Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT |
Số: 23/2009/TT-BCA(V19) | Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 2009 |
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; Nghị định số 125/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Để thực hiện thống nhất các quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và nghị định của Chính phủ về áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, Bộ Công an hướng dẫn chi tiết thi hành một số nội dung cụ thể như sau:
I. VỀ XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG ĐƯA VÀO CƠ SỞ GIÁO DỤC
Việc xác định đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục phải thực hiện theo đúng quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và quy định tại Điều 3 Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 (sau đây viết tắt là Nghị định số 76, Nghị định số 125) và hướng dẫn tại Thông tư này, trong đó cần lưu ý một số nội dung sau đây:
1. Khoản 3 Điều 113 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008 quy định: “Trong giai đoạn cắt cơn, phục hồi, đối tượng đang chấp hành quyết định tại cơ sở chữa bệnh nếu có hành vi vi phạm các quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 và khoản 2 Điều 25 của Pháp lệnh này thì bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục”. Đồng thời, khoản 2 Điều 25 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 quy định: “Không đưa vào cơ sở giáo dục người chưa đủ 18 tuổi, nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi”. Do đó, đối với người thực hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 113 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và khoản 3 Điều 3 Nghị định số 76 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125 mà chưa đủ 18 tuổi thì phải lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; chỉ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục trong trường hợp họ thực hiện hành vi vi phạm khi đã từ đủ 18 tuổi đến 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam.
2. Các trường hợp sau đây được coi là không có nơi cư trú nhất định:
a) Không xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú và thường xuyên đi lang thang, không có nơi ở ổn định;
b) Có nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú nhưng không thường xuyên sinh sống tại đó và thường xuyên đi lang thang, không có nơi ở ổn định.
3. Các trường hợp sau đây được coi là đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn:
a) Đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà có hành vi vi phạm được quy định tại Điều 3 Nghị định số 76 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125;
b) Đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính mà lại có hành vi vi phạm được quy định tại Điều 3 Nghị định số 76 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125.
4. Trường hợp hành vi vi phạm lần sau cùng đã được cơ quan có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, nhưng sau khi xem xét, không đủ điều kiện để đề nghị áp dụng biện pháp này hoặc đã đề nghị nhưng không được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục thì phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để xử phạt theo quy định của pháp luật.
5. Trường hợp một người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh thì thực hiện theo quy định tại Điều 113 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và Điều 12 Nghị định số 76 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125.
Trong trường hợp cơ quan Công an đã thụ lý hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục mà phát hiện người đó thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh được quy định tại Điều 26 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 thì phải chuyển ngay toàn bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
6. Đối với trường hợp đối tượng đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng mà bỏ trốn, đến khi bị bắt lại, người đó đã đủ 18 tuổi trở lên thì theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Trưởng Công an cấp huyện làm văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hủy quyết định đưa vào trường giáo dưỡng và lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục theo thủ tục chung mà không cần phải có điều kiện là đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
II. VỀ LẬP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ ĐƯA VÀO CƠ SỞ GIÁO DỤC
1. Việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 9 Nghị định số 76 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125; trong đó, việc lấy ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội cấp xã có liên quan, tùy từng trường hợp cụ thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thể tổ chức cuộc họp hoặc lấy ý kiến tham gia bằng văn bản. Ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức xã hội có liên quan phải được nghiên cứu, tham khảo để cân nhắc trong quá trình xem xét, quyết định việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục.
2. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thu thập tài liệu, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xem xét, làm văn bản trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (gửi qua Công an cấp huyện). Công an cấp huyện có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
1. Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và lãnh đạo Bộ Công an trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục và tổ chức đưa người phải chấp hành quyết định vào cơ sở giáo dục.
2. Giám đốc Công an cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm:
a) Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục theo thẩm quyền;
b) Làm thường trực Hội đồng tư vấn về việc đưa vào cơ sở giáo dục (sau đây viết tắt là Hội đồng tư vấn); trường hợp không thể tham gia Hội đồng tư vấn thì ủy quyền Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát làm thường trực Hội đồng tư vấn.
3. Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Chủ trì phối hợp với Phòng Pháp chế hoặc Văn phòng Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bộ phận Pháp chế) và các đơn vị có liên quan giúp Giám đốc Công an cấp tỉnh trong việc xem xét, lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục và hướng dẫn lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thuộc Công an cấp huyện trong việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục;
b) Chậm nhất 7 (bảy) ngày làm việc, trước khi họp Hội đồng tư vấn, phải sao gửi các Thành viên Hội đồng tư vấn văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục hoặc văn bản của cơ quan Công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục; bản tóm tắt lý lịch và hành vi vi phạm của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục và các tài liệu khác có liên quan đến việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở giáo dục; đồng thời, gửi giấy mời đại diện thường trực Hội đồng nhân dân hoặc đại diện Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham dự cuộc họp Hội đồng tư vấn (kèm theo các tài liệu nêu trên);
c) Tổ chức thi hành Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục:
d) Giúp Giám đốc Công an cấp tỉnh thẩm tra, xác minh để đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
4. Trưởng Công an cấp huyện có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn Công an cấp xã lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục;
b) Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, thẩm định hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục; báo cáo kịp thời và phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội xác minh, đề xuất giải quyết trường hợp có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục nhưng thuộc diện được hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định;
c) Chỉ đạo Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội tổ chức thi hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo phân công của Công an cấp trên;
d) Ra quyết định truy tìm theo thẩm quyền và tổ chức bắt giữ đối tượng trốn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục.
5. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an các cấp có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan giúp lãnh đạo Công an cùng cấp trong việc xem xét, lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục và tiến hành các công tác khác có liên quan đến việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.
6. Trưởng Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật; phối hợp và thực hiện sự hướng dẫn, chỉ đạo của Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện trong việc thi hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục; tổ chức bắt giữ đối tượng trốn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục; quản lý đối tượng được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục.
1. Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 76, thành phần Hội đồng tư vấn bao gồm:
a) Giám đốc Công an cấp tỉnh – Thường trực Hội đồng;
b) Giám đốc Sở Tư pháp – Thành viên;
c) Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội – Thành viên;
d) Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh – Thành viên;
2. Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân hoặc đại diện Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được mời tham dự phiên họp Hội đồng tư vấn nhưng không tham gia biểu quyết. Trường hợp đại diện thường trực Hội đồng nhân dân hoặc đại diện Văn phòng Ủy ban nhân dân không đến dự được thì cuộc họp Hội đồng tư vấn vẫn phải tiến hành bình thường.
V. QUYẾT ĐỊNH ĐƯA VÀO CƠ SỞ GIÁO DỤC
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, ra quyết định đưa vào cơ sở giáo dục trong thời hạn 7 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Hội đồng tư vấn.
2. Quyết định đưa vào cơ sở giáo dục có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và phải được gửi ngay cho Công an cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc nơi đã lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục và giao cho người phải chấp hành quyết định này trước khi thi hành.
3. Nội dung quyết định đưa vào cơ sở giáo dục phải ghi rõ số, ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú, hành vi vi phạm pháp luật của người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; điều, khoản của văn bản được áp dụng; thời hạn, nơi chấp hành quyết định; cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành, cơ quan phối hợp thi hành; quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định đưa vào cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.
4. Trong trường hợp người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đang phải chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh thì trong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục phải có nội dung hủy quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người đó.
VI. THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH ĐƯA VÀO CƠ SỞ GIÁO DỤC
1. Trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định; việc thi hành quyết định phải được lập biên bản theo mẫu quy định; biên bản được lập thành 2 (hai) bản, một bản lưu ở Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, một bản gửi kèm theo hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục.
Trường hợp đối tượng có đơn đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định thì phải tiếp nhận và xác minh ngay, nếu có đủ điều kiện để được hoãn hoặc miễn theo quy định của Nghị định số 76 và hướng dẫn tại Thông tư này thì Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội phải làm văn bản đề xuất Giám đốc Công an cấp tỉnh báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ra quyết định hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định cho người đó.
Thời gian chấp hành quyết định đưa người vào cơ sở giáo dục được tính từ ngày người bị áp dụng biện pháp này được đưa đi chấp hành quyết định (bao gồm cả thời gian đi đường và thời gian được quản lý tại Công an cấp tỉnh).
2. Hồ sơ, thủ tục đưa người có quyết định vào cơ sở giáo dục:
a) Khu đưa người vào cơ sở giáo dục phải có hồ sơ kèm theo, bao gồm:
- Quyết định đưa vào cơ sở giáo dục của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Bản tóm tắt lý lịch và hành vi vi phạm pháp luật của người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
- Danh bản của người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
- Quyết định quản lý đối tượng tại Công an cấp tỉnh trước khi đưa vào cơ sở giáo dục và các tài liệu khác có liên quan đến việc quản lý, giáo dục đối tượng (nếu có);
- Biên bản thi hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục.
b) Việc giao, nhận người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục phải lập biên bản, trong đó phải ghi rõ tình trạng sức khỏe của người được giao, nhận; hồ sơ, tài liệu kèm theo và những vấn đề khác có liên quan đến việc giao, nhận đối tượng.
3. Người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục hoặc người bị bắt giữ theo quyết định truy tìm, nếu không tự giác chấp hành hoặc có hành vi chống đối thì có thể bị khóa tay để áp giải hoặc bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết khác theo quy định của pháp luật để buộc đối tượng phải chấp hành. Trường hợp hành vi chống đối có dấu hiệu của tội phạm thì phải lập hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
1. Quản lý đối tượng không có nơi cư trú nhất định có biểu hiện lẩn trốn, gây khó khăn cho quá trình lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục:
Khoản 6 Điều 9 Nghị định số 76 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125 quy định, trong thời gian lập hồ sơ, nếu đối tượng không có nơi cư trú nhất định mà có hành vi trốn tránh, gây khó khăn cho quá trình lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục thì Trưởng Công an cấp huyện làm văn bản báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh ra quyết định quản lý họ tại Công an cấp tỉnh trong thời hạn không quá 15 (mười lăm) ngày theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 76 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125 để lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục. Để tránh oan, sai hoặc quản lý không đúng đối tượng, việc đề xuất, xem xét, quyết định quản lý đối tượng nêu trên phải rất thận trọng và chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện dưới đây:
a) Phải là đối tượng không có nơi cư trú nhất định và có đủ điều kiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
b) Phải có căn cứ chứng tỏ rằng đối tượng có biểu hiện lẩn trốn, gây khó khăn cho quá trình lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục.
Việc quản lý đối tượng nêu trên và chế độ, chính sách đối với người bị quản lý phải thực hiện theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 76 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125 và hướng dẫn tại các khoản 3, 4, 5 và 6 mục VII Thông tư này.
2. Quản lý người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục tại Công an cấp tỉnh để tiến hành các thủ tục cần thiết trước khi đưa vào cơ sở giáo dục:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 76 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125 và khoản 4 Điều 17 Nghị định số 76, việc quản lý đối tượng đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục tại Công an cấp tỉnh trước khi đưa họ vào cơ sở giáo dục chỉ được áp dụng trong các trường hợp:
c) Cần phải có thời gian để lập danh bản, lăn tay, chụp ảnh hoặc tiến hành các thủ tục cần thiết khác trước khi đưa họ vào cơ sở giáo dục. Phòng hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành lập danh bản, lăn tay, chụp ảnh đối tượng (ảnh màu hoặc đen trắng cỡ 3cm x 4cm) để bổ sung vào hồ sơ cho đầy đủ trước khi đưa họ vào cơ sở giáo dục;
b) Đối tượng bị bắt giữ theo quyết định truy tìm được chuyển đến Công an cấp tỉnh để quản lý trong thời gian chờ cơ quan có trách nhiệm đến nhận đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục.
3. Quyết định quản lý đối tượng nêu tại khoản 1, khoản 2 mục VII Thông tư này do Giám đốc Công an cấp tỉnh (hoặc Phó Giám đốc được ủy quyền) ký, trong đó ghi rõ số, ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, chức vụ người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị quản lý; lý do, điều, khoản của văn bản được áp dụng; thời hạn quản lý, cơ quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định. Thời hạn quản lý không quá 15 (mười lăm) ngày và được tính vào thời hạn chấp hành quyết định tại cơ sở giáo dục.
4. Công an cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức quản lý và bố trí nơi quản lý đối tượng nêu trên cho phù hợp; phải có buồng dành riêng cho việc quản lý đối tượng, ngoài cửa phải có biển ghi: Buồng quản lý đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục”; trường hợp nơi quản lý đối tượng được bố trí trong khu vực trại giam thì Giám thị trại giam có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc quản lý đối tượng.
Nghiêm cấm việc đưa đối tượng nêu trên vào quản lý trong cùng một buồng với đối tượng bị tạm giữ, tạm giam theo thủ tục tố tụng hình sự hoặc quản lý chung nam, nữ trong cùng một buồng hoặc quản lý tại nơi không bảo đảm vệ sinh, an toàn cho đối tượng.
5. Chế độ ăn, ở của đối tượng nêu trên trong thời gian quản lý tại Công an cấp tỉnh được hưởng như chế độ ăn, ở của trại viên cơ sở giáo dục; kinh phí do ngân sách nhà nước cấp trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Công an.
6. Trường hợp đối tượng chết trong thời gian quản lý tại Công an cấp tỉnh thì Thủ trưởng đơn vị nơi quản lý đối tượng phải báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để xác định nguyên nhân chết và giải quyết theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải thông báo ngay cho gia đình người chết biết.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi làm xong các thủ tục nêu trên, nếu gia đình người chết không đến nhận tử thi thì đơn vị quản lý đối tượng có trách nhiệm tổ chức mai táng; kinh phí mai táng do ngân sách nhà nước cấp.
VIII. TRUY TÌM VÀ BẮT GIỮ ĐỐI TƯỢNG TRỐN CHẤP HÀNH QUYẾT ĐỊNH ĐƯA VÀO CƠ SỞ GIÁO DỤC
Việc truy tìm và bắt giữ đối tượng trốn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 17 Nghị định số 76 và hướng dẫn tại Thông tư này.
1. Trường hợp người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bỏ trốn trước khi thi hành quyết định thì Trưởng Công an cấp huyện (nơi người đó cư trú hoặc nơi đã lập hồ sơ) ra quyết định truy tìm. Trong trường hợp Công an cấp tỉnh đã nhận đối tượng để đưa đi chấp hành quyết định mà đối tượng bỏ trốn trên đường dẫn giải hoặc bỏ trốn trong thời gian quản lý tại Công an cấp tỉnh thì Công an cấp tỉnh chuyển giao hồ sơ, tài liệu (quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, biên bản đối tượng bỏ trốn và các tài liệu khác có liên quan) cho Công an cấp huyện để ra quyết định truy tìm.
2. Trường hợp trại viên cơ sở giáo dục bỏ trốn thì Giám đốc cơ sở giáo dục ra quyết định truy tìm. Thời gian trốn khỏi cơ sở giáo dục không được tính vào thời hạn chấp hành quyết định.
3. Tùy từng trường hợp cụ thể mà quyết định truy tìm sẽ được gửi cho cơ quan Công an và Ủy ban nhân dân địa phương nơi cần thiết để phục vụ cho việc truy tìm và bắt giữ đối tượng.
IX. HOÃN, MIỄN CHẤP HÀNH QUYẾT ĐỊNH; ĐÌNH CHỈ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH ĐƯA VÀO CƠ SỞ GIÁO DỤC
1. Người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục nhưng chưa chấp hành quyết định tại cơ sở giáo dục có thể được hoãn chấp hành quyết định, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đang ốm nặng, có chứng nhận của trung tâm y tế hoặc bệnh viện từ cấp huyện trở lên;
b) Đang mang thai, có chứng nhận của trung tâm y tế hoặc bệnh viện từ cấp huyện trở lên hoặc phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, có đơn đề nghị và giấy khai sinh của con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
c) Gia đình đang gặp khó khăn đặc biệt, có đơn đề nghị và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
2. Thời hạn được hoãn thực hiện như sau: Đối với trường hợp ốm nặng hoặc hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn đặc biệt thì có thể cho họ được hoãn chấp hành quyết định đến khi khỏi bệnh hoặc hoàn cảnh gia đình hết khó khăn đặc biệt; trường hợp phụ nữ đang nuôi con nhỏ thì được hoãn đến khi con đủ 36 tháng tuổi.
Khi hết thời hạn được hoãn hoặc khi điều kiện được hoãn không còn thì người bị áp dụng biện pháp vào cơ sở giáo dục phải tự giác đến cơ quan Công an để được đưa đi chấp hành quyết định; nếu không tự giác, sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Công an các cấp có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát người được hoãn chấp hành quyết định; khi điều kiện được hoãn không còn thì phải kịp thời báo cáo cơ quan có trách nhiệm để đưa họ đi chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Công an cấp huyện tổ chức đưa đối tượng nêu trên đến cơ sở giáo dục.
3. Người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, nhưng chưa chấp hành quyết định tại cơ sở giáo dục có thể được miễn chấp hành quyết định, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đang mắc bệnh hiểm nghèo (có chứng nhận của trung tâm y tế hoặc bệnh viện từ cấp huyện trở lên) hoặc đang mắc bệnh tâm thần, (có kết luận của cơ quan giám định có thẩm quyền);
b) Trong thời gian được hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục mà có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc lập công.
Các trường hợp sau đây được coi là “Có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật” hoặc “lập công”:
- “Có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật” phải được biểu hiện bằng những hành động cụ thể như: Thành thật hối lỗi, tích cực lao động, học tập, tham gia các phong trào chung của địa phương, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được nhận giấy khen của Ủy ban nhân dân từ cấp xã trở lên và có xác nhận của Ủy ban nhân dân từ cấp xã.
- “Lập công” phải được biểu hiện bằng những hành động cụ thể như: Tố cáo những hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; dũng cảm cứu người, cứu tài sản có giá trị lớn của Nhà nước, của tập thể hoặc của người khác; có sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị lớn trong lao động, sản xuất, được cơ quan chức năng từ cấp tỉnh trở lên công nhận; có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và được nhận giấy khen của cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân từ cấp huyện trở lên.
Đối tượng đang được hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục chỉ được xét miễn chấp hành quyết định khi thời gian đã được hoãn ít nhất bằng một nửa thời hạn ghi trong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục; trường hợp lập công thì có thể được xét miễn sớm hơn.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định cho người có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục nhưng chưa đến cơ sở giáo dục chấp hành quyết định trên cơ sở đơn đề nghị của người đó và ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi họ cư trú; trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho Công an cùng cấp thẩm tra, xác minh từng trường hợp cụ thể trước khi ra quyết định.
5. Trường hợp người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bị chết trước khi thi hành thì Giám đốc Công an cấp tỉnh báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ra quyết định đình chỉ thi hành quyết định đó.
1. Trường hợp trại viên bị ốm nặng và có đơn xin bảo lãnh của gia đình thì được tạm đình chỉ chấp hành quyết định để cho về gia đình điều trị. Trong trường hợp này, Giám đốc cơ sở giáo dục lập hồ sơ đề nghị, trong đó có bệnh án hoặc bản sao bệnh án của trung tâm y tế hoặc bệnh viện từ cấp huyện trở lên, gửi về Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng để xem xét, quyết định.
Thời gian điều trị được tính vào thời hạn chấp hành quyết định; nếu sau khi sức khỏe được phục hồi mà thời hạn chấp hành còn lại từ ba tháng trở lên thì người đó phải tiếp tục chấp hành quyết định tại cơ sở giáo dục.
2. Trại viên là phụ nữ có thai (có giấy chứng nhận của bệnh viện, trung tâm y tế từ cấp huyện trở lên) hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi (có giấy khai sinh của con nhỏ dưới 36 tháng tuổi) được tạm đình chỉ chấp hành quyết định. Giám đốc cơ sở giáo dục lập hồ sơ đề nghị gửi về Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng để xem xét, quyết định. Thời gian tạm đình chỉ không được tính vào thời hạn chấp hành quyết định. Nếu trong thời gian tạm đình chỉ mà người đó có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công theo quy định tại Thông tư này thì Giám đốc cơ sở giáo dục lập hồ sơ đề nghị miễn chấp hành phần thời gian còn lại cho trại viên đó.
3. Trại viên bị mắc bệnh hiểm nghèo, được miễn chấp hành phần thời gian còn lại. Giám đốc cơ sở giáo dục thành lập Hội đồng xét duyệt (thành phần như Hội đồng xét giảm thời hạn quy định tại khoản 8 mục này) và lập hồ sơ đề nghị miễn chấp hành phần thời gian còn lại cho trại viên, trong hồ sơ có bệnh án hoặc bản sao bệnh án của trung tâm y tế hoặc bệnh viện từ cấp huyện trở lên (có xác nhận rõ người đó đang mắc bệnh hiểm nghèo) gửi về Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng để xem xét, quyết định.
4. Trong thời hạn 7 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của cơ sở giáo dục, Cục trưởng Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng xem xét, quyết định việc tạm đình chỉ chấp hành quyết định hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại cho các trường hợp nêu tại các khoản 1, 2 và 3 mục này.
Quyết định tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại cho trại viên phải được gửi cho cơ sở giáo dục, người phải chấp hành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đã ra quyết định đưa người đó vào cơ sở giáo dục, Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ về cư trú để theo dõi, quản lý.
5. Trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày ký quyết định hoặc 3 (ba) ngày kể từ ngày về đến địa phương, người được tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục hoặc được miễn chấp hành phần thời gian còn lại, phải đến trình diện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi về cư trú; trường hợp ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà không thể tự đến trình diện được thì thân nhân của người đó phải đến báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
6. Trường hợp trại viên được tạm đình chỉ chấp hành quyết định nêu tại khoản 1, khoản 2 mục này bị chết thì gia đình phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ sở giáo dục biết (kèm theo bản sao giấy khai tử có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã). Giám đốc cơ sở giáo dục làm báo cáo gửi Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đã ra quyết định đưa người đó vào cơ sở giáo dục để biết.
7. Trại viên đã chấp hành được một nửa thời hạn ghi trong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được xét giảm một phần hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại.
8. Cơ sở giáo dục thành lập Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại cho trại viên; thành phần Hội đồng bao gồm:
- Giám đốc cơ sở giáo dục – Chủ tịch Hội đồng;
- Phó Giám đốc cơ sở giáo dục phụ trách công tác giáo dục – Phó chủ tịch Hội đồng;
- Đội trưởng Đội giáo dục, hồ sơ, quản giáo - Ủy viên thư ký;
- Đội trưởng Đội trinh sát, trực cơ sở - Ủy viên;
- Cán bộ hồ sơ trại viên - Ủy viên;
- Chỉ huy lực lượng Cảnh sát bảo vệ cơ sở giáo dục - Ủy viên;
- Bệnh xá trưởng hoặc bác sỹ trực tiếp điều trị - Ủy viên (nếu đối tượng đề nghị xét miễn chấp hành phần thời gian còn lại là người đang mắc bệnh hiểm nghèo).
Đối với cơ sở giáo dục có nhiều phân khu thì Giám đốc sở giáo dục ra quyết định thành lập tại mỗi phân khu có một Tiểu ban xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại cho trại viên do Phó Giám đốc phụ trách phân khu làm Trưởng Tiểu ban. Thành phần Tiểu ban bao gồm: Trưởng phân khu, Đội trưởng Đội giáo dục, hồ sơ, quản giáo (làm thư ký), cán bộ trinh sát, giáo dục của phân khu và quản giáo trực tiếp phụ trách đội trại viên. Tiểu ban có trách nhiệm xem xét đề nghị của các đội trực tiếp quản lý trại viên về việc giảm hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở giáo dục cho trại viên và làm văn bản báo cáo Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại cho trại viên.
9. Căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện và kết quả học tập, rèn luyện của trại viên, 4 (bốn) tháng một lần (trừ trường hợp có yêu cầu xét giảm, miễn đột xuất), Hội đồng xét giảm hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức họp để xem xét từng trường hợp cụ thể. Khi Hội đồng họp, Đội trưởng Đội giáo dục, hồ sơ, quản giáo phải trình bày cụ thể và đề xuất mức giảm hoặc miễn chấp hành cho từng đối tượng. Sau đó, Hội đồng xem xét, quyết định và làm hồ sơ đề nghị gửi về Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng để xem xét, quyết định. Hồ sơ đề nghị miễn, giảm thời gian chấp hành tại cơ sở giáo dục cho trại viên gồm biên bản họp Hội đồng, báo cáo đề nghị của cơ sở giáo dục, danh sách trại viên được đề nghị xét miễn, giảm và các tài liệu khác có liên quan.
10. Trong thời hạn 7 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ sở giáo dục, Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng phải thành lập Hội đồng xét duyệt do Cục trưởng hoặc Phó cục trưởng được ủy quyền làm Chủ tịch Hội đồng, thành phần bao gồm Trưởng Phòng theo dõi công tác ở cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng làm Ủy viên thường trực, Phó Trưởng Phòng theo dõi công tác ở cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng làm Ủy viên thư ký; đại diện lãnh đạo Phòng Trinh sát và cán bộ trực tiếp theo dõi công tác cơ sở giáo dục làm Ủy viên. Đại diện lãnh đạo Cơ sở giáo dục và Đội trưởng Đội giáo dục, hồ sơ, quản giáo của cơ sở giáo dục được mời tham dự cuộc họp để trực tiếp báo cáo từng trường hợp trước Hội đồng.
Khi xem xét để miễn, giảm cho đối tượng có hành vi vi phạm được quy định tại điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 3 Nghị định số 76 đã sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125, Chủ tịch Hội đồng xét miễn, giảm phải mời đại diện các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công an cùng tham dự hoặc gửi lấy ý kiến tham gia bằng văn bản của các đơn vị đó.
Hội đồng căn cứ vào hồ sơ đề nghị của cơ sở giáo dục và đối chiếu với các điều kiện, tiêu chuẩn quy định để xét duyệt, đề nghị mức giảm hoặc đề nghị miễn cho từng trường hợp.
Cục trưởng Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng xem xét, ra quyết định giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại cho trại viên trong thời hạn 5 (năm) ngày sau khi họp Hội đồng.
Quyết định giảm thời hạn chấp hành được gửi cho cơ sở giáo dục để lưu hồ sơ và thông báo cho trại viên biết. Quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại được gửi cho cơ sở giáo dục và người được miễn; gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đã ra quyết định đưa người đó vào cơ sở giáo dục, Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ về cư trú. Người được miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở giáo dục có trách nhiệm trình diện Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại khoản 5 mục X Thông tư này.
11. Trường hợp trại viên đã được đề nghị giảm thời hạn hoặc đề nghị miễn chấp hành phần thời gian còn lại, nhưng trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định mà có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nghiêm trọng nội quy cơ sở giáo dục thì Giám đốc cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức họp Hội đồng, lập hồ sơ báo cáo ngay với Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng để đề nghị đưa trại viên đó ra khỏi danh sách xét miễn, giảm; trường hợp đã có quyết định miễn, giảm, nhưng chưa thi hành thì đề nghị hủy quyết định.
1. Việc trích xuất trại viên chỉ được thực hiện khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 76. Văn bản yêu cầu trích xuất trại viên phải ghi rõ họ, tên, ngày, tháng, năm sinh của đối tượng cần trích xuất và lý do, thời hạn yêu cầu trích xuất; số quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, ngày, tháng, năm, người ra quyết định. Nếu là yêu cầu của Viện kiểm sát hoặc Tòa án thì phải có thêm công văn đề nghị của cơ quan Công an cùng cấp. Khi có văn bản yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, Giám đốc cơ sở giáo dục ra quyết định trích xuất và bàn giao trại viên có quyết định trích xuất cho cán bộ Công an được giao trách nhiệm đến nhận trại viên. Cán bộ Công an đến nhận bàn giao đối tượng trích xuất phải có Giấy chứng minh Công an nhân dân và giấy giới thiệu của cơ quan Công an từ cấp huyện trở lên.
Thời hạn trích xuất trại viên được tính vào thời hạn chấp hành tại cơ sở giáo dục.
2. Hết thời hạn trích xuất, cơ quan đã yêu cầu trích xuất có trách nhiệm đưa trả trại viên về cơ sở giáo dục. Trường hợp có yêu cầu gia hạn trích xuất trại viên thì Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền phải có văn bản đề nghị Giám đốc cơ sở giáo dục ra quyết định gia hạn trích xuất trại viên. Cơ sở giáo dục phải báo cáo bằng văn bản về việc gia hạn trích xuất trại viên về Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng để theo dõi.
XII. THÀNH LẬP VÀ QUẢN LÝ CƠ SỞ GIÁO DỤC
1. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc thành lập, sát nhập, giải thể cơ sở giáo dục trên phạm vi cả nước.
2. Cơ sở giáo dục được thành lập theo từng khu vực. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hàng năm có số lượng người phải đưa vào cơ sở giáo dục từ 500 người trở lên thì có thể lập phương án đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định thành lập cơ sở giáo dục đặt tại tỉnh, thành phố đó. Phương án thành lập cơ sở giáo dục do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị phải nêu rõ quy mô, địa điểm, kinh phí xây dựng và những vấn đề khác có liên quan đến việc thành lập và tổ chức hoạt động của cơ sở giáo dục.
3. Giám đốc, Phó Giám đốc cơ sở giáo dục phải có bằng tốt nghiệp một trong các học viện, trường đại học: Cảnh sát nhân dân, An ninh nhân dân, Luật, Sư phạm, Khoa học xã hội và nhân văn và phải có kiến thức, kinh nghiệm về quản lý, giáo dục người vi phạm pháp luật.
XIII. CHẾ ĐỘ ĂN, MẶC, THĂM GẶP NGƯỜI THÂN; NHẬN, GỬI THƯ; NHẬN TIỀN, QUÀ CỦA TRẠI VIÊN
1. Chế độ ăn, mặc của trại viên cơ sở giáo dục được thực hiện theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 76 đã sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125.
Căn cứ tình hình thực tế và nhu cầu chăm lo chế độ ăn uống, nhằm bảo đảm sức khỏe cho trại viên, Giám đốc cơ sở giáo dục có thể điều chỉnh, hoán đổi định mức sử dụng giữa các loại thực phẩm cho phù hợp để trại viên sử dụng hết theo tiêu chuẩn quy định.
2. Chế độ thăm gặp người thân; nhận, gửi thư; nhận tiền, quà của trại viên cơ sở giáo dục phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 33 Nghị định số 76 đã sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125 và hướng dẫn tại Thông tư này.
Khi gặp gỡ thân nhân, trại viên được nhận quà, thư và tiền. Riêng tiền mặt, phải gửi vào bộ phận lưu ký của Cơ sở giáo dục. Mỗi tháng, trại viên được 2 (hai) lần gửi thư và được nhận 1 (một) gói quà không quá 7 kg (bảy); các thư và quà đều phải qua kiểm tra của cơ sở giáo dục. Trại viên được liên lạc với người thân trong nước bằng điện thoại mỗi tháng từ 1 đến 2 lần, mỗi lần không quá 05 phút theo quy định cụ thể của Cục trưởng Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng.
XIV. KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT TRẠI VIÊN
1. Việc khen thưởng, kỷ luật trại viên phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 34 Nghị định số 76. Quyết định khen thưởng, kỷ luật phải bằng văn bản và lưu vào hồ sơ của trại viên.
2. Việc lập hồ sơ đề nghị xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định số 76 chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết và phải chú ý: Hành vi vi phạm pháp luật của trại viên đó phải có tính chất thường xuyên và đã bị áp dụng các hình thức kỷ luật từ 3 lần trở lên, nhưng vẫn không chịu sửa chữa, vẫn tiếp tục có hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 76 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125 và hướng dẫn tại mục I Thông tư này thì mới lập hồ sơ đề nghị xem xét, áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đối với họ. Thành phần Hội đồng xét đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục được thực hiện như đối với Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại cho trại viên quy định tại khoản 8 mục X Thông tư này.
Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đối với trường hợp nêu trên bao gồm:
a) Biên bản họp Hội đồng kỷ luật của cơ sở giáo dục về việc đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
b) Báo cáo và đề nghị áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở giáo dục;
c) Bản tóm tắt lý lịch, biên bản, tài liệu về các vi phạm pháp luật của trại viên;
d) Các biên bản trại viên vi phạm kỷ luật, các quyết định kỷ luật trại viên và tài liệu khác có liên quan đến việc vi phạm pháp luật của trại viên.
3. Giám đốc cơ sở giáo dục phải gửi hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục về Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng để xem xét. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Cục trưởng Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét hồ sơ, nếu đủ điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đối với người đó thì phải có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở giáo dục đóng xem xét, ra quyết định. Quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục trong trường hợp này được gửi cho cơ sở giáo dục nơi đã lập hồ sơ đề nghị để tổ chức thi hành và công bố cho người phải chấp hành quyết định biết, đồng thời gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trước đây đã ra quyết đưa người đó vào cơ sở giáo dục và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người đó để biết.
Trường hợp đến ngày trại viên hết thời hạn phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục mà chưa có quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở giáo dục đóng về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đối với người đó thì Giám đốc cơ sở giáo dục phải làm ngay thủ tục cho họ ra khỏi cơ sở giáo dục theo quy định.
XV. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KẾT QUẢ LAO ĐỘNG CỦA CƠ SỞ GIÁO DỤC
1. Kết quả lao động của cơ sở giáo dục phải được thống nhất quản lý, sử dụng theo đúng quy định tại Điều 31 Nghị định số 76 và các quy định khác của pháp luật có liên quan; phải thực hiện đúng chế độ sổ sách, kế toán theo quy định.
2. Kết quả lao động của cơ sở giáo dục sau khi trừ các chi phí hợp lý theo quy định của pháp luật, số còn lại được sử dụng như sau:
- 30% chi cho đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục.
- 25% chi hỗ trợ cho việc khám, chữa bệnh, bồi dưỡng ăn thêm cho trại viên.
- 20% chi cho hoạt động giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề (xây dựng chương trình giáo dục, mua sắm, in ấn tài liệu học tập, giấy bút, phương tiện học tập và tiền thuê giáo viên bên ngoài (nếu có).
- 10% làm quỹ phúc lợi của cơ sở giáo dục, chi cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của cơ sở giáo dục.
- 08% chi cho khen thưởng trại viên có thành tích xuất sắc trong rèn luyện, lao động, học tập.
- 05% chi cho việc khen thưởng cán bộ, chiến sỹ có thành tích trong việc quản lý, giáo dục trại viên.
- 02% nộp về Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng để làm quỹ khen thưởng chung cho các cơ sở giáo dục và chi cho các hoạt động khác có liên quan đến công tác quản lý cơ sở giáo dục.
Phần kinh phí thu được do trại viên làm vượt chỉ tiêu, định mức được giao được sử dụng như sau:
- 70% chi bồi dưỡng cho trại viên lao động vượt chỉ tiêu, định mức được giao.
- 20% chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ cơ sở giáo dục có thành tích trong việc chỉ đạo, quản lý trại viên lao động vượt chỉ tiêu được giao.
- 10% làm quỹ phúc lợi của cơ sở giáo dục.
Riêng việc sử dụng kết quả lao động, sản xuất của cơ sở giáo dục để chi cho đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục (30%), Giám đốc cơ sở giáo dục phải báo cáo bằng văn bản để xin ý kiến của Cục trưởng Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng trước khi thực hiện.
3. Định kỳ 6 tháng, 1 năm cơ sở giáo dục phải báo cáo cụ thể về tình hình, kết quả sản xuất, việc quản lý, sử dụng kết quả lao động sản xuất của cơ sở mình về Bộ (qua Tổng cục Hậu cần, Vụ Tài chính, Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng).
4. Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Hậu cần, Vụ Tài chính theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng kết quả lao động của cơ sở giáo dục và định kỳ hàng năm báo cáo lãnh đạo Bộ Công an.
XVI. KINH PHÍ BẢO ĐẢM CHO TỔ CHỨC THỰC HIỆN VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP ĐƯA VÀO CƠ SỞ GIÁO DỤC
1. Kinh phí bảo đảm cho tổ chức thực hiện việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Công an, bao gồm:
a) Kinh phí bảo đảm cho việc lập, xét duyệt hồ sơ, tổ chức đưa người vào cơ sở giáo dục, truy tìm và bắt giữ đối tượng trốn; cho việc quản lý, ăn, mặc, sinh hoạt, khám chữa bệnh cho đối tượng trong thời gian được quản lý tại Công an cấp tỉnh;
b) Kinh phí cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện và tổ chức hoạt động của cơ sở giáo dục; cho ăn uống, mặc, ở, học tập, dạy nghề, văn nghệ, thể thao, phòng bệnh, chữa bệnh và tổ chức cai nghiện ma túy cho trại viên cơ sở giáo dục;
c) Kinh phí cho các khoản chi khác có liên quan đến việc tổ chức thực hiện việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.
2. Việc lập dự trù kinh phí thường xuyên bảo đảm cho tổ chức thực hiện việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục được thực hiện như sau:
a) Công an cấp xã lập dự trù kinh phí gửi Công an cấp huyện; Công an cấp huyện tổng hợp, báo cáo Công an cấp tỉnh. Trên cơ sở đề xuất của Công an cấp huyện và các đơn vị chức năng, Công an cấp tỉnh lập dự trù kinh phí cho việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục của địa phương mình gửi Vụ Tài chính;
b) Cơ sở giáo dục lập dự trù kinh phí cho việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện và tổ chức hoạt động của cơ sở giáo dục; cho ăn uống, mặc, ở, học tập, phòng bệnh, chữa bệnh, tổ chức cai nghiện ma túy cho trại viên và cho các hoạt động khác của cơ sở giáo dục, gửi báo cáo Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng. Trên cơ sở đề xuất của các cơ sở giáo dục, Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng lập dự trù kinh phí chung cho các cơ sở giáo dục, gửi Vụ Tài chính;
c) Trên cơ sở dự trù kinh phí của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng, Vụ Tài chính lập dự trù kinh phí chung bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trình lãnh đạo Bộ Công an xem xét, quyết định.
XVII. HIỆU LỰC THI HÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 6 năm 2009 và thay thế Thông tư số 02/2004/TT-BCA(V19) ngày 02 tháng 02 năm 2004 của Bộ Công an về hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.
2. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần, Cục trưởng Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng, Vụ trưởng Vụ Tài chính, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra và hướng dẫn thi hành Thông tư này.
3. Định kỳ hàng năm, Công an các đơn vị, địa phương phải có tổng kết, báo cáo Công an cấp trên về kết quả công tác thi hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích và chấn chỉnh những trường hợp chưa thực hiện tốt việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.
4. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2007
- 2Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002
- 3Nghị định 76/2003/NĐ-CP Hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục
- 4Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008
- 5Nghị định 125/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 76/2003/NĐ-CP quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục
Thông tư 23/2009/TT-BCA(V19) hướng dẫn thi hành Nghị định 76/2003/NĐ-CP và Nghị định 125/2008/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 76/2003/NĐ-CP hướng dẫn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục do Bộ Công an ban hành
- Số hiệu: 23/2009/TT-BCA(V19)
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 22/04/2009
- Nơi ban hành: Bộ Công An
- Người ký: Lê Hồng Anh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 229 đến số 230
- Ngày hiệu lực: 08/06/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra