Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG LÂM
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19-TT

Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 1959

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TRẢ LƯƠNG THEO SẢN PHẨM TRÊN CÁC CHI NHÁNH QUỐC DOANH LÂM KHẨN

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Ủy ban Hành chính các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bắc Giang. Ông Giám đốc Cục Lâm nghiệp.
- Các ông Quản đốc Chi nhánh Quốc doanh lâm khẩn.
- Ông Bộ trưởng Bộ Lao động
- Tổng liên đoàn lao động Việt Nam

Căn cứ Thông tư 04-LĐ/TL ngày 11-02-1959 của Bộ Lao động tạm thời ấn định nguyên tắc, nội dung và hướng dẫn thực hiện chế độ lương sản phẩm,
Căn cứ tình hình đặc điểm sản xuất của các Chi nhánh Lâm khẩn,
Bộ ban thành Thông tư hướng dẫn thực hiện lương sản phẩm như sau:

I. YÊU CẦU, MỤC ĐÍCH

Thông tư số 04-LĐTL ngày 11-02-1959 của Bộ Lao động đã nói rõ yêu cầu, mục đích của việc thực hiện lương theo sản phẩm. Căn cứ tình hình sản xuất của ngành lâm khẩn, việc thực hiện chế độ lương theo sản phẩm nhằm đạt mấy yêu cầu sau đây:

1. Cải tiến chế độ trả lương để quán triệt đầy đủ nguyên tắc cơ bản của tiền lương xã hội chủ nghĩa là “hưởng thụ theo lao động” để kích thích mọi người ra sức thi đua trau dồi nghề nghiệp, cải tiến hợp lý hóa tổ chức, không ngừng nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh sản xuất hạ giá thành sản phẩm.

2. Trên cơ sở năng suất được nâng cao mà tăng thêm thu nhập tiền lương, cải thiện dần đời sống cho công nhân, cổ vũ mọi người thi đua “làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ, và an toàn” nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước nước 1959 và 3 năm.

3. Nâng cao hơn nữa trình độ tổ chức quản lý sản xuất của công nhân và cán bộ, tăng cường tinh thần chủ nhân, động viên cán bộ công nhân tham gia xây dựng kế hoạch và tổ chức quản lý sản xuất được hợp lý. Khắc phục tác phong quan liêu đại khái trong cán bộ.

II. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN TRẢ LƯƠNG THEO SẢN PHẨM

Về điều kiện thực hiện lương theo sản phẩm, Thông tư Bộ Lao động đã nói rõ, khi chuẩn bị thực hiện cần nghiên cứu kỹ. Về nội dung và phương pháp thực hiện phải tùy theo tình hình đặc điểm sản xuất mà áp dụng cho thích hợp. Do đó ngành lâm khẩn khi tiến hành lương theo sản phẩm cần chú ý những đặc điểm sau đây:

- Yêu cầu sản xuất và khai thác gỗ từ trong rừng ra đến bến tiêu thụ, sản xuất phải qua nhiều giai đoạn, tổ chức có nhiều bộ phận như: chặt hạ, lao kéo, vận chuyển, v.v… nhưng đều có liên quan chặt chẽ trong một giây chuyền sản xuất.

- Phương tiện sản xuất nơi thủ công, nơi bán cơ khí: trâu, voi, máy kéo, ô-tô, mỗi nơi cũng trang bị khác nhau. Điều kiện rừng gỗ, phạm vi khai thác, cự ly vận xuất cũng khác nhau trong một cơ sở.

- Tổ chức lao động có nơi tổ chức hỗn hợp vừa thủ công vừa cơ khí, nhiều bộ phận khác nhau trong một đội, có nơi tổ chức riêng, v.v… Trình độ nghề nghiệp của công nhân cũng khác nhau, nhưng cùng làm chung một bộ phận sản xuất ra một sản phẩm như nhau.

1. Định mức:

Ý nghĩa quan trọng và nguyên tắc định mức để trả lương theo sản phẩm trong Thông tư số 04/LĐTC ngày 11-02-1959 Bộ Lao động đã nói rõ, Thông tư này Bộ chỉ hướng dẫn cách định mức như thế nào chi thích hợp với đặc điểm sản xuất của ngành lâm khẩn:

Phương pháp định mức trung bình tiên tiến:

Định mức để trả lương theo sản phẩm phải là mức trung bình tiên tiến, Nghĩa là tìm mức trung bình của đa số người đạt được rồi nâng lên mức tiên tiến. Làm thế nào để tìm được mức trung bình tiên tiến? Phương pháp tìm mức có căn cứ kỹ thuật thì tùy theo tình hình cụ thể của mỗi nơi mà áp dụng phương pháp đã hướng dẫn tại Thông tư số 24-LĐTT ngày 30-11-1957 của Bộ Lao động. Ngành Lâm khẩn đại bộ phận sản xuất thủ công, chịu nhiều ảnh hưởng điều kiện thiên nhiên, nên cách định mức có thể áp dụng nhiều cách. Nhưng hiện nay các Chi nhánh thí điểm phần nhiều áp dụng phương pháp thống kê kinh nghiệm, tức là căn cứ vào số liệu thống kê mức sản xuất của quý trước, phân tích tổ chức lao động, phương pháp làm việc trước, điểm nào chưa hợp lý, phương tiện dụng cụ sản xuất tốt xấu, thiếu đủ, cơ giới hay thủ công, tình hình rừng gỗ nhiều hay ít, loại gỗ gì nhiều, khai thác trên cao hay dưới thấp, đường lao kéo, vận xuất xa gần, khó đi hay dễ đi, tình hình thời tiết lúc bấy giờ thế nào mà nhận định mức sản xuất cũ đã tiến bộ chưa. Khả năng có thể cải tiến được những điểm bất hợp lý, cộng với tình hình thuận lợi hiện nay (thời tiết, rừng, gỗ, công cụ sản xuất, tinh thần thi đua của công nhân) thì mức có thể nâng lên bao nhiêu thì vừa, mức đó có thể qua cố gắng liên tục của đa số công nhân thì đạt và vượt được mức.

Định mức do quản đốc chi nhánh và cán bộ kỹ thuật nghiên cứu làm dự kiến và đưa ra công nhân tham gia ý kiến, đem áp dụng thử trong thời gian ngắn, chỉnh lý lại các mức chưa sát rồi mới quyết định công bố chính thức. Tránh dùng phương pháp dân chủ bình nghị để định mức. Công đoàn, Thanh niên lao động có trách nhiệm động viên công nhân tham gia ý kiến rộng rãi để xây dựng mức cho tốt.

Định mức phải đi đôi với việc phổ biến kinh nghiệm tiền tiến. Khi đã có mức mới, cán bộ có trách nhiệm tạo điều kiện, bố trí đầy đủ phương tiện và phải giúp đỡ công nhân đạt và vượt mức.

2. Thay đổi mức và xét duyệt mức:

Do đặc điểm sản xuất của ngành lâm khẩn còn lệ thuộc khá nhiều vào điều kiện thiên nhiên, nên mức sản xuất không bình thường mà mức sản xuất phải định cho phù hợp với khả năng điều kiện làm việc của mỗi nơi mỗi lúc. Do đó trong một Chi nhánh có thể có nhiều mức trung bình tiền tiến khác nhau, có khi định mức mới thấp hơn mức cũ mà vẫn không mất tính chất tiền tiến của mức.

Mỗi Chi nhánh sẽ căn cứ vào khả năng và yêu cầu sản xuất và điều kiện khai thác của Chi nhánh mà định mức trung bình tiền tiến chung cho toàn Chi nhánh trong một thời gian từ 3 đến 6 tháng. Trong thời gian đó nếu địa điểm khai thác thay đổi, thì Chi nhánh căn cứ vào mức trung bình chung mà xét tình hình cụ thể của địa điểm mới mà định mức trung bình tiền tiến riêng cho thích hợp với khả năng của đội đó trong một thời gian nhất định. Thời gian sản xuất của mỗi đội không nhất thiết giống nhau mà tùy theo khả năng rừng từng lô, cúp mà định cho thích hợp.

Nhưng tránh thay đổi mức nửa chừng, mặc dù trong một lô, cúp điều kiện sản xuất khác nhau về cự ly lao kéo, về loại đường, loại gỗ. Chỗ gần bù xa, dễ bù khó trong một lô cúp để đảm bảo mức trung bình tiền tiến một thời gian từ 3 đến 6 tháng sẽ xét lại mức. Nhưng không nhất thiết khi xét lại là thay đổi tất cả các mức. Nếu sau khi xé tlại mức thấy có những mức cũ còn có tính chất tiền tiến chưa có nhân tố gì làm ảnh hưởng đến mức cũ thì vẫn tiếp tục duy trì mức cũ.

Trong trường hợp dưới đây thì, mặc dù chưa đến kỳ hạn xét lại mức cũng có thể sửa đổi mức:

a) Điều kiện làm việc thay đổi (có thuận tiện hoặc khó khăn hơn trước).

b) Kỹ thuật sản xuất, phương pháp làm việc thay đổi theo sự hướng dẫn của ban phụ trách xí nghiệp. Khi có sáng kiến phát minh đã được phổ biến hướng dẫn cho công nhân áp dụng thì mức sẽ thay đổi.

c) Thiết bị máy móc, dụng cụ nguyên vật liệu có thay đổi.

d) Tổ chức sản xuất, tổ chức lao động có thay đổi quy cách kỹ thuật, quy cách chất lượng sản phẩm có thay đổi.

đ) Khi xét định mức có sai lầm nhiều.

Việc sửa đổi mức phải theo đúng phương pháp quan sát về mọi mặt trong sản xuất, phân tích kỹ càng và suy xét đến những nhân tố tiền tiến có tác dụng nâng cao mức sản xuất, tóm lại phải căn cứ kỹ thuật.

3. Cách tính đơn giá.

Muốn tính lương trả theo sản phẩm thì trước tiên phải tính giá công sản xuất ra mộ đơn vị sản phẩm. Đơn vị của sản phẩm có thể là một mét (m) mét khối (1m3) v.v… Sau khi đã có đơn giá sẽ căn cứ vào số lượng sản phẩm hợp quy cách để tính lương cho công nhân. Trong khi tính đơn giá phải đảm bảo nguyên tắc: “cùng sản xuất một sản phẩm như nhau, cùng hoàn cảnh sản xuất và phương tiện như nhau thì đơn giá phải như nhau” cho nên đơn giá phải tính theo lương cấp bực công việc chứ không phải tính theo lương cấp bực của công nhân làm công việc đó. Do đó cấp bực thợ trong một đơn vị sản xuất có thể khác nhau nhưng đơn giá không khác nhau. Cho nên trước khi định đơn giá cần phải xác định công việc đó cần làm bao nhiêu người và trình độ thợ ở bực nào là chủ yếu để lấy lương của thợ cấp bực đó để tính đơn giá.

Cách tính đơn giá cho một đơn vị sản xuất:

Tổng số lương cấp bực công việc đó

= đơn giá

Mức sản phẩm

Ví dụ: Một tổ xuôi bè cần 4 người thợ, mức định 50m3 từ bến Mục đi Hàm Rồng trong thời gian 25 ngày rưỡi. Trong tổ 4 người đo cần có 1 công nhân bực 4 là 51đ, 2 công nhân bực 3 là 46 đồng, 1 công nhân bực 2 là 41đ, thì đơn giá 1m3 gỗ đến bến Hàm Rồng là:

51đ + (46đ x 2) + 41đ

= 3đ68

50m3

Trường hợp Chi nhánh điều động đi 1 công nhân bực 3, điều đến 1 công nhân bực 4 hoặc bực 2 tức là cấp bực của công nhân có thay đổi nhưng đơn giá vẫn là 3đ68.

Định mức và đơn giá là hai vấn đề liên quan mật thiết với nhau, mức thay đổi, thì đơn giá sẽ thay đổi, do đó sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của công nhân. Vì vậy khi mức lạc hậu, cần phải nâng cao lên, có thể kết hợp nâng mức lên trong khi định mức lại, cho một đội sản xuất thay đổi lô rừng khai thác. Khi nâng mức trung bình tiền tiến lên, cán bộ cần có biện pháp cụ thể hướng dẫn, giúp đỡ công nhân nắm được kỹ thuật mới, để mau chóng đạt và vượt mức. Mặt khác khi định đơn giá mới cần chú ý định thế nào mà thu nhập của người công nhân khi đạt mức mới, được cao hơn ít nhiều so với khi đạt mức cũ (Trừ trường hợp định mức có sai lầm thì không đặt ra).

Ví dụ: Định mức cũ cho đơn vị khai thác gỗ một ngày là 5m3 gỗ, (không sai lầm) theo mức lương ngày của cả đơn vị đó là 33đ thì đơn giá là (1m3).

Giá tiền 1m3

33đ

5m3

= 6đ6

Nếu đạt mức cũ thì đơn vị ấy mỗi ngày thu nhập 33đ. Nay mức mới nâng lên 6m3 (tăng hơn mức cũ 20%). Khi định đơn giá mới phải làm thế nào mà đơn vị đó sẽ thu nhập cao hơn 33đ và giá thành sẽ hạ xuống. Ví dụ: Đơn giá mới định 5đ8 1m3 gỗ. Vậy khi đạt được mức mới 6m3 thì thu nhập của đơn vị ấy sẽ là 5đ8 x 6m3 = 34đ8. So với thu nhập cũ tăng lên 34đ8 – 33đ = 1đ8. Tỷ lệ tăng 5,4% và giá thành cũng được hạ 1m3 gỗ là 6đ6 - 5đ8 = 0đ8.

Trong trường hợp nâng mức trung bình tiền tiến chung cho toàn Chi nhánh, Cục Lâm nghiệp tùy theo mức độ nâng mức trung bình tiền tiến nhiều hay ít mà cho Chi nhánh tăng mức lương khuyến khích tối đa là 10% lương cấp bực. Khi chi nhánh nâng mức trung bình cho các đội sản xuất thì tùy theo mức độ nâng mức nhiều ít mà cho tỷ lệ khuyến khích riêng cho từng đội để cộng tỷ lệ đó và lương cấp bực mà chia đơn giá. Nhưng phải đảm bảo nguyên tắc: Tổng số tỷ lệ lương khuyến khích của các đội không vượt quá tỷ lệ khuyến khích cho toàn đơn vị.

4. Công tác theo dõi, thống kê, kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm trong quá trình thực hiện lương sản phẩm:

Trong quá trình thực hiện chế độ lương theo sản phẩm, việc thống kê, kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm là một vấn đề rất quan trọng. Các Chi nhánh lâm khẩn phải tích cực làm tốt công tác này.

- Nắm được tình hình thực hiện mức, nắm được số lượng sản phẩm đã làm ra, phát hiện những người, những đơn vị không đạt được mức, tìm ra nguyên nhân để kịp thời giúp đỡ công nhân đạt và vượt mức.

- Nắm được tình hình đảm bảo phẩm chất, số nguyên vật liệu tiêu dùng, tỷ lệ phế phẩm, tìm ra phương pháp sửa chữa cho hết phế phẩm, hoặc giảm tỷ lệ phế phẩm và quy định tiền lương của những phế phẩm đó.

- Tìm ra những công nhân hoặc đơn vị sản xuất tiền tiến lương của những phế phẩm đó.

- Tìm ra những công nhân hoặc đơn vị sản xuất tiền tiến tổng kết và nghiên cứu kinh nghiệm của những công nhân đơn vị đó đem phổ biến rộng rãi trong công nhân, phát hiện khả năng có thể nâng cao mức sản xuất.

- Phát hiện ra những mức cao quá hoặc thấp quá trở ntại đến việc nâng cao năng suất lao động và ảnh hưởng quan hệ tiền lương hợp lý trong công nhân. Tính ra khuyết điểm trong công tác định mức và những lệch lạc đối với chính sách tiền lương.

- Kịp thời bố trí công việc cho những đơn vị đã hoàn thành vượt sản phẩm, rút ngắn thời gian công tác để tiếp tục sử dụng hết khả năng lực lượng công nhân.

Để đảm bảo công tác nói trên các Chi nhánh lâm khẩn phải bố trí cán bộ có năng lực nghiệp vụ kỹ thuật chuyên trách làm công tác này. Quy định chế độ công tác làm rõ ràng trong việc thống kê, kiểm tra, nghiệm thu để thường xuyên theo dõi và giúp cho Chi nhánh uốn nắn kịp thời.

5. Bình công chấm điểm và phân phối tiền lương cho mỗi người trong đơn vị:

Để thực hiện nguyên tắc phân phối xã hội chủ nghĩa “hưởng thụ theo lao động” thì phải áp dụng phương pháp bình công chấm điểm cho cá nhân trong mỗi ngày sản xuất: có như thế mới theo dõi được năng suất lao động của mọi người mà phân phối tiền lương cho thích đáng. Phương pháp bình công chấm điểm thì tùy theo tình hình mỗi đơn vị mà nghiên cứu hướng dẫn áp dụng cho thích hợp nhưng tránh bình quân, đồng thời tránh lệ thuộc nhiều vào cấp bực cá nhân quá. Người làm nhiều, làm giỏi, phải hưởng thụ nhiều hơn người làm ít, làm kém, có như thế mới kích thích được mọi người phát huy nhiệt tình lao động của mình để đưa năng suất lao động mỗi ngày được nâng cao.

Việc chia tiền là một vấn đề thiết thân của mỗi người không thể chủ quan, coi thường, mà phải đặc biệt chú ý lãnh đạo. Phải thực sự dựa vào công nhân, giáo dục cho công nhân quán triệt được nguyên tắc nói trên để anh chị em tham gia góp ý kiến trong việc bình công chấm điểm, nhưng đồng thời phải giáo dục đề cao ý thức giai cấp, để cho mỗi người tự nguyện tự giác, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau đoàn kết sản xuất, tránh tình trạng suy bì, kèn cựa thiếu phấn khởi, mất đoàn kết nội bộ ảnh hưởng đến sản xuất.

III. VIỆC THI HÀNH CÁC CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN LĨNH LƯƠNG THEO SẢN PHẨM

Thông tư số 04/LĐTT ngày 11-02-1959 của Bộ Lao động có nói rõ, các Chi nhánh cần nghiên cứu để thi hành. Thông tư này Bộ nói rõ hai trường hợp sau đây:

1. Trường hợp đơn vị nhận khoán không đạt được mức khoán, thì cần phải tìm nguyên nhân, nếu do nguyên nhân khách quan thì có thể xét châm chước, không nhất thiết mức đạt bao nhiêu thì trả lương mặc dù không đạt được mức. Nếu do chủ quan của công nhân trong đơn vị khoán gây ra thì không trả lương nhưng không để cho mỗi người công nhân sụt dưới 80% lương bản thân.

2. Trường hợp sản phẩm không đúng quy cách nhưng còn dùng được (hàng xấu) thì tùy tình hình cụ thể nếu do Chi nhánh hướng dẫn thiếu sót thì Chi nhánh phải trả đủ lương cho công nhân, nếu do công nhân làm sai thì Chi nhánh trả lương theo một đơn vị thấp hơn giá chung đã quy định. Nếu sản phẩm quá xấu, trả lương thấp quá 80% lương cấp bực, thì Chi nhánh châm chước có thể nâng lên cho đủ 80% lương cấp bực của mỗi người.

3. Trường hợp mất dụng cụ, hư hỏng ô-tô, máy kéo, trâu, voi què hoặc chết, nếu nguyên nhân do công nhân sử dụng bừa, không chăm sóc bảo quản tốt thì nguyên nhân tắc là đơn vị nhận khoán phải bồi thường, bồi thường bao nhiêu do hội đồng định giá quyết định. Nhưng trường hợp số tiền bồi thường đó bằng 80%, lương cấp bậc trở lên của toàn đơn vị nhận khoán, thì phải lập biên bản báo cáo về Bộ giải quyết. Trong khi chờ Bộ giải quyết thì Chi nhánh vẫn phải tạm thời trả 80% lương bản thân cho mỗi người để anh chị em tiếp tục sản xuất, khi kết luận bồi thường xe thanh toán sau.

IV. KIỆN CHUẨN BỊ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ LƯƠNG THEO SẢN PHẨM

Trong nghị quyết của hội nghị kiểm điểm việc thi hành Nghị quyết của Trung ương Đảng về vấn đề trả lương theo sản phẩm của Bộ từ ngày 21-02-1959 có đặt nhiệm vụ cho các Chi nhánh lâm khẩn là “kiểm điểm rút kinh nghiệm củng cố và mở rộng chế độ lương theo sản phẩm của chi nhánh Nghệ An. Đồng thời áp dụng từng bước vững chắc chế độ lương theo sản phẩm ở các Chi nhánh Lâm khẩn khác”.

Chế độ lương theo sản phẩm có nhiều ưu điểm, nhưng phải phù hợp với đặc điểm yêu cầu sản xuất và kiện cụ thể nhất định. Có 2 điều kiện chính:

- Tổ chức sản xuất tương đối ổn định và sản xuất yêu cầu tăng số lượng hoặc rút ngắn thời gian để hoàn thành vượt mức kế hoạch.

- Tính chất sản xuất có thể định mức và theo dõi được số lượng và chất lượng sản phẩm.

Thiếu một trong hai điều kiện căn bản trên thì không thi hành được chế độ lương theo sản phẩm. Nhưng có điều kiện đó chưa đủ mà cần phải có sự chuẩn bị chu đáo về tư tưởng, tổ chức và định mức thì mới thực hiện lương theo sản phẩm được tốt.

Nội dung chuẩn bị trong Thông tư số 04/LĐTT ngày 11-02-1959. Bộ Lao động đã nói rõ; Thông tư này chỉ nhấn mạnh việc chuẩn bị tư tưởng và giáo dục chính sách. Bản thân chế độ lương theo sản phẩm là tiến bộ nhưng cũng còn những nhược điểm, nếu không chú trọng giáo dục chính sách, làm cho mọi người quán triệt được ý nghĩa mục đích yêu cầu của nó thì dễ khiến cho công nhân nặng về lợi ích trước mắt, ít quan tâm đến lợi ích lâu dài, nặng về lợi ích cá nhân không quan tâm đến lợi ích xã hội. Cần nhấn mạnh mục đích chủ yếu của chế độ lương theo sản phẩm là nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành phát triển sản xuất trên cơ sở đó thu nhập của mọi người công nhân được tăng lên một cách hợp lý. Vì vậy chế độ lương theo sản phẩm kết hợp được chặt chẽ lợi ích cá nhân với lợi ích chung. Lương theo sản phẩm là một công tác quan trọng trong việc lãnh đạo sản xuất, quản lý xí nghiệp, cán bộ công nhân thông qua việc thi hành chế độ lương theo sản phẩm mà thực hiện một phần quyền dân chủ quản lý xí nghiệp của mình. Cũng thông qua giáo dục chính sách lương theo sản phẩm mà đề cao hơn nữa ý thức chủ nhân, tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ đấu tranh thống nhất nước nhà ra sức thi đua “làm nhiều nhanh, tốt, rẻ, đảm bảo an toàn lao động” hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1959 và 3 năm.

Đi đôi với việc chuẩn bị về tư tưởng phải chú trọng chuẩn bị về tổ chức. Để đảm bảo thực hiện tốt chế độ lương theo sản phẩm cần phải có sự lãnh đạo thống nhất cho nên cần phải có ban lãnh đạo do quản đốc hoặc phó quản đốc trực tiếp phụ trách dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy chi nhánh. Ngoài ra cần phải bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi thống kê, hướng dẫn kỹ thuật, giúp đỡ cho công nhân đạt mức và vượt mức trung bình tiên tiến.

Việc thực hiện và mở rộng dần chế độ lương theo sản phẩm có một ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, đặc biệt là năm 1959 là năm “bản lề” của kế hoạch 3 năm. Chế độ lương theo sản phẩm quán triệt được nguyên tắc “vì lợi ích vật chất mà khuyến khích đông đảo quần chúng công nhân viên chức một cách sáng tạo”, do đó làm động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc phát triển sản xuất, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1959 và 3 năm.

Nhưng thực hiện chế độ lương theo sản phẩm là công tác có nhiều khó khăn và phức tạp. Các Chi nhánh cần phải quan tâm đầy đủ, tập trung lãnh đạo, động viên cán bộ công nhân tích cực phát huy thuận lợi khắc phục khó khăn để mở rộng chế độ lương theo sản phẩm cho tốt. Nhưng phải nắm vững phương châm. Tiến hành thí điểm và mở rộng chế độ trả lương theo sản phẩm một cách tích cực và phải làm từng bước vững chắc, có trọng tâm, có lãnh đạo chặt chẽ.

Căn cứ Thông tư số 04/LĐTT ngày 11-02-1959 của Bộ Lao động và Thông tư này, Cục Lâm nghiệp có kế hoạch hướng dẫn cụ thể cho các Chi nhánh thực hiện. Cục Lâm nghiệp phải cử cán bộ chuyên trách theo dõi nắm tình hình giúp cho Cục, Bộ phát hiện những khó khăn để kịp thời giải quyết.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM
THỨ TRƯỞNG





Lê Duy Trinh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 19-TT năm 1959 hướng dẫn chế độ trả lương theo sản phẩm trên các Chi nhánh Quốc doanh lâm khẩn do Bộ Nông Lâm ban hành

  • Số hiệu: 19-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/05/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Nông lâm
  • Người ký: Lê Duy Trinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản