Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 24-BCNNG/KB2 | Hà Nội, ngày 28 tháng 03 năm 1961 |
QUY ĐỊNH MỘT SỐ VẤN ĐỀ QUAN HỆ CÔNG TÁC KIẾN THIẾT CƠ BẢN
Quyết định số 23-BCNNg/KB2 ngày 31 tháng 10 năm 1960, Bộ đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn cho Cục Kiến thiết cơ bản.
Để thực hiện tốt tinh thần quyết định đó, Bộ ban hành thông tư này nhằm cụ thể hóa một số vấn đề chủ yếu có liên quan đến các Vụ, Cục khác, đồng thời bổ sung một số điểm mà quyết định chưa đề ra.
Xuất phát từ những vấn đề chung, Bộ quy định mấy việc cụ thể sau đây:
- Tất cả những kế hoạch còn nằm trong quy hoạch hay khi chưa có nhiệm vụ thiết kế thì do Vụ Kế hoạch phụ trách. Khi nhiệm vụ thiết kế các nhà máy do Cục Kiến thiết cơ bản lập, được các cấp có thẩm quyền xét duyệt, thì Vụ Kế hoạch có trách nhiệm lập số kiểm tra kiến thiết cơ bản dài hạn và hàng năm.
Để Vụ Kế hoạch lập số kiểm tra chính xác, Cục Kiến thiết cơ bản cần báo cáo với Bộ (qua Vụ Kế hoạch) tình hình và số liệu hoàn thành kế hoạch năm trước và dự kiện của mình về các công trình lỡ dở chưa xong phải chuyển sang năm sau hoặc những năm sau nữa.
Số kiểm tra do Vụ Kế hoạch lập được Bộ và Chính phủ xét duyệt, Vụ Kế hoạch gửi các Cục Kiến thiết cơ bản để Cục này chính thức lập kế hoạch cho Cục mình (đồng gửi cho một số Vụ, Cục liên quan).
Cục Kiến thiết cơ bản có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các Ban kiến thiết lập kế hoạch chi tiết cụ thể; Cục tổng hợp trình Bộ xét duyệt và Vụ Kế hoạch tham gia. Kế hoạch được duyệt, Cục Kiến thiết cơ bản tổng hợp theo biểu mẫu thống nhất của Vụ Kế hoạch (được Bộ thông qua) và gửi về Vụ Kế hoạch đúng thời gian quy định.
- Kế hoạch mở rộng sản xuất mà quy mô lớn, vốn nhiều kỹ thuật phức tạp đảm bảo sản lượng cho kế hoạch dài hạn hoặc nói chung là trên hạn ngạch thì thủ tục lập kế hoạch xem như một công trình xây dựng mới.
Kế hoạch mở rộng sản xuất với quy mô thường và nhỏ, có tính chất đảm bảo sản lượng hàng năm, hoặc làm thêm một số công trình phúc lợi tập thể mà thuộc vốn kiến thiết cơ bản của Nhà nước, nói chung là dưới hạn ngạch, thì do xí nghiệp lập kế hoạch, lập nhiệm vụ thiết kế hoặc thiết kế kỹ thuật. Cục quản lý sản xuất hướng dẫn, đôn đốc xí nghiệp làm theo chỉ tiêu kế hoạch sản xuất đầu năm đã định.
Cục Kiến thiết cơ bản tổng hợp kế hoạch các xí nghiệp gửi lên và trình Bộ xét duyệt. Khi duyệt có các Cục quản lý sản xuất tham gia. Nói chung khi chuẩn bị trình Bộ duyệt thì cần tranh thủ cộng tác với các Cục quản lý sản xuất để việc xét duyệt của Bộ được chính xác và sát hoàn cảnh thực tế xí nghiệp.
Kế hoạch được duyệt, Cục Kiến thiết cơ bản tổng hợp và gửi cho Vụ Kế hoạch, Vụ kế hoạch tổng hợp toàn bộ, cân đối chung để trình lên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (Chính phủ). Trong khi tổng hợp nếu có gì thay đổi, Vụ Kế hoạch báo cáo Bộ và trao đổi với Cục Kiến thiết cơ bản điều chỉnh.
- Toàn bộ kế hoạch kiến thiết cơ bản được trên duyệt, Vụ Kế hoạch làm văn bản chính thức gửi cho Cục Kiến thiết cơ bản đồng gửi một số Vụ, Cục liên quan.
2. Vấn đề hợp đồng thiết kế và xét duyệt thiết kế.
- Sau khi kế hoạch dài hạn và hàng năm được Chính phủ duyệt, Cục Kiến thiết cơ bản ký hợp đồng với Cục Thiết kế bao gồm cả khối lượng thăm dò, đo đạc, khảo sát và khối lượng thiết kế trong nước.
Nếu kế hoạch hàng năm phê duyệt chậm, Cục Kiến Thiết cơ bản tạm thời ký giao kèo, khi kế hoạch được duyệt thì ký chính thức và điều chỉnh.
Hợp đồng chung thì nguyên tắc Cục Kiến thiết cơ bản phải ký, còn hợp đồng cụ thể từng công trình (mới hay mở rộng) thì Cục Kiến thiết cơ bản có thể ủy nhiệm cho cơ sở ký nhưng phải nằm trong hợp đồng nguyên tắc.
- Trước khi Bộ giao cho Cục Thiết kế giúp Bộ xét duyệt đề án thiết kế. Nay Bộ quyết định giao nhiệm vụ này cho Cục Kiến thiết cơ bản chủ trì bố trí kế hoạch thẩm tra các đề án thiết kế, (cả phần thiết kế sơ bộ, thiết kế kỹ thuật) do Cục Thiết kế làm hay chuyên gia làm. Khi xét duyệt đều có các Cục, Vụ liên quan tham gia.
3. Quản lý thực hiện kế hoạch.
- Điều chỉnh kế hoạch hàng quý, nhưng không ảnh hưởng đến kế hoạch năm, thì do Cục Kiến thiết cơ bản phụ trách và trình Bộ quyết định, đồng thời báo cho Vụ Kế hoạch biết.
Nếu điều chỉnh mà chênh lệch kế hoạch chung không quá 5% về vốn hoặc lao động; về thời gian không quá một tháng, thì Cục Kiến thiết cơ bản lập văn bản trình Bộ quyết định và Cục thực hiện việc điều chỉnh.
Điều chỉnh quá số quy định trên thì Cục phải đề nghị Bộ; Vụ Kế hoạch nghiên cứu đề nghị Chính phủ quyết định.
Điều chỉnh kế hoạch hàng tháng do Cục Xây lắp phụ trách sau khi bàn bạc với Cục Kiến thiết cơ bản.
- Việc kiểm tra thực hiện kế hoạch kiến thiết cơ bản chủ yếu là do Cục Kiến thiết cơ bản làm. Trong quá trình đó, Vụ Kế hoạch cũng có thể xuống công trường chủ yếu là tìm hiểu tình hình, xác minh việc tính toán lập kế hoạch, biểu mẫu của mình, rút kinh nghiệm để lập kế hoạch năm sau đồng thời phát hiện với Cục Kiến thiết cơ bản những chỗ thiếu chính xác.
- Khi thi công mà thay đổi thiết kế thì phải do cơ quan duyệt thiết kế quyết định. Nếu thay đổi những điểm ít quan trọng do thực tế nảy ra hay do chuyên gia đề nghị thì Cục Kiến thiết cơ bản và Cục Xây lắp quyết định; nếu nhà máy do ta thiết kế thì cần có ý kiến của Cục Thiết kế.
- Thường kỳ Cục Kiến thiết cơ bản phải làm báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch về Bộ (qua Vụ Kế hoạch) theo biểu mẫu đã định.
4. Cung cấp vật tư và thiết bị.
- Kế hoạch dài hạn về thiết bị, nguyên vật liệu trong ngoài nước khi kế hoạch kiến thiết cơ bản còn nằm trong quy hoạch, hoặc khi nhiệm vụ thiết kế chưa được duyệt thì do Vụ Kế hoạch phụ trách; khi nhiệm vụ thiết kế được duyệt thì do Cục kiến thiết cơ bản phụ trách lập kế hoạch năm về hàng ngoài nước; thiết bị đặt mua trong nước cũng do Cục Kiến thiết cơ bản phụ trách. Nếu nhà máy do ta thiết kế thì Cục Thiết kế cung cấp cho Cục Kiến thiết cơ bản bản kê thiết bị cần mua. Nguyên vật liệu, thiết bị phục vụ cho thi công xây lắp mua trong nước thì Cục Xây lắp phụ trách. Vụ Kế hoạch có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ trên cơ sở tổng hợp các Cục.
- Kế hoạch thiết bị lẻ có tính chất bổ sung cho thiết bị toàn bộ thì do Cục Kiến thiết cơ bản làm và đặt hàng với Cục Cung cấp (xem như một xí nghiệp).
- Việc tiếp nhận, vận chuyển hàng thiết bị toàn bộ đến tận công trường Bộ đã giao cho Cục Kiến thiết cơ bản phụ trách (Cục tự vận chuyển và thuê các cơ quan khác vận chuyển), vận chuyển hàng lẻ thì Cục Kiến thiết cơ bản ký hợp đồng với Cục Cung cấp.
- Nguyên vật liệu xây dựng mua trong nước do Cục xây lắp đặt hàng và vận chuyển đến công trường.
- Hàng về tại công trường bên A giao cho bên B bảo quản và sử dụng theo kế hoạch đã được duyệt bên A sẽ thanh toán theo khối lượng; chi phí baỏ quản do bên A trả tiền theo thể lệ chung.
- Trong khi thi công, nếu thiếu nguyên vật liệu xét vì không phải mất mát, hư hỏng, lãng phí, mà do dự trù không sát thì bên A chịu trách nhiệm; nếu cung cấp theo đúng thiết kế mà thiếu khi bên B chịu trách nhiệm.
- Khi hoàn thành xây lắp một nhà máy thì phải kiểm kê. Nguyên vật liệu do bên A lặp kế hoạch mà thừa sẽ do một hội đồng quyết định theo mấy nguyên tắc:
1. Thừa trong phạm vi thiết kế, thừa vì tiết kiệm thì do bên B sử dụng theo một tỷ lệ chung của Nhà nước ấn định.
2. Thừa vì cấp phát ngoài kế hoạch, ngoài thiết kế thì phải giao lại cho bên A.
3. Hàng bên A thu hồi nếu là máy móc, thiết bị thì phải nhập kho Bộ (giao Cục Cung cấp); nếu là nguyên vật liệu thông dụng thì do Cục Kiến thiết cơ bản thu hồi để điều chỉnh, cung cấp cho các công trường.
- Hàng về mà công trường chưa mở hay hoãn việc thi công thì Cục Cung cấp bảo quản, Cục Kiến thiết cơ bản thanh toán theo thể lệ chung.
- Máy móc dụng cụ thi công: nguyên tắc là bên B phụ trách; nếu máy móc thi công nằm trong thiết bị toàn bộ do nước ngoài cung cấp, khi hàng về bên A giao ngay cho bên B và B thanh toán tiền. Nếu trong thiết bị toàn bộ có những máy móc, dụng cụ cho sản xuất mà cũng có thể dùng cho việc xây lắp thì B thương lượng với Ban chuẩn bị sản xuất để thuê; giá thuê do hai bên quy dịnh và nếu làm hư hỏng, mất mát thì phải bồi thường bằng hiện vật.
Sau khi Chính phủ duyệt y kế hoạch kiến thiết cơ bản cho Bộ Công nghiệp nặng, Cục Kiến thiết cơ bản lập kế hoạch thu chi tài vụ theo biểu mẫu, chế độ đã có. Vụ Tài vụ xét và trình Bộ duyệt, tổng hợp toàn bộ kế hoạch thu chi tài vụ của Bộ, Vụ Tài vụ có trách nhiệm xin vốn và giao cho Cục Kiến thiết cơ bản quản lý, cấp phát hàng quý theo kế hoạch của Cục lập và đã được Bộ duyệt ký; Cục có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc sử dụng, liên hệ với Ngân hàng kiến thiết. Cục phải làm mọi thủ tục thanh, quyết toán theo thể lệ chung.
- Khi nhiệm vụ thiết kế nhà máy chưa duyệt, hoặc Chính phủ chưa cấp vốn mà thiết bị đã về thi Cục Cung cấp tiếp nhận bảo quản, đứng ra xin hoặc vay vốn và thanh toán với Ngoại thương.
- Mọi chi phí về nghiên cứu thiết kế (trừ thiết kế phí) do Cục Kiến thiết cơ bản lập kế hoạch, trình Bộ (của Vụ Tài vụ) xét duyệt, xin Bộ Tài chính cấp phát hàng tháng và giao cho Cục Kiến thiết cơ bản chi tiêu; hàng quý Cục làm báo cáo quyết toán với Bộ (Vụ Tài vụ) theo quy định.
- Chi phí về đào tạo cán bộ, công nhân cho những nhà máy Chính phủ đã duyệt vốn kiến thiết cơ bản thì do Cục quản lý sản xuất lập kế hoạch; Vụ Tài vụ giúp Bộ xét duyệt và trực tiếp cấp phát cho cơ quan thực tập sinh hoặc cơ quan phụ trách đào tạo. Những nhà máy nào còn nằm trong chủ trương, chưa được duyệt vốn, thì Vụ Tổ chức giáo dục (Ban thực tập sinh) lập kế hoạch, Vụ Tài vụ giúp Bộ xét duyệt và cấp trực tiếp cho cơ quan thực hiện; cơ quan này làm thanh quyết toán với Vụ Tài vụ.
- Vốn thuộc phần chuẩn bị sản xuất thì Vụ Tài vụ và Cục quản lý sản xuất bàn bạc cách quản lý theo nguyên tắc: Cục quản lý sản xuất nắm được việc sử dụng vốn của Ban chuẩn bị sản xuất nhưng không nên qua nhiều cơ quan lý tài vụ.
- Bộ ban hành thể lệ, nội quy quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế và những nguyên tắc về quan hệ công tác cho các loại ban: kiến thiết, chỉ huy công trường, chuẩn bị sản xuất.
Dựa vào đó, từng Cục (kiến thiết cơ bản, quản lý sản xuất, xây lắp) dự thảo quyết định thành lập và trình Bộ duyệt ký (qua Vụ Tổ chức).
- Thành lập bộ máy quản lý sản xuất một nhà máy mới do Vụ Tổ chức làm, Bộ duyệt ký.
- Bộ trực tiếp quản lý các trưởng, phó ban kiến thiết, chuẩn bị sản xuất, chỉ huy công trường, trưởng phó phòng công trường loại 1, 2 và một số cán bộ tương đương. Những cán bộ, nhân viên khác do Cục quản lý trên cơ sở cho phân quyền quản lý cho các Ban. Nội dung quản lý và sử dụng, điều động, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng v.v... Tất cả những vấn đề trên đều thống nhất vào kế hoạch năm, quý của Bộ, nhưng khi thực hiện thì có sự phân công cụ thể và có chế độ báo cáo.
Trường hợp cần thiết và tùy hoàn cảnh thực tế, khi Bộ mở lớp đào tạo có thể bàn bạc với Cục rút một số cán bộ thuộc diện Cục quản lý để đào tạo cho Cục và cơ sở, hoặc khi hình thức khen thưởng, kỷ luật cao đối với số cán bộ thuộc Cục quản lý thì phải thỉnh thị ý kiến Bộ.
(Quản lý cán bộ cơ quan sẽ nói riêng)
- Kế hoạch đào tạo thực tập sinh dài hạn hoặc khi còn trong quy hoạch cho các máy, hầm mỏ do Vụ Tổ chức giáo dục lập (Vụ Kế hoạch hướng dẫn). Khi nhiệm vụ thiết kế có rồi hoặc vốn được duyệt thì Cục quản lý sản xuất kết hợp với Cục Kiến thiết cơ bản lập, Vụ Tổ chức giáo dục tổng hợp toàn bộ trình Bộ duyệt.
Vụ Tổ chức giáo dục đề ra tổ chức tuyển sinh, tự mình tuyển một số cán bộ chủ yếu, phân công cho các Cục tuyển một số, Vụ Tổ chức giáo dục thẩm tra lại và tổ chức mọi việc để đưa thực tập sinh đi. Tùy hoàn cảnh thực tế sẽ phân công cụ thể.
- Đào tạo thực tập sinh trong nước thì Ban chuẩn bị sản xuất theo kế hoạch mà tổ chức thực hiện dưới sự hướng dẫn của Cục quản lý sản xuất.
- Theo dõi tình hình học tập thực tập sinh ngoài nước, Vụ Tổ chức giáo dục chịu trách nhiệm bằng cách thông qua Đại sứ quán của ta tại nước bạn hoặc Bộ Ngoại thương.
- Tùy tình hình học tập và yêu cầu sản xuất, Ban chuẩn bị sản xuất đề nghị với Bộ cho thực tập sinh về để phục vụ sản xuất hoặc lắp máy.
- Thực tập sinh nếu chưa xuống nhà máy, Vụ Tổ chức giáo dục (Ban thực tập sinh) phụ trách mọi mặt; nếu phải tạm bố trí công tác thì Vụ Tổ chức giáo dục phụ trách nhưng phải bàn bạc với Cục quản lý sản xuất. Thực tập sinh về, xuống phục vụ nhà máy, Ban chuẩn bị sản xuất phụ trách mọi mặt dưới sự hướng dẫn của Cục quản lý sản xuất.
- Kế hoạch dài hạn về chuyên gia do Vụ Kế hoạch lập, kế hoạch chuyên gia từng công tác chuyên môn phần Cục nào Cục ấy lập; Vụ Kế hoạch tổng hợp trình Bộ, Chính phủ phê chuẩn.
Khi chuyên gia sang, từng Cục tự chuẩn bị công việc, tài liệu, phiên dịch... để làm việc với chuyên gia.
- Chuyên gia làm việc tại Bộ, do Văn phòng Bộ phụ trách mọi mặt chế độ, tiếp đón, tiễn đưa, xe cộ v.v... Chuyên gia đi công tác công trường một thời gian, Văn phòng chuẩn bị phục vụ cho chuyên gia đi.
- Chuyên gia xuống công trường làm việc thì phân công như sau:
a) Phục vụ vật chất như ăn ở, sinh hoạt, thực hiện các chế độ... bên A phụ trách và liên hệ với cơ quan giao tế nếu có.
b) Việc sử dụng, bố trí làm việc với chuyên gia thì tùy theo tính chất của từng loại chuyên gia, bên A cần bàn bạc thống nhất với bên B và Ban chuẩn bị sản xuất để sử dụng.
Trên đây là một số vấn đề chủ yếu trong quan hệ công tác kiến thiết cơ bản giữa các Vụ, Cục có liên quan cần quy định. Trong quá trình thực hiện sẽ lần lượt bổ sung.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG |
Thông tư 24-BCNNg/KB2 năm 1961 quy định quan hệ công tác kiến thiết cơ bản do Bộ Công nghiệp nặng ban hành
- Số hiệu: 24-BCNNg/KB2
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 28/03/1961
- Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp nặng
- Người ký: Trần Đại Nghĩa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 16
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra