện lực và lao động, kiểm tra tình hình thực hiện các chế độ, tiêu chuẩn về chi tiêu hành chính.

b) Kiểm tra tình hình kế hoạch hạ thấp giá thành.

c) Xác định giá thành thực tế của các công trình và khoản mục phí tổn, nhận định số chênh lệch giữa giá thành dự toán và giá thành thi công (giá thành kế hoạch), phát hiện nguyên nhân, tìm ra phương hướng hạ giá thành, nhằm bảo đảm thực hiện tích cực và triệt để kế hoạch hạ giá thành.

d) Phản ảnh chính xác, đầy đủ và kịp thời những chi phí và những tổn thất xảy ra trong quá trình xây dựng và lắp máy.

đ) Nhận định và phân tích giá thành và tình hình biến đổi giá thành trong thời gian nhất định, hoặc sau khi công trình được hoàn thành.

Điều 9. – Trong khi lập kế hoạch, hạch toán và thống kê giá thành xây lắp, cần thống nhất tên gọi các biểu mẫu, thống nhất biểu mẫu, đồng thời thống nhất nguyên tắc, phương pháp tính toán và phương pháp so sánh.

Chương 2:

PHÂN BIỆT MỘT SỐ CHI PHÍ TRONG GIÁ THÀNH XÂY LẮP

Điều 10.- Giá thành xây lắp chỉ bao gồm những phí tổn có liên quan đến xây dựng và lắp máy của công trình đó.

Do đó, trong khi lập kế hoạch hạch toán và thống kê, không được tính vào giá thành xây lắp các loại chi phí như sau:

- Những chi phí có liên quan đến việc phục vụ đời sống văn hóa, sinh hoạt của công nhân viên xí nghiệp (như nhà ăn, nhà ở tập thể, vườn trẻ, nhà nghỉ mát, câu lạc bộ, thể dục thể thao, giáo dục, văn hóa, v.v…)

- Những chi phí về các công việc có liên quan đến các phần khác của giá dự toán thiết kế toàn bộ, như phần giá trị thiết bị và các chi phí khác về kiến thiết cơ bản.

- Những thiệt hại về thiên tai và những chi phí để thanh toán những hậu quả của thiên tai (mưa bão, lụt phải nghỉ việc).

- Những thiệt hại về phá đi làm lại và những thiệt hại về ngừng sản xuất do sửa đổi thiết kế.

- Những thiệt hại khác như chi phí do hợp đồng kinh tế bỏ dở nửa chừng không có giá trị, vật liệu bị mất cắp, mất trộm, hoặc cháy.

- Kinh phí của Công đoàn, Đảng và Đoàn thanh niên.

- Chi phí về bệnh viện, bệnh xá.

- Lương chuyên gia và các chi phí của tổ chức giao tế phục vụ cho chuyên gia.

- Lương của cán bộ, công nhân già yếu, mất sức lao động.

- Chi phí về đào tạo cán bộ, công nhân trong các trường hợp:

Bộ mở lớp ở công trường đào tạo công nhân mới;

Cán bộ, công nhân đi tham quan nước ngoài;

Cán bộ, công nhân đi học các tường nghiệp vụ dài hạn của Bộ.

- Chi phí về các cuộc mít tinh, đón tiếp phái đoàn chính phủ và đoàn thể các nước đến thăm các công trường xây lắp, chi phí về làm các mô hình phục vụ triển lãm và ngày lễ lớn.

Điều 11. – Những chi phí sau đây không được tính trong khi lập kế hoạch, nhưng khi hạch toán, thống kê giá thành xây lắp thì được tính vào;

- Những thiệt hại về phá đi làm lại do đơn vị thi công không bảo đảm kỹ thuật, hoặc làm sai bản đồ thiết kế;

- Những thiệt hại về ngừng sản xuất do đơn vị thi công gây ra.

- Những chi phí sản xuất do khuyết điểm chủ quan gây ra như tiền phạt lưu kho, lưu bãi, vi phạm hợp đồng kinh tế, lãi do nợ quá hạn, thiếu hụt vật liệu do hư hỏng, hao hụt quá mức (sau khi đã trừ phần bồi thường của người gây ra hao hụt).

Chương 3:

CHẾ ĐỘ LẬP VÀ XÉT DUYỆT GIÁ THÀNH XÂY LẮP

Điều 12. – Việc lập và xét duyệt kế hoạch giá thành xây lắp tiến hành đồng thời với việc lập và xét duyệt các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế quốc dân khác và theo đúng trình tự lập kế hoạch kinh tế quốc dân, nghĩa là:

- Xây dựng và công bố số kiểm tra kế hoạch.

- Lập dự thảo kế hoạch.

- Duyệt và giao nhiệm vụ kế hoạch.

Những đề nghị và các biểu tính giá thành xây lắp của các Bộ, các công ty và các công trường, nông trường, lâm trường phải được chuyển lên trên theo đúng thời hạn và biểu mẫu quy định.

Điều 13. – Trong kế hoạch hàng năm và dài hạn, Hội đồng Chính phủ duyệt cho các Bộ những chỉ tiêu kế hoạch hạ giá thành xây lắp:

a) Mức giảm và tỷ lệ giảm giá thành xây lắp;

b) Giá thành của một đồng giá dự toán.

c) Giá thành một số đơn vị chủ yếu như:

- Giá thành một thước vuông nhà ở.

- Giá thành 1km đường sắt.

- Giá thành 1km đường ô-tô.

- Giá thành 1km đường dây điện.

- Giá thành 1 héc-tác khai hoang.

- Giá thành 1 héc-tác trồng các loại cây lâu năm.

- Giá thành 1 héc-tác trồng rừng, v.v…

Điều 14. - Về phương pháp so sánh hạ giá thành xây lắp sẽ được hạ so với:

- Giá dự toán thiết kế xây lắp,

- Giá thành thực tế của 1 đồng giá dự toán thiết kế xây lắp năm trước.

Điều 15. – Sau khi Hội đồng Chính phủ xét duyệt kế hoạch kinh tế quốc dân (trong đó có kế hoạch giá thành xây lắp), các Bộ giao nhiệm vụ hạ giá thành xây lắp cho từng công ty, từng công trường, nông trường, lâm trường. Các Bộ cần dựa trên khả năng của từng đơn vị xây dựng mà đề ra những biện pháp cơ bản nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ hạ giá thành xây lắp.

Điều 16. – Sau khi nhận nhiệm vụ của Bộ, các công ty, công trường, nông trường, lâm trường chính thức lập kế hoạch hạ giá thành xây lắp đồng thời với các chỉ tiêu kế hoạch khác trình lên Bộ. Bộ chịu trách nhiệm xét duyệt, tổng hợp và gửi đến Phủ thủ tướng, Ủy ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê. Đối với các đơn vị xây dựng được chọn làm trọng điểm, khi gửi kế hoạch cho Bộ, đồng thời gửi cho Ủy ban kế hoạch Nhà nước.

Điều 17. – Các Bộ không được giao và tự mình điều chỉnh lại nhiệm vụ hạ giá thành xây lắp thấp hơn nhiệm vụ quy định trong kế hoạch kinh tế quốc dân.

Chương 4:

THỐNG NHẤT CÁC BIỂU MẪU GIÁ THÀNH XÂY LẮP

Điều 18. – Vì tổng số tiền đầu tư bỏ vào nhiều ngành khác nhau, cho nên về nội dung và đơn vị tính toán các loại đơn vị xây dựng cũng khác nhau. Do đó, các biểu mẫu giá thành cần phải thể hiện đầy đủ tính chất của những điều giống nhau và khác nhau trong nội bộ ngành xây lắp.

Điều 19. – Các biểu mẫu kế hoạch, hạch toán và thống kê giá thành xây lắp cần thống nhất các chỉ tiêu trong biểu mẫu, đồng thời phải thống nhất việc giải thích nội dung và phương pháp tính toán các chỉ tiêu ấy.

Điều 20. – Các biểu mẫu giá thành xây lắp của các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dân dụng, lâm nghiệp và thủy lợi, vận tải và bưu điện, được lập hàng năm và dài hạn là:

1. Biểu giá thành kế hoạch và kế hoạch hạ giá thành xây lắp;

2. Biểu kế hoạch giá thành xây dựng;

Biểu kế hoạch giá thành lắp máy.

Chương 5:

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ THỐNG KÊ GIÁ THÀNH XÂY LẮP

Điều 21. – Vì đặc điểm của quá trình sản xuất và sản phẩm của ngành xây lắp, nên chế độ báo cáo thống kê giá thành xây lắp bao gồm hai loại chỉ tiêu chủ yếu:

1. Giá thành báo cáo hàng quý.

2. Giá thành báo cáo sau khi công trình hoàn thành.

Điều 22. - Để kiểm tra một cách đúng đắn và kịp thời kế hoạch giá thành xây lắp, nay tạm thời quy định chế độ biểu mẫu và thống kê giá thành như sau:

- Biểu báo cáo giá thành xây dựng hàng quý, mỗi quý báo cáo một lần.

- Biểu báo cáo giá thành lắp máy hàng quý, mỗi quý báo cáo một lần.

- Biểu báo cáo giá thành sau khi một đơn vị hạng mục công trình hoàn thành.

Báo cáo quý gửi đến Bộ sau 25 ngày của quý báo cáo.

Báo cáo giá thành xây lắp 45 ngày sau khi một hạng mục công trình hoàn thành và ba tháng sau khi công trình hoàn thành.

Các báo cáo giá thành phải kèm theo bản giải thích của các công ty, công trường, nông trường, lâm trường được Bộ tổng hợp và gửi đúng thời hạn cho Tổng cục Thống kê, Ủy ban kế hoạch Nhà nước. Riêng các công trường, nông trường, lâm trường được Nhà nước chọn làm trọng điểm, thì gửi thẳng đến Tổng cục Thống kê và Ủy ban kế hoạch Nhà nước.

Điều 23. - Để bảo đảm việc lập báo cáo được kịp thời và chính xác, các Bộ, các Ủy ban hành chính địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các công ty, công trường, nông trường, lâm trường lập báo cáo đầy đủ, kịp thời và chấp hành nghiêm chỉnh chế độ kế toán.

Các ban chỉ huy công trường, nông trường, lâm trường, các Ban Chủ nhiệm các công ty chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra các bộ phận kế toán, tài vụ phối hợp với bộ phận kế hoạch thống kê của công trường, công ty để lập báo cáo được đầy đủ, kịp thời và chính xác.

Chương 6:

CÁC ĐIỀU KHOẢN KHÁC

Điều 24. - Ủy ban kế hoạch Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và các Bộ ban hành thông tư giải thích điều lệ này và bản nguyên tắc cơ bản về việc lập kế hoạch hạch toán và thống kê giá thành xây lắp.

Điều 25. - Ủy ban kế hoạch Nhà nước (Cục Quản lý Kiến thiết cơ bản) theo dõi, các định mức đã ban hành và nghiên cứu bổ sung thêm các định mức tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng và lắp máy để áp dụng trong nhiều năm. Cục Quản lý Kiến thiết cơ bản phối hợp với các Ủy ban Kế hoạch và các Chi hàng Kiến thiết địa phương xây dựng các biểu đơn giá khu vực để làm cơ sở tốt cho việc xây dựng các biểu dự toán.

Điều 29. - Về báo cáo, Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu giải thích nội dung, phương pháp lập các biểu mẫu báo cáo nói trên, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc lập báo cáo giá thành, tổng hợp báo cáo của các Bộ để làm báo cáo trình lên Chính phủ.

Điều 30. - Bộ chủ quản các đơn vị xây lắp và Bộ Tài chính dựa vào các chỉ tiêu và yêu cầu của biểu mẫu kế hoạch, thống kê giá thành mà đề ra mẫu sổ sách, cách thức ghi chép và phương pháp phân bổ giá thành cho các hạng mục công trình trong một công trường xây dựng cơ bản.

Điều 31. - Bản điều lệ tạm thời về việc lập kế hoạch hạch toán và thống kê giá thành xây lắp được thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1962.

Ban hành kèm theo Thông tư số 2431-UB/TC ngày 6/9/1961.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 2431-UB/TC năm 1962 ban hành bản điều lệ tạm thời, về việc lập kế hoạch hạch toán và thống kê giá thành xây lắp do Ủy ban kế hoạch Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 2431-UB/TC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/09/1961
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước
  • Người ký: Lê Văn Hiến
  • Ngày công báo: 11/10/1961
  • Số công báo: Số 39
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản