Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2012/TT-BGDĐT | Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2012 |
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG MẦM NON DÂN LẬP
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định:
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non dân lập.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 8 năm 2012
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG MẦM NON DÂN LẬP
(Ban hành kèm theo Thông tư số 21/2012/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 6 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định tổ chức, hoạt động của trường mầm non dân lập bao gồm: Thành lập, sáp nhập, chia tách, đình chỉ, giải thể nhà trường, nhà trẻ dân lập; Cơ cấu tổ chức quản lý và hoạt động; Tài chính, tài sản; Giáo viên, nhân viên và trẻ em; Thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm.
2. Quy chế này áp dụng đối với trường mầm non, trường mẫu giáo (sau đây gọi chung là nhà trường), nhà trẻ thuộc loại hình dân lập; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục mầm non dân lập.
3. Nhà trường, nhà trẻ dân lập được tổ chức hoạt động theo quy định của Điều lệ trường mầm non và Quy chế này.
Điều 2. Vị trí của nhà trường, nhà trẻ dân lập
1. Nhà trường, nhà trẻ dân lập là cơ sở giáo dục mầm non thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, do cộng đồng dân cư ở thôn, bản, ấp, xã, phường, thị trấn thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí hoạt động và được chính quyền địa phương hỗ trợ.
2. Nhà trường, nhà trẻ dân lập có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản riêng.
Điều 3. Cộng đồng dân cư ở cơ sở
Cộng đồng dân cư ở cơ sở là cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, bản, ấp, xã, phường, thị trấn hoặc các điểm dân cư tương tự có cùng lợi ích cộng đồng hoặc có những mối quan tâm chung.
Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường, nhà trẻ dân lập
1. Tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi theo Chương trình Giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
2. Huy động trẻ em lứa tuổi mầm non đến trường; tổ chức giáo dục hoà nhập cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.
3. Quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
4. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật. Xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ.
5. Phối hợp với gia đình, tổ chức và cá nhân để thực hiện hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trẻ em tham gia các hoạt động xã hội trong cộng đồng.
6. Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
7. Tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục mầm non, góp phần cùng Nhà nước chăm lo sự nghiệp giáo dục, đáp ứng yêu cầu xã hội.
8. Có trách nhiệm báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định và yêu cầu của các cơ quan có liên quan.
9. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Chính sách ưu đãi đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập
1. Nhà trường, nhà trẻ dân lập được nhà nước giao đất hoặc cho mượn, cho thuê đất; được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí hoạt động; được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và các chính sách khác theo quy định.
2. Nhà nước hỗ trợ ngân sách để nhà trường, nhà trẻ dân lập thực hiện trả lương giáo viên (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo thang bảng lương giáo viên mầm non, được nâng lương theo định kỳ, được tham gia đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách khác như giáo viên có cùng trình độ đào tạo đang hợp đồng làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Điều 6. Phân cấp quản lý nhà trường, nhà trẻ dân lập
1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) quản lý nhà trường, nhà trẻ dân lập trên địa bàn.
2. Phòng giáo dục và đào tạo giúp Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập trên địa bàn.
THÀNH LẬP, SÁP NHẬP, CHIA, TÁCH, ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG, GIẢI THỂ NHÀ TRƯỜNG, NHÀ TRẺ DÂN LẬP
1. Nhà trường, nhà trẻ dân lập được phép thành lập khi có đủ các điều kiện sau:
a) Có Đề án thành lập trường phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
b) Đề án thành lập trường xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây trường, tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường;
c) Có khả năng tài chính, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu hoạt động và phát triển của nhà trường, nhà trẻ dân lập.
2. Nhà trường, nhà trẻ dân lập được phép hoạt động giáo dục khi có đủ các điều kiện sau:
a) Có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo quy định tại Điều 22 của Quy chế này;
b) Có đất đai, trường sở, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chủng loại, số lượng, đáp ứng yêu cầu duy trì và phát triển hoạt động giáo dục theo quy định tại Điều 29 của Quy chế này;
c) Địa điểm xây dựng nhà trường, nhà trẻ dân lập đảm bảo môi trường giáo dục, an toàn cho trẻ em, giáo viên và người lao động;
đ) Có tài liệu chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
e) Có quyết định cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập;
g) Có Quy chế tổ chức, hoạt động và chi tiêu nội bộ của nhà trường, nhà trẻ dân lập.
3. Trong thời hạn tối đa 02 (hai) năm kể từ ngày có quyết định thành lập, nếu nhà trường, nhà trẻ dân lập có đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này thì được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục; hết thời hạn quy định, nếu không đủ điều kiện cho phép hoạt động giáo dục thì quyết định cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập hết hiệu lực.
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho phép thành lập đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập;
2. Trưởng phòng giáo dục và đào tạo cho phép hoạt động giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập.
1. Hồ sơ đề nghị cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập gồm:
a) Tờ trình đề nghị cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập của người đại diện cộng đồng dân cư đứng tên xin phép thành lập trường. Tờ trình cần nêu rõ sự cần thiết thành lập; tên nhà trường, nhà trẻ; địa điểm dự kiến làm trụ sở tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường, nhà trẻ dân lập;
b) Đề án thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập gồm các nội dung: xác định sự phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; xác định nguồn gốc sử dụng hợp pháp đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị; cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; các nguồn lực và tài chính; quy hoạch, kế hoạch và các giải pháp xây dựng, phát triển nhà trường, nhà trẻ trong từng giai đoạn. Đề án nêu rõ dự kiến tổng số vốn để thực hiện kế hoạch và bảo đảm hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trong 03 (ba) năm đầu thành lập và các năm tiếp theo, có thuyết minh rõ về tính khả thi và hợp pháp của các nguồn vốn đầu tư xây dựng và phát triển nhà trường, nhà trẻ dân lập trong từng giai đoạn;
c) Văn bản xác nhận của cấp có thẩm quyền về khả năng tài chính, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu hoạt động của nhà trường, nhà trẻ. Có văn bản phù hợp với pháp luật hiện hành xác định nguồn gốc đất hoặc chủ trương giao đất, mượn đất hoặc hợp đồng nguyên tắc cho thuê đất, thuê nhà làm trụ sở xây dựng nhà trường, nhà trẻ dân lập với thời hạn dự kiến thuê tối thiểu 05 (năm) năm;
d) Bản dự thảo quy hoạch tổng thể mặt bằng và sơ đồ thiết kế sơ bộ các công trình kiến trúc xây dựng trên khu đất xây dựng nhà trường, nhà trẻ dân lập hoặc thiết kế các công trình kiến trúc (nếu đã có trường sở), bảo đảm phù hợp với quy mô giáo dục và tiêu chuẩn diện tích sử dụng phục vụ việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ;
đ) Số lượng hồ sơ 01 (một) bộ.
2. Hồ sơ đề nghị cho phép hoạt động giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập gồm:
a) Bản sao Quyết định cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập;
b) Tờ trình đề nghị cho phép nhà trường, nhà trẻ dân lập hoạt động giáo dục, trong đó có cam kết bảo đảm an toàn và thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
c) Báo cáo chi tiết về tình hình triển khai Đề án đầu tư thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập. Báo cáo cần làm rõ những công việc cụ thể đã hoàn thành hoặc đang thực hiện: tài chính, các điều kiện đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý;
d) Danh sách, kèm theo lý lịch, bản sao văn bằng, chứng chỉ hợp lệ của chủ đầu tư, người dự kiến làm Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng, giáo viên và nhân viên;
đ) Quy chế tổ chức, hoạt động và chi tiêu nội bộ của nhà trường, nhà trẻ dân lập;
e) Có tài liệu phục vụ cho việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non;
g) Danh mục số lượng phòng học, phòng làm việc, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 29 của Quy chế này;
h) Văn bản pháp lý xác nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng giao, cho mượn, cho thuê đất hoặc giao, cho mượn trụ sở nhà trường, nhà trẻ dân lập với thời hạn tối thiểu 05 (năm) năm;
i) Có phương án huy động, quản lý, sử dụng kinh phí vốn để bảo đảm duy trì ổn định hoạt động của nhà trường, nhà trẻ trong giai đoạn 05 (năm) năm, bắt đầu từ khi nhà trường, nhà trẻ dân lập được tuyển sinh.
1. Trình tự, thủ tục cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập được quy định như sau:
a) Người đại diện cộng đồng dân cư đứng tên xin phép thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập có đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Quy chế này, nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho Phòng giáo dục và đào tạo;
b) Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng giáo dục và đào tạo chủ trì phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan thẩm định hồ sơ và các điều kiện thực tế để thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập theo nội dung quy định tại khoản 1 Điều 7 Quy chế này, trình Ủy ban nhân dân huyện;
c) Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định bằng văn bản của Phòng giáo dục và đào tạo, nếu nhà trường, nhà trẻ dân lập đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 7 của Quy chế này, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập. Nếu không đáp ứng đủ điều kiện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản thông báo cho Phòng giáo dục và đào tạo và cộng đồng dân cư xin thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập. Thông báo cần nêu rõ lý do và hướng giải quyết (nếu có).
2. Trình tự, thủ tục cho phép hoạt động giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập được quy định như sau:
a) Người đại diện cộng đồng dân cư đứng tên xin phép hoạt động giáo dục có đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Quy chế này, nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho Phòng giáo dục và đào tạo;
b) Phòng giáo dục và đào tạo tiếp nhận và tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị cho phép hoạt động giáo dục của cộng đồng dân cư. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Quy chế này thì Phòng giáo dục và đào tạo thông báo để nhà trường, nhà trẻ dân lập chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện, nếu hồ sơ đáp ứng đầy đủ các quy định tại khoản 2 Điều 9 Quy chế này thì thông báo kế hoạch thẩm định thực tế cho nhà trường, nhà trẻ dân lập;
c) Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ ngày thông báo kế hoạch thẩm định thực tế, Phòng giáo dục và đào tạo chủ trì phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan tổ chức thẩm định thực tế tại nhà trường, nhà trẻ dân lập;
d) Nếu nhà trường, nhà trẻ dân lập đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 7 Quy chế này thì Trưởng phòng giáo dục và đào tạo ra Quyết định cho phép hoạt động giáo dục. Nếu nhà trường, nhà trẻ dân lập chưa đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 7 của Quy chế này thì Phòng giáo dục và đào tạo thông báo cho nhà trường, nhà trẻ dân lập bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do và hướng giải quyết (nếu có).
