Hệ thống pháp luật

BỘ LÂM NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23-BLN/KL

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 1984

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LÂM NGHIỆP SỐ 23-BLN/KL NGÀY 8-10-1984 HƯỚNG DẪN XỬ LÝ BẰNG BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI ĐẦU CƠ, BUÔN LẬU TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN,KINH DOANH TRÁI PHÉP LÂM SẢN.

Quyền xử phạt hành chính các hành vi vi phạm luật lệ bảo vệ rừng của kiểm lâm nhân dân đã được quy định tại các Điều 16, 21 và 23 Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng, quy định cụ thể tại Nghị định số 101-CP ngày 21-5-1973 của Hội đồng Chính phủ quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng kiểm lâm nhân dân.
Căn cứ Nghị định sô 46-HĐBT ngày 10-5-1983 của Hội đồng Bộ trưởng quy định việc xử lý bằng biện pháp hành chính các hành vi đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép và Thông tư số 1-TTLB ngày 25-1-1984 của Liên Bộ Tư pháp - Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định trên.
Để tăng cường quản lý công tác lưu thông, phân phối lâm sản, Bộ Lâm nghiệp ra thông tu này hướng dẫn cụ thể việc xử lý bằng biện pháp hành chính các hành vi đầu cơ, buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh trái phép lâm sản.

Phần 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Mọi hành vi đầu cơ, buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh trái phép lâm sản thuộc loại vi phạm nhỏ đều bị xử lý bằng biện pháp hành chính theo quy định của Thông tư hướng dẫn này.

2. Vi phạm nhỏ là vi phạm trong trường hợp trị giá hàng lâm sản phạm pháp dưới 20 nghìn đồng; tính chất của việc vi phạm không nghiêm trọng; không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng; khi bị phát hiện người vi phạm không có hành động chống lại cán bộ, nhân viên kiểm lâm nhân dân.

3. Đối tượng lâm sản bị đầu cơ, buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh trái phép gồm:

- Gỗ và các lâm sản, đặc sản khai thác từ trong rừng Nhà nước, rừng của các tập thể, cá nhân do Nhà nước giao để bảo vệ, kinh doanh.

- Các loại động vật rừng.

- Các loại đồ mộc làm bằng gỗ rừng còn mới, có nguồn gốc sử dụng, mua bán trái phép.

4. Nội dung các hành vi vi phạm căn cứ vào Thông tư số 6-TTLN ngày 20-12-1982 của Liên ngành Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép và căn cứ vào thực tế xử lý các vụ vi phạm về lâm nghiệp, Bộ Lâm nghiệp quy định:

a) Hành vi đầu cơ lâm sản là lợi dụng những khó khăn hoặc tạo ra để lợi dụng những khó khăn về khai thác, cung ứng lâm sản; lợi dụng những sơ hở trong việc quản lý bảo vệ rừng, quản lý thống nhất vật tư lâm sản; lợi dụng giấy tờ của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội để mua vét gỗ và các lâm sản với mục đích bán lại với giá cao hơn; Không kể đã bán lại ngay hay còn cất giữ chờ cơ hội mới bán, nhằm thu lợi trái phép.

b) Hành vi buôn lậu, tàng trữ lâm sản là mua đi bán lại hoặc cất giữ trong nhà hay ở ao, hồ, hầm, hố không kể là để dùng hay để buôn bán trái với các quy định hiện hành các loại gỗ, lâm sản đặc sản, các loại động vật rừng quý hiếm Nhà nước độc quyền kinh doanh cấm tư nhân và các cơ quan, đơn vị ngoài ngành Lâm nghiệp buôn bán, tàng trữ như gỗ rừng từ nhóm 1 đến nhóm 8 (kể cả gỗ tròn, gỗ xẻ); tre, bương, vầu, luồng, nứa khai thác rừng ra; các loại đặc sản rừng; kể cả các sản phẩm chế biến từ các đặc sản rừng; các loại động vật rừng quý hiếm và ngà, xương da, lông, mật... của chúng. Riêng đối với việc đồng bào Tây Nguyên dụ voi rừng để thuần dưỡng; việc vận chuyển và lưu thông gỗ và các lâm sản khác được khai thác từ rừng Nhà nước giao cho tập thể, cá nhân bảo vệ, kinh doanh phần được để lại sử dụng theo chính sách, Bộ Lâm nghiệp sẽ quy định cụ thể trong một văn bản khác.

c) Hành vi vận chuyển trái phép lâm sản là vận chuyển bằng đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường không, đường bưu điện các loại gỗ, lâm sản, đặc sản, động vật rừng quý hiếm Nhà nước độc quyền kinh doanh và các loại lâm sản, đặc sản khác, nếu:

- Nguồn gốc không hợp pháp.

- Nguồn gốc hợp pháp nhưng không đủ các giấy tờ thủ tục vận chuyển theo quy định hiện hành;

- Nguồn gốc hợp pháp có đầy đủ giấy tờ vận chuyển, nhưng vượt khối lượng quá giới hạn cho phép (gỗ tròn sai số không quá 5%) sai chủng loại, sai tuyến đường ghi trong giấy phép.

d) Hành vi kinh doanh trái phép lâm sản là hoạt động sản xuất (gia công chế biến), buôn bán gỗ và các lâm sản, đặc sản rừng vi phạm các chế độ, thể lệ về quản lý kinh doanh công thương nghiệp như không có giấy phép kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung giấy phép, không niêm yết giá, nâng giá cao hơn giá niêm yết, trốn nộp thuế, hoặc dùng các thủ đoạn khác để lừa dối cơ quan Nhà nước và người tiêu dùng.

5. Nếu người bị xử phạt khiếu nại quyết định xử lý của cơ quan kiểm lâm nhân dân có thẩm quyền, thì Uỷ ban nhân cùng cấp xét, giải quyết theo điều 21 Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng.

Phần 2:

THẨM QUYỀN XỬ LÝ CÁC VỤ VI PHẠM

I. Đối với các vi phạm nhỏ về đầu cơ gỗ rừng, các loại lâm sản, đặc sản rừng (viết tắt là lâm sản) hoặc các loại giấy tờ có giá trị phân phối, vận chuyển lâm sản nói ở Điều 4 Nghị định 46-HĐBT, thẩm quyền và biện pháp xử lý quy định như sau:

1. Thẩm quyền xử lý. Hạt trưởng hạt kiểm lâm nhân dân, hạt kiểm soát lâm sản cấp huyện xử lý các vụ vi phạm trị giá hàng phạm pháp dưới 10.000 đồng Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm nhân dân, hạt trưởng hạt kiểm lâm nhân dân cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương xử lý các vụ vi phạm trị giá hàng phạm pháp dưới 20.000 đồng.

2 Biện pháp xử phạt:

- Phạt tiền từ 3 lần đến 5 lần trị giá hàng phạm pháp.

- Trưng mua toàn bộ hàng phạm pháp theo giá thu mua của Nhà nước, nếu là vi phạm lần đầu, hàng phạm pháp là loại lâm sản, đặc sản rừng không cấm tư nhân buôn bán và có trị giá hàng lâm sản phạm pháp dưới 10.000 đồng; đồng thời người vi phạm phải nộp tiền nuôi rừng đối với số lâm sản bị trưng mua đó.

- Tịch thu toàn bộ số lâm sản phạm pháp nếu đã bị xử phạt mà còn vi phạm, hàng lâm sản là các loại Nhà nước độc quyền kinh doanh cấm tư nhân buôn bán hoặc hàng phạm pháp là các loại giấy tờ có giá trị phân phối, vận chuyển lâm sản.

Nếu xét cần phải thu hồi giấy phép kinh doanh, cơ quan xử lý vụ vi phạm đề nghị Uỷ ban nhân dân cùng cấp xét, quyết định.

II. Đối với các vi phạm nhỏ về buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại lâm sản Nhà nước độc quyền kinh doanh, cấm tư nhân buôn bán, nói ở Điều 5 Nghị định 46-HĐBT và điểm 3, mục I, phần I Thông tư số 1-TTLB, thẩm quyền và biện pháp xử lý quy định như sau:

1. Các cấp có thẩm quyền:

- Hạt trưởng hạt kiểm lâm nhân dân, hạt kiểm soát lâm sản, trưởng trạm kiểm lâm nhân dân, trạm kiểm soát lâm sản trực thuộc chi cục kiểm lâm nhân dân hoặc hạt kiểm lâm nhân dân cấp tỉnh xử lý các vụ vi phạm có trị giá hàng phạm pháp dưới 10.000 đồng.

- Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm nhân dân, hạt kiểm lâm nhân dân cấp tỉnh xử lý các vụ vi phạm có giá trị hàng phạm pháp dưới 20.000 đồng.

2. biện pháp xử phạt:

- Tịch thu toàn bộ hàng lâm sản phạm pháp và phương tiện, dụng cụ mà người vi phạm dùng để cất giấu, vận chuyển lâm sản.

- Phạt tiền từ 1 lần đến 2 lần trị giá hàng phạm pháp nếu vi phạm lần đầu.

- Phạt tiền từ 3 lần đến 5 lần trị giá hàng phạm pháp nếu tái phạm.

Nếu xét thấy cần thu hồi giấy phép kinh doanh của người vi phạm, thì cơ quan kiểm lâm nhân dân đề nghị Uỷ ban nhân dân cùng cấp xét, quyết định. 3. Riêng đối với gỗ và lâm sản trong kế hoạch của các lâm trường, liên hiệp lâm công nghiệp, liên hiệp chế biến cung ứng lâm sản vận chuyển, nếu phát hiện:

a) Chở dư khối lượng quá sai số cho phép 5%, hoặc có sự sai khác về số hiệu, chủng loại cây gỗ thì lập biên bản và ghi thêm khối lượng chở dư và sự sai khác trên vào phiếu xuất kho kiêm vận chuyển, đồng thời thông báo cho đơn vị giao, nhận lâm sản biết để tính toán lại.

b) Chở dư số cây hoặc khúc gỗ so với phiếu xuất kho kiêm vận chuyển, thì lập biên bản, tịch thu số cây hoặc khúc gỗ chở trái phép đó và thông báo cho đơn vị quản lý phương tiện vận tải biết.

c) Trong cả hai trường hợp a, b trên các đơn vị kiểm soát lâm sản phải kiểm tra nhanh chóng, giải phóng xe nhanh.

III. Đối với các hành vi vi phạm nhỏ về kinh doanh trái phép lâm sản, thẩm quyền và biện pháp xử phạt quy định như sau:

1. Các đội trưởng kiểm soát lưu động thuộc các chi cục kiểm lâm nhân dân, hạt kiểm lâm nhân dân cấp tỉnh; các trạm trưởng kiểm lâm nhân dân, trạm kiểm soát lâm sản thuộc các hạt kiểm lâm nhân dân, hạt kiểm soát lâm sản cấp huyện, theo uỷ quyền của cơ quan chủ quản được phép xử lý các vụ vi phạm nhỏ về kinh doanh trái phép các loại lâm sản, đặc sản rừng vi phạm lần đầu; không có nhiều hành vi vi phạm đồng thời, mức thu lời do kinh doanh trái phép không lớn; lâm sản, đặc sản không thuộc loại Nhà nước độc quyền kinh doanh, không trốn tránh sự kiểm soát của kiểm lâm nhân dân. Trong phạm vi nói trên, các cấp có thẩm quyền theo quy định được quyền phạt:

- Cảnh cáo trong nội bộ ngành nghề, phường, xã.

- Phạt tiền từ 100 đồng đến 500 đồng.

2. Đối với các vi phạm về kinh doanh trái phép lâm sản có các tình tiết vượt ra ngoài phạm vi nói trên. Thẩm quyền và biện pháp xử phạt quy định như sau:

a) Hạt trưởng hạt kiểm lâm nhân dân, hạt kiểm soát lâm sản cấp huyện có thẩm quyền:

- Cảnh cáo trong nội bộ ngành nghề, phường, xã.

- Phạt tiền từ 100 đồng đến 2000 đồng nếu là vi phạm lần đầu.

- Phạt tiền từ 500 đồng đến 5000 đồng nếu đã bị xử lý mà còn vi phạm.

b) Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm nhân dân, hạt trưởng hạt kiểm lâm nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:

- Cảnh cáo trong nội bộ ngành nghề, phường, xã.

- Phạt tiền từ 100 đồng đến 5000 đồng nếu là phạm vi lần đầu.

- Phạt tiền từ 500 đồng đến 10.000 đồng nếu đã bị xử lý mà còn vi phạm.

Việc thu hồi giấy phép kinh doanh của người vi phạm trong mọi trường hợp đều do Uỷ ban nhân dân huyện xét, quyết định.

Phần 3:

THỦ TỤC XỬ LÝ CÁC VỤ VI PHẠM

Thủ tục xử lý hành chính các vụ vi phạm về luật lệ bảo vệ rừng đã được quy định tại Thông tư số 3984-LN/KL ngày 15-10-1977.

Để việc thi hành Nghị định số 46-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng được chặt chẽ. Căn cứ Thông tư số 1-TTLB ngày 25-1-1984 của Liên Bộ Tư pháp và Tài chính. Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn thêm một số thủ tục xử lý các vi phạm về đầu cơ, buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh trái phép lâm sản:

1. Các cơ quan kiểm lâm nhân dân khi xét, xử lý các vụ vi phạm nhỏ về đầu cơ, buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh trái phép phải xét xử một cách tổng hợp tất cả các yếu tố quy định tại Điều 1 Nghị định số 46-HĐBT và được quy định cụ thể tại điểm 2 phần I Thông tư hướng dẫn này. Trường hợp các vi phạm khó xác định là vi phạm nhỏ hay tội phạm, thì cơ quan kiểm lâm nhân dân phải trao đổi ý kiến với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp xét quyết định.

2. Khi bắt giữ cũng như khi xét, xử lý phải xác định để phân biệt rõ các hành vi được quy định ở điểm 4, phần I trên đây; không lẫn lộn các hành vi đầu cơ, buôn lậu tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh trái lâm sản với việc vận chuyển, dự trữ lâm sản phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt bình thường của nhân dân mà pháp luật không nghiêm cấm.

3. Đối với các vi phạm được phát hiện, sau khi lập xong biên bản ban đầu và làm các công việc cần thiết khác, các đơn vị kiểm lâm nhân dân hoặc kiểm soát lâm sản phải giao ngay toàn bộ hồ sơ và tang vật vụ vi phạm trong cơ quan kiểm lâm nhân dân có thẩm quyền xét xử và xử lý.

4. Các cơ quan kiểm lâm nhân dân kiểm soát lâm sản có thẩm quyền xử lý có trách nhiệm và quyền hạn yêu cầu đơn vị hoặc nhân viên kiểm soát thuộc hệ thống kiểm lâm nhân dân thuộc các ngành chức năng khác đã bắt giữ vụ vi phạm nhỏ về đầu cơ, buôn lậu, tàng trữ, kinh doanh trái phép lâm sản, nộp kịp thời đầy đủ hồ sơ tang vật vụ vi phạm.

5. Việc xử lý phải cân nhắc thận trọng, xác định đúng tính chất và mức độ của vụ vi phạm để quyết định các biện pháp xử phạt đúng mức có lý, có tình. Tang vật là gỗ, lâm sản, đặc sản rừng Nhà nước độc quyền kinh doanh thì nhất thiết phải quyết định tịch thu, không được dùng biện pháp phạt tiền thay tịch thu; không được tịch thu bán lại tang vật cho đương sự; biện pháp tịch thu hay trưng mua tang vật phạm pháp và phạt tiền là các biện pháp bắt buộc, phạt tiền không thấp hơn hay cao hơn mức đã quy định.

6. Khi xử phạt phải có mặt đương sự. Nếu đương sự cố tình vắng mặt thì cơ quan kiểm lâm nhân dân được xử lý vắng mặt, sau khi xin ý kiến của Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Việc xử phạt phải khẩn trương trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hoặc từ ngày phát hiện lập biên bản vụ vi phạm.

7. Khi thu tiền phạt phải cấp biên lai cho đương sự, tiền phạt thu được trong ngày phải nộp vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý. Thủ trưởng các đơn vị kiểm lâm nhân dân phải chịu trách nhiệm về mọi sự mất mát, nhầm lẫn tiền bạc, biên lai chứng từ trong việc thu nộp tiền phạt xẩy ra trong đơn vị

8. Quyết định của cơ quan Kiểm lâm nhân dân có thẩm quyền xử lý có hiệu lực pháp luật. Đương sự và các cơ quan liên quan phải chấp hành nghiêm chỉnh. Nếu đương sự không chịu thi hành, cơ quan Kiểm lâm nhân dân xử lý vụ vi phạm chuyển quyết định xử lý cho Uỷ ban nhân dân địa phương hoặc cơ quan quản lý đương sự, để cơ quan này có biện pháp bắt người vi phạm phải thi hành.

9. Nếu cơ quan Kiểm lâm nhân dân nào bắt giữ, xử lý sai pháp luật, gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, của công dân, thì cơ quan Kiểm lâm nhân dân đó phải bồi thường thiệt hại theo chế độ hiện hành. Ngoài ra nếu cố ý lạm dụng quyền hạn hoặc có những hành động bao che, móc ngoặc, ăn hối lộ... thì tuỳ theo mức độ vi phạm, cơ quan Kiểm lâm nhân dân đó còn bị thi hành kỷ luật hành chính hoặc bị truy tố trước pháp luật.

Phần 4:

GIẢI QUYẾT TANG VẬT PHẠM PHÁP

A. Bước 1. Giải quyết tang vật trong khi chờ xử lý vụ vi phạm:

I. Phương thức giao nộp tang vật sau khi bắt giữ.

1. Tang vật là những lâm sản, những dụng cụ, phương tiện được dùng trong vụ vi phạm và các giấy tờ có giá trị phân phối, vận chuyển lâm sản. Cơ quan bắt giữ tang vật phải giao nộp tang vật đó sau khi bắt giữ cho cơ quan Kiểm lâm nhân dân có thẩm quyền xử lý, tạm giữ trong khi chờ xử lý.

2. Cơ quan Kiểm lâm nhân dân có thẩm quyền xử lý có nhiệm vụ:

a) Tiếp nhận hồ sơ và tang vật các vụ vi phạm về đầu cơ, buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh trái phép lâm sản do các đơn vị Kiểm lâm nhân dân thuộc quyền và các đơn vị kiểm soát của các ngành chức năng khác chuyển giao.

b) Chuyển giao hồ sơ và tang vật các vụ vi phạm nhỏ là các loại hàng hoá khác không phải là lâm sản, phát hiện và bắt giữ được trong khi thi hành nhiệm vụ cho các cơ quan có chức năng quản lý các loại tang vật có quy định ở mục I, phần III Thông tư số 1-TTLB của liên Bộ Tư pháp - Tài chính.

3. Tang vật là các loại lâm sản mau hư hỏng như măng tươi, thịt động vật rừng, các loại vỏ cây tươi, nan nẹp tre nứa tươi, ... các đơn vị Kiểm lâm nhân dân, Kiểm soát lâm sản phải kịp thời giao ngay sau khi bắt giữ cho cơ quan chuyên doanh mặt hàng đó ở địa phương. Đơn vị nhận hàng có trách nhiệm thanh toán tiền hàng theo giá chỉ đạo thu mua ở địa phương đang áp dụng, không trừ chiết khấu kinh doanh thương nghiệp. Số tiền hàng thu được phải chuyển ngay vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý (TK 651) của cơ quan kiêm lâm nhân dân.

II. Quy chế quản lý tang vật trong khi chờ xử lý vi phạm.

1. Khi giao nhận tang vật giữa hai bên trong mọi trường hợp phải cùng nhau cân, đong, đo đếm chính xác và phải lập thành biên bản theo quy định.

2. Gỗ, lâm sản, đặc sản rừng do các cơ quan Kiểm lâm nhân dân tạm giữ chờ xử lý hoặc đã xử lý tịch thu phải được bảo quản chu đáo, phải đánh số thứ tự bằng sơn trên các tang vật trùng với biên bản vụ vi phạm. Phải ghi chép cập nhật các sổ sách xuất. Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo kế toán tang vật hàng tháng, quý lên cơ quan quản lý cấp trên.

3. Nghiêm cấm mọi việc sử dụng tuỳ tiện tang vật trong khi tạm giữ chờ đợi xử lý và sau khi đã có quyết định xử lý. Mọi sự mất, mát, đổi tráo... tang vật ở đơn vị kiểm lâm nhân dân nào, đơn vị đó phải bồi thường theo chế độ hiện hành.

4 Giám đốc các Sở Lâm nghiệp có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra việc bắt giữ, giao nộp tang vật là lâm sản phạm pháp để ngăn ngừa mọi sự lạm dụng có thể xảy ra.

B. Bước 2. Giải quyết tang vật là lâm sản phạm pháp sau khi đã xử lý tịch thu:

I. Phương thức và thủ tục giao nộp.

1. Về phương thức và thủ tục giao nộp tang vật là lâm sản phạm pháp xử lý tịch thu thực hiện theo Chỉ thị số 44-LN/KL ngày 29-10-1977 của Bộ Lâm nghiệp.

2. Tang vật là các loại giấy tờ có giá trị phân phối, vận chuyển lâm sản giao cho các chi cục kiểm lâm nhân dân, hạt kiểm lâm nhân dân cấp tỉnh.

3. Tang vật là những dụng cụ, phương tiện dùng trong vụ vi phạm, cơ quan kiểm lâm nhân dân chỉ xử lý tịch thu những dụng cụ, phương tiện có liên quan trực tiếp đến hành động vi phạm, và tái phạm như các loại ghe, thuyền gắn máy và không gắn máy, xe lam, xe súc vật kéo, xe đạp, các loại cưa máy, cưa thủ công, dao, rìu, búa. Đối với các loại tang vật này, cơ quan kiểm lâm nhân dân xử lý cùng với cơ quan tài chính - giá cả xác định giá, rồi giao cho cơ quan có chức năng ở địa phương, riêng các dụng cụ dùng để gia công, chế biến lâm sản giao cho các đơn vị khai thác, chế biến thuộc ngành lâm nghiệp; tiền thu được do bán các loại dụng cụ, phương tiện trên nộp vào tài khoản (651) của đơn vị xử lý vụ vi phạm. Việc giải quyết khoản tiền bán dụng cụ, phương tiện dùng để phạm pháp bị xử lý tịch thu như đối với tiền bán tang vật là lâm sản tịch thu quy định ở điểm 3 mục II, phần V dưới đây.

Đối với các loại xe ô-tô, máy kéo của tư nhân dùng vào việc phạm pháp, cơ quan kiểm lâm nhân dân sau khi bắt giữ phải giao ngay cho cơ quan công an cùng cấp tạm giữ chờ xử lý. Đối với các xe ô-tô, máy kéo, xà lan..., của các cơ quan Nhà nước (kể cả của bản thân ngành lâm nghiệp) dùng vào việc phạm pháp. Cơ quan kiểm lâm nhân dân sau khi bắt giữ tang vật và lập biên bản xong, thì giải phóng các phương tiện vận chuyển nói trên đồng thời thông báo ngay cho đơn vị, cơ quan chủ phương tiện biết để có biện pháp xử lý thích hợp.

4. Đối với tang vật có quyết định trả lại cho chủ sở hữu.

Trường hợp còn hiện vật, cơ quan kiểm lâm nhân dân xử lý vụ vi phạm phải thông báo cho các cơ quan biết có liên quan phối hợp trả lại tang vật cho chủ sở hữu.

Trường hợp tang vật là hàng lâm sản mau hư hỏng đã giao cho cơ quan chuyên doanh của địa phương, thì cơ quan kiểm lâm nhân dân xử lý vụ vi phạm thanh toán bằng tiền cho đương sự, số tiền phải thanh toán bằng số tiền cơ quan nhận hàng đã thanh toán cho cơ quan kiểm lâm nhân dân.

II. Phương thức thanh toán tiền hàng sau khi có quyết định xử lý.

1. Các đơn vị khai thác, chế biến, cung ứng lâm sản nhận tang vật là lâm sản phạm pháp xử lý tịch thu có trách nhiệm chuyển tiền hàng vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý (TK651) của cơ quan kiểm lâm nhân dân, nếu tang vật do các đơn vị kiểm lâm nhân dân bắt giữ; chuyển tiền hàng vào tài khoản 651 của đơn vị kiểm soát thuộc ngành chức năng khác, nếu tang vật là lâm sản do các đơn vị này bắt giữ.

2. Giá làm căn cứ để thanh toán tiền hàng quy định như sau:

a) Gỗ tròn, gỗ xẻ, củi thước, tre các loại, nứa, vầu, luồng cơ quan cung ứng lâm sản thanh toán cho cơ quan giao hàng theo giá bán buôn vật tư quy định theo từng khu vực trừ chi phí lưu thông theo kế hoạch được duyệt. Các đơn vị khai thác thuộc ngành lâm nghiệp thanh toán theo giá thuê khoán hoặc giá thu mua hiện đang áp dụng tại địa phương, đồng thời nộp luôn tiền nuôi rừng số lâm sản đã nhận cho cơ quan kiểm lâm nhân dân.

Giá thanh toán lâm sản phạm pháp tịch thu trên, thay thế cho giá thanh toán các loại lâm sản tương ứng được quy định tại Chỉ thị số 44/LN/KL ngày 29-10-1977 của Bộ Lâm nghiệp về giao nộp, phân phối lâm sản phạm pháp sau khi xử lý tịch thu.

b) Trong trường hợp hàng phạm pháp bị xử lý trưng mua, thì cơ quan chủ quản bắt giữ vụ vi phạm rút tiền từ tài khoản tạm giữ chờ xử lý của mình, để thanh toán tiền hàng cho người vi phạm - chủ hàng, giá thanh toán được áp dụng theo quy định tại tiết 3 - điểm B, mục II, phần III Thông tư số 1 -TTLB của Liên bộ Tư pháp - Tài chính.

c) Trong một số trường hợp có những mặt hàng lâm sản chưa quy định giá thanh toán tại Thông tư này và Thông tư Liên bộ số 1-TTLB, thì giá thanh toán do cơ quan quản lý giá ở địa phương quy định.

Phần 5:

CHI TRẢ TIỀN THƯỞNG CHO NHỮNG NGƯỜI CÓ CÔNG

I. Đối tượng được thưởng và mức thưởng

1. Đối tượng được thưởng gồm những cán bộ, nhân viên kiểm lâm nhân dân, cán bộ , công nhân viên khác của ngành lâm nghiệp; cán bộ công nhân viên thuộc các ngành khác và các đối tượng khác không phải là công nhân viên Nhà nước đã thục sự góp công, góp sức vào việc phát hiện, điều tra, bắt giữ những vụ vi phạm nhỏ về đầu cơ, buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh trái phép lâm sản, và nếu người vi phạm bị phạt tiền hoặc bị tịch thu lâm sản.

2. Mức thưởng: Tuỳ theo tính chất phức tạp của vụ vi phạm và tuỳ theo công đóng góp của mỗi người và mức tiền thưởng cho một vụ được trích một khoản từ 5% đến 10% trị giá hàng phạm pháp tịch thu hoặc tiền phạt, tiền nuôi rừng truy thu (một trong ba khoản).

3. Việc quyết định thưởng, tỷ lệ phần trăm (%) trích thưởng, mức tiền thưởng cụ thể cho từng người, khoản tiền dùng để trích thưởng cho mỗi vụ, quy định như sau:

a) Chi Cục trưởng Chi cục kiểm lâm nhân dân, Hạt trưởng hạt kiểm lâm nhân dân cấp tỉnh xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Hạt kiểm lâm nhân dân, hạt kiểm soát lâm sản hoặc trạm kiểm lâm nhân dân, trạm kiểm soát lâm sản trực thuộc.

b) Đối với các vụ vi phạm nhỏ về đầu cơ, buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh trái phép do các đơn vị kiểm soát thuộc các ngành chức năng khác bắt giữ, chuyển giao, thì cơ quan kiểm lâm nhân dân xử lý vụ vi phạm đó quyết định theo đề nghị của đơn vị kiểm soát bắt giữ vụ vi phạm.

4. Việc thưởng cho những người có công chỉ được thực hiện sau khi có quyết định của cơ quan kiểm lâm nhân dân có thẩm quyền, nếu đương sự có khiếu nại quyết định xử lý, thì việc thưởng chỉ được thực hiện sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc khiếu nại đó.

II. Thủ tục chi trả tiền thưởng

1. Các cơ quan kiểm lâm nhân dân có thẩm quyền xử lý quy định tại phần II thông tư này, được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước cùng cấp một tài khoản tiền gửi tạm giữ chờ xử lý (TK 651) để xử lý các khoản thu, chi có liên quan đến việc thi hành Nghị định số 46-HĐBT ngày 10-5-1983 của Hội đồng Bộ trưởng. Tài khoản này tiếp nhận các khoản thu về tiền phạt, tiền thanh toán tang vật phạm pháp, tiền nuôi rừng truy thu, và được sử dụng để chi trả tiền thưởng cho những người có công, tiền chi về việc canh giữ bảo quản, vận chuyển tang vật (nếu có). Thủ tục mở tài khoản, thu nộp và rút tiền ở tài khoản trên do Ngân hàng Nhà nước ở địa phương hướng dẫn.

2. Tiền thưởng được trích từ tiền phạt hoặc tiền nuôi rừng truy thu.

a) Đối với các vụ vi phạm do các đơn vị kiểm lâm nhân dân phát hiện, bắt giữ sau khi nhận được quyết định thưởng của đơn vị có thẩm quyền. Cơ quan kiểm lâm nhân dân xử lý vụ vi phạm có nhiệm vụ:

- Trích từ tài khoản 651 của đơn vị mình số tiền để chi trả thưởng cho cán bộ, nhân viên thuộc quyền và chi trả thưởng theo quy định của cơ quan chủ quản cấp trên, chi trả tiền thưởng cho những người khác (nếu có).

- Làm thủ tục nộp ngân sách tỉnh, thành phố số tiền còn lại vào khoảng 81, hạng 3, loại IV tài khoản 730 hoặc nộp vào tài khoản chuyên thu tiền nuôi rừng theo quy định tại Thông tư số 1-TTLB ngày 18-1-1984 của Liên Bộ Tài chính - Lâm nghiệp - Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Thông tư số 16-KT/VT ngày 14-6-1984 của Bộ Lâm nghiệp.

b) Đối với các vụ vi phạm nhỏ do các đơn vị kiểm soát thuộc các ngành chức năng khác bắt giữ, chuyển giao. Cơ quan kiểm lâm nhân dân sau khi xử lý, thu tiền phạt, quyết định tỷ lệ phần trăm trích thưởng từ tiền phạt, cơ quan kiểm lâm nhân dân xử lý vụ vi phạm có nhiệm vụ:

- Làm thủ tục chuyển số tiền phạt đã thu được của người vi phạm vào tài khoản 651 của cơ quan chủ quản bắt giữ vụ vi phạm tại ngân hàng.

- Gửi quyết định xử lý, quyết định thưởng cho cơ quan chủ quản bắt giữ vụ vi phạm và cơ quan tài chính cùng cấp.

3. Tiền thưởng được trích từ tiền thanh toán tang vật tịch thu:

a) Đối với các vụ vi phạm do các đơn vị kiểm lâm nhân dân trực tiếp phát hiện, bắt giữ, sau khi nhận được quyết định thưởng của cơ quan có thẩm quyền, và nhận được giấy báo có về số tiền bán lâm sản phạm pháp, cơ quan kiểm lâm nhân dân xử lý vụ vi phạm có nhiệm vụ:

- Trích từ tài khoản 651 của đơn vị số tiền thưởng để chi trả thưởng như quy định ở tiết 2a trên. Chi trả tiền bảo quản, canh giữ, vận chuyển hàng lâm sản (nếu có).

- Làm thủ tục nộp số tiền còn lại vào ngân sách tỉnh, thành phố (khoản 32, hạng 2 thu về tài sản tịch thu theo mục lục ngân sách hiện hành), hoặc vào tài khoản chuyên thu tiền nuôi rừng như quy định trên.

4. Việc chi trả tiền thưởng phải làm khẩn trương trong 30 ngày, kể từ khi có quyết định thưởng của cơ quan có thẩm quyền. Nghiêm cấm việc sử dụng tuỳ tiện các khoản tiền phạt, tiền bán tang vật tịch thu, tiền nuôi rừng truy thu.

5. Các quy định thưởng cho những người có công phát hiện, truy bắt các vụ vi phạm về lâm nghiệp nói trong Thông tư này thay thế điểm B, mục III Thông tư số 12-LN/KL ngày 24-3-1982 của Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn về việc thu tiền nuôi rừng.

6. Các cơ quan kiểm lâm nhân dân có tài khoản tạm giữ chờ xử lý (TK 651) ở ngân hàng Nhà nước địa phương, có trách nhiệm quản lý tài khoản theo đúng quy định hiện hành, cuối mỗi quý các cơ quan kiểm lâm nhân dân phải làm báo cáo phân tích rõ các khoản thu, chi, nộp ngân sách trong việc xử lý từng vụ vi phạm gửi cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan quản lý ngành dọc cấp trên.

Phần 6:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Việc xử phạt hành chính đối với các vụ vi phạm về luật lệ bảo vệ rừng đã được Bộ Lâm nghiệp quy định tại Thông tư số 3984-LN/KL ngày 15-10-1977. Thông tư này chỉ hướng dẫn để xét, xử lý hành chính đối với các hành vi đầu cơ, buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh trái phép lâm sản trong lĩnh vực phân phối lưu thông.

2. Dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban nhân dân và sự chỉ đạo của tổ chức lâm nghiệp các cấp. Các cơ quan kiểm lâm nhân dân được Bộ Lâm nghiệp giao quyền xét, xử lý hành chính theo thông tư này có nhiệm vụ:

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan ở địa phương như Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân, Tư pháp Công an, Tài chính, Thuế vụ, quản lý thị trường...

- Tổ chức cho cán bộ, nhân viên đơn vị nghiên cứu quán triệt Nghị định số 46-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, Thông tư số 1-TTLB của Liên Bộ Tư pháp - Tài chính, thông tư hướng dẫn này và các văn bản khác có liên quan để bắt giữ, xử phạt đúng phát luật.

3. Những quy định trước đây của Bộ Lâm nghiệp (Thông tư số 43-LN/KL ngày 21-11-1983; mục VIII, phần III Thông tư số 3984-LN/KL ngày 15-10-1977. ..) về xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh trái phép lâm sản trái với Thông tư này thì nay bãi bỏ.

4. Thông tư hướng dẫn này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

5. Đồng chí Cục trưởng Cục kiểm lâm nhân dân có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thi hành Thông tư này.

Trần Sơn Thuỷ

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 23-BLN/KL-1984 hướng dẫn xử lý bằng biện pháp hành chính đối với các hành vi đầu cơ, buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh trái phép lâm sản do Bộ lâm nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 23-BLN/KL
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/10/1984
  • Nơi ban hành: Bộ Lâm nghiệp
  • Người ký: Trần Sơn Thuỷ
  • Ngày công báo: 31/10/1984
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 08/10/1984
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản