Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 203/NH-TT

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 1991

THÔNG TƯ

SỐ 203/NH-TT NGÀY 31-10-1991 CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 337-HĐBT NGÀY 25-10-1991 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ NGOẠI TỆ TRONG THỜI GIAN TRƯỚC MẮT

Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 337-HĐBT ngày 25-10-1991 về một số biện pháp quản lý ngoại tệ trong thời gian trước mắt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thi hành như sau:

1. Các tổ chức bao gồm tổ chức quốc doanh, tổ chức hợp doanh, tổ chức tư doanh, các tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có các nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu hàng hoá và làm dịch vụ với nước ngoài; bán hàng và làm dịch vụ thu ngoại tệ ở trong nước; các nguồn thu ngoại tệ của Bộ Tài chính và các khoản thu ngoại tệ khác bằng chuyển khoản hay tiền mặt đều phải gửi vào tài khoản của mình mở tại các Ngân hàng được phép kinh doanh ngoại tệ. Số ngoại tệ này được Ngân hàng trả lãi bằng ngoại tệ theo quy định của Ngân hàng.

Chủ tài khoản được sử dụng số ngoại tệ trên tài khoản vào các mục đích sau:

1.1. Thanh toán tiền hàng nhập khẩu và các khoản dịch vụ cho nước ngoài.

1.2. Thanh toán tiền hàng cho tổ chức uỷ thác xuất khẩu và tổ chức nhập khẩu uỷ thác, chi phí vận tải, bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu.

1.3. Trả nợ vay Ngân hàng và nợ vay nước ngoài.

1.4. Góp vốn vào các Xí nghiệp liên doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

1.5. Chi trả các khoản khác ra nước ngoài theo chế độ do Nhà nước quy định.

1.6. Bán cho các Ngân hàng được phép kinh doanh ngoại tệ hoặc bán tại trung tâm giao dịch ngoại tệ.

2. Khi thực hiện các lệnh chi ngoại tệ cần kiểm tra các hồ sơ và những yếu tổ có liên quan sau đây:

2.1. Thanh toán tiền hàng nhập khẩu: kiểm tra giấy phép nhập khẩu hoặc kế hoạch nhập khẩu đã đăng ký ở Bộ Thương mại và du lịch và các giấy tờ có liên quan khác.

2.2. Thanh toán tiền hàng cho tổ chức uỷ thác xuất khẩu và tổ chức nhập khẩu uỷ thác kể cả chi phí vận tải và bảo hiểm hàng hoá XNK: kiểm tra giấy phép XNK và hợp đồng uỷ thác.

2.3. Trả tiền vay Ngân hàng và vay nước ngoài: kiểm tra hợp đồng vay vốn và giấy nhận nợ.

2.4. Góp vốn vào các Xí nghiệp liên doanh: kiểm tra giấy phép do Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cấp.

2.5. Trường hợp chi trả tiền hàng thay thể hàng nhập khẩu: phải có chấp nhận của Ngân hàng Nhà nước Trung ương trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư.

2.6. Chi trả dịch vụ cho nước ngoài: kiểm tra hợp đồng dịch vụ với nước ngoài.

2.7. Chi trả các khoản khác ra nước ngoài: căn cứ xác nhận của Bộ tài chính.

3. Những tổ chức và đơn vị đã bán ngoại tệ cho Ngân hàng, khi có nhu cầu ngoại tệ theo quy định trên, Ngân hàng có trách nhiệm bán ngoại tệ cho tổ chức và đơn vị. Trường hợp đơn vị có yêu cầu chi lớn hơn số đã bán cho Ngân hàng sẽ được Ngân hàng xem xét đáp ứng trong khả năng ngoại tệ Ngân hàng điều hoà được, hoặc Ngân hàng mua hộ cho đơn vị tại các trung tâm giao dịch ngoại tệ.

4. Những tổ chức có nợ ngân hàng tiền vay ngoại tệ đến hạn, mà trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ của tổ chức đó có số dư thì Ngân hàng tự động trích tài khoản tiền gửi ngoại tệ để trả nợ.

Những tổ chức có nợ Ngân hàng tiền vay đồng Việt Nam đến hạn, mà trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ của tổ chức đó có số dư thì phải bán ngoại tệ để trả nợ tiền đồng Việt Nam. Nếu tổ chức đó không bán ngoại tệ để trả nợ thì các Ngân hàng báo cáo lên cấp trên của mình để giải quyết.

5. Những tổ chức, đơn vị mua ngoại tệ của Ngân hàng để làm hàng xuất khẩu và dịch vụ khi có nguồn thu ngoại tệ phải bán cho Ngân hàng tối thiểu bằng mức đã mua của Ngân hàng trước đó.

Những tổ chức, đơn vị sử dụng các vật tư nhập khẩu bằng ngoại tệ của Nhà nước, khi có nguồn thu ngoại tệ phải bán cho Nhà nước tối thiểu bằng số ngoại tệ Nhà nước đã dùng để nhập vật tư do đơn vị sử dụng. Ngân hàng Nhà nước sẽ mua số ngoại tệ này cho quỹ điều hoà ngoại tệ của Nhà nước.

6. Các tổ chức (trừ các Ngân hàng và các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ) không được cho vay, thanh toán, mua bán, chuyển nhượng với nhau bằng ngoại tệ bao gồm ngoại tệ tiền mặt và ngoại tệ chuyển khoản.

Những hợp đồng chuyển nhượng, thanh toán ngoại tệ đã ký với nhau giữa các tổ chức đang thực hiện, phần còn lại chỉ được thanh toán bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá ngày giao dịch của Ngân hàng được phép kinh doanh ngoại tệ.

Việc góp vốn liên doanh liên kết giữa các tổ chức trong nước chỉ được thực hiện bằng đồng Việt Nam.

7. Ngân hàng Thương mại định tỷ giá mua bán ngoại tệ với các tổ chức trong khung tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, nếu mua bán tại trung tâm giao dịch ngoại tệ theo tỷ giá của Trung tâm.

8. Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét lại giấy phép đã cấp cho các tổ chức bán hàng và làm dịch vụ thu ngoại tệ. Những tổ chức này phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định sau đây:

- Hoạt động theo đúng nội dung đã ghi trong giấy phép.

- Phải có sổ sách chứng từ đầy đủ, ghi chép cập nhật, nộp ngoại tệ vào Ngân hàng kịp thời và chấp hành chế độ tồn quỹ.

Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra các tổ chức đã được Ngân hàng Nhà nước Trung ương cấp giấy phép hoạt động thu ngoại tệ và báo cáo về Ngân hàng Nhà nước Trung ương.

Những tổ chức đã được cấp giấy phép bán hàng và làm dịch vụ thu ngoại tệ không chấp hành các quy định nói trên, tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý cảnh cáo hoặc thu hồi giấy phép hoạt động theo kiến nghị của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố.

9. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao trách nhiệm cho Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Giám đốc Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước và Vụ trưởng Vụ quản lý Ngoại hối, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Kế hoạch, Vụ trưởng Vụ Kế toán và Chủ tịch Ban điều hành các Trung tâm giao dịch ngoại tệ tổ chức tốt việc thực hiện các quy định này.

Các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố có trách nhiệm phối hợp với các ngành hữu quan ở địa phương mình tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Thông tư này và kịp thời phản ánh những vấn đề vướng mắc, tồn tại về Ngân hàng Nhà nước Trung ương để giải quyết.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký và bãi bỏ những quy định trước đây của Ngân hàng Nhà nước trái với thông tư này.

Để thi hành nghiêm chỉnh Quyết định số 337-HĐBT ngày 25-10-1991 của Hội đồng Bộ trưởng về một số biện pháp quản lý ngoại tệ trong thời gian trước mắt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị Thủ trưởng các Bộ, ngành và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổ chức, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư này.

Đỗ Quế Lượng

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 203/NH-TT năm 1991 hướng dẫn thi hành Quyết định 337-HĐBT 1991 về một số biện pháp quản lý ngoại tệ trong thời gian trước mắt do Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 203/NH-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/10/1991
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Đỗ Quế Lượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản