BỘ NÔNG TRƯỜNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 24-TT/TL | Hà Nội, ngày 29 tháng 04 năm 1970 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP THÂM NIÊN ĐẶC BIỆT CHO CÔNG NHÂN TRỰC TIẾP SẢN XUẤT PHÂN CHUYÊN NGHIỆP TRONG NGÀNH NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG TRƯỜNG
Căn cứ Thông tư số 24-LĐ/TT ngày 08-08-1960 của Bộ Lao động quy định phụ cấp thâm niên đặc biệt cho một số ngành nghề và Thông tư số 02 ngày 24-02-1970 quy định thêm đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên.
Sau khi trao đổi được sự thỏa thuận của Bộ Lao động, xét tính chất và điều kiện lao động của công nhân sản xuất phân chuồng, phân rác, phân trấp, phân bắc chuyên nghiệp, được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên đặc biệt, trong quá trình sản xuất phân bón Bộ cũng đã chú ý cải thiện một phần về điều kiện làm việc và các chế độ chính sách. Để quán triệt nguyên tắc phân phối theo lao động và để góp phần ổn định lực lượng lao động trong ngành sản xuất phân bón, đẩy mạnh tốc độ tăng năng suất lao động, nhằm đãi ngộ một cách thích đáng, khuyến khích công nhân thi đua sản xuất, hăng hái phục vụ lâu dài trong nghề; Bộ ra thông tư này dựa theo các quy định chung của Nhà nước, hướng dẫn các đơn vị thực hiện theo tình hình cụ thể trong ngành.
I. NGUYÊN TẮC ĐỊNH PHỤ CẤP VÀ MỨC PHỤ CẤP
1. Nguyên tắc định phụ cấp thâm niên đặc biệt.
a) Để khuyến khích công nhân phục vụ lâu dài trong nghề, càng phục vụ được nhiều năm thì càng khuyến khích hơn;
b) Nghề nào tính chất nặng nhọc và gian khổ nhiều hơn (về vật chất và tinh thần) thì được khuyến khích nhiều hơn;
c) Phụ cấp tính theo tỷ lệ lương cấp bậc của công nhân, tùy theo thời gian làm việc trong nghề.
2. Mức phụ cấp.
Theo nguyên tắc của Bộ Lao động quy định mức phụ cấp sẽ tùy theo nghề khó khăn khác nhau để định cao thấp khác nhau, nhưng tạm thời định chung cho các nghề đều được huởng mức phụ cấp thống nhất:
Thời gian phục vụ | Tỷ lệ phụ cấp |
- Từ trên 3 năm đến 6 năm - Từ trên 6 năm đến 9 năm - Từ trên 9 năm đến 12 năm -Trên 12 năm | 5% lương cấp bậc 8% - 11% - 15% - |
II. CÁCH TÍNH PHỤ CẤP THÂM NIÊN ĐẶC BIỆT
1. Thời gian được tính thâm niên.
a) Thời gian thâm niên được tính để hưởng phụ cấp kể từ ngày phục vụ trong các xí nghiệp Nhà nước dưới chế độ của ta, thời gian phục vụ dưới chế độ đế quốc sẽ không tính. Cụ thể: được tính từ ngày 02-09-1945 đối với các xí nghiệp vùng tự do cũ và từ ngày tiếp quản hay khôi phục đối với các xí nghiệp mới tiếp quản hay khôi phục sau khi hòa bình lập lại.
b) Thời gian thâm niên được tính kể từ ngày người công nhân công tác trong nghề (không kể thời gian làm những nghề khác) những ngày lẻ trong tháng bắt đầu công tác được tính tròn là 1 tháng, nhưng phải làm được từ 15 ngày trở lên trong tháng đó.
c) Trường hợp công nhân trước đã có thời gian công tác trong nghề, sau có thời gian được cử đi làm công tác khác, nay trở lại nghề, thì được cộng thời gian trước và sau lại để tính thâm niên (thời gian làm công tác khác không tính).
Ví dụ: Một công nhân làm phân từ tháng 01-1956 đến tháng 12-1960 được điều động đi làm công tác thợ nề, đến tháng 01-1966 được đưa về làm phân cho đến tháng 06-1960 thì thời gian thâm niên nghề được tính như sau:
- Từ tháng 01-1956 đến tháng 12-1960 được tính 5 năm thâm niên;
- Từ tháng 01-1961 đến tháng 12-1965 không tính;
- Từ tháng 01-1966 đến tháng 6-1969 được tính 3 năm 6 tháng thâm niên.
Như vậy tính đến tháng 06-1969 người công nhân này được tính 8 năm 6 tháng thâm niên, để hưởng phụ cấp thâm niên đặc biệt.
d) Những công nhân hợp đồng tạm tuyển nếu đã làm việc lâu năm cho nông trường mà được tuyển vào biên chế thì thời gian thâm niên được tính kể từ ngày bắt đầu nhận công tác trong nông trường.
2. Cách tính phụ cấp.
a) Tiền phụ cấp sẽ tính và phát thống nhất trong đơn vị mỗi năm 4 kỳ vào cuối mỗi quý.
Trường hợp thời hạn thâm niên vừa đủ vào giữa quý thì cách tính như sau:
- Lần đầu được lĩnh phụ cấp, nếu đủ thâm niên từ tháng nào trong quý thì phụ cấp sẽ tính từ tháng đó.
Từ lần sau khi đủ thời hạn thâm niên để tính tỷ lệ phụ cấp cao hơn, thì những tháng chưa đủ thâm niên để tính theo tỷ lệ cao vẫn tính theo tỷ lệ cũ, còn những tháng sau trong quý ấy được tính theo tỷ lệ cao.
Thí dụ: Anh A đến hết tháng 07-1961 được đủ 3 năm thâm niên, thì quý III năm 1961 sẽ tính phụ cấp thâm niên 2 tháng 8 và 9.
Đến hết tháng 07-1963, anh A đủ 6 năm thâm niên thì quý III năm 1963, phụ cấp thâm niên của anh A được tính:
- Tháng 07-1963 với mức phụ cấp 5%.
- Tháng 08 và tháng 09-1963 mức phụ cấp 8%.
b) Trường hợp ốm đau phải đi điều trị, điều dưỡng, hay đi học bổ túc văn hóa, nghiệp vụ ngắn hạn hoặc được điều động làm công tác khác đột xuất dưới 3 tháng thì vẫn được tính phụ cấp thâm niên, trên 3 tháng thì không được tính phụ cấp thâm niên.
c) Những công nhân được hưởng phụ cấp thâm niên nếu được điều động sang công tác khác không có phụ cấp thâm niên, hoặc được cử đi học dài hạn và cắt biên chế ở nông trường thì thôi không được hưởng phụ cấp thâm niên từ tháng được điều động. Nếu trong tháng đó đã làm được 15 ngày trở lên thì được tính tròn 1 tháng để hưởng phụ cấp thâm niên, nếu làm việc dưới 15 ngày không tính.
d) Phụ cấp thâm niên tính trên lương cấp bậc; không cộng phụ cấp khu vực để tính, không tính theo tỷ lệ lương ốm đau, ngừng việc hay đi làm công tác xã hội khác.
Ví dụ: Anh B lương bậc 3 sản xuất thang lương 5 bậc mức lương 42,30đ, có thâm niên 3 năm, thì được tính phụ cấp:
(42,30đ x 5) | 3 = 6đ34 (tính quý 1) |
100 |
III. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH
Các đơn vị nhận được Thông tư này, tổ chức giải thích cho toàn thể công nhân nhận rõ ý nghĩa mục đích quy định chế độ phụ cấp thâm niên đặc biệt làm cho mỗi người thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, ra sức thi đua đẩy mạnh phong trào lao động sản xuất, nêu cao ý thức trách nhiệm xây dựng ngành nghề của mình.
Công nhân thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên, sẽ được cấp một sổ phụ cấp thâm niên đặc biệt. Để thực hiện việc cấp sổ, công nhân sẽ làm bản tự khai quá trình công tác trong nghề. Sau khi thẩm tra và xác minh lời khai của công nhân là đúng, giám đốc nông trường chứng nhận và cấp sổ phụ cấp thâm niên đặc biệt (mẫu sổ phụ cấp và bản tự khai có mẫu hướng dẫn riêng)(1).
Những người xác minh chưa rõ ràng thời gian thâm niên nghề thì cần sưu tầm tài liệu, điều tra thêm cho rõ rồi mới cấp sổ.
Hàng quý khi cấp phát tiền phụ cấp thâm niên đặc biệt, giám đốc nông trường ký và đóng dấu vào sổ. Khi công nhân được điều động đi công tác được mang sổ phụ cấp đi theo.
Để Bộ theo dõi rút kinh nghiệm việc thi hành chế độ phụ cấp thâm niên đặc biệt, sau khi đã cấp phát phụ cấp lần đầu tiên và sau đó cứ mỗi quý các đơn vị báo cáo về Bộ một lần.
Thông tư này dựa trên cơ sở chế độ chung của Nhà nước, căn cứ vào tình hình đặc điểm sản xuất trong ngành, Bộ hướng dẫn, các nông trường dựa vào thông tư này thực hiện.
Thông tư này thi hành kể từ quý 1 năm 1970. Trong khi thi hành nếu có khó khăn trở ngại gì, hoặc có điểm nào chưa rõ, các nông trường phản ánh cho Bộ biết để giải quyết.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG TRƯỜNG |
(1)Không đăng các bản mẫu.
Thông tư 24-TT/TL-1970 hướng dẫn thi hành chế độ phụ cấp thâm niên đặc biệt cho công nhân trực tiếp sản xuất phân chuyên nghiệp trong ngành nông trường quốc doanh do Bộ Nông trường ban hành
- Số hiệu: 24-TT/TL
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 29/04/1970
- Nơi ban hành: Bộ Nông trường
- Người ký: Lê Xuân Tại
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 9
- Ngày hiệu lực: 01/01/1970
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định