Điều 11. Sáp nhập, chia tách nhà trường, nhà trẻ dân lập
1. Nhà trường, nhà trẻ dân lập khi sáp nhập, chia, tách phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non;
b) Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
c) Bảo đảm quyền lợi của trẻ em, của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên;
d) Góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định cho phép sáp nhập, chia, tách nhà trường, nhà trẻ dân lập.
3. Điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục sáp nhập, chia, tách nhà trường, nhà trẻ dân lập để thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập mới được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7, khoản 1 Điều 9 và khoản 1 Điều 10 của Quy chế này.
Điều 12. Đình chỉ hoạt động giáo dục, giải thể nhà trường, nhà trẻ dân lập
1. Đình chỉ hoạt động giáo dục của nhà trường, nhà trẻ dân lập
a) Nhà trường, nhà trẻ dân lập bị đình chỉ hoạt động giáo dục khi để xảy ra một trong các trường hợp sau đây:
- Không bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ;
- Không bảo đảm an toàn về tính mạng cho trẻ em và cán bộ, giáo viên, nhân viên;
- Vi phạm quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về giáo dục ở mức độ phải đình chỉ;
- Không bảo đảm các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 7 của Quy chế này;
- Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục;
- Người cho phép hoạt động giáo dục không đúng thẩm quyền;
- Không triển khai hoạt động giáo dục trong thời hạn 06 (sáu) tháng, kể từ ngày được cho phép hoạt động giáo dục;
b) Hồ sơ đình chỉ hoạt động giáo dục nhà trường, nhà trẻ dân lập gồm:
- Quyết định thành lập đoàn kiểm tra của Phòng giáo dục và đào tạo;
- Biên bản kiểm tra;
- Các chứng cứ chứng minh nhà trường, nhà trẻ dân lập vi phạm một trong những trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
- Phương án đảm bảo quyền lợi hợp pháp của trẻ em, giáo viên, cán bộ và nhân viên nhà trường, nhà trẻ dân lập khi bị đình chỉ hoạt động giáo dục.
c) Trình tự, thủ tục đình chỉ hoạt động giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập
- Khi phát hiện nhà trường, nhà trẻ dân lập vi phạm một trong những trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, Phòng giáo dục và đào tạo lập hồ sơ và thông báo cho nhà trường, nhà trẻ về hành vi vi phạm;
- Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày thông báo cho nhà trường, nhà trẻ về việc phát hiện hành vi vi phạm, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo xem xét quyết định đình chỉ hoặc không đình chỉ hoạt động giáo dục của nhà trường, nhà trẻ dân lập.
d) Quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập phải ghi rõ lý do đình chỉ, thời hạn đình chỉ hoạt động, biện pháp bảo đảm quyền lợi của trẻ em, giáo viên, cán bộ và nhân viên trong trường. Quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng;
đ) Hết thời hạn đình chỉ, nếu nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ được khắc phục thì Trưởng phòng giáo dục và đào tạo xem xét, quyết định cho phép hoạt động giáo dục trở lại đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập.
2. Giải thể nhà trường, nhà trẻ dân lập
a) Nhà trường, nhà trẻ bị giải thể khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:
- Vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, tổ chức, hoạt động của nhà trường, nhà trẻ; không bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ;
- Hết thời gian đình chỉ mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ;
- Mục tiêu và nội dung hoạt động của nhà trường, nhà trẻ dân lập không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Theo đề nghị của đại diện cộng đồng dân cư cơ sở đứng tên xin thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập.
b) Hồ sơ giải thể gồm có:
- Quyết định thành lập đoàn kiểm tra của Uỷ ban nhân nhân dân cấp huyện;
- Biên bản kiểm tra;
- Các chứng cứ chứng minh nhà trường, nhà trẻ vi phạm một trong những trường hợp được quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
- Tờ trình đề nghị giải thể nhà trường, nhà trẻ của Phòng giáo dục và đào tạo hoặc tờ trình đề nghị giải thể của cộng đồng dân cư thành lập nhà trường, nhà trẻ. Tờ trình nêu rõ lý do giải thể, các biện pháp giải quyết quyền lợi hợp pháp của trẻ em, giáo viên, cán bộ và nhân viên sau khi nhà trường, nhà trẻ dân lập bị giải thể; phương án giải quyết tài chính, tài sản của nhà trường, nhà trẻ dân lập.
c) Trong trường hợp đại diện cộng đồng dân cư đứng tên xin thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập đề nghị giải thể thì hồ sơ giải thể gồm: tờ trình đề nghị giải thể của cộng đồng dân cư thành lập nhà trường, nhà trẻ.
c) Trình tự, thủ tục giải thể nhà trường, nhà trẻ.
- Đại diện cộng đồng dân cư thành lập nhà trường, nhà trẻ có nhu cầu giải thể, nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Trong trường hợp có phát hiện hoặc báo cáo của cơ quan, cộng đồng dân cư về việc nhà trường, nhà trẻ có hành vi vi phạm một trong những trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, Phòng giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày, tiến hành kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ giải thể, thông báo cho nhà trường, nhà trẻ dân lập và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong đó phải nêu rõ lý do giải thể;
- Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giải thể nhà trường, nhà trẻ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét quyết định giải thể hoặc không giải thể nhà trường, nhà trẻ dân lập.
d) Quyết định giải thể nhà trường, nhà trẻ dân lập cần nêu rõ lý do giải thể, các biện pháp bảo đảm quyền lợi của trẻ em, giáo viên, cán bộ và nhân viên trong trường; phương án giải quyết tài sản, tài chính của trường, bảo đảm tính công khai, minh bạch. Quyết định giải thể nhà trường, nhà trẻ dân lập phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
1. Hội đồng quản trị là tổ chức đại diện quyền sở hữu của nhà trường, nhà trẻ dân lập, do cộng đồng dân cư xin thành lập trường đề cử, chịu trách nhiệm quyết định phương hướng hoạt động, quy hoạch, kế hoạch phát triển, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục, phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Cơ cấu tổ chức, nội quy hoạt động của Hội đồng quản trị
a) Cơ cấu tổ chức
- Đối tượng tham gia Hội đồng quản trị gồm đại diện cộng đồng dân cư thôn, bản, ấp, xã, phường, thị trấn, đại diện chính quyền ở cơ sở và những người góp vốn xây dựng và duy trì hoạt động của trường;
- Số lượng thành viên Hội đồng quản trị không quá 11 (mười một) thành viên, gồm: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Thư ký và các thành viên.
b) Nội quy hoạt động
- Hội đồng quản trị họp thường kỳ 3 tháng 1 lần. Phiên họp Hội đồng quản trị được công nhận là hợp lệ khi có mặt từ 3/4 (ba phần tư) số thành viên của Hội đồng quản trị trở lên. Việc tổ chức họp Hội đồng bất thường do Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định, nhưng phải được ít nhất 1/3 (một phần ba) số thành viên hội đồng quản trị đồng ý. Các Nghị quyết của Hội đồng quản trị được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản. Nghị quyết của Hội đồng quản trị được xây dựng theo nguyên tắc: mỗi thành viên Hội đồng quản trị có một phiếu biểu quyết và mọi quyết định chỉ có hiệu lực khi được quá nửa số thành viên Hội đồng quản trị nhất trí. Trường hợp số phiếu tán thành và không tán thành bằng nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về Chủ tịch Hội đồng quản trị;
- Văn bản và nghị quyết của Hội đồng quản trị phải do Chủ tịch Hội đồng quản trị ký. Các nghị quyết của Hội đồng quản trị được công bố công khai trong toàn nhà trường, nhà trẻ;
- Căn cứ vào cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị, cộng đồng dân cư xin thành lập nhà trường, nhà trẻ tổng hợp danh sách nhân sự, làm tờ trình đề nghị Phòng giáo dục và đào tạo ra quyết định công nhận Hội đồng quản trị;
- Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị là 05 (năm) năm tính từ ngày có quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 14. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản trị
1. Xây dựng định hướng chiến lược phát triển và chỉ đạo tổ chức, hoạt động của nhà trường. Xây dựng và ban hành các quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức thu, chi tài chính của trường phù hợp với quy định của pháp luật và chế độ quản lý tài chính. Huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng trường, phê duyệt dự toán, quyết toán tài chính hàng năm và giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của nhà trường.
2. Xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định của trường khi cần thiết.
3. Đề cử Hiệu trưởng để Trưởng phòng giáo dục và đào tạo xem xét, ra quyết định công nhận. Bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng theo đề cử của Hiệu trưởng. Phê duyệt phương án chung về tổ chức bộ máy, biên chế và những vấn đề liên quan đến tổ chức, nhân sự của trường trên cơ sở đề xuất của Hiệu trưởng. Đề xuất, miễn nhiệm Hiệu trưởng, bãi nhiệm Phó Hiệu trưởng.
4. Giám sát hoạt động, điều hành của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng nhằm bảo đảm cho mọi hoạt động của nhà trường được triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 15. Chủ tịch Hội đồng quản trị
1. Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đứng đầu của Hội đồng quản trị, do Hội đồng quản trị bầu và được Trưởng phòng giáo dục và đào tạo ra quyết định công nhận theo đề nghị của Hội đồng quản trị. Chủ tịch hội đồng quản trị phải có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn giáo dục mầm non ít nhất 30 ngày hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể được kiêm nhiệm giữ chức Hiệu trưởng, nếu có đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 16 Quy chế này. Nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng quản trị là 5 (năm) năm.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn:
a) Nhiệm vụ :
- Chịu trách nhiệm trước Nhà nước và pháp luật về các quyết định của Hội đồng quản trị;
- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Phòng giáo dục và đào tạo về toàn bộ hoạt động của nhà trường, nhà trẻ dân lập;
- Có trách nhiệm đầu tư và quản lý cơ sở vật chất trường lớp; cung cấp trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu giảng dạy và học tập đáp ứng nhu cầu, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ;
- Tuyển chọn đội ngũ giáo viên, trực tiếp ký hợp đồng sử dụng giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật về hợp đồng lao động;
- Trả tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, các chi phí khác cho giáo viên, nhân viên theo hợp đồng lao động theo hướng dẫn của Phòng giáo dục và đào tạo;
- Bảo đảm an toàn và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non;
- Công khai các nguồn thu với cha mẹ hoặc người bảo trợ trẻ em, thực hiện thu, chi theo quy định tài chính.
b) Quyền hạn:
- Ký hợp đồng lao động với Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng sau khi được Trưởng phòng giáo dục và đào tạo quyết định công nhận;
- Được phép thoả thuận mức học phí với cha mẹ hoặc người bảo trợ trẻ;
- Được quyền điều hành bộ máy tổ chức, sử dụng con dấu của nhà trường, nhà trẻ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Chủ trì các hoạt động và tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng quản trị.
3. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt hoặc không còn khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao thì người được Chủ tịch Hội đồng quản trị ủy quyền sẽ thực hiện các quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị. Trường hợp không có người được uỷ quyền thì các thành viên của Hội đồng quản trị chọn một người tạm thời điều hành thay Chủ tịch Hội đồng quản trị cho đến khi Hội đồng quản trị bầu được Chủ tịch hội đồng quản trị thay thế.
1. Hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ dân lập là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được Trưởng phòng giáo dục và đào tạo quyết định công nhận, khi được đề cử không quá 65 tuổi. Nhiệm kỳ của Hiệu trưởng là 05 (năm) năm.
2. Hiệu trưởng là người trực tiếp quản lý và điều hành các hoạt động của nhà trường, nhà trẻ chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan quản lý giáo dục về việc tổ chức, điều hành các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và những hoạt động khác trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
3. Hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ dân lập phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau:
a) Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non trở lên; có ít nhất 05 năm giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non;
b) Chấp hành đầy đủ chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước;
c) Có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, uy tín về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khoẻ tốt, đủ năng lực tổ chức, quản lý theo chức năng nhiệm vụ được giao, có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục.
4. Hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ dân lập có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
a) Tham gia xây dựng quy hoạch phát triển, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch chăm sóc, giáo dục trẻ của từng năm học; đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện với Uỷ ban nhân dân cấp xã, Phòng giáo dục và đào tạo;
b) Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng, hội đồng thi đua khen thưởng, hội đồng tư vấn trong nhà trường, nhà trẻ, bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn theo quy định;
c) Tổ chức, điều hành, tiếp nhận, quản lý trẻ, thực hiện các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; đề xuất khen thưởng, phê duyệt kết quả đánh giá trẻ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; bảo đảm trật tự an ninh, môi trường sạch, đẹp, an toàn trong nhà trường, nhà trẻ dân lập;
d) Dự các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý; được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định;
đ) Tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng quản trị; lập dự toán kinh phí hoạt động hàng năm; báo cáo định kỳ về tài chính và các hoạt động của nhà trường, nhà trẻ theo quy định; kiến nghị biện pháp huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực trình Hội đồng quản trị phê duyệt; thực hiện xã hội hoá giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ và phát triển nhà trường, nhà trẻ;
e) Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội trong nhà trường, nhà trẻ hoạt động;
g) Là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng giáo viên; phân công, quản lý, đánh giá, xếp loại; khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định; thực hiện các quy định của Nhà nước, quyết định của Hội đồng quản trị về lao động- tiền lương, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm, trợ cấp xã hội và thực hiện chế độ nghỉ hè, nghỉ các ngày lễ theo quy định cho cán bộ, giáo viên và nhân viên;
h) Được tham gia các cuộc họp của Hội đồng quản trị (nếu không phải là thành viên) nhưng không có quyền biểu quyết. Trong trường hợp cần thiết, Hiệu trưởng có quyền bảo lưu ý kiến khi không nhất trí với quyết định của Hội đồng quản trị và báo cáo cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp; có thể được đề cử đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị nếu có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 15 Quy chế này.
5. Trong cùng một thời gian, một người chỉ được làm Hiệu trưởng một nhà trường hoặc một nhà trẻ dân lập.
1. Ban kiểm soát do cộng đồng dân cư ở cơ sở đề cử, gồm 03 đến 05 người, trong đó có đại diện những người thành lập, giáo viên, nhân viên, đại diện cha mẹ trẻ em. Ban kiểm soát phải có ít nhất 01 thành viên có trình độ chuyên môn tối thiểu là sơ cấp kế toán.
2. Hiệu trưởng, kế toán không tham gia ban kiểm soát.
3. Ban kiểm soát có nhiệm vụ và quyền hạn như sau: Thực hiện việc giám sát các hoạt động của nhà trường và chịu trách nhiệm trước cộng đồng dân cư về việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ theo quy định. Giám sát, kiểm tra các hoạt động của nhà trường; của Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu và các tổ chức, đơn vị trong trường. Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp trong việc quản lý, điều hành hoạt động của trường và việc ghi chép sổ kế toán, báo cáo tài chính. Thẩm định báo cáo tài chính hàng năm của trường; kiểm tra cụ thể các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, điều hành hoạt động của trường.
Điều 18. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam và đoàn thể
Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội khác hoạt động theo quy định của Pháp luật và Điều lệ của từng tổ chức nhằm giúp nhà trường, nhà trẻ dân lập thực hiện mục tiêu giáo dục.
Điều 19. Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo
1.Trẻ em được tổ chức theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo.
a) Đối với nhóm trẻ: trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi được tổ chức thành các nhóm trẻ. Số trẻ tối đa trong một nhóm trẻ được quy định như sau:
- Nhóm trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi: 15 trẻ;
- Nhóm trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi: 20 trẻ;
- Nhóm trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi: 25 trẻ.
b) Đối với lớp mẫu giáo: Trẻ em từ ba tuổi đến sáu tuổi được tổ chức thành các lớp mẫu giáo. Số trẻ tối đa trong một lớp mẫu giáo được quy định như sau:
- Lớp mẫu giáo 3 - 4 tuổi: 25 trẻ;
- Lớp mẫu giáo 4 - 5 tuổi: 30 trẻ;
- Lớp mẫu giáo 5 - 6 tuổi: 35 trẻ.
c) Nếu số lượng trẻ em trong mỗi nhóm, lớp không đủ 50% so với số trẻ được quy định tại điểm a và điểm b, khoản 1 Điều này thì được tổ chức thành nhóm trẻ ghép hoặc lớp mẫu giáo ghép;
d) Nếu nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có một trẻ khuyết tật học hòa nhập thì số trẻ của lớp được giảm 5 trẻ so với quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này. Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có không quá hai trẻ khuyết tật;
đ) Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có đủ số lượng giáo viên theo quy định hiện hành.
2. Tuỳ theo điều kiện địa phương, nhà trường, nhà trẻ được mở thêm nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo (gọi là điểm trường) ở những địa bàn khác nhau trong cùng 1 xã, phường, thị trấn để thuận tiện cho trẻ đi học.
3. Mỗi nhà trường, nhà trẻ dân lập không được quá 7 điểm trường.
Điều 20. Chương trình và hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
1. Nhà trường, nhà trẻ dân lập có trách nhiệm thực hiện chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
2. Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ dân lập tổ chức hoạt động và thực hiện đánh giá kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo quy định tại Điều lệ trường mầm non; quan tâm để trẻ dân tộc thiểu số được giao tiếp bằng tiếng Việt; trẻ khuyết tật được giáo dục hoà nhập.
3. Có hệ thống hồ sơ, sổ sách phục vụ hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định tại Điều lệ trường mầm non. Đối với những nơi tổ chức bán trú phải có thực đơn cho trẻ ăn hàng ngày và có sổ theo dõi thu, chi tiền ăn của trẻ.
Điều 21. Quan hệ giữa nhà trường, nhà trẻ dân lập với gia đình và cộng đồng dân cư
1. Nhà trường, nhà trẻ dân lập chủ động phối hợp với cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội và cá nhân có liên quan để thực hiện:
a) Tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học nuôi dạy trẻ cho cha mẹ và cộng đồng; Phối hợp với cơ quan y tế thực hiện phòng bệnh, khám sức khoẻ định kỳ cho trẻ em;
b) Huy động các nguồn lực trong cộng đồng chăm lo sự nghiệp giáo dục mầm non; góp phần xây dựng cơ sở vật chất; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn; nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
2. Gia đình có trách nhiệm thường xuyên liên hệ và tham gia các hoạt động của nhà trường, nhà trẻ dân lập để được thông báo kịp thời tình hình của trẻ em, nhằm phối hợp và thống nhất trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
3. Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ dân lập có Ban đại diện cha mẹ trẻ em. Ban đại diện cha mẹ trẻ em tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; phối hợp, tham gia kiểm tra, giám sát các hoạt động của nhà trường, nhà trẻ dân lập nhằm bảo đảm mục tiêu và chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ em.
4. Hàng năm, nhà trường, nhà trẻ, phải ký kết hợp đồng dân sự giữa cơ sở giáo dục mầm non với Ban đại diện cha mẹ trẻ em hoặc từng phụ huynh về việc đảm bảo an toàn cho trẻ.
GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN VÀ TRẺ EM
Điều 22. Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của giáo viên, nhân viên
1. Tiêu chuẩn
Giáo viên, nhân viên của nhà trường, nhà trẻ dân lập phải có đủ các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và sức khỏe quy định tại Luật Giáo dục và Điều lệ trường mầm non.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn
a) Thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo hợp đồng lao động đã ký với nhà trường; có nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Luật Giáo dục và Điều lệ trường mầm non;
b) Giáo viên, nhân viên được hưởng chế độ tiền lương, tiền công, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường và hợp đồng lao động;
Điều 23. Những hành vi giáo viên và nhân viên không được làm
1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em và đồng nghiệp.
2. Xuyên tạc nội dung giáo dục.
3. Đối xử không công bằng với trẻ em.
4. Bớt xén khẩu phần ăn của trẻ, làm việc riêng khi đang tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
5. Giáo viên không được bỏ giờ, bỏ buổi dạy, cắt xén chương trình nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ.
6. Có biểu hiện tiêu cực trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Điều 24. Quyền và nhiệm vụ của trẻ em
1. Trẻ em ở nhà trường, nhà trẻ dân lập có những quyền sau:
a) Được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo mục tiêu, kế hoạch giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
b) Được chăm sóc sức khoẻ ban đầu: khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập;
c) Được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu. Trẻ khuyết tật được chăm sóc và giáo dục hoà nhập theo quy định;
d) Trang phục sạch sẽ, gọn gàng, phù hợp lứa tuổi, thuận tiện cho các hoạt động vui chơi và học tập;
đ) Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Yêu cầu đối với trẻ em trong nhà trường, nhà trẻ dân lập
a) Trẻ chuyên cần, tham gia các hoạt động chăm sóc, giáo dục dành cho trẻ em;
b) Có lời nói, cử chỉ lễ phép, có thói quen vệ sinh văn minh phù hợp lứa tuổi;
c) Giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, nhà trường, nhà trẻ và nơi công cộng.
1. Nhà trường, nhà trẻ dân lập hoạt động trên nguyên tắc tự cân đối thu chi, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, kiểm toán, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền theo quy định hiện hành.
2. Thực hiện chế độ quản lý tài chính, chế độ kế toán, thống kê và chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước đối với các đơn vị ngoài công lập trong lĩnh vực giáo dục.
3. Tài sản, tài chính của trường dân lập thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng dân cư ở cơ sở.
Điều 26. Nguồn kinh phí hoạt động
Kinh phí hoạt động của nhà trường, nhà trẻ dân lập gồm: hỗ trợ của chính quyền địa phương về tài chính, xây dựng cơ sở vật chất; đóng góp của cộng đồng dân cư; thu theo thỏa thuận của cha mẹ học sinh theo nguyên tắc đủ thu, đủ chi; các khoản thu từ các nguồn tài trợ, quà biếu, tặng, cho, thừa kế; thu học phí (nếu có); các nguồn thu hợp pháp khác.
1. Chi tiền lương, phụ cấp lương, tiền công, tiền thưởng; các khoản đóng góp bảo hiểm; hoạt động đoàn thể; các khoản chi phí cho hoạt động chuyên môn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên của trường; chi quản lý hành chính; chi phúc lợi tập thể, khen thưởng.
2. Chi đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi; tài liệu giảng dạy và học tập; chi trả tiền thuê cơ sở vật chất (nếu có); chi khấu hao tài sản cố định.
3. Chi đầu tư phát triển nhà trường.
4. Chi tiền ăn và phục vụ trẻ bán trú (nếu có).
5. Các khoản chi hợp pháp khác.
Điều 28. Quản lý và sử dụng tài chính
1. Nhà trường, nhà trẻ dân lập phải quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả vốn vay, vốn huy động như đã cam kết với tổ chức, cá nhân cho vay, huy động vốn.
2. Nội dung các khoản chi và mức chi do nhà trường, nhà trẻ dân lập tự quyết định và chịu trách nhiệm, phải bảo đảm tuân thủ các quy định của Nhà nước. Các nội dung chi phải được theo dõi, phản ánh đầy đủ trên sổ sách kế toán.
3. Nhà trường, nhà trẻ phải thường xuyên tự kiểm tra, nghiêm chỉnh chấp hành việc kiểm tra của cơ quan tài chính cấp trên theo quy định của Nhà nước về việc kiểm tra sử dụng kinh phí và tình hình tăng, giảm nguồn vốn của nhà trường.
4. Định kỳ hàng quý và hàng năm, nhà trường, nhà trẻ dân lập phải lập báo cáo hoạt động tài chính gửi cơ quan quản lý ngành, cơ quan tài chính theo chế độ kế toán hiện hành áp dụng cho các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập. Tổ chức công tác kế toán, thống kê theo quy định của pháp luật.
5. Hàng năm, nhà trường, nhà trẻ dân lập thực hiện công khai hoạt động tài chính: mức thu học phí, các khoản thu và các khoản chi.
Điều 29. Yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập
1. Nhà trường, nhà trẻ dân lập phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại mục 1, Chương 4, Điều lệ trường mầm non và các yêu cầu cụ thể dưới đây:
a) Nhà trường, nhà trẻ được đặt tại khu dân cư phù hợp quy hoạch chung, thuận lợi cho trẻ em đến trường, lớp; bảo đảm các quy định về an toàn và vệ sinh trường học;
b) Khuôn viên của nhà trường, nhà trẻ phải có tường bao ngăn cách với bên ngoài, có cổng bảo đảm an toàn cho trẻ em.
c) Tên nhà trường, nhà trẻ; biển tên nhà trường, nhà trẻ dân lập thực hiện theo quy định tại Điều 7 Điều lệ trường mầm non
2. Yêu cầu chung về các công trình xây dựng
a) Các công trình phải bảo đảm đúng quy cách theo tiêu chuẩn quy định và quy định về vệ sinh trường học hiện hành; xây dựng khối nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập với khối phục vụ;
b) Bố trí công trình cần đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo độ tuổi; có lối thoát hiểm và trang bị đầy đủ phương tiện theo quy định về phòng cháy, chữa cháy;
c) Bảo đảm điều kiện cho trẻ em khuyết tật tiếp cận và sử dụng thuận tiện.
3. Phòng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em
a) Phòng sinh hoạt chung: Diện tích trung bình tối thiểu 1,5m2 cho một trẻ; đủ ánh sáng, thoáng; mát; nền nhà láng xi măng, lát gạch hoặc gỗ; có các thiết bị tối thiểu sau:
- Bàn, ghế của trẻ đúng quy cách và đủ cho số trẻ trong lớp;
- Bàn, ghế, bảng cho giáo viên;
- Hệ thống tủ, kệ, giá đựng đồ chơi, đồ dùng, tài liệu;
- Hệ thống đèn, quạt;
Có thể sử dụng phòng sinh hoạt chung làm nơi ăn, ngủ cho trẻ mẫu giáo.
b) Phòng ngủ: Diện tích trung bình tối thiểu 1,2m2 cho một trẻ; bảo đảm yên tĩnh, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông; có một số đồ dùng tối thiểu sau: giường, chiếu, chăn, gối, màn, quạt ...
c) Phòng vệ sinh: Diện tích trung bình tối thiểu 0,4 m2 cho một trẻ; có đủ nước cho trẻ dùng, có vòi nước rửa tay, vòi tắm. Đối với trẻ nhà trẻ có ghế ngồi bô hoặc máng tiểu, bệ xí cho trẻ 24 - 36 tháng. Đối với trẻ mẫu giáo có chỗ đi tiểu và bệ xí cho trẻ em trai và trẻ em gái riêng;
d) Hiên chơi: Chiều rộng tối thiểu 1,8m; có lan can bao quanh cao 1m, bảo đảm an toàn cho trẻ.
4. Nhà bếp
a) Có khu sơ chế, chế biến, nấu ăn, chia thức ăn được thiết kế và tổ chức theo dây chuyền hoạt động một chiều;
b) Nhà bếp phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
- Có đủ nước sạch phục vụ sinh hoạt;
- Có đủ đồ dùng phục vụ trẻ em ăn bán trú tại trường;
- Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; có tủ lạnh lưu mẫu thực phẩm của trẻ em ăn bán trú theo quy định;
- Bảo đảm việc xử lý các chất thải đúng quy định và yêu cầu phòng chống cháy nổ.
5. Khối phòng khác:
a) Khối phòng phục vụ học tập: phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật hoặc phòng đa chức năng;
b) Khối phòng hành chính quản trị: văn phòng; phòng ban giám hiệu; phòng hành chính quản trị; phòng y tế.
6. Yêu cầu về thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu
a) Có đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu theo danh mục, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được sử dụng có hiệu quả trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Nếu các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu ngoài danh mục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành phải đảm bảo tính giáo dục, an toàn, phù hợp với trẻ em mầm non; không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu của Chính phủ;
b) Các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu được bảo quản, sửa chữa, thay thế, bổ sung, nâng cấp thường xuyên; có hệ thống sổ sách phục vụ hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định tại Điều 25 Điều lệ trường mầm non.
7. Sân vườn: Có sân chơi, đồ chơi ngoài trời và cây xanh.
Điều 30. Quản lý và sử dụng tài sản
1. Tài sản của nhà trường, nhà trẻ dân lập bao gồm: tài sản của cộng đồng dân cư đóng góp, của Nhà nước đầu tư khi thành lập và phần tài sản được hình thành trong quá trình hoạt động (kể cả tài sản được hiến, tặng hoặc viện trợ không hoàn lại).
2. Theo định kỳ hàng năm, nhà trường, nhà trẻ dân lập thành lập hội đồng kiểm kê định giá trị giá tài sản và tái đầu tư, bổ sung tài sản. Đối với tài sản không cần dùng hoặc hết giá trị có thể thanh lý, bán để thu hồi nguồn tài chính cho trường.
THANH TRA, KIỂM TRA, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÍ VI PHẠM
1. Nhà trường, nhà trẻ có trách nhiệm thường xuyên thực hiện việc tự kiểm tra các hoạt động theo quy định hiện hành.
2. Cơ quan quản lý giáo dục có trách nhiệm kiểm tra, kiểm định chất lượng, thanh tra theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non dân lập và giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo Luật Khiếu nại tố cáo và Luật Thanh tra.
Tập thể, cá nhân, cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường, nhà trẻ dân lập có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục mầm non được khen thưởng theo quy định tại Luật Thi đua khen thưởng.
1. Nhà trường, nhà trẻ dân lập không được phép cho bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào lợi dụng danh nghĩa, sử dụng cơ sở của nhà trường, nhà trẻ tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật và thực hiện các hành vi thương mại hoá hoạt động giáo dục, vụ lợi, không đúng với mục tiêu đề án hoạt động của nhà trường.
2. Trường hợp có đủ căn cứ chứng minh nhà trường, nhà trẻ dân lập không chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước, các quy chế, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; không bảo đảm an toàn và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; không bảo đảm yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất, trang thiết bị; hoặc không có quyết định cho phép thành lập mà vẫn hoạt động thì tùy mức độ sẽ bị xử lý một trong các hình thức sau:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành;
d) Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc giải thể nhà trường, nhà trẻ dân lập./.
- 1Thông tư 41/2013/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Dự bị đại học ban hành kèm theo Thông tư 24/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- 2Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3Thông tư 13/2018/TT-BGDĐT sửa đổi Điều 14 của Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục kèm theo Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 1Luật Thi đua, Khen thưởng sửa đổi 2005
- 2Luật Giáo dục 2005
- 3Nghị định 75/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Giáo dục
- 4Luật Thi đua, Khen thưởng 2003
- 5Nghị định 32/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- 6Luật giáo dục sửa đổi năm 2009
- 7Luật thanh tra 2010
- 8Nghị định 115/2010/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục
- 9Nghị định 31/2011/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 75/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục
- 10Luật khiếu nại 2011
- 11Thông tư 41/2013/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Dự bị đại học ban hành kèm theo Thông tư 24/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- 12Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 13Thông tư 13/2018/TT-BGDĐT sửa đổi Điều 14 của Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục kèm theo Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Thông tư 21/2012/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non dân lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- Số hiệu: 21/2012/TT-BGDĐT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 15/06/2012
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Người ký: Nguyễn Thị Nghĩa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 407 đến số 408
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra