Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 24/1997/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 1997

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 24/1997/TT-BGD&ĐỐI TƯỢNG NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA CÁC BẬC HỌC PHỔ THÔNG

Ngày 01/11/1997, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 3479/1997/QĐ-BGD&ĐT ban hành "Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia các bậc học phổ thông" (Quy chế thi HSGQG). Nay, Bộ hướng dẫn cụ thể một số điều, như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG:

Việc tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia các bậc học phổ thông phải đạt được mục đích quy định tại Điều 1 của Quy chế thi HSGQG; đồng thời phải đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong hoạt động dạy và học của các nhà trường, nghiêm túc thực hiện chủ trương "không dạy thêm, học thêm tràn lan" và chủ trương xoá bỏ lớp chọn ở các cấp học, xoá bỏ lớp chuyên, trường chuyên ở tiểu học và trung học cơ sở (THCS).

Vì thế, dù là chuẩn bị cho thi chọn học sinh giỏi quốc gia hay dưới cấp quốc gia, nhà trường và các đơn vị dự thi không tổ chức tập trung luyện thi một cách căng thẳng về thời gian và mức độ cho học sinh trong các đội tuyển, gây nên tình trạng học lệch, làm ảnh hưởng tới nền nếp học tập bình thường của học sinh.

Trường nào, đơn vị nào vi phạm các quy định trên, ngoài việc mất quyền tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, còn bị xử lý kỷ luật thích đáng tuỳ theo mức độ vi phạm.

II. VIỆC THÀNH LẬP ĐỘI TUYỂN DỰ THI:

1. Bảng thi:

1.1. Theo Điều 6 - Quy chế thi HSGQG, các đơn vị dự thi được sắp xếp vào 2 bảng, cụ thể như sau:

a. Bảng A, gồm:

Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ Anh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Đồng Nai, Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), Đại học sư phạm (ĐHQG Hà Nội), Đại học Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội), Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Huế, Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP. Hồ Chí Minh).

b. Bảng B, gồm:

Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc.

Đối với các tỉnh có xen huyện miền núi (riêng cho bậc tiểu học), nếu có nguyện vọng thi ở cả hai bảng, phải đăng ký với Bộ theo thủ tục quy định.

Riêng môn Tin học cấp PTTH:

a. Bảng A, chỉ bao gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Tây, Nam Định, Thanh Hoá, Thừa Thiên - Huế, Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), Đại học Sư phạm (ĐHQG HN), Trường Phổ thông năng khiếu (ĐHQG TP HCM), Đại học Huế, Đại học Sư phạm Vinh (nếu có).

b. Bảng B, gồm: Các đơn vị đăng ký thi còn lại.

1.2. Hàng năm căn cứ khoản 2 - Điều 6 của Quy chế thi HSGQG và theo đăng ký xin chuyển bảng của địa phương (nếu có), Bộ tiến hành việc xét chuyển bảng thi và thông báo kết quả về địa phương trước ngày thi 60 ngày. Đơn vị dự thi có nhu cầu chuyển bảng thi, phải có văn bản đăng ký gửi tới Bộ trước ngày thi 90 ngày. Khi được Bộ chấp thuận mới được thực hiện.

2. Số lượng thí sinh dự thi (số tối đa/đội tuyển)

Khi thực hiện Điều 7 của Quy chế thi HSGQG, cần lưu ý như sau:

2.1. Bậc tiểu học:

Tổng số học sinh tiểu học của tỉnh (thành phố)

Số thí sinh/đội tuyển

Dưới 200 nghìn học sinh

20 thí sinh

Từ 200 nghìn đến dưới 300 nghìn học sinh

30 thí sinh

Từ 300 nghìn đến dưới 400 nghìn học sinh

40 thí sinh

Từ 400 nghìn học sinh trở lên

50 thí sinh

2.2. Cấp PTTH:

a. Riêng Hà Nội, TP. Hồ chí Minh và các trường đại học, mỗi đội tuyển có 10 (mười) thí sinh.

b. Riêng đội tuyển Toán, Lý, Tin học của Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) và đội tuyển Tin học của Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP HCM): 15 (mười lăm) thí sinh/đội tuyển.

3. Hồ sơ thí sinh: Khi thực hiện Điều 10 của Quy chế thi HSGQG, cần lưu ý như sau:

a. Bảng danh sách thí sinh dự thi được lập theo Phụ lục 2 (đối với bậc tiểu học) và phụ lục 3 (đối với bậc THPT) ban hành kèm theo Thông tư này.

b. Việc cấp thẻ dự thi cho thí sinh được thực hiện theo khoản 4 - Điều 10 của Quy chế thi HSGQG và phụ lục 4 (ban hành kèm theo Thông tư này); hoàn thành chậm nhất trước ngày thi 7 ngày. Thẻ có đóng dấu nổi của đơn vị sở tại, sao cho: một phần của dấu ở góc phải phía dưới ảnh, phần còn lại ở trên thẻ. Mỗi thí sinh nộp 2 ảnh cỡ 4cm x 6cm (chụp theo kiểu làm chứng minh thư nhân dân; ghi rõ họ, tên đệm, tên và ngày, tháng, năm sinh vào mặt sau để làm thẻ dự thi.

Trước ngày thi 15 ngày, đơn vị được bố trí thi ghép (nêu tại điểm b - tiểu mục 2 - mục IV của Thông tư này) cần gửi danh sách đội tuyển cùng với ảnh học sinh của mình cho Sở GD-ĐT (hoặc trường đại học) sở tại để cấp thẻ dự thi theo thể lệ quy định.

c. Mỗi đơn vị dự thi phải chịu trách nhiệm trước Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự chính xác và hợp lệ của hồ sơ thí sinh. Hội đồng coi thi căn cứ vào hồ sơ thí sinh để xem xét điều kiện dự thi của thí sinh và kiên quyết loại khỏi kỳ thi những thí sinh không đủ điều kiện quy định.

III. MÔN THI, NGÀY VÀ LỊCH THI, CHƯƠNG TRÌNH THI:

1. Các môn thi:

a. Lớp 5: Mỗi thí sinh phải thi hai môn bắt buộc Toán và Tiếng Việt.

b. Lớp 9: Toán, Lý, Văn - Tiếng Việt, Ngoại Ngữ, (Nga, Anh, Pháp).

c. Lớp 12: Toán, Lý, Hoá, Sinh, Tin học, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ (Nga, Anh, Pháp).

Việc đăng ký dự thi được thực hiện theo Điều 9 của Quy chế thi HSGQG và phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Ngày và lịch thi: Có 2 ngày thi; được thông báo vào đầu năm học trong quy định biên chế năm học. Lịch thi như sau:

a. Ngày thứ nhất:

* Sáng (bắt đầu từ 8 h 00; thêm 5 phút giao đề):

- Lớp 5, thi trong 90 phút, môn Tiếng Việt;

- Lớp 12, thi trong 180 phút, với mỗi môn Toán lý, Hoá, Sinh, Tin học, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ (Nga, Anh, Pháp).

* Chiều (bắt đầu từ 14 h 00; thêm 5 phút giao đề):

Lớp 5, thi trong 90 phút, môn Toán.

b. Ngày thứ hai (bắt đầu từ 8 h 00; thêm 5 phút giao đề):

- Lớp 9, thi trong 150 phút, với mỗi môn Toán, Lý, Văn - Tiếng Việt, Ngoại ngữ (Nga, Anh, Pháp).

- Lớp 12, thi trong 180 phút, với mỗi môn Toán, Lý, Hoá, Sinh, Tin học.

3. Chương trình, nội dung và hình thức thi:

a. Lớp 5: Thi theo chương trình 165 tuần hiện hành (chủ yếu là chương trình lớp 4 và lớp 5, tính đến thời điểm thi). Nội dung thi ở từng môn học như sau:

- Môn Toán:

+ Số tự nhiên, số thập phân, phân số (số và chữ số, so sánh, các phép tính, dấu hiệu chia hết, biểu thức, tìm thành phần chưa biết)

+ Hình học (nhận dạng hình, tính chu vi và diện tích các hình đã học)

+ Giải bài toán có lời văn.

- Môn Tiếng Việt: Từ ngữ, ngữ pháp, cảm thụ văn học, làm văn (viết một bài văn ngắn khoảng 25 dòng theo đề tài nhỏ, gần gũi với lứa tuổi học sinh tiểu học).

* ở các hai bàn Toán và Tiếng Việt đều có đánh giá điểm chữ viết và trình bày bài (rõ ràng, sạch sẽ, đúng chính tả) coi đó là một nội dung thi.

b. Riêng cho các môn Ngoại ngữ:

- Môn Tiếng Nga: Lớp 12 thi hết quyển 7 và lớp 9 thi quyển 4 (tính đến thời điểm thi) thuộc bộ sách 7 quyển tiếng Nga hiện hành.

- Các môn ngoại ngữ, ngoài thi viết, có kiểm tra kỹ năng nghe hiểu. Những thông tin được ghi trên băng cassette với các chủ điểm văn hoá, xã hội, thường thức khoa học,... phù hợp trình độ học sinh, có độ dài từ 2 đến 3 phút. Học sinh nghe băng, (thể thức được ghi trong đề thi) rồi trả lời vào tờ giấy thi (với môn tiếng Nga) và trả lời trực tiếp vào bản đề thi có phách đính kèm (với các môn tiếng Anh, tiếng Pháp). Thí sinh được quyền ghi nhanh ra giấy nháp nội dung nghe được qua băng phục vụ cho việc làm bài.

IV. TỔ CHỨC VÀ LÃNH ĐẠO KỲ THI

1. Về việc điều động giám thị:

Căn cứ Điều 19 của Quy chế thi HSGQG, trước ngày thi 60 ngày, Bộ có công văn thông báo những đơn vị được điều động đi làm nhiệm vụ coi thi. Tỉnh (thành phố) được Bộ điều động đi coi thi cần cử một đoàn giám thị (gồm cả hai bậc Tiểu học và THPT) đi làm nhiệm vụ coi thi. Các trường được bố trí thi ghép (nêu tại điểm b - tiểu mục 2 - mục IV của Thông tư này) không phải tham gia coi thi tại Hội đồng thi có học sinh mình dự thi, nhưng có thể được Bộ điều động đi làm nhiệm vụ coi thi tại Hội đồng coi thi Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội).

2. Khi thực hiện các Điều 20 và 21 của Quy chế thi HSGQG, cần lưu ý như sau:

a. Việc ra quyết định thành lập các Hội đồng thi (quy định tại Điều 20 và 21 của Quy chế thi HSGQG) cần được hoàn thành chậm nhất là 7 ngày trước ngày bắt đầu làm việc (ghi trong quyết định thành lập Hội đồng).

b. Các trường Đại học Sư phạm và Đại học Ngoại ngữ thuộc ĐHQG Hà Nội không thành lập Hội đồng thi riêng mà thi ghép trong Hội đồng coi thi Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc và các trường đại học còn lại, mỗi đơn vị thi ghép trong Hội đồng coi thi của tỉnh (thành phố) nơi trường đóng.

c. Sở GD-ĐT và trường đại học sở tại liên hệ với các cơ quan Công an và Y tế địa phương để cử người bảo vệ và phục vụ trong các ngày thi. Các lực lượng Công an và Y tế làm nhiệm vụ ở vòng ngoài và không nằm trong thành phần của Hội đồng coi thi.

d. Hội đồng coi thi làm việc trong 3 ngày (ngày đầu làm các thủ tục và chuẩn bị cho việc thi; 2 ngày sau tiến hành coi thi và tổng kết).

3. Về soạn thảo đề thi:

a. Việc tổ chức soạn thảo đề thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được thực hiện theo Điều 21 của Quy chế thi HDGQG. Hàng năm, Bộ sẽ có công văn đề nghị một số chuyên gia khoa học, chuyên viên, giảng viên có uy tín khoa học ở một số trường đại học, một số cơ quan, cơ sở giáo dục ở Trung ương và địa phương tham gia đề xuất đề thi. Các đề thi này do chính người đề xuất niêm phong và gửi về Bộ theo địa chỉ được ghi trong công văn đề nghị. Các đề nghị này chưa được công bố ở bất cứ đâu và là căn cứ tham khảo quan trọng để Hội đồng soạn thảo đề thi quốc gia xây dựng thành đề thi chính thức. Người đề xuất đề thi cũng như Hội đồng soạn thảo đề thi quốc gia phải giữ bí mật tuyệt đối các đề thi này cho tới khi thi xong buổi thi cuối cùng của kỳ thi quốc gia.

b. Về quy trình làm đề thi cho các kỳ thi học sinh giỏi dưới cấp quốc gia, thực hiện theo Thông tư 03/TT, ngày 30-4-1993 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định hiện hành.

4. Về định mức chi cho công tác soạn thảo đề thi và tổ chức các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và dưới cấp quốc gia, thực hiện theo Thông tư số 36 TT/LB ngày 23-6-1997 của Liên Bộ Tài chính - Giáo dục và Đào tạo và các quy định hiện hành.

V. THỂ LỆ VỀ THI VÀ COI THI:

1. Các thể lệ về thi và coi thi, trách nhiệm của giám thị và các thành viên khác trong Hội đồng coi thi được thực hiện theo quy chế và các văn bản hướng dẫn về thi chọn học sinh giỏi quốc gia các bậc học phổ thông và chương II của tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ làm công tác thi tốt nghiệp PTTH hiện hành.

2. Bố trí phòng thi:

a. Bậc Tiểu học, bố trí không quá 20 thí sinh/phòng thi.

b. Bậc THPT:

- Các môn Ngoại ngữ lớp 9 và 12, Tin học lớp 12, bố trí 1 đội tuyển/phòng thi. Riêng các Hội đồng thi ghép (nêu tại điểm b - tiểu mục 2 - mục IV của Thông tư này), nếu có 2 đội tuyển Tin học, bố trí 2 phòng thi Tin học (mỗi phòng không quá 15 thí sinh).

- Các môn còn lại, có thể bố trí thi ghép môn trong 1 phòng; song phải ghép trọn đội tuyển môn thi với điều kiện không quá 20 thí sinh/phòng thi; bài thi được thu và niêm phong riêng cho từng đội tuyển dự thi.

- Khi thi các môn Tin học và Ngoại ngữ, phải chuẩn bị nguồn điện dự phòng.

3. Các đồ dùng học tập mà thí sinh được phép mang vào phòng thi:

a. Với các môn Toán, Lý, Hoá, Sinh, Địa, các đồ dùng học tập thông thường sau đây:

- Thước kẻ, êke và com pa;

- Dụng cụ vẽ hình; - Thước vẽ đồ thị;

- Bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học;

- Máy tính điện tử thông dụng (chỉ thực hiện được các phép tính thông thường: cộng, trừ, nhân, chia, luỹ thừa, khai căn, phần trăm, tính giá trị hàm số lượng giác, tính lôgarit khi cần);

- At lat Việt Nam (bắt buộc đối với thí sinh thi môn Địa).

b. Ngoài ra, với mọi môn, thí sinh không được mang vào phòng thi với bất cứ tài liệu hoặc đồ dùng gì khác (kể cả từ điển, tài liệu tham khảo và tra cứu).

4. Trách nhiệm của thí sinh:

Ngoài việc thực hiện nội quy thi (mẫu số 10 của tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ làm công tác thi tốt nghiệp PTTH), Điều 22 của Quy chế thi HSGQG và tiểu mục 3 - mục V của Thông tư này, cần lưu ý như sau:

- Xuất trình thẻ dự thi khi vào phòng thi.

- Từng buổi thi, ký tên vào bảng danh sách đội tuyển dự thi (phụ lục 2 đối với bậc Tiểu học và phụ lục 3 đối với THPT).

- Bài thi phải viết rõ ràng, không đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng. Bài thi không viết bằng mực đỏ, bút chì (trừ đường tròn vẽ bằng com pa). Bài thi không viết bằng hai thứ mực; phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo; không được tẩy, xoá bằng bất kỳ cách gì (kể cả bút xoá,...)

- Khi nộp bài thi, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào phiếu thu bài thi. Không làm được bài cũng phải nộp giấy thi. Không nộp giấy nháp thay giấy thi.

- Chỉ được rời phòng thi sau khi thu xong bài của cả phòng thi và theo lệnh của giám thị trong phòng thi.

5. Bảo quản đề thi và bài thi:

Từ lúc tiếp nhận đến khi Hội đồng coi thi làm việc, đề thi do Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo hoặc Hiệu trưởng trường đại học sở tại bảo quản. Từ khi Hội đồng thi bắt đầu làm việc cho tới khi thi xong, đề thi do Chủ tịch Hội đồng bảo quan cùng với các bì bài thi và hồ sơ thi. Các hòm sắt (tủ) hồ sơ thi phải khoá và niêm phong, và được bảo quản trong 1 phòng chắc chắn, an toàn. Tại phòng này, có 2 thành viên (trong đó có 1 lãnh đạo) của Hội đồng coi thi trực bảo vệ 24/24 giờ. Phải thực hiện đúng các quy định về việc niêm, mở niêm phong. Cần lập biên bản riêng về từng việc: niêm phong, mở niêm phong, trực bảo vệ, bàn giao hồ sơ thi,...

6. Mở đề thi:

- Phòng mở đề thi phải đảm bảo an toàn, trong khu vực trường thi, không liền kề với các phòng thi. Băng cassette môn ngoại ngữ (nếu có) được phát thử với âm lượng vừa đủ nghe. Phân công giám thị cảnh giới từ khi bắt đầu mở đề cho tới lúc có hiệu lệnh giao đề thi cho thí sinh.

- Thành phần tham dự: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, thư ký và các giám thị số 1.

- Bì bộ đề thi của ngày thi và bì đề môn thi của buổi thi chỉ mở sớm nhất là 15 phút trước thời điểm giao đề thi cho thí sinh làm bài (ghi trong lịch thi). Bộ sẽ in đề thi tới từng thí sinh và trong mỗi bì đề môn thi có 1 bản có đóng dấu "bản chính" dành cho Chủ tịch Hội đồng.

- Chủ tịch Hội đồng bàn giao cho các giám thị số 1 số đề thi đúng bằng số thí sinh có mặt dự thi. Chủ tịch giữ lại bản đề có dấu "bản chính" để theo dõi. Các bì đề thi chưa dùng, các bản đề thi thừa (nếu có) được cất ngay để niêm phong và bảo quản trong hòm (tủ) đựng hồ sơ của Hội đồng thi.

- Sát giờ thi, theo sự điều hành của Chủ tịch, giám thị số 1 mang đề thi (có bì bao ngoài do thư ký chuẩn bị) cùng với băng casstte (nếu có) về phòng thi. Khi có hiệu lệnh, mới giao đề cho thí sinh; trước khi giao, ghi số báo danh của thí sinh vào đề thi.

- Cần lập biên bản riêng về từng việc: mở các đề thi, bàn giao đề thi giữa Chủ tịch và giám thị số 1, các sự số đặc biệt (nếu có).

7. Bộ sẽ ấn hành để dùng thống nhất các loại giấy thi, bảng danh sách thí sinh dự thi, bao bì đựng bài thi. Sở GD-ĐT và trường đại học chuẩn bị giấy nháp, các biểu mẫu và vật liệu khác cho việc thi. Đĩa mềm dùng cho môn Tin học phải là đĩa đúng tiêu chuẩn.

8. Niêm phong và gửi bài thi về Bộ:

8.1. Bài và hồ sơ thi của từng bậc học được niêm phong riêng, gồm các loại sau:

a. Các bì bài môn thi (gọi là bì số 1):

- Bì chứa bài và phiếu thu bài thi của đội tuyển dự thi (đối với bậc THPT) và của phòng thi (đối với bậc Tiểu học);

- Bì chứa các tờ in chương trình bài thi của đội tuyển Tin học;

- Hộp chứa đĩa mềm và phiếu thu đĩa mềm bài thi của đội tuyển Tin học (đồng thời là hộp gửi bưu điện)

Thi xong môn nào của ngày nào, niêm phong ngay bài thi môn đó của ngày đó.

b. Bì bài thi của ngày thi (gọi là bì số 2):

- Chứa các bì số 1 (trừ hộp đĩa mềm bài thi);

- Niêm phong ngay cuối buổi thi sáng của mỗi ngày thi (đối với bậc THPT) và ngay cuối buổi thi chiều của ngày thi thứ nhất (đối với bậc Tiểu học).

c. Bì hồ sơ thi (gọi là bì số 3):

- Chứa các biên bản và các bảng danh sách thí sinh ký dự các buổi thi. Biên bản của Hội đồng coi thi được lập riêng theo từng bậc học và có đủ chữ ký các thành viên của Hội đồng, làm thành 2 bản (1 bản để niêm phong gửi về Bộ và 1 bản để lưu tại Sở GD-ĐT hoặc trường đại học sở tại).

- Niêm phong ngay sau khi thi xong môn cuối cùng của kỳ thi.

d. Các bưu kiện (gọi là bì số 4):

- Chứa các bì số 2 và 3 và đề thi chưa dùng (nếu có) với nguyên vẹn niêm phong. (Niêm phong ngay sau khi thi xong môn cuối cùng của kỳ thi).

- Hộp đĩa mềm bài thi (nêu tại điểm a).

8.2. Tại các mép bì đã niêm phong, cần có chữ ký của các thành viên sau:

- Bì số 1: Chủ tịch, các giám thị số 1 và 2 của phòng thi;

- Các bì số 2, 3, 4: Hai lãnh đạo, hai thư ký, hai giám thị đại diện. Trong mỗi thành phần này có 1 người của trường đại học hoặc tỉnh (thành phố) khác.

8.3. Gửi các bưu kiện (bài và hồ sơ thi) về Bộ:

a. Ngay sau buổi thi cuối cùng, các bưu kiện (bài và hồ sơ thi của từng bậc học) được gửi bảo đảm qua đường bưu điện theo địa chỉ nhận:

- Ông Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - 49 Đại Cồ Việt - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội (đối với bậc Tiểu học).

- Ông Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - 49 Đại Cồ Việt - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội (đối với bậc THPT).

b. Chủ tịch phân công 2 thành viên Hội đồng (1 người của tỉnh khác) đi gửi các bưu kiện trên; mời 1 công an đi cùng để bảo vệ. Trong biên bản Hội đồng có ghi rõ ngày, giờ, họ và tên của những người đi gửi.

VI. CHO ĐIỂM BÀI THI, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN:

Khi thực hiện các Điều 24 và 27 của Quy chế thi HSGQG, cần lưu ý như sau:

1. Điểm của toàn bài thi:

Điểm từng phần của bài thi có thể chấm nhỏ nhất tới 0,25 điểm. Điểm của toàn bài thi là tổng số các điểm thành phần của bài thi. Điểm toàn bài thi được làm tròn theo nguyên tắc sau: 0,25 điểm được làm tròn thành 0,5 điểm; 0,75 điểm được làm tròn thành 1,0 điểm. Thí dụ:

18,00 điểm: giữ nguyên 18,00 điểm;

9,50 điểm: giữ nguyên 9,50 điểm;

14,25 điểm: được làm tròn thành 14,50 điểm;

6,75 điểm: được làm tròn thành 7,00 điểm.

2. Thí sinh đạt giải từ khuyến khích trở lên trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các bậc học phổ thông được Bộ cấp giấy chứng nhận học sinh giỏi quốc gia (phụ lục 5, ban hành kèm theo Thông tư này).

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các địa phương, đơn vị phản ánh về Bộ để bổ sung, điều chỉnh kịp thời.

Nguyễn Minh Hiển

(Đã ký)

PHỤ LỤC 1

(MẪU BẢN ĐĂNG KÍ DỰ THI)

(*) UBND tỉnh (TP)... CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Sở Giáo dục - Đào tạo Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

(**) Trưởng đại học...

Số......./.....

...., Ngày.... tháng.... năm 199..

BẢN ĐĂNG KÍ DỰ THI KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA
CÁC BẬC HỌC PHỔ THÔNG NĂM HỌC 19...- 19...

Kính gửi: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Sở GD-ĐT (trường đại học)........... đăng kí tham dự kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia các bậc học phổ thông năm học 19..- 19.., gồm các đội tuyển sau:

Lớp

Các môn đăng kí dự thi

Lớp 12 (PTTH)

Lớp 9 (PTCS)

Lớp 5 (tiểu học

Bảng A:................. thí sinh dự thi

Bảng B:.................. thí sinh dự thi

Số phòng thi: Ngày thi thứ nhất:...... phòng

Ngày thi thứ hai:........ phòng

Địa điểm thi:...............................................

Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo

(Hiệu trưởng trường đại học) kí và đóng dấu

Ghi chú:

1/ (*): Cho Sở GD-ĐT

2/ (**): Cho trường đại học

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 24/1997/TT-BGDĐT hướng dẫn Quy chế thi chọn học sinh giỏi Quốc gia các bậc học phổ thông Bộ Giáo Dục và Đào Tạo ban hành

  • Số hiệu: 24/1997/TT-BGDĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/12/1997
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Minh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản