Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-BYT-TT

Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 1957

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THÀNH LẬP VỤ ĐÔNG Y VÀ VIỆN NGHIÊN CỨU ĐÔNG Y

Thể theo tinh thần Nghị định số 237-TTg ngày 07-06-1957 và 238-TTg ngày 07-06-1957 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Vụ Đông y và Viện nghiên cứu Đông y, Bộ ra Thông tư này để quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Vụ và Viện nói ở trên như sau:

A. – PHƯƠNG CHÂM CHUNG TRONG CÔNG TÁC ĐÔNG Y

1) Dựa trên tinh thần yêu nước, tinh thần phục vụ nhân dân, tinh thần yêu khoa học, đoàn kết các giới đông và tây y để xây dựng nền y học Việt Nam.

2) Tìm hiểu, khai thác và phát triển dần dần vốn y học cổ truyền lên trình độ khoa học đại chúng để tận dụng khả năng đông y vào công tác phòng bệnh và chữa bệnh.

3) Đặc biệt chú trọng những kinh nghiệm thông thường trong nhân dân, những phương thuốc gia truyền và nguyên liệu trong nước (thuốc Nam).

4) Tiến dần từng bước vững chắc, có trọng tâm, có kế hoạch và liên tục đề phòng mọi sự lợi dụng về đông y có hại cho y học, có hại cho sức khỏe nhân dân.

B. - VỤ ĐÔNG Y

I. - NHIỆM VỤ CỦA VỤ ĐÔNG Y

Vụ Đông y có nhiệm vụ giúp Bộ lãnh đạo công tác đông y, cụ thể:

- Lãnh đạo và giúp đỡ các hội đông y, hướng dẫn các tư nhân làm nghề đông y (về điều trị và dược liệu) theo đúng đường lối của Chính phủ.

- Xây dựng kế hoạch nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm đông y toàn ngành.

- Tổ chức huấn luyện đông y cho cán bộ tây y và hướng dẫn huấn luyện tây y cho cán bộ đông y.

- Nghiên cứu kế hoạch phối hợp với các Bộ, các cơ quan để phát triển sự sản xuất dược liệu, dược phẩm hoặc xuất nhập dược phẩm về đông y.

- Trao đổi kinh nghiệm đông y với nước ngoài.

II. – TỔ CHỨC VỤ ĐÔNG Y

Vụ Đông y là một cơ quan kế cận Bộ do một Giám đốc và hai Phó Giám đốc điều khiển, gồm có hai phòng và một bộ phận văn thư đánh máy giúp việc.

1.- Phòng nghiên cứu có hai loại bộ phận:

a) Bộ phận nghiên cứu chương trình kế hoạch, chính sách và đường lối lãnh đạo đông y (bao gồm cả các tổ chức công tư và tư nhân).

b) Bộ phận nghiên cứu, tổng kết chuyên môn về chẩn đoán, trị bệnh, phòng bệnh, dược liệu, y lý.

2. Phòng huấn luyện có ba bộ phận:

a) Bộ phận giáo dục có nhiệm vụ huấn luyện đông y cho các trường đồng thời có trách nhiệm trong việc hướng dẫn huấn luyện tây y cho giới đông y.

b) Bộ phận tu thư, phiên dịch có nhiệm vụ sưu tầm, biên soạn trích dịch tài liệu huấn luyện.

c) Bộ phận phụ trách về thư viện và nghiên cứu lịch sử đông y.

Các phòng trên đây đều có Trưởng, Phó phòng phụ trách.

III. – QUAN HỆ CÔNG TÁC

Vấn để quan hệ công tác đối với các cơ quan kế cận Bộ, đối với các cơ quan trực thuộc cũng như đối với các địa phương đã có sự quy định chung, Thông tư này chỉ nhấn mạnh thêm các điểm sau đây:

- Trong vấn đề huấn luyện, Vụ Đông y có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Phòng giáo dục chuyên nghiệp để vạch chương trình và biên soạn tài liệu.

- Đối với việc xây dựng cơ sở đông y ở các cơ quan điều trị và đối với công tác phòng bệnh và chữa bệnh theo đông y thì phải có sự thảo luận chung giữa các Vụ Đông y, Vụ phòng bệnh và Vụ Chữa bệnh.

- Về việc trồng trọt, sản xuất, xuất nhập khẩu dược liệu và dược phẩm thì Vụ Đông y phải có sự liên hệ chặt chẽ với các cơ quan có liên quan như Bộ Nông lâm, Bộ Thương nghiệp, Trường Đại học Y dược khoa, Vụ Dược chính.

C. - VIỆN NGHIÊN CỨU ĐÔNG Y

I. - NHIỆM VỤ

Viện nghiên cứu đông y có nhiệm vụ nghiên cứu các phương pháp đoán bệnh, trị bệnh, phòng bệnh nội khoa và ngoại khoa theo phương pháp đông y, nghiên cứu dược liệu và cách gây giống các thứ cây thuốc.

II. – TỔ CHỨC VIỆN NGHIÊN CỨU ĐÔNG Y

Viện nghiên cứu đông y đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Bộ, Thứ trưởng (qua Vụ Đông y) do một Ban giám đốc điều khiển gồm có hai phòng:

1) Phòng y lý điều trị có nhiệm vụ nghiên cứu các phương pháp đoán bệnh, trị bệnh, phòng bệnh nội khoa và ngoại khoa để tổng kết kinh nghiệm. Phòng này gồm cả bộ phận điều trị có từ 50 giường bệnh trở lên (số giường này do Bộ quyết định theo tình hình chung về tài chính và khả năng của Viện qua từng thời kỳ).

2) Phòng dựơc liệu với nhiệm vụ nghiên cứu dược liệu đông y, có hai bộ phận:

- Bộ phận bào chế phụ trách về việc bào chế thuốc đông y áp dụng trong Viện và nghiên cứu kỹ thuật bào chế đông y theo khoa học;

- Bộ phận nghiên cứu cách trồng và cách gây giống cây thuốc có một vườn thuốc do Viện lựa chọn.

3) Phòng hành chính quản trị có trách nhiệm trong công tác tổ chức, chính trị, giao dịch, thi đua học tập, văn thư, kế toán, đánh máy, liên lạc, tiếp khách, bảo vệ, lái xe v.v… và bảo quản tài sản, vật liệu, dụng cụ và bảo đảm sinh hoạt vật chất, cho cán bộ công nhân viên toàn Viện.

Các Phòng trên đây đều có Trưởng phòng chịu trách nhiệm.

III. – QUAN HỆ CÔNG TÁC

Vụ Đông y sẽ giúp Bộ theo dõi tình hình hoạt động và tham gia ý kiến trên mọi công tác của Viện. Tất cả mọi thành quả về nghiên cứu và thực nghiệm của Viện đều tập trung lên Vụ để trình Bộ thông qua trước khi phổ biến

Đối với các tổ chức đông y của quần chúng hay của Chính phủ, Viện sẽ có quan hệ về tương trợ và phối hợp về chuyên môn. Mọi sự giao dịch về mặt hành chính với các nơi đó cũng như với các cơ quan và các địa phương đều phải do Vụ Đông y.

Các Viện nghiên cứu khác của Bộ có sự liên hệ về chuyên môn với Viện Đông y để trao đổi kinh nghiệm hoặc giúp đỡ phương tiện như xét nghiệm, phân chất v.v… khi Viện còn thiếu.

Các cơ quan điều trị ở trung ương có trách nhiệm tương trợ Viện nghiên cứu đông y như trao đổi bệnh nhân, can thiệp về giải phẩu nếu cần thiết v.v… và Viện nghiên cứu đông y cũng có nhiệm vụ trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan điều trị nói trên.

Việc tổ chức vườn thuốc ở địa phương nào thì Viện sẽ đề nghị với Vụ Đông y thảo luận với chính quyền hoặc các cơ quan có liên quan ở địa phương đó.

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Hoàng Tích Trí

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 22-BYT-TT năm 1957 về việc thành lập Vụ Đông y và Viện nghiên cứu Đông y do Bộ Y Tế ban hành

  • Số hiệu: 22-BYT-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/06/1957
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Hoàng Tích Trí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 27
  • Ngày hiệu lực: 02/07/1957
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản