Hệ thống pháp luật

TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
BỘ LAO ĐỘNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-TT/LB

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 1976

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THÊM VỀ NỘI DUNG KÝ KẾT HỢP ĐỒNG TẬP THỂ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP TRONG VIỆC THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

Ngày 21 tháng 11 năm 1963, Hội đồng Chính phủ đã ra nghị định số 172-CP ban hành Điều lệ tạm thời về chế độ ký kết hợp đồng tập thể ở các xí nghiệp Nhà nước, Bộ Lao động đã ra thông tư số 18-LĐ/TT ngày 24-12-1963 hướng dẫn thi hành điều lệ.

Trong những năm qua, nhất là trong hai năm 1974-1975 số cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện chế độ ký kết hợp đồng tập thể tăng lên nhiều. Những nơi thực hiện đã có tác dụng nâng cao được ý thức trách nhiệm, phát huy quyền làm chủ tập thể của toàn thể công nhân, viên chức, góp phần cải tiến công tác quản lý xí nghiệp, tổ chức đời sống và thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu đưa quản lý kinh tế vào nền nếp và cải tiến một bước thì còn nhiều mặt yếu, số lượng ký kết chưa nhiều, chất lượng chưa tốt. Việc tổ chức thực hiện chưa chặt chẽ nghiêm túc. Trách nhiệm của cấp trên và của cơ sở còn nhiều việc quy định chưa rõ. Chế độ thưởng phạt chưa thực hiện được. Các cơ sở còn vướng mắc, lúng túng về nội dung ký kết hợp đồng. Việc tạo tiền đề, tạo điều kiện cho cơ sở chưa tốt. Vì vậy, tính pháp lý của hợp đồng bị hạn chế. Nguyên nhân do nhận thức trách nhiệm, nhận thức về vai trò làm chủ tập thể của quần chúng trong sản xuất và trình độ vận dụng của cơ sở chưa đầy đủ, trách nhiệm của các cấp trên (các cấp chính quyền và công đoàn) chưa làm tốt, việc hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc, xét duyệt đăng ký hợp đồng, giải quyết các kiến nghị không kịp thời và chưa tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở…

Để tiếp tục thực hiện nghị quyết số 46-CP và nghị quyết số 19-CP trong tình hình mới, nâng cao tính pháp lý của hợp đồng tập thể, phát huy tác dụng của hợp đồng tập thể đối với sản xuất, quản lý và đời sống, góp phần hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch Nhà nước, Bộ Lao động và Tổng công đoàn Việt nam ra thông tư hướng dẫn thêm nội dung ký kết, đặt trách nhiệm thực hiện của các cấp trên của cơ sở đối với việc ký kết và thực hiện hợp đồng tập thể.

I – TRÁCH NHIỆM CỦA CẤP TRÊN CỦA CƠ SỞ ĐỐI VỚI VIỆC THI HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ VỀ CHẾ ĐỘ KÝ KẾT HỢP ĐỒNG TẬP THỂ

Tại Điều 6 và điều 8 bản điều lệ đã giao trách nhiệm cho các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành và bộ chủ quản trong việc xét duyệt và đăng ký bản hợp đồng. Điều 7 và điều 14 bản điều lệ giao trách nhiệm cho các Sở, Ty lao động, các cơ quan chủ quản và công đoàn cùng cấp trong việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, thẩm duyệt và tổng kết chế độ ký kết hợp đồng tập thể. Chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết số 19-CP, Bộ lao động và Tổng Công đoàn Việt nam xác định trách nhiệm của các cấp trên của cơ sở (Bộ, Ủy ban nhân dân, Sở, Ty, Cục và các cấp công đoàn…) về ý thức tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng tập thể nhằm hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch Nhà nước hàng năm.

Các cấp chính quyền phải giao sớm kế hoạch cho cơ sở, cân đối các chỉ tiêu và hướng dẫn cơ sở ký kết hợp đồng tập thể. Công đoàn phải có kế hoạch hướng dẫn cho cơ sở về yêu cầu nội dung, cách phát động quần chúng bàn biện pháp thực hiện kế hoạch và cùng chuyên môn ký hợp đồng tập thể.

Khi cơ sở bắt đầu mở hội nghị công nhân, viên chức và ký kết hợp đồng tập thể, chíng quyền và công đoàn cùng cấp phải xuống tham dự, trứớc hết ở những đơn vị trọng điểm, để giúp và giải quyết trực tiếp khó khăn của cơ sở. Phải tạo điều kiện thuận lợi để giám đốc và công đoàn cam kết thực hiện. Đối với những khó khăn về điều kiện vật chất kỹ thuật mà cơ sở không giải quyết được, cấp trên phải có ý kiến trả lời rõ ràng.

Sai khi cơ sở đã ký xong và gửi bản hợp đồng lên đăng ký, chính quyền và công đoàn cùng cấp phải có trách nhiệm xét duyệt và đăng ký chính thức cho những cơ sở thuộc phạm vi mình quản lý. Những kiến nghị của cơ sở gửi lên, chính quyền, công đoàn cùng cấp phải tập hợp lại để nghiên cứu, mở hội nghị liên tịch bàn cách giải quỵết. Những loại kiến nghị cần được giải quyết thì đưa vào nghị quyết liên tịch của ngành hoặc địa phương. Loại nào không giải quyết được hoặc chỉ giải quyết được một phần thì phải trả lời bằng văn bản rõ ràng cho cơ sở. Cả hai trường hợp trên chậm nhất không quá 15 ngày, quá thời hạn đó, trách nhiệm thuộc về các cấp trên cơ sở.

Những trường hợp thay đổi, điều chỉnh kế hoạch phải bàn kỹ với cơ sở và giúp cơ sở tổ chức điều chỉnh hợp đồng tập thể và thông báo kịp thời cho cho toàn thể công nhân, viên chức biết.

Cấp trên (chính quyền và công đoàn) 3 tháng một lần tổ chức kiểm tra việc thực hiện của cơ sở để uốn nắn những lệch lạc, giúp cơ sở giải quyết khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng tập thể.

Khi xét công nhận hoàn thành kế hoạch phải đồng thời với việc đáng giá nhận xét việc thực hiện hợp đồng tập thể của cơ sở.

II – TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ SỞ VÀ NỘI DUNG KÝ KẾT HỢP ĐỒNG TẬP THỂ

Nội dung ký kết và trách nhiệm thực hiện có quan hệ chặt chẽ với nhau. Xác định được nội dung ký kết sát hợp có ý nghĩa làm rõ một bước trách nhiệm thực hiện các bên. Điều lệ quy định việc cam kết giữa giám đốc và ban chấp hành công đoàn và tại điều 22 có quy định trách nhiệm thực hiện của tất cả các công nhân, viên chức trong và ngoài biên chế. Vì vậy, thông tư này hướng dẫn việc cam kết, trách nhiệm thực hiện đối với giám đốc, công đoàn và toàn thể công nhân, viên chức trong từng công việc, từng nội dung ký kết.

Tùy theo đặc điểm của từng ngành kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cơ bản, thương nghiệp, v.v…) và tùy theo từng thời gian để đặt nội dung ký kết cho sát hợp. Các điểm ký kết phải gọn, cụ thể, thiết thực, bảo đảm việc ký kết là phải thực hiện được. Phải xem xét kỹ các khâu yếu và khả năng tiềm tàng sẵn có chưa được huy động và khai thác của từng cơ sở, hết sức bảo đảm các tiền đề cho phong trào lao động sản xuất. Muốn đẩy mạnh sản xuất hoàn thành kế hoạch cần tập trung giải quyết những tồn tại lớn như: lao động quản lý sử dụng chưa tốt, vật tư nguyên liệu cung cấp thiếu và thất thường, năng lực sản xuất và công suất thiết bị huy động quá thấp (trong lưu thông phân phối thì khâu quản lý sử dụng chưa tốt); đời sống tổ chức còn kém, phong trào thi đua chưa liên tục sôi nổi, đều khắp, v.v…Vì vậy, nội dung ký kết có thể cần có mấy nội dung chính dưới đây và cần làm rõ trách nhiệm của các bên.

A. Những vấn đề chung cần được làm rõ trách nhiệm của các bên để hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch Nhà nước

- Công bố những chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch của cấp trên giao, mức phấn đấu vượt kế hoạch của xí nghiệp và những biện pháp chủ yếu để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất mà giám đốc, ban chấp hành công đoàn, các bộ môn nghiệp vụ và toàn thể công nhân, viên chức có nghĩa vụ phải thực hiện. Đồng thời mở hội nghị từ tổ sản xuất trở lên, dân chủ bàn bạc, phát động phong trào thi đua đăng ký nhận vượt mức kế hoạch.

- Trách nhiệm chung của giám đốc trong việc thực hiện các mặt quản lý (kế hoạch, lao động, vật tư, kỹ thuật, chế độ chính sách, chỉ huy điều độ sản xuất hàng ngày). Giám đốc phải đề ra các biện pháp về tổ chức lao động, biện pháp tăng năng suất lao động, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, v.v…

- Trách nhiệm chung của công đoàn là phải giáo dục vận động công nhân, viên chức làm tốt mọi công tác của xí nghiệp và phát động quần chúng tăng cường giám sát việc thực hiện. Công đoàn phải làm tốt công tác vận động thi đua, bảo hiểm xã hội cùng chính quyền chăm lo công tác văn hóa, đời sống và phúc lợi.

- Trách nhiệm của mọi công nhân, viên chức phải tự giác làm tốt mọi nhiệm vụ sản xuất của xí nghiệp giao cho, phát huy sáng kiến đóng góp vào việc nâng cao năng suất lao động. Phải chấp hành tốt kỷ luật lao động, bảo vệ tài sản, có chương trình thi đua hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật.

B. Dưới đây là một số công tác quan trọng ở cơ sở, các bên cần cam kết làm tốt.

1. Khâu đầu tiên là công tác quản lý lao động.

- Trách nhiệm của giám đốc: phải thi hành đúng chế độ tuyển dụng, cho thôi việc, phải có phương án cải tiến tổ chức lao động, bố trí nơi làm việc gọn gàng, sạch sẽ, bảo đảm thao tác được nhanh chóng và thuận tiện. Tính toán thời gian lao động ở xí nghiệp còn bị mất mát bao nhiêu và có kế hoạch sắp xếp công việc cần làm để tận dụng hết thời gian lao động. Xây dựng và áp dụng định mức lao động hợp lý, thực hiện chế độ trả lương theo sản phẩm, và chế độ tiền thưởng; có chế độ kiểm tra nghiệm thu sản phẩm một cách chặt chẽ. Xử lý kịp thời những người vi phạm kỷ luật lao động, không chấp hành đúng định mức lao động, vô trách nhiệm làm hàng hỏng, hàng xấu. Thông báo kịp thời những việc sắp làm và kết quả công việc đã làm để động viên tinh thần phấn khởi của công nhân, viên chức. Phải có nội quy kỷ luật lao động ở xí nghiệp và nội quy an toàn kỹ thuật ở từng tổ sản xuất. Cần có kế hoạch phổ biến giáo dục chính sách luật lệ lao động hiện hành cho toàn thể cán bộ và công nhân, viên chức.

- Trách nhiệm của công đoàn: phải thi hành tốt chế độ bảo hiểm xã hội và phúc lợi tập thể để góp phần quản lý tốt thời gian lao động. Công đoàn có trách nhiệm tham gia cùng giám đốc, xí nghiệp xây dựng định mức và chế độ trả lương sản phẩm, vận động công nhân, viên chức thực hiện. Về bảo hộ lao động và kỹ thuật an toàn, công đoàn phải dùng mọi hình thức tuyên truyền, giáo dục và kiểm tra thường xuyên để đề phòng tai nạn lao động, không để xảy ra tai nạn chết người.

- Trách nhiệm của toàn thể công nhân viên chức: trước hết phải lấy trách nhiệm của tổ sản xuất, tổ công tác làm đơn vị chỉ huy tác nghiệp hàng ngày.

Trách nhiệm cam kết ở tổ phải làm được các việc sau đây:

- Mọi người phải bảo đảm ngày công, giờ công đã quy định;

- Năng suất lao động cần đạt được (cần áp dụng định mức lao động và trả lương theo sản phẩm;

- Chất lượng sản phẩm phải tốt.

- Tiết kiệm nguyên vật liệu một cách tối đa;

- Chấp hành nội quy lao động và an toàn kỹ thuật;

- Xây dựng tốt tư tưởng tác phong người công nhân mới (tìm hiểu dìu dắt, giúp đỡ những người tay nghề còn yếu, năng suất thấp, ngày công thấp; chống làm ăn phi pháp).

2. Công tác đào tạo bồi dưỡng công nhân kỹ thuật, công nhân lành nghề, nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, văn hóa.

- Trách nhiệm của giám đốc: thực hiện đúng các chế độ, chính sách về đào tạo, bổ túc, kèm cặp trong sản xuất, nâng bậc công nhân, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, thao diễn kỹ thuật, áp dụng thao tác tiên tiến. Tổ chức các lớp dạy nghề và bồi dưỡng tay nghề tại xí nghiệp, có quy chế chặt chẽ.

- Trách nhiệm của công đoàn: đề ra kế hoạch vận động quần chúng công nhân bổ túc tay nghề, bổ túc văn hóa,. Đặc việc thi thợ giỏi, thao diễn kỹ thuật, thao tác tiên tiến vào chương trình thi đua. Vận động những công nhân lành nghề kèm cặp tay nghề cho những công nhân kém.

Trong các buổi sinh họat tổ công đoàn trở lên, công đoàn phải quy định thời gian giáo dục chính trị, tư tưởng và thông báo kinh nghiệm tốt, những ssang kiến cải tiến kỹ thuật của những công nhân tiên tiến.

- Trách nhiệm của công nhân, viên chức: tự mình phải có chương trình học tập cá nhân, phhấn đấu làm tốt chương trình kế hoạch của giám đốc và công đoàn đề ra về học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật.

3. Hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cải tiến tổ chức lao động.

Vấn đề này ở nhiều cơ sở cần đặt thêm việc trang bị, cải tiến công cụ lao động và việc tận dụng công suất may móc thiết bị, vì đều là những khâu yếu cần có sự cam kết thực hiện,

- Trách nhiệm của giám đốc: cần có phương án toàn diện cả 3 việc trên đáp ứng yêu cầu trước mắt và lau dài. Phải bảo đảm 8 giờ lao động có năng suất cả máy và người, không để người nghỉ máy ngừng.

- Trách nhiệm của công đoàn: tổ chức vận động phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật tiên tiến.

- Trách nhiệm của toàn thể công nhân, viên chức: phải luôn luôn tự mình học tập về kỹ thuật, ra sức cải tiến kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật tiên tiến. mỗi người phải tự đề ra mức phấn đấu nâng cao trình độ kỹ thuật, nâng cao việc sử dụng công suất máy móc thiết bị và ra sức cải tiến công cụ.

4. Quản lý, cung ứng, sử dụng vật tư, cung cấp đầy đủ nguyên vật liệu tại chỗ, quản lý tốt tài sản, bảo đảm việc huy động thiết bị, vật tư tồn kho vào sản xuất.

- Trách nhiệm của giám đốc: phải phấn đấu xây dựng đủ định mức hợp lý cho tất cả các sản phẩm. Khi đẫ có, cần phổ biến đến từng người công nhân sản xuất, đến từng cán bộ, nhân viên, thủ kho và người kiểm tra nghiệm thu sản phẩm. Cung cấp đủ dụng cụ để thực hiện nghiêm chỉnh việc cân, đong, đo, đếm, huy động những cái tồn kho vào sản xuất.

Đối với ngành lưu thông phân phối cần cam kết làm tốt khâu quản lý, bảo quản, phân phối hàng hóa tem phiếu, bảo đảm việc phân phối hàng hóa nhanh chóng đến tận tay người tiêu dùng.”

- Trách nhiệm của công đoàn: vận động phong trào tiết kiệm vật tư, tận dụng phế liệu, phế phẩm, tìm vật tư thay thế. Công đoàn giáo dục, vận động công nhân viên chức phát hiện đấu tranh với những hành động lấy cắp, tham gia với giám đốc và hội đồng kỷ luật xử lý kịp thời các vụ vi phạm về tài sản.

- Trách nhiệm của toàn thể công nhân, viên chức: phải bảo vệ tài sản của công, tiết kiệm trong việc sử dụng vật tư, nguyên vật liệu; tránh sử dụng bừa bãi, có ý thức tận dụng phế liệu, phế phẩm, tìm vật tư thay thế.

5. Tổ chức tốt đời sống, văn nghệ, thể dục thể thao trong công nhân, viên chức:

- Trách nhiệm của giám đốc: phải có phương án sửa chữa hoặc làm mới nhà ăn, nhà ở, nhà giữ trẻ, nhà vệ sinh kinh nguyệt, câu lạc bộ, thể dục thể thao, tổ chức tốt các bữa ăn cho công nhân, viên chức. Tổ chức ký hợp đồng với thương nghiệp, cửa hàng ăn, kịp thời kiến nghị với cơ quan cấp trên giải quyết việc cung cấp đủ tiêu chuẩn định lượng lương thực, thực phẩm cho các bữa ăn nhất là bữa ăn chính và bữa ăn bồi dưỡng hiện vật.

- Trách nhiệm của công đoàn: cần làm tốt việc tổ chức quần chúng kiểm tra nhà ăn, kiểm tra tiêu chuẩn phân phối để ngăn chặn bớt khâu mất mát, hao hụt bớt xén ở nhà ăn và các hợp tác xã tiêu thụ. Tổ chức văn nghệ quần chúng và phong trào thể dục thể thao đều đặn.

- Trách nhiệm của toàn thể công nhân, viên chức: phải bảo đảm việc tổ chức ăn, ở theo nếp sống văn minh, giữ sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng những nơi công cộng; những nơi ăn, ở tập thể. Tự rèn luyện thân thể để có đủ sức khỏe bảo đảm sản xuất tốt, công tác tốt.

III. XỬ LÝ NHỮNG TRƯỜNG HỢP VI PHẠM CHẾ ĐỘ KÝ KẾT HỢP ĐỒNG TẬP THỂ

Nghị định số 172-CP ban hành điều lệ về chế độ ký kết hợp đồng tập thể tại điều 16 quy định “Những trường hợp do thiếu tinh thần trách nhiệm mà không làm đúng những điều đã ký kết trong hợp đồng tập thể, sẽ tùy theo lỗi nặng hay nhẹ mà áp dụng hình thức kỷ luật. Trường hợp do vi phạm hợp đồng mà gây thiệt hại nghiêm trọng thì có thể bị truy tố trước tòa án”.

Hợp đồng tập thể sau khi đã đăng ký , hai bên giám đốc, thư ký công đoàn, bị coi là vi phạm nếu một trong hai bên không thực hiện đầy đủ những điều đã cam kết trong hợp đồng.

1. Nếu đã làm hết trách nhiệm của mình và đã phát huy hết khả năng của mình mà vẫn không thực hiện được do một số nguyên nhân khách quan như thiếu vật tư, thiếu nguyên vật liệu, thiếu điện, thiếu máy móc, thiết bị hoặc thiếu phụ tùng thay thế…được tập thể xác nhận thì tổ chức kiểm điểm nội bộ để rút kinh nghiệm.

2. Nếu do thiếu tinh thần trách nhiệm không thực hiện đầy đủ những điều đã ghi vào hợp đồng: làm sai những điều đã cam kết, làm sai chế độ, chính sách hiện hành để xảy ra lãng phí, tham ô tài sản vật tư, không hoàn thành kế hoạch, vi phạm nghiêm trọng quyền lời, đời sống của công nhân, viên chức thì phải tùy theo lỗi nặng, nhẹ mà xử lý một trong bốn hình thức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, hạ tầng công tác, đến buộc thôi việc theo nghị định số 195-CP ngày 31-12-1964 của Hội đồng Chính phủ hoặc bị truy tố trước pháp luật, xử lý theo sắc lệnh số 267-SL ngày 15-6-1956 về trừng trị những người gây thiệt hại tài sãnã hội chủ nghĩa, làm cản trở việc thực hiện chính sách và kế hoạch của Nhà nước.

3. Nếu trong năm kế hoạch, đơn vị kinh tế cơ sở tuy đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước nhưng không làm tốt chế độ ký kết hợp đồng tập thể, tham ô lãng phí nghiêm trọng, vi phạm chế độ, chính sách, vi phạm quyền dân chủ hoặc để xảy ra tai nạn lao động chết người thì tùy theo mức độ nặng hay nhẹ mà quyết định việc giảm bớt mức khen thưởng (thi hành chỉ thị số 324-TTg ngày 26-12-1974 về việc xét duyệt, công nhận và công bố hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1974).

Khi xử lý cần xem xét kỹ trách nhiệm thực hiện những điều khoản đã cam kết trong hợp đồng để quy trách nhiệm cho đúng. Ví dụ: những điều khoản về kỹ thuật, đời sống, trách nhiệm thực hiện còn có cả phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, đời sống và trưởng phòng kỹ thuật, đời sống. Nếu những người này không làm tốt trách nhiệm của mình cũng phải liên đới chịu trách nhiệm và bị xử lý.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Ký kết hợp đồng tập thể là một kỷ luật bắt buộc.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh đều phải tổ chức ký kết hợp đồng tập thể giữa giám đốc và ban hành công đoàn đại diện cho công nhân, viên chức và phải làm cho hợp đồng tập thể trở thành chương trình hành động cụ thể hàng tuần, hàng tháng…của giám đốc, của ban chấp hành công đoàn và của mọi công nhân, viên chức. Việc tiến hành hội nghị công nhân, viên chức ký kết hợp đồng tập thể và tổ chức thi đua ở từng tổ sản xuất là ba biện pháp liên hoàn cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình thực hiện chế độ ký kết hợp đồng tập thể.

- Việc ký kết hợp đồng tập thể phải quy tụ được những kiến nghị của toàn thể công nhân, viên chức và phải tổ chức cùng một lúc việc mở hội nghị công nhân, viên chức thường kỳ của xí nghiệp.

- Trường hợp do tình hình thay đổi, kế hoạch Nhà nước giao không được ổn định cho cả năm thì việc kiểm điểm bổ sung những điểm ký kết hợp đồng tập thể cần làm kịp thời với việc điều chỉnh kế hoạch Nhà nước. Có kế hoạch đột xuất thì bàn kế hoạch đột xuất nhưng phải bảo đảm các nguyên tắc đã ghi trong điều lệ.

- Căn cứ chế độ khen thửởng hiện hành và thông qua hội nghị công nhân viên chức, hợp đồng tập thể có quy định chi tiết việc khen thưởng bằng v65t chất và tinh thần cho những cá nhận hay đơn vị thực hiện tốt các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng. Việc khen thưởng này cần làm kịp thời trong từng quý và phải thông báo ngay cho tòan thể công nhân, viên chức biết.

- Sau khi có chỉ tiêu chính thức của kế hoạch Nhà nước,giám đốc xí nghiệp cùng ban chấp hành công đoàn phải tổ chức hội nghị công nhân, viên chức và ký kết hợp đồng tập thể. Không được trì hõan việc ký kết hợp đồng tập thể. Không được ký thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao, không được kéo dài kỳ hạn thực hiện chỉ tiêu kế hoạch và phải nghiên chỉnh thực hiện những điều đã cam kết, phải giao trách nhiệm cho từng bộ môn quản lý xí nghiệp thực hiện tốt bản cam kết.

- Các Sở, Ty lao động phải làm đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình như điều 7 và điều 14 bản điều lệ đã quy định, phối hợp với các Sở, Ty chủ quản giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xét duyệt những điều khoản hợp đồng như điều lệ đã quy định.

- Các cấp công đòan phải cùng chính quyền thừơng xuyên làm tốt việc mở hội nghị công nhân, viên chức từ tổ sản xuất trở lên, tổ chức thực hiện việc ký kết hợp f9ồng tập thể và đăng ký thi đua, phải nâng cao trách nhiệm của mình trongviệc tổ chức quần chúng thực hiện vả kiểm tra việc thực hiện hợp đồng.

- Các Sở, Ty lao động và liên hiệp công đòan thừơng xuyên phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra, thẩm duyệt những điều khoản hợp đồng, tổ chức sơ kết, tổng kết. Từng quý gửi báo cáo về Bộ lao động và Tổng công đoàn Việt nam. Hàng năm, khi xét duyệt hòan thành kế hoạch Nhà nước. một tiêu chuẩn không thể thiếu được là cần xem xét trước nơi đó, có ký kết và thực hiện tốt chế độ ký kết hợp đồng tập thể hay không. Các Sở, Ty lao động cùng với liên hiệp công đoàn giúp Ủy ban hành chính tỉnh, thành kiểm tra xác nhận việc tổ chức thực hiện chế độ ký kết hợp đồng tập thể để đánh giá mức độ hòan thành kế hoạch Nhà nước, kể cả việc xử lý những trường hợp vi phạm những điều khoản đã ký kết.

Ký kết và thực hiện tốt chế độ ký kết hợp đồng tập thể là một hình thức quan trọng thực hiện dân chủ hóa quản lý xí nghiệp. Để làm tốt việc thực hiện ký kết hợp đồng tập thể phải đồng thời làm tốt các mặt sau đây: nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, ý thức tổ chức kỷ luật, nghĩa vụ, quyền lợi của toàn thể công nhân, viên chức, quy định rõ và cụ thể trách nhiệm; đề cao trách nhiệm của thủ trưởng, làm rõ trách nhiệm của ban chấp hành công đoàn và các bộ môn quản lý nghiệp vụ trong từng mặt công tác cụ thể và trong từng thời gian.

Để đẩy mạnh việc thực hiện nghị quyết số 46-CP ngày 18-3-1974 của Hội đồng Chính phủ và Đoàn chủ tịch Tổng Công đoàn Việt nam về phong trào “Thi đua lao động, sản xuất cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội”, các cơ quan hành chính sự nghiệp vận dụng thông tư này mà ký kết hợp đồng trách nhiệm. Các bộ, ngành quản lý sản xuất công đoàn ngành dọc trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành với liên hiệp công đoàn, các Ty chủ quản với công đoàn dọc ở địa phương thì ký nghị quyết liên tịch để thực hiện nhiệm vụ toàn ngành, toàn địa phương và tập trung giải quyết những khó khăn cho cơ sở.

Việc ký kết trên đây nhằm tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của cán bộ, viên chức, bảo đảm nhiệm vụ chính thị, công tác và quyền lợi hợp pháp của mọi người.

Thông tư này xác định trách nhiệm, thực hiện của các cấp trên và của cơ sở, hướng dẫn thêm nội dung ký kết hợp đồng tập thể và việc xử lý những trường hợp vi phạm chế độ ký kết hợp đồng tập thể, còn những điểm khác về thủ tục ký kết và đăng ký hợp đồng vẫn theo thông tư số 18-LĐ/TT ngày 24-12-1963 của Bộ lao động

T.M. BAN THƯ KÝ

TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

ỦY VIÊN

Đỗ Trọng Giang

K.T. BỘ TRƯỞNG

BỘ LAO ĐỘNG

THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Song Tùng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông Tư 22-TT/LB-1976 Hướng dẫn thêm về nội dung ký kết hợp đồng tập thể và trách nhiệm của các cấp trong việc thực hiện hợp đồng do Bộ Lao Động và Tổng Công Đoàn Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 22-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 27/11/1976
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động, Tổng Công đoàn Việt Nam
  • Người ký: Đỗ Trọng Giang, Nguyễn Song Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản