BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 226-TC/TDT | Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 1963 |
HƯỚNG DẪN VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CHO THỊ XÃ VÀ THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Kính gửi: | -Các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính và các khu tự trị Việt-bắc, Tây-bắc, các thành phố, các tỉnh và khu vực Vĩnh-linh; |
Mấy năm gần đây, đi đôi với việc phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, tình hình thu chi tài chính ở các thị xã và thành phố thuộc tỉnh cũng phát triển nhanh; mặt khác kinh nghiệm và khả năng quản lý tài chính của thị xã và thành phố thuộc tỉnh cũng được nâng lên nhiều. Tình hình trên đây cho thấy sự cần thiết phải mở rộng dần việc phân cấp quản lý tài chính xuống cho các thị xã và thành phố thuộc tỉnh, phát huy hơn nữa kết quả của việc phân cấp quản lý tài chính giữa trung ương và địa phương.
Trong luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp ban hành ngày 10-11-1962 cũng nêu lên vấn đề: cấp thị xã và thành phố thuộc tỉnh cần có ngân sách riêng.
Để giúp cho các địa phương tiến hành được kết quả tốt, Bộ hướng dẫn dưới đây những điểm chính cần quán triệt trong khi thi hành chủ trương mở rộng dần việc phân cấp quản lý tài chính cho thị xã và thành phố thuộc tỉnh.
Mục đích, yêu cầu của việc mở rộng phân cấp quản lý tài chính cho thị xã và thành phố thuộc tỉnh là để làm cho: dưới sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của trung ương và của tỉnh, đề cao tinh thần trách nhiệm và vai trò của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các thị xã và thành phố thuộc tỉnh, phát huy tính tích cực, chủ động trong việc quản lý tài chính, quản lý ngân sách phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế, phát triển văn hóa của địa phương mình.
II. NGUYÊN TẮC PHÂN CẤP QUẢN LÝ TÀI CHÍNH
Về căn bản, việc phân cấp quản lý tài chính của tỉnh với thị xã và thành phố trực thuộc có thể vận dụng theo những nguyên tắc chính đã nêu lên ở thông tư số 736-TC-VP ngày 10-07-1959 của Bộ về việc phân cấp quản lý tài chính giữa trung ương và địa phương, nhưng cần chú ý những điểm cụ thể sau đây:
1. Về phân cấp quản lý dự toán.
Các cấp thị xã và thành phố thuộc tỉnh sẽ có ngân sách riêng, tức là được tỉnh giao cho một số khoản thu và đảm nhiệm một số khoản chi của thị xã và thành phố (sẽ nói rõ ở phần dưới); nhưng ngân sách của thị xã và thành phố vẫn nằm trong ngân sách của tỉnh, không tách ra thành một cấp tổng dự toán ngoài ngân sách tỉnh, như thế tức là sau khi phân cấp, ngân sách của tỉnh vẫn thể hiện đầy đủ như hiện nay, trong đó có chia ra hai phần: phần dự toán của tỉnh trực tiếp quản lý (các ngành, các huyện) và phần dự toán đã phân cấp cho thị xã và thành phố.
a) Xây dựng dự toán ngân sách.
Căn cứ tình hình cụ thể hiện nay, trong bước đầu phân cấp quản lý tài chính cho thị xã và thành phố, có thể giao cho thị xã và thành phố các khoản thu chi sau đây:
Về chi:
Loại 1 – Chi về kiến thiết kinh tế:
- Chi về công tác vệ sinh, cứu hỏa, điện đèn, duy trì, trông nom và tu sửa đường sá, cống rãnh trong thị xã và thành phố.
- Chi về một số xí nghiệp công tư hợp doanh, các ngành và một số xí nghiệp công nghiệp địa phương nhỏ có thể giao cho thành phố và thị xã.
- Chi về thủy lợi cho các xã nông nghiệp nằm trong thị xã và thành phố:
- Chi về vườn ươm thành phố;
- Chi về kiến thiết thành phố.
Loại II – Chi về văn xã:
- Chi về các xí nghiệp công tư hợp doanh ngành văn hóa;
- Chi về giáo dục cấp I và II của thành phố và thị xã;
- Chi về phòng y tế thị xã, thành phố;
- Chi về truyền thanh, thể dục thể thao;
- Chi về ưu đãi thương binh và cứu tế xã hội;
Loại III – Chi về quản lý hành chính:
- Chi cho các cơ quan chính quyền, đoàn thể và Đảng;
- Chi về nghiệp vụ chính trị (bầu cử và họp Hội đồng nhân dân).
Loại IV – Chi về trả tức tư sản, đền bù tài sản.
Loại V – Chi về trợ cấp xã, khu phố, chi về xổ số, huấn luyện dân quân tự vệ.
Về thu:
Nguồn thu cho ngân sách thành phố và thị xã gồm có: thu cố định và thu điều tiết.
Thu cố định:
- Thu về hoa lợi công sản;
- Thu về thu hồi tài sản rải rác;
- Thu về lợi nhuận khấu hao của các xí nghiệp công tư hợp doanh và xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương được tỉnh giao cho.
- Thuế trước bạ;
- Thu sự nghiệp văn hóa;
- Các khoản lệ phí;
- Thu khác.
Thu điều tiết:
- Thuế nông nghiệp;
- Thuế công thương nghiệp khu vực tập thể và cá thể.
Về thuế công thương nghiệp công doanh và lãi thương nghiệp cấp II, việc quản lý có nhiều khó khăn phức tạp, nên hiện nay chưa nên giao điều tiết cho thị xã và thành phố.
Đối với thuế nông nghiệp, tỉnh chỉ có thể giao cho thị xã và thành phố một tỷ lệ điều tiết tối đa là bằng tỷ lệ điều tiết của trung ương giao cho tỉnh.
b) Điều chỉnh dự toán:
Sau khi dự toán đã được xét duyệt, trong phạm vi dự toán của mình và theo đúng chính sách và chế độ tài chính của Nhà nước, các thị xã và thành phố thuộc tỉnh có quyền điều chỉnh các khoản chi trong cùng một loại, nếu thấy cần thiết phải điều chỉnh từ loại này sang loại khác thì phải báo cáo và được tỉnh chuẩn y.
Nếu tăng được thu, tiết kiệm được chi, thị xã và thành phố có quyền sử dụng vào những việc lợi ích chung, vào việc phát triển sản xuất. Nếu không toàn nhiệm vụ thu, hoặc chi tiêu không tiết kiệm nên không đủ chi, thì không được xét cấp thêm trừ trường hợp vì thiên tai hay vì tai nạn bất ngờ mà không hoàn thành nhiệm vụ thu hay phải chi thêm thì có thể được dự trù và xét cấp thêm. Việc xét cấp thêm do tỉnh làm và lấy trong tổng dự toán của tỉnh.
c) Xét duyệt quyết toán ngân sách:
Hàng năm theo đúng thời gian và các mẫu biểu của Bộ Tài chính, thị xã và thành phố thuộc tỉnh phải lập quyết toán ngân sách có thuyết minh đầy đủ, trình Hội đồng nhân dân cấp mình xét duyệt và báo cáo lên tỉnh. Tỉnh có quyền phê chuẩn quyết toán của thị xã và thành phố trực thuộc và tổng hợp vào quyết toán chung của ngân sách tỉnh để báo cáo trước Hội đồng nhân dân tỉnh và báo cáo lên Bộ Tài chính.
2. Quản lý các loại tài vụ và kinh phí hành chính.
Nghiên cứu bản quy định về các phần này trong văn bản của Bộ gửi kèm thông tư số 736-TC-VP ngày 10-07-1959 về việc phân cấp quản lý tài chính giữa trung ương và địa phương mà áp dụng cho thích hợp.
Việc mở rộng dần phân cấp quản lý tài chính xuống cho các cấp là một tiến bộ, nhưng có nhiều khó khăn, phức tạp. Trên đây, Bộ nêu lên hướng dẫn một số vấn đề chung, song việc phân cấp quản lý tài chính phải đi đôi với vấn đề phân cấp quản lý kinh tế của các ngành và phù hợp với tình hình tổ chức của các ngành các cấp. Vì vậy việc phân cấp quản lý tài chính cho thị xã và thành phố thuộc tỉnh phải làm dần dần từng bước, có trọng điểm để rút kinh nghiệm và hoàn thiện, mở rộng dần.
Trong năm 1963 này, chỉ nên tiến hành ở những thành phố thuộc tỉnh: Nam Định, Thái Nguyên, Việt Trì, và một số thị xã lớn như Vinh, Thanh Hóa, Sơn Tây, Hải Dương, Hà Đông…
Đối với các thị xã và thành phố được phân cấp trong năm nay cũng cần xét kỹ, đi từ đơn giản đến phức tạp, năm đầu có thể chỉ giao một số thu, chi trong các loại kể trên rồi năm sau sẽ bổ sung, giao thêm cho đầy đủ.
Nhận được thông tư này, các địa phương cần nghiên cứu kỹ, bàn bạc trong cấp ủy và Ủy ban để thống nhất về thời gian và phạm vi phân cấp quản lý tài chính cho thị xã và thành phố thuộc tỉnh, sau đó cần có sự giải thích, giao nhiệm vụ cho các ngành và thị xã, thành phố chuẩn bị chu đáo mọi mặt, nhất là về tổ chức phòng Tài chính và bộ phận Kho bạc, Ngân hàng để tiến hành việc phân cấp quản lý tài chính đạt kết quả tốt.
Trong khi chuẩn bị tiến hành việc phân cấp, các địa phương gặp khó khăn, trở ngại gì cần báo cáo cho Bộ biết để cùng tham gia ý kiến giải quyết, trước khi quyết định tiến hành phải báo cáo cụ thể với Bộ.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
Thông tư 226-TC/TDT năm 1963 hướng dẫn việc phân cấp quản lý tài chính cho thị xã và thành phố thuộc tỉnh do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 226-TC/TDT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 06/06/1963
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Đào Thiện Thi
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 23
- Ngày hiệu lực: 21/06/1963
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định