Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 206-TT/HCVX | Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 1969 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP TIỀN TÀU XE CHO CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC TRONG CÁC TRƯỜNG HỢP ĐI KHÁM BỆNH, ĐIỀU TRỊ, ĐI NGHỈ PHÉP VÀ THÔI VIỆC VỀ QUÊ QUÁN
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Kính gửi | - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc hội đồng chính phủ |
Ngày 06/01/1968, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04-TT/HCVX quy định chế độ phụ cấp cho cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước khi đi công tác ở trong nước(gọi tắt là công tác phí).
Vận dụng thông tư nói trên vào các trường hợp không coi là đi công tác (đi khám bệnh, điều trị, đi nghỉ phép, thôi việc trở về quê quán) và để thuận tiện cho việc thi hành thông tư, nay tổng hợp, bổ sung các quy định trước đây của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Bộ Tài chính, sau khi đã thống nhất ý kiến giữa các Bộ nói trên và Tổng công đoàn Việt Nam.
I. TRƯỜNG HỢP ĐI KHÁM BỆNH ĐIỀU TRỊ
1. Phụ cấp tiền tàu xe.
Công nhân, viên chức nam, nữ đau ốm (kể cả trường hợp bị tai nạn) được đi khám bệnh điều trị, hoặc được cơ quan, xí nghiệp giới thiệu đi lắp chân giả, mắt giả… nữ công nhân, viên chức đi khám phụ khoa, khám thai, đi điều trị vì sẩy thai hoặc đi đẻ,… khi đi và về cũng như khi chuyển viện, ra viện, đều được trợ cấp tiền tàu xe như sau:
a) Trường hợp cấp cứu:
- Do y tế cơ quan, xí nghiệp hoặc thủ trưởng đơn vị chứng nhận, và được thanh toán theo thực chi cho lượt đi bệnh viện bằng bất cứ phương tiện vận tải nào thuận tiện nhất (kể cả võng, cáng…) dùng để chuyên chở người bệnh.
Đối với lượt về, đã nhẹ bệnh thì giải quyết tiền tàu xe như quy định cho trường hợp bình thường nói dưới đây:
- Trường hợp ốm nặng, nhưng chưa đến mức cấp cứu, mà người bệnh không thể tự mình đến bệnh viện được, nếu phải đi bằng các phương tiện giao thông vận tải thô sơ như xích lô, xe ngựa… do y tế cơ quan, xí nghiệp hoặc thủ trưởng đơn vị chứng nhận, thì được thanh toán tiền thuê phương tiện tính theo giá cước chính thức ở địa phương.
b) Trường hợp bình thường:
Được thanh toán theo thực chi khi đi bằng các phương tiện vận tải công cộng của Nhà nước hoặc đã được Nhà nước quản lý và quy định giá cước vận chuyển, như xe lửa, xe điện, ô tô, canô, tàu thủy, đò ngang.
Nếu không có các phương tiện công cộng của Nhà nước như đã kể trên, hoặc có nhưng không thuận tiện mà công nhân, viên chức phải tranh thủ thời gian sử dụng các phương tiện vận tải khác như xe ngựa, xích lô, thuyền (đò dọc)… hoặc phải đi bộ, đi xe đạp tư, xe máy tư, thì được thanh toán một khoản phụ cấp thay vào tiền tàu xe ấn định là 0đ03 (ba xu) một kilômét.
Để tránh phiền phức cho công việc thanh toán, đối với trường hợp đi các quãng đường ngắn (số tiền được hưởng mỗi lầnquá ít), thì đến cuối tháng sẽ cộng những lần đã đi khám bệnh hay điều trị trong tháng để tính tiền tàu xe hoặc phụ cấp thay vào tiền tàu xe. Nếu trong một tháng, số tiền được thanh toán tính ra không bằng một nửa định suất công tác phí hiện hành thì bỏ, không chuyển cộng với những lần đi các tháng sau để tính.
c) Điều khoản phụ.
- Trong tất cả các trường hợp kể trên, đều không cấp cước phí xe đạp, xe máy mang theo, hoặc phụ cấp hao mòn xe tư và phụ cấp đi đường.
- Công nhân, viên chức đưa người bệnh là công nhân, viên chức đến bệnh viện, được hưởng các khoản phụ cấp đi đường như đi công tác.
- Công nhân, viên chức đưa con đi khám bệnh không thuộc phạm vi các quy định trên.
2. Phụ cấp lưu trú.
Công nhân, viên chức từ các tỉnh khác đến để khám bệnh hoặc điều trị ở các bệnh viện khu vực hay Trung ương, nếu bệnh viện thiếu chỗ nằm, phải điều trị ngoài trú (có chứng nhận của bệnh viện) mà cơ quan cùng hay khác ngành cũng không sắp xếp được nơi ăn, chốn ở nên phải ở trọ, thì được hưởng phụ cấp lưu trú và tiền trọ như quy định tại mục IV, điểm 1 của Thông tư số 04-TT/HCVX ngày 06/01/1968 về chế độ công tác phí.
Khoản chi về tiền tàu xe, phụ cấp lưu trú và tiền trọ của công nhân viên chức đi khám bệnh, điều trị, do cơ quan, xí nghiệp thanh toán và ghi vào một tiết riêng “tiền tàu xe đi khám bệnh điều trị” trong mục “Y tế - Vệ sinh” của mục lục ngân sách, chứ không trích trongquỹ bảo hiểm xã hội.
Riêng đối với trường hợp chuyển viện thì tiền tàu xe do bệnh viện thanh toán vào kinh phí của Bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế.
Để khỏi lẫn với trường hợp đi công tác, cơ quan, xí nghiệp không cấp giấy đi đường cho công nhân, viên chức khi đi khám bệnh, điều trị. Việc thanh toán tiền tàu xe đi khám bệnh, điều trị căn cứ vào giấyra viện hoặc tờ khai của công nhân, viên chức, có xác nhận của y tế cơ quan, xí nghiệp hoặc của thủ trưởng đơn vị, và có kèm theo vé tàu xe (nếu đi tàu, xe có phát vé).
Công nhân, viên chức đang nghỉ việc vì mất sức lao động hoặcđã về hưu, khi đi khám bệnh, điều trị, cũng được trợ cấp tiền tàu xe, phụ cấp lưu trú và tiền trọ (nếu có) như công nhân, viên chức tại chức. Các khoản này do Ủy ban hành chính nơi công nhân, viên chức cư trú thanh toán vào quỹ bảo hiểm xã hội (phần thuộc Bộ Nội vụ quản lý), và ghi sổ sách theo sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
II. TRƯỜNG HỢP ĐI NGHỈ PHÉP
1. Trong dịp được nghỉ phép năm, nếu công nhân, viên chức về thăm gia đình hay đến một nơi nghỉ nhất định, thì được trợ cấp tiền tàu xe (cả hai lượt đi, về), theo giá vé các phương tiện vận tải công cộng thông thường của Nhà nước, như xe lửa, xe điện, ô tô, canô, tàu thủy, đò ngang; không có phụ cấp đi đường, phụ cấp tạm trú và tiền trọ, hoặc phụ cấp cước phí xe đạp, xe máy mang theo và phụ cấp hao mòn xe tư.
Nếu không có các phương tiện nói trên nên phải đi bộ, đi xe đạp tư hay sử dụng các phương tiện vận tải khác, thì được thanh toán một khoản phụ cấp thay vào tiền tàu xe ấn định là 0đ03 (ba xu) một kilômét.
Nếu quãng đường đi nghỉ phép từ 10 kilômét trở xuống thì không có phụ cấp tiền tàu xe.
Trong một năm chỉ được thanh toán một lần tiền tàu xe đi nghỉ phép (hoặc tiền phụ cấp thay vào tiền tàu xe), dù có được phép nghỉ dồn các năm trước.
2. Đi nghỉ phép về việc riêng, không có trợ cấp tiền tàu xe. Trường hợp kết hợp với nghỉ phép năm để giải quyết việc riêng và trong năm đó chưa được thanh toán tiền tàu xe đi nghỉ phép năm lần nào, thì hưởng trợ cấp như quy định ở điểm 1.
3. Khoản chi về tiền tàu xe cho công nhân, viên chức đi nghỉ phép do cơ quan, xí nghiệp thanh toán, căn cứ vào giấy nghỉ phép năm có chứng nhận của địa phương nơi đến, kèm theo vé tàu xe (nếu đi tàu, xe có phát vé) và ghi vào mục “Phúc lợi tập thể” của mục lục ngân sách.
III. TRƯỜNG HỢP THÔI VIỆC VỀ QUÊ QUÁN
Công nhân, viên chức thôi việc (không phân biệt trường hợp được trợ cấp hay không được trợ cấp thôi việc), hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động hoặc về hưu, nếu đi về quê quán hay đi đến nơi định cư, hoặc nhà an dưỡng của Nhà nước đều được trợ cấp tiền tàu xe và tiền ăn đường như sau:
1. Trường hợp nơi ở mới cách xa chỗ ở cũ trên 10km.
a) Bản thân công nhân, viên chức được hưởng:
- Tiền tàu xe theo thực chi, nếu là đi xe lửa, xe điện, ô tô, ca nô, tàu thủy, đò ngang, hoặc một khoản phụ cấp thay vào tiền tàu xe (nếu chặng đường không có các phương tiện nói trên) ấn định là 0đ03 (ba xu) một kilômét và kể từ kilômét đầu.
- Tiền cước hành lý không qúa 70 kilôgam (không kể số kilôgam được miễn cước phí theo quy định của cơ quan vận tải), tiền chuyên chở hành lý bằng phương tiện thô sơ như xích lô, xe bò, ba gác… tính theo giá cước chính thức ở địa phương, từ nơi ở cũ đến nhà ga, bến tàu, bến xe và từ nhà ga, bến tàu, bến xe về nơi ở mới.
- Tiền cước xe đạp hoặc xe máy mang theo, nếu có.
- Tiền ăn đường mỗi ngày 1đ20 (nửa ngày 0đ60).
b) Những người trong gia đình gồm bố, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ chung, con nuôi, con riêng) ngày thường vẫn sống chung với công nhân, viên chức, nay cùng đi (hoặc đi sau vào dịp khác), được hưởng:
- Tiền xe hoặc phụ cấp thay vào tiền tàu xe như trên.
- Tiền cước hành lý không qúa 30 kilôgam mỗi người (không kể số kilôgam được miễn cước phí theo quy định của cơ quan vận tải).
- Tiền ăn đường mỗi người 0đ60 một ngày (nửa ngày 0đ30).
2. Trường hợp nơi ở mới cách xa chỗ ở cũ từ 10km trở xuống.
Bản thân công nhân, viên chức cũng như người trong gia đình cùng đi, chỉ được cấp tiền tổn phí chuyên chở hành lý với trọng lượng quy định trên đây, tính theo giá cước chính thức của các phương tiện thô sơ nói ở điểm 1-a, nếu thực tế có phải thuê chuyên chở.
Cơ quan, xí nghiệp có công nhân, viên chức thôi việc (kể cả nghỉ việc vì mất sức lao động và về hưu), căn cứ vào giấy tờ chứng nhận, cắt hộ khẩu và lương thực ở nơi ở cũ, cần tính toán thật sát để cấp phát đầy đủ và đúng chế độ các khoản trợ cấp nói trên cho công nhân, viên chức và gia đình đi theo, nếu có, trước khi công nhân, viên chức rời khỏi đơn vị.
Cần chú ý: chỉ cấp tiền cước hành lý cùng với tiền tàu xe nếu chặng đường có các phương tiện vận tải như quy định tại điểm 1-a trên đây; trường hợp cấp khoản phụ cấp thay vào tiền tàu xe thì thôi không tính riêng tiền cước hành lý.
Nếu vì lý do đó mà sau khi thôi việc chưa về quê quán hay vào nhà an dưỡng ngay, sau một thời gian mới chuyển đi, thì cũng vẫn được cơ quan, xí nghiệp cũ thanh toán tiền tàu xe và tiền ăn đường theo như quy định ở trên.
Các khoản trợ cấp tiền tàu xe và tiền ăn đường cho công nhân, viên chức thôi việc hoặc về hưu nói trong mục này được quyết toán vào mục “Chi về công tác xã hội” của mục lục ngân sách.
Thông tư này thi hành kể từ ngày 01/01/1970 và áp dụng chung cho tất cả các cơ quan hành chính sự nghiệp, các xí nghiệp kinh doanh, sản xuất từ cấp huyện trở lên, không phân biệt ở miền núi hay ở miền xuôi.
Ở khu vực kinh doanh, sản xuất, các khoản chi quy định trong thông tư này đều hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông (mục quản lý phí).
Đối với những trường hợp đi khám bệnh, điều trị và đi nghỉ phép trước ngày thi hành thông tư này (01/01/1970), nếu trở về cơ quan, xí nghiệp sau ngày đó, thì thanh toán theo quy định của thông tư này.
Những quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
- 1Thông tư 18-LĐTBXH-BTXH năm 1992 hướng dẫn trợ cấp tiền tàu xe đi lại đối với công nhân, viên chức và quân nhân về hưu do Bộ Tài chính-Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành
- 2Thông tư 5-TBXH-1983 bổ sung việc trợ cấp tiền tầu, xe cho công nhân viên chức và quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động do Bộ Thương binh và xã hội ban hành
- 1Thông tư 18-LĐTBXH-BTXH năm 1992 hướng dẫn trợ cấp tiền tàu xe đi lại đối với công nhân, viên chức và quân nhân về hưu do Bộ Tài chính-Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành
- 2Thông tư 5-TBXH-1983 bổ sung việc trợ cấp tiền tầu, xe cho công nhân viên chức và quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động do Bộ Thương binh và xã hội ban hành
Thông tư 206-TT/HCVX-1969 quy định chế độ trợ cấp tiền tàu xe cho cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước trong các trường hợp đi khám bệnh, điều trị, đi nghỉ phép và thôi việc về quê quán do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 206-TT/HCVX
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 17/10/1969
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Trịnh Văn Bính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 18
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra