Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 23/2013/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2013

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU VỀ HỢP TÁC, ĐẦU TƯ CỦA NƯỚC NGOÀI TRONG LĨNH VỰC DẠY NGHỀ CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 73/2012/NĐ-CP NGÀY 26 THÁNG 9 NĂM 2012 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ HỢP TÁC, ĐẦU TƯ CỦA NƯỚC NGOÀI TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC

Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 70/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề;

Căn cứ Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực dạy nghề của Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (sau đây gọi chung là Nghị định số 73/2012/NĐ-CP),

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quản lý nhà nước đối với cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài

Cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý theo lãnh thổ của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi cơ sở dạy nghề đặt trụ sở.

Điều 2. Quy chế tổ chức và hoạt động của văn phòng đại diện dạy nghề nước ngoài

Quy chế tổ chức và hoạt động của văn phòng đại diện dạy nghề nước ngoài gồm có những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Tên văn phòng đại diện dạy nghề.

2. Mục tiêu, phạm vi hoạt động.

3. Thời hạn, địa điểm hoạt động.

4. Chức năng, nhiệm vụ.

5. Nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng văn phòng đại diện, nhân sự khác làm việc tại văn phòng đại diện.

6. Quan hệ với tổ chức, cơ sở đề nghị thành lập văn phòng đại diện.

7. Thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm.

8. Tổ chức, cơ sở dạy nghề nước ngoài xây dựng và phê duyệt quy chế tổ chức hoạt động của văn phòng đại diện dạy nghề nước ngoài do tổ chức, cơ sở mình đề nghị thành lập trước khi đăng ký hoạt động với cơ quan có thẩm quyền.

Điều 3. Các môn học bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam theo học các chương trình dạy nghề của nước ngoài trong các cơ sở dạy nghề

1. Công dân Việt Nam theo học tại các cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các cơ sở dạy nghề liên kết đào tạo chương trình trình độ cao đẳng nghề, trình độ trung cấp nghề của nước ngoài phải học 6 môn học chung gồm: Chính trị, Pháp luật, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng - an ninh, Tin học và Tiếng Anh (nếu chương trình đào tạo không sử dụng ngôn ngữ Tiếng Anh trong giảng dạy) theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài và cơ sở dạy nghề liên kết đào tạo chương trình trình độ cao đẳng nghề, trình độ trung cấp nghề của nước ngoài phải tổ chức dạy và đánh giá kết quả học tập các môn học chung quy định tại Khoản 1 Điều này đối với công dân Việt Nam theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 4. Nghề đào tạo được phép hợp tác, đầu tư

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép hợp tác, đầu tư vào đào tạo nghề trong danh mục mã cấp III thuộc 44 nhóm nghề quy định tại Quyết định số 38/2009/QĐ-TTg ngày 09/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bảng danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân (danh mục mã cấp III thuộc 44 nhóm nghề được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Nghề đào tạo không được phép hợp tác, đầu tư là những nghề không thuộc danh mục quy định tại Khoản 1 Điều này và nghề có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, văn hóa, môi trường, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Điều 5. Đăng ký mẫu phôi bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề

1. Cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài và cơ sở dạy nghề liên kết đào tạo với cơ sở dạy nghề của nước ngoài có trách nhiệm đăng ký mẫu phôi bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề với Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được công nhận giá trị pháp lý trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Việc đăng ký mẫu phôi bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề được thực hiện như sau:

a) Nếu cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề theo hệ thống dạy nghề của Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

b) Nếu cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề thuộc hệ thống của nước ngoài, thì cơ sở dạy nghề gửi 01 bộ hồ sơ về Tổng cục Dạy nghề, gồm:

- Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đầu tư;

- Bản sao có công chứng Quyết định cho phép thành lập cơ sở dạy nghề;

- Bản sao có công chứng Giấy phép hoạt động dạy nghề;

- 03 mẫu phôi bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ nghề chính thức theo từng nghề, từng cấp trình độ đào tạo (mỗi phôi được dịch ra tiếng Việt Nam, có công chứng) có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm định chất lượng giáo dục, dạy nghề nước ngoài được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định và xác nhận mẫu phôi bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ nghề của cơ sở dạy nghề.

2. Sau khi được Tổng cục Dạy nghề xác nhận mẫu phôi bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ nghề, cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài và cơ sở dạy nghề liên kết đào tạo với cơ sở dạy nghề nước ngoài thực hiện việc quản lý, cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 6. Về kiểm định chất lượng dạy nghề

1. Trong quá trình hoạt động, cơ sở dạy nghề thực hiện liên kết đào tạo với cơ sở dạy nghề nước ngoài và cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm:

a) Tự chịu trách nhiệm về chất lượng dạy nghề, định kỳ triển khai hoạt động tự đánh giá, đảm bảo chất lượng và nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc của nước ngoài. Thực hiện tự đánh giá theo quy định của nước ngoài hoặc thực hiện tự kiểm định chất lượng định kỳ theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 42/2011/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định về quy trình kiểm định chất lượng dạy nghề;

b) Đối với cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện đăng ký kiểm định chất lượng dạy nghề chậm nhất là sau 03 năm kể từ khi được cấp giấy phép hoạt động dạy nghề đối với trường cao đẳng nghề và chậm nhất là sau 02 năm kể từ khi được cấp phép hoạt động dạy nghề đối với trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề;

c) Các chương trình đào tạo của cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài và các chương trình liên kết đào tạo với cơ sở dạy nghề nước ngoài để cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài phải được kiểm định trước khi tổ chức đào tạo tại Việt Nam;

d) Chu kỳ thực hiện kiểm định chất lượng dạy nghề thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 42/2011/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định về quy trình kiểm định chất lượng dạy nghề.

2. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm định chất lượng chương trình liên kết đào tạo nghề và cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam:

a) Cơ quan, tổ chức của Việt Nam có thẩm quyền kiểm định chất lượng chương trình liên kết đào tạo nghề và cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

b) Cơ quan, tổ chức của nước ngoài có thẩm quyền kiểm định chất lượng chương trình liên kết đào tạo nghề và cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận. Quy trình công nhận như sau:

- Tổ chức kiểm định chất lượng dạy nghề của nước ngoài gửi 02 bộ hồ sơ đề nghị công nhận cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng chương trình liên kết đào tạo nghề hoặc cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là hồ sơ) tới Tổng cục Dạy nghề. Hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị công nhận tổ chức kiểm định chất lượng dạy nghề của nước ngoài có thẩm quyền kiểm định chất lượng chương trình liên kết đào tạo nghề hoặc cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Bản sao có chứng thực Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng dạy nghề của nước ngoài hoặc các tài liệu tương đương khác; Bản sao có chứng thực Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của tổ chức kiểm định chất lượng dạy nghề của nước ngoài; Bản tóm tắt quá trình hoạt động;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tổng cục Dạy nghề kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Tổng cục Dạy nghề thông báo bằng văn bản tới tổ chức kiểm định chất lượng dạy nghề của nước ngoài để hoàn thiện hồ sơ;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Dạy nghề tổ chức xem xét hồ sơ và trình Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận hoặc không công nhận cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng dạy nghề nước ngoài có thẩm quyền kiểm định chất lượng chương trình liên kết đào tạo nghề và cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Tiêu chí, quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng dạy nghề đối với kiểm định chất lượng chương trình liên kết đào tạo nghề và cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thực hiện như sau:

a) Đối với kiểm định cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tiêu chí, quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng dạy nghề thực hiện theo quy định tại Quyết định số 01/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 17 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường trung cấp nghề; Quyết định số 02/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 17 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường cao đẳng nghề; Thông tư số 19/2010/TT-BLĐTBXH ngày 07 tháng 7 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trung tâm dạy nghề; Thông tư số 42/2011/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định về quy trình thực hiện kiểm định chất lượng dạy nghề;

b) Đối với kiểm định chương trình liên kết đào tạo nghề, chương trình đào tạo của cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài, trường hợp văn bằng do cơ sở dạy nghề nước ngoài cấp thì tiêu chí, quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo nghề tuân theo quy định của quốc gia mà cơ sở dạy nghề nước ngoài đăng ký thành lập hợp pháp và đặt trụ sở chính; trường hợp văn bằng do cơ sở dạy nghề Việt Nam cấp thì tiêu chí, quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo nghề do pháp luật Việt Nam quy định.

Chương 2.

LIÊN KẾT ĐÀO TẠO

Điều 7. Kiểm tra, thi, đánh giá, công nhận tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề

1. Việc kiểm tra, thi, đánh giá, công nhận hoàn thành chương trình môn học, mô đun, trình độ đào tạo nghề, công nhận tốt nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu cấp bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ nghề của Việt Nam; hoặc theo quy định của pháp luật nước ngoài nếu cấp bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ nghề của nước ngoài; hoặc theo quy định pháp luật riêng của từng bên nếu hai bên cùng cấp bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ nghề.

2. Bằng tốt nghiệp, chứng chỉ của chương trình liên kết đào tạo nghề được quy định như sau:

a) Bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề do cơ sở dạy nghề của nước ngoài cấp phải tuân thủ quy định của pháp luật nước đó và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận;

b) Bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề do cơ sở dạy nghề của Việt Nam cấp phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam;

c) Bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề do các cơ sở dạy nghề liên kết đào tạo cùng cấp phải tuân thủ quy định tại điểm a, b Khoản 2 Điều này.

Điều 8. Chương trình dạy nghề thực hiện liên kết đào tạo

1. Là chương trình đã được cấp giấy chứng nhận kiểm định đạt chất lượng hoặc là chương trình của cơ sở dạy nghề đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chất lượng.

2. Chương trình phải thể hiện: tên nghề đào tạo; cấp trình độ đào tạo hoặc tính tương đương với trình độ đào tạo nghề trong hệ thống dạy nghề của Việt Nam; mục tiêu đào tạo; thời gian và phân bổ thời gian đào tạo; danh mục các môn học, mô đun; chương trình đào tạo chi tiết các môn học, mô đun; điều kiện thực hiện chương trình... Chương trình dạy nghề phải phân định rõ thời gian học lý thuyết, thời gian học thực hành; trong đó thời gian học thực hành tối thiểu bằng 60% tổng thời gian thực học.

Điều 9. Đối tượng tuyển sinh

Đối tượng tuyển sinh vào học các chương trình liên kết đào tạo nghề để cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Trường hợp cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề của cơ sở dạy nghề Việt Nam thì phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về quy chế tuyển sinh học nghề đối với các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề.

2. Trường hợp cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề của cơ sở dạy nghề nước ngoài thì phải tuân thủ quy định về điều kiện tiếp nhận vào học theo từng trình độ của cơ sở dạy nghề nước ngoài. Các điều kiện này phải tương ứng với điều kiện tiếp nhận của cơ sở dạy nghề nước ngoài quy định tại nước sở tại và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận.

3. Trường hợp đồng thời cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề của cơ sở dạy nghề Việt Nam và bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề của cơ sở dạy nghề nước ngoài thì đối tượng tuyển sinh phải đáp ứng quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này.

Điều 10. Chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề

1. Liên kết đào tạo theo chương trình dạy nghề của nước ngoài thì chuẩn của giáo viên, giảng viên theo quy định của nước có chương trình.

2. Liên kết đào tạo theo chương trình dạy nghề do hai bên xây dựng thì chuẩn của giáo viên, giảng viên thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 của Nghị định số 73/2012/NĐ-CP.

3. Giáo viên, giảng viên là người nước ngoài khi tham gia giảng dạy các chương trình dạy nghề liên kết đào tạo tại Việt Nam phải đáp ứng các quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 11. Trình tự, thủ tục tiếp nhận, thẩm định Đề án liên kết đào tạo nghề

1. Đối với Đề án liên kết đào tạo nghề trình độ cao đẳng

a) Hồ sơ liên kết đào tạo thực hiện theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 73/2012/NĐ-CP. Văn bản đề nghị phê duyệt Đề án liên kết đào tạo nghề với nước ngoài do các bên cùng ký kết thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Nộp 06 bộ hồ sơ liên kết đào tạo nghề (trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc) tại Tổng cục Dạy nghề;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tổng cục Dạy nghề tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Tổng cục Dạy nghề có văn bản trả lời cho các bên liên kết để hoàn thiện hồ sơ;

d) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Dạy nghề tổ chức thẩm định Đề án liên kết đào tạo nghề, trình Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định phê duyệt Đề án liên kết đào tạo nghề trình độ cao đẳng.

Trường hợp, Đề án liên kết đào tạo nghề không đủ điều kiện phê duyệt, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Tổng cục Dạy nghề có văn bản trả lời cho tổ chức đề nghị liên kết đào tạo và nêu rõ lý do.

đ) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình, báo cáo thẩm tra của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định phê duyệt Đề án liên kết đào tạo nghề trình độ cao đẳng;

e) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định phê duyệt Đề án liên kết đào tạo nghề, Tổng cục Dạy nghề gửi bản sao quyết định phê duyệt Đề án liên kết đào tạo nghề trình độ cao đẳng cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi trường cao đẳng nghề hoặc phân hiệu của trường cao đẳng nghề tổ chức thực hiện Đề án liên kết đào tạo nghề để thực hiện quản lý theo địa bàn.

2. Đối với Đề án liên kết đào tạo nghề trình độ trung cấp

a) Hồ sơ liên kết đào tạo thực hiện theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 73/2012/NĐ-CP. Văn bản đề nghị phê duyệt Đề án liên kết đào tạo nghề với nước ngoài do các bên cùng ký kết thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Nộp 06 bộ hồ sơ liên kết đào tạo nghề (trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc) tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản trả lời cho các bên liên kết để hoàn thiện hồ sơ;

d) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thẩm định Đề án liên kết đào tạo nghề trình độ trung cấp;

đ) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả thẩm định, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra Quyết định phê duyệt Đề án liên kết đào tạo nghề trình độ trung cấp; trường hợp Đề án liên kết đào tạo nghề không được phê duyệt thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

e) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định phê duyệt Đề án liên kết đào tạo nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gửi bản sao quyết định phê duyệt Đề án liên kết đào tạo nghề trình độ trung cấp về Tổng cục Dạy nghề để theo dõi, quản lý.

Chương 3.

CƠ SỞ DẠY NGHỀ CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Điều 12. Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài

1. Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài gồm có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên cơ sở dạy nghề;

b) Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở dạy nghề;

c) Các hoạt động dạy nghề;

d) Nhiệm vụ, quyền hạn của giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý dạy nghề;

đ) Nhiệm vụ, quyền hạn của người học nghề;

e) Cơ cấu tổ chức và nhân sự của cơ sở dạy nghề;

g) Tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị của cơ sở dạy nghề;

h) Quan hệ giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, gia đình và xã hội;

i) Thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm.

2. Phê duyệt quy chế tổ chức và hoạt động

Cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài xây dựng và phê duyệt quy chế tổ chức hoạt động của cơ sở mình trước khi đăng ký hoạt động dạy nghề với cơ quan có thẩm quyền.

Điều 13. Cơ cấu tổ chức của cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài

1. Đối với trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề

a) Ban giám hiệu (hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng);

b) Phòng Đào tạo, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ khác, các khoa, tổ bộ môn trực thuộc;

c) Các lớp học sinh, sinh viên;

d) Các bộ phận phục vụ dạy nghề.

2. Đối với trung tâm dạy nghề

a) Giám đốc, một số phó giám đốc;

b) Các phòng hoặc bộ phận chuyên môn gồm: đào tạo, tổ chức, hành chính, kế toán, quản lý thiết bị;

c) Các lớp học sinh.

Điều 14. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, giảng viên dạy nghề của cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài

1. Hiệu trưởng hoặc giám đốc cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài là người đại diện cho cơ sở dạy nghề trước pháp luật và chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động dạy nghề của trường, trung tâm theo quy định của pháp luật Việt Nam. Người được đề cử làm hiệu trưởng, giám đốc phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

a) Có lý lịch cá nhân rõ ràng;

b) Có trình độ thạc sỹ trở lên đối với hiệu trưởng trường cao đẳng nghề; có trình độ đại học trở lên đối với hiệu trưởng trường trung cấp nghề; có trình độ cao đẳng trở lên đối với giám đốc trung tâm dạy nghề về một ngành chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ đào tạo của trường, trung tâm; đã qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý trường, trung tâm;

c) Có thâm niên giảng dạy hoặc tham gia quản lý dạy nghề ít nhất là năm năm;

d) Hiệu trưởng, giám đốc phải đảm bảo điều kiện không phải là công chức, viên chức nhà nước.

2. Thẩm quyền công nhận hiệu trưởng, giám đốc

a) Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận hiệu trưởng trường cao đẳng nghề có vốn đầu tư nước ngoài theo đề nghị của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trường;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công nhận hiệu trưởng trường trung cấp nghề, giám đốc trung tâm dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh theo đề nghị của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trường, trung tâm.

3. Cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên là người nước ngoài khi tham gia quản lý, giảng dạy cho các cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam phải đáp ứng các quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 15. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở dạy nghề

1. Đối với trường cao đẳng nghề

a) Hồ sơ đề nghị cho phép thành lập trường cao đẳng nghề thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 của Nghị định số 73/2012/NĐ-CP. Văn bản đề nghị cho phép thành lập trường cao đẳng nghề thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Nộp 06 bộ hồ sơ đề nghị cho phép thành lập trường (trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc) tại Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Dạy nghề tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị cho phép thành lập trường theo quy định.

Trường hợp, hồ sơ đề nghị cho phép thành lập trường không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tổng cục Dạy nghề có văn bản trả lời cho tổ chức, cá nhân đề nghị cho phép thành lập trường và nêu rõ lý do.

d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Dạy nghề gửi hồ sơ đề nghị cho phép thành lập trường tới Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi trường đặt trụ sở chính để xin ý kiến;

đ) Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Dạy nghề lập báo cáo thẩm tra, trình Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định.

Trường hợp, hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Tổng cục Dạy nghề có văn bản trả lời cho tổ chức, cá nhân đề nghị cho phép thành lập trường và nêu rõ lý do.

e) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc cho phép thành lập trường cao đẳng nghề của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định cho phép thành lập trường cao đẳng nghề có vốn đầu tư nước ngoài.

2. Đối với trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề

a) Hồ sơ đề nghị cho phép thành lập trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 của Nghị định số 73/2012/NĐ-CP. Văn bản đề nghị cho phép thành lập trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 3a ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Nộp 06 bộ hồ sơ đề nghị cho phép thành lập trường, trung tâm (trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc) tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị cho phép thành lập trường, trung tâm theo quy định.

Trường hợp, hồ sơ đề nghị cho phép thành lập trường, trung tâm không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản trả lời cho tổ chức, cá nhân đề nghị cho phép thành lập trường, trung tâm và nêu rõ lý do.

d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gửi hồ sơ đề nghị cho phép thành lập trường, trung tâm tới Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xin ý kiến;

đ) Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập báo cáo thẩm tra, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;

e) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc cho phép thành lập trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định cho phép thành lập trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài.

Trường hợp, hồ sơ không được chấp thuận, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản trả lời cho tổ chức, cá nhân đề nghị cho phép thành lập trường, trung tâm và nêu rõ lý do.

g) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký quyết định cho phép thành lập trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, người có thẩm quyền quy định tại điểm đ Điều này có trách nhiệm gửi quyết định cho phép thành lập trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài về Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, quản lý.

3. Cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài và phân hiệu của cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy phép hoạt động dạy nghề trước khi Nghị định số 73/2012/NĐ-CP có hiệu lực thì không phải xét duyệt lại các điều kiện cho phép thành lập theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Nghị định số 73/2012/NĐ-CP, nhưng phải bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Nghị định số 73/2012/NĐ-CP có hiệu lực để được cấp Quyết định cho phép thành lập cơ sở dạy nghề, phân hiệu của cơ sở dạy nghề, cụ thể:

a) Văn bản đề nghị cho phép thành lập cơ sở dạy nghề thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 3b ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh (nếu có);

c) Giấy phép hoạt động dạy nghề đang còn hiệu lực;

d) Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư;

đ) Báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động dạy nghề trong thời gian 03 năm gần nhất;

e) Nhà đầu tư làm 03 bộ hồ sơ (trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc) và nộp cho Tổng cục Dạy nghề đối với hồ sơ thành lập trường cao đẳng nghề và phân hiệu của trường cao đẳng nghề có vốn đầu tư nước ngoài; nộp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối với trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề và phân hiệu của trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài, nơi trường, trung tâm đặt trụ sở chính;

g) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Dạy nghề lập báo cáo thẩm tra, trình Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định cho phép thành lập trường cao đẳng nghề và phân hiệu của trường cao đẳng nghề có vốn đầu tư nước ngoài; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập báo cáo thẩm tra, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề và phân hiệu của trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài;

h) Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Nghị định số 73/2012/NĐ-CP có hiệu lực, cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Quyết định cho phép thành lập phải đảm bảo các điều kiện về vốn đầu tư, suất đầu tư; cơ sở vật chất, thiết bị; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên dạy nghề theo quy định tại các Điều 28, 29, 30, 31 của Nghị định số 73/2012/NĐ-CP, nếu không sẽ bị đình chỉ hoạt động dạy nghề.

Điều 16. Trình tự, thủ tục tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và cấp giấy phép hoạt động dạy nghề

1. Đối với trường cao đẳng nghề và phân hiệu của trường

a) Hồ sơ đăng ký hoạt động dạy nghề thực hiện theo quy định tại, trong đó:

- Văn bản đăng ký hoạt động dạy nghề thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Báo cáo đăng ký hoạt động dạy nghề trong đó giải trình việc trường cao đẳng nghề hoặc phân hiệu của trường đã đáp ứng các điều kiện quy định tại các Điều 28, 29, 30, 31 của Nghị định số 73/2012/NĐ-CP (theo mẫu tại Phụ lục 4a ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Nộp 06 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động dạy nghề (trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc) tại Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Dạy nghề tổ chức kiểm tra thực tế các điều kiện bảo đảm cho hoạt động dạy nghề theo quy định. Trường hợp không đủ điều kiện để trình Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép hoạt động dạy nghề thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do;

d) Trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày kiểm tra thực tế, Tổng cục Dạy nghề lập báo cáo kiểm tra, trình Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét và cấp Giấy phép hoạt động dạy nghề cho trường cao đẳng nghề hoặc phân hiệu của trường (theo mẫu tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này);

đ) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy phép hoạt động dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề gửi bản sao Giấy phép hoạt động dạy nghề cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi trường cao đẳng nghề hoặc phân Hiệu của trường cao đẳng nghề tổ chức hoạt động dạy nghề, để thực hiện quản lý theo địa bàn.

2. Đối với trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề

a) Hồ sơ đăng ký hoạt động dạy nghề thực hiện theo quy định tại Điều 47 của Nghị định số 73/2012/NĐ-CP, trong đó:

- Văn bản đăng ký hoạt động dạy nghề thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Báo cáo đăng ký hoạt động dạy nghề trong đó giải trình việc trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề hoặc phân hiệu của trường/trung tâm đã đáp ứng các điều kiện quy định tại các Điều 28, 29, 30, 31 của Nghị định số 73/2012/NĐ-CP (theo mẫu tại Phụ lục 4a ban hành kèm theo Thông tư này).

b) Nộp 06 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động dạy nghề (trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc) tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề hoặc phân hiệu của trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề hoạt động dạy nghề;

c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra các điều kiện đảm bảo cho hoạt động dạy nghề. Trường hợp không đủ điều kiện để cấp Giấy phép hoạt động dạy nghề thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do;

d) Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày kiểm tra thực tế, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét và cấp Giấy phép hoạt động dạy nghề cho trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề và phân hiệu của trường/trung tâm (theo mẫu tại Phụ lục 5a ban hành kèm theo Thông tư này);

đ) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy phép hoạt động dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gửi bản sao Giấy phép hoạt động dạy nghề về Tổng cục Dạy nghề để thực hiện quản lý chung.

Điều 17. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dạy nghề

1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép hoạt động dạy nghề đối với trường cao đẳng nghề và phân hiệu của trường cao đẳng nghề.

2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép hoạt động dạy nghề đối với trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề và phân hiệu của trường/trung tâm nơi tổ chức hoạt động dạy nghề.

Điều 18. Các trường hợp đăng ký bổ sung, điều chỉnh hoạt động dạy nghề

Cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hoạt động dạy nghề phải thực hiện đăng ký bổ sung, điều chỉnh hoạt động dạy nghề trong các trường hợp sau:

1. Tăng quy mô tuyển sinh của từng nghề đối với trình độ cao đẳng nghề; vượt từ 10% trở lên đối với trình độ trung cấp nghề, 20% trở lên đối với trình độ sơ cấp nghề so với quy mô tuyển sinh đã ghi trong Giấy phép hoạt động dạy nghề.

2. Bổ sung nghề đào tạo.

3. Bổ sung hoặc thay đổi trình độ đào tạo hoặc điều chỉnh quy mô tuyển sinh giữa các trình độ đào tạo và giữa các nghề trong cùng nhóm nghề.

4. Chia, tách, sáp nhập hoặc có sự thay đổi giấy phép đầu tư có liên quan đến nội dung ghi trong Giấy phép hoạt động dạy nghề.

5. Chuyển trụ sở chính hoặc phân hiệu đến nơi khác, mà trụ sở chính hoặc phân hiệu là nơi trực tiếp tổ chức dạy nghề.

6. Thành lập phân hiệu mới mà có tổ chức hoạt động dạy nghề.

Điều 19. Hồ sơ đăng ký bổ sung, điều chỉnh hoạt động dạy nghề

1. Hồ sơ đăng ký bổ sung, điều chỉnh hoạt động dạy nghề trong các trường hợp quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 18 Thông tư này bao gồm:

a) Văn bản đăng ký bổ sung, điều chỉnh hoạt động dạy nghề (theo mẫu tại Phụ lục 4b ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Báo cáo đăng ký bổ sung, điều chỉnh hoạt động dạy nghề trong đó giải trình việc cơ sở dạy nghề hoặc phân hiệu của cơ sở dạy nghề đã đáp ứng các điều kiện quy định tại các Điều 28, 29, 30, 31 của Nghị định số 73/2012/NĐ-CP (theo mẫu tại Phụ lục 4c ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Hồ sơ đăng ký bổ sung, điều chỉnh hoạt động dạy nghề trong các trường hợp quy định tại các khoản 5 và 6 Điều 18 Thông tư này:

a) Đối với trường cao đẳng nghề và phân hiệu của trường được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Đối với các trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề: Nếu hoạt động dạy nghề bổ sung được thực hiện trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với trụ sở chính, thì hồ sơ cấp giấy phép bổ sung hoạt động dạy nghề được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này; nếu hoạt động dạy nghề bổ sung được thực hiện ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với trụ sở chính thì hồ sơ ngoài quy định tại khoản 1 Điều này phải có thêm:

- Bản sao có chứng thực Quyết định cho phép thành lập cơ sở dạy nghề hoặc mở phân hiệu của cơ sở dạy nghề hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc chuyển trụ sở chính/phân hiệu của cơ sở dạy nghề;

- Quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở dạy nghề hoặc phân hiệu của cơ sở dạy nghề;

- Báo cáo tiến độ thực hiện dự án đầu tư, tình hình góp vốn, vay vốn, tổng số vốn đầu tư đã thực hiện;

- Danh sách cán bộ phụ trách phân hiệu và cơ cấu, bộ máy tổ chức của phân hiệu đối với trường hợp thành lập phân hiệu của cơ sở dạy nghề;

- Quy chế đào tạo;

- Quy định về kiểm tra, đánh giá, công nhận hoàn thành chương trình môn học, mô đun, trình độ đào tạo (nếu trong chương trình đào tạo không quy định);

- Mẫu bằng, chứng chỉ sẽ được sử dụng.

Điều 20. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp giấy phép bổ sung, điều chỉnh hoạt động dạy nghề

1. Trình tự, thủ tục đối với trường cao đẳng nghề

Trình tự, thủ tục đăng ký bổ sung, điều chỉnh hoạt động dạy nghề được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Thông tư này.

2. Trình tự, thủ tục đối với trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề

a) Đối với các trường hợp quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 18 Thông tư này được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư này;

b) Đối với các trường hợp quy định tại các khoản 5 và 6 Điều 18 Thông tư này thì trình tự, thủ tục cấp giấy phép bổ sung hoạt động dạy nghề như sau:

- Trường hợp thành lập phân hiệu mới hoặc trụ sở chính/phân hiệu khác của trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề chuyển đến nơi khác trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì trình tự, thủ tục cấp giấy phép bổ sung hoạt động dạy nghề được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư này;

- Trường hợp thành lập phân hiệu mới hoặc trụ sở chính/phân hiệu khác của trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề chuyển đến nơi khác không cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với trụ sở chính thì trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề phải gửi văn bản thông báo cho cơ quan nhà nước đã cấp giấy phép đăng ký hoạt động dạy nghề cho đơn vị và nộp hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có phân hiệu khác của đơn vị theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư này.

3. Thẩm quyền cấp giấy phép bổ sung hoạt động dạy nghề được thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư này.

4. Giấy phép bổ sung, điều chỉnh hoạt động dạy nghề thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 5b5c ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Trách nhiệm của Tổng cục Dạy nghề

1. Hướng dẫn, tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, tăng cường năng lực quản lý nhà nước cho các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực dạy nghề.

2. Thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện liên kết đào tạo; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể cơ sở dạy nghề, phân hiệu của cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện dạy nghề nước ngoài tại Việt Nam; cho phép hoạt động dạy nghề theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp, báo cáo Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hoạt động liên kết đào tạo; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, cho phép hoạt động dạy nghề đối với trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề và phân hiệu của các cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn.

2. Thanh tra, kiểm tra việc liên kết đào tạo; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể cơ sở dạy nghề, phân hiệu của cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; cho phép hoạt động dạy nghề tại địa phương theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 12 năm 2013.

2. Bãi bỏ quy định về cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề cho trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại Thông tư số 29/2011/TT-BLĐTBXH ngày 24 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về đăng ký hoạt động dạy nghề.

3. Trong quá trình thực hiện, những vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc (nếu có) cần phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- UBVHGDTNTN&NĐ của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, TCDN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Ngọc Phi

PHỤ LỤC 1

CÁC NHÓM NGHỀ ĐÀO TẠO ĐƯỢC PHÉP HỢP TÁC, ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2013/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

1. Nhóm nghề Mỹ thuật, gồm những nội dung chủ yếu sau: Kỹ thuật điêu khắc gỗ.

2. Nhóm nghề Mỹ thuật ng dụng, gồm những nội dung chủ yếu sau: Đúc, dát đồng mỹ nghệ; Chạm khắc đá; Gia công đá quý; Kim hoàn; Kỹ thuật sơn mài và khảm trai; Gia công và thiết kế sản phẩm mộc; Trang trí nội thất.

3. Nhóm nghề Thông tin - Thư viện, gồm những nội dung chủ yếu sau: Thư viện.

4. Nhóm nghề Văn thư - Lưu trữ - Bảo tàng, gồm những nội dung chủ yếu sau: Văn thư hành chính; Lưu trữ.

5. Nhóm nghề Kinh doanh, gồm những nội dung chủ yếu sau: Quản trị kinh doanh vận tải biển; Quản trị kinh doanh vận tải đường sông; Quản trị kinh doanh vận tải đường bộ; Quản trị kinh doanh vận tải đường sắt; Quản trị kinh doanh thiết bị vật tư.

6. Nhóm nghề Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm, gồm những nội dung chủ yếu sau: Tài chính doanh nghiệp.

7. Nhóm nghề Kế toán - Kiểm toán, gồm những nội dung chủ yếu sau: Kế toán doanh nghiệp.

8. Nhóm nghề Quản trị - Quản lý, gồm những nội dung chủ yếu sau: Quản lý đất đai; Quản lý giao thông đô thị; Quản lý khu đô thị.

9. Nhóm nghề Sinh học ứng dụng, gồm những nội dung chủ yếu sau: Công nghệ sinh học.

10. Nhóm nghề Khoa học trái đất, gồm những nội dung chủ yếu sau: Quan trắc khí tượng hàng không.

11. Nhóm nghề Thống kê, gồm những nội dung chủ yếu sau: Thống kê doanh nghiệp.

12. Nhóm nghề Máy tính, gồm những nội dung chủ yếu sau: Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính.

13. Nhóm nghề Công nghệ thông tin, gồm những nội dung chủ yếu sau: Tin học văn phòng; Tin học viễn thông ứng dụng; Xử lý dữ liệu; Lập trình máy tính; Quản trị cơ sở dữ liệu; Quản trị mạng máy tính; Thương mại điện tử; Thiết kế đồ họa; Thiết kế trang Web; Vẽ và thiết kế trên máy tính; Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm).

14. Nhóm nghề Công nghệ kỹ thuật kiến trúc và công trình xây dựng, gồm những nội dung chủ yếu sau: Kỹ thuật xây dựng; cấp, thoát nước; Xây dựng và bảo dưỡng công trình giao thông đường sắt; Kỹ thuật xây dựng mỏ; Xây dựng cầu đường bộ; Sửa chữa, bảo trì cảng hàng không; Xây dựng và hoàn thiện công trình thủy lợi; Xây dựng công trình thủy; Lắp đặt giàn khoan; Lắp đặt cầu.

15. Nhóm nghề Công nghệ kỹ thuật cơ khí, gồm những nội dung chủ yếu sau: Rèn, dập; Gò; Hàn; cắt gọt kim loại; Nguội chế tạo; Chế tạo thiết bị cơ khí; Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy; Gia công khuôn dưỡng và phóng dạng tàu thủy; Gia công ống công nghệ; Gia công kết cấu thép; Sửa chữa, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí.

16. Nhóm nghề Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông, gồm những nội dung chủ yếu sau: Điện dân dụng; Điện công nghiệp; Điện tử dân dụng; Điện tử công nghiệp; Hệ thống điện; Vận hành nhà máy thủy điện; Kỹ thuật thiết bị thông tin hàng không.

17. Nhóm nghề Công nghệ hóa học, vật liệu, luyện kim và môi trường, gồm những nội dung chủ yếu sau: Công nghệ luyện gang; Công nghệ luyện thép; Công nghệ luyện kim màu; Công nghệ nhiệt luyện; Công nghệ đúc kim loại; Công nghệ cán, kéo kim loại; Xử lý chất thải trong công nghiệp đóng tàu; Xử lý chất thải trong sản xuất thép.

18. Nhóm nghề Công nghệ sản xuất, gồm những nội dung chủ yếu sau: Sản xuất các chất vô cơ; Sản xuất phân bón; Sản xuất sản phẩm giặt tẩy; Sản xuất thuốc trừ sâu; Sản xuất sơn; Sản xuất xi măng; Công nghệ sản xuất sản phẩm từ cao su.

19. Nhóm nghề Quản lý công nghiệp, gồm những nội dung chủ yếu sau: Kiểm nghiệm chất lượng lương thực, thực phẩm; Kiểm nghiệm đường mía; Kiểm nghiệm bột giấy và giấy; Thí nghiệm và kiểm tra chất lượng cầu đường bộ.

20. Nhóm nghề Công nghệ dầu khí và khai thác, gồm những nội dung chủ yếu sau: Thí nghiệm các sản phẩm hóa dầu; Chọn mẫu và hóa nghiệm dầu - khí; Vận hành thiết bị khai thác dầu khí; Vận hành thiết bị chế biến dầu khí.

21. Nhóm nghề Công nghệ kỹ thuật in, gồm những nội dung chủ yếu sau: Công nghệ in.

22. Nhóm nghề Công nghệ kỹ thuật địa chất, địa vật lý và trắc địa, gồm những nội dung chủ yếu sau: Trắc đạc công trình; Khảo sát địa hình; Khảo sát địa chất.

23. Nhóm nghề Công nghệ kỹ thuật mỏ, gồm những nội dung chủ yếu sau: Khoan nổ mìn; Vận hành thiết bị sàng tuyển than; Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò; Khoan đào đường hầm; Khoan khai thác mỏ.

24. Nhóm nghề Chế biến lương thực, thực phẩm và đồ ung, gồm những nội dung chủ yếu sau: Chế biến dầu thực vật; Chế biến thực phẩm; Chế biến và bảo quản thủy sản; Sản xuất bánh, kẹo; Sản xuất rượu bia; Sản xuất nước giải khát.

25. Nhóm nghề Sản xuất, chế biến sợi, vải, giày, da, gồm những nội dung chủ yếu sau: Công nghệ dệt; May và thiết kế thời trang; Thuộc da; Sản xuất hàng da, giày.

26. Nhóm nghề Nông nghiệp, gồm những nội dung chủ yếu sau: Trồng cây lương thực, thực phẩm; Trồng cây công nghiệp; Trồng cây ăn quả; Bảo vệ thực vật; Chăn nuôi gia súc, gia cầm.

27. Nhóm nghề Lâm nghiệp, gồm những nội dung chủ yếu sau: Lâm sinh; Làm vườn - cây cảnh; Sinh vật cảnh.

28. Nhóm nghề Thủy sản, gồm những nội dung chủ yếu sau: Nuôi trồng thủy sản nước ngọt; Nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ; Khai thác, đánh bắt hải sản.

29. Nhóm nghề Dịch vụ thú y, gồm những nội dung chủ yếu sau: Dịch vụ thú y.

30. Nhóm nghề Sản xuất thuốc thú y, gồm những nội dung chủ yếu sau: Sản xuất thuốc thú y.

31. Nhóm nghề Y học ctruyền, gồm những nội dung chủ yếu sau: Điều dưỡng y học cổ truyền.

32. Nhóm nghề Dịch vụ y tế, gồm những nội dung chủ yếu sau: Kỹ thuật xét nghiệm y tế; Kỹ thuật vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.

33. Nhóm nghề Dược học, gồm những nội dung chủ yếu sau: Kỹ thuật dược; Kỹ thuật kiểm nghiệm thuốc.

34. Nhóm nghề Điều dưỡng, hộ sinh, gồm những nội dung chủ yếu sau: Hộ sinh; Điều dưỡng.

35. Nhóm nghề Răng - Hàm - Mặt, gồm những nội dung chủ yếu sau: Kỹ thuật phục hình răng.

36. Nhóm nghề Dịch vụ xã hội, gồm những nội dung chủ yếu sau: Dịch vụ chăm sóc gia đình.

37. Nhóm nghề Dịch vụ du lịch, gồm những nội dung chủ yếu sau: Hướng dẫn du lịch; Quản trị lữ hành; Quản trị du lịch MICE.

38. Nhóm nghề Khách sạn, nhà hàng, gồm những nội dung chủ yếu sau: Quản trị khách sạn; Dịch vụ nhà hàng; Quản trị khu Resort.

39. Nhóm nghề Dịch vụ thẩm mỹ, gồm những nội dung chủ yếu sau: Chăm sóc sắc đẹp.

40. Nhóm nghề Khai thác vận tải, gồm những nội dung chủ yếu sau: Điều khiển phương tiện thủy nội địa; Điều khiển tàu biển; Thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa; Dịch vụ thương mại hàng không; Điều hành chạy tàu đường sắt; Thông tin tín hiệu đường sắt; Khai thác máy tàu thủy; Kiểm soát không lưu hàng không.

41. Nhóm nghề Dịch vụ bưu chính, gồm những nội dung chủ yếu sau: Doanh thác bưu chính viễn thông.

42. Nhóm nghề Kiểm soát và bảo vệ môi trường, gồm những nội dung chủ yếu sau: Bảo vệ môi trường biển; Xử lý tràn dầu trên biển.

43. Nhóm nghề Dịch vụ an toàn lao động và vệ sinh công nghiệp, gồm những nội dung chủ yếu sau: Bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường lao động.

44. Nhóm nghề Lặn, gồm những nội dung chủ yếu sau: Lặn thi công; Lặn nghiên cứu khảo sát; Lặn trục vớt; Lặn hướng dẫn tham quan du lịch.

PHỤ LỤC 2

MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN LIÊN KẾT ĐÀO TẠO NGHỀ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2013/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

……..(1)……, ngày ….. tháng ….. năm 20…

Kính gửi: ………………..(2)…………………..

Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục;

Chúng tôi, những người cùng ký tên dưới đây, đại diện cho các Bên tham gia liên kết đào tạo gồm:

I. Các Bên liên kết:

1. Bên Việt Nam:

………………………………..(3)..........................................................................................

Địa chỉ: ....................................................................................................................

Điện thoại: …………………………………… Fax:....................................................

Website: ……………………………………… Email: ...............................................

Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập: ……………....…(4).......................

Số tài khoản: …………………………..tại Ngân hàng .............................................

Người đại diện: .......................................................................................................

Chức vụ: .................................................................................................................

2. Bên nước ngoài: ……………………………..(5).................................................

Địa chỉ: ....................................................................................................................

Điện thoại: …………………………………… Fax:.....................................................

Website: ……………………………………… Email: ................................................

Văn bản pháp lý về việc thành lập/Giấy phép đăng ký hoạt động: ………(6)..........

.................................................................................................................................

Số tài khoản: …………………………………………….. tại Ngân hàng.....................

Người đại diện:.........................................................................................................

Chức vụ:...................................................................................................................

đề nghị ...(7)... xem xét, phê duyệt Đề án liên kết đào tạo cấp bằng ………….(8)........, giữa ………..(9)………….. và ……….(10)………. với các mục tiêu, phạm vi và thời hạn hoạt động như sau:

1. Mục tiêu và phạm vi của chương trình liên kết đào tạo: (ghi tóm tắt nghề dự định liên kết đào tạo, trình độ đào tạo, quy mô tuyển sinh hàng năm và văn bằng sẽ cấp trong chương trình liên kết đào tạo).

2. Thời hạn hoạt động của chương trình liên kết đào tạo.

II. Chúng tôi xin cam kết:

1. Chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự trung thực và sự chính xác của nội dung văn bản đề nghị phê duyệt Đề án liên kết đào tạo và Hồ sơ kèm theo.

2. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật Việt Nam.

III. Các tài liệu gửi kèm văn bản này gồm:

1. Thỏa thuận (Hợp đồng) hợp tác giữa các Bên liên kết đào tạo.

2. Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của các bên liên kết: Bản sao có chứng thực quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở dạy nghề hoặc các tài liệu tương đương khác.

3. Giấy tờ chứng minh cơ sở dạy nghề Việt Nam và cơ sở dạy nghề nước ngoài được phép đào tạo trong lĩnh vực dự định liên kết.

4. Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng của chương trình đào tạo nước ngoài hoặc của cơ sở dạy nghề nước ngoài hoặc giấy tờ công nhận chất lượng của cơ quan có thẩm quyền.

5. Văn bản chấp thuận về chủ trương cho phép liên kết đào tạo với nước ngoài của cơ quan chủ quản (đi với cơ sở dạy nghề của Việt Nam thuộc cơ quan chủ quản).

6. Đề án liên kết đào tạo.

7. Các văn bản khác (nếu có).

Bên Việt Nam
(Ký tên, đóng dấu)

Bên nước ngoài
(Ký tên, đóng dấu)

Hướng dẫn:

(1) Tên địa danh;

(2) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với Đề án liên kết đào tạo nghề trình độ cao đẳng); Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với Đề án liên kết đào tạo nghề trình độ trung cấp);

(3) Tên gọi của cơ sở dạy nghề Việt Nam;

(4) Số, ký hiệu quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, ngày...tháng...năm ban hành và tên cơ quan ban hành;

(5) Tên gọi của cơ sở dạy nghề nước ngoài;

(6) Số, ký hiệu quyết định/văn bản thành lập hoặc cho phép thành lập, Giấy phép đăng ký hoạt động, ngày...tháng...năm ban hành và tên cơ quan ban hành;

(7) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với Đề án liên kết đào tạo nghề trình độ cao đẳng); Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với Đề án liên kết đào tạo nghề trình độ trung cấp);

(8) Tên gọi văn bằng;

(9) Tên gọi của cơ sở dạy nghề Việt Nam;

(10) Tên gọi của cơ sở dạy nghề nước ngoài.

PHỤ LỤC 3

MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ CHO PHÉP THÀNH LẬP TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2013/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

……..(1)……, ngày ….. tháng ….. năm 20…

Kính gửi: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Họ và tên người đại diện tổ chức (hoặc cá nhân) đề nghị cho phép thành lập trường:...........

..................................................................................................................................

- Ngày, tháng, năm sinh:...........................................................................................

- Số Chứng minh thư nhân dân/Số Hộ chiếu; ngày, tháng cấp, nơi cấp:.................

..................................................................................................................................

- Nơi đăng ký thường trú tại Việt Nam (nếu có):.......................................................

- Số Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của dự án đầu tư thành lập trường cao đẳng nghề; ngày...tháng...năm cấp, cơ quan cấp:................................................................................

- Tên trường cao đẳng nghề:.....................................................................................

- Tên giao dịch quốc tế:.............................................................................................

- Địa chỉ trụ sở chính:................................................................................................

- Phân hiệu (nếu có):.................................................................................................

- Số điện thoại: ……………..Fax: ………………….. Email:.......................................

- Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của trường:............................................................

- Nghề đào tạo và trình độ đào tạo:..........................................................................

- Dự kiến quy mô tuyển sinh và đối tượng tuyển sinh trong 05 năm kể từ năm đề nghị cho phép thành lập:

- Diện tích đất sử dụng: …………………….. Diện tích xây dựng:............................

- Văn bằng, chứng chỉ dự kiến cấp:.........................................................................

- Vốn đầu tư:............................................................................................................

- Thời hạn hoạt động của trường:............................................................................

(Kèm theo đề án thành lập trường cao đẳng nghề)

Tôi xin chấp hành đúng những quy định về dạy nghề và pháp luật có liên quan của Nhà nước Việt Nam.

Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét quyết định./.

(2)
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

ớng dẫn:

(1) Tên địa danh;

(2) Chức danh của người đại diện tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trường cao đẳng nghề có vốn đầu tư nước ngoài.

PHỤ LỤC 3a

MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ CHO PHÉP THÀNH LẬP TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ, TRUNG TÂM DẠY NGHỀ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2013/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

……..(1)……, ngày ….. tháng ….. năm 20…

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố …(2)…

- Họ và tên người đại diện tổ chức (hoặc cá nhân) đề nghị cho phép thành lập trường trung cấp nghề/trung tâm dạy nghề

- Ngày, tháng, năm sinh: ...........................................................................................

- Số Chứng minh thư nhân dân/Số Hộ chiếu; ngày cấp, tháng cấp, nơi cấp:...........

- Nơi đăng ký thường trú tại Việt Nam (nếu có):........................................................

- Số Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của dự án đầu tư thành lập trường trung cấp nghề/trung tâm dạy nghề; ngày...tháng...năm cấp, cơ quan cấp:.................................................................

- Tên trường trung cấp nghề/trung tâm dạy nghề:......................................................

- Tên giao dịch quốc tế:..............................................................................................

- Địa chỉ trụ sở chính:.................................................................................................

- Phân hiệu (nếu có):..................................................................................................

- Số điện thoại: ………………… Fax: ………………….. Email:..................................

- Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của trường/trung tâm:.............................................

- Nghề đào tạo và trình độ đào tạo:...........................................................................

- Dự kiến quy mô tuyển sinh và đối tượng tuyển sinh trong 5 năm kể từ năm đề nghị cho phép thành lập:

- Diện tích đất sử dụng: ……………………. Diện tích xây dựng:..............................

- Văn bằng, chứng chỉ dự kiến cấp:..........................................................................

- Vốn đầu tư:.............................................................................................................

- Thời hạn hoạt động của trường/trung tâm:............................................................

(Kèm theo đề án thành lập trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề)

Tôi xin chấp hành đúng những quy định về dạy nghề và pháp luật có liên quan của Nhà nước Việt Nam.

Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố...(3)... xem xét quyết định./.

(4)
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

Hướng dẫn:

(1) Tên địa danh;

(2), (3) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi trường/trung tâm đặt trụ sở chính;

(4) Chức danh của người đại diện tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trường trung cấp nghề/trung tâm dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài.

PHỤ LỤC 3b

MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ CHO PHÉP THÀNH LẬP CƠ SỞ DẠY NGHỀ CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TRƯỚC NGÀY NGHỊ ĐỊNH SỐ 73/2012/NĐ-CP CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH
(Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2013/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

……..(1)……, ngày ….. tháng ….. năm 20…

Kính gửi: ………………..(2)…………………..

- Họ và tên người đại diện tổ chức (hoặc cá nhân) đề nghị cho phép thành lập trường cao đẳng nghề/trường trung cấp nghề/trung tâm dạy nghề...................................................................................................

- Ngày, tháng, năm sinh:............................................................................................

- Số Chứng minh thư nhân dân/Số Hộ chiếu; ngày...tháng...năm cấp, nơi cấp, cơ quan cấp:.

...................................................................................................................................

- Nơi đăng ký thường trú tại Việt Nam (nếu có):.......................................................

- Số Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của dự án đầu tư thành lập trường cao đẳng nghề/trường trung cấp nghề/trung tâm dạy nghề; ngày cấp...tháng...năm cấp, cơ quan cấp:.....................

- Số Giấy phép hoạt động dạy nghề; ngày...tháng...cấp, cơ quan cấp:.....................

- Tên trường cao đẳng nghề/trường trung cấp nghề/trung tâm dạy nghề:................

- Tên giao dịch quốc tế:.............................................................................................

- Địa chỉ trụ sở chính:................................................................................................

- Phân hiệu (nếu có):..................................................................................................

- Số điện thoại: …………….. Fax: …………………. Email:........................................

- Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của trường/trung tâm:.............................................

- Tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm đề nghị cho phép thành lập trường/trung tâm:

- Kết quả đào tạo 03 năm gần nhất (nếu có):............................................................

- Nghề đào tạo và trình độ đào tạo:...........................................................................

- Dự kiến quy mô tuyển sinh và đối tượng tuyển sinh trong 5 năm kể từ năm đề nghị cho phép thành lập trường/trung tâm:

- Diện tích đất sử dụng: ……………………… Diện tích xây dựng:............................

- Vốn đầu tư:..............................................................................................................

- Thời hạn hoạt động của trường/trung tâm:.............................................................

- Kế hoạch, tiến độ thực hiện dự án sau khi được cho phép thành lập trường/trung tâm:.......

..................................................................................................................................

(Kèm theo Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư; Báo cáo kết quả thực hiện hoạt động dạy nghề trong thời gian ba năm gần nhất)

Tôi xin chấp hành đúng những quy định về dạy nghề và pháp luật có liên quan của Nhà nước Việt Nam.

Đề nghị ...(3) ... xem xét quyết định./.

(4)
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

ớng dẫn:

(1) Tên địa danh;

(2), (3) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với trường cao đẳng nghề); Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi trường/trung tâm đặt trụ sở chính (đối với trường trung cấp nghề hoặc trung tâm dạy nghề);

(4) Chức danh của người đại diện tổ chức, cá nhân đề nghị cho phép thành lập trường cao đẳng nghề/trường trung cấp nghề/trung tâm dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài.

PHỤ LỤC 4

MẪU VĂN BẢN ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2013/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

……….(1)………..
…………..(2)……………

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: /ĐKDN-...(3)...

…(4)…, ngày ... tháng … năm 20…

Kính gửi: ………………………………...................

1. Tên cơ sở đăng ký:................................................................................................

Tên giao dịch quốc tế (nếu có):.................................................................................

2. Địa chỉ trụ sở chính:..............................................................................................

Điện thoại: ……………. Fax: …………….. Email:.....................................................

4. Đăng ký hoạt động dạy nghề với các nghề, trình độ và quy mô như sau:

Số TT

Tên nghề

Mã nghề

Trình độ đào tạo

Quy mô tuyển sinh

Năm

Năm

Năm

1

5. Chúng tôi xin cam kết thực hiện đúng những quy định về dạy nghề và các quy định có liên quan của pháp luật./.

Nơi nhận:
- Như trên;
- ……..;
- Lưu: VT, ………

……………….(5)……………….
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ và tên)

ớng dẫn:

(1) Tên cơ quan chủ quản (nếu có);

(2) Tên cơ sở đăng ký hoạt động dạy nghề;

(3) Tên viết tắt của cơ sở đăng ký hoạt động dạy nghề;

(4) Tên tỉnh, thành phố nơi cơ sở dạy nghề đặt trụ sở chính;

(5) Quyền hạn, chức vụ của người ký.

PHỤ LỤC 4a

MẪU BÁO CÁO ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2013/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

……..(1)……..
………..(2)…………
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: ……./BC-...(3)...

…(4)…, ngày … tháng … năm 20…

BÁO CÁO

Đăng ký hoạt động dạy nghề

Phần 1. THÔNG TIN CHUNG

I. Thông tin về cơ sở dạy nghề (5)

II. Tóm tắt tiến độ thực hiện dự án đầu tư, tình hình góp vốn, vay vốn, tổng số vốn đầu tư đã thực hiện

III. Quy định về học phí và các loại phí liên quan

IV. Giải trình chung về điều kiện đăng ký hoạt động dạy nghề

- Tổng số cán bộ, giảng viên, giáo viên (6)

- Cơ sở vật chất chung (7)

Phần 2. KIỆN ĐẢM BẢO HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ

A. Tại trụ sở chính

I. Nghề: … …; trình độ đào tạo: …..(8)

1. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề (9)

1.1. Cơ sở vật chất

- Số phòng học lý thuyết chuyên nghề

- Số phòng/xưởng thực hành nghề

1.2. Thiết bị dạy nghề

TT

Tên thiết bị dạy nghề; đặc tính kỹ thuật

Đơn vị tính

Số lượng

1

2. Giáo viên dạy nghề

- Tổng số giáo viên của nghề

- Tỷ lệ học sinh, sinh viên quy đổi/giáo viên quy đổi:

- Giáo viên cơ hữu (nếu là cán bộ quản lý tham gia giảng dạy thì ghi rõ số giờ giảng dạy/năm):

TT

Họ và tên

Trình độ, ngành, nghề được đào tạo

Trình độ kỹ năng nghề

Trình độ nghiệp vụ sư phạm

n học/mô đun được phân công giảng dạy

1

- Giáo viên thỉnh giảng

TT

Họ và tên

Trình độ, ngành, nghề được đào tạo

Trình độ kỹ năng nghề

Trình độ nghiệp vụ sư phạm ....

Môn học/mô đun được phân công giảng dạy

Tổng số giờ giảng dạy/năm

1

(Có hồ sơ giáo viên minh chứng kèm theo) (10)

3. Thông tin chung về chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy

- Tên chương trình, trình độ đào tạo, thời gian đào tạo, đối tượng tuyển sinh (có chương trình dạy nghề chi tiết kèm theo) (11)

- Danh mục các loại giáo trình, tài liệu giảng dạy của nghề.

II. Nghề: ... (thứ hai). …; trình độ đào tạo: …….(12)......

.......................................................................................................................................

B. Tại phân hiệu (nếu có) (13)

(Trình bày tương tự như mục A nêu trên)

Nơi nhận:
- Như trên;
- …….;
- Lưu: VT, …….

……………..(14)…………….
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ và tên)

ớng dẫn:

(1) Tên cơ quan chủ quản (nếu có);

(2) Tên cơ sở đăng ký hoạt động dạy nghề;

(3) Tên viết tắt của cơ sở đăng ký hoạt động dạy nghề;

(4) Tên tỉnh, thành phố nơi cơ sở dạy nghề đặt trụ sở chính;

(5) Tên, địa chỉ, ngày tháng năm thành lập, cơ quan chủ quản (nếu có), chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy;

(6) Kèm theo danh sách Hiệu trưởng (Giám đốc), Phó Hiệu trưởng (Phó Giám đốc), trưởng các khoa, phòng, ban và kế toán trưởng. Đối với hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động dạy nghề của phân hiệu, cần bổ sung danh sách cán bộ phụ trách phân hiệu và cơ cấu, bộ máy tổ chức của phân hiệu;

(7) Diện tích cơ sở dạy nghề/phân hiệu; phòng học; hội trường; khu làm việc; thư viện; phòng, xưởng thực hành/thí nghiệm; thiết bị kỹ thuật chung; ký túc xá, câu lạc bộ; các công trình kỹ thuật, y tế; các công trình phục vụ hoạt động giải trí, văn hóa, văn nghệ, thể thao;

(8) Nếu một nghề có nhiều trình độ đào tạo (CĐN, TCN, SCN) thì có thể báo cáo chung về cơ sở vật chất, thiết bị; giáo viên;

(9) Hồ sơ minh chứng về cơ sở vật chất là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê, mua, chuyển nhượng địa điểm đào tạo. Nếu là hợp đồng thuê địa điểm, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phải còn thời hạn ít nhất là 5 năm;

(10) Hồ sơ minh chứng giáo viên:

Mỗi giáo viên phải có các minh chứng sau (bản photo không cần công chứng):

- Quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động (đối với giáo viên, giảng viên cơ hữu); hợp đồng thỉnh giảng (đối với giáo viên, giảng viên thỉnh giảng);

- Văn bằng đào tạo chuyên môn;

- Chứng chỉ sư phạm dạy nghề (nếu không có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm kỹ thuật).

(11) Chương trình dạy nghề chi tiết kèm theo. Một chương trình bao gồm:

- Quyết định ban hành chương trình của người đứng đầu cơ sở dạy nghề;

- Chương trình dạy nghề chi tiết.

(12) Báo cáo tiếp tục các kiện đảm bảo hoạt động dạy nghề cho nghề thứ 2 như nghề thứ nhất;

(13) Nếu có phân hiệu thì tiếp tục báo cáo các điều kiện;

(14) Quyền hạn, chức vụ của người ký.

PHỤ LỤC 4b

MẪU VĂN BẢN ĐĂNG KÝ BỔ SUNG, CHỈNH HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2013/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

…………(1)……….
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: /ĐKBSDN- ...(2)...

…(3)…, ngày … tháng … năm 20…

Kính gửi: ………………..(4)………………

1. Tên cơ sở đăng ký:...............................................................................................

Tên giao dịch quốc tế (nếu có):................................................................................

2. Địa chỉ trụ sở chính:.............................................................................................

Điện thoại: ……………………. Fax: …………………… Email:................................

3. Giấy phép hoạt động dạy nghề số: …………….. ngày……tháng.......năm.......

4. Nội dung đăng ký bổ sung, chỉnh (5):

..................................................................................................................................

Số TT

Tên nghề

Mã nghề

Trình độ đào tạo

Quy mô tuyển sinh

Năm

Năm

Năm

1

5. Chúng tôi xin cam kết thực hiện đúng những quy định về dạy nghề và các quy định có liên quan của pháp luật./.

Nơi nhận:
- Như trên;
- …….;
- Lưu: VT, …….

……………..(6)…………….
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ và tên)

ớng dẫn:

(1) Tên cơ sở đăng ký hoạt động dạy nghề;

(2) Tên viết tắt của cơ sở đăng ký hoạt động dạy nghề;

(3) Tên tỉnh, thành phố nơi cơ sở dạy nghề đặt trụ sở chính;

(4) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với trường cao đẳng nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối với trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề;

(5) Ghi cụ thể nội dung đăng ký bổ sung, điều chỉnh;

(6) Quyền hạn, chức vụ của người ký.

PHỤ LỤC 4c

MẪU BÁO CÁO ĐĂNG KÝ BỔ SUNG, CHỈNH HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2013/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

……..(1)………
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: ………/BC-...(2)...

…(3)…, ngày … tháng … năm 20…

BÁO CÁO

Đăng ký bổ sung, chỉnh hoạt động dạy nghề

Phần 1. THÔNG TIN CHUNG

I. Lý do đăng ký bổ sung, điều chỉnh

II. Tóm tắt tiến độ thực hiện dự án đầu tư, tình hình góp vốn, vay vốn, tổng số vốn đầu tư đã thực hiện

III. Quy định về học phí và các loại phí liên quan

IV. Giải trình chung về điều kiện đăng ký bổ sung, điều chỉnh

- Tổng số cán bộ, giảng viên, giáo viên (4)

- Cơ sở vật chất chung (Diện tích cơ sở dạy nghề/phân hiệu; phòng học; hội trường; khu làm việc; thư viện; phòng, xưởng thực hành/thí nghiệm; thiết bị kỹ thuật chung; ký túc xá, câu lạc bộ; các công trình kỹ thuật, y tế; các công trình phục vụ hoạt động giải trí, văn hóa, văn nghệ, thể thao).

Phần 2. KIỆN CỤ THỂ ĐẢM BẢO HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ

A. Tại trụ sở chính

I. Nghề: ……; trình độ đào tạo: …….(5)

1. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề (6)

1.1. Cơ sở vật chất

- Số phòng học lý thuyết chuyên nghề

- Số phòng/xưởng thực hành nghề

1.2. Thiết bị dạy nghề

TT

Tên thiết bị dạy nghề; đặc tính kỹ thuật

Đơn vị tính

Số lượng

1

2. Giáo viên dạy nghề

- Tổng số giáo viên của nghề

- Tỷ lệ học sinh, sinh viên quy đổi/giáo viên quy đổi

- Giáo viên, giảng viên cơ hữu (nếu là cán bộ quản lý tham gia giảng dạy thì ghi rõ số giờ giảng dạy/năm):

TT

Họ và tên

Trình độ, ngành, nghề được đào tạo

Trình độ kỹ năng nghề

Trình độ nghiệp vụ sư phạm

Môn học/mô đun được phân công giảng dạy

1

- Giáo viên, giảng viên thỉnh giảng

TT

Họ và tên

Trình độ, ngành, nghề được đào tạo

Trình độ kỹ năng nghề

Trình độ nghiệp vụ sư phạm

Môn học/mô đun được phân công giảng dạy

Tổng số giờ giảng dạy/năm

1

(Có hồ sơ giáo viên, giảng viên minh chứng kèm theo) (7)

3. Thông tin chung về chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy

- Tên chương trình, trình độ đào tạo, thời gian đào tạo, đối tượng tuyển sinh (có chương trình dạy nghề chi tiết kèm theo) (8)

- Danh mục các loại giáo trình, tài liệu giảng dạy của nghề.

II. Nghề: ... (thứ hai). …; trình độ đào tạo: ………..(9).......

..................................................................................................................................

B. Tại phân hiệu (nếu có) (10)

(Trình bày tương tự như mục A nêu trên)

Nơi nhận:
- Như trên;
- …….;
- Lưu: VT, …….

……………..(11)…………….
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ và tên)

Hướng dẫn:

(1) Tên cơ sở đăng ký hoạt động dạy nghề;

(2) Tên viết tắt của cơ sở đăng ký hoạt động dạy nghề;

(3) Tên tỉnh, thành phố nơi cơ sở dạy nghề đặt trụ sở chính;

(4) Kèm theo danh sách Hiệu trưởng (Giám đốc), Phó Hiệu trưởng (Phó Giám đốc), trưởng các khoa, phòng, ban và kế toán trưởng. Đối với hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động dạy nghề của phân hiệu, cần bổ sung danh sách cán bộ phụ trách phân hiệu và cơ cấu, bộ máy tổ chức của phân hiệu;

(5) Nếu một nghề có nhiều trình độ đào tạo (CĐN, TCN, SCN) thì có thể báo cáo chung về cơ sở vật chất, thiết bị; giáo viên;

(6) Hồ sơ minh chứng về cơ sở vật chất là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê, mua, chuyển nhượng địa điểm đào tạo. Nếu là hợp đồng thuê địa điểm, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phải còn thời hạn ít nhất là 5 năm;

(7) Hồ sơ minh chứng giáo viên:

Mỗi giáo viên, giảng viên phải có các minh chứng sau (bản photo không cần công chứng):

- Quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động (đối với giáo viên, giảng viên cơ hữu); hợp đồng thỉnh giảng (đối với giáo viên, giảng viên thỉnh giảng);

- Giấy phép lao động đối với giáo viên, giảng viên là người nước ngoài;

- Văn bằng đào tạo chuyên môn (bản dịch có công chứng đối với văn bằng nước ngoài);

- Chứng chỉ sư phạm dạy nghề (nếu không có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm kỹ thuật).

(8) Chương trình dạy nghề chi tiết kèm theo. Một chương trình bao gồm:

- Quyết định ban hành chương trình của người đứng đầu cơ sở dạy nghề;

- Chương trình dạy nghề chi tiết.

(9) Báo cáo tiếp tục các kiện đảm bảo hoạt động dạy nghề cho nghề thứ 2 như nghề thứ nhất;

(10) Nếu có phân hiệu thì tiếp tục báo cáo các điều kiện;

(11) Quyền hạn, chức vụ của người ký.

PHỤ LỤC 5

MẪU GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2013/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: ………./GP-LĐTBXH

Hà Nội, ngày … tháng … năm 20…

GIẤY PHÉP

Hoạt động dạy nghề

1. Cấp cho: …………………………..(1)......................................................................

Tên giao dịch quốc tế (nếu có):..................................................................................

Thuộc:.........................................................................................................................

Địa chỉ trụ sở chính:....................................................................................................

....................................................................................................................................

Điện thoại: …………….., Fax: ………………., E-mail:................................................

Địa chỉ phân hiệu (nếu có):.........................................................................................

Quyết định cho phép thành lập số: ………ngày, tháng, năm cấp:..............................

2. Được phép hoạt động dạy nghề theo những nội dung sau:

- Trụ sở chính:

Số TT

Tên nghề đào tạo

Mã nghề

Quy mô tuyển sinh/năm

Trình độ đào tạo

- Phân hiệu (nếu có):.........................................................................................................

Số TT

Tên nghề đào tạo

Mã nghề

Quy mô tuyển sinh/năm

Trình độ đào tạo

3. Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

……………..(2)…………….
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ và tên)

Hướng dẫn:

(1) Tên đầy đủ của cơ sở dạy nghề được phép hoạt động dạy nghề (ghi bằng chữ in hoa);

(2) Quyền hạn, chức vụ của người ký.

PHỤ LỤC 5a

MẪU GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2013/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN (1)
TÊN CƠ QUAN CẤP GIẤY (2)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: ………/GP-...(3)...

…(4)…, ngày … tháng … năm 20…

GIẤY PHÉP

Hoạt động dạy nghề

1. Cấp cho: …………………………..(5)...................................................................

Tên giao dịch quốc tế (nếu có):................................................................................

Thuộc:.......................................................................................................................

Địa chỉ trụ sở chính:..................................................................................................

..................................................................................................................................

Điện thoại: …………….., Fax: ………………., E-mail:..............................................

Địa chỉ phân hiệu (nếu có):.......................................................................................

Quyết định cho phép thành lập số: ………ngày, tháng, năm cấp:............................

2. Được phép hoạt động dạy nghề theo những nội dung sau:

- Trụ sở chính:

Số TT

Tên nghề đào tạo

Mã nghề

Quy mô tuyển sinh/năm

Trình độ đào tạo

- Phân hiệu (nếu có):.........................................................................................................

Số TT

Tên nghề đào tạo

Mã nghề

Quy mô tuyển sinh/năm

Trình độ đào tạo

3. Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

……………..(6)…………….
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ và tên)

ớng dẫn:

(1) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

(2) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

(3) Tên viết tắt của cơ quan cấp giấy phép hoạt động dạy nghề;

(4) Tên tỉnh, thành phố nơi cơ quan cấp Giấy phép hoạt động dạy nghề đặt trụ sở;

(5) Tên đầy đủ của cơ sở dạy nghề được phép hoạt động dạy nghề (ghi bằng chữ in hoa);

(6) Quyền hạn, chức vụ của người ký.

PHỤ LỤC 5b

MẪU GIẤY PHÉP BỔ SUNG, CHỈNH HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2013/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: ……./GPBS-LĐTBXH

Hà Nội, ngày … tháng … năm 20…

GIẤY PHÉP

Bổ sung, chỉnh hoạt động dạy nghề

1. Cấp cho: ………………………(1)...........................................................................

Tên giao dịch quốc tế (nếu có):.................................................................................

Thuộc:.......................................................................................................................

Địa chỉ trụ sở chính:..................................................................................................

Điện thoại: ………………….., Fax: …………………., E-mail:...................................

Địa chỉ phân hiệu (nếu có):.......................................................................................

Giấy phép hoạt động dạy nghề số:...........................................................................

Ngày, tháng, năm cấp...............................................................................................

2. Được phép bổ sung, điều chỉnh hoạt động dạy nghề theo những nội dung sau:

- ................................................................................................................................

- Tên nghề, quy mô đào tạo, trình độ đào tạo

Số TT

Tên nghề đào tạo

Mã nghề

Quy mô tuyển sinh/năm

Trình độ đào tạo

1

3. Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

……………..(2)…………….
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ và tên)

ớng dẫn:

(1) Tên đầy đủ của cơ sở dạy nghề được phép hoạt động dạy nghề (ghi bằng chữ in hoa);

(2) Quyền hạn, chức vụ của người ký.

PHỤ LỤC 5c

MẪU GIẤY PHÉP BỔ SUNG, CHỈNH HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2013/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN (1)
TÊN CƠ QUAN CẤP GIẤY (2)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: ………/GPBS-(3)...

…(4)…, ngày … tháng … năm 20…

GIẤY PHÉP

Bổ sung, chỉnh hoạt động dạy nghề

1. Cấp cho: ……………………(5)...............................................................................

Tên giao dịch quốc tế (nếu có):..................................................................................

Thuộc:.........................................................................................................................

Địa chỉ trụ sở chính:....................................................................................................

Điện thoại: ………………….., Fax: …………., E-mail:................................................

Địa chỉ phân hiệu (nếu có):.........................................................................................

Giấy phép hoạt động dạy nghề số:.............................................................................

Ngày, tháng, năm cấp.................................................................................................

2. Được phép bổ sung, điều chỉnh hoạt động dạy nghề theo những nội dung sau:

- ...................................................................................................................................

- Tên nghề, quy mô đào tạo, trình độ đào tạo

Số TT

Tên nghề đào tạo

Mã nghề

Quy mô tuyển sinh/năm

Trình độ đào tạo

1

3. Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

……………..(6)…………….
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ và tên)

ớng dẫn:

(1) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

(2) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

(3) Tên viết tắt của cơ quan cấp giấy phép hoạt động dạy nghề;

(4) Tên tỉnh, thành phố nơi cơ quan cấp Giấy phép hoạt động dạy nghề đặt trụ sở;

(5) Tên đầy đủ của cơ sở dạy nghề được phép hoạt động dạy nghề (ghi bằng chữ in hoa);

(6) Quyền hạn, chức vụ của người ký.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 23/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực dạy nghề của Nghị định 73/2012/NĐ-CP Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 23/2013/TT-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/10/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Phi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 721 đến số 722
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản