BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 23-NV | Hà Nội, ngày 26 tháng 09 năm 1968 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐỜI SỐNG CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC VÀ QUÂN NHÂN VỀ HƯU VÀ NGHỈ VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG
Công nhân, viên chức và quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động nói chung là những người đã góp phần cống hiến nhất định cho Nhà nước, cho nhân dân, nên cần có chính sách đãi ngộ thoả đáng. Ngoài việc trả trợ cấp hàng quý, phải thi hành tốt các chế độ khác đối với họ; nhất là phải làm tốt công tác quản lý đời sống nhằm bảo đảm cho họ được ổn định về vật chất, thoải mái về tinh thần để thể hiện được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với họ.
Thông tư số 22-NV ngày 19/9/1964 của Bộ Nội vụ đã quy định về việc phân cấp cho các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh thực hiện các chế độ hưu trí, mất sức lao động và tiền tuất, nay để giúp các Ủy ban hành chính làm tốt công tác này, Bộ hướng dẫn thêm một số điểm cần thiết về việc quản lý đời sống của những công nhân, viên chức và quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động.
I. NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐỜI SỐNG CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC VÀ QUÂN NHÂN ĐÃ VỀ NGHỈ VIỆC.
1. Thống kế danh sách, nắm tình hình đời sống, tư tưởng của công nhân, viên chức và quân nhân đã về nghỉ việc.
Trước hết, Ủy ban hành chính các cấp cần nắm vững danh sách và địa chỉ những người về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động cư trú tại địa phương mình. Mỗi khi họ thay đổi chỗ ở, cũng cần ghi rõ địa chỉ mới để tiện theo dõi.
Những người tạm thời sơ tán sang tỉnh khác thì Ủy ban (nơi họ chính thức cư trú) vẫn có trách nhiệmtheo dõi.
Qua việc đăng ký danh sách và địa chỉ như trên, Ủy ban cần nắm thêm về quá trình công tác, hoàn cảnh gia đình, tình hình đời sống, sức khoẻ, và tư tưởng, thắc mắc, nguyện vọng của mỗi người…
Đề nắm được những điểm trên, một phần Ủy ban có thể căn cứ vào phiếu cá nhân trong hồ sơ của đương sự, mặt khác Ủy ban có thể yêu cầu mỗi người làm một bản khai về tình hình đời sống (mẫu kèm theo thông tư này) ([1]). Nhưng biện pháp chủ yếu vẫn là Ủy ban cần hướng dẫn các ban tổ chức dân chính hay ban thương binh – xã hội trực tiếp đi sát cơ sở và có kế hoạch đến thăm từng người để dần dần nắm tình hình được cụ thể hơn.
2. Kiểm tra đôn đốc, tổ chức theo dõi việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với công nhân, viên chức và quân nhân đã về nghỉ việc.
Ủy ban cầnchỉ thị cho các ngành có trách nhiệm giải quyết kịp thời và đúng chính sách, các chế độ về ăn, mặc,nhà ở, việc khám bệnh, chữa bệnh,… đã được Nhà nước quy định đối với người về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động.
Trong tình hình hiện nay, công nhân, viên chức và quân nhân về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động dù ở thành thị hay nông thôn, ngoài các mặt hàng đã quy định như vải, đường, thực phẩm đượccấp theo tiêu chuẩn như trước khi về nghỉ, còn được phân phối các mặt hàng tiêu dùng khác theo tiêu chuẩn như công nhân, viên chức còn đương công tác thuộc địa phương mà người đó cư trú. Để làm tốt công tác này, ban tổ chức dân chính (hoặc ban thương binh – xã hội ở những tỉnh, thành đã tách thành hai ban) sẽ cùng với sở, ty thương nghiệp địa phương bàn bạc để có kế hoạch dự trù, phân phối các mặt hàng nói trên cho người về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động, đảm bảo cho mỗi người được cung cấp đầy đủ những cán bộ, công nhân, viên chức khác nhau đang tại chức.
Những người sau khi về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động vẫn còn ở trong nhà tập thể của cơ quan, xí nghiệp, nông trường, … thì trong khi lập kế hoạch dự trù, phân phối các hàng tiêu dùng, ban tổ chức dân chính (hoặc ban thương binh – xã hội) tỉnh, thành cần trao đổi ý kiến với với các cơ quan, xí nghiệp, nông trường có công nhân, viên chức về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động nói trên để việc phân phối được tốt, tránh việc cấp sót, cấp trùng.
Đối với những người về ở nông thôn, nếu có thể được, thì ban tổ chức dân chính (hoặc ban thương binh – xã hội) nên bàn với các sở, ty thương nghiệp để cho anh chị em được phân phối hàng tiêu dùng ngay ởcửa hàng của hợp tác xã mua bán ở xã để khỏi phải lên huyện, lên tỉnh. Để các hàng tiêu dùng đến tận tay từng người, ban tổ chức dân chính (hoặc ban thương binh – xã hội) có thể dựa vào các tổ hưu trí, mất sức lao động mà tiến hành việc phân phối (sẽ nói ở phần dưới).
Về chế độ khám bệnh, chữa bệnh cho người về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động, tuy các văn bản của Nhà nước đã quy định rõ ràng, nhưng việc chấp hành ở nhiều nơi còn chưa được tốt, nhất là việc cấp pháp và thanh toán tiền thuốc men, bồi dưỡng: Ủy ban cần tăng cường chỉ đạo các ngành y tế và tài chính ở địa phương để quy định chế độ khám bệnh, chữa bệnh và định kỳ kiểm tra sức khoẻ cho người về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động được tốt. Cần nghiên cứu đơn giản những thủ tục không cần thiết, tạo mọi điều kiện dễ dàng khi họ đến khám bệnh để khỏi phải chờ đợi lâu; ví dụ như khi đi khám bệnh cần mang theo sổ khám bệnh cùng với sổ hưu trí hay sổ trợ cấp mất sức lao động, như nhiều nơi đã thực hiện.
Thường xuyên Ủy ban cần có những cuộc họp chuyên đề với các cơ quan có liên quan để kiểm điểm việc chấp hành chính sách, chế độ cho được tốt; nếu có những vấn đề mắc mưu hoặc chưa hợp lý trong từng chính sách, Ủy ban cần phản ánh kịp thời với Bộ để Bộ cùng với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, bổ sung hoặc sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới.
Trong việc tổ chức theo dõi tình hình đời sống và thực hiện các chính sách, chế độ đối với những người đã về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động, Ủy ban cũng cần nhắc nhở các cơ quan, xí nghiệp, nơi họ công tác trước khi về nghỉ việc vẫn có trách nhiệm săn sóc giúp đỡ, tránh tư tưởng không đúng cho rằng công nhân, viên chức đã về nghỉ việc thì cơ quan, xí nghiệp hết trách nhiệm, như một số nơi đã mắc.
Sau khi anh chị em đã về nghỉ việc, nếu còn có những vấn đề gì chưa được giải quyết, thì cơ quan, xí nghiệp, đơn vị cũ cần giải quyết nhanh chóng và đúng chính sách. Lại cần thường xuyên theo dõi và thỉnh thoảng có thư thăm hỏi, động viên anh em. Trong những dịp tổng kết công tác hoặc hội nghị liên hoan, nếu có điều kiện, thì cơ quan, xí nghiệp, đơn vị mời anh chị em về tham dự. Làm được như vậy, anh chị em sẽ yên tấm phấn khởi về nghỉ ngơi và luôn luôn gắn bó với tổ chức cũ của mình.
3. Giúp đỡ những người đời sống có khó khăn.
Những người về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động hưởng trợ cấp thấp lại phải nuôi con nhỏ, đời sống có nhiều khó khăn thì Ủy ban cần nghiên cứu sắp xếp cho vợ conhoặc bản thân họ (nếu họ còn có thể làm việc được) công việc làm để tăng thêm thu nhập cho gia đình họ, bằng cách bàn bạc với các cơ quan, xí nghiệp, cửa hàng, dành cho họ những công việc thích hợp, hoặc giới thiệu họ vào các hợp tác xã tiểu thủ công để họ tham gia sản xuất. Đối với những người không thể bố trí theo hướng trên thì Ủy ban cần giúp đỡ họ tổ chức những cơ sở sản xuất tập thể, dành mộtsố nghề hợp với khả năng và sức khoẻ của họ. Nhà nước cho họ vay vốn sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu và thu mua sản phẩm, như Chỉ thị số 135-CP ngày 20/7/1966 của Hội đồng Chính phủ đã quy định.
Đối với những người không có sức lao động, vợ con ốm đau, hoặc có khó khăn đột xuất thì Ủy ban cần có kế hoạch giúp đỡ kịp thời bằng cách trợ cấp cứu tế. Ở nông thôn, trong những vụ giáp hạt hoặc những đợt xét trợ cấp khó khăn cho cán bộ xã, thương binh, gia đình liệt sĩ,… thì Ủy ban cũng cần chú ý đến gia đình, công nhân, viên chức và quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động, và gia đình được hưởng tiền tuất để điều hoà lương thực cho mua gạo theo giá chỉ đạo, hoặc trích quỹ xã hội trợ cấp khó khăn thêm nếu họ quá túng thiếu. Những người có đông con nhỏ còn đi học thì Ủy ban cần có ý kiến với sở, ty giáo dục để có sự giúp đỡ trong khi xét miễn, giảm, học phí, hoặc cấp học bổng. Đối với các cháu là con mồ côi của công nhân, viên chức và quân nhân đã chết, nhất là con mồ côi của các cán bộ, đảng viên đã tham gia cách mạng lâu năm thì càng cần phải chiếu cố để đảm bảo việc nuôi dưỡng các cháu được chu đáo.
Những người về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động nếu không có nơi nương tựa thì Ủy ban cần báo cáo tình hình cụ thể về Bộ để nghiên cứu thu nhận họ vào các cơ sở an dưỡng, dưỡng lão của Bộ.
4. Chăm sóc về đời sống tinh thần.
Khi công nhân, viên chức và quân nhân về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động thì Ủy ban và đoàn thể địa phương cần giới thiệu cho họ được tham gia sinh hoạt với các đoàn thể nhân dân ở nơi họ cư trú, và cho họ được dự các buổi học tập về chủ trương, chính sách và tình hình thời sự cùng với công nhân, viên chức còn đương công tác có trình độ tương đương địa phương. Những người sau khi nghỉ việc vẫn còn ở trong nhà tập thể của cơ quan, xí nghiệp thì vẫn tiếp tục tham gia sinh hoạt, học tập với công nhân, viên chức còn công tác ở cơ quan, xí nghiệp. Tuy nhiên, đối với những cuộc họp nếu xét thấy họ không cần phải dự thì không nên mời để bảo đảm quyền nghỉ ngơi của họ.
Từng thời gian, Ủy ban cần tổ chức những buổi họp mặt chung với công nhân, viên chức và quân nhân đã về nghỉ việc và gia đình công nhân, viên chức và quân nhân chết được hưởng tiền tuất để thăm hỏi tình hình sức khoẻ, đời sống, phổ biến những chủ trương, chính sách mới và cũng để xem họ có thắc mắc, nguyện vọng gì thì có kế hoạch giải quyết hoặc giải đáp kịp thời. Ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, mỗi năm nên tổ chức họp mặt một lần và chỉ nên triệu tập đại biểu, chú ý trước tiên là những cán bộ có nhiều thành tích, công lao, và những cán bộ đã tham gia cách mạng từ trước 19/8/1945. Còn ở cấp huyện, thị xã, khu phố, thành phố thuộc tỉnh thì 6 tháng nên tổ chức họp mặt một lần hoặc ít nhất cũng một năm một lần, thành phần cuộc họp có thể rộng rãi hơn. Trong các dịp trả trợ cấp hàng quý cũng cần tranh thủ tiếp xúc với họ. Trước khi họp mặt, Ủy ban cần chuẩn bị trước để nội dung cuộc họp được phong phú, bổ ích, không kéo dài và nên dành thời giờ để phổ biến một số chủ trương, chính sách của Nhà nước và những chủ trương công tác quan trọng của địa phương; tránh biến cácbuổi họp mặt thành những buổi họp nặng về mặt đòi hỏi quyền lợi mà nhẹ về mặt đề đạt xây dựng chính sách.
Hàng năm, trong dịp những ngày Quốc khánh hoặc ngày Tết, Ủy ban khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nên có thư thăm hỏi chung công nhân, viên chức và quân nhân về hưu, mất sức lao động ở địa phương và nếu có điều kiện thì có thể cử cán bộ trực tiếp đến thăm một số người, chú ý đến cán bộ nhiều công lao, thành tích lớn và cán bộđã tham gia cách mạng lâu năm. Còn ở huyện, thị xã, khu phố, thành phố thuộc tỉnh thì tùy tình hình địa phương mà tổ chức việc thăm hỏi và chú ý hướng dẫn Ủy ban hành chính các xã, thị trấn, thường xuyên quan tâm đến việc chăm sóc đời sống của những người về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động ở địa phương.
5. Động viên công nhân, viên chức, quân nhân đã về nghỉ việc tham gia các công tác ở địa phương.
Công nhân, viên chức và quân nhân về hưu là những người đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác, sản xuất, chiến đấu, trong khoa học, kỹ thuật, có trình độ chính trị và có tín nhiệm với nhân dân. Nếu được sử dụng đúng khả năng, thì họ sẽ trở thành những cố vấn đắc lực của địa phương và sẽ là vai trò nòng cốt trong tuyên truyền phổ biến cũng như việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước. Do đó tùy theo tình hình sức khoẻ, khả năng, trình độ của mỗi người, chính quyền và đoàn thể địa phương nên để công nhân, viên chức và quân nhân về hưu, mất sức lao động tham gia các công tác thích hợp để họ đóng góp cho phong trào địa phương. Cách sử dụng hợp lý nhất là nên tuỳ theo ngành, nghề cũ của họ mà đưa họ vào các ngành ở địa phương để họ đem khả năng chuyên môn sẵncó phục vụ thiết thực cho phong trào. Những người có uy tín, đạo đức, có khả năng lãnh đạo, động viên thì có thể đưa vào Hội đồng nhân dân các cấp, hoặc Mặt trận Tổ quốc ở địa phương. Tuy nhiên, cần tránh giao việcquá sức của họ, tránh biến họ thành những cán bộ chủ chốt ở cơ sở (như làm chủ tịch, Phó chủ tịch, bí thư Đảng ủy xã, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp…) làm ảnh hưởng đến sức khoẻ và không đảm bảo quyền nghỉ ngơi của họ.
Mặt khác cũng cần kịp thời giáo dục, giúp đỡ những người có những tư tưởng và hành vi không đúng đắn để họ tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của người cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước.
II. TỔ CHỨC QUẢN LÝ
Để quản lý đời sống và thực hiện tốt các chính sách, chế độ đối với công nhân, viên chức và quân nhân về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động mà số lượng ngày càng tăng, Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh cần có một bộ phận chuyên trách về công tác này (nằm trong ban tổ chức dân chính hoặc ban thương binh – xã hội ở những nơi đã tách thành hai ban) gồm một số cán bộ có trình độ, khả năng và quen làm công tác quần chúng. Cần vận động đông đảo những người về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động tham gia tự quản bằng cách tổ chức họ thành những tổ hoặc nhóm hưu trí, mất sức lao động nhằm mục đích:
- Động viên, nhắc nhở lẫn nhau chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước, giữ vững và phát huy phẩm chất, đạo đức của người công nhân, viên chức Nhà nước và quân nhân cách mạng.
- Tăng cường đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong đời sống tinh thần và vật chất làm cho cuộc sống của mỗi người được vui tươi phấn khởi, lại luôn luôn được giữ được mối liên hệ với nhau và có quan hệ tốt với nhân dân địa phương nơi mình ở.
- Phản ảnh được tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng và những mắc mứu, khó khăn trong sinh hoạt cho các cơ quan có trách nhiệm, đồng thời đề xuất ý kiến với Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng chính sách, chế độ.
Tổ, nhóm hưu trí, mất sức lao động sẽ tổ chức theo đơn vị xã, hoặc liên xã, thị trấn, đường phố, khu phố… Mỗi tổ có từ 10 đến 30 người, mỗi nhóm từ 5 đến 10 người¸ tùy theo số người về hưu, mất sức lao động nhiều hay ít mà tổ chức mỗi xã một hay nhiều tổ, hay hai ba xã gần nhau thành mỗi tổ. Ở các khu phố ( thuộc các thànhphố lớn) thì mỗi đường phố thành lập một tổ v.v…
Nói tóm lại là cách tổ chức có thể linh hoạt tùy theo tình hình cụ thể từng nơi, cốt sao gọn, nhẹ, thuận lợi cho việc sinh hoạt của người về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động.
Các tổ, nhóm hưu trí, mất sức lao động không có điềulệ hoạt động như một đoàn thể quần chúng, nhưng cũng cần có nội quy sinh hoạt do tổ, nhóm xây dựng. Nội quy này cần thiết thực, đơn giản và phù hợp với yêu cầu, mục đích đã nói trên (kèm theo thông tư này một mẫu nội quy để các địa phương làm căn cứ hướng dẫn các tổ nhóm xây dựng)(1).
Theo kinh nghiệm ở một số tỉnh, thành phố, để tập hợp được tình hình chung của các tổ, nhóm hưu trí, mất sức lao động trong địa phương thì ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc, trungươngnên tổ chức ban liên lạc của công nhân, viên chức và quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động. Ban này sẽ gồm đại biểu của các huyện, thị xã, khu phố hoặc thành phố thuộc tỉnh do các tổ trưởng đề cử lên. Đồng chí trưởng ban hay phó ban tổ chức dân chính (hay ban thương binh – xã hội) tỉnh, thành phố sẽ là Ủy viên thường trực của ban.
Ban liên lạc công nhân, viên chức và quân nhân về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động sẽ sinh hoạt thường kỳ ba tháng một lần, để kiểm điểm tình hình chung và đề xuất ý kiến với Ủy ban về sự hoạt động của các tổ và việc chấp hành chính sách của các ngành hữu quan cũng như những ý kiến, nguyện vọng của những người về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động ở địa phương.
III. PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN.
Công tác quản lý đời sống của công nhân, viên chức và quân nhân về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động không phải chỉ do Ủy ban hành chính với một số cán bộ chuyên trách mà làm tốt được mà phải có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các đoàn thể và các cơ quan xí nghiệp, đơn vị có người về nghỉ việc và được đông đảo những người về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động, tích cực và tự nguyện tham gia. Do đó nó không chỉ đơn thuần là một công tác hành chính mà còn là một công tác vận động quần chúng. Muốn làm được công tác này, cần phải thực hiện một số việc như sau đây:
- Cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho các đoàn thể, các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị thấy rõ được chính sách của đảng và Nhà nước đối với công nhân, viên chức và quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động và nắm được ý nghĩa, mục đích, nội dung, yêu cầu của công tác tổ chức quản lý đời sống của công nhân, viên chức và quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động.
- Về công tác quản lý, trước tiên cần nắm chắc danh sách và tình hình chung của những người về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động tiến tới đưa họ vào các tổ chức tự quản (tổ, nhóm hưu trí, mất sức lao động) để nắm được tình hình sinh hoạt, tư tưởng, sức khoẻ và đời sống của từng người. Ban tổ chức dân chính (hoặc ban thương binh xã hội) cần phổ biến mẫu tờ khai tình hình đời sống sau khi nghỉ việc cho các huyện, thị xã, khu phố… để huyện, thị xã, khu phố hướng dẫn công nhân, viên chức và quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động tự khai, qua việc tập hợp các bản khai đó, ban sẽ nắm được tình hình chung.
- Về tổ chức các tổ, nhóm hưu trí, mất sức lao động, thì mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ lựa chọn một số xã, thị trấn hoặc đường phố có nhiều người về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động (trong đó có những phần tử tích cực làm nòng cốt cho phong trào) để tiến hành tổ chức trước. Sau đó sẽ phổ biến kinh nghiệm cho các nơi khác tiến hành, dần dần mở rộng diện tích ra toàn tỉnh, thành phố.
Sau khi các huyện, thị xã, khu phố đã thành lập xong các tổ hưu trí, mất sức lao động, thì ban tổ chức dân chính (hoặc ban thương binh xã hội) tỉnh, thành phố sẽ triệu tập hội nghị đại biểu của các tổ, đề cử ra ban liên lạc của công nhân, viên chức và quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động của tỉnh, thành phố.
Có thể không nhất thiết phải đợi tất cả các huyện, thị xã, khu phố tổ chức xong các tổ mà sau khi có một số huyện, thị xã, khu phố tổ chức xong thì tỉnh, thành phố có thể triệu tập hội nghị để thành lập ban liên lạc của tỉnh, thành phố.
Từng thời kỳ, Ủy ban cần tổ chức các hội nghị chuyên đề với các ngành và các địa phương để kiểm điểm công tác quản lý đời sống công nhân, viên chức và quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động để kịp thời bổ khuyết những thiếu sót của các ngành, các địa phương, và báo cáo tình hình cho Bộ biết.
Công tác quản lý đời sống của công nhân, viên chức và quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động là một công tác mới mẻ, nội dung bao gồm nhiều vấn đề phức tạp và có liên quan đến nhiều ngành, ta lại chưa có nhiều kinh nghiệm; do đó các Ủy ban cần tăng cường sự chỉ đạo đối với công tác này, có kế hoạch tiến hành từng bước và tận dụng khả năng của các ngành có liên quan để làm được tốt.
Trên đây Bộ chỉ hướng dẫn một số nét lớn để các Ủy ban nghiên cứu và tùy tình hình cụ thể của địa phương mà có kế hoạch chỉ đạo thực hiện và vận dụng cho thích hợp. Các Ủy ban cần thường xuyên báo cáo để Bộ nắm được tình hình và có kế hoạch giúp đỡ khi cần thiết.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
(1) không đăng mẫu bản khai
- 1Thông tư 22-NV-1969 hướng dẫn thêm về điều kiện được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động và chế độ tiền tuất do Bộ Nội vụ ban hành
- 2Thông tư 17-NV-1969 hướng dẫn việc học tập chính trị, thời sự cho cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân về hưu và thôi việc vì mất sức lao động do Bộ Nội vụ ban hành
- 3Thông tư liên bộ 8a-TT/LB năm 1971 vấn đề cán bộ, công nhân, viên chức về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động về sinh sống ở nông thôn do Bộ Nội vụ - Ban quản lý Hợp tác xã nông nghiệp Trung ương ban hành
- 4Thông tư 15-TBXH-1980 về việc tổ chức quản lý, sinh hoạt của công nhân, viên chức và quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động do Bộ Thương binh và Xã hội ban hành
- 5Thông tư 28-NV-1969 hướng dẫn thêm về việc cho cán bộ công nhân, viên chức về hưu và thôi việc vì mất sức lao động do Bộ Nội vụ ban hành
- 1Thông tư 22-NV-1969 hướng dẫn thêm về điều kiện được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động và chế độ tiền tuất do Bộ Nội vụ ban hành
- 2Thông tư 17-NV-1969 hướng dẫn việc học tập chính trị, thời sự cho cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân về hưu và thôi việc vì mất sức lao động do Bộ Nội vụ ban hành
- 3Thông tư liên bộ 8a-TT/LB năm 1971 vấn đề cán bộ, công nhân, viên chức về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động về sinh sống ở nông thôn do Bộ Nội vụ - Ban quản lý Hợp tác xã nông nghiệp Trung ương ban hành
- 4Thông tư 15-TBXH-1980 về việc tổ chức quản lý, sinh hoạt của công nhân, viên chức và quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động do Bộ Thương binh và Xã hội ban hành
- 5Thông tư 28-NV-1969 hướng dẫn thêm về việc cho cán bộ công nhân, viên chức về hưu và thôi việc vì mất sức lao động do Bộ Nội vụ ban hành
Thông tư 23-NV-1968 hướng dẫn công tác quản lý đời sống của công nhân, viên chức và quân nhân về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động do Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 23-NV
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 26/09/1968
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Tô Quang Đẩu
- Ngày công báo: 15/10/1968
- Số công báo: Số 13
- Ngày hiệu lực: 11/10/1968
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định