Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2010/TT-BKH | Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2010 |
QUY ĐỊNH VỀ ĐỊNH MỨC CHI PHÍ GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ ĐẦU TƯ
Căn cứ Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về định mức chi phí giám sát, đánh giá đầu tư như sau:
Thông tư này quy định về định mức chi phí giám sát, đánh giá đầu tư đối với các dự án đầu tư và hoạt động đầu tư trực tiếp sử dụng tất cả các nguồn vốn thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư (sau đây gọi tắt là Nghị định 113/2009/NĐ-CP).
Đối tượng áp dụng của Thông tư gồm: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp và hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư.
Điều 3. Chi phí giám sát, đánh giá đầu tư và nguồn vốn thực hiện:
1. Chi phí giám sát, đánh giá đầu tư là toàn bộ chi phí cần thiết để cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp và hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư thực hiện việc giám sát, đánh giá đầu tư.
2. Nguồn vốn để thực hiện việc giám sát, đánh giá đầu tư bao gồm:
a) Nguồn chi thường xuyên của các tổ chức được giao nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư dành cho công tác giám sát, đánh giá đầu tư.
b) Nguồn chi đầu tư (được tính vào tổng mức đầu tư của dự án) dành cho công tác giám sát, đánh giá đầu tư cho chủ đầu tư thực hiện.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP (sau đây gọi chung là cơ quan giám sát, đánh giá đầu tư) sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc các nguồn vốn đầu tư khác để thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư phải đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả theo chế độ quản lý tài chính hiện hành của nhà nước và quy định tại Thông tư này.
Điều 4. Kiểm tra việc quản lý sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư
Kiểm tra việc quản lý sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư: Do cơ quan tài chính, tài vụ các cấp thực hiện (sau đây gọi chung là cơ quan tài chính) gồm: Sở Tài chính đối với giám sát, đánh giá đầu tư và dự án đầu tư do cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý; phòng Tài chính - Kế hoạch đối với giám sát, đánh giá đầu tư do cấp quận, huyện quản lý; Vụ (ban, phòng …) tài chính đối với giám sát, đánh giá đầu tư do các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 90, 91, Công ty độc lập quản lý.
Đối với các dự án thuộc xã, phường, thị trấn (cấp xã) quản lý, tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý tài chính cấp xã thực hiện việc quản lý chi phí giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình theo quy định tại Thông tư này.
Hàng năm, bằng các hình thức kiểm tra định kỳ và kiểm tra không định kỳ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan tài chính nói trên tổ chức kiểm tra việc quản lý sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư của các cơ quan, tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư thuộc phạm vi quản lý của mình để kịp thời uốn nắn và xử lý các sai phạm trong quá trình quản lý và sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CHI PHÍ GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ ĐẦU TƯ
MỤC 1. CHI PHÍ GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN ĐẦU TƯ SỬ DỤNG 30% VỐN NHÀ NƯỚC TRỞ LÊN
Điều 5. Chi phí giám sát, đánh giá đầu tư của chủ đầu tư đối với dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên:
1. Phạm vi công việc:
Chủ đầu tư thực hiện công tác giám sát và đánh giá đầu tư bao gồm các nội dung công việc:
a) Theo dõi dự án theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.
b) Kiểm tra dự án đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.
c) Đánh giá dự án đầu tư theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Nghị định 113/2009/NĐ-CP, gồm:
- Đánh giá ban đầu (khoản 1 Điều 6 Nghị định 113/2009/NĐ-CP);
- Đánh giá giữa kỳ (khoản 2 Điều 6 Nghị định 113/2009/NĐ-CP);
- Đánh giá kết thúc (khoản 3 Điều 6 Nghị định 113/2009/NĐ-CP);
2. Sản phẩm công tác giám sát, đánh giá đầu tư của chủ đầu tư:
Sản phẩm của các nội dung công việc trên được thể hiện bằng các báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.
3. Định mức chi phí thực hiện giám sát, đánh giá của chủ đầu tư:
Bằng 20% chi phí quản lý dự án theo quy định hiện hành.
4. Nguồn kinh phí: Được tính vào tổng mức đầu tư của dự án.
5. Quản lý, sử dụng chi phí giám sát đánh giá đầu tư:
a) Chi phí giám sát, đánh giá đầu tư được quản lý và sử dụng như chi phí quản lý dự án. Việc tạm ứng, thanh toán chi phí giám sát đánh giá đầu tư cho chủ đầu tư được thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý cấp phát thanh toán vốn đầu tư.
b) Trường hợp chủ đầu tư thuê tư vấn thực hiện đánh giá dự án đầu tư thì việc quản lý chi phí này như quản lý chi phí dịch vụ tư vấn, mức thuê chi phí tư vấn không vượt quá 10% chi phí quản lý dự án theo quy định hiện hành. Việc tạm ứng, thanh toán vốn cho tư vấn đánh giá dự án đầu tư được thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý cấp phát, thanh toán vốn đầu tư đối với các tổ chức tư vấn đầu tư và xây dựng.
c) Trường hợp chủ đầu tư tự thực hiện thì dự toán thu chi của chi phí quản lý dự án bao gồm cả nguồn thu từ chi phí giám sát, đánh giá đầu tư và chi cho hoạt động thường xuyên của chủ đầu tư trong đó có công tác giám sát, đánh giá đầu tư.
Điều 6. Chi phí theo dõi dự án đầu tư của người có thẩm quyền quyết định đầu tư đối với dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên:
1. Nội dung theo dõi dự án:
Người có thẩm quyền quyết định đầu tư sử dụng bộ máy của mình để tổ chức theo dõi chi tiết từng dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.
2. Định mức chi phí thực hiện theo dõi dự án:
Bằng 2% chi phí quản lý dự án theo quy định hiện hành của dự án được tổ chức theo dõi.
3. Nguồn kinh phí: Nguồn chi thường xuyên của cơ quan có thẩm quyền.
4. Quản lý và sử dụng:
Căn cứ định mức chi phí theo dõi dự án trên, hàng năm, người có thẩm quyền quyết định đầu tư lập kế hoạch và dự toán kinh phí theo dõi các dự án đầu tư vào dự toán chi thường xuyên.
Sử dụng nguồn kinh phí theo dõi dự án đầu tư để chi trả các chi phí cho bộ phận thực hiện công tác theo dõi dự án.
Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ theo dõi dự án của người có thẩm quyền quyết định đầu tư có trách nhiệm quản lý và sử dụng chi phí theo dõi dự án theo quy định về quản lý và sử dụng nguồn chi thường xuyên của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 7. Chi phí theo dõi dự án đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư đối với dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên:
1. Nội dung theo dõi dự án:
Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư sử dụng bộ máy của mình để tổ chức theo dõi chi tiết từng dự án theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.
2. Định mức chi phí thực hiện theo dõi dự án:
Bằng 2% chi phí quản lý dự án theo quy định hiện hành của dự án được tổ chức theo dõi.
3. Nguồn kinh phí: Nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước.
4. Quản lý và sử dụng
Căn cứ định mức chi phí theo dõi dự án trên, hàng năm cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư lập kế hoạch và dự toán kinh phí theo dõi các dự án đầu tư vào dự toán chi thường xuyên.
Sử dụng nguồn kinh phí theo dõi dự án đầu tư để chi trả các chi phí cho bộ phận thực hiện công tác theo dõi dự án.
Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ theo dõi dự án của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư có trách nhiệm quản lý chi phí theo dõi dự án theo Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 8. Chi phí kiểm tra dự án đầu tư của người có thẩm quyền quyết định đầu tư đối với dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên:
1. Nội dung kiểm tra dự án đầu tư của người có thẩm quyền quyết định đầu tư:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.
2. Sản phẩm của công tác kiểm tra dự án đầu tư của người có thẩm quyền quyết định đầu tư:
Các báo cáo về nội dung kiểm tra theo quy định hiện hành. Tùy thuộc vào tính chất và thời gian thực hiện dự án mà người có thẩm quyền quyết định đầu tư tổ chức 1 hoặc nhiều cuộc kiểm tra dự án đầu tư.
3. Định mức chi phí kiểm tra:
Bằng 6% chi phí quản lý dự án theo quy định hiện hành của dự án được tổ chức kiểm tra.
4. Nguồn kinh phí: Nguồn chi thường xuyên của cơ quan có thẩm quyền.
5. Quản lý và sử dụng:
Căn cứ định mức chi phí kiểm tra trên, hàng năm người có thẩm quyền quyết định đầu tư lập kế hoạch kiểm tra, dự toán kinh phí kiểm tra vào dự toán chi thường xuyên và quyết định thành lập các đoàn kiểm tra.
Đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm tra dự án có trách nhiệm quản lý và sử dụng chi phí kiểm tra theo quy định về quản lý và sử dụng nguồn chi thường xuyên của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 9. Chi phí kiểm tra dự án đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư đối với dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên:
1. Nội dung kiểm tra dự án đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư:
Thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.
2. Sản phẩm của công tác kiểm tra dự án đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư:
Các báo cáo về nội dung kiểm tra theo quy định hiện hành. Tùy thuộc vào tính chất và thời gian thực hiện dự án mà thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư tổ chức 1 hoặc nhiều cuộc kiểm tra dự án đầu tư.
3. Định mức chi phí kiểm tra:
Bằng 6% chi phí quản lý dự án theo quy định hiện hành của dự án được tổ chức kiểm tra.
4. Nguồn kinh phí: Nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước.
5. Quản lý và sử dụng:
Căn cứ định mức chi phí kiểm tra trên, hàng năm, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư lập kế hoạch kiểm tra, dự toán kinh phí kiểm tra và dự toán chi thường xuyên và quyết định thành lập các đoàn kiểm tra.
Sử dụng nguồn kinh phí kiểm tra dự án để chi phí cho từng đoàn kiểm tra.
Đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm tra dự án có trách nhiệm quản lý và sử dụng chi phí theo Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 10. Chi phí đánh giá tác tác động đối với dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên:
1. Nội dung công việc:
Người quyết định đầu tư hoặc cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư tổ chức thực hiện đánh giá tác động của dự án theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.
2. Sản phẩm công tác đánh giá tác động: Báo cáo đánh giá tác động theo quy định hiện hành.
3. Định mức chi phí đánh giá tác động:
Bằng 6% chi phí quản lý dự án theo quy định hiện hành của dự án được tổ chức đánh giá tác động.
4. Nguồn kinh phí: Nguồn chi thường xuyên của cơ quan có thẩm quyền hoặc nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước.
5. Quản lý và sử dụng:
Căn cứ định mức chi phí đánh giá tác động trên, hàng năm, người quyết định đầu tư hoặc cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư lập kế hoạch đánh giá tác động, dự toán kinh phí đánh giá tác động các dự án đầu tư trên vào dự toán chi thường xuyên và quyết định thành lập các đoàn đánh giá tác động.
Đoàn đánh giá tác động dự án có trách nhiệm quản lý và sử dụng chi phí đánh giá tác động theo quy định về quản lý và sử dụng nguồn chi thường xuyên của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo Luật Ngân sách nhà nước.
Trường hợp người có thẩm quyền quyết định đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư thuê tổ chức tư vấn, tổ chuyên gia, chuyên gia có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện việc đánh giá tác động của dự án thì việc quản lý chi phí này như quản lý chi phí dịch vụ tư vấn; mức thuê chi phí tư vấn, tổ chuyên gia, chuyên gia không vượt quá 5% chi phí quản lý dự án của dự án được tổ chức đánh giá tác động. Việc tạm ứng, thanh toán vốn cho tư vấn đánh giá tác động được thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý cấp phát, thanh toán vốn đầu tư đối với các tổ chức tư vấn đầu tư và xây dựng.
Điều 11. Chi phí đánh giá đột xuất đối với dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên:
1. Nội dung công việc:
Người quyết định đầu tư hoặc cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư tổ chức thực hiện đánh giá đột xuất dự án theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.
2. Sản phẩm hoạt động đánh giá đột xuất: Báo cáo đánh giá đột xuất theo quy định hiện hành.
3. Định mức chi phí đánh giá đột xuất:
Bằng 4% chi phí quản lý dự án theo quy định hiện hành của dự án được tổ chức đánh giá đột xuất.
4. Nguồn kinh phí: Nguồn chi thường xuyên của cơ quan có thẩm quyền hoặc nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước.
5. Quản lý và sử dụng:
Căn cứ định mức chi phí đánh giá đột xuất trên, hàng năm người có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư lập kế hoạch đánh giá đột xuất, dự toán kinh phí đánh giá đột xuất dự án đầu tư vào dự toán chi thường xuyên và quyết định thành lập các đoàn đánh giá đột xuất dự án.
Đoàn đánh giá đột xuất dự án có trách nhiệm quản lý và sử dụng chi phí theo quy định về quản lý và sử dụng nguồn chi thường xuyên của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo Luật Ngân sách nhà nước.
Trường hợp người có thẩm quyền quyết định đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư thuê tổ chức tư vấn, tổ chuyên gia, chuyên gia có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện việc đánh giá đột xuất dự án thì việc quản lý chi phí này như quản lý chi phí dịch vụ tư vấn, mức thuê chi phí tư vấn, tổ chuyên gia, chuyên gia không vượt quá 3% chi phí quản lý dự án theo quy định hiện hành của dự án được tổ chức đánh giá đột xuất. Việc tạm ứng, thanh toán vốn cho tư vấn đánh giá đột xuất dự án đầu tư được thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý cấp pháp, thanh toán vốn đầu tư đối với các tổ chức tư vấn đầu tư và xây dựng.
MỤC 2. CHI PHÍ GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN ĐẦU TƯ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN KHÁC
Điều 12. Chi phí giám sát, đánh giá dự án đầu tư của chủ đầu tư đối với dự án sử dụng nguồn vốn khác:
1. Nội dung công việc giám sát, đánh giá của chủ đầu tư
Chủ đầu tư thực hiện công tác theo dõi dự án đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.
Khuyến khích chủ đầu tư thực hiện công tác đánh giá dự án đầu tư theo quy định tại các Điều 5, 6, 7 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.
2. Sản phẩm công tác giám sát, đánh giá của chủ đầu tư: Các báo cáo theo quy định hiện hành.
3. Định mức chi phí thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư:
Định mức chi phí theo dõi dự án đầu tư: Bằng 5% chi phí quản lý dự án của dự án tương tự sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên.
Định mức chi phí đánh giá đầu tư: Bằng 10% chi phí quản lý dự án của dự án tương tự sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên.
4. Nguồn kinh phí: Được tính trong tổng mức đầu tư của dự án
5. Quản lý và sử dụng: Chủ đầu tư tự quản lý và sử dụng nguồn kinh phí giám sát, đánh giá đầu tư theo tính chất quản lý nguồn vốn đầu tư của dự án.
Điều 13. Chi phí theo dõi dự án đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư đối với dự án sử dụng nguồn vốn khác:
1. Nội dung công việc:
Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư sử dụng bộ máy của mình để tổ chức theo dõi chi tiết từng dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.
2. Định mức chi phí thực hiện theo dõi dự án:
Bằng 1% chi phí quản lý dự án của dự án tương tự sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên.
3. Nguồn kinh phí: Nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước.
4. Quản lý và sử dụng:
Căn cứ định mức chi phí theo dõi trên, hàng năm, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư lập kế hoạch và dự toán kinh phí theo dõi các dự án đầu tư vào dự toán chi thường xuyên.
Sử dụng nguồn kinh phí theo dõi dự án đầu tư để chi trả các chi phí cho bộ phận thực hiện công tác theo dõi dự án.
Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ theo dõi dự án của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư có trách nhiệm quản lý chi phí theo dõi dự án theo Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 14. Chi phí kiểm tra dự án đầu tư đối với dự án sử dụng nguồn vốn khác:
1. Chi phí kiểm tra dự án đầu tư của người có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
a) Nội dung công việc:
Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.
b) Sản phẩm của công tác kiểm tra dự án đầu tư:
Các báo cáo về nội dung kiểm tra theo quy định hiện hành. Tùy thuộc vào tính chất và thời gian thực hiện dự án mà người có thẩm quyền quyết định đầu tư tổ chức 1 hoặc nhiều cuộc kiểm tra dự án đầu tư.
c) Định mức chi phí kiểm tra:
Bằng 3% chi phí quản lý dự án của dự án tương tự sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên.
d) Nguồn kinh phí: Nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước.
e) Quản lý và sử dụng:
Căn cứ định mức chi phí kiểm tra trên, hàng năm người có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư lập kế hoạch kiểm tra, dự toán kinh phí kiểm tra vào dự toán chi thường xuyên và quyết định thành lập các đoàn kiểm tra.
Đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm tra dự án có trách nhiệm quản lý và sử dụng chi phí theo quy định về quản lý và sử dụng nguồn chi thường xuyên của cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
2. Chi phí kiểm tra dự án đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư
a) Nội dung kiểm tra dự án đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư:
Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.
b) Sản phẩm của công tác kiểm tra dự án đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư:
Các báo cáo về nội dung kiểm tra theo quy định hiện hành. Tùy thuộc vào tính chất và thời gian thực hiện dự án mà cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư tổ chức 1 hoặc nhiều cuộc kiểm tra dự án đầu tư.
c) Định mức chi phí kiểm tra:
Bằng 3% chi phí quản lý dự án của dự án tương tự sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên.
d) Nguồn kinh phí: Nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước.
e) Quản lý và sử dụng:
Căn cứ định mức chi phí kiểm tra trên, hàng năm, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư lập kế hoạch kiểm tra, dự toán kinh phí kiểm tra vào dự toán chi thường xuyên và quyết định thành lập các đoàn kiểm tra.
Sử dụng nguồn kinh phí kiểm tra dự án để chi phí cho các đoàn kiểm tra.
Đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm tra dự án có trách nhiệm quản lý và sử dụng chi phí theo Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 15. Đánh giá dự án đầu tư đối với dự án sử dụng nguồn vốn khác:
Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định tổ chức đánh giá dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác khi cần thiết và phù hợp với yêu cầu về quản lý hoạt động đầu tư.
1. Chi phí đánh giá tác động:
a) Nội dung công việc:
Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư tổ chức thực hiện đánh giá tác động của dự án theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.
b) Sản phẩm công tác đánh giá tác động: Báo cáo đánh giá tác động theo quy định hiện hành.
c) Định mức chi phí đánh giá tác động:
Bằng 3% chi phí quản lý dự án của dự án tương tự sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên.
d) Nguồn kinh phí: Nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước.
e) Quản lý và sử dụng:
Căn cứ định mức chi phí đánh giá tác động trên, hàng năm cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư lập kế hoạch đánh giá tác động, dự toán kinh phí đánh giá tác động vào dự toán chi thường xuyên và quyết định thành lập các đoàn đánh giá tác động.
Sử dụng nguồn kinh phí đánh giá tác động để chi phí cho các đoàn đánh giá tác động dự án.
Đoàn đánh giá tác động dự án có trách nhiệm quản lý và sử dụng chi phí theo Luật Ngân sách nhà nước.
Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư thuê tổ chức tư vấn, tổ chuyên gia, chuyên gia có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện việc đánh giá tác động của dự án thì việc quản lý chi phí này như quản lý chi phí dịch vụ tư vấn, mức thuê chi phí tư vấn, tổ chuyên gia, chuyên gia không vượt quá 2,5% chi phí quản lý dự án của dự án tương tự sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên. Việc tạm ứng, thanh toán vốn cho tư vấn đánh giá tác động dự án đầu tư được thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý cấp phát, thanh toán vốn đầu tư đối với các tổ chức tư vấn đầu tư và xây dựng.
2. Chi phí đánh giá đột xuất:
a) Nội dung công việc:
Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư tổ chức thực hiện đánh giá đột xuất dự án theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.
b) Sản phẩm hoạt động đánh giá đột xuất: Báo cáo đánh giá đột xuất theo quy định hiện hành.
c) Định mức chi phí
Bằng 2% chi phí quản lý dự án của dự án tương tự sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên.
d) Nguồn kinh phí: Nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước.
e) Quản lý và sử dụng:
Căn cứ định mức chi phí đánh giá đột xuất trên, hàng năm cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư lập kế hoạch đánh giá đột xuất, dự toán kinh phí đánh giá đột xuất và quyết định thành lập các đoàn đánh giá đột xuất.
Sử dụng nguồn kinh phí đánh giá đột xuất để chi phí cho các đoàn đánh giá đột xuất dự án.
Đoàn đánh giá đột xuất dự án có trách nhiệm quản lý và sử dụng chi phí theo Luật Ngân sách.
Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư thuê tổ chức tư vấn, tổ chuyên gia, chuyên gia có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện việc đánh giá đột xuất của dự án thì việc quản lý chi phí này như quản lý chi phí dịch vụ tư vấn, mức thuê chi phí tư vấn, tổ chuyên gia, chuyên gia không vượt quá 1,5% chi phí quản lý dự án của dự án tương tự sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên. Việc tạm ứng, thanh toán vốn cho tư vấn đánh giá tác động dự án đầu tư được thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý cấp phát, thanh toán vốn đầu tư đối với các tổ chức tư vấn đầu tư và xây dựng.
MỤC 3. CHI PHÍ GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ TỔNG THỂ ĐẦU TƯ
Điều 16. Chi phí giám sát, đánh giá đầu tư của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty 91 của Nhà nước
1. Nội dung công việc:
a) Theo dõi tổng thể đầu tư: Theo nội dung quy định tại Điều 11 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.
b) Kiểm tra tổng thể đầu tư: Theo nội dung quy định tại Điều 12 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.
c) Đánh giá tổng thể đầu tư nền kinh tế: Theo nội dung quy định tại Điều 13 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.
d) Đánh giá tổng thể về quản lý đầu tư: Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 113/2009/NĐ-CP.
2. Sản phẩm của công tác giám sát và đánh giá tổng thể đầu tư
Các loại báo cáo (báo cáo theo dõi tổng thể đầu tư; báo cáo nội dung kiểm tra tổng thể đầu tư; báo cáo nội dung đánh giá tổng thể đầu tư nền kinh tế và báo cáo đánh giá tổng thể về quản lý đầu tư) theo quy định hiện hành.
3. Định mức chi phí giám sát và đánh giá tổng thể đầu tư
Bằng 2% chi phí quản lý dự án theo quy định hiện hành của các dự án thuộc đối tượng giám sát và đánh giá đầu tư.
4. Nguồn kinh phí
Nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước theo kế hoạch hàng năm đối với các Bộ, ngành và địa phương và từ nguồn chi thường xuyên hàng năm của các Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty 91 của nhà nước.
5. Quản lý và sử dụng
Hàng năm, các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty 91 của nhà nước lập kế hoạch và dự trù kinh phí giám sát và đánh giá tổng thể đầu tư trên cơ sở định mức chi phí giám sát và đánh giá tổng thể đầu tư để lập dự toán kinh phí cho nội dung thực hiện công tác giám sát và đánh giá tổng thể đầu tư.
Sử dụng nguồn kinh phí giám sát và theo dõi tổng thể đầu tư theo Luật Ngân sách nhà nước hoặc theo quy định về quản lý và sử dụng nguồn chi thường xuyên của Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty 91 của nhà nước.
QUY ĐỊNH CHUYỂN TIẾP VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Đối với những dự án đang thực hiện dở dang thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 113/2009/NĐ-CP, các cơ quan, tổ chức, cá nhân căn cứ vào yêu cầu cụ thể, duyệt bổ sung nguồn kinh phí giám sát, đánh giá đầu tư để thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 01 năm 2011.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu giải quyết.
Thông tư 22/2010/TT-BKH quy định về định mức chi phí giám sát, đánh giá đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- Số hiệu: 22/2010/TT-BKH
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 02/12/2010
- Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Người ký: Võ Hồng Phúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/01/2011
- Ngày hết hiệu lực: 20/11/2015
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra