Hệ thống pháp luật

UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 191-UB-TT-TC

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1963

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VÀ THÔNG TƯ BỔ SUNG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC LẬP KẾ HOẠCH, HẠCH TOÁN VÀ THỐNG KÊ GIÁ THÀNH VÀ PHÍ LƯU THÔNG ĐỐI VỚI CÁC NGÀNH KINH TẾ QUỐC DOANH

Kính gửi:

- Ông bộ trưởng các Bộ,
- Ông Tổng Cục trưởng các Tổng cục
- Ông Chủ nhiệm các Ủy ban Nhà nước
- Ông Chủ tịch các Ủy ban hành chính
- Ông Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch các khu, tỉnh, thành.

Tiếp theo Nghị định 43-CP ngày 16 tháng 9 năm 1960 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ tạm thời về lập kế hoạch hạch toán và thống kê giá thành và phí lưu thông, ngày 12 tháng 12 năm 1963, Thủ tướng Chính phủ đã ra Thông tư số 115-TTg quy định cụ thể cách hạch toán đối với một số khoản chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của xí nghiệp, Ủy ban kế hoạch Nhà nước ra thông tư này nhằm giải thích và hướng dẫn thi hành các văn bản nói trên.

I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA.

Trong nhiệm vụ tăng cường và cải tiến công tác kế hoạch hóa, nâng cao chất lượng của kế hoạch kinh tế quốc dân, nhằm tăng cường công tác giá thành và phí lưu thông có ý nghĩa rất quan trọng.

Giá thành là một chỉ tiêu chất lượng tổng hợp phản ảnh toàn bộ hoạt động của xí nghiệp.

Mức độ và tỷ lệ giảm giá thành và phí lưu thông biểu thị thành tích về tổ chức sản xuất và quản lý của xí nghiệp, biểu thị hiệu quả kinh tế của các biện pháp áp dụng kỹ thuật, biểu thị mức độ tiết kiệm vật tư và lao động xã hội. Hạ giá thành và giảm phí lưu thông có ý nghĩa rất lớn đối với việc củng cố chế độ hạch toán kinh tế, nâng cao tích lũy xã hội chủ nghĩa và cải thiện đời sống nhân dân.

Việc kế hoạch hóa giá thành và hạch toán chi phí sản xuất của xí nghiệp để sản xuất ra sản phẩm là căn cứ vào cơ sở khoa học của nó, đồng thời phải chiếu cố đến trình độ quản lý của xí nghiệp hiện nay.

Những quy định trong điều lệ tạm thời và thông tư của Thủ tướng Chính phủ là những căn cứ để các ngành, các xí nghiệp tiến hành lập kế hoạch, hạch toán và thống kê giá thành và phí lưu thông đúng với ý nghĩa và mục đích nói trên.

Mấy năm qua, việc thi hành các quy định của Nhà nước về lập kế hoạch, hạch toán và thống kê giá thành phí lưu thông bước đầu đã có tác dụng nhất định, công tác quản lý giá thành đã góp phần cũng cố chế độ hạch toán kinh tế, làm cơ sở cho việc định giá cả và tăng thu nhập của ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, việc thi hành các quy định nói trên còn có nhiều nhược điểm và khuyết điểm mà thông tư của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ cần có biện pháp cụ thể để khắc phục.

Về mặt chế độ, nhiều chính sách của Nhà nước ban hành có liên quan đến chỉ tiêu giá thành chưa được quy định cụ thể, nhiều khoản chi phí mà nội dung khó phân biệt chưa quy định là do nguồn vốn nào chịu, xí nghiệp cứ hạch toán vào giá thành; do đó giá thành còn bao gồm nhiều khoản chi phí không trực tiếp liên quan đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và lưu chuyển hàng hóa.

Để khắc phục tình trạng trên, phát huy tác dụng của chỉ tiêu giá thành, một đòn bẩy kinh tế quan trọng mà Nhà nước xã hội chủ nghĩa dùng để tác động mạnh mẽ đến các hoạt động kinh doanh của xí nghiệp, các ngành, các xí nghiệp cần phải quán triệt và thực hiện tốt những quy định của Nhà nước về hạch toán và thống kê giá thành và phí lưu thông đưa công tác quản lý giá thành và phí lưu thông dần đi vào nề nếp, làm cho chỉ tiêu giá thành được ổn định, phản ánh trung thực mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của xí nghiệp.

II. NGUYÊN TẮC VỀ TÍNH GIÁ THÀNH VÀ PHÍ LƯU THÔNG

Về nguyên tắc tính giá thành và phí lưu thông, điều 7 của điều lệ tạm thời và thông tư của Thủ tướng Chính phủ đã quy định: "Giá thành và phí lưu thông chỉ bao gồm những chi phí liên quan đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và lưu chuyển hàng hóa. Các chi phí không trực tiếp liên quan đến sản xuất thì không hạch toán vào giá thành và phí lưu thông mà do nguồn vốn khác đài thọ (ngân sách Nhà nước, quỹ xí nghiêp, quỹ công đoàn vv…)".

Căn cứ vào những nguyên tắc cơ bản nói trên, những khoản chi phí sau đây không được tính vào giá thành và phí lưu thông:

1. Những chi phí cho những công việc không có tính chất sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, những chi phí cho công việc không có tính chất vận tải, xây lắp và lưu chuyển hàng hóa thì không được tính vào giá thành sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, giá thành vận tải, xây lắp và phí lưu thông hàng hóa. Cụ thể:

a) Đối với giá thành sản phẩm công nghiệp bao gồm các chi phí không có tính chất sản xuất công nghiệp như:

- Chi phí về những công việc xây dựng cơ bản (kể cả những công việc xây dựng cơ bản do công nhân sản xuất của xí nghiệp làm);

- Chi phí về sửa chữa lớn các nhà cửa, công trình kiến trúc, công trình phúc lợi tập thể (nhà bảo tàng, câu lạc bộ, nhà nghỉ mát, nhà ở công cộng…);

- Chi phí về những công việc vận tải cho cơ quan bên ngoài, vận tải cho ngành xây dựng cơ bản trong xí nghiệp;

- Chi phí về những công việc nghiên cứu, thí nghiệm, thiết kế cho cơ quan bên ngoài.

Những chi phí nói trên do vốn kiến thiết cơ bản, vốn sửa chữa lớn hoặc do cơ quan bên ngoài đặt làm chịu.

Những chi phí về các sản phẩm không tính vào giá trị sản lượng công nghiệp, những chi phí về các sản phẩm không tính vào giá trị sản lượng thương phẩm thì không được tính vào giá thành (thế nào là những công việc không có tính chất công nghiệp, những sản phẩm không được tính vào giá trị sản lượng công nghiệp và sản lượng thương phẩm thì căn cứ theo quy định của Tổng cục Thống kê (chế độ thống kê công nghiệp).

Những chi phí để sản xuất ra những sản phẩm chu chuyển trong nội bộ xí nghiệp, như các phụ tùng thay thế, dụng cụ chế tạo, bán thành phẩm do xí nghiệp tự sản xuất ra rồi lại dùng cho nhu cầu sản xuất công nghiệp hoặc cho các nhu cầu khác của mình thì tùy theo từng trường hợp mà giải quyết như sau:

Những sản phẩm nói trên nếu dùng để sản xuất ra sản phẩm chính thì những chi phí về nó được tính vào giá thành sản phẩm chính của xí nghiệp. Nếu dùng những sản phẩm đó vào việc xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn các thiết bị, nhà cửa, công trình kiến trúc, v.v… thì coi như thương phẩm và phải tính giá thành. Nếu những sản phẩm đó đưa vào kho dự trữ vật tư của xí nghiệp thì do vốn lưu động của xí nghiệp chi, chứng nào xuất kho dùng vào sản xuất ra những sản phẩm chính hay cho xây dựng cơ bản, cho sửa chữa lớn vv.. thì giải quyết như trên.

b) Trong giá thành sản phẩm nông nghiệp của các nông trường quốc doanh không được tính các chi phí:

- Về chế biến dầu sả, chế biến thuốc lá, thuốc lào, bọt giấy và tinh chế sữa hộp.

- Về kiến thiết cầu đường và xây dựng các công trình kiến trúc.

c) Trong giá thành vận tải không được tính những chi phí và công việc sửa chữa lớn, các phương tiện vận tải, thiết bị máy móc và các công trình kiến trúc.

d) Trong giá thành xây lắp không được tính giá trị các thiết bị lắp đặt và các chi phí thuộc về xây dựng cơ bản khác.

e) Trong phí tổn lưu thông không được tính những chi phí về sản xuất và gia công, chế biến hàng hóa, không được tính những chi phí về chăn nuôi súc vật dài ngày để chuẩn bị lực lượng dự trữ của các Công ty thực phẩm.

Nếu chi phí để chăn nuôi trong một thời gian ngắn ở các lò mổ, ở các đơn vị thu mua đợi giết thịt hoặc đợi chuyển cho nơi khác, thì được tính vào phí lưu thông. Thời gian ngắn bao nhiêu thì do ngành chủ quản và Ủy ban kế hoạch Nhà nước ấn định.

2. Những chi phí không được tính vào giá thành và phí lưu thông khi lập kế hoạch, mà chỉ được tính vào khi hạch toán và thống kê.

Theo điều 10 điều lệ tạm thời, thì những chi phí sau đây không được tính vào giá thành và phí lưu thông khi lập kế hoạch mà chỉ được tính vào khi hạch toán và thống kê:

- Những chi phí thiệt hại do quá trình áp dụng kỹ thuật chưa thích hợp;

- Những thiệt hại về chế phẩm (trừ phế phẩm các ngành đúc, nhiệt điện, thủy tinh và một số xí nghiệp mới sản xuất thì được tính vào giá thành một tỷ lệ nhất định do Ủy ban kế hoạch Nhà nước quy định), những thiệt hại về đâm đổ, bồi thường (trong các xí nghiệp vận tải);

- Những chi phí sản xuất do những khuyết điểm chủ quan về sản xuất kinh doanh gây nên (tiền phạt lưu kho lưu bãi vi phạm hợp đồng, lãi do nợ quá hạn, thiếu hụt hoặc hư hỏng nguyên vật liệu, thiếu hụt quá mức v.v…).

- Những thiệt hại về ngừng sản xuất (trừ những ngành sản xuất theo mùa được các bộ hay các ngành chủ quản cho phép tính vào kế hoạch giá thành).

Những nguyên tắc quy định trên đây nhằm hạn chế đến mức tối thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất kinh doanh không cho phép các xí nghiệp gây nên những thiệt hại ấy nhiều lần.

Trong khi hạch toán những thiệt hại về phế phẩm, kể cả thiệt hại về phá đi làm lại trong xây dựng cơ bản, phải chú ý trừ đi phần đã thu hồi được.

Những thiệt hại về ngừng sản xuất được hạch toán và thống kê vào giá thành và phí lưu thông là những thiệt hại do công tác quản lý của nội bộ xí nghiệp gây nên hoặc do các nguyên nhân khác, như người cung cấp nguyên nhiên liệu không đúng kỳ hạn v.v… không kể những thiệt hại do thiên tai hỏa hoạn gây nên sẽ nói ở phần III dưới đây:

Những chi phí và thiệt hại kể trên được hạch toán vào giá thành và phí lưu thông ở các tài khoản đặc biệt theo quy định của Tổng cục Thống kê và chế độ kế toán Nhà nước.

Chú ý : Những chi phí và thiệt hại về hao hụt tự nhiên của một số nguyên vật liệu, thành phẩm và tỷ lệ chế phẩm của các ngành đúc, nhiệt điện, thủy tinh, hao hụt của một số xí nghiệp mới sản xuất được tính vào giá thành và phí lưu thông khi lập kế hoạch thì do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phối hợp với Ủy ban Khoa học Nhà nước và bộ chủ quản quy định đối với từng loại sản phẩm, từng loại xí nghiệp. Trong khi chờ đợi quy định đó, các xí nghiệp được tính những hao hụt tự nhiên khi lập kế hoạch theo thống kê kinh nghiệm qua các năm hoặc theo chế độ hiện hành.

III. MỘT SỐ ĐIỂM VỀ CÁCH HẠCH TOÁN GIÁ THÀNH VÀ PHÍ LƯU THÔNG ĐỐI VỚI MỘT SỐ CHI PHÍ KHÔNG PHÂN BIỆT PHÁT SINH TRONG QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT KINH DOANH.

1. Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, thì thiết hại về thiên tai, hỏa hoạn, xí nghiệp được ghi vào lỗ lãi của của xí nghiệp, nhưng phải phân biệt những thiệt hại về thiên tai, hỏa hoạn do nguyên nhân khách quan gây ra mà ta chưa đủ điều kiện khắc phục, hoặc ta đã cố gắng tìm mọi biện pháp phấn đấu nhưng không chế ngự được thì ghi vào lỗ lãi của xí nghiệp. Còn những thiệt hại do khuyết điểm của xí nghiệp gây ra phải hạch toán vào giá thành và phí lưu thông. Thiệt hại về thiên tai nói đây bao gồm cả những chi phí để thanh toán hậu quả của nó. Căn cứ vào tính chất của từng ngành. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ chủ quản xí nghiệp quy định cụ thể thế nào là thiên tai hỏa hoạn đối với từng ngành.

Khi gặp thiên tai hỏa hoạn, các xí nghiệp công nghiệp, nông trường, công trường, lâm trường, xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh, phải báo cáo ngay tới Bộ Tài chính và Bộ chủ quản để xác định tính chất và số thiệt hại đồng thời xử lý kịp thời theo đúng quy định của Nhà nước.

2. Theo quy định của điều lệ tạm thời, thì những chi phí và thiệt hại khác như hàng hóa bị mất cắp, mất trộm, thiệt hại về nợ khó đòi, hàng hóa bị cháy, chi phí về đơn đặt hàng không có giá trị, thì không được hạch toán và thống kê vào giá thành vào phí lưu thông, mà giải quyết theo trường hợp bị thiên tai hỏa hoạn. Nhưng phải phân biệt: những thiệt hại đó không phải do chủ quan xí nghiệp gây nên. Nếu những thiệt hại đó có do khuyết điểm của xí nghiệp gây ra thì phải hạch toán vào giá thành và phí lưu thông.

- Các chi phí và thiệt hại về ngừng sản xuất, chi phí về chuyên gia và phục vụ chuyên gia, thông tư của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ.

3. Về đào tạo cán bộ.

a) Đối với xí nghiệp đang sản xuất, nếu kế hoạch đào tạo cán bộ được ghi trong kế hoạch kinh tế quốc dân, thì mặc dù Bộ mở lớp hay xí nghiệp mở lớp, thời gian đào tạo bao lâu cũng do vốn sự nghiệp của Bộ chủ quản chi. Các xí nghiệp nhất thiết không được ghi chi phí nói trên vào giá thành về phí lưu thông khi lập kế hoạch cũng như khi hạch toán và thống kê. Về đào tạo cán bộ tại chức, thi hành theo Chỉ thị số 96-TTg ngày 30 tháng 9 năm 1963 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Nếu đào tạo hoặc nâng cao trình độ kỹ thuật nghiệp vụ cho công nhân viên chức trong quá trình sản xuất kinh doanh để thay thế người già yếu mất sức lao động, mà kế hoạch đào tạo không ghi trong kế hoạch kinh tế quốc dân thì chi phí được tính vào giá thành khi lập kế hoạch cũng như khi hạch toán và thống kê. Để rút kinh nghiệm về khoản chi này, tiến tới có thể xác định được một lỷ lệ nhất định so với quỹ lương, các xí nghiệp cần hạch toán riêng vào mục chi phí ngoài sản xuất và hàng năm báo cáo cho Bộ chủ quản. Bộ chủ quản cần tập trung tài liệu để cùng Ủy ban Kế hoạch Nhà nước nghiên cứu lập kế hoạch và quản lý cho tốt hơn. Trong khi chờ đợi quy định đó xí nghiệp phải có kế hoạch trình Bộ duyệt và báo cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước biết, mới được chi và hạch toán vào giá thành.

Trường hợp Bộ tập trung công nhân viên của nhiều xí nghiệp để đào tạo, (theo mục tiêu đã nói ở mục b), mà không có chi phí sự nghiệp, thì xí nghiệp được tính vào giá thành để trả phần kinh phí phân bổ cho mình.

4. Các khoản chi về văn hóa quần chúng, điều 6 của thông tư Thủ tướng Chính phủ đã quy định cụ thể. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước nói rõ thêm các khoản chi về sự nghiệp phúc lợi.

Những chi phí về sửa chữa thường xuyên nhà ăn, nhà ở, nhà trẻ thì dùng nguồn thu về nhà ăn, nhà ở, vườn trẻ để chi. Nếu có chênh lệch, thì giải quyết như sau:

- Chênh lệch giữa thu và chi về nhà trẻ do quỹ nhà trẻ chi,

- Chênh lệch giữa thu và chi về nhà ở thì ghi vào lỗ lãi ngoài kinh doanh của xí nghiệp;

- Chênh lệch giũa thu và chi về nhà ăn thì Nhà nước đã trợ cấp cho mỗi người ăn 1đ80, do đó không cho phép có chênh lệch giữa thu và chi. Nếu có chênh lệch thì nhất thiết không được hạch toán vào giá thành và phí lưu thông hoặc ghi vào lỗ lãi xí nghiệp mà ghi bằng quỹ xí nghiệp.

5. Các khoản thuộc quỹ xã hội:

a) Chi về nộp bảo hiểm xã hội thì hạch toán vào giá thành và phí lưu thông.

Thông tư số 17-TT-LB ngày 09 tháng 6 năm 1962 của liên Bộ Tài chính và Tổng Công đoàn Việt Nam đã quy định cách trích nộp khi thực hiện. Nay quy định cách tính 4,7% quỹ bảo hiểm xã hội khi lập kế hoạch giá thành và phí lưu thông như sau:

Trong 4,7% về bảo hiểm xã hội, có 3,5% dùng để phụ cấp về ốm đau, tai nạn lao động và sinh đẻ, phần này trích trong tổng quỹ tiền lương kế hoạch của xí nghiệp, còn 1,2% (4,7%- 3,5%) để phụ cấp về mất sức lao động, hưu trí, chôn cất tử tuất, bệnh nghề nghiệp và chi về sự nghiệp của cơ quan bảo hiểm, phần này nằm ngoài quỹ lương của xí nghiệp, không phải trích tất cả 4,7% so với quỹ lương kế hoạch, mà trích theo ví dụ sau đây:

Kế hoạch lao động của xí nghiệp năm là 1.257 người (không kể số cán bộ, công nhân viên công tác thuộc kinh phí khác và các đoàn thể, đảng, v.v…).

Số ngày nghỉ do ốm đau, tai nạn lao động và sinh đẻ tính ra mất 44 người (3,5% của 1.527).

Số người tham gia sản xuất thường xuyên của xí nghiệp trong năm là 1.213 người.

- Tiền lương bình quân (theo tổng ngạch) của mỗi công nhân, viên chức trong năm là 60đ00. Vậy tổng quỹ lương kế hoạch của xí nghiệp là (1.213 + 44) ´60đ = 75.420đ00.

- Số tiền trích nộp quỹ bảo hiểm xã hội để trả cho 44 người vì ốm đau, tai nạn lao động và sinh đẻ là:

75.420 ´3,5

= 2.640đ00

100

- Tiền lương do xí nghiệp quản lý để trả cho cán bộ, công nhân tham gia sản xuất thường xuyên là:

75.420 – 2.640 = 72.780đ00

Số tiền trích nộp bảo hiểm ngoài quỹ lương của 1,2% là

72.780 ´1,2

= 873đ30

100

Vậy tổng số tiền lương và tiền nộp bảo hiểm xã hội của xí nghiệp được tính vào giá thành và phí lưu thông khi lập kế hoạch là: 72.780đ00 + 2.640đ00 + 873đ30 = 76.293đ00.

Trong biểu dự toán phí tổn sản xuất, các khoản 72.780đ00 và 2.640đ00 ghi vào yếu tố tiền lương, còn khoản 873đ30 ghi vào yếu tố phụ cấp lương. Khi thực hiện kế hoạch, xí nghiệp không được trả lương quá 72.780đ00, và xí nghiệp chỉ được trích 4,7% trên số tiền lương thực tế đã trả cho công nhân, viên chức như thông tư 17-TTg-LB ngày 09 tháng 6 năm 1962.

Nếu xí nghiệp là tốt công tác phòng bệnh, công nhân, viên chức ít ốm đau thì xí nghiệp sẽ thiếu tiền lương. Ngược lại, nếu xí nghiệp có nhiều người ốm đau thì quỹ tiền lương lại thừa

Các trường hợp trên thì giải quyết theo Thông tư số 34-TTg ngày 26-4-1963 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ quản lý và kiểm soát chỉ tiêu quỹ tiền lương thuộc khu vực sản xuất.

Trong mỗi ngành sản xuất khác nhau, có một tỷ lệ tai nạn lao động, ốm đau và sinh đẻ khác nhau (2, 3, 4, 5 hoặc 6, 7%...). Nhưng hiện nay Nhà nước chưa quy định tỷ lệ trích bảo hiểm xã hội đối với từng ngành. Do đó các xí nghiệp được Bộ chủ quản ấn định tỷ lệ tai nạn lao động và ốm đau, sinh đẻ là 2, 3 hay 4, 5% thì các tỷ lệ đó chỉ dùng để cho cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm xã hội có căn cứ điều phối, và để cho các xí nghiệp có mục tiêu phấn đấu về bảo hiểm xã hội. Khi lập kế hoạch giá thành và phí lưu thông, các xí nghiệp, các ngành không được trích theo tỷ lệ khác nhau đó, mà chỉ được trích 3,5% trong tổng quỹ tiền lương kế hoạch như đã quy định trong thông tư này. Khi thực hiện nếu có thừa hoặc thiếu, sẽ do Tổng Công đoàn điều phối.

b) Chi về phụ cấp con từ cháu thứ ba trở đi thì do ngân sách Nhà nước cấp bằng cách trừ vào số lãi phải nộp của xí nghiệp.

- Về trợ cấp gia đình khó khăn cho công nhân, viên chức ở các xí nghiệp theo chế độ hiện hành thì các xí nghiệp được trích không quá 15% quỹ xí nghiệp trong năm kế hoạch để trợ cấp cho cán bộ công nhân, viên chức xí nghiệp khi gặp khó khăn, nếu thiếu thì xí nghiệp báo cáo lên Bộ chủ quản và Bộ Tài chính xét trợ cấp (Bộ Tài chính và Tổng Công đoàn sẽ có quy định cụ thể riêng), không được hạch toán vào giá thành và phí lưu thông.

c) Chi về y tế vệ sinh:

- Mỗi chi phí về thuốc men, về lương nhân viên y tế ở bệnh xá, phòng y tế xí nghiệp, thuốc men thông thường ở các trạm cấp cứu v.v… thì hạch toán vào giá thành và phí lưu thông. Mọi chi phí cho cán bộ công nhân, viên chức điều trị ở bệnh viện như tiền thuốc, tiền bồi dưỡng ăn thêm, tiền viện phí, v.v… thì trừ vào số lãi phải nộp của xí nghiệp, coi như khoản chi thuộc quỹ y tế của ngân sách Nhà nước chi. Nếu là bệnh viện do xí nghiệp quản lý thì chi phí về bệnh viện còn bao gồm tiền lương và phụ cấp lương của nhân viên y tế (y tá, y sĩ, bác sĩ, hộ lý, v.v…) phục vụ tại bệnh viện.

Trường hợp công nhân, viên chức không nằm bệnh viện mà chữa bệnh ngoại trú theo đơn y, bác sĩ của bệnh viện thì mọi chi phí về tiền thuốc, tiền bồi dưỡng v.v… được hạch toán vào giá thành và phí lưu thông, coi như khoản chi về thuốc men của bệnh xá.

- Trong khi chờ đợi có quy định mới về chế độ thuốc men đối với khu vực sản xuất kinh doanh, các xí nghiệp công nghiệp, công trường, lâm trường và xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh căn cứ vào thực tế năm trước mà lập kế hoạch đối với các khoản chi phí về y tế vệ sinh và hạch toán theo số thực chi.

6. Chi về Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên lao động ở cơ sở thì thông tư của Thủ tướng Chính phủ đã quy định:

- Mua sắm và sửa chữa các phương tiện làm việc (bàn ghế, trụ sở, v.v…) của các tổ chức nói trên hạch toán vào giá thành và phí lưu thông. Những phương tiện làm việc của các tổ chức nói trên là tài sản của xí nghiệp. Chính quyền và các đoàn thể ở xí nghiệp phải bàn bạc và cố gắng kết hợp công tác với tinh thần hết sức tiết kiệm, tránh phô trương không cần thiết, gây lãng phí tài chính Nhà nước.

Các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên lao động ở cơ sở không được tự động tăng thêm biên chế rồi trả lương và hạch toán vào giá thành và phí lưu thông.

Các khoản chi về tiền lương và các khoản phụ cấp xã hội khác, chi về văn phòng phẩm vv… đều do kinh phí của các tổ chức nói trên đài thọ.

7. Chi về huấn luyện quân sự đối với quân nhân dự bị (bộ đội chuyển ngành) và dân quân tự vệ ở các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, xí nghiệp thương nghiệp theo quy định trong thông tư của Thủ tướng Chính phủ phân biệt như sau:

- Lương và mọi chi phí khác (như phụ cấp tiền lương, tiền tầu xe đi, về, tiền công tác phí, tiền bồi dưỡng ăn thêm, tiền mua sắm các dụng cụ thông thường để luyện tập cho dân quân tự vệ trong phạm vi thời gian nghĩa vụ hàng năm Nhà nước đã quy định thì được hạch toán vào giá thành và phí lưu thông, nếu tập luyện quá thời gian nghĩa vụ quy định thì mọi chi phí trong thời gian tập quá do quỹ quốc phòng đài thọ.

- Lương và mọi chi phí khác (nói trên) để tập luyện cho quân nhân dự bị trong phạm vi thời gian nghĩa vụ hàng năm Nhà nước đã quy định thì trích vào lãi phải nộp của xí nghiệp coi như khoản chi của ngân sách Nhà nước, không được hạch toán vào giá thành và phí lưu thông; nếu tập luyện quá thời gian nghĩa vụ quy định thì mọi chi phí trong thời gian tập quá do quỹ quốc phòng chi. Khoản mua sắm vũ khí, đạn dược cũng do quỹ quốc phòng chi.

Vì sao có sự phân biệt khoản chi về huấn luyện quân sự cho dân quân tự vệ riêng và quân nhân chuyển ngành riêng.

Vì hiện nay có những xí nghiệp không có hoặc có ít quân nhân chuyển ngành, nếu hạch toán mọi khoản chi phí về huấn luyện cho quân nhân chuyển ngành vào giá thành và phí lưu thông thì rất khó so sánh giá thành giữa các xí nghiệp và giữa các năm. Còn dân quân tự vệ thì xí nghiệp nào, năm nào cũng phải tập luyện đó là nghĩa vụ của mọi người công dân đối với Tổ quốc. Hơn nữa, việc huấn luyện dân quân tự vệ ở các xí nghiệp cơ sở còn nhằm mục đích trực tiếp bảo vệ sản xuất, bảo vệ nhà máy, nên khoản chi này được hạch toán vào giá thành và phí lưu thông là hợp lý.

8. Một số chi phí khác.

a) Những chi phí về các tặng vật đối với các phái đoàn nước ngoài thì hạch toán theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Nếu xí nghiệp chủ động tặng vật phẩm đối với các phái đoàn trong nước cũng như nước ngoài, thì xí nghiệp phải tổ chức sản xuất ngoài giờ bằng phế liệu mà không được hạch toán vào giá thành và cũng không được trích quỹ xí nghiệp để chi.

b) Chi về làm mô hình triển lãm trong dịp 1-5, 2-9 và các cuộc triển lãm theo chủ trương của Nhà nước hoặc của cơ quan tổ chức triển lãm theo yêu cầu xí nghiệp phải tham gia cũng như các cuộc triển lãm trong nội bộ xí nghiệp đều được hạch toán vào giá thành và phí lưu thông. Các cơ quan tổ chức triển lãm không thể dự trù các chi phí về mô hình và các chi phí khác của các cuộc triển lãm đối với từng xí nghiệp tham gia triển lãm là để tuyên truyền, giới thiệu thành tích của mình; do đó được ghi các chi phí này vào giá thành và phí lưu thông của xí nghiệp là hợp lý. Song, cần hết sức tiết kiệm về các khoản chi phí đó, bằng cách bảo quản các vật phẩm, dụng cụ phương tiện sẵn có để có thể sử dụng nhiều lần, không nhất thiết cứ mỗi lần triển lãm là phải sắm vật dụng mới, mà có thể sửa chữa tu chỉnh các vật dụng sẵn có cũng đủ trưng bày, trừ các bảng thống kê số liệu và lời thuyết minh phải thích hợp với từng lúc và tùy theo yêu cầu của cuộc triển lãm đó.

- Chi về nộp kinh phí Công đoàn (2% so với quỹ lương) thông tư Thủ tướng Chính phủ nói là "Chi vào kế hoạch lỗ lãi của xí nghiệp" tức là trừ vào số lãi phải nộp của xí nghiệp. Nếu xí nghiệp không có lãi thì báo cáo lên Bộ Tài chính giải quyết cấp kinh phí.

IV. PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN

Theo quy định của Nhà nước thì việc lập và xét duyệt kế hoạch giá thành và phí lưu thông tiến hành đồng thời với việc lập và xét duyệt các kế hoạch kinh tế quốc dân khác tiến hành theo đúng trình tự lập kế hoạch kinh tế quốc dân.

Những biểu tính giá thành và lưu thông của các xí nghiệp, các bộ, các ngành phải được lập đầy đủ và chuyển lên trên đúng thời hạn theo biểu mẫu Nhà nước đã quy định ở điều 18, 19, 20, 21, 22, 23 điều lệ tạm thời.

Mấy năm qua, việc lập kế hoạch giá thành và phí lưu thông chưa kịp thời, đầy đủ; việc xét duyệt kế hoạch giá thành và phí lưu thông chưa được chu đáo và thận trọng. Biện pháp phấn đấu hạ thấp giá thành và giảm phí đề ra chưa cụ thể hoặc có đề ra nhưng chưa được chấp hành tích cực.

Để thi hành nghiêm chỉnh những quy định của Nhà nước, khắc phục các thiếu sót nói trên, đưa công tác quản lý giá thành tiến lên một bước mới, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng kế hoạch, nhằm mục đích tăng cường quản lý kinh tế tài chính của Đảng và Chính phủ, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước yêu cầy các bộ, các ngành các tổng cục phổ biến quy định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư này cho các xí nghiệp và đơn vị trực thuộc một cách cụ thể ngay từ khi lập kế hoạch giá thành và phí lưu thông của năm 1964; hướng dẫn và giúp đỡ các xí nghiệp và đơn vị trực thuộc lập kế hoạch giá thành và phí lưu thông theo đúng phương pháp, trình tự và đầy đủ các biểu mẫu đã quy định; lập kế hoạch giá thành và phí lưu thông phải tiến hành đồng thời với việc lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch luân chuyển hàng hóa, kế hoạch lao động tiền lương, kế hoạch kỹ thuật tài vụ, v.v…

Các bộ, các tổng cục cũng như các đơn vị xí nghiệp cơ sở, trước hết và quan trọng nhất là phải lập cho được bản dự toán chi phí sản xuất. Trên cơ sở bảng dự toán chi phí sản xuất mà lập kế hoạch giá thành theo khoản mục và kế hoạch giá thành đơn vị sản phẩm.

Bảng dự toán chi phi sản xuất có tác dụng rất lớn đối với việc quản lý kinh doanh, nó là cơ sở để tính thu nhập quốc dân, để xác định mức vốn lưu động cần thiết của xí nghiệp, để giám đốc và kiểm tra lại các kế hoạch sản xuất, vật tư, lao động tiền lương và các biểu khác của kế hoạch giá thành.

Muốn lập được kế hoạch dự toán chi phí sản xuất, một mặt phải thống kê chi phí sản xuất năm báo cáo, tiến hành phân tích và phát hiện những chi phí không hợp lý và lãng phí để loại trừ đi trong năm kế hoạch, mặt khác căn cứ vào các tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật về sử dụng thiết bị, về tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, về năng xuất lao động của năm kế hoạch mà tính toán. Phải căn cứ vào nhiệm vụ hạ giá thành của xí nghiệp mà xét lại từng yếu tố để xác định mức tiết kiệm kế hoạch của từng yếu tố và lập bảng dự toán chi phí sản xuất của năm kế hoạch. Hiện nay có một số xí nghiệp lập bảng dự toán chi phí sản xuất theo cách ngược lại, lấy bảng giá thành đơn vị sản phẩm và giá thành khoản mục để lập bảng dự toán chi phí sản xuất; làm như thế là không đúng.

Khi lập kế hoạch giá thành và phí lưu thông các bộ, các tổng cục cần tích cực hướng dẫn giúp đỡ các đơn vị xí nghiệp đi vào chế độ và định mức, và lập dự thảo kế hoạch cho trung thực, đấu tranh khai thác những khả năng tiềm tàng nội bộ của xí nghiệp thì kế hoạch giá thành mới tích cực và vững chắc, có tính chất động viên mọi người phấn đấu.

Khi xét duyệt và giao nhiệm vụ hạ giá thành và phí lưu thông, không chỉ giao về mức giảm, tỷ lệ giảm mà còn phải giao các cơ sở tính toán hoàn thành nhiệm vụ đó.

Ví dụ:

Đối với khai thác gỗ: định mức về chặt hạ, vận xuất và cự ly vận xuất.

Đối với than đá: định mức bốc đất đá, cự ly vận tải, v.v… và các biện pháp cụ thể để đấu tranh hạ giá thành. Nếu thiếu các cơ sở và biện pháp chủ yếu nói trên thì khi đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch hạ giá thành sẽ gặp khó khăn và thiếu chính xác, khách quan.

Các bộ, các tổng cục và các ngành chủ quản xí nghiệp các ban giám đốc xí nghiệp cần quan tâm hơn nữa đối với việc quản lý chỉ tiêu giá thành.

Các Ủy ban Kế hoạch địa phương cũng như các ty quản lý sản xuất kinh doanh cần tăng cường và củng cố phần quản lý giá thành, nhằm giúp đỡ các xí nghiệp địa phương lập được kế hoạch giá thành và phí lưu thông một cách chính xác, có cơ sở khoa học, đồng thời tập hợp được kế hoạch giá thành trình ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố duyệt và giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch giá thành và phí lưu thông cùng với kế hoạch sản xuất, kế hoạch lưu chuyển hàng hóa của địa phương.

Đối với việc lập kế hoạch giá thành và phí lưu thông năm 1964, để có cơ sở so sánh giữa năm kế hoạch và năm báo cáo, các bộ, các tổng cục, các ngành, các xí nghiệp căn cứ vào những quy định mới của Nhà nước, rút những khoản chi phí không hợp lý ra khỏi giá thành phí lưu thông năm 1963 để so sánh mức tăng giảm giữa hai năm 1963 và 1964.

Những bộ, tổng cục nào, xí nghiệp nào đã lập kế hoạch giá thành và phí lưu thông của năm 1964 theo cách tính toán cũ (1963) cũng căn cứ theo các thông tư mới này, rút các khoản chi phí không thích hợp ra và trừ vào tổng số của cả hai năm 1963 và 1964 để kịp trình duyệt; sau đó phải theo quy định mới, lập các bản đính chính, bản dự toán chi phí sản xuất tính theo yếu tố và bản tổng giá thành tính theo khoản mục, rồi phân bổ vào giá thành đơn vị sản phẩm.

Đối với các bộ, các tổng cục, các ngành có liên quan, Ủy ban kế hoạch Nhà nước yêu cầu nghiên cứu gấp và đề nghị những quy định cụ thể về thiên tai hỏa hoạn, về mức hoa hụt tự nhiên của nguyên vật liệu thành phẩm, về tiêu chuẩn thuốc men cho công nhân, viên chức trong khu vực sản xuất, trợ cấp gia đình khó khăn, v.v… và xây dựng thành chế độ.

Các mặt công tác khác như việc định mức kinh tế kỹ thuật để làm căn cứ lập và xét duyệt kế hoạch giá thành, việc phát động quần chúng công nhân tham gia xây dựng và quản lý giá thành, phấn đấu giảm giá thành, v.v… phải được đẩy mạnh hơn nữa theo yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

Các bộ, các tổng cục, các ngành cũng như các đơn vị xí nghiệp cần quán triệt hơn nữa ý nghĩa của chỉ tiêu giá thành mà tăng cường việc quản lý giá thành từ bước lập kế hoạch, hạch toán và phân tích giá thành đến việc có những biện pháp cụ thể đấu tranh hạ thấp giá thành một cách có kế hoạch và hệ thống.

Trong khi thực hiện những quy định mới nếu gặp khó khăn, mắc mứu gì đề nghị các bộ, các tổng cục, các ngành, các xí nghiệp phản ánh kịp thời cho Ủy ban kế họach Nhà nước nghiên cứu và góp ý kiến hướng dẫn thêm để việc thi hành được nhanh và tốt.

Thông tư số 186-UB-TC ngày 20 tháng 01 năm 1961 của Ủy ban kế hoạch Nhà nước từ ngày 01 tháng 01 năm 1964 không còn giá trị thi hành.

K.T CHỦ NHIỆM ỦY BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
PHÓ CHỦ NHIỆM




Lê Viết Lượng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 191-UB-TT-TC năm 1963 hướng dẫn điều lệ tạm thời và thông tư bổ sung của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch, hạch toán, thống kê giá thành và phí lưu thông đối với các ngành kinh tế quốc doanh do Ủy ban kế hoạch Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 191-UB-TT-TC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/12/1963
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước
  • Người ký: Lê Viết Lượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 46
  • Ngày hiệu lực: 03/01/1964
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản